Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Chămpa và Tôn giáo Ấn độ


Chămpa và Tôn giáo Ấn độ

Phan Quốc Anh
1. Việt nam là một nước đa tôn giáo và đa dân tộc nên có bức tranh văn hoá tôn giáo, dân tộc đa dạng, phong phú. Góp phần không nhỏ vào bức tranh văn hoá đa dạng ấy có văn hoá tôn giáo dân tộc Chăm. Những tôn giáo Ấn Độ như Bà la môn, Ấn Độ giáo, Hồi giáo hầu như chỉ tập trung trong cộng đồng nguời Chăm hiện đang sinh sống ở miền  Trung Việt Nam.
Nếu gọi vùng Đông Nam Á cổ là Ấn -Trung (Indo – China) thì văn hoá tôn giáo Chăm Pa cổ mang đậm dấu ấn văn hoá tôn giáo Ấn Độ, thậm chí cho đến ngày nay tôn giáo  này còn đậm hơn cả ở quê hương nó là Ấn Độ mà các nhà dân gian học gọi là thuyết “hoá thạch ngoại vi trên biên”.
Nằm trong cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, dân tộc Chăm có nền văn hoá bản lâu đời, vì vậy, các tôn giáo Ấn Độ khi du nhập vào Chăm pa đều bị bản địa hoá.
2. Các tôn giáo Ấn Độ truyền bá tới Đông Nam Á bằng hai con đường, đường thuỷ và đường bộ:  một đường từ bờ biển Coromandel Ấn Độ thông qua eo biển Malacca tới quần đảo Mã Lai; một con đường khác là từ Át Xan tiến vào Mianma, rồi từ Mianma truyền vào lưu vực sông Mê Công, đến Chân Lạp, Phù Nam và Chăm Pa.
Các sử liệu Trung Quốc cho biết, vào năm 192, thừa lúc nhà Hậu Hán suy yếu, một nhân vật tên là Khu Liên liền chiếm một phần đất của quận Nhật Nam của nhà Hán (vùng đất nằm giữa đèo Ngang và đèo Hải Vân) xưng vua trong một huyện cực nam là Tượng Lâm (phía nam Thừa Thiên hiện nay). Đó chính là Lâm Ấp hay Chăm Pa mà Tấn thư năm 280 xác định:”  Vương quốc này, về phía nam giáp nước Phù Nam, gồm rất nhiều bộ lạc và liên kết với nhau, lợi dụng núi non hiểm trở, họ không chịu qui phục Trung Quốc”.1
2.1.  Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm thấy một tư liệu nào nói về các nhà sư hay những tín đồ của các tôn giáo Chăm Pa đến truyền đạo. Nhưng những tư liệu khảo cổ học, các bia ký Chăm Pa cho thấy các tôn giáo Ấn Độ đã đến các vương triều Chăm Pa từ rất sớm, thậm chí cùng với việc lập quốc, xây dựng vương quyền kết hợp với thần quyền. Bằng chứng cho thấy niên đại sớm nhất mà Phật Giáo được truyền đến Chăm Pa là tấm bia kí Võ Cạnh được tìm thấy gần Kauthara ( Nha Trang). Tấm bia kí này có niên đại thế kỷ III-IV. Trên bia được ghi bằng chữ Phạn, viết theo kiểu chữ Amravati, có nội dung mang tư tưởng Phật giáo như: “Lokasaaya gatàgati”( sự chết hoặc sự phục sinh của thế giới này) hay: “ Prajànà Karuna”( từ bi trắc ẩn đối với chúng sanh). Theo Tiến sĩ Ngô Văn Doanh, tấm bia Võ Cạnh là bằng chứng vật chất đầu tiên và cũng là cổ nhất ở Đông Nam Á nói về Phật giáo.
Bằng chứng thứ hai về Phật giáo thời kỳ đầu ở Chăm Pa là pho tượng Phật bằng đồng có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI được tìm thấy ở khu di tích Phật giáo ở Đồng Dương. Đây là pho tượng Phật ”áo ướt” theo phong cách Ganhara nhưng tóc lại xoăn của Natura, phải chăng nó được nhập trực tiếp từ Ấn Độ hoặc từ Xrilanca.
Năm 1901, các nhà khảo cổ học ngời Pháp đã đào và phát hiện ở tu viện Phật Đồng Dương 229  pho tượng Phật. Hiện nay, những bức tượng và các mảng điêu khắc liên quan đến các dấu ấn Phật giáo được trưng bày ở bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Các sử liệu Trung Quốc như “ Lương thư, Tuỳ thư, Nam tề thư…” đều ghi rằng Chăm Pa là một quốc gia Phật Thích Ca. Vào đời nhà Tuỳ, Lưu Phương đem quân từ Giao Châu đi đánh Lâm Ấp và chiếm được quốc đô. Lưu Phương vào thành bắt hết người Chăm, thu được 18 thần chủ bằng vàng thờ trong miếu, hơn 1300 bộ kinh Phật và nhiều sách viết bằng chữ Chiêm Bà1.
Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy thân tuợng Phật ở Quảng Khê (Quảng Bình) và hình Phật trên phù điêu ở Phước Tịnh (Phú Yên), Thân tượng Phật ở Quảng Khê gắn với kiểu tượng Ấn Độ thế kỷ IV-VI ở Bagh II và Ajanta X. Còn phù điêu ở Phước Tịnh cũng thuộc thế kỷ IV-VI và gần với nghệ thuật tượng Phật Môn-Đvaravati.
2.2. Sử sách Trung Quốc cho thấy, ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, Bà la môn và Ấn Độ giáo đã vào Chăm Pa: “…ở Lâm Ba (Lâm ấp)- tức Chăm Pa, có một quốc vương tên là Bhadravarman đã cho xây một đền thần đầu tiên ở vùng núi Mỹ Sơn, hơn thế ông đã đem dâng hiến nó cho Siva – Bhadresvara”2.
Bà la môn giáo du nhập vào Chăm Pa rất sớm. Bốn bia ký bằng chữ Phạn có niên đại thế kỷ VII được tìm thấy ở Quảng Nam và Phú Yên ở triều đại Bhadresvaravamin, ba trong bốn bia ký đó ghi nhận lãnh địa dành cho vị thần này. Còn bia ký Mỹ sơn thì nói đến sự thành kính dành cho” Mahesvara, Uma, Brahma, Visnu…”
Những bia ký của ông vua Sambhuvarman thế kỷ VII nói về một lãnh địa thần của thần ( deva devalaya) nghĩa là của Bhadrésvara đã bị đốt phá và đã được vua khôi phục lại. Một bia ký khác nói về việc xây dựng một bàn thờ, một vedi (bệ thờ) bằng gạch bọc bạc và trên có đặt một bức tượng của Laksmi. Như vậy, cho đến thế kỷ thứ VII, Ấn Độ giáo mà chủ yếu là Siva giáo đã trở thành tôn giáo chính thống của các vua chúa Chăm Pa. Từ đây hình thành Thánh địa tôn giáo Mỹ Sơn (mà đến hôm nay được UNSCO công nhận là di sản văn hoá thế giới). Khu thánh địa tôn giáo Mỹ Sơn cũng bị đập phá nhiều lần. Theo “Tống thư”, năm 446, thứ sử  Giao châu là Đàn Hoà Chi đã phá các đền đài, nấu các bức tượng vàng của Lâm Ấp thành thoi được 100 ngàn cân.
Từ thời Lâm Ấp đến Hoàn Vương, tức là từ thế kỷ II đến thế kỷ IX, đạo Bà la môn và Ấn Độ giáo luôn luôn được coi trọng. Các bia ký giai đoạn này đều chứng minh tầm quan trọng của Siva giáo: ” Đáng kính trọng hơn cả Brahma, Visnu, Indra. Surya, Asura, hơn những vị Bàlamôn và hơn những Rsi, các vua chúa”.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, Phật giáo luôn luôn tồn tại và có nhiều triều đại vẫn coi trọng Phật Giáo. Một bia ký có niên đại năm 829 của vị triều thần Bakul nói tới những tặng phẩm do Samata, vị thượng thư của triều đại Vikrantavarman, cúng cho vị thần ở nước Mandala và ghi chép về hai tăng viện Phật giáo (vihara) và hai đền thờ (deva kutidve) dâng cho Jinahay (tức Phật) và nói tới vai trò của những Phật tử mà tác giả bia ký gọi là Buddhanirvana.
2.3. Cũng như  phật giáo và Siva giáo, Visnu giáo cũng đượcnhiều triều đại coi trọng. Ba bia ký (hai của Indravarman I và một của Vikrantavarman III) tìm thấy ở Phan Rang nói nhiều tới Visnu giáo. Nhà vua tự so sánh mình với Vikrama: “ Nâng quả đất lên bằng hai cánh tay” hoặc với Narayana: “ Nằm trên con rắn và nâng thế giới lên bằng bốn cánh tay”. Bia ký của Senapati Par, tổng đốc tỉnh Pandurangapura (vùng Phan Rang ngày nay) ngợi ca vị tổng đốc như một Narayana (Visnu) hiện thân, và cánh tay của ông được so với “con rắn nâng cái đĩa trái đất chìm đắm trong đại dương của thời đại Kali”.
Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV, lịch sử Chăm Pa có nhiều biến động lớn. Vào thế kỷ XIII, từ thời Jaya Harivarman I, bắt đầu cuộc chiến tranh giữa bắc và nam Chăm Pa, rồi tiếp đó là giữa Chăm Pa và Cămpuchia. Kết quả là Chăm Pa bị tàn phá nặng nề và trở thành một tỉnh của người Khơme từ năm 1203 đến 1220. Các bia ký thời kỳ này đều nói tới vai trò của Phật giáo Đại thừa ở Chăm Pa. Tuy nhiên, vua Suryavarmadeva mặc dù tuyên bố theo phật giáo đại thừa nhưng vẫn dâng hiến tặng vật cho vị thần Siva ở Mỹ Sơn là Bhadresvara, tặng vật của ông là 1 chiếc kosa có sáu mặt (Satmukha) nặng 510 thoi. Đây là một trong những kosa quan trọng và có giá trị nhất mà chúng ta được biết về văn minh cổ Chăm Pa.
2.4. Tóm lại, suốt hơn 12 thế kỷ tồn tại, Chăm Pa liên tục lấy những tôn giáo Ấn Độ làm tôn giáo của mình. Chăm Pa không kỳ thị tôn giáo mà tiếp thu rất nhiều giáo phái của Ấn Độ. Bao trùm lên suôt quá trình lịch sử tồn tại của mình là sự hỗn dung của các giáo phái Ấn Độ. Văn hoá và con người ChămPa tiếp nhận tất cả: Đức hiếu sinh, từ bi của phật giáo, tình thương của  Visnu giáo và cả tính hung bạo quyền lực của Siva giáo.
Những tôn giáo Ấn Độ đã chi phối rất lớn đến đời sống văn hóa Chămpa. Những ảnh hưởng đó có thể tìm thấy ở trong đời sống tâm linh, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc v.v… của người Chăm.
3. Cùng với sự tiếp thu tôn giáo, ngay từ khi ra đời nhà nước Lâm Ấp năm 192, Người Chăm đã tiếp thu những ảnh hưởng kèm theo tôn giáo là văn hoá, văn học, văn tự, phong tục và đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Ấn Độ có thể là trực tiếp từ Ấn Độ, hoặc thông qua các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nhưng khi tiếp thu những thành tựu văn minh Ấn Độ, người Chăm đã gắn với nghệ thuật bản địa, làm cho nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Chăm Pa cổ trở nên độc đáo, có tính chất điển hình ở Đông Nam Á.  Những đền tháp và các tác phẩm điêu khắc của người Chăm xưa đều tiếp thu của Ấn Độ, vừa có sự tiếp thu của Khơ me, của Giava và cả của Đại Việt.
Qua nghiên cứu những tư liệu tương đối phong phú về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Chăm Pa  của các học giả người Pháp như P. Stéc ; J. Boátsơlie và đặc biệt là H. Păcmăngchiê, các ông đã chia bảng niên đại và phong cách nghệ thuật ra thành nhiều thời kỳ, kèm theo đó là các phong cách nghệ thuật. Một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã đưa ra những khung niên đại và phong cách khác nhau. PGS Cao Xuân Phổ chia ra thành 6 mốc lớn. TS Ngô Văn Doanh trong cuốn Văn hoá Chăm Pa lại thống nhất theo cách chia của các học giả người Pháp đầu thế kỷ. H. Pácmăngchie chia lịch sử nghệ thuật cổ Chăm pa làm hai thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất: từ thế kỷ VII đến thế kỷ X
Thời kỳ thứ hai: Bắt đầu từ thế kỷ XI đến kết thúc nghệ thuật cổ Chăm Pa..
P.Stéc chia nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ Chăm Pa ra các phong cách:
1- Phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX)
2- Phong cách Hoà Lai (nửa đầu thế kỷ IX)
3- Phong cách Đồng Dương (nửa hai thế kỷ IX – đầu thế kỷ X)
4- Phong cách Mỹ Sơn A1 (đầu thế kỷ X – đầu thế kỷ XI)
5- Phong cách chuyển tiếp từ Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định (nửa đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII
6- Phong cách Bình Định (giữa thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIV)
7- Phong cách muộn (đầu thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI)
Nhờ cách chia này, P.Stéc vừa gộp được quá trình phát triển của nghệ thuật kiến trúc lẫn điêu khắc, đồng thời xâu chuỗi được niên đại và phong cách tương ứng với lịch trình phát triển nghệ thuật Chăm Pa cổ.
3.1. Kiến trúc Chăm Pa cổ còn lại chủ yếu là đền Tháp. Nếu tính cả hai khu kiến trúc lớn là khu di tích Mỹ Sơn và khu Đồng Dương thì suốt dải đất miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận có tất cả 19 khu Tháp với 40 kiến trúc lớn nhỏ hiện còn và có niên đại từ thế kỷ IX đến XVI. Nếu so sánh với những gì đã mất, số lượng Tháp Chăm còn lại quá ít ỏi, nhưng chúng là những bằng chứng đầy thuyết phục về một nền kiến trúc cổ độc đáo của ĐNA
Tháp cổ Chăm Pa ảnh hưởng từ Ấn Độ bởi nó mang hình núi Mê ru thu nhỏ. Các vị thần của Ấn Độ giáo ngự ở trung tâm thế giới trên núi Mêru nên đền thờ ngài ở hạ giới phải thể hiện như núi Vũ Trụ Mê ru thu nhỏ và phải tuân theo bố cục:  hướng tâm, các trục quay ra bốn hướng, mặt tiền quay về hướng đông (hướng mặt trời mọc, nguồn gốc của sự sống). Hiện nay cụm tháp còn tương đối hoàn chỉnh là Tháp Chàm Pôklongrai ở Ninh Thuận. Tháp này được xây dựng trên đỉnh của đồi Trầu, chia làm ba phần, tháp cổng quay mặt về hướng đông, kế đến là một chiếc sân gạch hình chữ nhật rộng chừng 20 m2, cao chừng hơn 1 m,  là sân để múa hát và làm lễ. ở trung tâm là tháp chính, đó là một toà tháp hình khối chân vuông được xây bằng gạch có tường rất dày, ở giữa rỗng, hành lang dẫn vào lòng tháp rất hẹp và có tượng bò thần Nađin bằng đá ngự một bên lối đi. Trong lòng tháp là một gian điện thờ hình vuông, vách đứng thẳng, không trang trí và phẳng trơn. Một mái vút cao ở phía trên  gian điện thờ được xây theo kiểu so le giật cấp kéo thẳng một mạch lên tận đỉnh. Trên các đường trục, có những ô khám nhỏ khoét trong vách tường, dùng làm nơi để đèn dầu. Ở chính giữa là bệ thờ bộ mukhalinga-yoni có gắn mặt vua – thần Pôklongrai. Do chỉ có một hành lang dẫn vào rất hẹp, lại không có cửa sổ nên hầu như lúc nào trong gian thờ cũng mờ tối, tạo ra cảm giác linh thiêng pha chút bí hiểm cho gian thờ. Gian thờ hẹp cũng có thể có mục đích là không thể vào nhiều người một lúc được. Các vị cả sư cho biết, ngày xưa, chỉ có những tu sĩ Balamôn và những người thuộc đẳng cấp cao mới được vào trong gian điện thờ.
Phía nam của tháp chính là tháp lửa, là nơi ngày xưa dùng làm nơi chuẩn bị đồ tế thần.
Nhìn từ bên ngoài, tháp Chăm là một là một cấu trúc nhiều tầng. Tầng dưới cùng làm cái vỏ cho gian điện, bên ngoài có những hình ốp có trang trí nằm giữa hai bộ gờ trên và dưới. Các tầng tháp nối nhau nhỏ dần lên tận đỉnh, mỗi tầng lại có các hoa văn và các lá nhĩ mang nhiều phong cách khác nhau, ở tháp Pôklongrai, mỗi tầng lại có tượng Siva làm bằng đá, và ở trên đỉnh tháp là một hòn đá hình bầu dục (giống như hòn đá trên các “kut”) đầu nhọn hướng lên trời. Có ý kiến cho rằng đây là biểu tượng Linga, nhưng theo tôi thì có lẽ đây là biểu tượng bia đá cho kalăn (lăng mộ) cho chiếc mộ khổng lồ là tháp.
Những khu đền tháp lớn của Chăm Pa tập trung ở các trung tâm lớn như Thánh địa Mỹ Sơn, vùng Vijaya, vùng Kauthara và Pandurangara thờ các thần của Ấn Độ giáo như Brhma, Visnu, Siva. Người Chăm gọi cácTháp Chăm là Kalăn, có nghĩa là đền lăng, và những cụm tháp đền thờ thần được kết hợp với lăng mộ và thờ vua chúa: Tháp Pô Tầm ở Phan Rí (Bình Thuận) thờ vua PôTầm, tháp Pôrômê và tháp Pôklongrai ở Ninh Thụân thờ vua Pôrômê và vua Pôklongrai.
Như vậy, các Tháp đền khi đến với Chăm Pa không chỉ để thờ thần nữa mà kèm theo thờ phụng vua chúa, hay nói rộng ra là thờ cúng tổ tiên. Các bia ký Chăm Pa đều nói tới việc họ dựng các đền thờ các bậc tiền bối của mình dưới dạng các thần linh. Một số tượng mặt vua như Poklongirai, Porome được gắn vào cây linga (gọi là Mukhalinga) và đặt thờ trong lòng các Tháp
Về kiến trúc và điêu khắc Chăm cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu chưa kết luận được. Thứ nhất là vật liệu làm vữa để liên kết các viên gạch xây nên Tháp là bằng chất gì? người Chăm xưa đã xây dựng những ngôi Tháp đồ sộ đó như thế nào? Điều bí ẩn thứ hai là tài nghệ chạm khắc trên gạch, những tường Tháp dầy đặc những hình chạm khắc tinh tế như những bàn tay có phép màu của những nghệ sỹ Chăm xưa. Không biết người Chăm xưa xây tháp xong mới khắc chạm hay chạm trổ trước từ gạch non mới ghép lại xây nên?
TS Ngô Văn Doanh chia nghệ thuật kiến trúc Chăm thành 3 nhóm, nhóm 1 là những Tháp được xây dựng từ thế kỷ IX với hai phong cách Hoà Lai và Đồng Dương. Nhóm 2 là nhóm xây dựng thế kỷ X với phong cách Mỹ Sơn A1 và nhóm 3 là nhóm Tháp thế kỷ XI – XIII với phong cách Bình Định. Ba phong cách mang ba ngôn ngữ tạo hình chủ đạo : Nhóm 1 khoẻ khoắn trong trang trí và trong hình dáng cục mịch vuông vức, nhóm 2 thanh tú, trang nhã trong đường nét  và hài hoà trong tỷ lệ, nhóm 3 thì đường bệ trong mảng khối.1
Ngoài các khu kiến trúc phục vụ cho Bà la môn giáo và Ấn Độ giáo, Chăm pa còn một khu kiến trúc và điêu khắc rất quan trọng là khu Phật giáo Đồng Dương, (Quảng Nam). Đồng Dương theo tiếng Chăm là Indrapura, được xây dựng vào năm 875 dưới triều vua Indravarman II mà bia ký mô tả là một “thành phố được trang hoàng lộng lẫy đẹp như thành phố của Indra”. Đây là một tổng thể kiến trúc nằm trên  một ngọn đồi cao 500m, có chiều dài từ tây sang đông là 1330 m. Trong thung lũng còn lại rất nhiều dấu vết của những ngôi chùa hay những tu viện Phật giáo. Theo bia ký tìm thấy ở Đồng Dương, tu viện Phật giáo này xây dựng để thờ Lasmindra Lokesvara. Rất tiếc là khu di tích tu viện Phật giáo này đã không được tồn tại cùng với thời gian.
Trong vòng 8 thế kỷ, người Chăm đã xây đựng rất nhiều đền Tháp với những phong cách khác nhau, tháp và những phế tích tháp còn lại hôm nay là rất ít ỏi so với những gì đã có nhưng vẫn là những viên ngọc quí của nền kiến trúc cổ Việt Nam và Đông Nam Á. Cùng với tôn giáo là sự giao lưu văn hoá giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có thể thấy phong cách Chăm trên nhóm kiến trúc Prasat Damay Krap ở Xiêm riệp, có thể thấy kiến trúc nửa Chăm – nửa Khơ me trên cụm tháp Hoà Lai ở Ninh Thụân. Tháp Đôi ở Bình Định có chân tháp mang dáng dấp của Đại Việt, thân tháp là Chăm, nhưng phần trên lại là Khơ me…
3.2. Ở Đông Nam Á có 3 nền điêu khắc mang tầm cỡ thế giới là Giava, Khơme và Chăm. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá những bức tượng cổ ChămPa. Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ thuật đều công nhận vẻ đẹp lạ kỳ và độc đáo của phong cách nghệ thuật Đồng Dương, một phong cách được đánh giá là rất Chăm. Nhưng cũng nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng từng nhân vật hay từng nhóm nhân vật trên các mảng điêu khắc hay bị tách rời, thiếu sinh động, thiếu nhịp điệu và thường vi phạm những qui tắc về giải phẫu học và không gian mà nghệ thuật điêu khắc qui định. Ví dụ như bàn tay quá to, cánh tay quá cong ở vũ nữ Trà Kiện, eo hông tượng Siva uốn quá cong v.v… Cũng có lẽ vì vậy mà nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa được đánh giá là nghệ thuật ấn tượng nhiều hơn là tả thực. Đây là một đặc điểm tạo nên vẻ đẹp độc đáo và riêng có ở nghệ thuật điêu khắc cổ Chăm Pa và có đóng góp lớn cho nghệ thuật điêu khắc ở khu vực Đông Nam Á.

Lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc Chăm đựoc coi là chịu ảnh hưởng sâu sắc của ấn Độ nhưng vẫn chứa đựng nhiều nét Chăm hoá. Vũ nữ thiên thần “Apsara”(lượn trong nước) có dáng mềm mại, uyển chuyển đã hoá thân vào nghệ thuật múa, nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ  và nhiều nước khác, nhưng qua bàn tay nghệ thuật của các nghệ nhân Chăm, “Apsara” đã trở thành biểu tượng hàm chứa mọi vẻ đẹp rất riêng của cô gái Chăm. Nàng không có bộ ngực đồ sộ quá lớn như nàng Apsara Ấn Độ vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn thờ bầu sữa mẹ thiêng liêng vĩ đại.
Những tác phẩm của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa chủ yếu phục vụ tôn giáo, cụ thể là tượng của đạo Phật và Ấn Độ giáo. Điêu khắc Phật giáo ở Đồng Dương (Inđrapura) tạo nên cả một phong cách Đồng Dương. Đây là cả một thánh đường Phật giáo: Có tượng Phật, tượng các vị La Hán và các tu sĩ. Đặc biệt tượng các vị môn thần được coi là đẹp nhất và độc đáo nhất. Năm 1911, người ta đã đào được một pho tượng đồng cao 1,08m, là tượng Phật đứng, Phật mặc một tấm áo tu hành dài để hở và khoác ngoài một tấm áo khoác. Tóc Phật là những vòng xoáy ốc, Trên trán có một urna lớn…Năm 1978, nhân dân địa phương ở Quảng nam đã đào được một pho tượng nữ bằng đồng cao 114cm. Theo các nhà khoa học, pho tượng đồng này là pho tưượng chính của Phật viện Lasmindra Lokesvara, vị thần bảo hộ vua Indrávarman II mà bia ký có nhắc tới.
Sử liệu Trung Quốc nói rằng: Trong khi đánh Lâm Ấp, viên tướng Lưu Phương đã lấy về 1.350 tác phẩm điêu khắc Phật giáo. Ngoài những tác phẩm điêu khắc tìm được ở Đồng Dương, còn tìm được những tác phẩm điêu khắc ở thánh đường Phật giáo Đại Thừa và ở Mĩ Đức (Quảng Bình) mang những biểu tượng Phật giáo. Sự có mặt của các tượng Phật ở trên đất Chăm Pa chứng tỏ rằng Phật giáo đã có vai trò đáng kể ở vương quốc Chăm Pa.
Một mảng đề tài điêu khắc rất lớn của Chăm Pa là đề tài Ấn Độ giáo. Như đã phân tích ở phần tôn giáo, Siva giáo có lúc được đẩy lên thành quốc giáo, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại Visnu, Brahma và cả Pônagar. Kèm theo các tác phẩm điêu khắc Siva, Visnu, Brahma là các con vật được thờ như rắn Sera, bò thần Nađin…
Do vị trí địa lý và hoàn cảnh của lịch sử qui định, nền nghệ thuật điêu khắc cổ Chăm Pa luôn chịu sự tác động từ bên ngoài: ảnh hưởng từ Ấn Độ ở giai đoạn trước thế kỷ VII, ảnh hưởng của Giava trong phong cách Trà Kiệu, ảnh hưởng của nghệ thuật Khơme trong phong cách Bình Định… Nhưng những ảnh hưởng từ bên ngoài khi vào Chăm Pa đều bị biến đổi theo những phong cách truyền thống Chăm. Những tác phẩm điêu khắc khi vào Chăm Pa đều có xu hướng tượng tròn hoá, hoành tráng hoá theo xu hướng của chủ nghĩa ấn tượng, không theo lối tả thực.
Nhờ vậy, điêu khắc Chăm Pa cổ vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo Ấn Độ vừa in đậm dấu ấn văn hoá Chăm bản địa, đồng thời có sự sáng tạo, phát triển, hình thành nên phong cách riêng của mình. Vì vậy cũng không nên kết luận văn hoá Chăm là cái bóng của văn hoá Ấn Độ.
3.3. Nhờ có chữ viết sớm nên văn học nghệ thuật Chăm sớm phát triển. Văn học dân gian phát triển nhiều thể loại và phản ánh nhiều nội dung về triết lý, tâm lý dân tộc và các khía cạnh văn hoá. Văn học dân gian, truyện thần thoại, truyền thuyết đều có sự ảnh hưởng của tôn giáo. Đáng lưu ý là những truyện thần thoại nói về các vị thần sáng tạo ra vũ trụ, những truyền thuyết về Pônưgar (mẹ xứ sở) và các tượng mẹ xứ sở được thờ ở Tháp Bà (Nha Trang) và đền thờ Pônưgar ở Hữu Đức, Ninh Thuận.
Kho tàng cổ tích của người Chăm tương đối phong phú, được lưu truyền từ lâu đời và rộng rãi trong tầng lớp nhân dân, có nhiều truyện cổ tích được xây dựng trên các mô típ  truyện cổ dân gian của các vùng Đông Nam Á, đồng thời phản ánh được nhiều mặt xã hội như sự xung đột tôn giáo, xung đột xã hội, gia đình, chế độ mẫu hệ… Người Chăm có kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, câu đố, sử thi phong phú, có nhiều trường ca có giá trị nghệ thuật cao như Sakukay, Ramayana, Umưrup…đều ảnh hưởng từ Bà la môn và Ấn Độ giáo.
Nhìn chung, văn học nghệ thuật Chăm tuy bị ảnh hưởng của các tôn giáo nhưng với nguồn mạch văn hoá dân gian bản địa phong phú, người Chăm đã sáng tạo nên một nền nghệ thuật đặc sắc vừa mang tính tôn giáo vừa mang tính bản địa
3.4. Âm nhạc và múa của người Chăm vừa mang tính tôn giáo vừa mang chất dân gian bản địa, tạo nên một nền nghệ thuật dân gian đặc sắc. Đối với người Chăm, âm nhạc có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng như: Lễ hội Katê, lễ Rijanưgar, lễ  Yôn Yang, Chàvà lớn và Chàvà nhỏ v.v… Trước đây, âm nhạc và múa chỉ đơn thuần phục vụ nghi lễ, không được phép sử dụng làm chức năng vui chơi nhảy múa có tinh chất trần tục như ngày nay. Nhạc cụ Chăm có đủ các bộ gõ, bộ hơi và bộ dây. Bộ gõ có trống Paranưng, trống Ghi năng, chiêng, mõ; bộ dây có đàn Ka nhi (nhị mu rùa),  bộ hơi có kèn Saranai, tù và v.v… Ngoài ra, người Chăm còn lưu giữ được kho tàng dân ca với những làn điệu, cung bậc, thang âm có quan hệ mật thiết với dân ca quan họ Bắc Ninh và dân ca miền Trung. Các bài hát lễ, sử thi được các tu sỹ, thầy Kamưne, Mưtuồn lưu truyền và hát ở các lễ hội, các lễ cúng, nội dung  ca ngợi công đức, sự oai linh của các vị anh hùng. Hầu như trong lễ hội nào của người Chăm cũng có múa và hát lễ, đây chắc chắn là ảnh hưởng rất lớn từ đạo Bà La môn xa xưa. “…Trong kinh Vêđa từ thế kỷ XX trước công nguyên có “Sama Vêda” là tập ca khúc dùng để hát xướng khi cúng bái, tổng cộng 1549 bài. Nội dung chủ yếu của Phuốc Vêda là nói rõ trong khi cúng tế nên dùng các thi ca này và tiến hành cúng tế như thế nào”1. Những bài tế lễ của các vị cả sư Chăm hiện nay vẫn là những lời ca được truyền bá từ ấn Độ xưa kia. Ví dụ trong lễ tắm tượng ở  lễ hội Katê trên tháp Pôklongrai, thầy lễ hát:” Chúng con lấy nước từ con sông Hằng đội về để tắm thần, thần là thần của cả trời đất…”2.
Người Chăm có một nền nghệ thuật múa rất đặc sắc. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ thiếu nữ hay phụ nữ Chăm nào cũng biết múa (tuy nhiên không phải là dễ múa). Khi múa, các vũ nữ dùng quạt và khăn dài để múa, tượng trưng cho những cánh chim. Các điệu múa như: Pi điền: múa công; Kamang: múa gàlôi; marai: múa chim trĩ v.v…Một thể loại múa khác liên quan đến nghi lễ tôn giáo Chăm là múa Bóng, đây là một thể loại múa rất phong phú của người Chăm, người múa có thể nam hoặc nữ và  múa theo nhạc lễ, có nhiều lúc đẩy lên cao trào kiểu nhập hồn như múa đạp lửa, múa roi, múa chèo thuyền. Múa bóng của người Chăm ít nhiều có ảnh hưởng của văn hoá Hán, nhất là phần âm nhạc. Vũ nữ được chọn là  những thiếu nữ xinh đẹp, người cân đối và có năng khiếu múa. Tuỳ theo tài năng của từng người mà hàng năm các vũ nữ được phong cấp từ tập sự, vũ nữ đến vũ sư. Nền nghệ thuật múa mang tính tôn giáo Chăm thể hiện rất rõ ở nghệ thuật điêu khắc như các mảng điêu khắc vũ nữ Trà kiệu, tượng Apsara. Các động tác múa chắc chắn đều có ảnh hưởng từ các múa nghi lễ, múa cung đình Ấn Độ.
3.5. Tôn giáo Ấn Độ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của người Chăm. Tôn giáo người Chăm cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chủng họ (Caslus) của Ấn Độ trong “ Nguyên nhân ca” của kinh Vêda1, xã hội người Chăm xưa cũng chia làm bốn đẳng cấp chính:
1.Brahman: (Bà la môn), đây là tầng lớp tu sĩ (tế tư) đây là đẳng cấp được sinh ra từ cái miệng của “Nguyên nhân “.
2.Ksttriya: (Sát đế lợi): tầng lớp quí tộc, vương phái, võ sĩ, từ trong cánh tay “Nguyên nhân” sinh ra.
3.Vaisia : Bình dân, nông dân, thợ thủ công và thương nhân, từ trong đùi “nguyên nhân” sinh ra.
4.Cudra (Thủ đà la): là tầng lớp nô lệ, là tù binh của những kẻ bại trận, đựoc sinh ra từ  dưới chân “ Nguyên nhân”.
Đứng đầu các đẳng cấp trên là đẳng cấp tu sĩ. Trong dân gian người Chăm hiện nay còn phân biệt các tầng lớp như sau:
-Halâu chà nừng: tầng lớp tu sĩ.
-Urang ginúp: giai cấp quí tộc.
-Palwa: giai cấp tôi tớ, cùng đinh. Ngoài ra người Chăm còn có từ Pa tâu để chỉ các vua chúa.
Tiêu biểu cho đạo Bà la môn của người Chăm là tầng lớp tăng lữ gọi là Pasếh. Đối với tín đồ, đó là một loại trí thức trong xã hội. Họ biết chữ Chăm, hiểu biết tập tục, truyền bá và thực hiện các nghi thức tôn giáo. Về mặt xã hội, họ thuộc tầng lớp quí tộc cũ và trước năm 1975 là tầng lớp trung nông. Các thầy Pasếh có trang phục riêng, quần áo màu trắng, tóc búi giữa đỉnh đầu, bịt khăn trắng có tua đỏ. Pasếh thường là người thuộc dòng dõi quí tộc, cha truyền con nối từ lâu đời, không bị tật nguyền. Họ phải giữ các giáo luật được ghi trong kinh lớn (Găr bachprong). Tăng lữ Bàlamôn hiện nay ở người Chăm có năm cấp từ thấp đến cao như sau:
-Pasếh dung akók: Người mới vào hàng giáo phẩm.
-Pasếh liakv.
-Pasếh puah.
-Tapan Pô adhia: còn gọi là thầy cả (on gru).
Trong hệ thống Pasếh, hai cấp Tapan và Pô adhia là những cấp thực sự lãnh đạo tinh thần các tu sĩ và dân thôn. Riêng thầy Cả Pô dhia là người duy nhất có quyền cho tổ chức các ngày tế lễ. Ông phải nắm vững lịch các ngày trọng lễ của Đạo để khỏi có sự trùng lặp và phải thuộc những thủ tục rất phức tạp khi hành lễ, đặc biệt là các lời cúng và hàng loạt rất nhiều các phép bùa chú. Việc lên cấp Tapah và Pô dhia đòi hỏi nhiều điều kiện: đạo đức tông giáo, gia đình và kinh tế. Chỉ có những người khá giả, giàu có và có dòng dõi mới có thể bước lên hàng giáo phẩm tối ưu này
4.  Rõ ràng là suốt chiều dài lịch sử, người Chăm tự nguyện tiếp nhận các tôn giáo lớn của Ấn Độ. Những tôn giáo này làm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hoá, xã hội của Chăm Pa cổ, cho đến ngày nay nó vẫn giữ được dấu ấn đậm nét của văn hoá các tôn giáo Ấn Độ.
Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh rằng, ngay từ những ngày đầu hình thành nhà nước và tiếp nhận các tôn giáo lớn từ Ấn Độ, văn hoá các tôn giáo du nhập , tạo cho mình một tôn giáo khá riêng mang màu sắc của văn hoá Chăm bản địa. Những biểu hiện rõ nét nhất là việc thờ phụng các vị thần trong tôn giáo. Các vị thần của Ấn Độ giáo như  Siva, Visnu, Brahma và kể cả các vị thần thứ yếu cũng được thờ phụng ở Chăm Pa. Phật giáo cũng có vai trò nhất định ở người Chăm, nhưng Siva giáo luôn được tôn là quốc giáo. Theo thống kê của Paulmus, trong tổng số 128 bia ký tìm được ở Chăm Pa thì có tới 92 bia nói về Siva và các thần thuộc Siva giáo; 3 bia nói về Visnu, 5 bia nói về Brahma và 7 bia nói về phật giáo
Sau nhiều năm nghiên cứu trên thực địa tại vùng người Chăm Bàlamôn giáo ở Ninh Thuận và Bình Thuận, TS Ngô Văn Doanh đã có nhận xét rằng “những yếu tố Ấn Độ, dù rất đậm và quan trọng, cũng chỉ là cái vỏ, cái hình thức bên ngoài bọc lên những yếu tố tín ngưỡng bàn địa mà chủ yếu là thờ cúng tổ tiên…” 1.  Những yếu tố bàn địa còn thấy rất rõ và rất nhiều ở trong các lễ hội như Rijanưgar, lễ Yỗn Yang, lễ hội Kate… và cả những nghi lễ vòng đời người của người Chăm theo Bàlamôn giáo và Bà ni giáo hôm nay ở cộng đồng người Chăm Việt Nam.
Người Chăm hôm nay vẫn tồn tại tín ngưỡng đa thần, các kiêng kị, tập tục. Người Chăm cho rằng nếu không kiêng kị sẽ làm đảo lộn mối quan hệ giữa thế giới dương và thế giới âm và phải chịu các tai hoạ. Phụ nữ mang thai phải giữ một số kiêng kỵ khi nói năng, ăn uống, đi lại. Sản phụ và hài nhi phải ở phòng kín, tránh mọi sự tiếp xúc. Tại Bắc Bình, Bình Thuận, ở trước nhà sản phụ người ta cắm một  cọc nhỏ trên sân có gài một cây củi cháy, để  đầu củi cháy quay vào nhà là gia đình đã sinh con gái. Gặp các trường hợp trên là dấu hiệu cấm kỵ, phải tuyệt đối tôn trọng, người lạ không đi vào nhà. (Sinh được con gái, người Chăm rất mừng vì họ theo chế độ mẫu hệ)
Từ hơn nửa thiên niên kỷ nay, đồng bào Chăm đã là một thành phần dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt từ sau năm 1975, với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và tôn giáo, đồng bào Chăm được duy trì tự do tín ngưỡng, các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo được khôi phục. Đó là những hoạt động thiết thực góp phần vào việc bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hoá dân tộc Chăm – một nền văn hoá đặc thù còn mang trên mình những màu sắc văn hoá ảnh hưởng từ những tôn giáo Ấn Độ – cũng là góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.




TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1- Phạm Đức Dương, Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb KHXH, Hà Nội 2000.
2- Ngô Văn Doanh, Văn hoá Chăm Pa, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1994.
3- Nhiều tác giả, Văn hoá học Đại cương và cơ sở Văn hoá Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội 1996.
4- Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục 1998
5- Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Xuân Kính ( chủ biên), Văn hoá dân gian, những phương pháp nghiên cứu, Nxb KHXH, Hà Nội 1990
6- Xem: Phan Quốc Anh, Lễ hội Ka tê của người Chăm Ninh Thuận, tạp chí VHNT số 5, 1999.
7- Ngô Văn Doanh, Lễ hội Rija nưgar của người Chăm, Nxb VHDT, Hà Nội, 1998.
8-  Viện nghiên cứu Tôn giáo. Những vấn đề tôn giáo hiện nay. Nxb Giáo dục. Hà Nội 1997.
9- Xem: Ngô Văn Doanh, Vũ điệu đạp lửa trong lễ hội Rijanưgar của người Chăm, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5,1999.
10- Xem: Phan Xuân Biên. Văn hoá Chăm, những yếu tố bản địa hoá. Tạp chí dân tộc học số 1.1993.
11-  Hoàng Tâm Xuyên.  Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb CTQG. Hà Nội 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét