Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI (CHAMPA) TRONG HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI ĐÔNG Á (P.2)

THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI(CHAMPA) TRONG HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI ĐÔNG Á

Phần 2:





Trong quan điểm nghiên cứu truyền thống về Champa, được khởi nguồn từ các học giả Pháp và được nhiều thế hệ các học giả sau này kế thừa, Champa được nhìn nhận như là một vương quốc thống nhất với lãnh thổ truyền thống trải dài từ nam Đèo Ngang cho đến nam Bình Thuận, với một hệ thống hành chính thống nhất từ trung ương đến địa phương, toàn bộ vương quốc được đặt dưới sự trị vì của một quốc vương có quyền uy tối cao[1]. Cách nhìn nhận đó, do các học giả đã áp dụng một mô hình của Trung Hoa và Đại Việt đối với trường hợp Champa, có lẽ đã chưa phản ảnh chân xác bản chất thực sự của hệ thống chính trị – kinh tế – văn hóa và tộc người của vương quốc cổ Champa.
Dưới ảnh hưởng của sự thay đổi cách viết sử trong khu vực từ những năm 1970[2], việc nghiên cứu về lịch sử vương quốc Champa cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Những nhận thức cũ của các học giả tiên phong được các thế hệ nhà nghiên cứu kế tiếp kế thừa và bổ xung thông qua việc cập nhật các nguồn tư liệu mới, cũng như là việc áp dụng các mô hình lý thuyết mới hướng tới những nhận thức mang tính chân xác hơn về một thể chế đã từng vận hành và đạt tới tầm mức của một nền văn minh ở miền Trung Việt Nam thời cổ xưa. Khái niệm mandala Champa giờ đây được sử dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu và các tiểu vùng được ghi nhận trong lịch sử Champa như Amaravati hay Vijaya được xem như các tiểu quốc, các nagara nằm trong hệ thống mandalaChampa[3]. Cách nhìn nhận như thế dẫn tới những cách diễn giải mới về lịch sử Champa khác so với những nhận thức đã được nêu lên bởi G.Maspero và các học giả tiên phong trước đây.
Các nguồn tài liệu cổ bia ký và của Trung Hoa đều ghi nhận về việc hình thành của một trung tâm chính trị-tôn giáo-kinh tế mới trong lãnh thổ của mandalaChampa từ cuối thế kỷ thứ X và đầu thế kỷ XI, cách xa trung tâm cũ ở vùng Amaravati về phía Nam[4]. Lịch sử Champa từ sau giai đoạn này cũng ghi nhận sự trội vượt và thống trị của tiểu quốc Vijaya (nagara Vijaya – vùng Bình Định ngày nay). Người đứng đầu của nagara Vijaya được chính sử Đại Việt và Trung Hoa xem như là Vua – người trị vì của toàn bộ vương quốc Champa. Sự hiện diện của cả một hệ thống các di tích thành cổ, đền tháp tôn giáo, lò gốm và cảng thị tại vùng Bình Định ngày nay đã là minh chứng rõ nét nhất cho sự phồn vinh và thịnh vượng của tiểu quốc Vijaya cho đến cuối thế kỷ XV.
Như ở trên đã trình bày, trong suốt chiều dài lịch sử của mandalaChampa cho đến cuối thế kỷ XV, nagara Amaravati (vùng châu thổ sông Thu Bồn – Quảng Nam) và nagara Vijaya (vùng châu thổ sông Côn – Bình Định) luôn thể hiện vị thế vượt trội của mình. Từ cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XV, đứng trước những thay đổi địa-chính trị và địa-kinh tế mang tính phổ quát trên toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là áp lực của quốc gia Đại Việt đang lên ở phía Bắc và những biến chuyển của mạng lưới hải thương khu vực, nagaraAmaravati đã đánh mất vị thế của mình. Từ đây, nagara Vijaya vươn lên thể hiện vị thế trội vượt cả về mặt chính trị, tôn giáo, quân sự và kinh tế đối với các tiểu quốc khác. Sự trội vượt về mọi mặt của nagara Vijaya, một phần là do những cơ hội mà môi trường khu vực và quốc tế mang lại, nhưng cơ bản và quan trọng hơn, đó là do nội lực và những nhân tố nội sinh vốn có của tiểu quốc này đã góp phần dẫn tới sự phồn vinh cho tiểu quốc Vijaya.
Nghiên cứu toàn diện lịch sử cổ xưa của mandala Champa, có thể nhận thấy, cùng với nagara Amaravati ở phía Bắc, thì nagara Vijaya được xem như một phức thể (complex) toàn diện nhất với đầy đủ những tiềm năng nội lực và nhân tố ngoại sinh có thể dẫn tới sự phồn vinh cho tiểu quốc này. Cũng giống như hầu hết các tiểu quốc khác thuộc mandala Champa, nagara Vijaya có sự hiện diện của ba không gian sinh thái chính, đó là không gian đồng bằng(plain space) ở trung tâm của nagarakhông gian thượng nguyên (highland space) ở vùng cao nguyên phía Tây, và cuối cùng là không gian duyên hải(coastal /littoral space) ở phía Đông[5]. Mỗi một không gian như vậy có một đặc trưng riêng về địa lý môi sinh, môi trường hoạt động kinh tế của các cư dân bản địa và có những vai trò/chức năng khác nhau/và tương hỗ nhau trong việc đóng góp vào sự phát triển của toàn bộ chính thể. Các không gian địa lý, các cộng đồng cư dân, các trung tâm kinh tế như vậy được kết nối với nhau và vận hành trong một tổng thể thống nhất, hài hòa.
Ở trung tâm của phức thể ấy là một không gian đồng bằng rộng lớn, với trọng tâm là kinh thành của hoàng gia – Thành Cha[6] và thành Chà (Đồ) Bàn[7], và một hệ thống các đền tháp tôn giáo dày đặc và mang nét đặc trưng sâu sắc của tiểu quốc này[8]. Các trung tâm chính trị và tôn giáo đó được bao bọc bởi một cộng đồng cư dân sinh tụ và phát triển trên một vùng đồng bằng trù phú, một bệ đỡ về lương thực cho cả vùng Vijaya[9]. Xét trong bối cảnh chung của khu vực Đông Nam Á cổ xưa, việc tự cung cấp lúa gạo có thể được coi như một nhân tố nội tại quan trọng để duy trì sự phát triển và thịnh vượng của một cộng đồng cư dân, hay rộng lớn hơn là của cả mộtmandala[10]. Đặc biệt đối với các cảng thị, các thương nhân quốc tế trong quá trình giao thương thường ở lại Đông Nam Á một thời gian dài để đợi gió mùa, bởi vậy một cảng thị có nguồn cung cấp hoa lợi nông nghiệp được coi là thiết yếu đối với thành công của chúng. Sự phồn vinh trong một thời gian dài của mandala Phù Nam ở Đông Nam Á được cho là có sự đóng góp quan trọng của năng xuất nông nghiệp cao và ổn định ở châu thổ sông Mekong, dẫn tới sự vượt trội vủa Phù Nam so với các tiểu quốc khác đương thời. Một ví dụ khác có thể kể đến, đó là sự thịnh vượng và trội vượt của Srivijaya Palembang đối với các đối thủ ven biển Sumatra khác là bởi nguồn cung cấp lúa gạo từ vùng đồng bằng tương đối rộng lớn dọc theo sông Musi[11]. Trong trường hợp của nagaraVijaya và thương cảng Thị Nại, với bệ đỡ về lương thực – hay “hậu phương” cho cảng thị như cách dùng của GS. Trần Quốc Vượng[12] được cung cấp một cách ổn định từ vùng châu thổ sông Côn chắc chắn là một tiền đề quan trọng và thiết yếu cho sự phát triển của tiểu quốc này, cũng như tiền đề cho sự trội vượt và chiếm ưu thế của Vijaya trước sự cạnh tranh của các tiểu quốc láng giềng khác. Nếu xét trong bối cảnh Champa thường xuyên được ghi chép trong chính sử của Trung Hoa và Đại Việt như là một vùng đất khô cằn và không thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững hay một nguồn cung cấp lương thực ổn định[13], thì có thể thấy rằng, sự trù phú của vùng đồng bằng Bình Định chính là một sự khác biệt lớn và ưu thế quan trọng của Vijaya đối với các tiểu vùng khác của mandala Champa. Trong bối cảnh đặc trưng của một vùng khô (dry area), người Chăm đã có những sáng tạo của riêng mình để thích ứng, duy trì và phát triển. Giống “lúa Chiêm” như được ghi chép trong Tống sử, có thể coi là một sự thích ứng của người Chăm trong việc phát triển nông nghiệp. Hơn thế, người Chăm là những người rất thạo trong việc làm thủy lợi, dẫn nước vào các ruộng cao bằng hệ thống guồng nước, hay xây đắp hệ thống đập nước để trữ nước cho nông nghiệp[14].
Dựa trên nền tảng của một cộng đồng cư dân nông nghiệp ổn định, các trung tâm thủ công nghiệp đã ra đời và phát triển trong không gian đồng bằng thuộc vùng châu thổ sông Côn. Một hệ thống các lò gốm Gò Sành được phát hiện đã minh chứng cho sự hoạt động và phồn vinh của nghề thủ công sản xuất gốm mang đặc trưng của tiểu quốc Vijaya[15]. Sự hiện diện dày đặc của các trung tâm sản xuất gốm Gò Sành ở lưu vực sông Côn có thể dẫn chúng ta tới nhận thức rằng, nghề sản xuất gốm của Vijaya xưa đã ở một trình độ phát triển cao cả về quy mô và chất lượng, và chắc chắn rằng, hệ thống các lò gốm ấy đã được vận hành bởi một cộng đồng thợ gốm chuyên nghiệp – cho dù còn có những tranh cãi về chủ nhân của các lò gồm này là người Chăm hay người Hoa. Sự hiện diện của các thợ thủ công chuyên nghiệp như vậy chắc chắn đã góp phần quan trọng đối với việc xây dựng các công trình đền tháp dày đặc và đạt đến tầm mức thẩm mỹ cao của vùng Vijaya. Trong một thời gian dài, các sản phẩm gốm Gò Sành đã trở thành một nguồn hàng quan trọng của Champa cùng với các sản phẩm lâm sản đặc trưng khác. Nếu chúng ta đồng ý với quan điểm cho rằng, sự bắt đầu và phát triển của các lò gốm Gò Sành ở vùng Bình Định nằm trong xu thế phát triển chung của các lò gốm Đông Nam Á trước sự đóng cửa của nhà Minh[16], thì có thể thấy rằng chính thể Vijaya đã năng động như thế nào trong việc nắm bắt thị trường quốc tế và chủ động dấn thân vào mạng lưới giao thương quốc tế, đặc biệt là mạng lưới trao đổi gốm sứ trên biển[17].
Chính thể trung tâm, bằng sức mạnh vương quyền và thần quyền, cũng như sức mạnh về kinh tế và quân sự của mình, nắm vai trò tổ chức và điều phối cả hệ thống kinh tế, liên kết và bảo trợ cho các cộng đồng cư dân miền thượng trong hoạt động trao đổi kinh tế với các cộng đồng cư dân ở vùng đồng bằng và vùng duyên hải.
Nằm về phía Tây của kinh đô Vijaya, vượt qua đèo An Khê[18] là mộtKhông gian cao nguyên rộng lớn bao gồm những cánh rừng già bạt ngàn với nguồn lợi lâm thổ sản dồi dào làm bệ đỡ kinh tế các cộng đồng cư dân miền thượng, những người sinh sống và hoạt động trong một môi trường kinh tế trọng lâm (forest-oriented economy). Sự dồi dào các nguồn lâm sản của “châu Thượng Nguyên” này được ghi chép trong các hồi ký du hành của các thương nhân Arab[19] và các bộ chính sử sau này của Đại Việt[20]. Các cộng đồng cư dân ở vùng thượng nguyên ấy lấy việc khai thác các sản phẩm lâm thổ sản, các nguồn hàng trù phú của cao nguyên (như trầm hương, quế, đồi mồi, sừng tê, ngà voi…) để trao đổi với bên ngoài làm hoạt động kinh tế chính của mình[21]. Việc nhận lại các loại hàng hóa của cư dân vùng đồng bằng, cũng như các hàng hóa của cộng đồng cư dân ven biển có thể coi như là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh tế, trao đổi của các cộng đồng cư dân miền thượng. Vai trò và vị thế của các cộng đồng cư dân sống ở vùng thượng lưu là rất quan trọng đối với chính thể trung tâm ở vùng đồng bằng. Những nguồn hàng từ vùng thượng lưu được sử dụng phổ biến trong cộng đồng cư dân miền xuôi, và đặc biệt là trở thành một trong những nguồn hàng chính của Champa trong mạng lưới giao thương khu vực[22]. Andrew Hardy đã có lý khi cho rằng, trầm hương (eaglewood) đã từng đóng vai trò trung tâm trong hệ thống kinh tế của Champa[23].
Chủ nhân và là người vận hành mạng lưới trao đổi của miền thượng nguyên là các tộc người bản địa, những cư dân có truyền thống khai thác lâm thổ sản. Bi kí cổ Champa cũng đã đề cập tới các cộng đồng này dưới tên gọi Rade, Mada, hay Mlecch’a…[24]. Các tài liệu của các Thừa sai người Pháp vào cuối thế kỷ XIX cho ta biết rằng, người Sedang là những người cung cấp tất cả các dụng cụ bằng sắt và khí giới cho cả khu vực này, họ là những người có kinh nghiệm về việc khai thác các trầm tích sắt. Trong khi đó thì người Renjao và người Bahnar là những người cung cấp vải vóc. Các hoạt động trao đổi giữa người Bahnar Alakong với người Việt ở miền xuôi cũng được ghi nhận[25]. Henri Maitre dựa trên những khảo sát thực địa tại Tây Nguyên cũng đã nhận định rằng, các bộ lạc vùng cao nguyên đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế của Champa, họ đã dự nhập tích cực vào việc săn bắt voi và tê giác, trong việc tìm kiếm các nguồn lâm thổ sản, đặc biệt là trầm hương[26]. Theo cố GS. Đào Duy Anh, thì khu vực này “là địa bàn sinh tụ của các bộ lạc phần lớn là thuộc chủng tộc Anhđônêdi, … Trong số các bộ lạc lớn ấy có ba khối lớn là khối Bana, khối Ra Đê và khối Sơ Ma… Các bộ lạc Ba Na cùng các bộ lạc Xê Đăng, Đá Vách ở miền Tây Bình Định và Quảng Ngãi đã dựa vào núi rừng hiểm trở của họ mà sống tự do từ lâu”[27].
Với tư cách là một bộ phận [nằm ở vùng biên /rìa] của khối Zomia Đông Nam Á rộng lớn, vùng thượng nguyên của Champa chia sẻ đầy đủ các đặc trưng cơ bản của một Zomia, và mối liên hệ giữa các cộng đồng cư dân miền thượng ấy với các chính thể trung tâm ở vùng đồng bằng cũng tương tự như những gì diễn ra ở các địa điểm khác của khối Zomia[28]. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các cộng đồng cư dân vùng thượng nguyên, cũng như sự đóng góp vô cùng lớn của các nguồn hàng có nguồn gốc từ cao nguyên, những người đứng đầu của chính thể Vijaya đã dày công kiến lập và duy các mối liên hệ với các cộng đồng cư dân đó. Những dấu tích vật chất hiện còn tới ngày nay ở vùng cao nguyên, đặc biệt là sự hiện diện của khá nhiều các đền tháp cổ Champa có thể xem như là một minh chứng về mối liên hệ bền chặt này[29]. Thắng lợi của cuộc chiến chống lại quân Mông Nguyên vào thế kỷ thứ XIII của Champa cũng đã chỉ ra được tầm quan trọng và vị trí của vùng cao nguyên trong những thời khắc chiến tranh ác liệt. Mối liên hệ giữa người Chăm và cư dân đồng bằng cũng còn được lưu giữ khá đậm nét trong tâm thức dân gian của các tộc người Cao Nguyên[30].
Cuối cùng, nằm ở rìa phía Đông của nagara Vijaya là một không gian duyên hải với đường bờ biển trải dải, các dãy núi tầm trung chạy sát mặt biển, các bán đảo và hệ đảo ven bờ. Không gian duyên hải chính là địa bàn sinh sống của cộng đồng các cư dân ven biển lấy hoạt động khai thác và trao đổi kinh tế biển làm động lực phát triển chính. Những sản phẩm có được từ biển không chỉ cung cấp cho cư dân vùng duyên hải, mà còn là nguồn lương thực quan trọng cung cấp cho cư dân đồng bằng. Những sản phẩm đặc trưng của hệ sinh thái ven biển như muối, hải sản đồng thời cũng là sản phẩm quan trọng trong việc trao đổi buôn bán với các cộng đồng cư dân miền Thượng. Nổi bật lên trong vùng duyên hải ấy là hoạt động và vai trò của thương cảng Thị Nại và một hệ tiểu cảng ven bờ.
Chính bởi vai trò và vị trí của mình mà thương cảng Thi Nại đã sớm được ghi chép khá nhiều trong các thư tịch cổ của cả Đại Việt và Trung Hoa.Kinh thế đại điển tự lục đã chép về cảng Thị Nại: “Cửa cảng phía Bắc liền với biển, bên cạnh có 5 cảng nhỏ thông với Đại Châu của nước ấy, phía Đông Nam có núi ngăn, phía Tây có thành gỗ”[31]Đại Việt sử ký Toàn thư cũng có chép về thương cảng này: “Tỳ Ni bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn… chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là chỗ bến tàu xung yếu”[32]. Đến thời nhà Minh, Sách Doanh Nhai Thắng lãm có chép rằng: “Chiêm Thành có cửa biển gọi là cảng Tân Châu, bờ cũng có tháp đá làm mốc, thuyền đến đấy thì buộc vào,
có trại gọi là Thiết Tỉ Nại”[33].
Trong các bộ sử của nhà Nguyễn, Thị Nại và các vùng duyên hải của Bình Định được ghi chép khá đầy đủ. Theo Đại Nam nhất thống chí thì tấn Thị Nại (hay vịnh Thị Nại) “ở phía Đông huyện Tuy Phước, rộng 197 trượng, thủy triều lên sâu 4 trượng 7 thước, thủy triều xuống sâu 4 trượng 4 thước, thủ sở ở địa phận thôn Bình Chính, có bảo đất, chu vi 48 trượng 4 thước, cao 6 thước, mở một cửa. Về phía Đông cửa biển, có pháo đài Hổ Ky, chu vi 27 trượng, mở một cửa, có một kì đài và 12 lỗ sung…”[34]. Các sự kiện quan trọng cả từ thời Champa đến thời nhà Nguyễn liên quan tới vịnh Thị Nại cũng đượcĐại Nam nhất thống chí ghi chép đầy đủ “năm Thái Hòa thứ 4 [1446]: đời Lê Nhân Tông, đánh Chiêm Thành, bình chương Lê Thụ và thiếu phó Lê Khắc Phục kéo quân đến các xứ Ly Giang và Cổ Lũy đánh tan được quân giặc, thừa thắng hạ luôn thành Thị Nại, rồi tiến vây thành Chà Bàn, bắt được chúa Chiêm Thành là Bí Cai. Đời Lê Thánh Tông, năm 1471 đánh Chiêm Thành, tiến quân đánh Thị Nại, vây thành Chà Bàn, bắt được chúa Chiêm Thành là Trà Toàn.
Tiếp đó, năm Nhâm Tý [1792] đầu đời Trung Hưng, đại binh đánh Quy Nhơn, nhà vua thân đem châu sư đóng ở cửa biển Thị Nại, thì đô đốc giặc là Thành bỏ chạy, nhà vua đóng quân ở chợ Thị Nại, phủ dụ nhân dân rồi rút quân về; năm quý sửu [1793] đại binh lại tiến đánh Quy Nhơn, thuyền vua đóng ở cửa biển Thị Nại, sai Võ tánh đánh phá được bảo giặc ở chợ Thị Nại; năm Kỷ Mùi [1799], thuyền vua đóng ở cửa biển Thị Nại, tiến quân hạ được thành Quy Nhơn, sai Võ Tánh làm lưu thủ…”[35]. Ở cửa biển Thị Nại cũng còn lưu lại những trầm tích và dấu vết văn hóa về những mối liên hệ giữa Đại Việt và Champa thời cổ xưa, đặc biệt là sự hiện diện được chép trong sử sách của đền Uy Minh Vương. Đền Uy Minh Vương “có tên nữa là đền thần núi Tam Tòa, ở cửa biển Thị Nại. Thần họ Lí, húy là Nhật Quang, là con thứ tám của Lí Thái Tông, được phong Uy Minh Vương, coi phủ Nghệ An, có chính tích tốt, nhân dân mến phục. Bấy giờ có bộ lạc ở Chiêm Thành làm phản, vua Chiêm Thành cầu viện, quân của vương đóng ở dưới núi Tam Tòa, vua Chiêm Thành đón rước. Bộ lạc Chiêm Thành được tin, đều đến cửa quân sụp lạy và cam đoan xin theo lệnh vua Chiêm, không dám hai lòng. Vương đem quân về, người Chiêm Thành nhớ công đức, bèn lập đền thờ ở dưới núi Tam Tòa. Lúc vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở cửa biển Thị Nại, cầu đảo thường được ứng nghiệm; hạ được thành Chà Bàn, phong cho vương làm thần núi Tam tòa”[36].
Trong không gian duyên hải với điểm nhấn là Cảng Thị Nại và đầm Thị Nại như thế, còn có cả một hệ thống các thủy lộ, cửa biển và các hệ đảo ven bờ. Đó là Hòn Thanh Châu “ở thôn Chính Thành, phía nam huyện, tục gọi núi Cù Lao, là trấn sơn của cửa biển Thị Nại”[37], là Ghềnh Hổ “ở phía ngoài cửa biển Thị Nại, phía Đông huyện Tuy Phước”[38]. Các dòng sông từ thượng nguồn đổ về cửa biển Thi Nại có sông Tam Huyện “ở địa phận ba huyện Tuy Viễn, Tuy Phước và Phù Cát nên gọi tên thế; có ba nguồn: một nguồn từ núi Phong Sơn chảy về Đông Nam 66 dặm dến thôn Trinh Tường; một nguồn từ núi Kiền Kiền ở nguồn Lộc Động, chảy về Đông Bắc 16 dặm đến thôn Trinh Tường thì hợp nhau, lại chảy về phía Đông 35 dặm đến thôn Hòa Phong thì chia làm hai nhánh, phía Nam chảy về phía Đông Nam 2 dặm… nhánh phía Bắc thì chảy về phía Đông Bắc 5 dặm đến thôn Tân Kiều… Bốn dòng nói trên đều đổ vào đầm Biển Cạn và chảy xuống cửa biển Thị Nại”[39]. Bên cạnh đó có đầm Biển Cạn “ở phía Đông huyện Tuy Phước, chu vi hơn 9.500 trượng, nước đầm đổ vào cửa biển Thị Nại, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi tháp Thầy Bói, phía tả là ghềnh Hổ, phía hữu là Bãi Nhạn; lại phía tả có Vũng Tầu, Ghềnh Triệu, là Bãi Sò, là mũi Cổ Rùa, phía Bắc có thôn Hoàng Giản. Lại có đầm Cầu Đá, ở phía Đông núi Khố Sơn thuộc thôn Xuân Quang, nước đổ vào sông Hưng Thịnh, chẩy đến đầm Biển Cạn”[40]. Một hệ giếng nước ngọt – vốn là “đặc sản” của bờ biển Champa và cũng là một nguồn hàng đáng kể của Champa cũng được ghi nhận tại đây, chẳng hạn như địa danh Giếng Vuông tọa lạc “ở thôn Lạc Đức phía Tây đường trạm, về phía Tây huyện, vuông một trượng, bốn bờ xây đá, quanh năm không cạn, gặp năm hạn hán, nước giếng có thể tưới hơn chục mẫu ruộng, dân địa phương được nhờ”[41]. Tại các vùng biển của vùng Vijaya cũng được ghi nhận như những địa điểm có các sản vật biển quý giá, đặc biệt là yến sào.
Cùng với cảng Thị Nại thì thành Thị Nại cũng đã được xây dựng để vừa bảo vệ cho hoạt động trao đổi buôn bán diễn ra tại vùng biển của Vijaya, nhưng đồng thời cũng là tiền đồn bảo vệ cho kinh thành Chà Bàn ở phía Tây trước các cuộc tấn công của các nagara khác trong mandala, cũng như của các nước láng giềng của Champa. Dựa trên các khảo sát điền dã, thì hiện dấu vết của tòa thành này vẫn còn được lưu giữ tại hạ lưu sông Côn, gần với địa điểm tọa lạc của Tháp cổ Bình Lâm[42]. Sự hiện diện của thành Thị Nại cùng với tháp cổ Bình Lâm tại vùng hạ lưu sông Côn, tiếp giáp với phía bắc của vịnh Thị Nại ngày nay cũng gợi cho chúng ta những nhận thức cơ bản về vị trí cổ xưa của thương cảng Thị Nại. Xét theo địa hình duyên hải Bình Định ngày nay thì vịnh Thị Nại chỉ có 1 cửa thoát ra biển ở cửa Quy Nhơn. Tất cả thuyền bè muốn lưu thông ra vào vịnh Thị Nại đều phải đi qua cửa bể này. Tuy nhiên, qua những khảo sát thực địa thì có thể thấy rằng dải cát ở phía Bắc của đầm Thị Nại, nối dài bán đảo /dãy núi Phương Mai ở phía Đông với đất liền, bao phủ xung quanh vịnh Thị Nại có lẽ có niên đại gần đây [thời nhà Nguyễn?] (ở vị trí tiếp giáp giữa huyện Phù Cát với hai xã Nhơn Hội và Nhơn Lý của bán đảo Phương Mai ngày nay). Trong suốt thời kỳ lịch sử của Champa, bán đảo/dãy núi Phương Mai dài gần 20km chạy song song với bờ biển của Vijaya và không nối liền với đất liền ở bất cứ điểm nào. Sự hiện diện của dãy núi Phương Mai chạy dài như vậy trở thành một tấm bình phong chắn gió cho tàu thuyền lưu thông trong vùng biển Thị Nại, đặc biệt tàu thuyền có thể ra vào từ cả cửa biển phía Bắc cũng như cửa biển phía Nam (cửa Quy Nhơn ngày nay). Nhận định này càng trở nên chắc chắn bởi cho đến cuối thế kỷ XVII, Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ khi vẽ về Nước Mặn Hải Môn của phủ Quy Ninh vẫn cho thấy rõ sự chia tách giữa bán đảo Phương Mai với đất liền[43].
Việc xác định một vị trí chính xác tuyệt đối của thương cảng Thị Nại thời Vijaya là tương đối khó khăn. Trong khi chờ đợi những kết quả khai quật khảo cổ học tại vùng vịnh Thị Nại – Quy Nhơn sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn các tầng lớp văn hóa vật chất còn tồn lưu dưới lòng đất và lòng đầm Thị Nại[44], thì chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả định dựa trên những bằng chứng lịch sử cùng với khảo sát điều kiện địa chất – sinh thái của khu vực ven biển Quy Nhơn. Tuy thế, một cái nhìn đơn tuyến cho rằng  thương cảng Thi Nại trong lịch sử của “nagara” Vijaya đã luôn luôn tồn tại ở một vị trí cố định và không thay đổi thì cần phải được nhìn nhận lại. Chắc chắn rằng, cùng với sự đổi dòng của các nhánh sông Côn, cũng như là các biển đổi về địa hình (đặc biệt là sự bồi lấp của cửa biển phía Bắc, dần dần nối liền đất liền với dãy núi/đảo Phương Mai ở phía Đông), thì vị trí của thương cảng Thị Nại cũng đã có những sự thay đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, xét trong một cái nhìn đối sánh đồng đại với sự vận hành của các thương cảng khác trong khu vực Đông Nam Á như Vân Đồn ở phía Bắc của Đại Việt[45] hay Palembang Srivijaya ở Sumatra, cũng như thông qua việc khảo sát địa hình địa mạo của vùng vịnh Thị Nại, có thể bước đầu nhận xét rằng: Thương cảng Thị Nại nằm ở trung tâm của một hệ tiểu cảng ven bờ. Theo cách diễn giải đó, một thương cảng Thị Nại nằm ở vị trí trung tâm là khu vực hoạt động nhộn nhịp của các đoàn thuyền buôn và nơi diễn ra các hoạt động buôn bán chính, cũng như là nơi đặt trị sở kiểm soát của chính thể Vijaya. Mỗi vùng cửa sông của các nhánh sông Côn cũng như là các vụng biển nằm ở phía Tây của dãy núi/đảo Phương Mai đều có thể trở thành nơi bến đậu tránh gió của các tàu thuyền, cũng như là nơi diễn ra các trao đổi buôn bán nhỏ. Chúng tôi hi vọng rằng, những khảo sát thực địa và các cuộc khai quật khảo cổ học trong tương lai sẽ cung cấp cho chúng ta những nhận thức chân xác và cụ thể hơn nữa.


[1] Xem Georges Maspéro: Le royaume de Champa, rev.ed. Paris and Brussels: Van Oest, 1928; R.C.Majumdar: Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, 2nd-16th century A.D, P. Gyan Publishing House, New Delhi, 1927.
[2] Từ những năm 1970, môi trường học thuật quốc tế nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á đã có những thay đổi đáng kể, chuyển từ khuynh hướng ngoại sinh(externalist tendency) sang khuynh hướng nội sinh (indigenous tendency) – trong đó thế hệ học giả mới xét lại những nghiên cứu trước đó của các học giả tiên phong thời thực dân, và đặc biệt nhấn mạnh tới việc sử dụng các nguồn tài liệu bản địa thay vì các nguồn tư liệu ghi chép phương Tây, đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của các nhân tố nội sinh đối với sự phát triển của các thể chế trong khu vực thay vì quá nhấn mạnh tới các nhân tố ngoại sinh như trước đây. Các khái niệm mới, mô hình mới vốn có nguồn gốc và hiện sinh tại chính khu vực Đông Nam Á thời cổ xưa đã được nghiên cứu và cổ xúy cho việc sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu về lịch sử các chính thể trong khu vực. Chính trong bối cảnh đó, các khái niệm mới, mô hình mới đã được các học giả hàng đầu về Đông Nam Á học đưa ra, như là khái niệm mandala, Negara để khảo tả cấu trúc và phương cách vận hành của các chính thể Đông Nam Á cổ xưa, hay mô hình “riverine exchange network” để nghiên cứu mô hình trao đổi kinh tế đặc trưng mang tính phổ quát đối với các thể chể cận duyên ở Đông Nam Á.
[3] Giáo sư O.W. Wolters là người đầu tiên đã giải thích mandala như là một thuật ngữ dùng để diễn tả một hệ thống chính trị kinh tế đã được phát hiện tại hầu hết các quốc gia cổ ở Đông Nam Á. Thuật ngữ mandala cũng được sử dụng để miêu tả một trạng thái chính trị riêng biệt và thường là không ổn định trong một khu vực địa lý được xác định mơ hồ vì không có những đường ranh giới cố định, tại đó những trung tâm nhỏ hơn vì lý do an ninh nên có xu hướng vươn ra mọi phía. Các mandala sẽ mở rộng hay thu hẹp lại theo cách thức này. Theo O.W. Wolters thì mỗi mandala bao gồm một số chính quyền chư hầu (tributary rulers), nhưng mỗi chư hầu như vậy có thể từ bỏ địa vị chư hầu của họ khi có cơ hội và nỗ lực xây dựng một mạng lưới chư hầu của riêng họ, theo: O.W.Wolters: History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives, Institute of Southeast Asian Studies, 1982. Có thể tham khảo thêm Đỗ Trường Giang: Mandala trong nhận thức và cách nhìn của các học giả quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, 2009. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng nhiều thuật ngữ có gốc bản địa khác để chỉ về sự hình thành các nhà nước, các trung tâm và cấu trúc quyền lực của thế giới Đông Nam Á và coi các chính thể tồn tại trong lịch sử cổ trung đại như là những chính thể thiên hà(galactic polity), chính thể mặt trời (solar polity),  hay các negara, tham khảo các công trình nghiên cứu như: Geertz, Clifford. Negara: The Theatre State in 19th Century Bali. Princeton: Princeton University Press. 1980; và Lorraine Gesick (ed.): Centres, Symbols, and Hierarchies: Essays on the Classical States of Southeast Asia, Monograph No. 26, New Haven, Connecticut: Yale University Southeast Asia Studies.
[4] Chúng ta biết được sự dịch chuyển kinh đô của Champa từ phía bắc về vùng Vijaya qua tư liệu Tống sử. Một phái đoàn triều cống của Champa năm 1007 đến triều đình nhà Tống đã tấu rằng “nước của thần trước ở Jiaozhou, sau đó chuyển về Foshi, 700 dặm về phía nam vị trí cũ”. Vùng đất Vijaya được gọi là Tân Châu để phân biệt với Cựu Châu (Simhapura – vùng Quảng Nam). Tuy nhiên, dựa trên việc khảo sát lại các nguồn tài liệu bi ký của cả Champa và Angkor, cũng như đối chiếu với các tài liệu chính sử của Đại Việt và Trung Hoa, nghà nghiên cứu Vickery nêu lên quan điểm cho rằng, việc liên hệ giữa “Foshi/Phật Thệ” với Vijaya là không chính xác, và theo ông thì, địa điểm Phật Thệ có thể là ở khu vực Đồng Dương (Quảng Nam) chứ không phải là Bình Định và Vijaya chỉ thực sự trở thành trung tâm của mandala Champa từ thế kỷ thứ XII với những ghi chép chính thức trong bi ký cổ. Michael Vickery: Champa Revised, Asia Research Institute, Working Paper Seriesno.37, 2005, pp.38-47.
[5] Hầu hết các sử gia nghiên cứu về Đông Nam Á thường có nhận thức mang tính lưỡng phân (dichotomy) về khu vực này, đặc biệt là vùng lục địa, bao gồm highland và lowland, điều này tương ứng với sự phân chia về mặt xã hội trong nghành nhân học đối với những nền văn minh cận hải/ven sông (coastal/reverine civilizations) của vùng lowland và/với người miền núi (hill peoples) ở inland/upland. Tuy nhiên, vùng bao quanh Tonle Sap, vùng cao nguyên Khorat, vùng Thượng Miến, hay vùng Java lục địa, là vị trí của những vùng trung tâm (core areas) của các thể chế trọng nông/hướng nông (rice-oriented) cổ xưa. Bởi thế, giáo sư Fukui Hayao nhận xét rằng: nhìn từ khía cạnh địa lý học hay nhân học thì một sự nhận thức tam phân (trichotomy) bao gồm thượng lưu (highland), trung lưu (middleland) và hạ lưu (lowland) thì có vẻ hợp lý hơn là nhận thức lưỡng phân, tham khảo: Fukui Hayao: An overview – The Scope of the Dry Areas Study, trong: The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment, biên tập bởi Fukui Hayao, The Center for Southeast Asia Studies (CSEAS), 1999, pp.3-4.
[6] Theo GS. Ngô Văn Doanh thì, “qua nghiên cứu tổng thể những di vật và di tích của Thành Cha, của các địa điểm liên quan xung quanh khu vực thành Cha, chúng tôi cho rằng, thành Cha có thể chính là thành Chà Bàn ban đầu. Chỉ mãi sau này, do nhiều lí do, các vua chúa Champa đã xây dựng lại kinh đô Chà Bàn của mình, nhưng ở một địa điểm khác cách tòa thành cũ không xa…. Các bằng chứng vật chất đã cho thấy thành Đồ Bàn có niên đại muộn hơn niên đại của Thành Cha chừng cả hơn trăm năm”. Xem Ngô Văn Doanh: Thành Cha -Thành Đồ Bàn ban đầu (qua những phát hiện mới); trong: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1996, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1997, tr.821.
[7] Đại Việt sử ký tiền biên chép về thành Đồ Bàn “Thành Đồ Bàn ở huyện Tuy Viễn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Quảng Nam, dựa vào núi Long Cốt làm thế vững. Nay có 12 tòa tháp gọi là tháp Nữ Nhi”, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1997, tr.414.  Đồ Bàn Thành Ký cũng cung cấp những thông tin chi tiết về thành Đồ Bàn: “Nói về quy chế và địa thế, thì thành Đồ Bàn, được xây dựng vào trung tâm của nước, tựa vào thế vững của núi Long cốt, non xanh bày hàng trước mặt nước biếc uốn réo chung quanh, thành xây hình vuông, tường xây bằng gạch, phía ngoài có lớp chông già, 4 mặt có mở 4 cửa, chu vi rộng hơn 10 dặm, có tháp đá để hộ vệ, không cần hào sâu mà vẫn kiên cố, bên trong co lầu các lan can, tháp núi là từng án thứ nhất, bên hữu lấy núi Phong làm lũy, bên tả lấy bể làm hào, núi Cù Mông như rồng guộn khúc ở phía trước, bến Thạch Tân như cọp hùng cứ ở mặt sau, quả là nơi hiểm trở thiên nhiên vậy”, tham khảo tư liệu “Đồ Bàn Thành Ký”,  trong: Tập San Sử Địa,  số 19-20, Sài Gòn, 1970, tr.241-242.
[8] Đại Nam nhất thống chí chép về các di tích Champa tại Bình Định: “Tháp cổ Chiêm Thành: có 8 cái: 1) Tháp Dương Long, ở thôn Vân Tường huyện Tuy Viễn 2) Tháp Đồng, ở thôn Thủ Lương, 3) Tháp Cánh Tiên ở thôn Nam An, 4) Tháp Đôi, ở thôn Hưng thịnh huyện Tuy Phước, 5) Tháp Thanh trúc, thôn Bình Lâm, 6) Tháp Long Triều ở thôn Xuân Mỹ, 7) tháp Thị Thiện, có 4 cái ở trên núi đất chỗ giáp giới bốn thôn Đại Lộc, Hoàng Kim, Vạn Bảo và Phong niên, 8) Tháp Phúc Lộc, ở trên núi đất chỗ giáp giới hai thôn Phú Thành và Châu Thành huyện Phù Cát”, xem: Viện Sử Học: Đại Nam nhất thống chí, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1971, tr.36;  tham khảo thêm công trình khảo sát của Lê Đình Phụng: Di tích văn hoá Champa ở Bình Định, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã khảo sát các dấu tích vật chất của nền văn hoá Champa còn tồn tại ở vùng Vijaya xưa (nay là tỉnh Bình Định) và cho biết tại Bình Định hiện còn dấu tích của bảy cụm tháp cổ, bao gồm mười ba tháp cổ, phân bố dọc theo các nhánh của sông Côn.
[9] Theo Đại Nam nhất thống chí thì đồng bằng lưu vực sông Côn “ruộng đất màu mỡ rộng rãi, xưa gọi là “Tiểu Nông trại”, nhân dân đông, phẩm vật nhiều, thuyền xe tụ tập, buôn bán đông vui, trong ngoài sông núi bao vây, đánh hay giữ hai đường đều tiện, thật là đất xung yếu ở Tả kỳ vậy”, theo Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr.11-12. Bên cạnh đó Đại Nam nhất thống chí  cũng cung cấp các thông tin khác cho thấy độ trù mật của cư dân và mức thuế đối với cư dân vùng Bình Định: về hộ khẩu thì “năm Gia Long thứ 18, số đinh hơn 38.400 người, nay 57.349 người”, về thuế ruộng “ruộng đất 107.705 mẫu, ngạch thuế là: 79.850 hộc thóc, 123.698 quan tiền, 11 lạng đồng và 2 phân vang, 4.898 lạng bạc”, theo Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr.16. Để có một cái nhìn đối sánh và thấy được sự trội vượt về mọi mặt của vùng Đồng Bằng Bình Định, chúng ta có thể xem các thông tin cũng được cung cấp trong Đại Nam nhất thống chí, chẳng hạn ở Phú Yên: “Hộ khẩu: Năm Gia Long thứ 18, số đinh có 7.651 người, nay 10.465 người”, “Thuế ruộng: ruộng đất 27.963 mẫu linh, ngạch thuế là 14.620 hộc thóc, 13.786 quan tiền” theo Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.64; ở Khánh Hòa: “Hộ khẩu: Đời Gia Long, số đinh hộ 5.000 người, nay 8.563 người”, “Tô ruộng: ruộng đất 12.593 mẫu, ngạch thuế là 6.539 hộc thóc, 16.431 quan tiền, bạc 111 lạng”, theo Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.64.
[10] Fukui Hayao: An overview – The scope of the dry Areas study, Sđd, pp.9-10.
[11] O.W.Wolters: Early Indonesian CommerceA Study of the Origins of Srivijaya. Ithaca: Cornell University Press, 1967.
[12] Trần Quốc Vượng: Việt Nam – Cái nhìn Địa – văn hóa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, H., 1998, tr.348
[13] Lĩnh Ngoại đại đáp thế kỷ XII chép rằng “đất đều là cát trắng, đất cày được rất ít. Không có dê, lợn, rau cỏ. Nhân dân đi lấy hương làm kế sinh nhai” (Q.2, Ngoại quốc môn, Quyển thượng – Chiêm Thành).
[14] Lâm Mỹ Dung: Các công trình khai thác nước dùng đá xếp ở Quảng Trị, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, 1993, tr.67-79; về kỹ thuật thủy lợi của cộng đồng người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận ngày nay, có thể tham khảo công trình mới xuất bản của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận: Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm-Raglai Ninh Thuận, Nxb. Nông nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh, 2010.
[15] Đinh Bá Hòa: Gốm cổ Champa Bình Định, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2008.
[16] Dương Văn Huy: Nhìn lại chính sách “Hải cấm” của nhà Minh (Trung Quốc), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10-2007, tr.71-78, và số 11-2007, tr.65-71.
[17] M.Brown Roxanna: The Ceramics of Southeast Asia: Their Dating and Identification. Oxford University Press.- Singapore, 1988, pp.36-39; Aoyagi Yoji: Production and Trade of Champa Ceramics in the XVth – XVIth Century, 14-17 July, H., 1998.
[18] Với vị trí là cầu nối giữa không gian đồng bằng với không gian cao nguyên, An Khê được ghi nhận như là một vị trí thương mại quan trọng, đặc biệt trong việc kết nối các tộc người Bahnar, Jorai, Choreo với các cư dân vùng xuôi, và “chỉ có An Khê là có thể sánh được với Cam Lộ (Quảng Trị)”. Xem Li Tana: Xứ Đàng Trong – Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, (bản dịch của Nguyễn Nghị), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr.176.
[19] Một ghi chép của thương nhân Arab thế kỷ XII về Champa ghi nhận trên lãnh thổ Champa “sản xuất ra gỗ lô hội và các loại nước hoa khác… các bờ biển là lãnh thổ của một ông vua được gọi là Maharadja, người sở hữu nhiều hòn đảo với cư dân đông đúc, phì nhiêu và bao gồm nhiều đồng cánh đồng [lúa] và đồng cỏ, và [trên các đảo này] sản sinh ra ngà voi, long não, nhục đậu khấu, đinh hương, gỗ lô hội, bạch đậu khấu, cây tiêu thuốc (cubeb) và các sản vật khác, đó là các mặt hàng được tìm thấy ở đó và có nguồn gốc bản địa ở đó”. Xem Edrisi: Livre de la recreation de l’homme desireux de connaitre les pays,được viết vào năm 1154, dẫn theo Champa and the archaeology of My Son (Vietnam), ed. Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese, NUS Press, Singapore, 2009, pp.113. 
[20] Đại Nam nhất thống chí chép về vùng thượng nguyên của tỉnh Bình Định cho biết: “Nguồn Phương Kiệu: ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía tây, thủ sở ở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch, lại có các đồn Trà Đình, Xuân Viên, Tam Giang, Hương Thủy, Trúc Lâm, Vụ bản, Đài Tiền, 7 sở. Xét: Thôn An Khê nguyên trước là trại của Tây Sơn, đất đai bằng phẳng và màu mỡ, ở phía trên sông Ba mấy dặm đã thuộc sách Man”, tham khảo: Viện Sử Học: Đại Nam nhất thống chí, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1971, tr.38.
[21] Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phần chép về phủ Hoài Nhân cho biết: “Của cải trong một phủ, có phần đầy đủ, cùng với phủ Tư Nghĩa, phủ Thăng Hoa, đều gọi là hạt giàu có. Sản vật có nhiều, như: Trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng, bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, cá, muối và các thứ gỗ đều rất tốt; thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể. Ngựa sinh ra ở trong hang núi, có từng đàn đến trăm nghìn con”, tham khảo Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I (bản dịch của Viện Sử học), Nxb. Giáo Dục, H., 2005.
[22] GS. Momoki Shiro dựa vào thư tịch cổ đã cung cấp một danh mục hàng hoá Champa đã xuất khẩu sang Trung Hoa, gồm có “Vàng, bạc, thiếc, sắt, ngọc “baomu”, ngọc trai “Chengshuichu”, ngọc trai lửa, hổ phách, pha lê, ốc tiền?, các loại đá “pusashi”, sừng tê, ngà voi, mai rùa, trầm hương, gỗ đàn hương, long não, xạ hương, trầm, hồng thuỷ, dầu lửa, bông, vải “Zhaoxia”, vải có vẽ màu, vải bông trắng, chiếu lá cọ, “mingjjao”? “wujjao”? sáp ong vàng, lưu huỳnh, gỗ vang, gỗ mun, tre “guanyin”, gạo, tổ yến, hạt tiêu, cau, dừa, mít, cây “haiwuzi”, cây anit, ớt lựu, nhục đậu khấu, tê giác, sư tử, voi, vượn, khỉ trắng, voi trắng, chim “chiji”, vẹt, chim “shanji”, chim “guifei”, rùa”, dẫn theo: Momoki Shiro: Champa, chỉ là một thể chế biển?Sđdtr.45. Về các nguồn hàng và thương phẩm chính được sử dụng trong thời đại Đàng Trong, có thể tham khảo công trình nghiên cứu: Nguyễn Văn Kim: Các nguồn hàng và thương phẩm của Đàng Trong. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4 (420), 2011, tr.3-17.
[23] Andrew Hardy: Champa and archaeology of Myson, Sđd, p.118. Borri trong một ghi chép vào thế kỷ XVII đã ghi nhận về việc các nguồn trầm hương có giá trị cao đã được mang đến từ các vùng núi của Kemois (kẻ mọi/người vùng cao), bên cạnh đó Aymonier đã miêu tả cách thức mà người Roglai đã trao đổi buôn bán trầm hương với người Chăm vào thế kỷ XIX. Xem Gerald Hickey: Sons of the Mountains – Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954, Yale University Press, New Haven and London, 1982, pp.117. Tham khảo thêm: Ngô Văn Doanh: Cây trầm hương trong đời sống thương mại và văn hóa của người dân Champa xưa và người Việt tỉnh Khánh Hòa ngày nay; trong: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế Giới, 2007, H., tr.78-88.
[24] R.C.Majumdar: Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, IInd-XVIth century A.D. Book III. The Inscriptions of Champa.P. Gyan Publishing House, New Delhi, 1927, pp.194.
[25] Li Tana: Xứ Đàng Trong – Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Sđd, tr.177.
[26] Henry Maitre: Rừng người Thượng, Lư Đình Tuân dịch, Nxb Tri Thức – Viện Viễn Đông Bác Cổ, H., 2008.
[27] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời – Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa,  Huế, 2006, tr.375.
[28] Zomia, một thuật ngữ chỉ các cư dân vùng cao phổ biển trong các ngôn ngữ Tạng Miến được sử dụng ở vùng biên giới giữa Ấn Độ – Bangladesh-Miến Điện. Trong đó, Zo với nghĩa là “xa xôi” (remote), hàm ý là sống ở các vùng đồi núi; Mi nghĩa là “người” (people). Ở Đông Nam Á, Mi-zo hay Zo-mi hàm chỉ cư dân ở vùng đồi núi xa xôi hẻo lánh. Zomia được hiểu như là “không gian không-nhà nước rộng lớn nhất hiện tồn (nonstate space)”. Khu vực núi rừng rộng lớn này nằm trên các đường biên của Đông Nam Á lục địa, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh trải rộng trên diện tích khoảng 2.5 triệu km2 – một khu vực rộng lớn tương đương diện tích của Châu Âu. Các cộng đồng cư dân của Zomia có những mối liên hệ đặc biệt và cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các chính thể đồng bằng, và trong suốt chiều dài lịch sử “các nhà nước vùng đồng bằng (cả mandala [cổ xưa] và hiện đại) luôn luôn tồn tại cộng sinh với cộng đồng cư dân miền ngược”, tham khảo công trình nghiên cứu của James Scott: The art of not being governed: an anarchist history of upland Southeast Asia (Yale Agrarian Studies Series), Yale University Press, 2009.
[29] Các di tích đền tháp Champa trên cao nguyên có thể kể đến di tích Kon Klor, Tháp Yang Mum, tháp Yang Prong và một số các di tích khác nằm rải rác ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Chi tiết về các di tích này có thể tham khảo công trình nghiên cứu: Gerald Hickey: Sons of the Mountains, Sđd, pp.91-107.
[30] Chẳng hạn như huyền thoại của người Mạ còn ghi nhận rằng họ đã từng phải cống nạp cho Champa các sản phẩm như là mai rùa, ngà voi, vải vóc; chính họ cũng là những cư dân đã nắm trong tay việc buôn bán trao đổi muối với người đồng bằng, một món hàng vô cùng quý giá đối với các cư dân miền Thượng. Ở chiều ngược lại, người Chăm trở thành những người bảo trợ cho họ; tham khảo: Gerald Hickey: Sons of the Mountains, sđd, pp.110. Những người Chru hay Bahna cũng được xem như là những chư hầu phải triều cống hàng năm đến triều đình Champa các sản phẩm như là thỏ, dê, ngựa… Những cư dân này cũng phải hành hương đến các đền tháp Chăm như Po Nagar hàng năm để thể hiện lòng tôn kính đối với triều đình Champa, xem: Gerald Hickey: Sons of the Mountains, Sđd, pp.112-113.
[31] Kinh thế đại điển tự lục. Dẫn theo Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân đội Nhân dân, H., 2003, tr.145.
[32] Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1993, tr.87.
[33] Dẫn theo Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, sđd, tr.169. Theo các tác giả của sách này thì Thiết Tỉ Nại tức Thi Lị Bì Nại trong Việt sử lược và là Thị Nại, tức cửa Quy Nhơn. Bản dịch tiếng Anh của sách Doanh Nhai Thắng Lãm có thể xem: Hsing-ch’a Sheng-lan – The overall Survey of the Star Raft by Fei Hsin, chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi J.V.G.Mills, Harrassowitz Verlag – Wiesbaden, 1996. Phần viết về Chiêm Thành từ trang 33 đến trang 39.
[34] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.39-40.
[35] Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.40.
[36] Đại Nam Nhất thống chí, Sđd, tr.46.
[37] Đại Nam Nhất thống chí, Sđd, tr.30.
[38] Đại Nam Nhất thống chí, Sđd, tr.30.
[39] Đại Nam Nhất thống chí, Sđd, tr.32-33.
[40] Đại Nam Nhất thống chí, Sđd, tr.35.
[41] Đại Nam Nhất thống chí, Sđd, tr.35.
[42] Theo khảo sát của chuyên gia nghiên cứu phố cảng Đàng Trong là Đỗ Bang thì Thi Nại được xem như “là đô thị cổ đại duy nhất và lớn nhất của Champa tồn tại trong suốt năm thế kỷ (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV)”, Đỗ Bang:Dấu tích của Thành Thi Nại của Champa (Nghĩa Bình), trong: Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1986, tr.383. Nhà khảo cổ học Đinh Bá Hòa thì nhận định rằng “tên gọi Thị Nại hình thành từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, hiện nay có 31 tên gọi khác nhau… niên đại của thành Thi Nại (hay cảng Thi Nại) được xây cất sớm nhất là vào năm 803, niên đại muộn nhất là năm 1000, khi người Chàm dời vào đóng đô ở Đồ Bàn thì đã có thành này rồi. Thành Thi Nại vừa là cảng buôn bán, khi kinh đô dời vào thì thành này là thành bảo vệ tiền tiêu cho kinh đô…Hiện tại ước tính chu vi của vòng thành khoảng 1km2 bởi nhân dân trong hai xã Phước Quang và Phước Hòa trong khi sản xuất đào chỗ nào cũng có rất nhiều gạch. Có lẽ thành này bị phá vào năm 1471, khi Lê Thánh Tông vào Champa”. Xem Đinh Bá Hòa: Về vị trí của thành Thị Nại, trong: Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1986, tr.386. Nhà khảo cổ học Lê Đình Phụng cũng nhấn mạnh tới vai trò kép về kinh tế và quân sự của thành Thi Nại. Xem Lê Đình Phụng: Vài ý kiến về thành cổ Chămpa ở Bình Định, trong: Văn hoá Bình Định, chuyên san Văn hoá Chàm trên đất Bình Định, 1993, tr.9. Một số nghiên cứu khác về Thành/cảng Thi Nại có thể tham khảo các công trình nghiên cứu: Đinh Văn Hạnh: Về các cảng khẩu bên đầm Thi Nại, Luận văn cử nhân, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Huế, 1986; và Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng, Nxb. Thuận Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1996. Đặc biệt công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân thông qua các khảo sát thực địa vùng Gò Bồi, Nước Mặn, cửa Cách Thử… cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh về thương cảng Thi Nại – Nước Mặn thuở phồn vinh. Xem Nguyễn Xuân Nhân:Tìm hiểu thương cảng Nước Mặn thuở phồn vinh, Bình Định, 2002. Nhân đây, xin chân thành cảm ơn tác giả đã cung cấp cho cá nhân tôi tài liệu nghiên cứu, khảo sát quan trọng này.
[43] Tham khảo tài liệu David Bulbeck và Li Tana (dịch): Maps of Southern Vietnam, c.1690 – Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ [Maps of the Pacified South in the Year of Giáp Ngọ]; trong: Li Tana và Anthony Reid: Southern Vietnam under the Nguyen – Documents on the Economic History of Cochinchina (Đàng Trong), 1602-1777, Institute of Southeast Asian Studies (ISEAS), Singapore, 1993, pp.38-54.
[44] Trên thực tế, đã có một số cuộc thám sát khảo cổ học quy mô nhỏ, cũng như các cuộc điều tra khảo sát thực địa được tiến hành tại khu vực vịnh Thi Nại, tham khảo tài liệu: Đinh Bá Hòa: Đào thám sát thương cảng Nước Mặn, tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.
[45] Nguyễn Văn Kim: Hệ thống thương cảng Vân Đồn qua tư liệu lịch sử, điền dã và khảo cổ học, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 2006, tr.46-65.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét