Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

NHẬN DIỆN KIẾN THỨC PHỒN THỰC Ở VIỆT NAM VÀ VÙNG ĐÔNG NAM Á

NHẬN DIỆN KIẾN THỨC PHỒN THỰC Ở VIỆT NAM VÀ VÙNG ĐÔNG NAM Á


Hoàng Xuân Phương
Khi nghệ thuật phồn thực được thể hiện bởi các bầu vú căng sữa thì kiến trúc phồn thực bắt đầu từ các gò nổi là trung tâm của thủ tục thờ Mẹ đất, phát triển thành các gò tháp, đền tháp, chùa tháp. Kiến trúc phồn thực và kiến trúc nhà thuyền với các kiểu nhà sàn hay tàu thuyền chạm khắc hình rồng là hai dòng nghệ thuật kiến trúc truyền thống của Việt Nam và Đông Nam Á cho đến ngày nay.
Căn bản của tín ngưỡng phồn thực là tục thờ đất
Làm ra nhiều lúa gạo lương thực để duy trì cuộc sống và sinh sản đông con nhiều cháu để duy trì nòi giống là hai căn bản của tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp cổ. Nhận thức phồn thực bắt nguồn từ nhóm người Indo-Mongoloid tràn xuống từ rặng Himalaya rồi theo sông Brahmaputra về phía tây đến vùng thung lũng Ấn – Hằng, và theo sông Mê-Kông xuống vùng Đông Nam Á tạo nên dòng tín ngưỡng phồn thực miền Nam.
Tín ngưỡng phồn thực cổ xưa được nhận ra nhờ tục thờ thần đất tức Mẹ Đất, gọi là Bà, Ba Thê hay Bã Thõu nghĩa là Bà mẹ Thung Lũng. Mẹ Đất được tin là vị thần sinh ra con người, loài vật, cây cỏ và cả sông nước để tưới cho cây, núi đồi làm hang con người trú ẩn. Cư dân tôn thờ Mẹ Đất bằng việc đắp lên các đền thờ lộ thiên tượng hình thung lũng nơi họ đang sống gọi là Thành Mọi. Về sau người ta thu nhỏ nguyên dạng Thành Mọi thành vật thờ gọi là Yoni để đặt trong các đền tháp.
Các Thành Mọi được phát hiện lần đầu ở Phước Long trong các năm 1950, khi phu đồn điền dọn đất để trồng cao su. Lúc bấy giờ các nhà nghiên cứu gọi kiến trúc đất tròn (circular earthwork) này là thành của người Mọi cổ và cho rằng đó là bí ẩn Đông Nam Á vì không hiểu được ý nghĩa. Thành Lộc Ninh trong tỉnh Bình Phước có diện tích khoảng 1.000m2, ở giữa là một nền phẳng để chỉ vùng đồng bằng thấp có các suối nước chảy qua, vây quanh bởi hai vòng thành đất đắp cao một vài mét để chỉ núi non. Nằm ở trung tâm kiến trúc là một gò đất đắp cao để chỉ Bà, tức vị chúa thung lũng. Thành này còn giữ nét nguyên thủy cho đến khi được tìm thấy.

Gò nổi là trung tâm của kiến trúc phồn thực

Gò nổi ở đồng bằng sông Cửu long là phần còn lại của Thành Mọi. Chúng xuất hiện khá dày ở những nơi sau này trở thành trung tâm cư trú phồn thịnh của người Óc Eo, hoặc nằm rải rác đều đặn cách nhau trên dưới 40 cây số ở những vùng ngập nước thưa dân. Có những gò chỉ vài chục thước vuông với chiều cao đất đắp chỉ hơn 1m. Nhưng nhiều gò rất lớn, rộng hàng trăm mét vuông và nhiều khi cao đến 4m. Trong số các di tích đền thờ Mẹ Đất nổi tiếng có Gò Tháp ở Đồng Tháp, Gò Hàng ở Long An, Gò Thành ở Vĩnh Long, Nền Chùa ở Kiên Giang và Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Cây Trôm gần núi Ba Thê ở An Giang.

Nơi các Thành Mọi nằm giữa cao nguyên Cò Rạt và Tây Nguyên nước ta thì gõ nổi chỉ là một khoảng đất đắp. Nhưng khi cư dân tiến về khối đá xếp thì mặt gò thành một Yoni dạng tròn, vuông hay chữ nhật để thờ, gọi là các gò đá nổi nay để lại nhiều đìa đá nằm giữa đồng bằng. Sang thời kỳ thứ ba, người ta xếp đá thành huyệt vuông giật cấp trên lớn dưới nhỏ ở trung tâm Yoni để chôn đất. Đất trong huyệt và cả đá bên ngoài được chở đến từ vùng đất thánh, tức các núi Bà như Ba Thê hay Sdachao. Nhiều nhà nghiên cứu lầm tưởng huyệt đất là các huyệt mộ, mặc dầu ở đó không có xương cốt cũng không có vết tích hoả táng.
Quá trình chuyển mình từ nền văn minh sông nước với truyền thống tín ngưỡng Mẹ Đất sang nền văn minh đô thị diễn ra rất nhanh khi người Óc Eo bản địa tiếp cận thương gia đến từ các thành phố cổ đại ở Ba Tư và vùng thung lũng sông Ấn theo con đường buôn bán hương liệu. Ở gần núi Ba Thê, người ta phát hiện kiến trúc gò đá sớm nhất gọi là Mộ A1 xếp hình tháp cụt, trong đổ đầy loại đá núi khai thác tại chỗ. Tiết diện trên của gò tháp vuông vức 10mx10m. Huyệt đất nằm giữa cũng xếp bằng đá giật làm hai cấp: cấp trên 2mx2m trong đổ cát mịn, cấp dưới 0,5mx0,5m trong chứa đất sét đỏ tươi lấy từ Sdachao tức núi Xà Lôn cách đó gần 20 cây số.

Hình thành dạng kiến trúc phồn thực nguyên thể

Kiến trúc phồn thực dạng tháp cụt phát triển rất sớm từ đầu Công nguyên. Tháp bao phủ bên ngoài gò đất, tiết diện mặt đáy và mặt trên hình vuông hay hình chữ nhật, tường xếp đá nằm nghiêng hoặc xây đứng bằng gạch hay bằng đá đẽo giật cấp hẹp dần từ dưới lên trên. Gò nổi giữa tháp là nền đất đắp nhưng cũng có nơi là một ngọn đồi được cư dân chọn làm nơi thờ Bà tức mẹ Đất. Các nhà nghiên cứu gọi kiểu kiến trúc này núi đền (temple montagne) xếp vào nhóm kiến trúc phồn thực nguyên thể (classique) so với nhóm phức thể (baroque) như ở Angkor hay phối thể với kiến trúc nhà thuyền như ở thánh địa Mỹ Sơn nằm gần Đà Nẵng.

Nổi tiếng nhất trong các kiến trúc phồn thực nguyên thể sơ khai là đền Cây Thị và đền Nam Linh Sơn trong quần thể di tích Óc Eo ở An Giang, nằm cách Mộ A1 trên Gò Cây Trum chỉ vài cây số. Tường bao của hai đền này đều xây bằng gạch giật cấp trên mặt móng đá. Các kiến trúc này không mái nên Yoni xếp bằng gạch lộ thiên trên mặt đất đắp. Đền Cây Thị có đến 2 Yoni tạo thành ngăn gạch xếp và 2 khe suối mà các nhà nghiên cứu tưởng lầm là rãnh thoát nước. Kiến trúc thờ phượng trong thời Óc Eo – Phù Nam (thế kỷ I – VII) đều là các nền gạch lộ thiên dễ bị huỷ hoại lúc đỉnh cao của kỳ hải xâm trong khoảng các năm 650, nay để lại rất nhiều gò gạch đá lẫn lộn nằm rải rác giữa các đồng thấp hay trên các giồng cao.

Kiến trúc phồn thực nguyên thể đạt đến đỉnh cao trong các thế kỷ IX và X nhờ vào kỹ thuật lắp dựng đá đẽo khai thác từ các núi thiếng như Kulen ở Siem Reap hay Merpi ở Yogiakata. Nhóm đền thờ bằng đá không để Yoni lộ thiên mà xây mái công phu thể hiện cõi niết bàn hay các thác cao để chỉ núi thánh. Mỗi mặt đá đều được khắc trạm hình ảnh sinh động theo các sự tích tôn giáo. Nổi tiếng nhất trong nhóm là đền Borobudur (760 – 825) ở cố đô Yogiakata của Indonesia, đền Ba Kông (881) và đền Ba Ken (893) trong quần thể Ăngko ở Campuchia trong tín ngưỡng phồn thực, chất liệu đá chỉ được dùng để xây đền, không dùng xây nhà, và nhiều phế tích đền thờ nay vẫn giữ được âm “Bà” trong tên gọi phổ thông.

Phát triển kiểu kiến trúc phức thể và phối thể

Kể từ thế kỷ X, các kiến trúc phồn thực phức thể xuất hiện ngày càng nhiều, tạo thành phần lớn quần thể Ăngkor và nhiều khu đền vùng Đông Nam Á. Mỗi phức thể kiến trúc gồm một ngôi đền chính là Yoni trung tâm nổi cao lên giữa một hay nhiều Yoni khác thấp hơn vây quanh. Hình mẫu bằng đá xanh gọi là Yoni đô thị của kiểu phức thể này. Được chế tác từ thế kỷ V, gần đây được tìm thấy trong Di chỉ Đá Nổi gần thành phố Long Xuyên. Trên thực địa người ta phân định các lớp Yoni nhờ vào hệ thống hào nước bao quanh khu đền. Đến đây ý niệm phồn thực chuyển từ thờ Mẹ tức Bà chúa đất hay vị chúa xứ sở sang thờ Vua là chúa một nước có lãnh thổ giữa các biển thể hiện bởi các hào nước.
Quần thể Ăngkor ở Siem Reap không chỉ là một mà nhiều thành phố theo mẫu hình Yoni đô thị năằ sát bên nhau hoặc chồng phủ lên nhau. Có khoảng 40 khu đền đã được biết tới, một số đã chỉnh trang cho khách đến thăm, số khác đang được trùng tu, nhưng cũng có những đền ẩn khuất đâu đó dưới các rừng cây. Lúc đầy Indravarman I (877 – 889) xây dựng kinh đô Ba Kông rồi Yasovarman I (889 – 910) thiết lập kinh đô Ba Kheng theo kiểu kiến trúc phồn thực nguyên thể. SAu này Suryavarman II (1113-1150) xây Angkor Wat rồi Jayavarman VII (1181 – 1219) thiết lập đại hoàng thành Angkor Wat được xây bởi các khối đá đẽo nặng từ 3,5 đến 5 tấn lấy từ Kulen cách đó 70 cây số. Sách sử ghi rằng 1.800 con voi phải vận chuyển suốt 37 năm và hơn 1.000 thợ điều khắc được tập trung suốt 21 năm để điêu khắc và hoàn thiện mặt đá ngôi đền.

Phối thể giữa kiến trúc phồn thực và kiến trúc nhà thuyền được nhận ra tại hầu hết các nước Đông Nam Á, đặc biệt các đền tháp miền Trung nước ta và khu thánh địa Mỹ Sơn nằm giữa thung lũng đầu nguồn con sông Thu Bồn. Khu đền là một quần thể được lần lượt xây dựng từ thế kỷ IV đến XI, gồm các kiến trúc gạch xây giật cấp trên một móng đá bao phủ gò đất đắp. Các kiến trúc trung tâm thể hiện quan niệm ba thế giới: Mái hình cánh buồm là thế giới của tổ tiên thần linh, bên dưới là nhà dạng sống,tầng dưới gồm nhiều cấu trúc dạng cột để chỉ địa đàng nay đã chìm ngập giữa lòng biển cả. Chính trong phối thể này, chúng ta có thêm bằng chứng về truyền tích con Rồng cháu Tiên, giữa Mẹ Đất tức bà Âu Cơ và Cha Biển tức Lạc Long Quân vốn được ghi lại tron sách Lĩnh Nam Trích Quái.

Nguồn: Xưa & Nay, số 363/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét