Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Văn hóa và giáo dục người Chăm ở Ninh Thuận trong lịch sử

Văn hóa và giáo dục người Chăm ở Ninh Thuận trong lịch sử


TÓM TẮT
            Người Chăm sinh sống trong nhiều tỉnh thành Việt Nam và trên thế giới. Riêng ở Ninh Thuận  những nét văn hoá ảnh hưởng từ tôn giáo Ấn Độ và Islam giáo, tạo nên một bản sắc văn hoá độc đáo không thể nhầm lẫn với nơi khác trong sinh hoạt cộng đồng. Trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, chịu phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, hình thành cách thức ứng xử của người Chăm thích sự hài hoà với môi trường sống. Vì vậy, không phải ngạc nhiên về mọi hoạt động văn hoá và xã hội đều bị tác động từ các yếu tố tâm linh.
Tuy nhiên, trước sự đổi thay không ngừng của khoa học kỹ thuật và nhận thức về nhân sinh quan, đã ít nhiều tác động đến tư duy người Chăm làm biến đổi thói quen lỗi thời. Từ đó, người Chăm phấn khởi đón nhận nền giáo dục mới, giúp họ có điều kiện và cơ hội hoà nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
1. NGƯỜI CHĂM Ở TỈNH NINH THUẬN.
Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, được tái lập từ tháng 04 năm 1992, diện tích đất tự nhiên là 3.358kmtoàn tỉnh có 06 huyện, 01 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn  (UBND tỉnh Ninh Thuận, 2007, tr.30). Đây cũng là phần lãnh thổ cực Nam của Champa thuộc tiểu quốc Panduranga mà người Chăm đã xây dựng nên nhiều công trình kiến trúc, văn hoá kì vĩ trong lịch sử. Người Chăm là một dân tộc sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay (Phan Xuân Biên, 1992, tr.5). Họ cư trú khá tập trung trong các Palei (hoặc Puk) thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, một số khác sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh khác nhưng không nhiều (Phú Văn Hẳn, 2005, tr.15). Ngoài ra, người Chăm còn sinh sống ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Thailand và Cambodia, trong đó đông nhất ở Cambodia. Những người Chăm này vốn từ Champa di tản đi từ các thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX, để tránh hậu quả của các cuộc xung đột nội bộ cũng như với nhà nước phong kiến Việt Nam (Ngô Thị Chính-Tạ Long, 2007, tr.21). Sau năm 1975, người Chăm tiếp tục có cuộc di dân sang nước ngoài, nhiều nhất là Hoa Kỳ và Châu Âu. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1 tháng 4 năm 1999, người Chăm ở Việt Nam có 132.873 người. Về nguồn gốc tộc người, các nhà khoa học đã xếp người Chăm vào nhóm Malayo-Polynesian. Cùng chung nhóm này còn có tộc người Êđê, Giarai, Churu, Raglai, Kaho (Phú Văn Hẳn, 2005, tr.15).
Nhưng người Chăm ở Ninh Thuận là có dân số đông nhất so với các tỉnh thành khác ở Việt Nam. Dân số toàn tỉnh có 556.768 người, trong đó vùng tộc người thiểu số sinh sống ở 115 thôn thuộc 36 xã với 26 dân tộc, có dân số 21.208 hộ, 130.641 người, chiếm 23,5% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Chăm sinh sống ở 27 thôn, thuộc 12 xã, dân số 11.279 hộ, 73.277 người, chiếm 13,16% dân số toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng và sống xen kẽ với các dân tộc khác. Địa bàn người Chăm sinh sống đông nhất là huyện Ninh Phước có tới 60.102 người, chiếm tỷ lệ 82,02% người Chăm toàn tỉnh (UBND tỉnh Ninh Thuận, 2000, tr.1).
Trong các xã có người Chăm sinh sống, họ thường cư trú tập trung thành thôn riêng của mình. Người Việt cũng có sống xen kẽ trong các thôn Chăm nhưng số lượng không bao nhiêu (như ở thôn  Vĩnh Thuận, Phước Đồng, Hiếu Lễ, Chất Thường). Huyện Ninh Phước có tới 8 xã có từ 2 thôn Chăm trở lên, riêng xã Phước Nam có tới 5 thôn Chăm. Xã có nhiều thôn Chăm nhất là Phước Nam (5 thôn), xã chỉ có một thôn Chăm là An Hải, và Phước Thuận. Các xã có nhiều người Chăm được xếp theo thứ tự là : Phước Nam, Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Hải, Phước Thái, Phước Dân, Phước Thuận và An Hải. Dân số của từng thôn Chăm cũng rất chênh lệch, thôn đông nhất có thể gấp 7-8 lần thôn ít dân. Chẳng hạn, Hữu Đức (tới hơn 3.700 người, Văn Lâm (hơn 3.400 người), trong khi đó ở Hiếu Thiện và Nho Lâm chỉ hơn 400-500 người. Bình quân mỗi thôn Chăm trong huyện khoảng trên 1.500 người. Quy mô gia đình ở các thôn Chăm cũng không đồng đều. Trong khi ở Thành Tín, bình quân số người trong hộ là 5 và Hoài Trung, Như Bình là 5,4 thì ở Tuấn Tú lên tới 7,7 và Chung Mỹ có bình quân 7,4 người một hộ. Như vậy, số người trong hộ giữa các thôn Chăm có mức độ chênh lệch cao hơn người Kinh (ở người Kinh thường chỉ có từ 5 đến 6 người một hộ) và số người trong mỗi hộ nói chung cũng đông hơn (Phan Xuân Biên, 1989, tr.85).
Lịch sử phát triển tộc người  Chăm có nhiều biến chuyển phức tạp hình thành nên những khu vực cư trú phân bố theo vùng và cùng chung niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể hiểu rõ về sự phân bố dân cư Chăm ở Ninh Thuận theo bảng (Ngô Thị Chính-Tạ Long, 2007, tr.22) như sau:
PHÂN BỐ DÂN CƯ CHĂM THEO VÙNG TÔN GIÁO
Tỉnh/Huyện
Làng
Bà la môn
Bàni
Bà la môn & Bàni
Bàni & Islam
Ninh Thuận
TP. Phan Rang-Tháp Chàm
Thành HảiThành Ý







Ninh Phước
Phước HậuPhước Đồng, Hiếu Lễ, Chất Thường
Phước TháiHoài Trung, Như Bình
Phước HữuHữu Đức, Hậu Sanh
Phước DânMỹ Nghiệp, Chung Mỹ, Vĩnh Thuận (Bầu Trúc)
Phước NamHiếu Thiện, Vụ Bổn, Phước LậpVăn Lâm, Nho Lâm
Phước ThuậnPhú Nhuận
Phước HảiBỉnh NghĩaThành Tín
An HảiTuấn Tú

Ninh Hải
Phương Hải
Xuân HảiAn Nhơn, Phước Nhơn
Ninh Sơn
Nhơn SơnLương Tri

Người Chăm ở Ninh Thuận là cư dân bản địa có nền văn hoá riêng, đang giữ vai trò quan trọng trong việc đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội cùng cả nước xây dựng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các tộc người thiểu số trong tỉnh Ninh Thuận đã đóng góp sức người sức của, nhiều cơ sở cách mạng đã hình thành và phát triển ở các thôn, xóm, có nhiều anh hùng liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp của các tộc người thiểu số đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 12 tập thể, 5 cá nhân, 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 403 liệt sỹ, 5.770 người tham gia kháng chiến, cùng nhiều tập thể, cá nhân được thưởng huân, huy chương các loại, danh hiệu chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ và nhiều cá nhân tiêu biểu có cống hiến cho quê hương đất nước như Anh hùng lực lượng vũ trang Pinăng Tắc, Pinăng Thạnh, Chamaléa Châu, Đổng Dậu…Đồng chí Chamaléa Chấn-đại biểu Quốc hội đầu tiên của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Chamaléa Điêu-đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Trung ương Đảng người dân tộc Raglai, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận (UBND tỉnh Ninh Thuận, 2007, tr.4) Trượng Ngọc Anh, dân tộc Chăm đại biểu Quốc hội khoá IX, Đàng Thị Mỹ Hương khoá XII, XIII.
Sau ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận vào năm 1992, nền kinh tế xã hội của tỉnh có bước phát triển, thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, các vấn đề y tế, văn hoá, giáo dục, đời sống của người Chăm có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, do đặc điểm của vùng cư trú của người Chăm chịu nhiều điều kiện thiếu thốn, khó khăn, lại thêm thời tiết khô hạn, khắc nghiệt, tỷ lệ nghèo đói cao. Nên đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm còn thấp so với các tỉnh khác trong khu vực. Trong tình cảnh đó, việc đến trường đến lớp của học sinh người Chăm gặp không ít khó khăn. Cho nên, tìm một môi trường giáo dục để thông qua học vấn giúp người Chăm thoát nghèo luôn là vấn đề cần đáng quan tâm. Mặt khác, nó còn giúp gỡ bỏ gánh nặng bội chi ngân sách của Nhà nước ưu tiên phát triển kinh tế vùng dân tộc Chăm, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị vùng người Chăm trong toàn tỉnh.
2. ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ.
Từ khi người Chăm thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa và lập quốc vào thế kỷ thứ II, liên hệ với Trung Hoa cũng hầu như không còn. Thay vào đó là sự tiếp xúc với văn hoá Ấn Độ và, do văn hoá Ấn Độ không mang theo chiến tranh, nên nó được người Chăm tiếp nhận. Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hoá Chăm phát huy mạnh mẽ trong khoảng thế kỷ VII đến hết thế kỷ XV. Trong từng ấy thế kỷ, ảnh hưởng này để lại lớn đến mức nhiều người chỉ nhìn thấy những yếu tố Ấn Độ trong văn hoá Chăm. Nói đến ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hoá Chăm thì Bàlamôn giáo là yếu tố quan trọng nhất (Trần Ngọc Thêm, 1999, tr.227).
2.1. Sinh hoạt  tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở  Ninh Thuận hiện còn 3 di tích đền tháp là tháp Po Klong Garai, nằm cách trung tâm thị xã Phan Rang-Tháp Chàm 9km về phía tây bắc. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII để thờ vị vua Champa Po Klong Garai (Jaya Simhavarman III) (Sakaya, 2010, tr.55), tháp Hoà Lai ở huyện Ninh Hải được xây dựng vào thế kỷ thứ IX (Phan Xuân Biên, 1992, tr.136), tháp Po Rame (ở thôn Hậu Sanh) và đền thời Po Ina Nagar (ở thôn Hữu Đức), là  những trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. Ngoài tháp Hoà Lai ra, các di tích văn hoá lịch sử trên chính là địa điểm tổ chức lễ hội Katê của cộng đồng Chăm. Bên cạnh đó, hàng năm người Chăm còn tổ chức nhiều nghi lễ khác mang tính chất tín ngưỡng-tôn giáo như Ramưwan, Rija Nagar, Paralao  Sah, Yôr Yang và các nghi lễ có tính chất địa phương như lễ cúng ở núi Chà Bang, Yang Tikuk ở thôn Đá Trắng (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước), miếu thờ Po Riyak. Vào những dịp này người Chăm mang những nhạc cụ truyền thống ra biểu diễn cùng với những lời  hát ca ngợi công đức các vị thần thánh hay anh hùng dân tộc được thánh hoá. Dĩ nhiên, lễ hội Chăm không bao giờ thiếu những điệu múa.
2.2. Sinh hoạt  văn học và chữ viết.
Dân tộc Chăm có tiếng nói thuộc ngữ hệ Mã lai-Đa Đảo (Malayo-Polynesia) và có chữ viết ảnh hưởng từ Phạn ngữ xuất khá sớm ở vùng Đông Nam Á mà bia Đồng Yên Châu, thế kỷ IV là một bằng chứng. Từ đó đến nay ngôn ngữ này phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và có nhiều loại chữ viết khác nhau nhưng chung quy lại nếu xét về loại hình văn tự, hệ thống ngữ âm, hệ thống từ vững, cấu trúc ngữ pháp thì chỉ có hai loại cơ bản đáng chú ý: chữ Chăm cổ tạm gọi là Akhar Mang Kal và chữ Chăm truyền thống hay phổ thông gọi là Akhar Thrah (Sakaya, 2010, tr.527). Ngoài hai loại chữ cơ bản nêu trên, người Chăm còn có các kiểu chữ Akhar Rik, Akhar Garlimang, Akhar Yok, Akhar Atuel. Tuy nhiên, các loại chữ này cơ bản chỉ là biến thể của Akhar Thrah chủ yếu dùng để trang trí và vẽ bùa chú, còn các loại chữ viết Akhar Bini, Akhar Jawi (chữ Arập), Akhar Jawa (chữ Mã Lai) được dùng vào việc chép kinh Koran và những nghi lễ tôn giáo (Sakaya, 2010, tr.529).
Từ ngày có chữ viết riêng của mình, người Chăm đã sử dụng để ghi chép thơ văn sáng tác. Các kinh sách và thơ văn của người Chăm đã được ghi chép trên thể lá buôn, vải, giấy (Huỳnh Công Bá, 2004, tr.204). Dân tộc Chăm là một dân tộc yêu văn chương và nghệ thuật. Bằng chứng là trong bất kì chiết sách nào của gia đình còn lưu trữ được đến ngày hôm nay đều có mặt vài ba tác phẩm văn học. Văn học là món ăn tinh thần của mọi thành phần xã hội, từ giai cấp Baseh (tu sĩ Bàlamôn) tới anh nông dân chân lấm tay bùn, từ thành phần Aw kauk (áo trắng-ám chỉ tu sĩ) như AcharMưdwơn…đến tầng lớp Gahes (dân thường). Trong những thập niên cuối của thế kỉ XX, trong xã hội Chăm còn tồn tại một nghề viết chữ, chép thơ được quần chúng Chăm trân trọng như là một nghề cao quý (Inrasara, 1994, tr.14).
Thơ ca Chăm rất dồi dào về âm điệu, nội dung trữ tình và thường là thơ lục bát gieo vần lục tứ và bát lục. Bên cạnh văn học viết, văn học dân gian của người Chăm cũng khá phát triển, dưới nhiều thể loại và phản ánh nội dung về tâm lý dân tộc và các khía cạnh xã hội. Trước hết đó là những thần thoại, truyền thuyết về vũ trụ, về con người và nguồn gốc dân tộc (Huỳnh Công Bá, 2004, tr.204). Văn học Chăm có nhiều thể loại phong phú và đa dạng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của nền văn học hiện đại, bao  gồm cả nền văn học dân gian và văn học viết như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, ca dao, đồng dao. Đặc biệt là thể loại văn học viết nổi tiếng với các Akayet Deva Mưno, Inra Patra, Um Mưrup, Pram Dit Pram Lak, và các Ariya Bini-Cam, Cam-Bini, Sah Pakei, Glơng Anak, Po Parơng, Twơn Phaw, Pauh Catwai, Kalin Thak Va, Kalin Nưsak Asaih, Hatai Paran Ar Bingu, Patauw Adat Likei, Patauw Adat Kamei, Muk Thruh Palei, Nau Ikak, Jadar … (Inrasara, 1994, tr.33).
Cuối thế kỉ XX, văn học Chăm có bước hoà nhập mạnh mẽ vào nền văn học Việt Nam, xuất hiện nhiều sáng tác mới từ chữ Chăm Akhar Thrah chuyển sang dùng tiếng Việt để chuyển tải tâm tư, tinh cảm với quê hương với sự ra đời các tạp chí, nội san như Ước Vọng (năm 1968), Panrang (năm 1972), Cong Tagok (năm 1973), Vijaya(năm 1978), Tagalau (năm 2000). Điều đó, làm cho sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Chăm thêm phong phú.
2.3. Sinh hoạt âm nhạc và vũ điệu.
Là lĩnh vực chiếm vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chăm, nhưng chủ yếu là để phục vụ cho các nghi lễ và hội lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Nhạc cụ thường sử dụng trong các lễ hội có Ginang, Baranang, Saranai, Kanhi…(Huỳnh Công Bá, 2004, tr.205) được biểu diễn  vào những ngày lễ hội Katê, Rija Nagar. Bên cạnh các bài hát thánh lễ để thực hiện các nghi thức tôn giáo, các bài hát dân ca đậm chất trữ tình, mang nặng tình yêu quê hương như  bài Anit lo, Ceik tian, Ciim nao, Wuak kar ka wak, Adaoh dam dara, Puec jal (Sakaya, 2010, tr.594). Đến những thập niên 60 của thế kỉ XX người Chăm bắt đầu có sự giao lưu với bên ngoài về âm nhạc và biết sử dụng cây đàn Ghita. Đặc biệt là các sáng tác của Đàng Năng Quạ, Tantu, Châu Văn Kên, Quảng Đại Hội, Amư Nhân, Chế Linh…có sự kết hợp giữa làn điệu dân ca và sự hoà âm, phối khí mới đang được sự đón nhận, ủng hộ của người nghe nhạc. Các sáng tác của nhạc sĩ trên được phổ biến trên các sân khấu làng quê hay đi trình diễn, tham dự Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc do Đoàn Văn nghệ Dân gian Chăm Ninh Thuận thực hiện.
Trong sinh hoạt văn hoá Chăm, ca và múa luôn đi song hành với nhau. Hiện nay, theo số liệu thống kê có tất cả 85 lễ hội, 125 vị thần linh và 76 điệu trống lễ khác nhau. Tuỳ theo nghi lễ, vị thần thánh, điệu trống lễ khác nhau thì có những điệu múa, trang phục, đạo cụ tương ứng. Múa Chăm có cả múa nam và nữ. Các điệu múa nữ nhưtamia Patra, Biyen, Tadik, Akai apuei, Ndua brah, Klay kluk. Các điệu múa nam như tamia Ka-ing, Hawei, Karit, Jauk apuei, Klay kluk (Sakaya, 2010, 602-603). Âm nhạc và múa Chăm không chỉ thu hẹp trong cộng đồng mà còn để lại nhiều dấu ấn, vết tích trong nền âm nhạc Việt Nam, Campuchia và Nhật Bản. Qua đó, thấy được sức lôi cuốn và hấp dẫn của nền âm nhạc Chăm có sắc thái riêng và độc đáo.
3. ĐỜI SỐNG GIÁO DỤC.
Cho đến bây giờ chưa có nghiên cứu nào đề cập đến, trong lịch sử người Chăm đã có Trường Đại học chưa? Môi trường giáo dục người Chăm như thế nào? Hiện nay, chỉ biết rằng, người Chăm chủ yếu đi học để làm chức sắc hay tu sĩ trong tôn giáo. Cụ thể là, đối với người Chăm Ahiêr (người Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo) khi muốn kế nghiệp truyền thống gia đình để làm chức sắc thì đi tìm một người trong hàng ngũ chức sắc dạy cho chữ Chăm và cách thức hành lễ trong tôn giáo. Sau một quá trình học việc thành thạo thì được công nhận và phong chức đứng trong hàng ngũ chức sắc. Còn đối với người Chăm Awal (người Chăm ảnh hưởng Islam giáo) cũng diễn ra tương tự như vậy, người học trò sẽ được sự hướng dẫn của Po Gru, Acar tập thực hành nghi lễ, học kinh thánh. Như vậy, người Chăm chỉ học để trở thành chức sắc tôn giáo nên môi trường học tập không được tổ chức chính quy  thành trường, lớp. Hình thức học tập này tạm gọi là nền giáo dục truyền thống.
Trước năm 1945, người Chăm chưa biết đến nền giáo dục Quốc ngữ (học tiếng phổ thông) mà chỉ học chữ Chăm. Một số gia đình giàu có thì cho con học chữ Hán để ra làm quan Huyện, quan Tổng (Nguyễn Văn Tỷ, 2010, tr.57). Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh  đọc bản “Tuyên ngộc Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh đã đề nghị thực hiện sáu biện pháp cấp bách trong đó có phong trào chống nạn mù chữ trong dân chúng. Từ đó, phong trào “Bình dân học vụ” được phát động đã lôi cuốn hàng triệu người hiếu học muốn thoát khỏi nạn mù chữ, mùa khai trường đầu tiên của tuổi trẻ nước Việt Nam được tổ chức ngay sau ngày mừng độc lập, tiếng Việt được quy định sử dụng làm ngôn ngữ chính thức trong giảng dạy, học tập và trong các hoạt động chính trị xã hội, cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, đời sống văn hoá mới đã dấy lên ở cả thành thị và nông thôn (Hà Minh Hồng, 2005, tr.139).
Tuy nhiên, nền độc lập của Việt Nam tồn tại không bao lâu thì người Pháp quay trở lại tiếp tục đặt nền thống trị. Nên người Chăm vẫn chưa biết đến nền giáo dục Việt Nam. Để có được đội trí thức người địa phương trong bộ máy hành chính thuộc địa. Chính phủ Pháp quyết định thành lập một Trường Nội trú  để đào tạo cán bộ người Chăm mang tên Ecole des Cadres Chams tọa lạc gần bãi biển Ninh Chữ do ông P. Fayolle làm Hiệu trưởng, khai giảng khoá đầu tiên vào  ngày 18 tháng 11 năm 1946. Đây là môi trường giáo dục nội trú đầu tiên mà người Chăm theo học, Nhà trường chỉ đào tạo được hai khoá chính quy và mở thêm các khoá Hè, hướng dẫn học sinh làm quen dần hình thức sinh hoạt tập thể và những kĩ năng sống cơ bản. Tất cả, chi phí học tập, ăn ở đều do Chính phủ Pháp tài trợ.
Những học sinh tốt nghiệp Trường Ecole des Cadres Chams là thế hệ được hưởng nền giáo dục Tây học. Sau này, họ có vai trò và đóng góp quan trọng  trong bộ máy chính quyền thuộc địa của Pháp và Việt Nam Cộng Hoà như Lâm Gia Tịnh, Quảng Đại Quang, Châu Văn Mổ, Từ Công Thơm, Phú Bình Trung, Qua Đình Bồi, Qua Đình Bội, Đặng Bình An, Đặng Quang Lượng, Lương Vặng, Mai Tùng Chương, Dương Tấn Sở, Nguyễn Nỹ, Đàng Sỹ Lực, Trượng Đại Phú, Mai Tùng Chương (Khoá 1). Dũng Minh, Thuận Văn Thưởng, Thuận Văn Chẳng, Hán Văn Khỏi, Từ Công Bàng, Thập Văn Thơ, Châu Văn Đình, Đạt Thành, Đàng Sỹ Song, Dương Tấn Điền, Phú Chẳng, Báo Liên, Thành Công Thuận, Thanh Cai, Tôn Sung, Bố Xuân Hổ, Bích Mưu, Thạch Ngọc Xuyến, Bá Văn Lễ (Lưu Quý Tân) (Khoá 2).v.v. (Lưu Quang Sang, 2010, PV). Chính lực lượng trí thức này đã đặt nền móng cho sự phát triển giáo dục Chăm đi lên. Đặc biệt là những việc làm cụ thể trong việc xây dựng một xã hội Chăm mới. Ví dụ: ông Châu Văn Mổ (1925-1997), một công chức làm việc ở Toà hành chính Ninh Thuận, gốc làng Hiếu Lễ, ở rể làng Mỹ Nghiệp đã thành lập Hội khuyến học “Association d’entr’aide scolaire aux élèves Chams pauvres” (Hội Bảo trợ Học sinh Chàm nghèo) vào năm 1949. Quá trình hoạt động Hội khuyến học, đã đưa ra chương trình phát triển giáo dục vùng Chăm, cổ động việc bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn minh mới (Nguyễn Văn Tỷ, 2010, tr.58). Và cũng chính ông Dương Tấn Sở, Lưu Quý Tân, Lâm Gia Tịnh cùng xã hội Chăm đã nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất đưa đến việc thành lập Trường Trung học Pô Klong. Từ ngôi trường này, nhiều học sinh người Chăm đã trưởng thành, đang đóng góp năng lực và trí tuệ vào sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước trong thời kì Đổi Mới.
KẾT LUẬN
Người Chăm ở Ninh Thuận là tộc người bản địa có lịch sử phát triển liên tục, đang kế thừa những di sản của nền văn minh Champa để lại, tạo được một nét văn hoá riêng biệt không thể lẫn lộn với bất kỳ một tộc người khác trong khu vực. Hiện nay, người Chăm có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc. Hơn thế nữa, nói tới tộc người thiểu số ở miền Trung thì không thể không đề cập đến người Chăm. Bởi vì, không gian văn hoá Chăm được trải dài theo suốt dọc miền đất nước từ Bắc xuống Nam, từ  Đông sang Tây. Bằng chứng là hàng năm vào dịp lễ hội Katê, người Chăm cùng tộc người Raglai và một số tộc người khác cùng nhau phối hợp thực hành nghi lễ chung ở đền tháp Champa.
Trong lịch sử đấu tranh giành lại chủ quyền và bảo vệ nền độc lập của Việt Nam, đã  xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt của chiến sĩ người Chăm như Phú Như Lập, Đổng Dậu… Như vậy, người Chăm đã thực sự hoà nhập vào cộng đồng đa tộc người ở Việt Nam, quá trình phát triển tộc người Chăm đã cấu thành lịch sử Việt Nam. Mặc dù, địa bàn cư trú xa trung tâm hành chính, co cụm thành từng làng riêng biệt nên người Chăm còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn để phát triển. Nhưng lực lượng lao động chất xám tại chỗ của người Chăm  khá đông đảo đang nắm vai trò quan trọng ở các cơ quan hành chính sự nghiệp của Nhà nước. Đặc biệt, là các cơ quan giáo dục và y tế. Trái lại, trong việc đề cử công chức cao cấp, chưa có một người Chăm nào ở tỉnh Ninh Thuận làm tới chức Bí thư hay Chủ tịch  tỉnh, huyện (Trừ huyện Ninh Phước có ông Châu Thăng Long làm chủ tịch huyện qua 2 nhiệm kỳ). Điều này càng hiếm hơn đối với lao động nữ người Chăm.
Văn hoá Chăm góp phần rất lớn làm cho văn hoá Việt Nam thêm đa dạng trong thống nhất. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hoá Chăm có nguy cơ bị biến mất, chỉ riêng trong lĩnh vực văn học và âm nhạc đang bộc lộ khá rằng rõ ràng. Bộ phận yêu thích  văn chương và sáng tác bằng chữ Chăm Akhar Thrah giảm đi rất nhiều. Thay vào đó, xu hướng sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp, thư từ, sáng tác văn học là chủ yếu. Những làn điệu dân ca Chăm ít được phổ biến, đang chịu sức ép về sự cạnh tranh với dòng trào lưu  âm nhạc mới. Một phần do công tác nghiên cứu, sưu tầm chưa làm được, phần khác do lực lượng sáng tác bằng tiếng Chăm quá ít, chưa nói tới chất lượng của tác phẩm. Chữ Chăm-Akhar Thrah-không được giáo dục trong trường lớp chính quy do lịch sử để lại, làm mất đi tính thống nhất trong cộng đồng Chăm. Mặt khác, những lần cải cách ngôn ngữ chưa có được sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp, nhân sĩ, chức sắc làm cho ngôn ngữ Chăm có nhiều bất cập và vướng mắc mà những nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo.
Nền giáo dục truyền thống chỉ đào tạo được tầng lớp chức sắc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, thì nền giáo dục Tây học đã cung cấp cho xã hội nhiều trí thức và công chức đầy nhiệt huyết, có tinh thần làm việc trách nhiệm cao không những trong công việc mà còn trong việc kiến thiết đưa cộng đồng Chăm phát triển đi lên cùng cả nước. Từ nền giáo dục Tây học đến giáo dục Quốc dân đã tạo điều kiện cho người Chăm thêm tự tin về kiến thức được trang bị ở nhà trường, có được nhiều cơ hội tìm việc làm và tiến thân, giúp người Chăm hoà nhập  nhanh vào việc chung tay xây dựng đất nước trong thời kỳ Đổi Mới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Minh Hồng. 2005. Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1858-1975). Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
  2. Huỳnh Công Bá. 2004. Lịch sử Việt Nam. Huế: Nxb. Thuận Hoá.
  3. Inrasara. 1994. Văn học Chăm. Hà Nội: Nxb. Văn hoá Dân tộc.
  4. Inrasara. 2003. Văn hoá-xã hội Chăm nghiên cứu & đối thoại. Hà Nội: Nxb. Văn học.
  5. Lương Ninh (Chủ biên). 2008. Lịch sử Đông Nam Á. Nxb. Giáo dục.
  6. Lưu Quang Sang (Hiệu trưởng Trường Trung học Pô Klong năm học 1970-1971), qua Email ngày 24-03-2010.
  7. Ngô Thị Chính, Tạ Long. 2007. Ảnh hưởng của các yếu tố tộc người tới phát triển kinh tế-xã hội của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
  8. Nguyễn Văn Tỷ. 2010. Đời sống văn hoá- xã hội người Chăm ở Việt Nam. Nxb. Lao động.
  9. Nhiều tác giả. 1999. Champaka số 1. Hoa Kỳ: IOC ấn hành.
  10. Phan Quốc Anh. 2006.  Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận. Hà Nội. Nxb. Văn hoá dân tộc.
  11. Phan Xuân Biên (Chủ biên). 1989. Người Chăm ở Thuận Hải. Nxb. Sở văn hoá thông tin Thuận Hải.
  12. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp. 1992. Văn hoá Chăm. Nxb. Khoa học Xã hội.
  13. Phú Văn Hẳn (Chủ biên). 2005. Đời sống văn hoá & xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb. Văn hoá Dân tộc.
  14. Sakaya. 2010. Văn hoá Chăm nghiên cứu và phê bình. Tập 1. Hà Nội: Nxb. Phụ nữ.
  15. 15.  Trần Ngọc Thêm. 1999. Cơ sở văn hoá Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
  16. UBND tỉnh Ninh Thuận. 2000. Báo cáo tổng kết tình hình triển khai và thực hiện thông tri 03-TT/TW về công tác đối với đồng bào Chăm (1992-2000).
  17. UBND tỉnh Ninh Thuận. 2007. Báo cáo sơ kết hai năm thực hiện chỉ thị số 06/2004/ CT-TTG ngày 18-02-2004 của Thủ tướng chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét