Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

DIỆN MẠO VĂN HOÁ ĐA TỘC NGƯỜI - ĐA TÔN GIÁO Ở AN GIANG QUA KHẢO SÁT ĐIỀN DÃ


DIỆN MẠO VĂN HOÁ ĐA TỘC NGƯỜI - ĐA TÔN GIÁO
Ở AN GIANG QUA KHẢO SÁT ĐIỀN DÃ

LÝ TÙNG HIẾU[1]

An Giang là một trong những địa bàn được khai phá sớm nhất nhưng kết thúc quá trình này muộn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, An Giang là một trong những tỉnh có diện tích đất canh tác lớn nhất vùng, với tổng diện tích đất nông nghiệp lên tới 246.821ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 82%, cung cấp một sản lượng lúa lớn nhất miền Tây. Đóng góp vào thành tựu đó là lực lượng cư dân tại chỗ và di dân từ các vùng lân cận, đưa dân số toàn tỉnh lên tới 2.142.709 người, đông nhất trong các tỉnh miền Tây (1/4/2009).
Từ nhiều thế kỷ trước, lưu dân các tộc người Khmer, Hoa, Chăm, Việt và cả một số lưu dân gốc Ấn Độ, Mã Lai đã có mặt trên mảnh đất này. Trên một không gian văn hoá có cả đồng bằng bao la và núi non hùng vĩ, sự giao lưu tiếp biến văn hoá giữa các tộc người đã đem lại cho vùng đất An Giang một diện mạo văn hoá đa tộc người và đa tôn giáo rất đặc biệt mà khó có vùng đất nào khác ở Việt Nam sánh được.
Báo cáo “Diện mạo văn hoá đa tộc người - đa tôn giáo ở An Giang qua mấy chuyến điền dã gần đây” là kết quả của hai chuyến khảo sát điền dã mà chúng tôi tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn. Chuyến thứ nhất diễn ra từ ngày 24 đến 27/11/2009 do Khoa Văn hoá học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho giảng viên, học viên cao học, sinh viên, theo lộ trình từ Long Xuyên lên Châu Đốc, An Phú, sang Tịnh Biên, Tri Tôn, vòng xuống Thoại Sơn rồi trở về Long Xuyên. Chuyến thứ hai do chúng tôi tự thực hiện nhằm giúp bạn Trần Trọng Lễ, học viên cao học do chúng tôi hướng dẫn, thu thập tư liệu cho luận văn thạc sĩ văn hoá học. Chuyến đi này diễn ra từ 2 đến 4/9/2011, trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Tri Tôn của An Giang và một phần huyện Hòn Đất thuộc Kiên Giang. Các cộng tác viên chủ yếu: ông Phan Thanh Nhàn, sinh năm 1973, cán bộ Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang; ông Trần Văn Nghiêm (Tư Nghiêm), sinh năm 1953, nông dân ở ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn.

1. KHÔNG GIAN VĂN HOÁ VÙNG ĐẤT AN GIANG
Trước hết xin giới thiệu những nét chính về không gian văn hoá. Về mặt địa hình, An Giang là địa bàn đặc biệt nhất trong các tỉnh thành Nam Bộ: có tứ giác Long Xuyên trũng thấp mà diện tích chỉ đứng sau Đồng Tháp Mười, đồng thời lại có núi đồi nhiều và cao nhất miền Tây Nam Bộ.
Tỉnh An Giang là nơi đầu tiên ở Tây Nam Bộ tiếp nhận nguồn nước của sông Cửu Long (Mekong), nơi đầu tiên hưởng lợi từ nguồn tài nguyên phù sa và tài nguyên thuỷ sản khổng lồ của con sông. Nơi tiếp nhận nguồn nước sớm nhất là huyện An Phú và huyện Tân Châu. Khi vào địa phận Việt Nam, 79% lượng nước của sông Cửu Long đổ vào sông Tiền, chỉ có 21% chảy sang sông Hậu. Nhưng nhờ các kinh rạch trên đất An Giang như kinh Tân Châu, kinh Vĩnh An, rạch Vàm Nao..., lượng nước khổng lồ vào mùa lũ của sông Tiền đã được điều bớt sang sông Hậu. Tiếp đó, các kinh đào xuyên qua tứ giác Long Xuyên lại tiếp tục đưa nước lũ của sông Tiền - sông Hậu thoát ra vịnh Thái Lan, nhanh hơn nhiều so với tốc độ nước lũ tự chảy trên thuỷ trình tự nhiên dài 280km từ biên giới đến biển Đông. Sông Cửu Long với các chi lưu của nó đã đem lại cho An Giang khoảng 156.507ha đất phù sa, chiếm 44,27% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Bên cạnh đó là khoảng 30.136ha đất phèn, phân bố ở Tri Tôn, Tịnh Biên và một phần Châu Phú [Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang, 2008a].
Tuy không giáp biển, nhưng An Giang lại có hẳn một hệ sinh thái rừng tràm phong phú, đã được quy hoạch để bảo tồn. Đó là rừng tràm Trà Sư, toạ lạc ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 10km, tiếp giáp với kinh Trà Sư. Trung tâm của rừng tràm cách tỉnh lộ 948 chỉ 3,5km đường xe hơi. Xưa kia, đây là khu vực của rừng tràm tự nhiên và đồng lúa một vụ năng suất thấp, nhưng nay đã chuyển thành rừng tràm toàn bộ. Rừng tràm có tổng diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm, được chia thành hai tiểu khu, mỗi tiểu khu gồm 6 ô diện tích bằng nhau. Bên trong các ô, người ta đào kinh, đắp đường, trồng thêm giống tràm của Úc, sen, súng để tạo thêm môi sinh cho các loài cò, cồng cộc, giang sen, dơi quạ... Theo ban quản lý rừng tràm Trà Sư, hiện nay rừng tràm có 11 loài thú, 70 loài chim (trong đó có 2 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam là cò lao Ấn Độ tức giang sen và cổ rắn tức điêng điểng), 22 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 23 loài cá bao gồm 10 loài cá đen xuất hiện quanh năm (lóc, trê, rô...) và 13 loài cá trắng xuất hiện trong mùa nước nổi (mè vinh, linh, lăng...), và 140 loài thực vật trong đó có 79 loài dược liệu. Riêng thực vật thân gỗ thì chỉ có cây tràm. Đây là rừng tràm thuần nhất, với giống tràm bản địa, mọc dày, lớn chậm, thấp cây, thân cong vẹo, gỗ chắc. Vì mục đích bảo tồn để làm môi sinh cho chim, cá chứ không lấy gỗ, nên ban quản lý không tỉa thưa loại tràm này. Còn giống tràm của Úc mau lớn, cây cao, thân thẳng, gỗ mềm, thì được trồng ở ven bờ để giữ đất và được thu hoạch sau ba năm để lấy gỗ làm cừ, làm bột giấy. Lá tràm khô rụng thì được dân địa phương gom vào bao lớn, chở về làm chất đốt nấu đường thốt nốt. Rừng tràm Trà Sư đã được xếp vào hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, và vào ngày 25/7/2005 đã được công nhận là “Khu bảo vệ cảnh quan”.
Tương phản với sông rạch chằng chịt là rừng núi bao la. Đồi núi ở An Giang phân bố theo hình cánh cung, dài gần 100km, với đầu trên là núi Sam (thị xã Châu Đốc), đầu dưới lànúi Sập (huyện Thoại Sơn), ở giữa là cụm núi Thất Sơn (huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn). Tuy vậy, trong khi núi Sập được xem là một bộ phận của Thất Sơn thì núi Sam chỉ được xem là cửa ngõ đi vào khu vực Thất Sơn. Và tuy được gọi là Thất Sơn nhưng tổng cộng có đến 37 ngọn núi trong khu vực. Vì vậy, chính xác tên gọi “Thất Sơn” xuất phát từ bảy ngọn núi nào, là vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Nhà văn Hồ Biểu Chánh cho rằng Thất Sơn bao gồm: núi Tà Chiếu, núi Trà Nghịch, núi Tượng, núi Thốt, núi Ca Âm, núi Nam Sư, núi Khe Lập. Một tác giả nước ngoài lại cho rằng Thất Sơn gồm có: núi Cấm, núi Dài, núi Két, núi Tượng, núi Trà Sư, núi Bà Đội Om, núi Ông Tô. Nhưng một người địa phương cao niên là ông Lương Văn Phụng, ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, lại cho biết Thất Sơn bao gồm: núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngoạ Long Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Dài (Ngũ Hổ Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thuỷ Đài Sơn). Đi trên quốc lộ 91 từ Châu Đốc về Tịnh Biên, nhìn bên trái sẽ thấy núi Két, nhìn bên phải sẽ thấy núi Trà Sư, núi Dài Năm Giếng (Ngoạ Long Sơn)... Trong đó, núi Cấm tức Thiên Cấm Sơn, ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, có độ cao 705m, là ngọn núi cao nhất miền Tây. Đứng trên vồ Bồ Hong, đỉnh cao nhất của núi Cấm, lúc trời trong có thể nhìn thấy tận vùng biển Hà Tiên. Quá trình phong hóa, xâm thực của các đồi núi đã đem lại cho An Giang khoảng 29.320ha đất đồi núi, chiếm 8,6% tổng diện tích đất của tỉnh, chủ yếu phân bố tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, một phần nhỏ ở huyện Thoại Sơn (vùng Ba Thê) [Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang, 2008a].

2. GIAO LƯU TIẾP BIẾN VĂN HOÁ TRÊN VÙNG ĐẤT AN GIANG
Trong các tỉnh thành Nam Bộ, An Giang là nơi lưu giữ nhiều nhất những chứng tích rực rỡ của văn hoá Óc Eo, nền văn hoá tiền sử đầu tiên của địa bàn Tây Nam Bộ. Đây là nền văn hoá có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VIII, do người Indonesian và nhiều lớp người ngoại nhập (Thiên Trúc, Nguyệt Thị, Nam Dương…) tạo lập ở đồng bằng Nam Bộ và Đông Campuchia, trên địa bàn trung tâm của vương quốc Phù NamMặc dù không còn tồn tại khi người Việt đến, nhưng văn hoá Óc Eo vẫn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng dưới dạng một số cốt tượng được lưu dân dựng chùa miễu để thờ. Hiện nay trên đỉnh núi Ba Thê ở huyện Thoại Sơn có nhà trưng bày văn hoá Óc Eo, chủ yếu trưng bày các hình ảnh và một ít hiện vật phục chế. Toàn bộ toà nhà được tạo hình như một khối Linga to lớn. Trên mi cửa trước có hình mặt trống đồng, vành ngoài cùng của trống là những bông lúa. Xung quanh toà nhà, có nhiều tượng thần voi Ganesha đắp bằng xi măng, tay phải cầm Linga, tay trái cầm Yoni.
Rất lâu sau khi nền văn hoá Óc Eo tàn lụi, mới có những lưu dân Việt, Chăm, Hoa, Khmer đến vùng đất này để khai khẩn, định cư. Sau khi vương quốc Chân Lạp bị người Xiêm tấn công, phải dời đô đến Phnom Penh vào năm 1434, rồi dời đến Lovek vào năm 1539, người Khmer đã chuyển trọng tâm đất nước từ tây bắc xuống đông nam Biển Hồ, và tìm đến Nam Bộ định cư ngày một đông hơn. Khi đến Nam Bộ, theo truyền thống, nơi người Khmer chọn để định cư là các vùng đất cao, tạo thành các khu vực cư trú tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang và rải rác ở các nơi khác. Trong khoảng cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII, đã có những người Việt đầu tiên vượt biển tới khai phá vùng đất này. Đồng hành với họ là những người Hoa Minh Hương. Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho các tướng “phản Thanh phục Minh” Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và 3.000 người tuỳ tùng tớiMỹ ThoBiên Hoà và Sài Gòn để khai khẩn, định cư. Năm 1680, Mạc Cửu và những người Hoa tuỳ tùng đến Chân Lạp, chiêu tập lưu dân lập ra 7 thôn xã từ Vũng Thơm (Kompong Thom) đến Cà Mau (Tưk Khmau), đến năm 1708 cũng xin thần phục chúa Nguyễn. Người Chăm ở Nam Bộ nguyên là di dân người Chăm ở Chân Lạp, sử gọi là người Côn Man. Năm 1756, sau khi người Côn Man bị quân Chân Lạp đuổi đánh, Nguyễn Cư Trinh đã tâu xin chúa Nguyễn và đưa họ về định cư ở Châu Đốc, Tây Ninh. Về sau, người Chăm ở Châu Đốc (An Giang) tiếp tục di dân đến Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương...
Tóm lại, vào khoảng đầu thế kỷ XVI, ngoại trừ vùng thềm cao nguyên ở miền Đông, phần còn lại của vùng đất Nam Bộ, tức là toàn bộ không gian của vùng văn hoá Nam Bộ hôm nay, trong đó có An Giang, đều là hoang hoá. Kể từ thời điểm đó, các cộng đồng lưu dân người Khmer, người Việt, người Hoa, người Chăm mới nối tiếp nhau tiến vào Nam Bộ,chia nhau khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán, dần dần biến một vùng đất hoang vu rộng lớn thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất. Nền văn hoá Nam Bộ nói chung, của vùng đất An Giang nói riêng, từ đó mới hình thành như một kết quả dung hợp giữa cái nền là văn hoá Việt với những yếu tố tiếp biến từ văn hoá Chăm, Hoa,Khmer… và cả phương Tây sau này. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá đã khiến cho trong văn hoá của các tộc người Khmer, Chăm, Hoa ở An Giang đều có các yếu tố của văn hoá Việt. Người Khmer An Giang không còn theo chế độ mẫu hệ đơn thuần mà đã có xu hướng chuyển sang phụ hệ. Một bộ phận người Hoa tiếp tục quá trình đồng hoá tự nhiên thành người Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông chung của các tộc người. Ngược lại, trong văn hoá của người Việt ở An Giang, đã có sự hiện diện của các yếu tố văn hoá Khmer, Hoa, Chăm. Các lễ hội dân gian của người Khmer, Hoa, người Việt đều tham dự.

3. DIỆN MẠO VĂN HOÁ ĐA TỘC NGƯỜI Ở AN GIANG
Theo kết quả tổng điều tra dân số 1/4/2009, tỉnh An Giang có 2.142.709 người, thuộc 30 tộc người, cư trú trong 11 huyện thị. Trong đó, bốn tộc người đông dân nhất vẫn làKinh (2.029.887 người), Khmer (90.271 người), Chăm (14.209 người), Hoa (8.075 người) [Viện Dân tộc, 2010]. Cho nên,  nếu nói rằng đồng bằng sông Cửu Long là nơi cộng cư và hoà trộn văn hoá của các tộc người Việt, Khmer, Hoa, Chăm, thì An Giang chính là địa bàn tiêu biểu nhất của toàn vùng. Tuy khác nhau về ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục, các tộc người ở An Giang từ bao đời nay vẫn chung sống hoà bình; mỗi tộc người gắn bó với một môi trường sinh thái và văn hoá mưu sinh nhất định, không xâm phạm lẫn nhau. Có thể vì vậy mà những tính cách dễ thấy nhất của cư dân nơi đây là sự cởi mở và lòng hiếu khách.
Người Việt bắt đầu đến vùng đất An Giang từ lúc nào, không được sử sách ghi chép rõ, nhưng khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đã thấy có người Việt ở vùng Bình Mỹ (Châu Phú), vùng Châu Đốc và vùng cù lao Cây Sao (cù lao Ông Chưởng). Tương truyền khi thuyền quân xuôi dòng Cửu Long (1700), Nguyễn Hữu Cảnh ghé lại những nơi có người Việt ở để thăm hỏi và khích lệ mọi người giữ tình thân thiện dù không cùng chủng tộc. Ông cũng cho phép một số binh phu được ở lại theo ven sông vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Chợ Mới cày cấy làm ăn. Thời gian sau, có thêm những tín đồ Thiên Chúa lánh nạn từ miền ngoài đến ở cù lao Giêng (1778), Bò Ót (1779), Năng Gù (1845). Sang thế kỷ XIX, việc di dân lập ấp ở An Giang được đẩy mạnh, nhờ công sức đóng góp của Nguyễn Văn Thoại và Nguyễn Tri Phương. Năm 1818, theo lệnh triều đình, Nguyễn Văn Thoại đốc suất đào kinh Đông Xuyên (sau được vua ban tên là Thoại Hà) dài 30km từ núi Sập (Thoại Sơn) đến Rạch Giá, tạo điều kiện canh tác thuận lợi cho dân khẩn hoang hai bên bờ kinh. Những năm1819-1824, ông lại vâng mệnh đốc suất đào kinh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế Hà) dài hơn 90km nối từ Châu Đốc đến sông Giang Thành rồi chảy ra vịnh Thái Lan, đến năm 1826-1827 lại cho đắp con đường dài 5km từ Châu Đốc đến núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), nhờ đó mà dân từ Châu Đốc vào núi Sam khẩn ruộng, lần hồi tiến đến khai phá vùng Tịnh Biên. Dưới đời vua Minh Mạng, tội phạm lưu đày phần lớn gom về vùng Vĩnh Tế để lập các xóm dọc bờ kinh. Đầu thế kỷ XIX, nhiều lần quân Xiêm xâm lấn nước ta, tàn phá Hà Tiên, Châu Đốc. Năm 1833, giặc Xiêm tàn phá dọc kinh Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và tràn qua Tân Châu. Nhưng chỉ 5 năm sau dân cư đã quy tụ trở lại, thành lập hàng chục thôn rải rác dọc hai bờ kinh Vĩnh Tế. Nguyễn Tri Phương khi làm Kinh lược sứ ở Nam Kỳ đã có sáng kiến lập đồn điền biên giới nhằm ngăn giặc, yên dân, tập trung ở vùng Châu Đốc, Hà Tiên. Năm 1854, Nguyễn Tri Phương báo cáo đã thành lập được 21 cơ đồn điền. Hai năm sau, tỉnh An Giang và Hà Tiên đã chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp [Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang, 2008b]. Sau vài đời, di dân đã trở thành thổ dân, không về quê cũ nữa, chỉ lưu lại chút dấu tích quê xưa qua tín ngưỡng và giọng nói. Hiện nhiều nơi trong khu vực tứ giác Long Xuyên, cư dân phát âm TR thành CH tắc, R thành J tắc, tương tự cư dân Nam Bộ ở địa bàn Long An - Tiền Giang... Đôi khi mới có người phát âm R thành G, giống như cư dân ở Bạc Liêu - Cà Mau - Rạch Giá... là địa bàn có đông người Việt Minh Hương và người Hoa gốc Triều Châu, Quảng Đông.
Khi tỉnh An Giang mới thành lập, dọc theo hữu ngạn sông Tiền, đất dễ canh tác, dân cư đã khá đông, tập trung ở cù lao Ông Chưởng, cù lao Giêng... Tuy nhiên, phía hữu ngạn sông Hậu, đất khó canh tác, dân cư vẫn còn thưa thớt. Đó chính là vùng đất trũng tứ giác Long Xuyên, trải dài từ kinh Vĩnh Tế đến kinh Rạch Giá - Long Xuyên, và từ sông Hậu đến bờ biển phía tây. Ngày nay, đi bằng đường bộ vào khu vực này, có thể theo tỉnh lộ 941 (từ An Châu đến Tri Tôn), tỉnh lộ 943 (từ Long Xuyên đến Núi Sập, Tri Tôn), nhưng tuyến đường tốt nhất là quốc lộ 91 từ Long Xuyên đến Châu Đốc, Tịnh Biên. Tuyến đường này vừa được sửa chữa, rải đá tráng nhựa, nhằm kết nối thị trường nội địa với khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên. Khởi hành từ Châu Đốc thì bên trái quốc lộ là khu vực rừng tràm, bên phải là cánh đồng trải dài tít tắp đến tận biên giới Việt-Miên. Con kinh Vĩnh Tế nằm ở bên tay phải, song song với con đường, nhưng nếu đi vào mùa lũ thì không thể nhận ra, vì lúc bấy giờ phần lớn cánh đồng bị ngập nước mênh mông, xuồng máy chạy băng băng như chạy trên sông. Nơi đây, mỗi năm có đến bốn tháng nước lụt tràn đồng. Bản thân quốc lộ 91 vừa là tuyến giao thông vừa là con đê ngăn lũ, mặt đường cao hơn mặt ruộng xung quanh đến vài ba mét, nhưng vẫn bị nước tràn qua trong cơn lũ lịch sử hồi năm 2000. Câu tục ngữ “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” hoàn toàn phù hợp để nói về mùa nước lụt ở nơi đây. Muốn giảm thời gian và mức độ ngập lụt thì chỉ có cách đào thêm kinh để rút ngắn quãng đường và tăng lưu lượng thoát lũ từ sông Cửu Long ra biển.
Nhằm hoàn chỉnh mạng lưới kinh đào kết nối sông Hậu với vịnh Thái Lan, năm 1987 “Dự án thoát lũ đồng bằng sông Cửu Long” đã ra đời, với sự đỡ đầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Được triển khai trong những năm 1987-2003, Dự án này đã giúp hoàn chỉnh mạng lưới các tuyến kinh đưa nước lũ thoát ra vịnh Thái Lan, tháo chua, ngăn mặn cho tứ giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang, Kiên Giang. Có nước ngọt, có phù sa, nông dân khắp vùng đã đẩy mạnh việc khẩn hoang, trồng lúa. Chính vì vậy, sau khi khơi đào con kinh chủ lực T5 vào năm 1996, Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã chính thức đề nghị Trung ương cho đặt tên kinh T5 là kinh Võ Văn Kiệt để tỏ lòng tri ân vị Thủ tướng đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho công cuộc đào kinh, khai phá tứ giác Long Xuyên. Hiện nay, việc canh tác, mưu sinh trên các cánh đồng trũng từ biên giới đến hết tứ giác Long Xuyên bao gồm ba mùa vụ: đầu mùa mưa là vụ lúa hè thu; mùa nước nổi thì dùng xuồng ghe, đăng, đó, vó, câu, nơm... đi đánh bắt thuỷ sản (cá rô, cá lóc, cá trê, cá mè vinh, lươn, rắn...); khi nước rút thì làm vụ lúa đông xuân. Vào cuối mùa lũ, trên đường đi xuyên qua huyện Tịnh Biên, chúng tôi đã bắt gặp nhiều chỗ ruộng lúa chín vàng, đang được gặt bằng tay hoặc bằng máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa. Về phía nam của tứ giác Long Xuyên, thậm chí nông dân còn làm tới ba vụ lúa/năm. Tiêu biểu là ông Trần Văn Nghiêm, một lão nông tri điền ở xã Thoại Giang huyện Thoại Sơn, người tiên phong chuyển từ canh tác một vụ lúa/năm lên 2 vụ/năm ở huyện Thoại Sơn. Ông cho biết đang canh tác 100 công ruộng (mỗi công bằng 12 tầm x 12 tầm, mỗi tầm là 3m). Trong số đó, có 70 công đã canh tác 3 vụ lúa/năm từ năm 2011, năng suất đạt đến 60 giạ lúa mỗi công. Không chỉ có ý thức học hỏi, cải tiến kỹ thuật để làm giàu bằng lao động, ông còn tỏ ra rất vị tha, sẵn sàng phổ biến kinh nghiệm cho láng giềng, nông dân trong vùng. Nhờ những thay đổi lớn lao như vậy, hiện nay sản lượng lúa của khu vực tứ giác Long Xuyên đã lên tới khoảng 7 triệu tấn mỗi năm, riêng An Giang là trên 3 triệu tấn/năm, cao nhất Nam Bộ và cả nước. Lúa gạo dư thừa, đời sống nông dân An Giang khá lên thấy rõ.
Nghề mưu sinh thứ hai của người Việt An Giang là đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Theo xuồng máy đến thăm làng bè Châu Đốc, bên cạnh cồn Tiên, thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú, chúng tôi đã có dịp quan sát cách sinh hoạt, làm ăn của một nhà bè. Dưới bè nuôi hai loại cá: cá tra và cá mè vinh. Thức ăn gồm hai loại: thức ăn nuôi cá làm sẵn dạng viên, và bột cá gồm đầu và xương cá tra xay mịn. Phần nội thất của căn nhà bè này là của một gia đình cỡ trung lưu, với phòng khách, bàn thờ, phòng ngủ... Giữa khoảng sân trước nhà, trổ hai ô vuông làm chỗ rắc thức ăn cho cá ở lồng bè bên dưới. Nhà bè này nằm ở ngoài cùng, khoảng giữa sông. Từ nhà bè này vào tới bờ sông là san sát những nhà bè nối tiếp nhau, liên kết với nhau bằng những cầu ván, cầu cây, tạo thành một khu làng nổi. Vào năm 2003 là lúc hưng thịnh, Châu Đốc có đến hơn 2.000 bè cá. Hiện nay, nghề nuôi cá bè đang lúc tiêu điều. Sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2003, để vinh danh thương hiệu, tỉnh An Giang đã chi 2 tỷ đồng xây dựng một bức tượng cá ba sa rất lớn đặt tại Châu Đốc, do nhà điêu khắc Trần Thanh Phong thực hiện. Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản được việc rất nhiều người đã phải bán bè để lên bờ. Một số biến nhà bè thành nhà ở. Số còn lại chuyển sang nuôi cá tra, rất ít người còn nuôi cá ba sa. Hiện nay, trong ba giống cá da trơn của An Giang là cá ba sa, cá tra, cá bông lau, thì chỉ mới nuôi được cá ba sa và cá tra. Hình thức hai giống cá này có khác nhau: cá ba sa mập mạp, còn cá tra thon thả. Riêng cá bông lau thì thịt ngon hơn, nhưng vẫn chưa nuôi được, chỉ có thể đánh bắt theo mùa, khi bắt lên được thì thường là đã chết. Chỉ ở khu vực An Giang mới còn cá bông lau, cá hô cỡ lớn. Mùa đánh bắt là từ tháng 11 âm lịch cho đến tháng 3. Giá cá bông lau ở An Giang khi ấy là 60.000 đồng một ký, trong khi cá tra chỉ 16.000 đồng một ký.
Chúng tôi cũng có dịp quan sát khu nhà bè cạnh cù lao Ông Hổ trên sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên. Cù lao này nền đất khá thấp. Xưa kia, đây là nơi có nhiều hổ sống, còn lưu lại truyền thuyết về hổ có nghĩa rất cảm động, vì vậy mà mang tên cù lao Ông Hổ. Cặp theo bờ cù lao là vô số nhà bè, nuôi các loại cá chim, cá điêu hồng. Đây cũng là một loại nhà nổi, vừa làm chỗ ở cho chủ bè và nhân công, vừa làm “trang trại” chăn nuôi, canh giữ cá. Rải rác hai bờ sông Hậu, còn có một loại nhà nổi khác: những chiếc ghe mà phía trên, thay cho chiếc mui là một căn nhà hoàn chỉnh hẳn hoi, vách và mái bằng tôn hoặc ván và tôn. Hai bên bờ sông, nơi lục bình tấp vô dày đặc, có rất nhiều chà tôm: người ta cắm nọc, giăng lưới tạo thành những ô vuông, chính giữa bỏ chà cho tôm tụ tập, khi nước xuống thì dỡ chà, bắt tôm.
Nghề mưu sinh thứ ba của cư dân Việt nơi đây là nghề buôn bán, bao gồm buôn bán trên thị tứ và buôn bán trên sông. Khu buôn bán thị tứ tiêu biểu là chợ Long Xuyên, cấu trúc trên bộ dưới thuyền đúng kiểu chợ búa ở Tây Nam Bộ. Trên bờ là các dãy gian hàng, quầy hàng lợp tôn hoặc che dù lớn. Mặt quay ra sông Hậu là nơi xuồng ghe cặp vào bốc dỡ rau trái, cá tôm. Cạnh chợ là khu nhà lồng mới xây rất tráng lệ, cũng dựa bờ sông Hậu.
Chúng tôi cũng có dịp vào thăm chợ Tịnh Biên ở bên cạnh cầu Kinh Vĩnh Tế, nơi quốc lộ 91 và kinh Vĩnh Tế giao nhau, thuộc thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Chợ Tịnh Biên chủ yếu cung cấp hàng hoá cho nhu cầu dân cư ở địa phương. Mặt tiền chợ nhìn thẳng ra kinh, phản ánh vai trò không thể thay thế của giao thông đường thuỷ trong hoạt động giao thương ở vùng này.
Đặc sắc nhất trong hoạt động giao thương ở An Giang vẫn là các khu chợ nổi. Khi ngồi xuồng máy đi tham quan chợ nổi Châu Đốc, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu những cách thức mưu sinh trên môi trường sông nước. Ngay giữa dòng sông Hậu, cả trăm ghe xuồng đang neo đậu, mũi hướng về phía thượng nguồn, gối lên dòng nước lũ cuối mùa. Mũi ghe nào cũng dựng một cây sào dài làm “cây bẹo” để treo hàng mẫu là những mặt hàng nông sản bán trên ghe. Rải rác ven bờ là những chiếc xuồng chèo ngược nước, phía mũi đặt vó để vớt cá linh. Ở gần bờ là khu vực bãi bồi của dòng sông Hậu, nơi các làng cá bè toạ lạc. Đang lúc nước xuống, nên nhiều cồn bãi nhô lên, phủ đầy lau lách, điểm xuyết bằng những cây điên điển đang trổ bông vàng. Ở đây, dân địa phương phân biệt rất rõ giữa “cồn” với “cù lao”. Cù lao là những cồn cao, vượt khỏi mực nước lớn, nước rông. Còn cồn là những bãi phù sa trên sông chỉ nhô lên khi nước xuống; khi nước lớn, nước rông, các cồn bãi này đều bị lấp.
Cũng họp chợ trên sông Hậu, bên phía hữu ngạn, là chợ nổi Long Xuyên, nằm cách chợ Long Xuyên trên đất liền chừng một cây số về phía hạ lưu. Giờ cao điểm của chợ nổi Long Xuyên là giấc bốn - năm giờ sáng. Quan sát vào ban ngày, chúng tôi thấy vẫn có hàng chục ghe tàu đang neo lại, nghỉ ngơi.
Một hoạt động giao thương tương đối mới mẻ là thương mại cửa khẩu. Tại khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên ở xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, có nhiều siêu thị và cửa hàng miễn thuế, giá rẻ hơn nội địa, nhất là các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu... Đối tượng chính của khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên là các khách hàng ở bên kia biên giới. Chỉ qua khỏi khu thương mại cửa khẩu 100 mét là đến cầu Xuân Tô, dài 345m, nằm ở Km 140 + 980 quốc lộ 91, hoàn thành ngày 19/8/2000, thuộc Dự án thoát lũ đồng bằng sông Cửu Long. Đi thêm một quãng là đến Km 142, nơi kết thúc quốc lộ 91, có đặt hai trạm kiểm soát biên giới của Việt Nam và Campuchia.
Mưu sinh thế nào thì ẩm thực thế ấy. Văn hoá ẩm thực của vùng đất An Giang vì vậy vô cùng phong phú. Nhưng có lẽ đáng chú ý đối với khách phương xa vẫn là các loại mắm và các sản phẩm của cây thốt nốt. Từ Long Xuyên đến Châu Đốc, Tịnh Biên, đâu đâu cũng thấy các loại mắm cá và trái thốt nốt, nước thốt nốt, đường thốt nốt bày bán đầy trong các chợ, siêu thị, quầy sạp. Tuy nhiên, mắm Châu Đốc đang mất khách vì được cho vào quá nhiều đường. Vì vậy, Hiệp hội thương hiệu mắm Châu Đốc gồm hơn 70 doanh nghiệp đang vận động bảo vệ thương hiệu, chấn chỉnh cách chế biến mắm để khôi phục danh tiếng của mắm Châu Đốc. Còn thốt nốt thì tỉnh An Giang hiện có khoảng 60.000 cây, mỗi cây cho 12 lít nước mỗi ngày. Người khai thác thốt nốt thường là người thuê lại của chủ cây, và họ phải leo lên tận ngọn cây mới có thể lấy nước từ bông thốt nốt. Nước lấy được để bán cho du khách, còn dư thì thắng làm đường thốt nốt. Tuy nhiên, chất lượng nước thốt nốt vào cuối mùa rất kém. Một chủ quán nước ở mặt tiền chợ Tịnh Biên cho biết vào cuối mùa, trái thốt nốt tuy lớn nhưng ít nước. Do đó, những chai đựng nước thốt nốt cuối mùa bày bán ở chợ Long Xuyên, chợ Tịnh Biên, trước các lăng đền khu vực núi Sam..., hầu như đều là nước thốt nốt pha đường, uống vô đau bụng. Còn đường thốt nốt thì có thể mua về để ăn và nấu chè, vì có hương vị thơm ngon đặc trưng, nhưng phải hỏi kỹ để tránh mua loại đường thốt nốt của Thái Lan, màu sáng hơn đường thốt nốt An Giang, nhưng hương vị kém hơn vì có pha đường mía. Ngoài ra, đặc sản ẩm thực mùa lũ nơi đây còn có chuột đồng và rắnVào mùa , người ta chọn một mô đất cao giữa đồng, vun cành lá che kín cho chuột vào làm ổ, sau đó cắm lưới xung quanh, bắt chuột để bán hoặc làm món ăn, món nhậu. Chuột ngon nhất là chuột cống nhum, lớn hơn chuột lắt. Còn rắn các loại thì vây bắt ở các lùm bụi, cồn cao, nơi chúng tụ lại để tránh lụt. Rắn ngon nhất có lẽ là rắn chun, con lớn.
Dư thừa cá mắm, nên cái tinh tuý của ẩm thực An Giang là những món ăn có mắm. Vào mùa nắng, những người đi bắt cá ở rừng tràm thường mang theo mắm sặc, ăn với cơm nắm. Nhiều món mắm đã đi vào các thực đơn cao cấp của nhà hàng. Tại nhà hàng Vườn Trầu trên đường Nguyễn Văn Nhung, thành phố Long Xuyên, chúng tôi đã có dịp dùng qua món lẩu mắm ăn với cơm và bún. Một món mà thực chất tổng hợp từ nhiều món: mắm cá linh nấu nhừ lọc lấy nước, kho với cá lóc bông còn tươi, thịt ba rọi, thịt ốc bươu, thêm xả, ớt. Cá tốt nhất phải là cá lóc đồng, có đuôi dựng đứng như thân (cá lóc nuôi có đuôi lật ngang vì mềm oặt); khi nấu vẫn còn tươi, khứa cá có một bên lõm, một bên lồi. Ăn với một hỗn hợp rau sống gồm bông điên điển, bạc hà, cà tím, đậu rồng, rau ngổ, tai tượng, cọng súng… Mặc dù được nấu trong nồi lẩu nhưng món này ít nước, vị khá mặn và khá cay, giống món mắm kho hơn là lẩu mắm. Rất ngon, nhưng nếu lỡ tay chan nhiều nước thì rất khó ăn.
Văn hoá cư trú của người Việt An Giang cũng tương đối đa dạng hơn những vùng lân cận, do địa hình đa dạng nơi đây. Đặc biệt nhất là loại hình nhà bè đã nói ở trên và loại hìnhnhà sàn, phổ biến ở khắp các vùng chịu lũ. Quan sát các gia cư trên cù lao Ông Hổ thuộc thành phố Long Xuyên, trên đường từ bến phà Ô Môi đến khu lưu niệm Tôn Đức Thắng, chúng tôi thấy hai bên đường đều là nhà sàn, chỉ một số ít đã đắp nền cao, chuyển thành nhà đất. Con đường hẹp chạy thẳng đến khu lưu niệm cũng đã được trải nhựa, tôn nền cao chống lũ. Trong khuôn viên rộng lớn của khu lưu niệm Tôn Đức Thắng (khánh thành vào năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Tôn 20/8/1888), có nhà trưng bày những hình ảnh và hiện vật liên quan đến hoạt động của Bác Tôn, như chiếc xe hơi dùng để chở Bác Tôn đi công tác ở thủ đô Hà Nội, chiếc chuyên cơ Yak đã đưa Bác Tôn từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ mừng chiến thắng 15/5/1975... Nhưng chúng tôi chú ý nhất là ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn: một căn nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói âm dương, mặt sàn cách mặt đất khoảng 1,2m. Nội thất căn nhà là của một ngôi nhà Việt Nam Bộ điển hình: ở nhà trước, ngay chính giữa đặt một bàn thờ khảm xà cừ, thờ đất nước ông bà. Hai bên bàn thờ là hai cửa buồng trổ xuống nhà sau. Phía trước bàn thờ đặt một bộ bàn ghế gỗ và một bộ ván gõ tiếp khách. Còn ngôi nhà của ông Trần Văn Nghiêm ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn nơi chúng tôi lưu trú trong chuyến điền dã thứ hai, là một ngôi nhà trệt vì nằm ngoài vùng lũ, chỉ tôn nền cao, bên trong chia thành các gian đặt bàn thờ và tiếp khách, phòng ngủ, phòng ăn.
Nhìn chung, sau hơn 20 năm Đổi mới, văn hoá cư trú của người Việt An Giang đã có đổi thay, ở nông thôn nhiều gia đình đã xây nhà gạch, nhà đúc thay cho nhà lá. Ở những nơi thuỷ bộ đều thuận lợi thì khi xây nhà, dân cư phần đông đã chọn đường bộ làm mặt tiền, đường thuỷ làm mặt hậu.
Do sông rạch chằng chịt, xây cầu làm đường quá tốn kém, nên giao thông đường bộ ở An Giang còn kém cỏi. Trong khi chờ đợi dự án xây cầu, người và xe từ thành phố Hồ Chí Minh đến An Giang vẫn buộc phải qua bắc Vàm Cống trên sông Hậu. Tương tự, từ nội thành thành phố Long Xuyên, muốn sang cù lao Ông Hổ, phải qua bến phà Ô Môi, nơi xưa kia là một bến đò, đến năm 2006 bến phà mới được đưa vào sử dụng, với hai chiếc phà hạng nhẹ, chở được các loại xe lôi, xe tải nhỏ, xe du lịch. Cư dân và du khách từ Châu Đốc đến vùng Chăm thì phải đến Bến phà Châu Giang, để qua sông Hậu. Ở thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu vẫn là những chiếc xe lôi đạp chở hàng kiêm chở khách. Xe tắc xi thì có chi nhánh của hãng Mai Linh, nhưng số lượng xe không nhiều, muốn đi phải gọi điện đặt xe. Giao thông đường thuỷ ở An Giang cũng không hoàn toàn tiện lợi vì phụ thuộc vào dòng chảy và con nước. Gần đây, tỉnh An Giang đã xây dựng Bến tàu Du lịch Châu Đốc, nằm trên đường Lê Lợi ở ven sông Hậu. Bến tàu này có sân đậu xe rộng rãi, có nhà hàng cà phê ngoài trời nhìn ra sông Hậu, chính giữa là cầu tàu nổi làm chỗ cặp bến cho các tàu ghe du lịch từ nội địa lên và từ Campuchia xuống.
Nhìn chung, An Giang vẫn còn nghèo nàn về phương tiện giao thông đường bộ. Mặc dù bất tiện, nhưng trên một địa bàn sông rạch chằng chịt với bốn tháng nước lụt hằng năm, phương tiện vận chuyển đường sông rõ ràng vẫn còn quan trọng đối với đời sống con người hơn là phương tiện giao thông đường bộ.
Mảng văn hoá nghệ thuật đặc sắc nhất ở An Giang là các hoạt động nghệ thuật gắn liền với các lễ hội dân gian: lễ hội đua bò Bảy Núi, các lễ hội trên núi Cấm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, các lễ Kỳ yên... Nơi giải trí có khu du lịch Hồ Ông Thoại, khu du lịch Đồi Tức Dụp. Trong các lễ lạc gia đình, thường có các tiết mục đờn ca tài tử. Đây cũng là một đặc sản của văn hoá nghệ thuật địa phương dành cho du khách. Ngay trong Trung tâm Thông tin Du lịch Mỹ Hoà Hưng nằm trong khu lưu niệm Tôn Đức Thắng, cũng thường xuyên có các tiết mục đờn ca tài tử, với ban nhạc gồm đờn kìm, ghi ta điện, oọc-gan, các ca sĩ cây nhà lá vườn, biểu diễn các bài vọng cổ và mời gọi du khách tham gia.
Khác với người Việt đa số cư trú ở khắp các huyện thị, người Khmer An Giang chỉ cư trú tập trung ở 4 huyện thuộc khu vực Thất Sơn: Tri Tôn (44.969 người, 1/4/2009),Tịnh Biên (35.142 người), Thoại Sơn (4.642 người), Châu Thành (3.579 người). Ở các huyện thị khác, chỉ có rải rác một số ít người Khmer: Châu Phú (666 người), Long Xuyên (562 người), Chợ Mới (158 người), An Phú (156 người), Phú Tân (146 người), Tân Châu (131 người), Châu Đốc (120 người) [Viện Dân tộc, 2010].
Trên địa bàn Tri Tôn - Tịnh Biên, người Khmer sống quần tụ quanh các triền núi, chủ yếu làm lúa mùa một vụ. Khi chúng tôi đến là vào tháng 11, người Khmer ở Tri Tôn đang thu hoạch lúa mùa ruộng trên (đất cao), trồng lúa Nàng Nheng. Tổng cộng có khoảng 2.000ha lúa ruộng trên. Ngoài ra, người Khmer nơi đây còn khai khẩn thêm khoảng 100ha ruộng bưng, trồng lúa mùa nổi, có thể vươn lên theo nước lũ, nếu nước lên với tốc độ vừa phải thì rất trúng mùa. Đặc sản nông nghiệp của người Khmer nơi đây là gạo Nàng Nheng, sánh ngang với gạo Nàng Thơm Chợ Đào. Việc sản xuất loại gạo này hoàn toàn tự nhiên, bón phân bò, không dùng phân hoá học. Cuộc sống của người Khmer gắn liền với đất và bò. Thậm chí nhiều người còn cho bò vào nhà ở chung, giăng mùng tránh muỗi cho bò, trong lúc bản thân mình phải ngủ chung với muỗi. Người Khmer cũng làm nghề đánh bắt cá mà chủ yếu là cá đồng, cá sông, với kỹ thuật và ngư cụ giống như người Việt. Nghề chăn nuôi nhìn chung còn gắn với nông nghiệp, mặc dù đã hình thành được những đàn bò, trâu, vịt tàu... khá lớn. Các nghề thủ công đan mây tre, đan đệm, dệt chiếu rất phổ biến. Nghề dệt và làm gốm còn duy trì ở An Giang, Kiên Giang. Chỉ một số ít người Khmer làm nghề buôn bán nhỏ.
Về phong tục và ngôn ngữ, người Khmer ở An Giang không khác với người Khmer ở Campuchia. Họ sùng bái đạo Phật, tôn kính các sư sãi và sẵn sàng dâng cúng cho chùa những huê lợi do họ làm ra để cầu phúc. Chính quyền địa phương luôn luôn đối xử với đồng bào Khmer một cách hết sức tế nhị, vì vấn đề người Khmer có liên quan đến vấn đề biên giới lãnh thổ. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1975-1978, An Giang là nơi Khmer Đỏ gây nhiều tội ác đối với cả người Việt và người Khmer, chứng tích vẫn còn lưu giữ ở nhà mồ Ba Chúc, huyện Tri Tôn.
Cộng đồng người Chăm thì cư trú tập trung ở 4 huyện ven bờ sông Hậu, gần biên giới: An Phú (7.367 người, 1/4/2009), Tân Châu (2.472 người), Phú Tân (2.185 người),Châu Phú (1.027 người). Ở các huyện thị khác, chỉ có rải rác một ít người Chăm: Châu Thành (874 người), Long Xuyên (122 người), Châu Đốc (50 người), Tri Tôn (37 người), Thoại Sơn (37 người), Chợ Mới (21 người), Tịnh Biên (17 người) [Viện Dân tộc, 2010]. Ở Nam Bộ, nếu Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh có đông người Khmer nhất, thì An Giang là nơi có nhiều người Chăm sinh sống nhất.
Người Chăm Nam Bộ chủ yếu làm các nghề đánh cá, làm ruộng, dệt thêu, buôn bán, dịch vụ du lịch. Ở An Giang, có nghề dệt sarong (xà-rông), dệt kama (khăn tắm, khăn rằn), thêu khăn, đan lưới… của phụ nữ Chăm, phục vụ nhu cầu ăn mặc theo truyền thống của người Chăm và dùng để trao đổi trong vùng. Nổi tiếng nhất về nghề dệt nơi đây là nghề dệt lụa ở Tân Châu. Xưa kia, Tân Châu là nơi làm ra loại lãnh mỹ a nổi tiếng với một màu đen bóng, nhuộm bằng trái mặc nưa (giống trái táo ta, nhưng vị đắng, ăn không được). Về sau do vải nhập, nghề dệt Tân Châu bị thu hẹp lại. Trong quá trình tìm kiếm những loại vải lụa đáp ứng được các mẫu thiết kế của mình, nhà thiết kế thời trang Võ Việt Chung đã tìm về Tân Châu nghiên cứu, và đặt hàng cho một nghệ nhân. Từ đó, nghề dệt lụa Tân Châu đã phục hồi. Năm 1999, Hợp tác xã Dệt thêu Châu Giang đã được thành lập tại cộng đồng Chăm tỉnh An Giang nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống. Nay nghề này đang khởi sắc, sản xuất được sáu màu lụa khác nhau.
Nghề buôn bán của người Chăm bao gồm buôn bán đường dài và buôn bán tại chỗ. Hằng ngày, các tiểu thương người Chăm xếp hàng hoá, thực phẩm xuống xuồng, chở ra bán cho các nhà bè nuôi cá. Gần đây, nghề nuôi cá bè thất bát, số lượng nhà bè giảm sút, việc buôn bán cũng trở nên ế ẩm. Nhiều chủ xuồng đã sơn phết lại xuồng, lắp băng gắn ghế, sắm áo phao, chuyển thành xuồng máy du lịch, đưa đón du khách trong và ngoài nước, từ thị xã Châu Đốc sang du ngoạn các làng Chăm. Hiện nay xã Châu Phong ở huyện Tân Châu là nơi có hoạt động du lịch cộng đồng tương đối phát triển. Nhưng ở những nơi khác mà chúng tôi đến, như xã Đa Phước, huyện An Phú, nằm trên cồn Tiên, chen giữa sông Hậu và sông Châu Đốc, thì dịch vụ du lịch vẫn chưa khởi sắc. Nơi xuồng ghe cặp bến làng Chăm (thuộc ấp Hà Bao II) còn rất sơ sài, chỉ là một chiếc cầu ván mỏng manh, chao đảo mỗi khi xuồng máy tấp vào hơi mạnh. Đầu cầu là một căn nhà nhỏ, phía trước trưng bày, bán lẻ các sản phẩm thổ cẩm Chăm, phía sau đặt một khung dệt thủ công để dệt thổ cẩm tại chỗ cho khách xem. Cạnh nhà đặt vài ba quầy hàng do các cô gái Chăm trông nom, bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do người Chăm làm hoặc đưa về từ các địa phương khác của An Giang.
Người Chăm An Giang cư trú chủ yếu trong các nhà sàn, dựng trên những cột gỗ hoặc cột bê tông cao từ 2m đến 4m, vách ván hoặc vách tôn, mái tôn. Việc duy trì những ngôi nhà sàn này là để thích nghi với môi trường sông nước: nơi đây, trên các cù lao, cồn bãi nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, không có mấy chỗ còn khô ráo vào mùa nước nổi. Các gia cư của người Chăm phần nhiều đều quần tụ xung quanh các thánh đường Hồi giáo Islam (masjid).
Khác với cư dân Khmer và Chăm, người Hoa ở An Giang chỉ cư trú tập trung ở thị xã Châu Đốc (2.470 người, 1/4/2009) và thành phố Long Xuyên (2.048 người). Ở các huyện, chỉ có một số ít người Hoa cư trú: Tri Tôn (810 người), Tân Châu (714 người), Châu Phú (441 người), Chợ Mới (356 người), Thoại Sơn (349 người), Phú Tân (315 người), Tịnh Biên (211 người), An Phú (201 người), Châu Thành (160 người) [Viện Dân tộc, 2010]. Ở môi trường đô thị, hoạt động kinh tế chủ yếu của người Hoa là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, vận tải.

4. DIỆN MẠO VĂN HOÁ ĐA TÔN GIÁO Ở AN GIANG
Trên địa bàn Tây Nam Bộ, An Giang chính là vùng đất phát sinh và cộng sinh tôn giáo đa dạng nhất: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hoà Hảo, Cao Đài, Phật giáo Bắc Tông, Phật giáo Theravada, đạo Mẫu, đạo Ông Bà, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi Giáo… Trong số đó, nhiều tôn giáo đã ra đời trên đất An Giang. Vì vậy, đây chính là vùng đất phong phú nhất về tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, với đầy đủ các loại hình tín ngưỡng - tôn giáo nội sinh và ngoại sinhTrong đó, đạo Phật tuy vẫn giữ được vị trí ưu tiên, nhưng đã bị chia tách thành nhiều hệ phái hoặc tôn giáo mới. Vì vậy, đời sống tâm linh của cư dân An Giang khá phức tạp, chịu ảnh hưởng đồng thời của nhiều tín ngưỡng - tôn giáokhác nhau.
Tiến hành phân loại, chúng tôi thấy có thể tạm chia các tín ngưỡng - tôn giáo ở An Giang thành bốn loại như sau:
- Tín ngưỡng thờ cúng thiên thần: phổ biến nhất là thờ cúng Thổ Địa - Thần Tài, Táo Quân (gia đình), Thành Hoàng Bổn Cảnh, Sơn Thần (đình miễu trong nội địa), Bà Chúa Xứ (đền miễu ở núi Sam, và rải rác), Ngũ Hành (miễu). Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng Tổ tiên nhân loại (Cửu huyền trăm họ), Ngọc Hoàng (Ông Thiên), Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì (Bà), Cửu Thiên Huyền Nữ, Ông Tà, Hà Bá - Thuỷ Long, v.v.
- Tín ngưỡng thờ cúng nhân thần: phổ biến nhất là thờ cúng Gia tiên, Quan Thánh Đế Quân (gia đình), tổ nghề nghiệp, danh nhân - anh hùng dân tộc (đền miễu). Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng liệt sĩ cách mạng, v.v.
- Tôn giáo địa phương: phổ biến nhất là Phật giáo Hoà Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao ĐàiNgoài ra, một số người còn tin theo các hệ phái như Bửu Sơn Kỳ Hương, Huỳnh Đạo.
- Tôn giáo thế giới: phổ biến nhất là Phật giáo Bắc Tông, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo Theravada, Hồi giáo. Tiếp nối truyền thống của người Việt ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ, người Việt ở An Giang cũng dành ưu tiên cho đạo Phật, xây dựng chùa chiền trên khắp đồng bằng, đặc biệt là những vùng đồi núi sót. Đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành cũng có đông tín đồ. Người Khmer theo Phật giáo Theravada. Người Chăm theo Hồi giáo Islam.
Căn nguyên của sự đa dạng bậc nhất về tín ngưỡng tôn giáo này trước hết là do điều kiện giao lưu tiếp biến văn hoá đặc biệt ở An Giang. Đây là một nơi đất lành chim đậu của di dân các tộc người Việt, Khmer, Chăm, Hoa. Vì vậy, nó trở thành môi sinh thuận lợi để phát triển các tín ngưỡng tôn giáo có nguồn gốc Bắc Bộ, Trung Bộ hoặc tiếp biến từ người Chăm, người Hoa, người Khmer, người Pháp.
Điều kiện địa lý tự nhiên đặc thù của vùng đất An Giang cũng góp phần giúp cho các tín ngưỡng - tôn giáo cũ lẫn mới có môi sinh thuận lợi để sinh sôi. Đó chính là cảnh quan u tịch và hoang sơ của vùng núi Thất Sơn, vừa cung cấp khung cảnh thanh tịnh để tu hành, vừa cho phép người tu hành tự mưu sinh bằng cách khai khẩn đất hoang quanh núi.
Đó là lý do vì sao tính đến nay, núi Sam, cao 284m, thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, đã trở thành nơi có mật độ cơ sở thờ tự cao nhất nước: có đến 200 lăng, đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi, đỉnh núi. Nhiều cơ sở thờ tự danh tiếng bậc nhất An Giang như lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, miễu Bà Chúa Xứ, chùa Hang… đều toạ lạc tại đây. Đó cũng là lý do vì sao núi Cấm, toạ lạc trên địa bàn 4 xã, thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, cũng trở thành nơi thu hút giới tu hành đến đây xây dựng nhiều cơ sở thờ tự tương tự như ở núi Sam: chùa Phật Lớn, Vạn Linh Tự, Cao Đài Tự... Với độ cao 705m, núi Cấm là ngọn núi cao nhất của dãy Thất Sơn, đồng thời cũng cao nhất miền Tây Nam Bộ. Trên núi Cấm vẫn còn rừng, là nơi sinh sống của nhiều loài thú, bò sát, chim, và sản ra nhiều măng tre tàu, tre mạnh tông... Để quản lý, bảo tồn sinh cảnh, trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, người ta đã lập ra Lâm viên Núi Cấm. Đường từ chân núi Cấm lên đến đỉnh dài hơn 8km, độ dốc rất lớn, quanh co nguy hiểm. Ở chân núi, có đoàn xe bảy chỗ của Du lịch Lữ hành An Giang làm nhiệm vụ đưa đón khách lên xuống núi, nhưng chỉ đến độ cao chừng 500m (vồ Ông Bướm), còn lại 200m độ cao phải cuốc bộ qua những con đường dốc hẹp để lên đến đỉnh. Vất vả là vậy nhưng khách hành hương hằng năm vẫn đổ xô về núi Sam, núi Cấm, và một số núi khác của dãy Thất Sơn, biến khu vực này thành một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo lớn nhất phương Nam.
Có nguồn gốc ở miền Trung do tiếp biến từ văn hoá của người Chăm, tín ngưỡng thờ cúng Bà Chúa Xứ vào đến Nam Bộ đã nở rộ khắp nơi. Nhưng nơi thờ cúng và diễn ra lễ hội hoành tráng nhất là miễu Bà Chúa Xứ núi Sam, nằm ở chân núi Sam, bên phải quốc lộ 91 tính từ Châu Đốc. Ngôi miễu được lập vào đầu thế kỷ XIX, năm 1972-1976 được xây dựng lại với quy mô rất lớn. Chánh điện quay mặt vào trong, lưng hướng ra đường. Phía trên lối vào chánh điện có tấm biển lớn sơn son thếp vàng ghi danh hiệu “Chủ Xứ Thánh Mẫu” bằng chữ Hán. Phía trước chánh điện treo nhiều tấm biển lớn đề “Chủ Xứ Thánh Mẫu”, “Lạc tấu nguyên quân”, “Quốc thái dân an”... cũng bằng chữ Hán. Bên trong chánh điện có bức tượng lớn của Bà Chúa Xứ, thực chất là một pho tượng thần Visnu tạc vào thế kỷ thứ VI theo mô-típ tượng thần Visnu thường có ở các nước Campuchia, Lào, Ấn Độ, đã được người Việt mặc áo đội miện, đồng hoá với hiện thân của Thánh Mẫu trong tín ngưỡng của mình. Bất kể lúc cao điểm hay thấp điểm, chánh điện luôn dày đặc khói hương của những người đến đây khấn tạ, với lễ vật là những mâm trái cây, heo quay bày phía trước bàn thờ. Quá bước khỏi gian chánh điện thì tới gian hậu điện, nơi trưng bày vô số trân bảo, vàng ngọc của những người hành hương cúng tạ ơn Bà, đặt trong tủ kiếng. Cả một khối tài sản lớn lao khó ước lượng về giá trị, nhưng quá đủ để minh hoạ cho sức hút tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hoá Việt ở phương Nam. Những thời điểm đông người cúng kiếng nhất là ngày Vía Bà 23/4 âm lịch, tết Nguyên đán, và các ngày rằm lớn 15/1, 15/7, 15/10 âm lịch. Đội nhiếp ảnh của khu vực miễu Bà Chúa Xứ có quân số lên đến khoảng 180 người, bao gồm 6 tổ, chia ca tác nghiệp quanh năm.
Tại lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2008, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao giấy xác lập và cúp lưu niệm cho Ban Tổ chức về 2 kỷ lục Việt Nam gồm “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam”. Nhưng bên cạnh đó còn có một kỷ lục khác: Theo số liệu của tỉnh An Giang, năm 2008 tổng số người hành hương và du khách đến viếng miễu Bà Chúa Xứ lên đến 2,9 triệu người, cúng tạ tổng cộng hơn 26 tỷ đồng. Rõ ràng là, cùng với nông nghiệp, ngư nghiệp và thương mại, các di sản văn hoá đã trở thành nguồn thu kinh tế rất lớn của An Giang.
Nếu núi Sam được chọn làm nơi thờ cúng bà Chúa Xứ, thì tín ngưỡng thờ cúng bộ ba Tổ tiên nhân loại - Ngọc Hoàng - Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì được thể hiện sinh động nhất trên núi Cấm. Bộ ba thiên thần này đang được thờ cúng tại vồ Bồ Hong, nơi cao nhất của núi Cấm (“vồ” là từ địa phương chỉ những mỏm nhô cao của núi). Cả ba điểm thờ cúng này đều khá nhỏ và không được nói tới trong các tài liệu mô tả các cơ sở thờ tự trên núi Cấm. Điểm thứ nhất là một bệ thờ lộ thiên do dân chúng lập ra ở phía tây núi, chính giữa có bia đề chữ Quốc ngữ “Tổ tiên nhân loại”, ngày “1/8/2009 âm lịch”. Khái niệm “Tổ tiên nhân loại” cũng được người đến viếng gọi là “Cửu huyền trăm họ”. Phần trên bia có hình một biểu tượng âm dương của Đạo giáo, nằm trong hình tam giác. Phần trái bia có hình phượng, phần phải bia có hình rồng. Bên trái bia đặt một bức tượng toàn thân tạo hình một ông cụ râu bạc 5 chòm. Bên phải bia đặt một bức tượng toàn thân tạo hình một bà cụ tóc bạc, dái tai dài. Cả Ông và Bà đều được tạc trong tư thế ngồi, có khuôn mặt của người Việt, nghiêm trang, phúc hậu, trắng trẻo. Cả hai đều mặc áo dài truyền thống, Ông khoác thêm một tấm vải vàng, Bà choàng thêm vải trắng. Ông đội khăn đóng, Bà bới tóc gọn gàng. Đối diện bệ thờ Ông Bà ấy lại có một bệ thờ nhỏ hơn, thấp hơn, có bia đề chữ Quốc ngữ “Nam mô a di đà Phật”. Mỗi năm có hai lần cúng, vào tháng 4 và tháng 10 âm lịch. Người đến cúng phần đông là phụ nữ, gồm cả dân thường và cư sĩ, đến từ An Giang, Đồng Tháp... Khi chúng tôi đến, có một nhóm chừng vài chục người, đầy đủ nam phụ lão ấu, ăn mặc theo lối thường dân và cư sĩ Phật giáo, đang chuẩn bị làm lễ cúng trước bệ thờ Ông Bà. Sau khi bày biện thức ăn, phân phát mỗi người mấy nén nhang, một phụ nữ lớn tuổi đọc lời khấn. Nội dung lời khấn nhân danh đại diện tất cả các dòng họ (Lê, Phạm, Trần...) kính tạ và cầu xin Ông Bà ban cho sự bình an, v.v. Mọi người cúi lạy. Kế tiếp, đại diện của từng dòng họ lại đọc lời khấn riêng cho dòng họ của mình. Những lời khấn chưa dứt, bỗng một phụ nữ luống tuổi lên đồng, nhân danh Bà dạy bảo con cháu phải về khấn cúng đều đặn, nhưng bằng những lời ngọng nghịu giống như con nít. Sau khi cúi lạy Ông Bà, mọi người mới quay sang khấn vái, cúi lạy trước bệ thờ có bia đề chữ “Nam mô a di đà Phật”. Sau lễ cúng ở bệ thờ “Tổ tiên nhân loại”, đoàn người lại chuyển đến làm lễ cúng ở bệ thờ thứ hai. Bệ thờ này cũng lộ thiên, nằm ở phía đông núi, có tấm bia đề chữ Quốc ngữ “Ngọc Hoàng”, nhưng mọi người gọi gọn là bệ thờ “Ông”. Sau đó, mọi người lại chuyển đến làm lễ cúng ở địa điểm thứ ba là một miễu nhỏ, nằm ở quãng giữa và ở độ cao thấp hơn hai bệ thờ trên. Phía trên cửa miễu, có dòng chữ Quốc ngữ “Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì”, nhưng mọi người gọi gọn là miễu thờ “Bà”. Bên trong miễu, có tượng một vị Phật nữ không phải là Phật Bà Quan Âm, choàng khăn đen, mặc áo đen. Những điều quan sát được cho thấy đây không phải là tín ngưỡng thờ cúng gia tiên mà đã được nâng lên gần với đạo: “đạo Ông Bà”. Việc vượt qua ngần ấy đường núi gian nan để tạo lập miễu thờ và duy trì lễ cúng đã chứng tỏ những người theo tín ngưỡng này rất thành tâm. Chỉ tiếc là do mặt bằng chật hẹp, các điểm thờ tự trên đỉnh núi này đang phải cạnh tranh với nhiều nhà ở, hàng quán, tháp phát thanh truyền hình, nhà làm việc của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh...
Tương tự như Trương Định ở Tiền Giang, Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, vị nhân thần được suy tôn bậc nhất ở An Giang là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, người có công đào kinh, giữ đất, bảo vệ biên cương, giúp dân lạc nghiệp từ hai trăm năm trước. Năm 1822, sau khi lãnh mệnh đào kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế, Nguyễn Văn Thoại đã cho tạc bia đá Thoại Sơn ở chân núi Sập để đánh dấu việc mở mang đất mới. Ngày 6/4/1991, tấm bia này đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia. Năm 1926, nhân dân địa phương đã dựng đình Thoại Ngọc Hầu ở chân núi Sập để thờ Thoại Ngọc Hầu như Thành hoàng bổn cảnh. Đình này đã được trùng tu hai lần vào năm 1964-1970 và 2009. Bia Thoại Sơn hiện nay nằm gọn trong đình. Lễ Kỳ yên tại đình diễn ra vào ngày 10-12 tháng Ba âm lịch hằng năm, có thỉnh hát bội diễn ba vở Lưu Kim Đính, Tiết Đinh San và San Hậu.
Khi Nguyễn Văn Thoại mất, triều đình và nhân dân đã lập lăng và đền thờ Thoại Ngọc Hầu cạnh núi Sam, ở bên trái quốc lộ 91 hướng từ Châu Đốc, chánh điện hướng ra đường. Năm 2009, khu mộ ở phía trước đền thờ đã được trùng tu. Mộ của Thoại Ngọc Hầu ở giữa, hai bên là mộ của hai vị phu nhân, xung quanh là khu mộ của các dân phu mạng vong trong lúc đào kinh Vĩnh Tế. Khu đền thờ thì vẫn giữ kiến trúc xưa, giống như một ngôi nhà ngói rộng. Bên trong thiết đặt bàn thờ, phía trước bàn thờ có một pho tượng bán thân cỡ lớn của Thoại Ngọc Hầu, đúc bằng xi măng, sơn phủ màu đồng. Còn hai cái đại bình đặt ở hai bên bàn thờ, chạm khắc sắc sảo, trông như bình cẩm thạch nguyên khối, thì được đúc bằng bột đá.
Trong các tôn giáo địa phương, phát triển mạnh nhất ở An Giang là Phật giáo Hoà Hảo, do Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thành lập năm 1939 tại làng Hoà Hảo, huyện Phú Tân, An Giang. Giáo lý của đạo Hoà Hảo hình thành từ sự kết hợp đạo Phật với tín ngưỡng dân gian. Hiện Phật giáo Hoà Hảo đã được Nhà nước công nhận là một tôn giáo riêng, với khoảng 2 triệu tín đồ trên cả nước, tập trung đông nhất ở An Giang.
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thì do Ngô Lợi khởi xướng, đã đưa hàng trăm tín đồ từ khắp nơi về vùng núi Tượng, núi Dài ở Thất Sơn để khai hoang, lập làng. Trung tâm của đạo là làng An Định ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang. Lúc đầu, đạo này có 24 nhánh, do 24 họ đứng đầu. Nay tình hình đã thay đổi, nhưng các nhóm vẫn chưa ngồi lại thống nhất với nhau để được Nhà nước công nhận là một đạo riêng. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có đặc điểm là chỉ mở cửa chùa vào mùng một và ngày rằm hằng tháng.
Ở An Giang cũng có đạo Cao Đài, nhưng không phát triển mạnh như ở Tây Ninh và Bến Tre. Đạo Cao Đài hình thành từ sự kết hợp đạo Phật với đạo Lão, đạo Khổng, đạo Kitô, đạo Thánh Mẫu,  2,7 triệu tín đồ trên cả nướcTrên núi Cấm, có một ngôi Cao Đài Tự của hệ phái Cao Đài Tân Châu.
Trong các hệ phái Phật giáo hình thành ở An Giang, nổi tiếng nhất là hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Hệ phái này do Đoàn Minh Huyên, được tôn xưng là Phật Thầy Tây An, sáng lập vào cuối thế kỷ XIX. Tín đồ được chia thành nhiều đoàn đi khai khẩn nhiều nơi. Đoàn 1 do Bùi Văn Thân tức tăng chủ Bùi Thiền sư và Bùi Văn Tây tức Đình Tây hướng dẫn, vào Thất Sơn, bên chân núi Két, lập các trại ruộng, sau này hợp thành xã Thới Sơn (Tịnh Biên). Đoàn 2 do Quản cơ Trần Văn Thành chỉ huy, đến vùng đầm lầy Láng Linh khai hoang, lập đồn, tụ nghĩa binh chống Pháp. Đoàn 3 do Nguyễn Văn Xuyến tức đạo Xuyến đưa tín đồ về Cái Dầu - Bình Long (Châu Phú). Hiện ven quốc lộ 91, chân núi Sam, thuộc khóm Vĩnh Tây 2, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, là nơi toạ lạc Tây An Tự, nơi Phật Thầy Tây An hành đạo, và khu mộ của đức Phật Thầy. Chánh điện của chùa nằm kề bên quốc lộ, hướng ra đường, bên trong thờ Phật Thích Ca và chư Phật, chư La hán. Bên trái chánh điện là các tháp thờ tro cốt của các sư trụ trì. Phía sau chánh điện, ở bên trái là khu mộ của đức Phật Thầy. Bên phải là một ngôi miễu thờ “Ngũ hành” và “Cửu thiên huyền nữ”, có 8 tượng thờ: hàng trên 3 tượng lớn, hàng giữa 2 tượng nhỏ, hàng dưới 3 tượng vừa. Ở chân núi Cấm, cũng cóchùa Bửu Sơn, thuộc hệ phái này.
Ở vùng ven thị xã Châu Đốc, còn có hệ phái Thiên Khai Huỳnh Đạo, với cơ sở thờ tự là chùa Huỳnh Đạo, nằm ở bên phải quốc lộ 91 tính từ Châu Đốc. Hệ phái này do một ông Đốc học, tu tại gia, thành lập. Ban đầu, ông cất lên một ngôi chùa ở chợ Châu Đốc. Về sau, thấy ngôi chùa chật chội, bèn dời ra vùng ven thị xã Châu Đốc và xây chùa mới. Bên trong chùa, thờ tượng Phật Di Lặc đứng. Vì hệ phái này không có giáo chủ, giáo dân, giáo lý, nên không thể xin lập đạo riêng. Để được Nhà nước công nhận, những người chủ trương đã đề nghị Tỉnh Hội Phật giáo An Giang giúp đỡ. Tỉnh Hội chất vấn rằng hệ phái này thờ Phật, Phật không phải do Trời mà có, vậy sao lại gọi là “Thiên Khai Huỳnh Đạo”. Kết quả, những người chủ trương hệ phái đã bỏ đi hai chữ “Thiên Khai” trong tên của ngôi chùa, và được Tỉnh Hội Phật giáo công nhận tư cách thành viên. Hiện nay, nhờ các tín đồ ở Mỹ ủng hộ, tài chánh của chùa rất dồi dào. Năm 2009, ngôi chùa đã được trùng tu quy mô lớn.
Bên cạnh các tôn giáo và hệ phái tôn giáo có tính địa phương, Phật giáo Bắc Tông vẫn có chỗ đứng ở An Giang. Ở khu vực núi Sam, nổi tiếng nhất là chùa Hang, đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Gần đây có tình trạng, vì nơi đây là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia nên theo quy định, việc sử dụng tiền cúng tiến của thiện nam tín nữ và việc trùng tu, xây dựng chùa phải được thông qua hội đồng quản lý di tích. Việc đó khiến cho các sư bức xúc, nên các sư cứ tự động xây cất, tôn tạo chùa Hang, không theo quy hoạch của hội đồng quản lý di tích.
Ở khu vực núi Cấm, nổi tiếng nhất là chùa Phật Lớn. Năm 2009, chánh điện chùa Phật Lớn đã được xây cất lại, bên trong thờ bức tượng Phật Thích Ca xoay mặt về hướng tây. Nơi đây có truyền lưu câu chuyện: khi dựng tượng, người ta xoay mặt Phật về hướng đông. Nhưng sau đó một ông voi trắng bỗng nhiên xuất hiện, xoay mặt tượng quay về hướng tây. Người ta bèn xoay tượng lại, hướng về đông. Voi trắng lại xuất hiện, xoay tượng hướng về tây. Cứ thế lặp lại đến lần thứ ba thì mọi người mới nghiệm ra đó là ý Phật, nên giữ nguyên vị trí tượng cho đến bây giờ. Bên cạnh chùa là pho tượng Phật Di Lặc khổng lồ cao 36m, toạ lạc ở độ cao khoảng 500m, trên đỉnh một gò cao nhìn xuống hồ Thuỷ Liêm. Tượng được đúc bằng bê tông cốt thép, do nhà điêu khắc Thuỵ Lam thiết kế, Công ty Xây dựng Tây Đô thi công, khởi công năm 2003, hoàn thành phần tượng năm 2006. Năm 2006, pho tượng được đưa vào sách kỷ lục Guinness. Ở núi Cấm còn có Vạn Linh Tự, một ngôi chùa đẹp với toà tháp lục giác bảy từng cao 30m, xây năm 1995, nằm đối diện với chùa Phật Lớn, ở bên kia hồ Thuỷ Liêm.
Một ngôi chùa nổi tiếng khác là chùa Phật Bốn Tay, tên chính thức là Linh Sơn Cổ Tự, nằm dưới chân núi Ba Thê, huyện Thoại Sơn. Chùa này xây trên một gò cao, trên nền của một cung điện thời Óc Eo, nay thuộc khu di tích Nam Linh Sơn của văn hoá Óc Eo. Đường dẫn lên chùa và nhiều chỗ trong chùa được xây bằng chính những viên gạch cổ hàng ngàn năm tuổi của cung điện cũ. Ngày 6/12/1989, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có Quyết định công nhận chùa này là Di tích lịch sử, với các hiện vật là hai bia đá và pho tượng Phật bốn tay.Ngày 24/5/2009, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cùng Báo Giác Ngộ đã trao chứng nhận cho 14 kỷ lục mới của Phật giáo Việt Nam, trong đó có pho tượng Phật bốn tay ở tư thế đứng tại chùa Phật Bốn Tay. Nguyên pho tượng này là tượng thần Visnu, được thờ trong văn hoá Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI, cao 1,7m, chiều ngang hai đầu gối dài 1,16m, chiều rộng vai 0,8m. Năm 1912, pho tượng được phát hiện ở chân núi Ba Thê, và được dân chúng đưa về khu gò này, xây chùa để thờ như thờ Phật Thích Ca. Về sau, bị phê phán rằng đó không phải là tượng Phật vì tượng đứng thẳng trong khi Phật lại ngồi, các sư bèn xây bệ lấp kín phần chân tượng, đắp mặt tượng cho đầy đặn giống như mặt Phật. Nhưng nhìn sơ qua cũng thấy gốc gác thần Visnu của tượng vẫn còn quá rõ, với bốn tay ở phía trước, thần rắn Naga chín đầu ở phía sau, chiếc mão cao đội trên đầu. Pho tượng là một thí dụ sinh động về tính dung dị trong tiếp biến văn hoá và sự bao dung tín ngưỡng của văn hoá Việt.
Một thí dụ khác là trường hợp Sơn Tiên Tự toạ lạc trên đỉnh núi Ba Thê, bên cạnh nhà trưng bày văn hoá Óc Eo. Đây là một ngọn núi nhỏ, chỉ cao 212m, nhưng 2,2km đường xe hơi lên núi phần nhiều là dốc đứng. Năm 1933, một kiểng chùa được cất trên đỉnh núi. Năm 1972, chùa bị bom đạn san bằng. Đến khi chiến tranh biên giới nổ ra thì nơi đây được quân đội dùng làm căn cứ, xây dựng mạng lưới giao thông hào chống quân Pol Pot. Năm 2003, chùa được xây dựng lại, nhưng việc quản lý chùa không thuộc Tỉnh Hội Phật giáo mà thuộc ngành du lịch huyện Thoại Sơn. Trong sân chùa có một tảng đá lớn, mặt trên có hai dấu chân trái lõm vào. Một dấu chân lớn, to ngang, giống chân nam. Một dấu chân nhỏ, mảnh hơn, giống chân nữ. Tương truyền đó là dấu chân tiên, nên ngôi chùa được đặt tên là Sơn Tiên Tự, và những phụ nữ hiếm muộn đến đây khấn vái, áp chân vào dấu chân tiên thì ra về sẽ được thụ thai. Ngoài hai dấu chân và huyền thoại đó, ngôi chùa hầu như không có gì đáng xem vì kiến trúc thô sơ, chánh điện nghèo nàn. Nó tồn tại được, rõ ràng là do sự dung hợp của đạo Phật nơi đây với những niềm tin không thuộc về Phật giáo.
Ở chân núi Sập, thuộc thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, phía sau đình Thoại Ngọc Hầu, cùng lúc với việc xây đình, người dân cũng lập một ngôi chùa nhỏ, gọi là Thoại Sơn Cổ Tự. Đến năm 1972, thêm một ngôi chùa nữa được cất trên đỉnh núi, gọi là Thành An Tự. Thành An Tự mới được trùng tu năm 2005, khang trang bề thế hơn Thoại Sơn Cổ Tự.
Đạo Thiên Chúa ở An Giang cũng có đông tín đồ, bao gồm giáo dân tại chỗ và giáo dân gốc Nam Định, Thái Bình di cư đến vào năm 1956. Các giáo xứ ở An Giang đều trực thuộc giáo phận Long Xuyên. Giáo phận Long Xuyên quản lý 108 giáo xứ, 45 giáo họ với khoảng 200.000 giáo dân, thuộc hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và hai huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh của thành phố Cần Thơ. Trụ sở của giáo phận là nhà thờ chính toà ở thành phố Long Xuyên [Phạm Đình Chương, 2009]. [2]
Người Khmer ở An Giang và Nam Bộ đều theo Phật giáo Theravada, một tôn giáo mới du nhập từ thế kỷ XIII nhưng đã thay thế đạo Bà La Môn, chi phối rất sâu sắc đời sống của người Khmer. Đối với người Khmer, Phật là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là đấng thiêng liêng nhất, còn sư sãi là những người thay Đức Phật để hoằng hoá độ sinh, vì vậy rất được mọi người tôn kính. Nam giới Khmer đều được trải qua một thời kỳ tu tập tại chùa để trở thành một con người hoàn thiện về nhân cách, phẩm chất, khả năng. Bên cạnh đạo Phật, người Khmer vẫn duy trì tín ngưỡng thờ Neak tà là các nam thần bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực, dưới hình tượng là những viên đá cuội bóng láng. Còn tín ngưỡngthờ Arăk là bà tổ dòng họ mẫu hệ, bảo hộ gia đình, nhà, khu đất, rừng, vốn phổ biến dưới thời Pháp thuộc, thì nay đã hiếm thấy.
Hiện huyện Tri Tôn có 36 ngôi chùa Khmer, huyện Tịnh Biên có 24 ngôi chùa Khmer. Chùa là chốn thiêng liêng, là trung tâm của đời sống tinh thần mà mỗi người Khmer đều có trách nhiệm vun bồi, tự nguyện vun bồi. Cho nên, dẫu cho họ nghèo, chùa vẫn khang trang, các sư vẫn được nuôi dưỡng tốt nhờ thức ăn dâng cúng hằng ngày của họ. Sư sãi ở các chùa Khmer thường là trẻ tuổi, sau thời gian tu tập từ một tuần cho đến ba năm thì có thể hoàn tục để lập gia đình. Ngôi chùa Khmer nổi tiếng nhất An Giang là chùa Xvay Ton (Xà Tón) ở Tri Tôn, nơi lưu giữ bộ kinh lá buông khắc chữ Khmer xưa nhất Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng đã hơn 200 năm, được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986, và công nhận là “Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia” năm 1989. Sư trụ trì là Chau Sóc Pholy cho biết bản thân đã vào đây tu tập từ năm 2000. Trước đó, sư đã được học chữ Khmer trong trường học. Nhưng nhà trường, theo sư tự đánh giá, chỉ cung cấp được chừng 30% vốn chữ Khmer cho sư, còn việc học trong chùa cung cấp đến 70% vốn chữ. Các bó kinh chữ Khmer khắc bằng kim trên lá buông được cất trong tủ kiếng. Bộ kinh nào cũng có tuổi đến 70, 80 năm, bộ xưa nhất đến 120 năm tuổi. Sư Chau Sóc Pholy cho biết hiện giờ chưa có cách bảo quản tốt hơn để tránh làm hư các bộ kinh lá buông này, và cũng không biết đích xác chùa đang lưu trữ bao nhiêu bộ kinh như vậy. Trong các chùa Khmer ở An Giang, hiện chỉ còn sư trụ trì chùa Sài So biết kỹ thuật khắc kinh này. Phải mất một đến hai tháng mới khắc xong một cuốn kinh. Lá buông được đưa từ Campuchia về vì ở An Giang không có lá buông (Trà Vinh, Sóc Trăng mới có). Hiện toàn bộ nội dung các kinh lá buông đều đã được đọc, chuyển thành dạng sách in. Tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, chùa Ka-pô-rức cũng là một ngôi chùa Khmer bề thế. Theo sư trụ trì, chùa này ra đời từ trước năm 1816, nhưng không biết đích xác năm nào vì thất lạc hồ sơ. Năm 2006, chùa được trùng tu, hiện đang tiếp tục xây thêm. Trong chùa có 40 tu sĩ xuất gia, chăm sóc phần hồn cho khoảng 3.000 phật tử Khmer cư ngụ trong 4 ấp của thị trấn Óc Eo.
Người Chăm An Giang đều theo đạo Hồi Islam, tôn thờ Thượng đế Allah và lấy Kinh Qur’an làm kim chỉ nam cho hoạt động tín ngưỡng của mình. Các lễ hội truyền thống của người Chăm An Giang vì vậy chủ yếu là lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo: lễ Tolakbala vào ngày Thứ tư tuần cuối tháng Safar (tháng 2 Hồi lịch) để cầu xin Thượng đế ban sự bình an, lễ kỷ niệm ngày sinh của Đấng Muhammad vào ngày 12 tháng Rabiul Awal (tháng 3), lễ Raya Iadil Fitrah vào ngày cuối cùng của tháng chay nhịn Ramadan (tháng 9). Nơi hành lễ là các thánh đường nằm ở trung tâm của cộng đồng. Trong số đó, đẹp nhất là thánh đường Mubarak ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân. Đây là công trình có kiến trúc rất giống với các thánh đường tại các nước Hồi giáo với những mái vòm, 4 tháp ở 4 góc. Thánh đường này do một kiến trúc sư người Ấn Độ thiết kế và xây dựng, hoàn thành vào năm 1992, được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm ở An Giang. Ở huyện An Phú, nơi có người Chăm cư trú đông nhất trong các huyện, có đến 6 thánh đường, toạ lạc trên địa bàn 5 xã. Các thánh đường này cũng rất đẹp đẽ, uy nghi. Như thánh đường Ehsan ở ấp Hà Bao II, xã Đa Phước, được xây lại vào năm 2000.
Người Hoa ở An Giang cũng như ở Nam Bộ phần nhiều theo các tín ngưỡng dân gian và thờ cúng tổ tiên. Hệ thống thần thánh của người Hoa rất phong phú và phức tạp. Các thần thánh được cộng đồng thờ cúng gồm Bà Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng, Ông Bổn, Khổng Tử… Trong gia đình, người Hoa thờ các vị thần bảo hộ gia đình: Thiên Quan Tứ Phước, Môn Thần, Thổ Địa Bản Gia, Táo Quân, Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần, Quan Âm Bồ Tát, Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, tổ tiên, tổ sư. Một số người Hoa cũng theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành. Trên đường Phạm Hồng Thái, thuộc phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, có một di tích kiến trúc nổi tiếng của người Hoa là chùa Ông Bắc tức Quảng Đông Tỉnh Hội quán, được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào tháng 6/1987. Chánh điện của chùa thờ Bắc Đế, bên trái thờ Thiên Hậu, bên phải thờ Quan Công. Ngoài ra Phật Thích Ca, Địa Tạng Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế… cũng được thờ tại đây. Hằng năm, vào các ngày 3/3, 22/3 và 21/6 âm lịch, nhân dân trong vùng đến dự lễ cúng rất đông.
5. MỘT VÀI KẾT LUẬN
Sự đa dạng về địa lý tự nhiên và giao lưu tiếp biến văn hoá đã đem lại cho vùng đất An Giang một diện mạo đa dạng bậc nhất Việt Nam về văn hoá tộc người và tôn giáo. Qua việc tìm hiểu trạng thái đan xen văn hoá tộc người và tôn giáo của An Giang hiện tại, chúng ta có thể hiểu sâu hơn nền văn hoá của toàn vùng Nam Bộ, vì An Giang có những đặc trưng tiêu biểu cho vùng đất Nam Bộ về tự nhiên và văn hoá.
Những ghi chép tổng hợp qua các chuyến đi thực địa cung cấp một cái nhìn cập nhật và những thông tin sơ cấp, xác thực vì được thu thập trực tiếp từ những điều tai nghe, mắt thấy. Điều đó chứng tỏ thực tập, thực tế và các phương pháp liên quan như phương pháp khảo sát điền dã, là rất cần yếu đối với việc đào tạo đại học và sau đại học về khoa học xã hội - nhân văn, có ích cho kiến thức của cả người học và người dạy học.
TP. Hồ Chí Minh, 26/5/2012.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang (2008a), “Điều kiện tự nhiên”, www.angiang.gov.vn.
2.      Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang (2008b), “Lịch sử hình thành”, www.angiang.gov.vn.
3.      Phạm Đình Chương (2009), Văn hoá tổ chức cộng đồng giáo dân vùng Cái Sắn, Luận văn thạc sĩ văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
4.      Trần Trọng Lễ (2011), Đời sống cư dân vùng tứ giác Long Xuyên từ góc nhìn văn hoá học, Luận văn thạc sĩ văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
5.      Viện Dân tộc (2010), “Dân số chia theo đơn vị hành chính, dân tộc và giới tính”, http://viendantoc.org.vn.

Nguồn: Tập san Khoa học xã hội & Nhân văn (Annals of USSH), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), số 56, tháng 9/2012, trang 25-40; http://tapsan.hcmussh.edu.vn/3cms/upload/tapsankh/File/TAP%20SAN%20SO/56/564.pdf.


Tóm tắt
DIỆN MẠO VĂN HOÁ ĐA TỘC NGƯỜI - ĐA TÔN GIÁO
Ở AN GIANG QUA MẤY CHUYẾN ĐIỀN DÃ GẦN ĐÂY

An Giang là một trong những địa bàn được khai phá sớm nhất nhưng kết thúc quá trình này muộn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, An Giang là một trong những tỉnh có diện tích đất canh tác lớn nhất vùng, với tổng diện tích đất nông nghiệp lên tới 246.821ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 82%, cung cấp một sản lượng lúa lớn nhất miền Tây. Đóng góp vào thành tựu đó là lực lượng cư dân tại chỗ và di dân từ các vùng lân cận, đưa dân số toàn tỉnh lên tới 2.142.709 người, đông nhất trong các tỉnh miền Tây (1/4/2009).
Từ nhiều thế kỷ trước, lưu dân các tộc người Khmer, Hoa, Chăm, Việt và cả một số lưu dân gốc Ấn Độ, Mã Lai đã có mặt trên mảnh đất này. Trên một không gian văn hoá có cả đồng bằng bao la và núi non hùng vĩ, sự giao lưu tiếp biến văn hoá giữa các tộc người đã đem lại cho vùng đất An Giang một diện mạo văn hoá đa tộc người và đa tôn giáo rất đặc biệt mà khó có vùng đất nào khác ở Việt Nam sánh được.
Báo cáo “Diện mạo văn hoá đa tộc người - đa tôn giáo ở An Giang qua mấy chuyến điền dã gần đây” là kết quả của hai chuyến khảo sát điền dã mà chúng tôi tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn. Chuyến thứ nhất tiến hành trong tháng 11/2009 do Khoa Văn hoá học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, theo lộ trình từ Long Xuyên lên Châu Đốc, An Phú, sang Tịnh Biên, Tri Tôn, vòng xuống Thoại Sơn rồi trở về Long Xuyên. Chuyến thứ hai do chúng tôi tự thực hiện, diễn ra trong tháng 9/2011, trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Tri Tôn của An Giang và một phần huyện Hòn Đất thuộc Kiên Giang.



Summary
THE MULTI-ETHNIC AND MULTI-RELIGIOUS CULTURE
IN AN GIANG VIA RECENT FIELD TRIPS
An Giang is one of the earliest explored but ended this process latest in the West of Southern Vietnam. Currently, An Giang Province is one of the region's largest areas of ​​arable land, with a total area of ​​agricultural land to 246.821ha, paddy land which accounts for more than 82%, providing a maximum output of rice in the West. Contributing to the achievement is of local residents and migrants from neighboring areas, that brought the province's population reached 2,142,709 people, the largest in the Western provinces (01/04/2009).
Centuries ago, migrants of the ethnic Khmer, Hoa, Cham, Viet and some people from IndiaMalaysia have been on this land. On a cultural space including vast plains and mountains, the flow of acculturation among ethnic groups gave the lands of An Giang a particularly multi-cultural appearance of many religions and ethnic groups, that is hardily found at other lands in Vietnam.
The report is the result of two field surveys in which I participated as a professional adviser. The first was held by the Faculty of Culturology of University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University - HCMC in 11/2009, from Long Xuyen to Chau Doc, An Phu, to Tinh Bien, Tri Ton, Thoai Son then return to Long Xuyen. Second voyage was made by my own in 9/2011, from districts of Thoai Son and Tri Ton in An Giang to a part of Hon Dat District in Kien Giang.


Họ tên tác giả: LÝ TÙNG HIẾU
Ngày và nơi sinh: 13/6/1958, Sài Gòn
Học hàm, học vị: Tiến sĩ
Chức vụ, cơ quan công tác: Giảng viên chính, Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM.
Địa chỉ nhà riêng: 392/8/110 Cao Thắng, P.12, Q.10, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0909.530.241
E-mail: lytunghieu@gmail.com


[1] Tiến sĩ, Giảng viên chính Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.
[2] Sẽ là một thiếu sót đáng kể nếu nói về tín ngưỡng - tôn giáo ở An Giang mà bỏ qua các “ông đạo” nổi tiếng một thời. Nhiều người trong số đó đã lập ra những giáo phái mới, để lại trong dân gian những huyền thoại về lối tu hành và truyền đạo kỳ lạ của họ. Tại núi Cấm, chúng tôi đã nghe một cư dân địa phương là ông Bảy Trác, chủ nhà nghỉ Ngọc Lan nằm ở độ cao 500m, kể về “đạo ở truồng”. Theo lời kể, đạo này do một nhà tu lập ra ở vùng núi Cấm trước đây. Do chủ trương rằng con người phải cởi bỏ hết mọi ràng buộc vật chất khi hành lễ, nên việc khấn nguyện được tổ chức ngoài trời, quay cót xung quanh cho kín. Tất cả tín đồ, nam và nữ, phải cởi bỏ hết áo quần, hoàn toàn khoả thân mới được bước vào bên trong cót để cùng hành lễ! Kế đến là “đạo đút”. Đạo này do một nhà tu, có lẽ do muốn cổ xuý lòng tương thân tương ái, nên quy định một nghi thức hành đạo là các tín đồ phải ngồi thành vòng tròn, mỗi người tuần tự đút cơm cho người ngồi bên cạnh, và ăn cơm do người ngồi ở phía đối diện đút cho. Kinh dị hơn nữa là “đạo Ông Sáu”, do một nhà tu mượn lốt tu hành để thu nạp, lợi dụng thể xác của các nữ tín đồ, từ gái tơ cho đến những phụ nữ đứng tuổi, có chồng con. Nhưng khủng khiếp nhất là “đạo đâm”, cách dân gian gọi một nhánh đạo do Nguyễn Long Châu, nguyên đệ tử của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ lập ra. Sau khi Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ từ trần, Nguyễn Long Châu tự xưng là hậu thân của Đức Thầy, buộc tín đồ Hoà Hảo trong vùng phải thừa nhận mình là Giáo chủ. Nơi “tu hành” của Nguyễn Long Châu chính là vồ Ông Hổ trên núi Cấm. Để mau chóng gồm thâu quyền lực, Nguyễn Long Châu đã tổ chức bắt giết, chặt đầu tất cả những người không chấp nhận tư cách “hậu thân Đức Thầy” của bản thân mình, làm cho dân chúng trong vùng khiếp vía suốt một thời gian... Tất nhiên, đó chỉ là những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, đã được tô điểm thêm qua thời gian và lời kể của nhiều người.