Văn Món (Sakya)
Phần 1: Lễ hội về nông nghiệp
Lễ dựng chòi cày (Padang paday tuan):
Lễ hội cúng đập nước
|
Lễ dựng chòi cày là lễ mở đầu công việc đồng áng hàng năm của người Chăm. Trước khi khởi đầu công việc cày gieo người Chăm thường dựng lên một cái chòi nhỏ ở gần ruộng của mình để trú ngụ tránh mưa nắng và để dụng cụ lao động trong thời gian cày cấy. Lễ này được thực hiện trên thửa ruộng từng gia đình.
Thầy cúng lễ là ông “Cai mương” (Hamu ia) hoặc “Ong Từ”( Camưney). Ngày cúng lễ là ngày thứ tư hay thứ bảy trong tuần. Lễ vật gồm có 1 cặp gà, 5 mâm cơm, rượu, trứng, trầu cau…
Các vị thần linh được cầu cúng trong lễ này là các vị thần như thần trời, thần cha (Po yang amư), thần mẹ, thần sông (Po patau ia), thần thủy lợi như Po Kluang Garai, Po Rame và các vị khẩn hoang tiền hiền… Mục đích lễ này, họ cầu mong cho mưa thuận gió hòa, công việc cày cấy được suông sẻ, mùa màng tốt tươi…
Lễ cúng ruộng lúc lúa đẻ nhánh (Iew po Bhùm):
Sau khi ruộng lúa cày gieo xong khoảng tháng sau thì họ tiếp tục làm lễ cúng cho cây lúa đẻ nhánh. Lễ vật cúng cho lễ này tương tự như lễ cúng dựng chòi cày. Những thần linh cầu cúng của lễ này chủ yếu là thần mẹ xứ sở Po Inư Nưgar.
Lễ cúng lúa làm đòng (Padai dôk tian):
Lễ này người Chăm cúng lúc lúa đang dậy thì con gái. Họ quan niệm hồn lúa cũng như hồn người. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định và ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. Lễ này khác với lễ trước là lễ vật cúng 1 con dê, 5 mâm cơm, rượu, trứng, trầu cau… Chủ tế lễ là thầy Kadhar kéo đàn Rabap (đàn tương tự như đàn nhị người Kinh), ông Cai mương (Hamu ia) hoặc ông Camưney. Các vị thần linh được mời về dự lễ cũng tương tự như lễ vừa nêu trên nhưng nội dung hành lễ này phong phú hơn, thầy Kadhar vừa kéo đàn Rabap vừa mời các vị thần và hát về những bài thánh ca, ca ngợi công đức của các vị thần mẹ (Po Inư Nưgar) đã dạy người trồng lúa, cày cấy đem lại lúa gạo cho người Chăm và hát ngợi ca các vị thần thủy lợi như Po Kluang Garai, Po Rame đã đem nước về cho dân làng tưới tiêu, trồng lúa.
Lễ thu hoạch lúa (Iew Yang Trun Yuak):
Lễ này thường diễn ra vào tháng 11 lịch Chăm (tháng 10 âm lịch). Khi cúng lễ, người Chăm phải chọn ngày tốt (ngày thứ tư hoặc thứ bảy) để xuống gặt lúa. Lễ này do ông Cai mương hoặc ông Cai đập cúng (ôn Binưk). Lễ vật gồm có 1 cặp gà, rượu, trứng, trầu cau, xôi chè… Nội dung cúng tương tự như lễ lúa làm đòng. Khi lễ cúng này kết thúc thì ông thầy cúng bước xuống ruộng, dùng lưỡi liềm cắt một bó lúa để khai lễ ngày gặt lúa. Cách 3 ngày sau ruộng lúa mới được thu hoạch. Bó lúa lễ được chủ ruộng đem về nhà để trên trần nhà đến mùa sau thì đem ra cúng.
Lễ lúa mới lên sân (Da a patai tagok lan):
Lễ này nội dung tương tự như lễ cúng lúa làm đòng. Mục đích là lễ tạ ơn các vị thần thánh, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho họ thóc lúa đầy bồ.
Nói chung qua 5 lễ nghi nông nghiệp của người Chăm như trên, đã phản ảnh nhu cầu sinh trưởng của cây lúa (từ lúc cày gieo, lúa đẻ nhánh, lúa đơm đòng đến lúa chín). Mặc dù đây là lễ nghi tổ chức từng gia đình nhưng lại liên quan đến mùa vụ của cả cộng đồng nên nó trở thành lễ hội cộng đồng. Ngày nay, kể từ sau năm 1975 thì hệ thống lễ nghi nông nghiệp này không còn phụ hợp nữa mà đã biến mất.
Lễ cầu đảo (Palau Sah):
Lễ hội cầu đảo
|
Lễ palau sah là lễ cầu đảo liên quan đến cầu mưa, cầu nước của người Chăm. Lễ được tổ chức vào tháng 4 lịch Chăm. Lễ này ngoài tổ chức ở các đền tháp Chăm còn được tổ chức tại các cửa biển. Đây là lễ chung cho cả cộng đồng Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) và Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo).
Ngày xưa, cứ đến tháng 4 Chăm lịch – mùa khô hạn nắng nóng thì người Chăm đến các cửa biển Lâm Ngư (xã Phương Hải, Ninh Hải) và gần cửa biển Cà Ná (Phước Diêm – Ninh Phước) và cửa biển Mỹ Tân (Mỹ Tường, Ninh Hải) để cúng lễ.
Lễ Palau sah là một nghi lễ tổng hợp của các lễ thức người Chăm. Đây là lễ cúng chung cho các vị thần Chăm như các vị thần Bàlamôn (Yang bimon – yang aklak), các thần Hồi giáo – Bàni (yang birow – thánh alla); thần núi, thần sông, thần biển… Các vị chức sắc cúng lễ như tu sĩ Paseh của nhóm Chăm Ahiêr, tu sĩ Acar của nhóm Chăm Awal, thầy cúng tín ngưỡng dân gian như Kadhar (thầy kéo đàn Rabap), thầy Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng), thầy Ka-in (thầy bóng), Muk Pajau (Bà bóng), ông Cai đập (binưk), ông Cai mương (Hamu ia)…
Riêng lễ Palau Sah (cầu đảo) ở Bĩnh Nghĩa (Ninh Hải) có nội dung khác lễ cầu đảo (Yuơr yang) ở các vùng Chăm khác. Lễ Palau sah ở thôn Bĩnh Nghĩa có nội dung tương tự như lễ hội múa Rija Nưgar (Lễ hội múa tống ôn đầu năm). Còn lễ Palau sah ở vùng Chăm có đặc điểm chung như nhau và bao gồm các tiểu lễ như sau:
Lễ Rija harei (lễ múa ban ngày): Lễ này được tiến hành trong một nhà lễ làm bằng tre, mái lợp bằng tranh hoặc bằng tấm bạt, hướng mặt về phía mặt trời lặn. Lễ vật gồm có 1 con gà, 5 mâm cơm (mỗi mâm có cơm, canh cá và cá khô), 3 mâm chuối, hai mâm trầu, rượu, trứng… và 5 mâm xôi chè.
Lễ do Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) và ông Ka-in (thầy bóng thực hiện). Đặc điểm của lễ này là Mưduôn vỗ trống Basanưng hát mời các vị thần như thần núi (Po cơk), thần sông biển (Po Riyak), thần chèo thuyền (po tang ahuak), thần giữ rừng trầm (Po gilau), đặc biệt là thần thủy lợi như Po Klaung Garai, Po Rame… Khi ông Mưduôn hát các tiểu sử ca ngợi các công lao đức độ của các vị thần thì thầy bóng (Ka-in) múa phụ họa trong tiếng trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai Chăm. Bà con dân làng dự lễ cầu cúng khấn vái và tham gia múa mừng.
Lễ cúng Rija Dayuap (lễ cúng ban đêm): Lễ này được tiến hành vào lúc chiều tối hoặc ban đêm do Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) và bà bóng (Muk Pajau) thực hiện. Lễ này có sự tham gia của tu sĩ Po Acar nhóm Chăm Awal. Lễ vật gồm 1 con dê, 5 mâm cơm, xôi chè, trầu cau, rượu trứng, bánh trái… Thầy Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) hát mời các vị thần như Po Au loah, Po Bal Gina, Po Cah ya, và thần mẹ xứ sở (Po Inư Nưgar), Po Klaung Garai, Po Rame (Vua Chăm được suy tôn thành thần thủy lợi), thần núi (Po Cơk), thần sông (Po Patau Ia), thần biển (Yang tasik)… Ông Kadhar hát thì bà bóng múa phụ họa…
Lễ tế thần lửa (cuh yang apui): Lễ này do tu sĩ paseh thực hiện. Đây là lễ cúng các vị thần Chăm ở đền tháp (yang Bimon) đặc biệt là cúng tế thần lửa (yang apui) để cầu thần lửa đem lại lửa làm sấm chớp, mây, mưa… Nội dung lễ này tương tự như lễ nghi đốt thần lửa ở đền tháp Chăm.
Lễ rước gậy thần của tu sĩ Acar (Gay bhong): Lễ này do nhóm tu sĩ Chăm Awal thực hiện. Nghi lễ này rất long trọng, Po Acar và dân làng rước gậy thần (Gay bhong) – gậy lễ rao giảng kinh của thánh Mohamach từ thánh đường hồi giáo đến cửa sông, cửa biển để cầu mưa. Nghi thức cúng lễ này tương tự như lễ hội Ramưwan Chăm Awal. Lễ vật gồm 5 mâm xôi chè, chuối. Tu sĩ Po Acar đọc kinh Coran, cầu thánh Alla (Pamrơ) về hưởng lễ, dâng làng van vái, cầu khấn cho thánh Alla hiệu nghiệm, ban cho dân làng mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Ngoài lễ Palau Sah (Lễ cầu đảo) như trên, vào thời điểm này (tháng 4 lịch Chăm), từng làng người Chăm còn tổ chức lễ hội cầu đảo cho riêng mình, chủ yếu họ cầu cúng Po Nai (Nữ hoàng đi tu tại núi Chà Bang – Ninh Thuận) và lễ cúng Po Riyak (thần sóng biển)… Lễ này diễn biến tương tự như lễ múa ban ngày (Rija harei) do thầy Maduôn và Ka-in thực hiện. Lễ lôi cuốn cả dân làng tham gia trở thành ngày hội của các palei Chăm.
Nói chung Lễ Palau Sah là lễ nghi tổng hợp của người Chăm. Lễ này không những tập trung các chức sắc, tu sĩ, các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng mà nó còn lôi kéo được dân làng, từng thôn và từng khu vực tham gia. Cùng với lễ Palau Sah (cầu đảo), thời điểm này còn có lễ cầu đảo Po Nai, Po Rijak đã góp phần làm cho lễ hội Chăm sôi động hẳn lên. Đây là thời điểm lễ hội Chăm diễn ra khắp nơi, từ bãi trống đầu làng đến mỏm núi, bờ sông, bờ biển là cho làng Chăm thực sự là mùa trẩy hội. Tháng tư là mùa nắng nóng – mùa cầu mưa, cầu nước – mùa cầu khấn cho dân làng khỏi bệnh tật bởi sức nóng khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Do vậy thời điểm này là mùa diễn ra nhiều nghi lễ hội hè ở khắp mọi nẻo của làng – Palei Chăm.
Lễ chặn nguồn nước (Kap kraung Halau): Sau khi làm lễ cầu đảo, trời bắt đầu ban xuống cơn mưa cho dân làng cày cấy. Để tránh mưa nhiều, gây ra bão lụt thì người Chăm còn tổ chức làm lễ chặn nguồn nước. Lễ này được thực hiện ở các cửa sông lớn. Lễ được diễn ra ở hai cộng đồng Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Lễ này có nghi thức diễn ra khá long trọng do các tu sĩ po Acar, Ong binưk (cai đập)… thực hiện. Trong lễ này, ngoài việc lễ vật là 5 mâm cơm và xôi chè, người Chăm còn rước gậy lễ rao giảng kinh của Mohamach (Gay bhong) ở trong thánh đường (sang mưgik) đến cửa sông. Trong nghi lễ này có 9 tu sĩ Acar nhóm Chăm Awal – Chăm ảnh hưởng Hồi giáo mặc áo màu đen (aw juk) để thực hiện lễ. Họ đọc kinh Coran… cầu nguyện thánh Alla xin đừng mưa nhiều, gây lũ lụt phá hoại mùa màng, nhà cửa, xóm làng. Khi lễ kết thúc tất cả tu sĩ Po Acar ở trần lội xuống sông làm lễ “té nước” và kết thúc nghi lễ.
Nghi lễ này ngoài chức sắc, tu sĩ thực hiện còn có sự tham gia của một số dân làng, tín đồ ở các thôn, các vùng cùng hưởng chung đập nước tham gia cúng lễ. Tất cả bà con dân làng cúng lễ vật đều cầu mong cho trời ban cho mưa thuận gió hòa, không gây lũ lụt phá hoại mùa màng.
Lễ tế trâu (Ngak kabaw yang patau): Lễ tế trâu là loại lễ nghi cúng tế lớn nhất trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp của người Chăm. Lễ được tổ chức 7 năm 1 lần. Lễ vật cúng một con trâu trắng tại núi Đá Trắng thuộc thôn Như Ngọc, Ninh Phước, Ninh Thuận.
Nguồn gốc của lễ này theo truyền thuyết kể lại: Ngày xưa khi người Chăm chưa có vua, ông “kay Klong, kay Biên” mới đào đất lấp biển, phá núi để hình thành đất đai, sông biển cho người Chăm. Lúc đó ở xứ Chăm có một Chằn tinh (Rak) từ đâu xuất hiện đòi làm vua xứ Chăm. Chằn tinh đòi vua Chăm phải nộp nhiều thứ thuế và nộp cả người đẹp. Về sau Chằn tinh còn đòi vua Chăm nộp cả công chúa. Thấy Chằn tinh ngày càng gieo tai họa cho dân làng, và để cứu công chúa ra khỏi tay Chằn tinh. Vua cầu xin thần linh phù hộ cho dân làng và giúp vua tiêu diệt cho được Chằn tinh. Vua tập trung dân làng, ra tay chiến đấu nhiều ngày đêm với Chằn tinh. Cuối cùng Chằn tinh bị vua chém đầu, Chằn tinh bị giết chết, xương chất đống thành núi màu trắng. Từ sự tích đó, tại làng này có một ngọn núi Đá Trắng, trên núi có một cái hang sâu mà dân gian gọi hang đó là đầu và miệng của Chằn tinh và lấy tên núi đó là “Cơk yang Patau” (Núi vua chúa). Từ đó dân làng thoát khỏi tai họa. Về sau để trừ Chằn tinh phá hoại dân làng, mùa màng, dân làng thường cúng trâu trắng 7 năm một lần.
Lễ cúng trâu trắng do Cai lệ (Hamu ia), thầy Kadhar (thầy kéo đàn Rabap), Muk pajau (bà bóng) thực hiện… Lễ được thực hiện một ngày từ sáng đến chiều. Trong buổi sáng, Ong Cai lệ dắt trâu trắng đến chân núi Đá Trắng và làm lễ tâu trình với thần yang tại tấm bi “Yang tikuh” (thần Chuột) bằng lễ vật 3 trứng gà, rượu và trầu cau… Sau khi tâu trình thần yang, ông Cai lệ trở lại chân núi Đá Trắng, ông Cai lệ đọc lời khấn làm lễ tẩy uế con trâu và xin phép thần yang làm lễ cắt cổ trâu. Nghi thức lễ cắt cổ trâu diễn ra rất trọng thể. Trước khi bị cắt cổ cúng thần, con trâu được làm lễ tẩy thể bằng “nước thần” (nước có pha cát lồi). Sau đó trâu được buột lại bốn chân và vật ngã nằm xuống đất. Ông Hamu ia (Cai lệ) cầm cây kiếm dài hướng về phía mặt trời mọc, tay cầm 3 tem trầu cau và một nắm gạo trắng vung lên trời để cầu siêu cho linh hồn con trâu. Ông Hamu ia cầu thánh Alla, thần đất, thần núi Đá Trắng, thần Chằm tinh (Cơk yang patau)… cho phép ông được cắt cổ trâu và các vị thần sớm cầu siêu cho linh hồn con trâu và các vị thần nhanh mà đến hưởng lễ. Hết lời cầu khấn ông cắt cổ trâu. Trong lúc cắt cổ trâu ông Cai lệ nín thở cho đến khi huyết trâu chảy hết và trâu tắt thở trong tiếng chiêng và lời hát lễ của thầy Kadhar kéo đàn Rabap.
Lễ vật cúng thần yang, thần Chằm tinh ở núi Đá Trắng, ngoài thịt trâu còn có hai con gà luộc, bánh chà cung (bánh bột gạo), 2 chén rượu cần, trứng, trầu cau, bánh trái…
Địa điểm cúng lễ ngoài tại chân núi Đá Trắng – nơi hành lễ chính, họ còn cúng tại nơi dựng tấm bi “Yang Tikuh” một mâm cơm, 1 mâm thịt, 1 mâm cỗ bánh (bánh tét, trái cây hoa quả). Và cúng tại đỉnh núi đá trắng gồm: 1 mâm cơm, một mâm thịt trâu, 1 cỗ bánh, 1 thau huyết trâu.
Nghi thức hành lễ, thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát thánh ca mời các vị thần thì ông Cai lệ (Humua ia) đánh chiêng và Bà bóng (Muk pajau) dâng lễ vật. Họ mời các vị thần như thần đất (Po bhum), các vị thần núi ở núi đá trắng (Po cơk yang patau), thần sông (Po patau ia), thần mẹ xứ sở (Po Inư Nưgar), thần thủy lợi (Po Klaung Garai, Po Rame), thần chuột phá hoại mùa màng (Yang tikuh)… Lễ này có sự tham gia của dân làng ở khu vực núi Đá Trắng, họ cũng dâng bánh trái, cầu khấn, múa mừng tạo thành một lễ hội mang tính khu vực. Lễ này từ lâu đã trở thành phong tục, tín ngưỡng của người Chăm. Do đó cứ 7 năm 1 lần, người Chăm tổ chức lễ cúng trâu tại núi Đá Trắng. Dân gian Chăm có câu tục ngữ để tưởng nhớ đến tục lễ trên như sau:
Bilan năm yang tikuh
Bilan tajuh yang patau
(Tháng sáu cúng thần chuột phá hoại mùa màng
Tháng bảy cúng thần Chằn tinh ở núi Đá Trắng)
Bilan tajuh yang patau
(Tháng sáu cúng thần chuột phá hoại mùa màng
Tháng bảy cúng thần Chằn tinh ở núi Đá Trắng)
Phần 2: Lễ hội cúng thần linh
rong hệ thống lễ hội Chăm lễ Puis, Payak là loại lễ nghi tín ngưỡng của người Chăm có từ lâu đời. Đây là lễ hội của tộc họ được tổ chức theo định kỳ 1 năm, 3 năm hoặc 7 năm một lần. Lễ Puis, Payak là hai loại lễ khác nhau, tuỳ theo phong tục thờ cúng, hệ thống thờ thần mà mỗi tộc họ tổ chức lễ Puis hoặc Payak để tế thần linh.
Lễ Puis:
Lễ rước y trang Nữ thần Pô Inư Nưgar
|
Là loại lễ nghi của tộc họ cúng để trả lễ và thết đãi thần linh (Jiư muk key) – cụ thể là lễ tế thần Po Rame. Lễ này thường được tổ chức theo định kỳ 1 năm, 2 năm hoặc 7 năm một lần khi tộc họ làm ăn được mùa, phát đạt con cháu sum họp.
Lễ Puis được tổ chức phổ biến trong tộc họ thuộc các làng thờ tháp Po Rame như Hậu sanh, Mỹ Nghiệp, Vĩnh Thuận, Vụ Bổn, Hiếu Thiện (Ninh Thuận)… Còn các tộc họ khác thờ cúng thuộc khu vực tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh – Ninh Thuận) thì làm lễ cúng Payak. Tục lễ ấy đã có từ xưa đến nay và đã trở thành phong tục, tín ngưỡng của tộc họ. Cứ như thế khi đến chu kỳ cúng lễ hàng năm thì tộc họ phải thực hiện những lễ cúng trên.
Khi đến một chu kỳ cúng lễ Puis của tộc họ thì trưởng tộc họ (akauk gơp)có nhiệm vụ đi thông báo đến các thành viên tộc họ và góp tiền của để thực hiện lễ cúng. Khi đã đủ điều kiện về vật chất và tài chính thì ông trưởng tộc đem lễ vật (trầu, rượu) đến nhà thầy Kadhar Gru – thầy tế lễ Puis để xem ngày lành thàng tốt cúng lễ. Thông thường thì lễ Puis thực hiện được bất cứ tháng nào trong năm và phải là ngày chẳn trong tháng 3, 4, 5 trừ tháng 11 và 12 (bilan Puis, mak). Vì hai tháng này người Chăm thường cử hành lễ đăng quan, tiến chức cho các vị vua chúa cho nên phải kiêng cữ.
Sau khi được thầy Kadhar ấn định ngày tháng tổ chức lễ thì lễ Puis được diễn ra trong một nhà lễ (Kajang) trong lễ Puis có hai loại: Loại nhà lễ không có lợp mái (Kajang mưtưh danah buah) và nhà lễ lợp mái (kajang bah bauh). Tuỳ theo tộc họ có tục cúng nhà lễ nào thì dựng theo nhà lễ kiểu ấy. Ở hai nhà lễ này mặc dù hình thức khác nhau nhưng nội dung hành lễ, lễ vật hiến tế đều giống nhau. Ở đây chỉ khảo tả lại lễ Puis có hình thức nhà lễ một mái.
Trong ngày làm lễ, từ sáng sớm tộc họ tập trung đông đủ tại nhà được tổ chức lễ. Phụ nữ được phân công nhau chuẩn bị lễ vật như gói bánh, trầu cau, bánh trái… Còn đàn ông thì làm heo, gà… và dựng nhà lễ. Nhà lễ không rộng lắm (4m x 5m), chủ yếu làm bằng tre, và mái thì lợp tranh hoặc tấm bạt và mở một lối ra vào ở hướng đông – tây.
Lễ vật cúng lễ Puis bao gồm:
- 1 bộ y phục đàn ông (1 cái váy trắng, 1 dây thắt lưng, 1 cái áo sah, 1 cái khăn đội đầu) và 1 bộ trang phục đàn bà (1 cái váy trắng, 1 dây thắt lưng, 1 cái áo, 1 cái khăn đội đầu). Hai bộ trang phục này được treo lên trước bàn tổ trong nhà lễ (Kajang).
- Ngoài trang phục lễ, lễ vật dâng cúng còn có cơm canh, rượu trứng, cá khô, bánh chakun (bánh hấp bằng bột gạo), cơm rượu (tapai thanh) và 3 chén rượu cần (ia tapay) và hoa quả…
Tất cả những lễ vật được sắp xếp theo mâm lễ. Tùy theo lễ cúng vị thần nào mà mâm lễ vật được xếp trên mâm 5 tầng, 7 tầng, 8 tầng hoặc 9 tầng. Mỗi tầng lễ vật được sắp xếp xen kẽ nhau bao gồm: bánh tét (pay nung), bánh chakun (kur), bánh tráng (pay Chăm), cá khô (rik), chuối (patey)… Tổng cộng tất cả 16 mâm lễ, trong đó hai mâm xếp 9 tầng (kaya salipan), 2 mâm xếp 7 tầng (kaya tajuh), 4 mâm xếp 8 tầng (kaya dalipan), 3 mâm xếp 5 tầng (kaya limư) và với 5 mâm cơm (cơm, canh, cá khô, thịt gà luộc…) Tất cả mâm lễ vật được đặt hai bàn tổ (sanai) chính bên trong nhà lễ.
Ngoài những mâm lễ như trên thì ở chính giữa nhà lễ còn có bàn tổ của Muk Pajau (bà bóng) – bàn tổ chính của nhà lễ. Ở bàn tổ này có đặt một “thôn hala”, 1 khay trầu le, khay rượu, gạo lễ (brah kran) tô nước lã và chén lửa đốt trầm. Ở bên trái bàn tổ bà bóng còn có bàn tổ thầy kéo đàn Rabap và bàn tổ của chủ nhà (Po sang). Ở hai bàn tổ này, mỗi bàn có đặt một khay trầu, khay rượu, bình trà, chén lửa đốt trầm.
Lễ Puis do thầy kéo đàn Rabap (Kadhar) và bà bóng (Muk pajau) là chủ tế lễ chính. Sau khi vật đã chuẩn bị xong thì trong buổi sáng hôm đó chủ nhà đem lễ vật trầu rượu đến làm lễ đón rước đàn Rabap và gạo lễ – vật tổ của thầy Kadhar và Muk pajau. Sau đó lễ được tiến hành, bà bóng khấn vái mời thần linh, tổ tiên trong nhà trình lễ. Sau đó là làm lễ cúng cá khô (ngak yang tachauk rik) và cúng 5 mâm cơm (ieu tamư salao lithey).
Sau lễ cúng các vị thần tổ tiên trong nhà (Po truak patra) thì thầy Kadhar và Muk pajau bắt đầu cúng mời đãi các vị thần linh sau: Thần Siva (Po Ginôr mưtri), Thần trong nhà (Yang di sang), Thần mẹ xứ sở (Po Inư Nưgar taha), Thần mẹ xứ sở Hamu Mưrâu (Po Inư Nưgar hamu Mưrâu), Thần mẹ xứ sở Hamu Ram (po Inư Nưgar Hamu Ram), Quan văn (Po Par), Vua Chăm thế kỷ XVII (Po Rame), Vua Chăm thế kỷ XIV (Po Thun Garai), Quan phó vương miền núi (Po Garai phauk), Po Klaung Kasat, Cey Thuơr (biệt hiệu thần Po Klaung Garai), Thần Yang in (Po Yang In), Thần rừng trầm, rừng quế (po Tang, Po Galau), Thần sóng biển (Po Riyak), Chàng trai trẻ (Po Dam), Tổ tiên (Po Trauk, Po Patra).
Mỗi vị thần trên khi được mời về dự thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát bài thánh ca, ca ngợi công lao tiểu sử của các vị thần. Trong lúc thầy Kadhar hát bài thánh ca thì bà bóng (Muk pajau) rót rượu cầu khấn và dâng lễ vật. Bà con dự lễ cũng cầu khấn cho các vị thần linh vui lòng hưởng lễ vật của tộc họ dâng cúng mà phù hộ độ trì cho tộc họ. Nghi thức hành lễ cúng thần linh và nội dung hát ở lễ Puis này tương tự như nghi lễ cầu cúng ở các lễ liên quan đến đền tháp Chăm như lễ mở cửa tháp (pơh băng yang), lễ hội Katê…
Tiếp theo lễ đãi thần linh thì bà bóng (Muk pajau) còn múa dâng lễ. Múa dâng lễ chỉ được thực hiện ở phần tế lễ đãi thần Siva (Po Ginôr Mưtri), Po Inư Nưgar, Po Rame. Nghi thức múa cúng lễ 3 vị thần vừa nêu trên đều như nhau. Thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát mời, bà bóng múa và dâng lễ vật mỗi vị thần một khay trầu và một ché rượu cần. Chỉ có múa dâng lễ ở vị thần mẹ xứ sở thì bà bóng còn có tục múa dâng gạo, lúa bằng động tác múa đi xung quanh 3 mũng gạo và múa đạp vào đống lúa đổ sẵn trên chiếu lễ ở bàn tổ. Nghi thức múa lễ này người Chăm còn gọi là “múa đạp lúa”. Lễ múa này người Chăm nhằm tưởng nhớ vị thần mẹ Po Inư Nưgar – Nữ thần hiện thân cho mẹ lúa, hồn lúa và họ cầu mong cho được mùa màng, đời sống ấm no, sung túc.
Những điệu múa hát theo lễ như trên được hòa vào tiếng đàn Rabap, trống Basanưng, Chiêng, nhạc gõ bằng gỗ (người Chăm gọi là tăm gek). Tất cả những lời ca điệu múa ấy mang một âm hưởng trầm hùng cùng với tiếng vỗ tay nhiệt thành của những người tham gia lễ tạo nên một nhạc lễ riêng biệt đặc sắc của lễ Puis, Payak mà người Chăm gọi nhạc lễ này là điệu nhạc “Chiêng jăp”
Sau lễ múa hát kết thúc thì họ tổ chức lễ tiễn đưa các vị thần hưởng lễ về thiên giới. Lễ này ông thầy kéo đàn Rabap và bà bóng cúng tâu trình với các thần linh là lễ tế đãi thần của tộc họ đến đây kết thúc. Bà bóng ngồi rót rượu, tay cầm những hạt lúa nổ (kaman) rãi khắp bàn tổ trong nhà lễ rồi rót rượu xuống đất miệng cầu khấn: Nghi lễ cúng thần đã kết thúc, cầu mong các vị thần trong đền tháp (yang bimôn kalan), các vị thần trong nhà (yang di sang) và tổ tiên… phù hộ độ trì cho tộc họ sức khỏe, được mùa, đoàn kết sum họp, thương yêu lẫn nhau… Sau lời khấn thì nghi lễ chấm dứt. Nhà lễ lập tức được dỡ bỏ, nghi lễ tế thần linh – Puis kết thúc trong ngày.
Lễ Payak:
Cả sư dâng lễ vật cúng thần
Pôklong Garai |
Là lễ của tộc họ chủ yếu là cúng vị thần tổ tiên (yang di sang) và thần Po Klaung Garai. Lễ payak do các tộc thuộc các làng Chăm thờ tháp Po Klaung Garai thực hiện như: làng Phước Đồng, Chất Thường, Hiếu Lễ, Hoài Trung (Ninh Phước – Ninh Thuận)…
Hành lễ Payak cũng tương tự như lễ Puis là do thầy Kadhar và bà bóng thực hiện.
Lễ này chỉ khác ở chỗ là khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát mời vị thần Siva thì bà bóng thực hiện nghi lễ “thả ba hạt gạo trôi trong lọ nước”, rồi bà bóng đợi cho đến khi 3 hạt gạo trôi đến gần nhau thì dùng lá trầu vớt 3 hạt gạo lên. Đó là điềm báo tộc họ này sum họp, làm ăn thịnh vượng, may mắn. Sau đó họ làm lễ thết đãi cơm, rượu cần như lễ Puis vừa nêu trên.
Trong lễ tế các vị thần linh trong lễ Payak, khi cúng đến thần Po Klaung Garai – đối tượng cúng chính của lễ này thì thầy Kadhar có một nghi lễ riêng. Khi cúng thần Po Klaung Garai thì thầy Kadhar kéo vạt áo lên trùm đầu và hát những bài thánh ca, bà bóng dâng lễ vật cơm canh, ché rượu cần cho thần, rồi bà bóng múa lễ mừng.
Múa trong lễ Payak phong phú hơn lễ Puis. Ngoài lễ múa mừng (tamia ôn), dâng đạp lúa (tammia jaup paday) còn có múa ngậm lửa (tamia jauk apaui), múa thoát y (tamia halang halaup), múa mừng hạt lúa (tamia ôn kaman), múa cho con ăn (tamia crauk lithey ka anưk), múa ru con (tamia dai anưk)…
- Nghi thức múa mừng và múa đạp lúa tương tự như lễ Puis.
- Múa ngậm lửa: là một điệu múa của bà bóng, tay cầm 3 cây nến thắp sáng rồi ngậm lửa vào miệng. Khi bà bóng ngậm lửa vào miệng mà nhún nhảy thì thầy Kadhar kéo đàn Rabap và nghệ nhân khác vỗ trống Basanưng, đánh chiêng dồn dập… Khi bà bóng múa và ngậm tắt 3 nén lửa thắp sáng thì múa lễ này kết thúc.
- Múa thoát y: Để thực hiện điệu múa lễ này ngoài bộ y phục màu trắng mà bà bóng mặc đang hành lễ, thì bà bóng còn mặc chồng lên thêm một cái váy màu đen. Khi tiếng nhạc lễ cất lên thì điệu múa bắt đầu. Bà bóng tay cầm hai đầu váy đen vừa mặc, vừa làm động tác mở váy ra. Bà bóng cứ làm động tác cầm hai đầu váy múa nửa kín nửa hở; nhảy múa trước bàn tổ để dâng cúng thần linh. Nghi thức múa mặc váy nửa kín, nửa hở như trên người Chăm gọi là múa thoát y (tamin lang halaup).
- Nghi lễ múa mừng hạt lúa nổ: Bắt đầu điệu múa “Mừng hạt lúa nổ”. Bà bóng nằm dài trên chiếc chiếu cổ (ciew ang) đặt ở chính giữa nhà lễ, đầu hướng về hướng đông. Bên cạnh bà bóng nằm có đặt một chén nước lễ, trong đó có 3 hạt lúa nổ và một chén rượu cần. Khi vào lễ múa thì bà bóng ngậm nước phun vào bàn tổ 3 lần rồi múa mừng theo tiếng đàn Rabap, tiếng trống Basanưng và tiếng Chiêng lễ.
- Nghi lễ múa cho con ăn: Lễ múa này do bà bóng và vũ sư của tộc họ thực hiện. Chuẩn bị lễ vật múa cho con ăn bao gồm: mâm cơm, canh, cá, gà luộc, chuối. Sau khi lễ vật chuẩn bị xong thì bà bóng và vũ sư ngồi vào bàn tổ. Trên vai bà vũ sư có đeo một chiếc váy trắng ngang ngực – tượng trưng cho tục “điệu con”. Lúc vào lễ thì bà con dự lễ rót rượu khấn vái tổ tiên thần linh cho tộc họ con đàn cháu đống. Thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát bài lễ “cho con ăn”. Trong lúc Kadhar hát lễ thì bà bóng làm động tác cho con ăn. Đầu tiên bà bóng múa cho con uống nước, tiếp đó là xúc miệng cho con bằng nước muối. Sau đó là cho con ăn cơm với cá, đùi gà và cuối cùng là trái chuối. Tất cả lễ vật đó bà bóng bỏ vào chiếc váy trắng mà vũ sư đang đeo trước ngực. Vì chiếc váy đeo tượng trưng cho con. Sau lễ cho ăn thì bà bóng múa mừng.
- Múa lễ ru con: Múa lễ ru con do vũ sư (Muk Rija) thực hiện. Bắt đầu vào lễ này thì nhà lễ được tháo gỡ để trống ở đầu nhà lễ. Ở phần trống này họ treo một tấm váy trắng làm võng ru con. Khi vào lễ bà bóng ngồi vào bàn tổ rót rượu khấn vái và vũ sư đứng bên cạnh chiếc võng và treo bằng váy trắng làm động tác ru con theo tiếng hát bài ru con (duah dai anưk) về nữ thần mẹ Po Inư Nưgar do thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát… Đây là điệu múa lễ cuối cùng trong hệ thống múa đãi tế thần linh Payak của tộc họ. Cũng tương tự như lễ cúng đãi thần linh – Puis đã trình bày ở trên, lễ Payak này cũng kết thúc lễ bằng nghi thức lễ tiễn đưa các vị thần linh về lại thiên giới (palau yang).
Lễ tế trâu tộc họ tại tháp Po Klaung Garai:
Từ xa xưa người Chăm còn có tục lễ tế trâu, tục gọi là “Kabaw akadang khun salao” để tế đãi thần linh. Lễ này do một họ tộc thực hiện. Hiện nay họ còn cúng tế trâu 7 năm một lần. Lễ này tương tự như lễ cúng đãi thần linh Payak. Chỉ khác là cúng trâu nướng nguyên con và phải cúng tại một rạp lễ gần chân núi tháp Po Klaung Garai. Hành lễ tế trâu ngoài nội dung múa hát, nó còn có nghi thức lễ nướng trâu nguyên con khiêng lên dâng cúng tại tháp Po Klaung Garai theo nghi thức lễ cúng như lễ mở cửa tháp, lễ hội Katê… Lễ này cũng do thầy Kadhar và bà bóng thực hiện.
Tóm lại: Lễ tế trâu này cũng nằm trong loại nghi lễ cúng thần linh của tộc họ như lễ Puis, Payak. Nhưng lễ nghi Puis, Payak là loại nghi lễ của tộc họ phổ biến hơn. Lễ Puis và Payak là ngày hội của tộc họ – Ngày lễ hội mừng được mùa, mừng con cháu đầy đàn, no ấm, biểu hiện sự giàu sang phú quý của tộc họ mà làm lễ tạ ơn và thết đãi thần linh. Loại hình lễ hội của tộc họ này còn chứa đựng nhiều dấu ấn về văn hóa, tín ngưỡng bản địa cổ sơ có trước khi người Chăm tiếp nhận, ảnh hưởng loại hình tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo. Chính lễ nghi này là tiền đề để hình thành nên nghi thức lễ cúng tế ở đền tháp Chăm. Tín ngưỡng ấy thể hiện ở hình thức tế lễ, nội dung tế lễ. Lễ Puis, Payak do thầy cúng lễ Kadhar và Muk Pajau thực hiện, không có tu sĩ Paseh và Acar tham gia. Văn hóa, tín ngưỡng bản địa ấy còn thể hiện dấu ấn cổ sơ như tục thờ cúng tổ tiên, tục làm nhà một mái, tục ăn lúa nổ, lúa rang, uống rượu cần… Đó là biểu hiện lối sống của cư dân tiền nông nghiệp mới thoát thai từ nghề săn bắn và hái lượm. Đặc biệt ở hệ thống lễ này, có nghệ thuật múa dân gian Chăm như múa mừng, múa đạp lúa, múa ngậm lửa, múa hát ru con… Tất cả những điệu múa này chỉ mới dừng lại ở những động tác đơn giản của múa cổ điển như động tác nhún nhảy cổ tay, bàn chân, đi, đứng, ngồi… Cùng với múa là nhạc lễ Puis, Payak cũng vậy. Nhạc ở đây chỉ là nhạc cụ đơn giản như đàn Rabap, chiêng, nhạc gõ bằng gỗ (tăm gek), có cả tiếng vỗ tay… với khúc thức đơn giản mang tính cổ điển. Tuy vậy, cả múa và nhạc ở lễ Puis, Payak chính là tiền đề, là con đường manh nha để hình thành và nâng cao loại hình múa quạt Chăm và nhạc lễ trống Ginăng, Basanưng và kèn Saranai Chăm sau này. Đây chính là loại hình nghệ thuật múa nhạc cổ điển mang tính bản địa của dân tộc Chăm rất quý giá có trước loại hình múa quạt Chăm và nhạc lễ trống Ginăng, kèn Saranai hiện nay. Chính nó là cội rễ, là nền tảng, là phần hồn góp phần quan trọng để hình thành nên kho tàng nghệ thuật múa hát đặc sắc, tô thêm những sắc màu rực rỡ cho lễ hội Chăm.
Phần 3: Lễ hội người Chăm ở thánh đường (Sanmưgik)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét