Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

THE CHAM OF VIETNAM – HISTORY, SOCIETY AND ART

THE CHAM OF VIETNAM – HISTORY, SOCIETY AND ART
Đỗ Trường Giang



Một cuốn sách được cá nhân mình và một số nhà nghiên cứu quan tâm chờ đợi khá lâu, cuối cùng đã được xuất bản. Thật may mắn, vì cuốn sách được xuất bản bởi NUS Press nên mình có may mắn là một trong số những người đầu tiên được cầm trên tay cuốn sách này. May mắn hơn nữa là mình đã được Thầy hướng dẫn của mình – Giáo sư Bruce Lockhart, với tư cách là đồng tác giả và Editor của cuốn sách tặng cho mình với những lời đề tặng ý nghĩa.
The Cham of Vietnam – History, Society and Art, edited by Tran Ky Phuong and Bruce M. Lockhart, được xuất bản bởi NUS Press, National University of Singapore trong thời gian gần đây. Cuốn sách là tập hợp những bài nghiên cứu của các học giả quốc tế, vốn đã được trình bày lần đầu tiên tại Symposium on New Scholarship on Champa, tổ chức bởi Asia Research Institute (ARI), National University of Singapore vào năm 2004, có nghĩa là các tác giả và cả các độc giả đã phải chờ tới gần 7 năm để có cuốn sách trên tay như hôm nay. Cá nhân mình là một người quan tâm về lịch sử Champa, và dù đã đọc hầu hết các bài viết trong cuốn sách này từ trước rồi, rất vui khi ấn phẩm này ra mắt, và mình đã rất xúc động khi mở trang sách đầu tiên ra đã thấy hình của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, với dòng chữ “This volume is dedicated to the late Prof. Tran Quoc Vuong”. Mình thực sự xúc động, và những cảm xúc về thầy Vượng trào dâng, về những buổi học cuối cùng của thầy ở trường Nhân văn mà mình may mắn được tham dự, về những bài viết đầy tính khai mở của Thầy về lịch sử Việt Nam và lịch sử Champa. Thầy đã tham gia Hội thảo về Champa vào năm 2004 tại Singapore – mà kết quả là cuốn sách mình đang có trong tay lúc này, và đây có lẽ là lần đi dự hội thảo nước ngoài cuối cùng trước khi Thầy mất (có thể là mình sai trong dữ kiện này).
tqv
Mình sẽ lan man một chút về thầy Vượng và Champa, trước khi đi vào nội dung của cuốn sách. Có lẽ không chỉ cá nhân mình xúc động khi biết cuốn sách này được đề tặng giáo sư Vượng, mà các học trò cũ của Thầy cũng sẽ rất hạnh phúc, đặc biệt là những người đã có may mắn được gần thầy và được thầy hướng dẫn nghiên cứu thực địa trên dải đất miền Trung nắng gió – mình không có may mắn đó. Trong những ngày còn là sinh viên, những bài viết nghiên cứu lịch sử mình đọc nhiều nhất là những bài viết của Thầy, về địa-lịch sử, địa-văn hóa, tứ giác nước… Mình giành hàng giờ trên thư viện để đọc đi đọc lại cuốn sách Việt Nam cái nhìn địa văn hóa của Thầy. Khóa mình không có may mắn được học Thầy, nhưng cá nhân mình thì đã tự tạo cho mình sự may mắn đó. Từ năm thứ 2 và thứ 3, do mê các bài viết của Thầy và tiếng tăm của thầy, mình đã theo chân các anh chị ngành văn hóa khóa 45, 46 đi học các giờ giảng của Thầy. Mỗi buổi học của Thầy, anh Khải và anh Khanh sẽ đi đón thầy, và luôn luôn có một lon bia sẵn trên bàn để thầy lấy cảm hứng. Sau đó mình còn được dự 1-2 buổi của Thầy dạy cho sinh viên toàn khoa sử, hội trường luôn đông chặt sinh viên và giảng viên đến dự. Đó cũng là những buổi dạy cuối cùng của Thầy, trước khi thầy lâm bệnh và qua đời trong muôn vàn sự tiếc thương của gia đình, học trò và đồng nghiệp. Chắc mọi người đều nhớ về khoảng thời gian 2005-2006, khắp nơi lan truyền những câu chuyện hư hư thực thực về giáo sư Vượng. Một huyền thoại sống đã qua đời, nhưng một người thầy huyền thoại thì mãi mãi tồn tại, ít nhất là trong trái tim tôi… Đến năm thứ 4 làm khóa luận, tôi được thầy Kim gợi ý và “chỉ định” làm về Champa, tôi đồng ý không chút lưỡng lự. Và những bài học đầu tiên của tôi về Chăm và lịch sử Champa là qua những bài viết của thầy Vượng. Không bao giờ tôi quên cảm xúc của mình khi tôi đọc những bài viết ấy. “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt”, “Về một dải văn hóa Nam đảo ven biển miền Trung”, “Miền Trung Việt Nam và văn hóa Champa”… Lần đầu tiên tôi được biết về mandala, về các mô hình nhà nước, về federation of Champa… Những bài viết đó đã định hình nên những nhận thức đầu tiên của tôi về Chăm và Champa, kích thích trí tưởng tượng của tôi và thúc giục tôi đến với một nền văn minh rực rỡ cổ xưa.
cp
Trở lại với cuốn sách mới xuất bản. Cuốn sách được mở đầu với bài viết của giáo sư Bruce Lockhart, “Colonial and Post-colonial construction of “Champa”. Trong bài viết này, giáo sư chia lịch sử nghiên cứu Champa thành bốn Nhóm/trường phái chính: The “Colonial Champa” – trường phái của các học giả Pháp và Ấn Độ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với ba công trình quan trọng của G.Maspero, Majumdar và G.Coedes đã định hình và thậm chí “đóng khung” những nhận thức của các các nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam về sau đối với lịch sử Champa; Champa seen from Saigon – trường phái của các học giả thời Việt Nam cộng hòa với đại diện là hai công trình của Phan Khoang và Dohamide-Dorohiem;Champa seen from Hanoi – trường phái của các sử gia Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa với đại diện là giáo sư Lương Ninh và giáo sư Ngô Văn Doanh; và cuối cùng là The “Revisionist Champa” – Trường phái của các học giả EFEO từ những năm 1980s, 1990s với đại diện là TS. Po Dharma, giáo sư Lafont. Cho đến nay, thì bài viết này là một trong những bài viết chi tiết nhất về lịch sử nghiên cứu Champa.
Một bài viết quan trọng của William A.Southworth, “River Settlement and Coastal Trade: Towards a specific model of early state development in Champa”. Giới nghiên cứu có lẽ đều biết, TS. W.Southworth đã từng hoàn thành luận án tiến sĩ tại SOAS về Origin of Campadựa trên những phát hiện khảo cổ học và khảo cứu tư liệu bia ký, cổ sử Việt-Trung. Trong bài viết này, tác giả cố gắng áp dụng mô hình của B.Bronson về “Riverine exchange network”, kết hợp với những cứ liệu khảo cổ học để phục dựng lại một mô hình và thể chế vận hành của (các) vương quốc Champa xưa. Mô hình này vốn được áp dụng để nghiên cứu về các coastal states vùng đảo Sumatra và một số vùng khác thuộc thế giới Đông Nam Á hải đảo. Việc áp dụng mô hình này vào nghiên cứu lịch sử Champa cũng có thể thấy trong các bài nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương. Mô hình của giáo sư Trần Quốc Vượng về các tiểu quốc Champa cũng chia sẻ nhiều giá trị với mô hình của B.Bronson và W.Southworth.
Có hai bài nghiên cứu về Champa thong qua việc khảo sát các nguồn cổ sử Trung Quốc. Giáo sư Momoki Shiro, “Mandala Champa seen from Chinese sources”, và TS Geoff Wade, “The ‘Account of Champa” in the Song Huiyao Jigao”. Ngoài các nguồn tư liệu khảo cổ học, bia ký, sử Việt, văn bản Chăm, thì các ghi chép trong sử liệu Trung Quốc là vô cùng quan trọng đối với nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á nói chung, và lịch sử Champa nói riêng. Giáo sư Momoki trong các bài viết của mình, có xu hướng ưa dùng mô hình Mandala của O.W.Wolters để tìm hiểu về Champa. Nhiều người ủng hộ, nhiều người tranh luận, và chắc chắn sẽ có những mô hình mới sẽ ra đời trong tương lai không xa dựa trên nghiên cứu bia ký và văn bản chữ viết Cam.
Có ba bài viết liên quan tới lĩnh vực khảo cổ học Champa: Ian Glover và Nguyen Kim Dung, “Excavations at Go Cam, Quang Nam, 2000-3: Linyi and the emergence of the Cham kingdoms”; Yamagata Mariko, “Tra Kieu during the second and third centuries CE: The formation of Linyi from an Archaeological perspective”; Allison I.Diem, “The significance of Ceramic evidence for assessing contacts between Vijaya and other Southeast Asian polities in the 14th-15th centuries CE”. Bài viết của W.Southworth cũng có thể xếp vào nhóm này. Vì khảo cổ học không phải lĩnh vực chuyên sâu của mình nên không tiện bàn tới ở đây.
Hai bài viết bàn về các mối quan hệ của Champa với các quốc gia láng giềng: Danny Wong Tze Ken, “Vietnam-Champa relations during the 17th and 18th centuries”, và Tran quoc Vuong, “Viet-Cham cultural contacts”. Bài viết của A.Diem cũng có thể xếp vào nhóm này.
Hai bài viết về lịch sử nghệ thuật và Tôn giáo Champa: Tran Ky Phuong, “The integral relationship between Hindu temple sculpture and architecture: A new approach to the arts of Champa”, và John Guy, “Pan-Asian Buddhism and the Bodhisattva cult in Champa”.
Nhóm bài viết từ góc nhìn nhân học và ngôn ngữ học: TS Thành Phần (Gru Hajan), “Kut (cemeteries) of the Cham in Ninh Thuan Province”; TS Yoshimoto Yasuko, “A study of the Almanac of the Cham in South-Central Vietnam”, và Gerard Diffloth, “The westward expansion of Chamic influence in Indochina: A view from historical Linguistics. Đặc điểm chung của nhóm tác giả này là nghiên cứu về các vấn đề đương đại của cộng đồng người Chăm tại Việt Nam, sử dụng các tài liệu thư tịch Chăm và ngôn ngữ Chăm.
Nhóm tác giả cuối cùng là hai nhà nghiên cứu nổi tiếng John K.Whitmore và Michael Vickery viết về những vấn đề lịch sử Champa. J.Whitmore, “The last Great King of classical Southeast Asia: Che Bong Nga and 14th century Champa”; M.Vickery, “Champa revised”. Giáo sư Vickery vốn là một chuyên gia lớn về lịch sử Angkor và Khmer. Trong bài viết của mình, giáo sư lật lại một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu lịch sử Champa và đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu cụ thể hơn và có những cách nhìn khác, chính xác hơn về The origins of Champa and the Cham, the Linyi problem, Huanwang, Panduranga, Vijaya problem…
Trên đây là một số nét chính về nội dung cuốn sách, và một số cảm xúc ngoài lề. Cùng với cuốn sách chủ biên bởi A.Hardy về Mỹ Sơn (2009), thì cuốn sách này tiêu biểu cho những kết quả mới nhất trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa Champa và cộng đồng người Chăm được xuất bản bằng tiếng Anh. Dựa trên nhận thức cá nhân, thì những công trình nghiên cứu trong cuốn sách này, đại diện cho trường phái nghiên cứu Champa thứ ba, mà tôi định danh là NEO-Revisionist, hay theo cách định danh của J.W.Christie thì là Sociological school. Một số đặc trưng cơ bản của trường phái này, đó là các nhà nghiên cứu hưởng ứng lời hiệu triệu của J.Smail về việc viết một Autonomous history (1961) của Đông Nam Á đúng như những gì đã từng diễn ra ở Đông Nam Á chứ không phải viết lịch sử Đông Nam Á thông qua lăng kính của Ấn Độ hay Trung Hoa. Hưởng ứng lời hiệu triệu đó là việc khởi xuất và áp dụng các mô hình có nguồn gốc tại chính Đông Nam Á để nghiên cứu về lịch sử chính trị, văn hóa, tôn giáo… của Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, các mô hình Mandala của O.Wolters, Riverine Exchange network của Bronson hay Negara của C.Geertz đã được xây dựng và dần dần được các nhà nghiên cứu chấp nhận, cũng như áp dụng để nghiên cứu đối với lịch sử cổ xưa của nhiều chính thể vùng Đông Nam Á. Trong một bài viết riêng, tác giả sẽ bàn riêng về vấn đề này sau. Hai trường phái trước đó nghiên cứu về lịch sử Champa nói chung đã được đề cập trong bài viết của GS Bruce Lockhart trong cuốn sách này.
For more detail, visit NUS website @ http://www.nus.edu.sg/nuspress/subjects/history/978-9971-69-459-3.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét