THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI (CHAMPA) TRONG HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI ĐÔNG Á, phần 3
3. Thương cảng Thị Nại trong mạng lưới trao đổi ven sông của nagara Vijaya
Với đặc trưng về địa sinh thái (không gian duyên hải kéo dài dọc theo lãnh thổ) và Địa – nhân văn (sự tụ cư và cộng cư của các tộc người có nguồn gốc Mã Lai đa đảo), nên các nhà sử học Đông Nam Á gần đây có xu hướng đặtmandala Champa trong không gian lịch sử của vùng quần đảo Đông Nam Á, hay nói cách khác xem Champa như một bộ phận của thế giới Malayu[1]. Trong ý nghĩa ấy, lịch sử cổ xưa của vương quốc Champa chia sẻ nhiều giá trị chung và gần gũi với thế giới hải đảo Đông Nam Á, thế giới biển, và thế giới của các cư dân gốc Mã lai Đa đảo. Trong thế giới hải đảo ấy, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tới sự năng động của các Thể chế biển, tới sự tích cực của các mandalanày vào sự dự nhập của mạng lưới hải thương của khu vực, đặc biệt là vai trò chủ động của các thương cảng cận duyên nắm giữ vị thế như những tiền đồn cho sự hội nhập của các thể chế khu vực vào mạng lưới giao thương quốc tế. Các thương cảng đó, dưới sự bảo trợ của các chính thể trung tâm, trở thành điểm kết nối giữa thế giới lục địa, mạng lưới trao đổi của thị trường nội địa với thế giới biển, với mạng lưới vận hành của thị trường quốc tế.
Mạng lưới giao thương nội địa, được định danh như là Mạng lưới trao đổi ven sông (Riverine exchange network) được xem như là một đặc trưng mang tính phổ quát của thế giới hải đảo Đông Nam Á[2]. Theo lý thuyết của B.Bronson, hệ thống trao đổi ven sông điển hình có một trung tâm thương mại ở ven bờ biển, thường nằm ở vùng cửa sông, như là một entrepôt. Sẽ có những trung tâm trao đổi ở sâu trong lục địa và vùng cao nguyên xa xôi, đóng vai trò như những điểm thu gom hàng hóa (feeder station), hay những địa điểm thu gom hàng hóa đầu tiên từ những vùng đầu nguồn xa xôi của dòng sông. Những cư dân sống ở những bản làng cao nguyên hay đầu nguồn con sông sản xuất và vận chuyển những hàng hóa lâm sản tới trung tâm trao đổi vùng cửa sông, nơi có đông cư dân sinh sống hơn, qua đó họ có thể dự nhập vào một nền kinh tế hiệu quả hơn và có kỹ thuật cao hơn.
Mô hình Mạng lưới trao đổi ven sông phổ biến trong thế giới hải đảo ấy đã được một số các nhà nghiên cứu áp dụng và đã mang lại những kiến giải thú vị về sự vận hành của mạng lưới giao thương nội địa trong lãnh thổ của các tiểu quốc Champa. Sông Thu Bồn ở vùng Amaravati đã được ghi nhận như một sợi dây kết nối quan trọng của một mạng lưới trao đổi ven sông kết nối vùng rừng núi và các tộc người thượng ở miền Tây Amaravati (Quảng Nam ngày nay) với vùng cửa sông Thu Bồn, nơi có cảng Đại Chiêm, hay xa hơn nữa là thương cảng Cù Lao Chàm, rồi từ đây các nguồn hàng nội địa bắt đầu dự nhập vào thị trường khu vực và quốc tế[3]. Việc áp dụng mô hình ấy vào việc nghiên cứu các mạng lưới trao đổi nội địa của vùng Vijaya dọc theo các nhánh của dòng sông Côn, cũng như các con đường mòn ven sông chắc chắn cũng sẽ gợi mở nhiều kiến giải chân xác và thú vị. Dòng sông Côn và các nhánh của nó bắt nguồn từ vùng núi cao nguyên phía Tây Bắc, chảy qua các làng mạc vùng đồi trung du và đồng bằng trù phú, cuối cùng đổ ra biển ở vịnh Thi Nại. Cũng giống như sông Thu Bồn ở phía bắc, dòng sông Côn được coi như một sợi dây liên kết, một con đường chuyển vận văn hoá cũng như các mối giao thương về kinh tế giữa miền ngược với miền xuôi của vùng Vijaya. Các nguồn hàng được thu thập tại các bản làng trên cao nguyên, sau đó theo tuyến đường thuỷ dọc sông Côn được tập trung về thương cảng Thị Nại. Từ đó, các hàng hoá này lại được luân chuyển đi các vùng khác trong vương quốc, và trở thành hàng hoá xuất khẩu của Champa. Ở chiều ngược lại, những hàng hoá của miền xuôi, vùng ven biển và cả những hàng hoá được nhập từ thuyền buôn ngoại quốc lại được chuyển vận tới các cộng đồng cư dân miền ngược. Trong ý nghĩa đó, thương cảng Thị Nại đã trở thành một Trung tâm vùng (regional-center), một trung tâm giao thương, nối kết các cộng đồng cư dân, các không gian sinh thái và kinh tế. Các nhánh sông Côn cùng các đường mòn dọc theo các dòng sông trở thành sợi dây liên kết giữa các không gian sinh thái và tộc người ấy. Dân gian vùng Bình Định cho tới ngày nay còn lưu truyền câu ca:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le chở xuống, mắm chuồn gửi lên.
Nối dài của mạng lưới trao đổi nội địa, đó là các tuyến giao thương xuyên biên giới, và Thị Nại trở thành điểm cuối của tuyến đường băng qua đèo An Khê, Play Ku, và đến sông Mekong ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayutthaya – Bangkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Thị Nại và Vijaya với những mối quan tâm buôn bán của người Khmer và người Xiêm. Tuyến đường này cho đến thời các chúa Nguyễn vẫn còn được vận hành và có vai trò quan trọng[4]. Ở một chiều hướng khác, Thị Nại cũng trở thành một điểm đến quan trọng của các tuyến hải thương khu vực và Quốc tế. Một mối liên hệ bền chặt của chính thể Vijaya với các tiểu quốc thuộc vùng quần đảo Philipinnes đã sớm được thiết lập thông qua việc trao đổi các hàng hóa thương phẩm có giá trị cao[5]. Mối liên hệ ấy giữa Vijaya với các chính thể vùng quần đảo càng trở nên mật thiết hơn từ khi gốm Gò Sành trở thành một nguồn hàng chính và quan trọng của Champa. Những hiện vật khảo cổ phát hiện trong các địa điểm khai quật của Philippines với sự hiện diện của vô vàn các hiện vật gốm Gò Sành đã minh chứng cho mối giao thương mật thiết ấy[6]. Lê Tắc trong An Nam Chí Lược thế kỷ XIII cho chúng ta biết về vị trí quan trọng của mandala Champa – hay chính là vai trò của thương cảng Thị Nại trong mạng lưới giao thương biển của người Trung Hoa: “[Chiêm Thành] lập quốc tại mé biển, thương thuyền Trung Quốc vượt bể đi qua các nước phiên phục, thường tập trung tại đấy để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía Nam”. Nhận định ấy của Lê Tắc được khẳng định rõ hơn bởi loạt các sự kiện trong thế kỷ XV. Dưới thời nhà Minh, trong vòng 28 năm (từ 1405 đến 1433), nhà Minh đã phái cử Trịnh Hòa thực hiện các chuyến thám hiểm của mình xuống các nước Đông Nam Á và Nam Á bằng đường biển[7]. Trong cả bảy lần viễn dương đó, đoàn thương thuyền của Trịnh Hòa đều đã tới Champa[8]. Từ những ghi chép của Lê Tắc, đối chiếu với các chuyến hải trình của Trịnh Hòa, có thể thấy rằng, thương cảng Thị Nại của vương quốc Champa đã trở thành một điểm đến quen thuộc của các thương thuyền trên tuyến hải thương khu vực. Trong ý nghĩa đó, Thi Nại trở thành Trung tâm liên khu vực (Inter-regional center), kết nối các trung tâm thương mại lớn của khu vực và quốc tế.
[1] Keith W.Taylor gợi ý rằng, khái niệm (concept) Champa nên được định nghĩa lại (redefined), rằng Vương quốc Champa nên được hiểu như một không gian văn hóa chính trị vùng quần đảo (archipelagically-defined cultural-political space) và 5 khu vực dọc theo bờ biển Champa có thể được xem như là “các vùng đảo” (Island-clusters), xem: Keith Taylor: The early kingdoms, trong The Cambridge history, Nicholas Tarling et al, pp.153-154. Kenneth Hall thì cho rằng, sự thay đổi các trung tâm hoàng gia Cham (capital) tương ứng với việc chuyển giao (transfer) quyền lực từ một elite của một hệ thống châu thổ sông này sang một mạng lưới khác, khi một elite của một mạng lưới sông có thể thống trị các trung tâm đô thị ven cửa sông khác trên bờ biển Champa, tham khảo: Kenneth Hall: Maritime Trade and state Development in Early Southeast Asia, Sđd, pp.183.
[2] Brenneth Bronson: Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia; trong: Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and Ethnography, edited by Karl L. Hutterer, University of Michigan, 1977.
[3] Trần Kỳ Phương: Riverine exchange network: An exploration of the historical cultural landscape of central Vietnam, trong biblioasia, Vol 4, Issue 3, Singapore, 2008; tham khảo thêm công trình nghiên cứu của William Southworth: River settlement and coastal trade: Towards a specific model of Early State development in Champa, trong: The Cham of Vietnam, Sđd, pp.102-119.
[4] Keith W.Taylor: Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 270, 10-2006, tr.8.
[5] Peter Burns, Roxanna M.Brown: Quan hệ ngoại giao Chàm-Philippinese thế kỷ XI, trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991, tr.101-106.
[6] Brown Roxana: The ceramics of Southeast Asia – their dating and Identification, Oxford University Press, Singapore, 1988, tr.36-39. Tham khảo thêm Allison I. Diem: Bằng chứng về quan hệ buôn bán gốm giữa Champa và Philippinese; trong: Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2005.
[7] Trịnh Hoà đã thực hiện 7 cuộc viễn dương vào các năm 1405, 1407, 1409, 1413, 1417, 1421 và 1431. Trong đó, cuộc viễn dương lớn nhất gồm có trên 300 tàu với nhiều kích cỡ khác nhau và trên 27.000 người; thậm chí chuyến viễn dương được xem là có quy mô nhỏ nhất cũng có khoảng 40-50 tàu. Ba cuộc viễn dương đầu tiên đi xa tới bờ biển phía Tây Ấn Độ; lần thứ 4 xa hơn, tới vịnh Ba Tư, lần thứ 5 và lần thứ 7 đã tới bờ biển phía Đông châu Phi; tham khảo công trình nghiên cứu của Dương Văn Huy: Về những đợt thám hiểm của Trịnh Hoà ở Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (77), 2006, tr.69-74.
[8] Doanh nhai thắng lãm, hay: Hsing-ch’a Sheng-lan – The overall Survey of the Star Raft by Fei Hsin, chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi J.V.G.Mills, Harrassowitz Verlag – Wiesbaden, 1996. Xem phần viết về Chiêm Thành tr.33-39.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét