Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Ý nghĩa Kate, một lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay

Ý nghĩa Kate, một lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay



Ts. Po Dharma   
kate1
Ts. Po Dharma
Thay lời của BBT: Ts. Po Dharma, gốc người Chăm Phan Rang, tốt nghiệp đại học Sorbonne (Paris), hiện là Pgs. tại Viện Viễn Đông Pháp, đã từng xuất bản 18 tác phẩm bằng tiếng Pháp liên quan đến văn hóa và lịch sử Champa.
“Ý nghĩa Kate, một lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay” mà chúng tôi xin đăng trong Harak Champaka 41 là mộttrong những chủ đề văn hóa và tín ngưỡng Champa mà Ts. Po Dharma đã đưa ra thảo luận trong ngày đại hội “Bảo tồn và pháttriển văn hóa tinh thần tại Việt Nam” do UNESCO tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15-24 tháng 3 năm 1994.
Đây là quan điểm của một nhà khoa học về ý nghĩa Kate, chứ không phải là quan điểm của một thành viên người Chăm xuất thân từ tỉnh Ninh Thuận.

Champa là vương quốc đa chủng tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Trước thế kỷ thứ 15, dân tộc Champa thờ đa thần mang đậm sắc văn hóa Bà La Môn Giáo. Sau thế kỷ thứ 15, dân tộc Champa nhận thêm một nền văn minh nữa đó là Hồi Giáo.
Riêng về dân tộc Chăm, cộng đồng này chia thành 2 nhóm tín ngưỡng khác nhau: Chăm Ahier (tạm gọi là Bà La Môn) và Chăm Awal (còn gọi là Chăm Bani, tức là Hồi Giáo không chính thống) và Chăm Islam (Hồi Giáo chính thống).
Mỗi tôn giáo có một số lễ tục riêng biệt. Nếu Kate, Ca-mbur, v.v. là lễ tín ngưỡng của người Chăm Ahier thì Ramawan, Talaih Waha, Kareh, v,v, là lễ tín ngưỡng của người Chăm Awal. Bên cạnh những lễ tục riêng rẽ của từng tôn giáo, cộng đồng Chăm Ahier và Awal còn có một số lễ tục chung như Suk Yeng, Rija Nagar, Palao Sah, v.v.
Cộng đồng Chăm Ahier có rất nhiều lễ tục, nhưng Kate là một lễ tục quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng của họ. Mặc dù Kate thường diễn ra vào ngày mồng 1 tháng 7 Chăm lịch (tháng 9- 10 dương lịch) trên đền tháp mang đậm nét nền kiến trúc Ấn Giáo, nhưng chủ nhân của Kate phải là dân tộc Chăm, vì người Ấn không có lễ tục này. Nói đến nguồn gốc Kate, thì người ta phải nói đến sự phát triển của nó chỉ nằm trong biên giới tín ngưỡng của tiểu vương quốc Panduranga bao gồm khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và thánh địa Nha Trang nơi có đền Po Ina Nagar. Cho đến hôm nay, không có tư liệu lịch sử nào nói đến lễ Kate ở tiểu vương quốc miền bắc như Vijaya hay Amaravati.
Gần mấy năm qua, vấn đề Kate đã trở thành một chủ đề tranh cãi trong cộng đồng người Chăm tại hải ngoại để rồi Kate là một lễ tục, biến thành hai lễ hội và mang hai ý nghĩa khác nhau.
Nếu Kate đang lâm vào con đường thoái hóa tại hải ngoại hôm nay, không phải là vì Kate bị toàn cầu hóa trong một quốc gia tân tiến mà là bị dân chủ hóa thành ngày “quốc lễ Champa” hay ngày “kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa” mà mục tiêu chỉ nhằm xây dựng một thể loại văn chương đấu tranh dựa vào “chủ nghĩa quốc gia” để làm bàn đạp cho sự phát triển ý thức hệ “ đoàn kết dân tộc “ không phân biệt tôn giáo và địa phương. Sự khác biệt về định nghĩa cũng như mô hình tổ chức của lễ tục Kate tại hải ngoại đã gây ra một sự khủng hoảng trầm trọng trong xã hội, có thể làm đảo lộn cả một thế giới tâm linh của người Chăm Ahier, dấy thêm sự hiểu lầm về vị trí và vai trò của dân tộc Chăm Awal đối với bậc tiền nhân và di sản văn hóa Champa mà không ai có thể đo lường được thế nào là hậu quả của nó.
A. Lễ tục Kate
Đứng trên phương diện tín ngưỡng, Kate là một lễ tục (tiếng Pháp : cérémonie, culte, nghi lễ mang tính cách tôn giáo) của cộng đồng người Chăm Ahier, do các tăng lữ (clergesù) Chăm Ahier gồm có Ông Basaih, Ông Bac và Po Adhia đứng ra chủ trì buổi lễ trên 3 đền tháp nằm trong khu vực tỉnh Ninh Thuận, đó là đền Po Klaong Garai, Po Inâ Nagar và Po Romé. Trong khu vực Phan Rí, người Chăm Ahier cũng tổ chức ngày Kate tại đền tháp, nhưng theo truyền thống, lễ này không có sự hiện diện của các vị tăng lữ của giáo phái Ahier trong ngày lễ.
Nhân dịp ngày Kate, các bà con Chăm Ahier, tùy theo lời nguyện ước chứ không phải là sự bó buộc, thường lên đền tháp để dâng lễ vật cho thần linh và dân tộc Raglai cũng có mặt trong buổi lễ để giao cho tăng lữ Chăm Ahier những bảo vật của thần linh mà họ có trách nhiệm bảo quản. Riêng về đền Po Romé, trong ngày Kate, có sự hiện diện của ông Camnei (người giữ kho hay bảo vật), gốc người Chăm Bani, làng Hậu Sanh, sau này trở về sinh sống tại thôn Văn Lâm.
Bên cạnh tín đồ Chăm Ahier trong ngày Kate, người ta còn thấy một số bà con Chăm Awal cả người Việt cũng lên đền tháp để cúng quẩy hay cầu nguyện.
Sau ngày lễ tục trên đền tháp, bà con Chăm Ahier tổ chức ăn mừng Kate trong thôn làng (Kate Palei) và cuối cùng là Kate trong gia đình (Kate Muk Kei).
Vì Kate là một lễ tục nằm trong hệ thống tín ngưỡng thuộc về cộng đồng Chăm Ahier, thành vậy không có sự hiện diện của tăng lữ Chăm Awal (như Po Gru, Imam, Katip) trên đền tháp để chủ trì buổi lễ và cũng không có bà con Chăm Awal tổ chức Kate trong thôn làng và gia đình của họ.
Nói đến hệ thống tín ngưỡng của người Chăm, thì người ta phải nói đến hai lễ tục lớn nhất, đó là lễ Kate của người Chăm Ahier và lễ Ramawan của người Chăm Awal. Hai lễ tục này đều có giá trị văn hóa ngang nhau cấu thành di sản tinh thần của vương quốc Champa lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế, khi nói đến Kate thì cộng đồng người Chăm Ahier tự động đứng ra tổ chức lễ tục này trong khi đó bà con Chăm Awal chỉ có bổn phận đến tham gia và chúc mừng. Khi nói đến Ramawan, thì người Chăm Awal tự tiện làm tròn bổn phận để hình thành ngày lễ trong khi đó bà con Chăm Ahier chỉ chờ ngày đến chia vui và chúc mừng. Chính vì thế, văn chương Chăm có thành ngữ: Cam ngap Kate, Bani pa-mbeng Muk Kei (Chăm Ahier làm lễ Kate và Chăm Awal tổ chức Ramawan).
a). Sự hiện của dân tộc Raglai
Trong ngày lễ tục Kate, lúc nào cũng có sự hiện diện của người Raglai, nhưng sự hiện diện này không biểu tượng cho yếu tố tín ngưỡng mà là yếu tố chức nghiệp trong hệ thống tổ chức hành chánh Champa thời trước. Raglai là cộng đồng thường được triều đình Champa giao cho vai trò giữ gìn một số bảo vật của thần linh, vì số còn lại vẫn do ông Camnei người Chăm giữ gìn. Và sự hiện diện của họ chỉ nói lên mối liên hệ lịch sử giữa dân tộc Chăm và Raglai trong một quốc gia Champa đa chủng tộc hơn là biểu tượng cho yếu tố tôn giáo. Chính vì thế, dân tộc Raglai cũng không tổ chức Kate trong thôn xóm và gia đình của họ. Nếu người Raglai không đến tham dự Kate vì lý do gì đó, buỗi lễ Kate vẫn tiến hành.
b). Sự hiện của Camnei Awal
Theo truyền thống, người Chăm Ahier ở khu vực Phan Rang có 3 ông Camnei chịu trách nhiệm giữ bảo vật của 3 vị thần linh được thờ phượng tại 3 đền tháp, đó là thần Po Klaong Garai, Po Romé và Po Inâ Nagar. Riêng về thần Po Romé (vị vua đã hóa thần, sau ngày qua đời), ông Camnei giữ bảo vật của ngài là người Chăm Awal.
Quyền giữ bảo vật của Po Romé là người Chăm Awal không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, vì Po Romé có hoàng hậu gốc Hồi Giáo. Thêm vào đó, ông Camnei chỉ là một người nằm trong nhóm Gru Urang như ông Kaleng, Kadhar, Maduen, v.v.. Gru Urang là những chức sắc không đại diện cho giáo phái, có nghĩa vụ chủ trì một số lễ nghi nằm trong lễ tục của người Chăm. Cộng đồng đại diện cho giáo phái gọi là Po Aw Kaok (các vi mặc áo trắng). Đại diện cho giáo phái Ahier gồm có các bậc tăng lữ Po Adhia, Bac, Basaih. Đại diện cho giáo phái Awal có Po Gru, Imam, Katip, Acar.
Theo truyền thống, ông Camnei không nhất thiết phải là người Chăm Ahier và sự hiện diện của ông Camnei Awal trong lễ Kate cũng không khác gì như sự hiện diện của ông Kadhar của người Chăm Ahier trong các lễ Puis, Payak do bà con Chăm Awal tổ chức.
Trong ngày Kate, ông Camnei Awal này tham gia buổi lễ với tư cách là Gru Urang chứ không phải với tư cách là người Chăm Awal. Chính vì thế, sau ngày Kate trên đền tháp, ông ta không tổ chức Kate trong gia đình của ông ta, mặc dù sinh sống với bà con Chăm Ahier trong làng Hậu Sanh.
Sự hiện diện của một ông Camnei người Awal trong buổi lễ chính thức Kate trên đền tháp bên cạnh tăng lữ Chăm Ahier, nhưng chính ông ta cũng không làm lễ ăn mừng Kate trong gia đình của ông ta đã chứng minh rằng Kate là một tín ngưỡng thuộc về giáo phái của người Chăm Ahier mà thôi.
c). Sự hiện diện của bà con Chăm Awal
Theo truyền thống, lễ tục Kate, cũng như tín ngưỡng của một số tôn giáo khác như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, v.v., không ngăn cấm sự hiện diện của người ngoại đạo trong ngày lễ này. Nếu một số bà con Chăm Awal có mặt trong ngày Kate, thì sự hiện diện của họ chỉ mang ý nghĩa của những người hành hương, cũng như người Việt, trên đền tháp nhằm bày tỏ lòng tin cá nhân của họ đối với bậc thần linh Kate. Và sự có mặt của bà con Chăm Awal trong ngày lễ này có ý nghĩa cũng không khác biệt gì với trường hợp của tín đồ Chăm Ahier có mặt trong thánh đường Bani nhân ngày Ramawan để tôn thờ Đấng Allah.
Nếu cho rằng Kate là ngày “quốc lễ Champa” vì có bà con Chăm Awal trên đền tháp để dâng lễ vật, thì Ramawan của Chăm Awal cũng là ngày “quốc lễ Champa” vì có rất nhiều bà con Chăm Ahier trong thánh đường để cầu nguyện.
*
Theo truyền thống, sự hiện diện của người Chăm Awal và người Raglai trong ngày lễ Kate chỉ là yếu tộ phụ thuộc mang tính cách chức nghiệp hay người hành hương, không biểu tượng cho vai trò tín ngưỡng có thể làm đình trệ hay hủy bỏ ngày Kate một khi họ không có mặt trong ngày lễ. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vì tình hình an ninh, dân tộc Raglai không đến tham dự Kate tại tháp Po Klaong Garai, nhưng Kate vẫn tiến hành như thường lệ. Gần mấy năm qua, ông Camnei Awal thôn Văn Lâm từ chức vì có liên hệ với bảo vật Po Rome bị đánh mất, nhưng người Chăm Ahier vẫn tổ chức Kate tại đền Po Romé. Có nhiều năm, bà con Chăm Bani không lên đền tháp nhân ngày Kate, nhưng không ai đưa ra câu hỏi, đặt lại vấn đề về sự vắng mặt của họ.
1). Ý nghĩa của lễ tục Kate
Nhìn qua nội dung của lễ tục, người ta đã thấy rõ Kate có một sắc thái tín ngưỡng riêng biệt pha lẫn cả hai nền văn minh: tàn dư Ấn Độ Giáo hòa lẫn với yếu tố tín ngưỡng địa phương. Theo truyền thống, lễ tục Kate mang hai ý nghĩa rõ ràng:
a). Ý nghĩa theo giáo phái Ahier (tạm gọi Bà La Môn Giáo)
kate2
Po Klaung Garai
Theo lời giải thích của tăng lữ Ahier và sách cổ còn lưu truyền, Kate là lễ tế Yang Po Amâ, ám chỉ cho đấng Shiva tức là Nam Thần của Bà La Môn Giáo có một vị trí quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng Champa so với thần Vishnu và Brahma. Ngược lai, Ca-mbur là lễ tế Po Ina Nagar (Thánh Mẫu của vương quốc), ám chỉ cho Bhargavati (phu nhân của Shiva), tức là Nữ Thần được tôn thờ nhất trong vương quốc Champa. Lễ tế Po Yang Amâ tức là vị Nam Thần không có nghĩa là lễ tế tất cả các vị Nam Thần như một số người thường hiểu lầm.
Từ định nghĩa này, người ta đưa ra kết luận rằng mặc dù Kate không phải là lễ tục có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng Kate vẫn còn mang nmột âm vang của Bà La Môn Giáo biểu tượng qua hình thể của Shiva và Bhargavati, hai vị thần được tôn thờ nhất trong hệ thống tín ngưỡng Champa thời trước. Chính vì thế, Shiva được xem như là đấng tạo hóa của vương quốc Champa và Bhargavati (phu nhân của Shiva) được phong cho một chức thần quan trọng nhất đó là Yang Pu Ina Nagara, tức là bà thánh mẫu của vương quốc Champa mà người Chăm hôm nay gọi là Po Ina Nagar.
b). Ý nghĩa theo tín ngưỡng địa phương
Nếu dựa vào văn chương dân gian mà định nghĩa, Kate là lễ tạ ơn các bậc thần linh đã có công phù hộ cho dân tộc Chăm, đem lại sự an bình và thịnh vượng cho họ. Nhưng trên thực tế, Kate
kate3
Po Rome
chỉ là lễ tế ba vị thần qua các phần nghi lễ cố định như lễ rước đồng phục, mở cửa tháp, tấm rửa và mặc trang phục cho tượng thần và dâng lễ vật cho 3 vị thần linh. Nhân dịp này, người ta cũng không quên tưởng nhớ đến những vị thần khác, qua bài phúng phiếu do ông Kadhar thực hiện, nhưng không có lễ nghi và lễ vật riêng cho các ngài.
Tại khu vực Phan Rang, ba vị thần chính được tôn thờ trong ngày lễ Kate, đó là Po Klaong Garai và Po Rome qua biểu tượng Mukhalinga, tức là thần Shiva có hình mặt người và Nữ thần Po Ina Nagar qua biểu tượng của bà Bhagavati, phu nhân của Shiva. Đền Po Ina Nagar trước kia ở Nha Trang, sau này chuyển đến Phan Rang, vì chiến tranh dưới thời Tây Sơn.
2). Hệ thống thần linh của Kate
Thần linh là nhân vật siêu hình có nguồn gốc mang tính chất huyền thoại nắm giữ một quyền lực huyền diệu thường ngự trị trong đời sống tâm linh của con người. Ngược lại, anh hùng liệt sĩ hay
kate4
Po Ina Naga, Nha Trang
bậc tiền nhân là những nhân vật thật sự, có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, đã hy sinh công lao trong cuộc đấu tranh cho mục tiêu chung của dân tộc, đang sống trong thế giới vô hình sau ngày từ trần.
Dựa vào định nghĩa này, tất cả nhận vật được tôn vinh trong ngày lễ tục Kate không phải là vị anh hùng liệt sĩ Champa trong nghĩa hiện đại của nó, mà là các bậc thần linh nằm trong hệ thống tín ngưỡng của Panduranga mà thôi. Bên cạnh 3 vị thần Po Klaong Garai, Po Rome, Po Ina Nagar có hình tượng trong đền tháp, có vào khoảng 54 thần linh khác cũng được tôn vinh, nhưng chỉ qua bài hát phúng điếu của ông Kadhar.
Danh sách của thần linh Kate chia thành nhiều nhóm:
Một số là thần linh có xuất xứ từ văn chương huyền thoại, như Po Thun Girai, Po Girai Bhaok, Cei Dalim, Cei Tathun, Po Klaong Kasat, v.v. Bên cạnh nhóm này, có 5 vị vua Panduranga, chứ không phải vua liên bang Champa, được phong thần sau ngày từ trần, đó là Po Binthuer (1316-1361/1306 1328), Po Kathit (1421- 1448/1433-1460), Po Kabrah (1448-1482/1460-1494), Po Klaong Halau (1568-1591/1579-1603) và Po Romé (1627-1651). Trong ngày lễ Kate, 5 nhân vật lịch sử này được tôn thờ dưới danh nghĩa là vị thần linh Champa chứ không phải là vua chúa Champa trong nghĩa rộng của nó.
Bên cạnh thần linh mang nguồn gốc địa phương, có một số thần linh mang nguồn gốc Mã Lai-Hồi Giáo như Po Li, Po Phuatimâh, Po Biruw, Po Haniim Pan, Nai Mâh Ghang Tang Nagar, v.v. Số còn lại thì không có lai lịch rõ ràng như thần Yang Brait, Yang Bri, Po Mangi, Po Manguw, Nai Carao Craoh Bhaok, v.v. và một số khác mang tên gọi rất là đặt biệt, như các vị thần Dam Mbaok, Dam Mbung, Dam Tiap Pabuei, Dam Tiap Pabaiy, v.v.
Điều cần nhấn mạnh ở đây, danh sách 54 vị thần linh này không những chỉ được tôn thờ trong ngày Kate mà cả trong những lễ tục khác có sự hiện diện của ông Kadhar (thầy kéo đờn nhị), như lễ chém trâu Kabaw Ma-ih, Kabaw Banâk, v.v. Chính vì thế, nếu gán cho Kate là lễ kỷ niệm anh hung liệt sĩ Champa thì lễ Kabaw Ma-ih, Kabaw Banâk cũng là ngày anh hùng liệt sĩ và bậc tiền nhân của vương quốc này.
B. Lễ hội Kate
Lễ hội (tiếng Pháp: fête, festival) là sinh hoạt văn hóa bao gồm nhiều khía cạnh như văn nghệ, thể thao, trò vui, v.v., được tổ chức mang tính cách cộng đồng thường gắn liền với ngày lễ tục của tín ngưỡng hay tôn giáo.
Trong hệ thống tín ngưỡng người Chăm, cũng như tín ngưỡng của nhiều dân tộc chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo trong khu vực Đông Nam Á, dân tộc Chăm Ahier và Awal chỉ có lễ tục (culte, cérémonie) chứ không bao giờ có lễ hội (fête, festival).
Trước năm 1965, Kate chỉ là một lễ tục trên đền tháp, có sự hiện diện của một số tín đồ người Chăm Ahier, rất là thưa thớt. Vì theo phong tục, dâng hiến lễ vật cho thần linh trong ngày Kate trên đền tháp không phải là sự bó buộc. Chính vì thế, quang cảnh Kate trước năm 1965 không mấy linh đình và không có nhiều quần chúng và khán giả tham dự.
Vào năm 1965, ông Dương Tấn Sở lúc đó là quận trưởng quận An Phước đề nghị với các chức sắc Ahier cho phép đưa vào lễ tục Kate phần văn nghệ để đón chào phái đoàn Việt Nam đến viếng thăm dân tộc Chăm nhân dịp Kate. Kể từ đó, lễ tục Kate có thêm phần lễ hội, rồi về sau càng ngày càng phong phú, linh đình và phát triển cho đến hôm nay.
Nói đến lễ hội Kate, thì người ta phải nói đến bản sắc văn hóa mang tính cách quần chúng của nó. Chính vì thế, bất cứ ai, dù họ là người Chăm hay người Việt, bất cứ hội đoàn nào hay cơ quan nhà nước cũng có quyền tham gia hay tổ chức lễ hội này. Tại Việt Nam hôm nay, có rất nhiều lễ hội nhân ngày Kate. Nhưng lễ hội linh đình nhất là lễ hội được tổ chức đặt dưới quyền bảo trợ của cơ quan văn hóa nhà nước nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm qua các phần văn nghệ, thể thao, diễn hành, v.v. để đón mừng ngày Kate, chứ không phải là lễ hội mang một ý nghĩa chính trị nhằm kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa.
Một khi lễ hội Kate được định nghĩa như ngày văn hóa quần chúng, thì mỗi người Chăm dù họ là Chăm Awal hay Chăm Ahier đi nữa có quyền chọn lựa tham gia hay không tham gia vào lễ hội Kate này, tùy theo hoàn cảnh, ý muốn và sở thích của họ. Và sự chọn lựa tham gia lễ hội Kate của họ không gắn liền với yếu tố lịch sử hay ý nghĩa chính trị của lễ hội đó mà là tùy thuộc vào không khí tưng bừng, nội dung văn hóa cao và phong phú của lễ hội do ban tổ chức đề ra. Sự khác biệt về số lượng khán giả trong ngày Kate tại đền Po Klaong Garai và Po Romé là thí dụ điển hình.
Nếu Kate tại Việt Nam hôm nay đã trở thành một ngày lễ rất trang nghiêm trong phần lễ tục và rất linh đình và nhộn nhịp qua phần lễ hội, là vì Kate được tổ chức trong biên giới cổ truyền của nó, từ ý nghĩa của lễ tục cho đến nội dung của lễ hội, không mang nội dung chính trị, không trang điểm màu sắc văn chương đấu tranh, không bài diễn văn và cũng không có lời cảm tưởng, cảm tạ, cám ơn, v.v. chỉ làm phiền hà quần chúng đang chờ xem lễ hội.
Mặc dù lễ hội Kate gắn liền với lễ tục tín ngưỡng của Chăm Ahier, nhưng số lượng người Chăm Awal tham gia trong ngày lễ hội Kate tại quê nhà hôm nay rất đông đảo. Sự hiện diện của họ đã chứng minh rằng dù Kate là lễ tục của Chăm Ahier nhưng đã trở thành di sản văn hóa chung của vương quốc Champa mà mỗi người Chăm phải có bổn phận bảo tồn và phát triển. Nhưng tham gia lễ hội Kate không gắn liền với ý nghĩa chính trị mang màu sắc chủ nghĩa quốc gia. Thành vậy dân tộc Chăm Ahier hay nhà nước Việt Nam không có quyền lên án hay kết tội những người Chăm nào không đến tham gia lễ hội Kate này. Nếu cuộc vận động biến Kate thành ngày quốc lễ Champa không còn sắc thái lễ tục hay lễ hội Kate truyền thống nữa, thì đây chỉ là chủ trương của một nhóm người Chăm tại hải ngoại, chứ không phải chủ trương của toàn dân tộc Chăm hôm nay.
Kết luận
Tín ngưỡng của dân tộc Chăm Ahier hay Awal là hệ thống niềm tin vào một “thế giới tâm linh” của toàn thể thành viên nằm trong cộng đồng của dân tộc này, cấu thành nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh, đời sống vật chất và tinh thần của họ. Mặc dù tín ngưỡng của người Chăm không có một hệ thống giáo lý, kinh điển, giáo hội, v.v. như một số tôn giáo khác trên thế giới, nhưng tín ngưỡng này lúc nào cũng gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian, có sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người qua các lễ tục cố định mà tất cả thành viên người Chăm chấp nhận nó như là di sản tinh thần thiêng liêng của họ, cấu thành một tờ di chúc bất di bất dịch không ai có quyền thêm bớt hay sửa đổi, dù chỉ là một chi tiết nhỏ đi nữa, mà không có sự đồng ý của tập thể dân tộc này. Mọi hành vi mang nội dung cải biến ý nghĩa và nghi lễ của một lễ tục người Chăm có thể bị hiểu lầm nhưn một thái độ vi phạm đến tín ngưỡng thiêng liêng của họ mà luật pháp của các nước tự do dân chủ không cho phép.
Dựa vào định nghĩa này, Kate phải là lễ tục của người Chăm Ahier, vì họ là tập thể có nghĩa vụ tổ chức buổi lễ và cũng là chủ nhân của lễ tục này, tức là người có trách nhiệm trực tiếp với thần linh về nghi thức và chương trình nghị sự của ngày lễ. Dù Kate là lễ tục của người Chăm Ahier cũng như lễ Ramawan là lễ tục của người Chăm Awal, nhưng hai lễ tục này đều có giá trị văn hóa ngang nhau, cấu thành di sản văn hóa của Champa mà cộng đồng người Chăm dù là Chăm Ahier, Chăm Awal hay Chăm Islam đi nữa phải có nghĩa vụ bảo tồn, phát triển.
Người Chăm hôm nay là tập thể dân tộc không có chủ quyền, nhưng mọi sinh hoạt mang tính cách cộng đồng của họ thường dựa vào quyền tự quyết (autodétermination) của dân tộc, tức là quyền quyết định chung của toàn thể thành viên nằm trong cộng đồng này. Sự chuyển biến lễ tục cổ truyền Kate sang mô hình hiện đại của ngày “kỷ niệm bậc tiền nhân Champa” cũng như sự dân chủ hóa lễ hội này thành ngày “quốc lễ Champa” là một chủ đề trọng đại có liên hệ đến yếu tố tín ngưỡng và mpháp lý chính trị, phải thông qua quyền tự quyết của dân tộc Chăm hôm nay. Vì một cá nhân hay hội đoàn người Chăm không có chức năng pháp lý để quyết định ngày quốc lễ và mô hình kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa. Đây không còn là đề tài nằm trong phạm vi của bài viết của chúng tôi nữa.
Dù sao đi nữa, lễ tục Kate truyền thống, một khi đến xứ Hoa Kỳ, đã trở thành hai lễ hội và mang hai ý nghĩa khác nhau, tùy theo quan điểm của từng hội đoàn. Chỉ có tổ chức hội đoàn của người Chăm, nhất là Hội Đồng Văn Hóa Xã Hội Champa ra đời sau ngày Đại Hội Champa 2007 mới có chức năng để giải quyết những sự khác biệt này hầu thống nhất lại mô hình tổ chức và ý nghĩa của lễ hội Kate tại hải ngoại phù hợp với truyền thống Kate thường diễn ra hàng năm tại quê nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét