Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Georges Maspero và sách “Le Royaume De Champa”

Georges Maspero và sách "Le Royaume de Champa"

Công trình nghiên cứu Le royaume de Champa của G.Maspero được giới nghiên cứu Champa trên khắp thế giới coi như một trong những công trình tiên phong và kinh điển, một standard interpretation trong nghiên cứu lịch sử của vương quốc Champa từ khởi nguồn cho đến năm 1471.[1] Sở dĩ công trình của Maspero nổi tiếng như vậy, bởi đây là một trong những công trình đầu tiên đã phác dựng lên một lịch sử hoàn chỉnh và nối tiếp liên tục của một vương quốc đã từng tồn tại ở miền trung Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên cho đến năm 1471. Maspero đã dựa chính vào hai nguồn sử liệu quan trọng nhất thời bấy giờ là Bia ký bằng chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ được chuyển ngữ bởi các chuyên gia lớn về cổ ngữ thời bấy giờ; nguồn tư liệu thứ hai là các thư tịch cổ của Trung Hoa và Việt Nam đề cập tới vùng đất và cư dân mà ngày nay thuộc miền Trung Việt Nam. Đó là những nguồn tư liệu quý giá để hiểu về lịch sử của một vương quốc xưa, tuy nhiên cách thức tác giả sử dụng các nguồn tư liệu ấy và cách diễn giải/interpretation/discourse của tác giả về các nguồn tư liệu ấy như thế nào lại là một chuyện khác.

Champa mà Maspero đã cho đăng tải liên tục trên tạp chí T’oung Pao trong những năm 1910 tới 1913. Sau khi được xuất bản, cuốn sách trở thành một công trình tham khảo đặc biệt quan trọng đối với bất cứ ai nghiên cứu về lịch sử văn hóa Champa nói chung và lịch sử Đông Nam Á cổ xưa nói riêng. Chính vì thế mà các công trình vĩ đại sau này của Majumdar,[2] G.Coedes[3] và D.G.Hall[4] về cơ bản đều sử dụng lại và dựa chính vào công trình tiên phong này của Maspero khi trình bày về lịch sử của vương quốc Champa. Những cách kiến giải của Maspero về lịch sử Champa từ khởi nguồn cho đến thế kỷ thứ 15, dù sau đó đã nhận được những tranh biện từ P.Stein hay Arroussause, nhưng vẫn được coi là standard interpretation về lịch sử Champa. Một cách kiến giải mới về lịch sử Champa chỉ mới được tranh luận và bắt đầu lại từ những năm 1970 khởi nguồn từ nhóm các nhà nghiên cứu Champa của EFEO, và sau đó là các nhà nghiên cứu quốc tế khác quan tâm về Champa và Đông Nam Á. Thế hệ các nhà nghiên cứu này bắt đầu đặt câu hỏi và nghi vấn về các cách tiếp cận tư liệu cũng như là cách interpret/kiến giải-luận giải của Maspero về lịch sử Champa
Ở Việt Nam, công trình của Maspero đương nhiên đã trở thành một trong những nguồn tài liệu tham khảo quý giá và quan trọng đối với các thế hệ nghiên cứu về Champa học. Đó thực sự là một công trình vĩ đại nếu đặt trong bối cảnh của 1 thế kỷ trước đây. Khi ở Việt Nam, tôi chưa từng có cơ hội được tiếp cận tới nguyên bản sách của Maspero về vương quốc Champa bằng tiếng Pháp, nguyên do có thể là do tôi lười, tôi chưa đọc được tiếng Pháp và cũng có thể là do ở Việt Nam sách này không có ở những nơi tôi đã tìm. Tuy nhiên tôi đã được tiếp cận với hai bản dịch tiếng Việt của sách này. Bản thứ nhất tôi đã photo được từ Bảo tàng gốm Gò Sành ở Quy Nhơn, anh Hảo đã hào phóng cho tôi mượn đi photo. Bản dịch này theo tôi nhớ là của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Bản dịch này khác đầy đặn, chi tiết và có lẽ bám sát theo sách gốc (vì có cả phần chú thích chữ Hán). Bản thứ hai là tư liệu dịch của cụ Lê Tư Lành, lưu tại khoa Sử, trường Tổng Hợp Hà Nội. Tuy nhiên bản này không dịch toàn bộ nguyên bản gốc mà là lược dịch tác phẩm. Các bản dịch khác hiện có ở đâu đó ở Việt Nam thì tôi chưa được tiếp cận nên không biết. Chỉ đến khi sang Singapore tôi mới có cơ hội được đọc cuốn sách của Maspero bằng nguyên bản tiếng Pháp. Một bản tiếng Anh của cuốn sách cũng đã được xuất bản, tuy nhiên có khá nhiều sai sót do dịch giả không rành về tiếng Việt cũng như không có phần chú thích chữ Hán, kể cả một số trích dẫn sai.[5] Chính bởi thế, ai quan tâm tới sách của Maspero thì tốt nhất là nên sử dụng bản gốc bằng chữ Pháp, có thể đối chiếu với các bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt.
Nguyên bản tiếng Pháp sách của Maspero thực sự là một công trình đáng quý. Cũng giống như các công trình khác viết về Champa và Việt Nam thời đó, tác giả là người uyên thâm về cổ ngữ, đặc biệt là chữ Hán, nên các chú thích rất đầy đặn và khoa học. Bên cạnh những kiến giải khoa học của cuốn sách thì nếu ai nghiên cứu về Champa mà muốn tăng cường khả năng tiếng Pháp và chữ Hán thì đây quả thực là một công trình cần phải tham khảo. Dưới đây sẽ đề cập một chút về nội dung của cuốn sách và các cách kiến giải của Maspero về lịch sử Champa mà không có lời bình luận nào (sẽ đề cập trong những bài viết sau).
Bruce Lockhart trong công trình nghiên cứu gần đây của mình đã chỉ ra ba vấn đề cơ bản được nêu lên bởi Maspero trong công trình nổi tiếng của mình.[6]Theo quan điểm của G.Maspero thì tộc người Chăm là tộc người thống trị trong vương quốc Champa và các tộc người khác được coi là những “người mọi (savage) ở những vùng rừng núi”.[7] Champa từ khởi nguồn của mình đã là một “vương triều Ấn Giáo” (Hinduized dynasty), chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Ấn Độ trong bối cảnh chung của thế giới Ấn Độ hóa ở vùng Đông Nam Á.[8] Cũng theo G.Maspero thì vương quốc Champa từ khi lập quốc dưới triều đại Sri Mara từ thế kỷ thứ 2 cho đến sự kiện năm 1471 là một vương quốc thống nhất (single/unity kingdom). Sự kiện 1471 được coi như là sự kết thúc của một nhà nước Ấn giáo ở miền Trung Việt Nam, và “người Chăm không còn hiện diện trong trí nhớ của nhân loại”.[9]
Trong sách của mình, Maspero cho rằng mối quan hệ giữa hai tộc Cau và Dừa có vai trò quan trọng trong lịch sử vương quốc Champa. Theo đó thì tộc Cau/Areca Palm nắm quyền ở Panduranga và tộc Dừa/Coconut nắm quyền ở phía Bắc. Hai tộc này thường xuyên xảy ra các cuộc chiến đẫm máu, tuy nhiên thường kết thúc bằng sự liên minh. (E.15 = Bản tiếng Anh, trang 15)
Nhà Vua Champa, trong quan điểm của Maspero, là người có quyền lực tối cao, có uy quyền đối với sự sống và cái chết, quyền lực với việc bổ nhiệm các vị trí, và toàn bộ hệ thống hành chính của toàn thể vương quốc đều nằm trong tay của vị Vua này (E.16)
Theo Maspero, dưới quyền của một vị Vua tối cao của một nhà nước Champa thống nhất là hệ thống các quan lại cấp tỉnh ở các vùng lãnh thổ của vương quốc, mà theo ông là có 3 hoặc 4 vùng chính là: Amaravati ở phía Bắc, gồm cả Indrapủa và Sinhapura; Vijaya ở Trung tâm, là thủ đô trong thời kỳ 1000 đến 1471; Panduranga hay Panran ở phía Nam. Virapura, hay còn gọi là Rajapura đôi khi trở thành thủ đô của vương quốc. Đó là vùng lớn nhất trong ba vùng, và nó bao gồm cả Kauthara. Các vùng lãnh thổ này lại được chia nhỏ thành các tỉnh, chẳng hạn gồm 38 tỉnh dưới thời Haruvarman II. Dưới nữa là các trung tâm, các đô thị, và các làng xã. (E.17).
Maspero cho rằng, Lâm Ấp chính là Champa, và vương quốc này đã được hình thành vào năm 192 SCN với vị Vua đầu tiên là Sri Mara trong bia ký, hay Khu Liên trong thư tịch Trung Hoa (E.25-26). Theo đó, Sri Mara trong bia ký và Khu Liên trong sử Trung Hoa được đồng nhất là một người, và là người đã tập hợp các thủ lĩnh và tuyên bố trở thành Vua của các thủ lĩnh Cham và ông cai trị lãnh thổ rộng lớn đến các biên giới phía Nam của vương quốc Kauthara, nơi tìm được bia Võ Cạnh. (E.26)
Các vị Vua sau đó và các triều đại sau đó của Champa được Maspero miêu tả như là những vị vua kế tiếp nhau, và lịch sử Champa là lịch sử liên tục của một nhà nước Champa thống nhất ở miền Trung Việt Nam. Việc thay đổi các triều đại hay các trung tâm được coi là những sự rời đô và thay đổi dòng họ nắm quyền của một vương quốc thống nhất.
Hwang-wang (Hoàn Vương) và bá quyền của Panduranga, hay Triều đại thứ 5/La Ve dynastie (758-859).
Theo Maspero thì một tài liệu của Trung Hoa cho biết rằng từ năm 758, tên gọi Lâm Ấp không còn được sử dụng, mà thay vào đó là tên gọi Hwan-wang. Một trong những vị Vua nổi tiếng của Champa trong thời kỳ này theo bia ký là Prithivindravarman, Maspero mô tả là thành viên của gia đình hoàng gia ở Panduranga, “tộc Cau” và ông tiếp tục ngự tại phía nam. Tuy nhiên, theo Maspero, vị Vua này cai trị toàn bộ vương quốc Champa và quyền lực của ông trải dài từ Hoành Sơn cho đến biên giới của đế chế Khmer ([Il ‘jouit’ cependant ‘de la terre entière de Campa’ et son autorité s’étendit du mont Hoành Sơn à la frontière de l’empire khmèr, p.97]).
Chiêm Thành/ Le Tch’eng-cheng, triều đại thứ 6/la Vie dynastie (875-991)
Đến triều đại này, Maspero cho rằng thủ đô của Champa không còn ở Panduranga nữa mà là ở Indrapura, và Đồng Dương là một trong những trung tâm phật giáo lớn vào giai đoạn này. Maspero ghi nhận về những mối liên hệ của Champa với các vương quốc khác trong khu vực, chẳng hạn như sứ thần đến Java, cuộc chiến với Đại Việt, và những phái đoàn ngoại giao đến Trung Hoa khá thường xuyên từ giai đoạn này. Và bắt đầu từ giai đoạn này, các sử liệu Trung Hoa và Việt Nam đề cập tới Champa khá nhiều, từ đó Maspero sử dụng chủ yếu (thậm chí trong nhiều thời kỳ là toàn bộ) các nguồn tài liệu này để phục dựng lịch sử Champa cho đến tận cuối thế kỷ 15 và bỏ qua các thông tin đề cập trong bia ký.
Triều đại thứ 7,
Theo Maspero thì triều đại Vijaya thứ nhất bắt đầu từ năm 989 đến năm 1044, Lưu Ký Tông trong sử Việt được Maspero đồng nhất với Ku Shri Harivarman II trong bia ký, lên làm vua ở Vijaya. Đến năm 999 thì Yan Pu-ku Vijaya lên kế vị, tuyên bố mình là vua ở Vijaya nhưng triều đình lại đặt ở Indrapura, nơi mà tất cả các triều vua đều tuyên bố mình là hậu duệ của Tộc Dừa. Năm 1000 được Maspero coi là năm mà Champa chính thức rời đô về Vijaya dưới áp lực của Đại Việt từ phía Bắc
Một phái đoàn Champa đã được cử đến triều đình Trung Hoa và cho biết về sự chuyển dời kinh đô của mình, và Maspero đã dựa trên thông tin này để khẳng định về việc Champa dời đô từ Indrapura về Vijaya. Hầu như tất cả các ghi chép về sử Champa sau này đều theo luận giải này của Maspero và ít người đặt câu hỏi về độ xác thực của nó (sẽ bàn ở các bài sau).
.
Những chương tiếp theo Maspero dựng lại một thời kỳ dài nhiều thế kỷ giao tranh giữa Champa với thủ đô ở Vijaya với Đại Việt ở Phía Bắc và Khmer ở phía Nam, cũng như là cuộc chiến chống Mông Nguyên vào thế kỷ XIII
Dưới đây là đoạn viết của Maspero về việc vua Champa dâng hai châu Ô và Lý của Champa cho vua nhà Trần
Giai đoạn cuối của triều đại thứ XI, hay là thời kỳ của Chế Bồng Nga được Maspero coi là thời kỳ huy hoàng đỉnh cao của vương quốc Champa (cuối thế kỷ XIV)
Thời kỳ từ sau giai đoạn của Chế Bồng Nga đến năm 1471 được Maspero coi là thời kỳ suy tàn và kết thúc của lịch sử vương quốc Champa, và lịch sử Champa dừng lại ở Triều đại thứ 14 (1458-1471)
Một số trang viết của Maspero về cuộc tấn công của vua Lê Thánh Tông, trong đó có đề cập tới vùng đất Phú Yên mà anh Bảo Đàn có đề cập:
Sự kiện 1471 Maspero cũng coi đó như là dấu chấm hết của lịch sử vương quốc Champa, và sau thời điểm đó thì Champa đã không còn hiện diện trong trí nhớ của nhân loại
Trên đây là những giới thiệu chung khái quát về diễn giải của Maspero về lịch sử vương quốc Champa từ năm 192 đến 1471. Đây thực sự là một công trình giá trị và đáng quý soi sáng lịch sử cổ xưa của một vương quốc đã từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Những diễn giải của Maspero dựa trên các tư liệu bia ký và thư tịch Trung-Việt sau khi ra đời đã thành nền tảng và cái sườn cho các sách và bài viết về lịch sử Champa của các thế hệ nghiên cứu Champa và Đông Nam Á sau này mà rất ít người đặt ra các câu hỏi về độ xác thực của các tư liệu, độ xác thực của các diễn giải của Maspero từ các tư liệu. Những bài viết về các tranh luận của các học giả đối với những diễn giải của Maspero sẽ được giới thiệu trong những bài viết sau
Đỗ Trường Giang
18/4/2012

[1] Maspero, Georges. Le royaume de Champa, rev.ed. Paris and Brussels: Van Oest, 1928.
[2] Majumdar, R.C. Ancient Indian Colonies in the Far East, Vol.1 – Champa (1927); and Vol.2 - Suvarnadvipa (1937)
[3] Coedes, George (1944). Histoire ancienne des etats hindouises d’Extreme-Orient. Translated into English as The Indianized states of Southeast Asia Ed. Walter F.Vella, translated by Susan Brown Cowing. Hawaii: East-West Center Press, 1968
[4] Hall, D.G.E. A history of South-east Asia. London: Macmillan Limited, 1955
[5] Tham khảo bản dịch tiếng Anh của công trình này: The Champa kingdom – The history of an extinct Vietnamese culture, được chuyển ngữ bởi Walter E.J. Tips. Bangkok: White Lotus Press, 2002
[6] Bruce M.Lockhart trong “Colonial and post-colonial constructions of ‘Champa’”, in trong The Cham of Vietnam – History, Society and Art. NUS Press, Singapore, 2001, tr.1-53.
[7] Maspero, The Champa kingdom, sđd, tr.2.
[8] Maspero, The Champa kingdom, sđd, tr.3.
[9] Maspero, The Champa kingdom, sđd, tr.118. Quan điểm này cũng được một số các học giả khác ủng hộ, chẳng hạn như Majumdar trong: Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, tr.148-149.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét