Đỗ Trường Giang - Đại học quốc tế Singapore
Phần 1:
Kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á (900-1300 CE)
Giới nghiên cứu đã khá quen thuộc với luận điểm về một “thời đại thương mại” được đề xuất bởi giáo sư nổi tiếng Anthony Reid để nói về lịch sử khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ từ 1400 đến 1680.[2] Theo A.Reid, khoảng năm 1400 sự phát triển kinh tế ở Đông Nam Á đã được thúc đẩy bởi nhu cầu về gia vị, hồ tiêu và các sản phẩm khác từ vùng quần đảo. Ông cho rằng, trong suốt thời kỳ này, các cá nhân và các nhà nước ở Đông Nam Á “đã có thể hưởng lợi lớn từ thương mại quốc tế thông qua việc thích ứng trước những nhu cầu đang thay đổi”.[3] Thời gian gần đây, Geoff Wade đã sử dụng thuật ngữ kỷ nguyên thương mại sớm (an early age of commerce) để diễn tả một bối cảnh chung mang tính phổ quát của lịch sử khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ từ năm 900 đến 1300. Geoff Wade cho rằng, trong suốt thời kỳ này, những sự thay đổi lớn lao về triều đại cũng như các chính sách khuyến khích ngoại thương ở Trung Hoa, Nam Á và vùng Trung Đông (Tây Á) cũng như những phát triển nội tại của khu vực Đông Nam Á đã dẫn tới một môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động thương mại biển, và hệ quả là đã dẫn tới sự xuất hiện của các cảng thị ven biển mới và một số thay đổi về chính trị và xã hội ở các nước Đông Nam Á.[4] Trước đó, J.W.Christie cũng chia sẻ nhiều ý kiến tương đồng với G.Wade và đã định danh thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII như là thời đại bùng nổ thương mại Á Châu (Boom of Asian maritime trade”. [5]
Theo G.Wade thì có ba nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng nổ của các hoạt động hải thương trên vùng biển của Đông Nam Á trong giai đoạn này, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh tới những biến chuyển lớn ở các trung tâm kinh tế lớn của khu vực châu Á, bao gồm: (1) các chính sách khuyến thương (commercial-supported policies) và các tác động của chúng ở Trung Quốc, (2) sự phát triển của mạng lưới thương nhân Arab trên khắp các vùng biển của châu Á, và (3) sự mở rộng của cộng đồng thương nhân Tamil ở Đông Nam Á và Nam Trung Hoa.
1). Sự thống nhất của Trung Hoa dưới triều đại Tống (960 A.D.) và các chính sách được thực thi sau đó của các vương triều Tống đã có những tác động sâu sắc tới hệ thống hải thương Á Châu. Triều đại Tống được thừa nhận rộng rãi như một trong những vương triều thành công nhất của Trung Hoa trong việc thúc đẩy cũng như kiểm soát các hoạt động hải thương. Geoff Wade cho rằng sự tồn tại của các triều đại bắc và nam Tống từ năm 960 đến 1279 đã “tạo nên một thời kỳ phát triển thương mại và công nghiệp mạnh mẽ ở Trung Hoa, lớn đến mức những thay đổi diễn ra trong giai đoạn này đã được xem như cuộc cách mạng kinh tế thời trung đại (medieval economic revolution)”. [6] Một số chính sách đã được ban hành nhằm kiểm soát và thúc đẩy sự phát triển của các cảng thị miền Nam Trung Hoa, đặc biệt là cảng ở vùng Quảng Châu. Các vua nhà Tống cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích các thương nhân ngoại quốc đến và thực hiện công việc trao đổi buôn bán ở các cảng thị Nam Trung Hoa. Một ví dụ điển hình là năm 987, triều đình Trung Hoa đã gửi bốn phái bộ ngoại giao với quốc thư của hoàng đế để khuyến khích “các thương nhân ngoại quốc vùng Nam Dương…đến và buôn bán tại các cảng thị nam Trung Hoa”. [7]
Triều đình nhà Tống cũng đã khuyến khích các nước láng giềng phương nam gửi các phái bộ ngoại giao và triều cống tới Trung Hoa. Thông qua việc đó, triều đình Trung Hoa nhận được những nguồn thu lớn qua các hàng hóa cống phẩm được gửi tới, cũng như là khẳng định vị thế của Trung Hoa đối với các nước láng giềng (mà Trung Hoa luôn xem như là những phiên quốc hay các chư hầu nằm dưới sự bảo trợ của triều đình). Đồng thời, hệ thống triều cống cũng mang lại những lợi ích thiết thực và quan trọng cho các phái bộ triều cống của các nước cả về mặt chính trị và kinh tế. Trong một công trình được công bố gần đây, nhà nghiên cứu Mukai Masaki cho rằng, đã có một sự bùng nổ (boom) các phái bộ triều cống đến từ các chính thể của vùng biển Nam Dương tới Trung Hoa trong suốt thời kỳ nhà Tống. [8] Theo đó thì, sự bùng nổ của các phái bộ triều cống này đã phản ánh “sự tái thiết lập của toàn thể mạng lưới hải thương”.[9] Masaki cũng chỉ ra rằng một số lượng lớn các phái đoàn triều cống tới triều đình Trung Hoa đã được thực hiện bởi các thương nhân đến từ biển (sea-traders), đặc biệt là các phái bộ đến từ Dashi (các nước Arab và Ba Tư). Các nước và các thương nhân hải ngoại mong muốn dự nhập vào mạng lưới triều cống của Trung Hoa bởi vì các Hoàng đế Trung Hoa thường đáp lại với những món quà/món hàng với giá trị tương đương và thậm chí là cao hơn nhiều so với giá trị của các món hàng triều cống. Hơn nữa, dự nhập vào mạng lưới triều cống này cũng mang lại những cơ hội cho các thương nhân ngoại quốc cơ hội để thực hiện việc trao đổi buôn bán và thu thập hàng hóa nội địa của Trung Quốc với mức giá thấp và không phải nộp thuế.
Vào đầu thế kỷ thứ XIII, thương cảng Quảng Châu, cảng thị quan trọng nhất ở miền nam Trung Hoa bước vào giai đoạn khủng hoảng. Sự khủng hoảng này là kết quả của một quá trình xung đột và chuyển giao giữa triều Nam Tống và nhà Nguyên. Hệ quả là, hầu hết các thương nhân ngoại quốc đã rời khỏi các cảng ven biển nam Trung Hoa để tới các trung tâm buôn bán khác. Sauk hi kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, triều Nguyên bắt đầu mở rộng sức mạnh trên biển của mình. Kublai Khan đã thiết lập quyền lực của mình ở vùng duyên hải nam Trung Hoa, thiết lập một số lượng lớn các cơ quan kiểm soát tàu buôn và thương nhân ngoại quốc tại các cảng thị nhằm kiểm soát việc trao đổi buôn bán trên biển. Thương cảng Quảng Châu và các cảng thị khác vùng nam Trung Hoa lại bắt đầu hồi sinh và trở nên thịnh vượng dưới triều Nguyên và triều Nguyên đã được xem như là một “bước ngoặt” (turning point) của lịch sử thương mại biển châu Á.[10]
Trong một chuyên khảo về lịch sử hải thương Đông Nam Á, giáo sư Sakurai Yumio cũng nhấn mạnh tới vai trò của thị trường Trung Hoa đối với sự phát triển của thương mại biển khu vực Đông Nam Á. Ông cho rằng “Sự biến đổi quan trọng nhất thời kỳ này là sự hưng thịnh của các đô thị ở Trung và Nam Trung Quốc. Sự phát triển đó cần tới sự buôn bán trên biển. Về mặt kỹ thuật, thuyền buồm lớn xuất hiện ở các vùng phía nam Trung Quốc. Sức chở của loại thuyền này tăng lên rất nhanh chóng và hải trình của chúng cũng thay đổi từ cận hải đến viễn dưỡng. Hàng hóa chuyên chở cũng bắt đầu thay đổi từ những hàng hóa nhẹ, quý như tơ lụa sang những loại hàng nặng như đồ sứ, từ những đồ xa xỉ như dầu thơm sang những vật dụng đại chúng hơn như giấy”.[11]Chính những sự thay đổi về kỹ thuật hàng hải cũng như những thay đổi về nhu cầu của các mặt hàng trao đổi ở các thị trường lớn…đã dẫn đến sự thay đổi của các tuyến hải thương khu vực, đặc biệt là các tuyến giao thương vận hành trên các vùng biển Đông Nam Á. Chính sự thay đổi của các dòng chuyển vận giao thương như vậy đã có những tác động trực tiếp và sâu sắc tới sự hưng thịnh và suy vong của các tiểu quốc vùng Đông Nam Á.
2). Nhân tố ngoại sinh thứ hai đã có những tác động sâu sắc tới toàn bộ khu vực Đông Nam Á đó là vai trò tích cực ngày càng trở nên mạnh mẽ của các thương nhân Arab, những người nắm giữ và kiểm soát sự vận hành của các tuyến hải thương ở khu vực Nam và Đông Nam Á. Từ các trung tâm ban đầu ở Konkan và Gujarat, các cư dân Ba Tư và Arab đã dần dần mở rộng lãnh thổ của họ về phía đông và chiếm cứ các tuyến hải thương dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương vào thế kỷ thứ IX. Các thương nhân Arab sau đó đã mở rộng mạng lưới hoạt động của mình tới khu vực Đông Nam Á và nam Trung Hoa vào thế kỷ thứ X.[12] Dựa trên các nguồn tư liệu lịch sử, Geoff Wade cho rằng “đến cuối thế kỷ XII, hoạt động hải thương ở vùng biển phương nam trên thực tế đã nằm trong tay các thương nhân Hồi giáo”. [13] Đến thế kỷ XIII, các thương nhân Arab tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tuyến hải thương nối kết Trung Hoa với Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á.
3).Nhân tố thứ ba tác động tới khu vực Đông Nam Á từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là sự mở rộng hoạt động của các mạng lưới thương nhân gốc Tamil (vùng Đông Nam Ấn Độ) cùng với sự thịnh vượng của vương quốc Chola ở bờ biển đông nam Ấn Độ. Nổi lên như một vương quốc biển lớn ở bờ biển Ấn Độ vào năm 985, vương quốc Cholas sau đó đã mở rộng lãnh thổ cả trong vùng lục địa rộng lớn cũng như trên các đại dương. Các vua Cholas đã khuyến khích các hoạt động giao thương trên biển và đã dự nhập tích cực vào hệ thống hải thương từ biển Địa Trung hải và Ba Tư ở phía Tây đến vùng Đông Nam Á và nam Trung Hoa. Hermann Kulke đã nhìn nhận sự nổi lên của vương quốc biển Chola và vai trò tích cực của các thương nhân Tamil, sự xung đột/cạnh tranh giữa vương quốc Cholas và vương quốc Srivijaya vào thế kỷ thứ XI như là một “sự trỗi dậy của các cường quốc mới, sự chuyển dời của các tuyến hải thương, và, hệ quả của quá trình này, là một sự cạnh tranh để phân chia thị trường”.[14]
Như thế, ba nhân tố chính đã tác động trực tiếp và sâu sắc tới toàn thể khu vực Đông Nam Á trong kỷ nguyên thương mại sớm bao gồm sự hồi sinh của thị trường Trung Hoa dưới thời nhà Tống và Nguyên, sự mở rộng các mạng lưới của thương nhân Arab/hồi giáo và sự trỗi dậy của vương quốc biển Chola. Đây đồng thời cũng chính là các thị trường kinh tế lớn của thế giới, và hệ quả là, tuyến hải thương kết nối ba trung tâm kinh tế này đi qua vùng biển Đông Nam Á đã trở thành một trong những tuyến hải thương năng động và quan trọng nhất của thế giới đương thời. Sự thịnh vượng của mạng lưới hải thương này đã mang lại những cơ hội thuận lợi cho các chính thể của khu vực Đông Nam Á để dự nhập vào thị trường quốc tế và thu lợi từ việc trao đổi buôn bán với thế giới bên ngoài. Srivijaya, Champa – những thể chế biển điển hình của khu vực Đông Nam Á đã tận dụng môi trường thuận lợi này để tích cực dự nhập vào mạng lưới khu vực bằng việc cung cấp các nguồn hàng bản xứ, các cảng thị ven biển thuận lợi, cũng như cố gắng chiếm cứ các tuyến hải thương.
Geoff Wade cho rằng, trong bốn thế kỷ từ 900 đến 1300 CE đã diễn ra “một số những thay đổi về thương mại và tài chính ở Trung Hoa, Nam Á, vùng Trung Đông (Tây Á) và nội vùng Đông Nam Á, đã thúc đẩy mạnh mẽ nền hải thương, dẫn tới sự hình thành của các thương cảng và các trung tâm đô thị mới, sự chuyển dịch của các kinh đô hành chính về phía các bờ biển, sự gia tăng dân số, gia tăng các mối liên hệ trên biển giữa các cộng đồng cư dân, sự bành trướng/mở rộng của Phật giáo Theravada và Islam, gia tăng việc đúc tiền/lưu hành tiền tệ, các ngành sản xuất mới, hình thức tiêu thụ mới và các tổ chức phụ trách các hoạt động trên biển mới”. Từ đó Geoff Wade đề xuất rằng “thời kỳ từ năm 900 đến năm 1300 có thể được xem như là kỷ nguyên thương mại sớm trong lịch sử khu vực Đông Nam Á”.[15] Biểu hiện chính của một kỷ nguyên thương mại sớm đó là sự đột khởi các hoạt động giao thương trên biển diễn ra tại các trung tâm kinh tế lớn, cũng như các tuyến hải thương. Bên cạnh sự gia tăng thương mại, “chúng ta còn thấy sự nổi lên của các thương cảng và/hoặc các chính thể trọng thương mới (new trade-based polities) như là các cảng thị trên đảo Sumatra, các cảng thị mới trên bán đảo [Malay], cảng Thi Nại (Quy Nhơn ngày nay) ở tiểu quốc Vijaya (Champa), thương cảng Vân Đồn của người Việt và các cảng của Java, tất cả đều diễn ra từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII”.[16] Một bằng chứng nữa cho thấy sự đa dạng của các loại hàng hóa trao đổi giữa các cảng thị ngày càng trở nên rõ ràng đó là việc khai quật các tàu đắm trên các vùng biển Đông Nam Á. Có năm tàu đắm cung cấp cho chúng ta những thông tin về giao thương Đông Nam Á nằm trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII và theo G.Wade thì “tất cả đều được liên hệ với các cảng ở Đông Nam Á, và chuyên chở hàng hóa từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Trung Đông và Nam Á: Tàu đắm Batu Hitam gần đảo Belitung của Indonesia (thế kỷ IX), tàu đắm Cirebon (thế kỷ X), tàu đắm Intan (thế kỷ X), tàu đắm Pulau Buaya (thế kỷ XII/XIII) và tàu đắm trên biển Java (thế kỷ XIII)”.[17]
Geoff Wade cho rằng, sự diễn ra đồng thời của những thay đổi bên ngoài khu vực và những thay đổi nội tại của khu vực Đông Nam Á đã “mang đến một môi trường thuận lợi cho sự bùng nổ của hải thương, và sự bùng nổ của hải thương đã dẫn đến những biến chuyển về chính trị, xã hội và kinh tế trên toàn khu vực”.[18] Những chuyển biến mang tính phổ quát (generic changes) mà sự bùng nổ thương mại đã mang đến cho các chính thể, các nền kinh tế và các xã hội Đông Nam Á trong thời kỳ từ thế kỷ X đến XIII bao gồm: Sự chuyển dời của các trung tâm hành chính gần hơn về phía bờ biển nhằm thu lợi và kiểm soát hải thương mại biển; Sự nổi lên của các cảng thị mới như là những entrepot cho sự bùng nổ về hải thương; Sự gia tăng dân số; Sự gia tăng các mối liên hệ trên biển giữa các cộng đồng cư dân; sự thâm nhập của các tôn giáo mới; sự gia tăng hoạt động đúc/lưu thông tiền tệ; sự phát triển của các trung tâm sản xuất gốm; sự phát triển của ngành sản xuất dệt; các cuộc chiến tranh có liên quan tới thương mại biển; các phương thức tiêu thụ mới; và cuối cùng là sự nổi lên của các tổ chức phụ trách các hoạt động trên biển mới…[19]
Trước đó, trong công trình nổi tiếng Strangle Parallels của mình, giáo sư Victor Lieberman đã nhấn mạnh rằng, trước năm 1350 thì thương mại biển tương đối không quan trọng đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á lục địa. Chẳng hạn, trong trường hợp của Đại Việt, V.Lieberman cho rằng, ở châu thổ sông Hồng trong thời kỳ này, hải thương chỉ như là một tác động ngoại vi đối với vấn đề dân số hay sản xuất ở nông thôn.[20] Dựa trên những cứ liệu lịch sử về sự phát triển của hải thương khu vực trong kỷ nguyên thương mại sớm, Geoff Wade cho rằng, quan điểm của V.Lieberman “cần được xem xét lại nhằm nhận thức lại tầm quan trọng cũng như sự hưng khởi của hải thương trong suốt thời kỳ này, và những thay đổi về mặt xã hội có thể được liên hệ với vấn đề thương mại”.[21] Trong bài viết này, chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu trường hợp mandala Champa trong kỷ nguyên thương mại sớm, khảo sát những phát triển nội tại của mandala Champa, cũng như các mối liên hệ khu vực khác của vương quốc này nhằm tìm hiểu những tác động của sự phát triển hải thương khu vực đối với những diễn biến của lịch sử mandala Champa trong thời kỳ này.
[1] Những ý tưởng cơ bản của bài viết đã được trình bày lần đầu tiên tại TWENTIETH ANNUAL WORLD HISTORY ASSOCIATION CONFERENCE, tổ chức tại GLOBAL HISTORY CENTER, CAPITAL NORMAL UNIVERSITY, Beijing, China, 7-10 July 2011. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Đại học Osaka (Osaka University) đã đài thọ mọi kinh phí để tác giả có cơ hội góp mặt tại Hội thảo và trình bày báo cáo của mình. Trong quá trình hoàn thiện bài viết, tác giả đã nhận được những ý kiến đóng góp và những ý tưởng quan trọng của GS Momoki Shiro, GS Bruce Lockhart, TS Geoff Wade, TS Masaki Mukai và hai nhà nghiên cứu Mohamed Effendy và Morragotwong Phumplab. Nhân đây, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những ý kiến đóng góp quý báu ấy. Phiên bản tiếng Việt của bài viết đã được đăng trong sách: Người Việt với biển, do PGS.TS Nguyễn Văn Kim chủ biên, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2011.
[2] Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce, 1450-1680: The Lands Below the Winds. New Haven: Yale University Press, 1993; và Southeast Asia in the age of commerce: 1450-1680: Expansion and crisis. New Haven: Yale University Press, 1993. Anthony Reid cho rằng kỷ nguyên thương mại có nguồn gốc từ những thay đổi đã diễn ra trong suốt thế kỷ XV. Sự bùng nổ của thương mại và sự nổi lên của các cảng thị như là những trung tâm thương mại đã thúc đẩy những thay đổi về mặt chính trị, xã hội và kinh tế đánh dấu kỷ nguyên thương mại trong khu vực, kéo dài từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Sự bùng nổ của hải thương dẫn đến sự trỗi dậy của thuyền mành Đông Nam Á cũng như là những kỹ thuật hàng hải mới… Một số biểu hiện về mặt xã hội khác của kỷ nguyên thương mại còn bao gồm một cuộc cách mạng về tôn giáo, với sự thâm nhập của Hồi giáo và Thiên chúa giáo vào khu vực, một cuộc cách mạng về quân sự với các kỹ thuật chiến tranh mới hỗ trợ cho sức mạnh của các thể chế mới.
[3] Anthony Reid, “An ‘age of commerce’ in Southeast Asian History”, in trongModern Asian Studies 24, 1. Great Britain, 1990, tr.30.
[4] Geoff Wade, “An early age of commerce in Southeast Asia, 900-1300 CE”, in trong Journal of Southeast Asian Studies, 40 (2), National University of Singapore, 2009.
[5] Jan Wisseman Christie, “Javanese markets and the Asian sea trade boom of the Tenth to Thirteenth centuries A.D.”, in trong Journal of the Social and Economic History of the Orient, 41, 3, 1998.
[6] Geoff Wade, “An early age of commerce”, tlđd, tr.222.
[7] Paul Wheatley, “Geographical notes on some commodities involved in Sung maritime trade”, in trong Journal of the Malayan, Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society, 32, 2. Kuala Lumpur, 1959, tr. 393.
[8] Mukai Masaki, “Contacts between empires and entrepots and the role of supra-regional network: Song-Yuan-Ming transition of the Maritime Asia, 960-1405”, trình bày tại The First Congress of the Asian Association of World Historians, Osaka, 2009, tr.2.
[9] Mukai Masaki, “Contacts between empires and entrepots”, tlđd.
[10] Mukai Masaki, “Contacts between empires and entrepots, tlđd, tr.12.
[11] Sakurai Yumio, “Thử phác dựng cấu trúc lịch sử của khu vực Đông Nam Á (thông qua mối quan hệ giữa biển và lục địa)”, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á04/1996, tr.41.
[12] Andre Wick, Al-Hind: The making of the Indo-Islamic world. Vol.2: The slave kings and the Islamic conquest, 11th-13th centuries. New York: Brill, 1997, tr.1.
[13] Geoff Wade, “An early age of Commerce”, tlđd, tr.234.
[14] Hermann Kulke, “The naval expeditions of the Cholas in the context of Asian history”, in trong: Hermann Kulke, K.Kesavapany, Vijay Sakhuaja,Nagapattinam to Suvarnadwipa: Reflections on the Chola Naval expeditions to Southeast Asia, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2009, tr.3.
[15] Geoff Wade, “An early age of Commerce”, tlđd, tr.221.
[16] Geoff Wade, “An early age of Commerce”, tlđd, tr.239.
[17] Geoff Wade, “An early age of Commerce”, tlđd, tr.239-240.
[18] Geoff Wade, “An early age of Commerce”, tlđd, tr.259.
[19] Geoff Wade, “An early age of Commerce”, tlđd, tr.258-262.
[20] Victor Lieberman, Strange Parallels: Southeast Asia in global context, c.800-1830. Volume 1: Integration on the mainland, Cambridge University Press, 2003, tr.230. Trong một bài viết khác phản hồi những ý kiến của G.Wade, V.Lieberman vẫn bảo lưu quan điểm của mình về một vai trò hạn chế của thương mại biển đối với lịch sử Đông Nam Á trước năm 1350. Theo ông thì “hải thương trên thực tế có thể giải thích cho sức sống về mặt kinh tế và kéo theo là chính trị trong khoảng thời gian 900 đến 1300 ở Champa, vùng bán đảo [Malay] và phần lớn vùng quần đảo; tuy nhiên trường hợp của Trung và Đông Java, Thượng Miến, Angkor và Đại Việt – các khu vực có đông dân số nơi mà nền kinh tế chính trị tập trung một cách căn bản hơn về các nguồn lợi nông nghiệp và nhân lực, nơi mà dân số phát triển và sự thống nhất về mặt chính trị từ năm 900 đến 1300 chịu ảnh hưởng sâu đậm của các nhân tố nội sinh”, tham khảo: Lieberman, “Maritime influences in Southeast Asia, c.900-1300: some further thoughts”, in trong Journal of Southeast Asian Studies, 41(3), 2010, tr.529-539.
[21] Geoff Wade, “An early age of Commerce”, tlđd, tr..263.
Phần 2:
1. Sự cạnh tranh giữa các tiểu quốc (nagara) trong mandala Champa
Công trình nghiên cứu Le royaume de Champa của G.Maspero được giới nghiên cứu Champa trên khắp thế giới coi như một trong những công trình tiên phong và kinh điển trong nghiên cứu lịch sử của vương quốc Champa từ khởi nguồn cho đến năm 1471. [1] Theo quan điểm của G.Maspero thì tộc người Chăm là tộc người thống trị trong vương quốc Champa và các tộc người khác được coi là những “người mọi (savage) ở những vùng rừng núi”.[2] Champa từ khởi nguồn của mình đã là một “vương triều Ấn Giáo” (Hinduized dynasty), chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Ấn Độ trong bối cảnh chung của thế giới Ấn Độ hóa ở vùng Đông Nam Á.[3] Cũng theo G.Maspero thì vương quốc Champa từ khi lập quốc dưới triều đại Sri Mara từ thế kỷ thứ 2 cho đến sự kiện năm 1471 là một vương quốc thống nhất (single/unity kingdom). Sự kiện 1471 được coi như là sự kết thúc của một nhà nước Ấn giáo ở miền Trung Việt Nam, và “người Chăm biến mất khỏi trí nhớ của nhân loại”.[4] Tuy nhiên, quan điểm của G.Maspero như vậy đã được nhìn nhận và đánh giá lại bởi một nhóm các học giả trường phái revisionist[5] ở Pháp từ những năm 1970. Các học giả này đã khảo sát các văn bản Chăm cổ ở miền Nam Việt Nam, những tài liệu mà chưa được quan tâm và sử dụng/khai thác bởi các học giả thực dân thế hệ trước, để phục dựng lại một lịch sử mới của vương quốc Champa. Po Dharma cùng với các cộng sự của mình đã coi Champa như là một liên bang (confederation), và phân chia Champa thành 5 khu vực độc lập (autonomous regions).[6] Nhận thức coi vương quốc Champa trong suốt triều dài lịch sử của mình như một quốc gia thống nhất/duy nhất (unique/unity kingdom) cho đến nay không còn được sử dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu giờ đây nhìn lịch sử Champa như một liên bang (federation) các tiểu quốc nhỏ ven sông phân bố rải rác dọc bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay,[7] hay, theo một cách hiểu khác trong bối cảnh rộng lớn hơn của lịch sử Đông Nam Á cổ xưa, Champa là một mandala điển hình của khu vực.[8]
Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X Champa đã trải qua một thời kỳ phát triển quan trọng, trong đó các cảng biển của Champa đã dần trở nên quen thuộc đối với các đoàn thương thuyền trên tuyến hải thương khu vực, như là Cửa Đại Chiêm (Port of Great Champa)[9], Cù Lao Chàm[10], Kauthara and Panduranga.[11] Từ thế kỷ thứ X, thương cảng Cù Lao Chàm của vùng Amaravati đã đánh mất vị thế là thương cảng số một của Champa, và Thi Nại (hay Sri Boney) đã nổi lên như một trong những thương cảng chính trên bờ biển Champa. Sự thay đổi vị trí của các tiểu quốc thống trị từ miền bắc vào miền Nam cũng được cho là, một mặt bởi những áp lực chính trị ngày càng tăng từ phía bắc của vương quốc láng giềng Đại Việt, mặt khác cho thấy sự thay đổi của tuyến hải thương giữa thị trường Trung Hoa và các trung tâm thương mại khác ở Nam và Tây Á.
Các tài liệu cổ sử của Trung Hoa viết về Champa trong giai đoạn này thường nhắc tới Champa như một nhà nước thống nhất ở vùng Nam Dương. Tuy thế, các tài liệu này cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin về một số khía cạnh khác liên quan tới lịch sử của vương quốc này. Chẳng hạn như, phần viết về Chiêm Thành (Zhancheng) trong Tống Sử (Song-shi) cho biết rằng phía nam của vương quốc này là Thi Bị châu, phía tây là Thượng Nguyên châu, và phía bắc là Ô Lý châu. [12] Một tài liệu quan trọng khác cũng được viết dưới thời Tống là Chư Phiên Chí (Zhufanzhi) cũng nói rằng kinh đô của Chiêm Thành vào thời điểm đó là Tân Châu (Xinzhou), và có ít nhất 10 tiểu quốc chư hầu (shuguo) dưới quyền của Chiêm Thành, bao gồm Jiuzhou, Wuli, Rii, Yue Li, Weirui, Bintonglong, Wumaba (?), Longrong or Nonglong (?), Puluoganwuliang (?) and Baopiqi.[13] Tống hội yếu Chi cảo (Song Huiyao Jigao) lưu ý rằng khu vực phía nam – Bin-tuo-luo (Panduranga) là một tiểu quốc riêng biệt, nhưng lệ thuộc vào vương quốc Champa.[14] Đến thời nhà Minh, tư liệu ghi chép trong các chuyến hải trình của Trịnh Hòa cũng phân biệt rõ giữa Chan-cheng kuo(Chiêm Thành/Champa) với ít nhất là ba chính thể khác biệt là Pin-t’ung-lung kuo (Panduranga), Ling-shan (Cape Varella) và K’un-lun-shan (Pulau Condore).[15] Như thế, dù luôn nhìn nhận Champa như một chính thể thống nhất ở vùng Nam Dương, các ghi chép của người Trung Hoa cũng đã cho chúng ta những nhận thức quan trọng về sự phân tách của các tiểu quốc trên bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay.[16] Có thể hiểu là, Chiêm Thành/Champalà một vương quốc lớn nhất trên bờ biển ấy và có những mối liên hệ trực tiếp, chính thức với các vương triều Trung Hoa; trong khi đó các tiểu quốc khác được xem như là những thuộc quốc nằm dưới ảnh hưởng của vương quốc Champa.[17]
Sự chia tách cũng như sự cạnh tranh giữa các tiểu quốc trong mandala Champa trong suốt thời kỳ này cũng được bổ xung bởi các thông tin trong các bia ký cổ của Champa. [18] Xét các thông tin từ trong bia ký cổ, từ thế kỷ thứ X, tiểu quốc Vijaya (nagara Vijaya) luôn luôn được nhắc đến như là một tiểu quốc (nagara) đầy sức mạnh, thịnh vượng và chiến thắng và là nơi được trị vì bởi vua và triều đình hoàng gia Champa. Dòng sông Côn là dòng sông dài nhất của vùng Vijaya, và hầu hết các trung tâm kinh tế, chính trị, tôn giáo và quân sự phân bố dọc theo dòng sông này. Dòng sông Côn có thể được xem như là một trục chính của một mạng lưới trao đổi ven sông (riverine exchange network) của nagara Vijaya. Thương cảng Thi Nại nằm ở hạ lưu sông Công, nơi tiếp giáp với biển Đông được xem như một trung tâm kinh tế lớn của tiểu quốc Vijaya cũng như của toàn thể mandala Champa.[19] Cảng Thi Nại là cửa ngõ tiến ra biển của toàn bộ vùng cao nguyên trù phú ở phía Tây. Trong ý nghĩa đó, thương cảng Thi Nại có thể được xem như là một điểm kết nối giữa biển và lục địa, một entrepot lớn trên bờ biển của Champa.
Để Thi Nại có thể tồn tại như một thương cảng chính của mandala, những người đứng đầu nagara Vijaya đã có những cố gắng lớn trong việc thiết lập một mạng lưới các cảng biển phụ trợ đóng vai trò như những điểm thu gom hàng hóa từ các vùng/tiểu quốc khác và sau đó được chuyển về thương cảng Thi Nại, từ đây hàng hóa được trao đổi, buôn bán cho các thương nhân ngoại quốc. Các vị vua của nagara Vijaya đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc chiếm cứ các thương cảng khác ở phía bắc cũng như ở phía nam, ít nhất là khẳng định vị thế của mình nhằm chống lại sự đe dọa vị thế của cảng Thi Nại từ các thương cảng ven bờ khác. Một ví dụ điển hình là sự kiện được ghi rõ trong bia ký Champa năm 1050, Jaya Paramesvaravarman đã cho một đoàn quân lớn chiếm đóng vùng Panduranga ở phía Nam của Vijaya.[20] Các sự kiện như thế có thể được diễn giải như là những hành động với mục đích chiếm đóng và làm gián đoạn các hoạt động của cảng thị vùng Panduranga (Phanrang), một đối thủ lớn và thường xuyên đối với sự thịnh vượng của tiểu quốc Vijaya.
Vùng đất và con người vùng Panran (hay Panduranga) ở phía Nam thường được nhắc đến trong bia ký như là những người “luôn luôn nổi dậy chống lại những người cai trị của vương quốc Champa [ở Vijaya]”, họ luôn lợi dụng tình hình để tuyên bố “một người bản địa trở thành vua của họ”.[21] Bia Batau Tablah của Jaya Harivarman I, có niên đại 1082 S cung cấp cho chúng ta thông tin về một cuộc tấn công của các đội quân đến từ Vijaya tại Chaklyan (Làng Chakleng ở Phan Rang) trong năm 1069 saka; một cuộc tấn công khác đã diễn ra vào năm 1070 Saka và 1071 saka ở đồng bằng Virapura, cánh đồng Kayev và đồng bằng Mahi. [22] Bia ký Mỹ Sơn niên đại 1125 saka (năm 1203 A.D.) là một bằng cứ quan trọng để hiểu về sự cạnh tranh giữa các tiểu quốc Champa thời gian này. Theo bia ký này thì, đã có một cuộc chiến tranh xảy ra giữa tiểu quốc Vijaya với các đội quân của người Khmer; cuộc chiến tranh giữa những cư dân của tiểu quốc Panran với “vương quốc Vijaya”, và điều thú vị là một liên minh giữa “các cư dân Panran” và người Khmer chống lại “vương quốc Vijaya”. [23]
Tiểu quốc Kauthara (được cho là ở vị trí của tỉnh Khánh Hòa ngày nay, nơi còn có sự hiện diện của quần thể Đền Tháp Po Nagar nổi tiếng) đã từng được coi như một tiểu quốc lớn và là đối thủ chống lại nagara Vijaya ở phía bắc, cũng như nagara Panduranga ở phía nam. Bia ký của đền Po Nagar dưới thời Jaya Harivarman I, niên đại 1082 saka (1160 A.D) ghi chú rằng người đứng đầu củanagara Kauthara đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tất cả các kẻ thù của mình, bao gồm người Khmer, người Việt, các cư dân Vijaya và Amaravati ở phía Bắc, Panduranga ở phía nam, cũng như là các tộc người thiểu số ở phía tây. [24] Thông tin quan trọng này dẫn chúng ta tới một nhận thức rằng, mỗi tiểu quốc trong mandala Champa thường tận dụng những thời cơ thuận lợi để xây dựng những mạng lưới riêng của mình và chiến đấu để đạt được sự độc lập cả về mặt chính trị và kinh tế.
Như thế, có thể xem Champa như một chính thể điển hình mang đầy đủ các đặc trưng tiêu biểu của một mandala trong thế giới Đông Nam Á cổ xưa.[25]Mandala Champa là sự tạo thành của nhiều tiểu quốc (nagara) và vai trò thống trị hay chi phối trong mandala liên tục thay đổi và chuyển vận từ tiểu quốc này sang tiểu quốc khác. Trong những nhân tố ảnh hưởng tới vị thế của cácnagara như thế, sự thịnh vượng về kinh tế và thương mại được xem như một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu. Việc chiếm lĩnh được những vùng đồng bằng trù phú, những nguồn hàng lâm sản thiết yếu, những thương cảng phồn vinh được xem như những yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nagara. Trong suốt kỷ nguyên thương mại sớm, nagara Vijaya có thể được xem như tiểu quốc thống trị trong mandala Champa bởi sự trội vượt về nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là sự vận hành hiệu quả và kết nối của một mạng lưới giao thương nội địa với mạng lưới hải thương khu vực, thể hiện qua sự phồn vinh của thương cảng Thi Nại. Cũng chính bởi vị trí quan trọng của mình, mà thương cảng Thi Nại và vùng Vijaya trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên và lâu dài của không chỉ các nagara láng giềng, mà còn bởi các nước láng giềng khác trong khu vực là Đại Việt và Angkor.
2. Sự cạnh tranh trên bờ biển Đông giữa mandala Champa với các nước láng giềng
Dựa trên các nguồn tư liệu lịch sử, có thể thấy rằng đã có một cuộc cạnh tranh quyết liệt trong kỷ nguyên thương mại sớm trên bờ biển Đông giữa ba chính thể lớn là Champa, Đại Việt và Angkor. [26] Champa được ghi nhận như một trong những quốc gia Ấn hóa điển hình của Đông Nam Á, và thế kỷ thứ X được xem là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của vương quốc Champa. Trong một cái nhìn đồng đại và rộng lớn hơn, thế kỷ thứ X cũng đánh dấu những bước chuyển lớn lao và mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam và Campuchia.[27] Từ thế kỷ thứ X trở về sau, cả Đại Việt và Angkor đều trở thành những chính thể hùng mạnh trong khu vực và chuyển mình tìm kiếm các cơ hội mở rộng những vùng lãnh thổ truyền thống của mình, cũng như tìm kiếm các nguồn thu nhập mới thông qua việc dự nhập vào mạng lưới hải thương của khu vực.
Nếu như mandala Champa được thừa nhận một cách rộng rãi như một thể chế biển điển hình của khu vực Đông Nam Á cùng với mandala Srivijaya ở vùng Eo, thì Đại Việt, Angkor cùng với Java ở chiều ngược lại, được xem như những đại diện tiêu biểu của các chính thể trọng nông (agriculture-based polities). Sự hình thành và phát triển của các chính thể này trên các đồng bằng châu thổ sông rộng lớn và trù phú cung cấp cho họ một nguồn thu ổn định và bền vững. Sự phát triển của một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên các châu thổ sông lớn đã dẫn tới sự hình thành của các cộng đồng cư dân nông nghiệp lớn, sự gia tăng dân số nhanh chóng, và hệ quả là dẫn tới những nhu cầu đối với việc mở rộng lãnh thổ và tìm kiếm các vùng đất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, mở rộng canh tác. Từ thế kỷ thứ X, trên cơ sở của một nền kinh tế nông nghiệp ổn định, cả Đại Việt và Angkor dường như nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng các mối quan hệ quốc tế và hội nhập vào các mạng lưới trao đổi buôn bán khu vực. Sự mở rộng các mối liên hệ quốc tế và thương mại một mặt khẳng định vị thế của các chính thể này, mặt khác mang lại những nguồn thu đáng kể cho các triều đình trung ương.
Ở phía bắc của Champa, Đại Việt đã chính thức mở thương cảng Vân Đồn vào năm 1149 ở vùng biển Đông Bắc. Toàn thư viết: “Mùa Xuân tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”.35 Sự kiện ấy là minh chứng cho mong muốn cũng như cho thấy sự chủ động của Đại Việt đối với việc dự nhập vào hệ thống thương mại biển khu vực.[28] Từ thời điểm này, chính sử thường xuyên ghi chép về sự hiện diện của các đoàn thương gia và ngoại giao Java, Siam, Angkor và Champa ở kinh thành Thăng Long cũng như vùng biển Vân Đồn. Thương cảng Vân Đồn và vùng biển phía Đông Bắc được coi như là cửa ngõ kết nối Đại Việt với thế giới biển, với mạng lưới giao thương trên biển (bao gồm cả thế giới Đông Bắc Á và Đông Nam Á).[29] Tham vọng dự nhập của Đại Việt còn được thể hiện qua tầm quan trọng ngày càng tăng của hệ thống cảng biển và vùng biển phía Nam thuộc vùng Nghệ Tĩnh.[30] Khu vực này dần trở thành một trung tâm giao thương lớn mạnh với sự hiện diện thường xuyên của các thương nhân Việt, Chăm, Khmer và Trung Quốc. Trong hệ thống cảng biển này, cảng Hội Thống được xem như là cửa ngõ kết nối Đại Việt với các láng giềng phương nam, đặc biệt là các láng giềng vùng Đông Nam Á lục địa (thuộc châu thổ sông Mê Kông như Lào, Chân Lạp và xa hơn nữa về phía Tây).[31] Hơn thế, các cảng biển vùng Nghệ Tĩnh còn được ví như tiền đồn của Đại Việt trong chiến lược mở rộng lãnh thổ về phương Nam, và ở một góc độ khác, các cảng biển này là đối thủ cạnh tranh với các thương cảng ven biển của Champa ở phía Nam.
Cùng trong thời kỳ này, ở phía nam của mandala Champa, mandala Angkor cũng đã cho thấy những nỗ lực của mình để kết nối với mạng lưới giao thương biển khu vực. Tham vọng của chính thể Angkor được thể hiện rõ ràng nhất dưới thời gian trị vì của vua Suryavarman II. Dưới thời gian trị vì của ông vua này, người Khmer đã mở rộng các mối liên hệ quốc tế và khu vực, đặc biệt là mối liên hệ mật thiết với các vương triều Chola ở lục địa Ấn Độ[32] và Trung Hoa ở phía Bắc. Tham vọng của Angkor được thể hiện mạnh mẽ nhất thông qua sự cạnh tranh và tranh chấp với các láng giềng ở bờ biển Đông là Champa và Đại Việt, với mục tiêu chính là để chiếm cứ được các tuyến hải thương của khu vực chuyển vận trên biển Đông. Năm 1128, người Khmer đã hai lần tấn công vùng biển Nghệ Tĩnh phía nam của Đại Việt. Năm 1131, Khmer thậm chí đã ép buộc Champa tấn công vùng Nghệ Tĩnh.[33] Nguyên nhân chính được cho là tham vọng của người Khmer trong việc chiếm cứ các thương cảng ven biển của Champa, qua đó dự nhập vào mạng lưới thương mại quốc tế, cũng như mở ra các mối liên hệ trực tiếp với thị trường Trung Hoa ở phía Bắc.
Thế kỷ XII và thế kỷ XIII đã chứng kiến những cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa hai mandala láng giềng là Angkor và Champa.[34] Hơn thế nữa,mandala Angkor dưới triều đại của vua Suryavarman cũng thường xuyên diễn ra các xung đột ở vùng bờ biển phía Nam của Đại Việt – vùng Nghệ Tĩnh. M.Vickery giải thích cho sự xung đột này như là một nỗ lực của người Khmer nhằm chiếm cứ các tuyến giao thương ở bờ biển đông bắc, và cho thấy sự quan tâm của chính quyền Angkor đối với việc dự nhập vào nền hải thương đang phát triển của khu vực.[35] Geoff Wade cũng đưa ra nhận xét về mối liên hệ những cuộc xung đột giữa Angkor và các nước láng giềng đối với sự dự nhập của các chính quyền Khmer vào mạng lưới hải thương khu vực.[36]
Bên cạnh sự cạnh tranh quyết liệt và thường xuyên diễn ra, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, các nguồn sử liệu đã ghi chép lại những mối quan hệ thương mại quan trọng giữa Champa, Đại Việt và Angkor trong suốt kỷ nguyên thương mại sớm. Trong mối quan hệ với láng giềng phía bắc, Champa thường xuyên gửi các phái đoàn “triều cống” tới Thăng Long. Theo Đại Việt sử ký Toàn thư và Việt sử lược, trong suốt thời Tiền Lê (980-1009) và thời Lý (1009-1225), trong số các nước gửi các phái đoàn “triều cống” tới Đại Việt, Champa được ghi nhận như là nước gửi tới nhiều nhất với 55 lần, Angkor ở vị trí thứ hai với 19 lần.[37] Các phái đoàn “triều cống” tới Đại Việt, trước hết với mục tiêu thiết lập và duy trì các mối liên hệ ngoại giao truyền thống. Bên cạnh đó, cũng giống như các phái đoàn triều cống tới Trung Hoa, các sứ bộ này đóng vai trò quan trọng đối với việc duy trì và vận hành mạng các mạng lưới giao thương khu vực. Trong các mối quan hệ song phương này, Champa và Đại Việt đã trao đổi các loại hàng hóa có giá trị. Chẳng hạn, các thương nhân Đại Việt đã nhập khẩu gỗ lô hội từ Champa và mang chúng tới thị trường Trung Hoa. Các thương nhân này cũng đã nhập khẩu ngựa từ vùng Vân Nam và Quảng Tây rồi mang chúng tới Champa.[38] Tấm bia Phum Mien của Khmer (niên đại 987) cho biết về sự hiện diện của thương nhân từ Champa (Vap Champa) và thương nhân từ Đại Việt (Yvan Kamvan Tadin) ở Angkor. K.Hall gợi ý rằng các thương nhân này đã tới từ vùng Nghệ Tĩnh – phía nam của Đại Việt và đi vào lãnh thổ Angkor qua tuyến đường dọc theo sông Mê Kong.[39] thương nhân Trung Quốc (Vap China) cũng được ghi lại trong bia Tuol Pei (niên đại 992), và họ được cho là đã trao đổi nô lệ, vàng, bạc và các loại hàng hóa khác ở Angkor.[40]
Như thế, có thể thấy rằng, bờ biển Đông dường như đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm đoạt được đối với cả ba chính thể lớn là Champa, Đại Việt và Angkor. Đối với Champa, vấn đề bảo vệ các vùng lãnh thổ, các hải cảng và các nguồn hàng quan trọng chính là lý do dẫn đến việc xung đột với hai quốc gia láng giềng. Đối với Đại Việt, đó là những hành động thể hiện vị thế của một quốc gia đang lên, là nhu cầu tìm kiếm các vùng lãnh thổ mới, các vùng đất canh tác mới trước áp lực dân số của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhưng đồng thời cũng thể hiện tham vọng dự nhập vào mạng lưới hải thương khu vực thông qua việc chiếm lĩnh và bảo trợ các tuyến thương mại vùng, các nguồn hàng và đặc biệt là các thương cảng ven biển. Đối với Angkor, đó là tham vọng chiếm lĩnh các tuyến giao thương cả trên bộ và trên biển nhằm mở ra con đường nối kết trực tiếp với thị trường nam Trung Hoa và các tuyến hải thương chuyển vận trên biển Đông. Dường như, chia sẻ nhiều nhân tố ảnh hưởng cũng như biểu hiện chung của một kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á (900-1300), hải thương ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các chính thể nằm trên bờ biển Đông, cho dù đó là chính thể trọng thương (trade-oriented polity) như là Champa, hay chính thể trọng nông(agriculture-based polity) như Đại Việt và Angkor. Các vùng biển, các hải cảng, các nguồn hàng và các tuyến hải thương ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của các chính thể này, và cũng chính những nhân tố này đã tác động không nhỏ đến đời sống chính trị-kinh tế của các nhà nước này. Trong ý nghĩa này thì quan điểm của giáo sư V.Lieberman về một vai trò hạn chế của hải thương đối với khu vực trước năm 1350 cần phải được nhìn nhận lại.
[1] Maspero, Georges. Le royaume de Champa, rev.ed. Paris and Brussels: Van Oest, 1928. Trong bài viết này tôi sử dụng bản dịch tiếng Anh của công trình này: The Champa kingdom – The history of an extinct Vietnamese culture, được chuyển ngữ bởi Walter E.J. Tips. Bangkok: White Lotus Press, 2002
[2] Maspero, The Champa kingdom, sđd, tr.2.
[3] Maspero, The Champa kingdom, sđd, tr.3.
[4] Maspero, The Champa kingdom, sđd, tr.118. Quan điểm này cũng được một số các học giả khác ủng hộ, chẳng hạn như Majumdar trong: Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, tr.148-149.
[5] Thuật ngữ sử dụng bởi Bruce M.Lockhart trong “Colonial and post-colonial constructions of ‘Champa’”, in trong The Cham of Vietnam – History, Society and Art. NUS Press, Singapore, 2001, tr.1-53.
[6] Po Dharma, Le Panduranga 1822-1835. Ses rapports avec le Vietnam, Public. École FranÇais d’Extrême-Orient CXLIX, Paris, 1987. Một tài liệu khác có thể tham khảo: Tâm Quách-Langlet, “The Geographical setting of Ancient Champa”, in trong: Lafont P.B. (ed.), Proceedings of the seminar on Champa.University of Copenhagen, 1987, tr.21-42.
[7] Trần Quốc Vượng, ‘‘Miền trung Việt Nam và văn hóa Champa”, Tạp chíNghiên Cứu Đông Nam Á, số 4 (21), Hà Nội, 1995. Keith Taylor cũng gợi ý rằng khái niệm Champa nên được định danh lại và nên hiểu Champa như một “không gian văn hóa chính trị vùng quần đảo” và năm khu vực của Champa có thể được xem như “các nhóm đảo”, tham khảo: Keith W.Taylor,“The early kingdoms”, in trong: Nicholas Tarling, The Cambridge history of Southeast Asia, Vol.1, From early times to c.1800, Cambridge University Press, 1992, tr.153-154.
[8] Giáo sư O.W. Wolters là người đầu tiên đã giải thích mandala như là một thuật ngữ để diễn tả một hệ thống chính trị kinh tế đã được phát hiện tại hầu hết các quốc gia cổ ở Đông Nam Á. Thuật ngữ mandala cũng được sử dụng để miêu tả một trạng thái chính trị riêng biệt và thường là không ổn định trong một khu vực địa lý được xác định mơ hồ vì không có những đường ranh giới cố định, tại đó những trung tâm nhỏ hơn vì lý do an ninh nên có xu hướng vươn ra mọi phía. Các mandala sẽ mở rộng hay thu hẹp lại theo cách thức này. Theo O.W. Wolters thì mỗi mandala bao gồm một số chính quyền chư hầu (tributary rulers), nhưng mỗi chư hầu như vậy có thể từ bỏ địa vị chư hầu của họ khi có cơ hội và nỗ lực xây dựng một mạng lưới chư hầu của riêng họ, theo: O.W.Wolters, History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives, Institute of Southeast Asian Studies, 1982. Có thể tham khảo thêm: Đỗ Trường Giang, “Mandala trong nhận thức và cách nhìn của các học giả quốc tế”, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, 2009.
[9] Tran Ky Phuong, Vu Huu Minh, “Port of Great Champa in the 4th–15th Centuries”, in trong Ancient Town of Hoi An, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1991.
[10] Hoàng Anh Tuấn, “Cù Lao Chàm và hoạt động thương mại ở biển Đông thời vương quốc Champa”, in trong Khoa Lịch sử – một chặng đường nghiên cứu Lịch sử (1995-2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000. Tuy nhiên, trong một chuyên luận của mình, chuyên gia khảo cổ học miền Trung Lâm Mỹ Dung nêu lên một quan điểm khác cho rằng “khác với kết luận trước đây, chúng tôi cho rằng bản thân Cù Lao Chàm không phải là cảng, mà Đại Chiêm hải khẩu mới là cảng. Cù Lao Chàm trước hết là bến đậu dừng nghỉ của các thuyền và có nhiều khả năng Cù Lao Chàm là nơi trung chuyển hàng hóa xuất và nhập”, tham khảo: Lâm Mỹ Dung, “Vị thế của Cù Lao Chàm trong lịch sử thương mại Việt Nam”, in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII,Nxb Thế giới, 2007, tr.101.
[11] Những ghi chép cụ thể về tuyến đường biển từ Quảng Châu của Trung Hoa đến các địa điểm của Champa có thể thấy trong Tân Đường Thư. Tài liệu này cho biết “Đời Đường năm Trinh Nguyên, Giả Đam chép rằng: đường Quảng Châu vào biển, đi về phía đông nam 200 dặm đến núi Đồn Môn, đi về phía Tây 2 ngày đến núi Cửu Châu Thạch. Lại đi về phía nam 2 ngày đến Tượng Thạch. Lại đi về phía tây năm 3 ngày đến núi Chiêm Bất Lao. Ở phía đông nước Hoàn Vương 200 dặm là trong biển. Lại đi về phía nam 2 ngày đến núi Lăng Sơn. Lại đi 1 ngày đến nước Môn Độc, đi một ngày nữa đến nước Cổ Đát, đi nửa ngày nữa đến châu Bôn Đà Lãng”. Dẫn theo: Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên. Viện Sử học và Nhà Xuất bản Văn hóa, 1997, tr.220-221.
[12] Momoki Shiro, “Mandala Champa” seen from Chinese Sources”, in trongThe Cham of Vietnam, sđd, tr.128.
[13] Momoki Shiro, “Mandala Champa”, tlđd, tr.128. Dựa trên các thông tin này, giáo sư Momoki Shiro cho rằng “một hình ảnh vốn được thừa nhận lâu nay rằng Champa là tập hợp của bốn hay năm khu vực/tiểu quốc lớn là Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga cần phải được từ bỏ”, tham khảo: Momoki Shiro, “Mandala Champa”, tlđd, tr.131.
[14] Geoff Wade, “The ‘Account of Champa’ in the Song Huiyao Jigao”, in trongThe Cham of Vietnam, sđd, tr.141.
[15] Hsing-ch’a Sheng-lan – The overall Survey of the Star Raft by Fei Hsin, chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi J.V.G.Mills, Harrassowitz Verlag – Wiesbaden, 1996. Phần viết về Chiêm Thành từ trang 33 đến trang 39.
[16] Về tiểu quốc Panduranga có thể tham khảo công trình nghiên cứu của Po Dharma, Le Panduranga 1822-1835, tlđd; bên cạnh đó có thể tham khảo chuyên khảo về Panduranga trong lịch sử Champa của Finot L. V. “Pānduranga” in trong Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 3, 1903, tr. 630-648.
[17] Chúng ta cũng có thể lưu ý tới một nhận xét của tác giả Đồ Bàn Thành Ký về sự đổi dời kinh đô trong lịch sử vương quốc Champa: “Ôi! Một quốc gia trải hơn ngàn năm, đất đai rộng rãi như thế, việc cai trị phức tạp như thế, mà kinh đô luôn luôn thay đổi, không kể xiết được, mà xét trong sử sách ghi lại chỉ còn 14 chỗ là Châu Ngô, Bắc Cảnh, Lư Dung, Tây Quyển…”, xem: “Đồ Bàn Thành Ký” in trong Tập San Sử Địa, số 19-20, Sài Gòn, 1970, tr.237.
[18] Tất cả các bia ký cổ Champa được sử dụng trong bài viết này được trích dẫn từ công trình của Majumdar, xem: R.C.Majumdar, Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, 2nd-16th century A.D.Book III. The Inscriptions of Champa, P. Gyan Publishing House, New Delhi, 1927.
[19] Do Truong Giang, “Port of Thi Nai (Champa) in East Asia Maritime trade network (10th-15th Centuries)”, Journal of Southeast Asian Studies – Vietnam Academy of Social Sciences. English version of 2009.
[20] Bia ký Po Klaun Garay của Jaya Paramesvaravarman I có niên đại năm 972saka (1050 A.D.), xem: R.C. Majumdar, The Inscriptions of Champa, sđd, tr.150-151.
[21] Bia ký Po Klaun Garai của Paramesvaravarman I, xem: R.C. Majumdar, The Inscriptions of Champa, sđd, tr.149.
[22] R.C.Majumdar, The Inscriptions of Champa, sđd, tr.193.
[23] R.C.Majumdar, The Inscriptions of Champa, sđd, tr.202-205.
[24] R.C.Majumdar, The Inscriptions of Champa, sđd, tr.194.
[25] Nguyễn Văn Kim, “Dấu ấn cổ sơ của các xã hội Đông Nam Á”, tạp chíNghiên cứu Lịch sử, số 5 (385), 2008.
[26] Kenneth R.Hall. “Competition on the East Coast of the Mainland: Early Champa and Vietnam Political Economies”, in trong A history of Early Southeast Asia – Maritime Trade and Societal Development, 100-1500. Rowman and Littlefield Publishers, INC. United States of America, 2011, tr.67-102. Tuy nhiên trong công trình nghiên cứu này, K.Hall đã không đề cập tới vai trò của Chân Lạp (Angkor) trong sự cạnh tranh với Đại Việt và Champa ở bờ biển Đông.
[27] Nguyễn Văn Kim, “Việt Nam trong bối cảnh lịch sử Đông Á thế kỷ X”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5, 2005
35 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 317. Một thời gian sau, chính sử lại cho biết “[năm 1184]…thương nhân các nước Xiêm La và Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn, dâng báu vật, xin buôn bán”, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd.
[28] Nguyễn Văn Kim, « Hệ thống thương cảng Vân Đồn qua tư liệu lịch sử, điền dã và khảo cổ học », tạp chí Khảo cổ học, số 4, 2006, tr.46-65; Một tài liệu khác về thương cảng Vân Đồn : Đỗ Văn Ninh, Thương cảng Vân Đồn, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2004.
[29] Thông tin về các tuyến thương mại giữa Đại Việt và các khu vực nam Trung Hoa trong giai đoạn này có thể tham khảo: Dương Văn Huy, “Quan hệ giao thương giữa vùng Đông Bắc Việt Nam với các cảng miền nam Trung Hoa thế kỉ X-XIV”, báo cáo tại Hội thảo về Thương cảng quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh, 2008.
[30] Chính sử chép: “[năm 1171] vua đi tuần các đảo ngoài biển, xem hình thế núi sông muốn biết được sự đau khổ của nhân dân và đường đi các nơi xa gần”, liền trong năm sau “[năm 1172] vua lại đi tuần ra các đảo ngoài biển, vẽ bản đồ địa giới các phiên bang nam bắc, ghi chép phong cảnh sản vật rồi về”, xem: Đại Việt sử ký tiền biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr.292
[31] Nguyễn Thị Phương Chi, Nguyễn Tiến Dũng, “Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lí, Trần (thế kỉ XI-XIV)”, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử , số 7/2007, tr. 23-37; Hồ Trung Dũng, Vị trí của Nghệ – Tĩnh trong hệ thống thương mại khu vực thời Lí – Trần, Luận văn tốt nghiệp cử nhân, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, 2008.
[32] Trong suốt thế kỷ XI, vua Suryavarman I của Angkor đã gửi những món quà tới vương quốc Chola hàng năm. Theo Hermann Kulke thì những hành động đó chính là một biểu hiện cho thấy tham vọng của vua Angkor trong việc tham dự vào ngoại giao nghi lễ (ritual diplomacy) với vương quốc biển Cholas, xem: Hermann Kulke, “The naval expeditions of the Cholas”, tlđd, tr.7.
[33] Bàn về sự kiện này, sử gia Ngô Thì Sĩ cho biết “nước Chiêm Thành tuy khi đó thường có sứ sang cống, nhưng thực vẫn mang hai lòng, còn thông với CHân Lạp, thường có người phục ở nơi hiểm yếu, bắt người châu Nghệ An, mang đến bán cho Chân Lạp. Năm thứ 5, tháng 8, Lệnh thư gia là Trần Lưu Mậu ở châu Nghệ An phục kích bắt được 3 người đem dâng)”, Đại Việt sử ký tiền biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr.270.
[34] Lương Ninh, Lịch sử vương quốc Champa,Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.76-104.
[35] Michael Vickery, “Cambodia and Its Neighbors in the 15th Century”,Working Paper Series, No. 27. Singapore: Asia Research Institute, 2004, tr.5. (Link: http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps04_027.pdf)
[36] Geoff Wade, “An early age of commerce”, tlđd, tr.245.
[37] K.Hall cho rằng, dù có mối quan hệ căng thẳng và thù địch giữa Champa và Đại Việt vào thế kỷ X và XI, tuy nhiên những sự thù địch này “không chỉ cố gắng mở rộng về chính trị mà còn có những ý nghĩa về mặt thương mại”, Kenneth R.Hall, “Eleventh-Century Commercial development in Angkor and Champa”, tr.429.
[38] Li Tana, “A View from the Sea” tlđd, tr. 83-102
[39] Kenneth Hall, “Khmer commercial development and foreign contacts under Suryavarman I”, Journal of the Economic and Social History of the Orient,Vol.18, No.3, 1975, tr.325.
[40] Kenneth Hall, “Khmer commercial development”, tlđd, tr.321.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét