Công trình nghiên cứu Le royaume de Champa của G.Maspero được giới nghiên cứu Champa trên khắp thế giới coi như một trong những công trình tiên phong và kinh điển trong nghiên cứu lịch sử của vương quốc Champa từ khởi nguồn cho đến năm 1471. [1] Theo quan điểm của G.Maspero thì tộc người Chăm là tộc người thống trị trong vương quốc Champa và các tộc người khác được coi là những “người mọi (savage) ở những vùng rừng núi”.[2]Champa từ khởi nguồn của mình đã là một “vương triều Ấn Giáo” (Hinduized dynasty), chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Ấn Độ trong bối cảnh chung của thế giới Ấn Độ hóa ở vùng Đông Nam Á.[3] Cũng theo G.Maspero thì vương quốc Champa từ khi lập quốc dưới triều đại Sri Mara từ thế kỷ thứ 2 cho đến sự kiện năm 1471 là một vương quốc thống nhất (single/unity kingdom). Sự kiện 1471 được coi như là sự kết thúc của một nhà nước Ấn giáo ở miền Trung Việt Nam, và “người Chăm biến mất khỏi trí nhớ của nhân loại”.[4]Tuy nhiên, quan điểm của G.Maspero như vậy đã được nhìn nhận và đánh giá lại bởi một nhóm các học giả trường phái revisionist[5] ở Pháp từ những năm 1970. Các học giả này đã khảo sát các văn bản Chăm cổ ở miền Nam Việt Nam, những tài liệu mà chưa được quan tâm và sử dụng/khai thác bởi các học giả thực dân thế hệ trước, để phục dựng lại một lịch sử mới của vương quốcChampa. Po Dharma cùng với các cộng sự của mình đã coi Champa như là một liên bang (confederation), và phân chia Champa thành 5 khu vực độc lập(autonomous regions).[6] Nhận thức coi vương quốc Champa trong suốt triều dài lịch sử của mình như một quốc gia thống nhất/duy nhất (unique/unity kingdom) cho đến nay không còn được sử dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu giờ đây nhìn lịch sử Champa như một liên bang (federation) các tiểu quốc nhỏ ven sông phân bố rải rác dọc bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay,[7] hay, theo một cách hiểu khác trong bối cảnh rộng lớn hơn của lịch sử Đông Nam Á cổ xưa, Champa là một mandala điển hình của khu vực.[8]
[1] Maspero, Georges. Le royaume de Champa, rev.ed. Paris and Brussels: Van Oest, 1928. Tham khảo bản dịch tiếng Anh của công trình này: TheChampa kingdom – The history of an extinct Vietnamese culture, được chuyển ngữ bởi Walter E.J. Tips. Bangkok: White Lotus Press, 2002
[4] Maspero, The Champa kingdom, sđd, tr.118. Quan điểm này cũng được một số các học giả khác ủng hộ, chẳng hạn như Majumdar trong: Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, tr.148-149.
[5] Thuật ngữ sử dụng bởi Bruce M.Lockhart trong “Colonial and post-colonial constructions of ‘Champa’”, in trong The Cham of Vietnam – History, Society and Art. NUS Press, Singapore, 2001, tr.1-53.
[6] Po Dharma, Le Panduranga 1822-1835. Ses rapports avec le Vietnam, Public. École FranÇais d’Extrême-Orient CXLIX, Paris, 1987. Một tài liệu khác có thể tham khảo: Tâm Quách-Langlet, “The Geographical setting of AncientChampa”, in trong: Lafont P.B. (ed.), Proceedings of the seminar onChampa. University of Copenhagen, 1987, tr.21-42.
[7] Trần Quốc Vượng, ‘‘Miền trung Việt Nam và văn hóa Champa”, Tạp chíNghiên Cứu Đông Nam Á, số 4 (21), Hà Nội, 1995. Keith Taylor cũng gợi ý rằng khái niệm Champa nên được định danh lại và nên hiểu Champa như một “không gian văn hóa chính trị vùng quần đảo” và năm khu vực của Champa có thể được xem như “các nhóm đảo”, tham khảo: Keith W.Taylor,“The early kingdoms”, in trong: Nicholas Tarling, The Cambridge history of Southeast Asia, Vol.1, From early times to c.1800, Cambridge University Press, 1992, tr.153-154.
[8] Giáo sư O.W. Wolters là người đầu tiên đã giải thích mandala như là một thuật ngữ để diễn tả một hệ thống chính trị kinh tế đã được phát hiện tại hầu hết các quốc gia cổ ở Đông Nam Á. Thuật ngữ mandala cũng được sử dụng để miêu tả một trạng thái chính trị riêng biệt và thường là không ổn định trong một khu vực địa lý được xác định mơ hồ vì không có những đường ranh giới cố định, tại đó những trung tâm nhỏ hơn vì lý do an ninh nên có xu hướng vươn ra mọi phía. Các mandala sẽ mở rộng hay thu hẹp lại theo cách thức này. Theo O.W. Wolters thì mỗi mandala bao gồm một số chính quyền chư hầu (tributary rulers), nhưng mỗi chư hầu như vậy có thể từ bỏ địa vị chư hầu của họ khi có cơ hội và nỗ lực xây dựng một mạng lưới chư hầu của riêng họ, theo: O.W.Wolters, History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives, Institute of Southeast Asian Studies, 1982. Có thể tham khảo thêm: Đỗ Trường Giang, “Mandala trong nhận thức và cách nhìn của các học giả quốc tế”, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, 2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét