Thử tìm hiểu về bang giao Champa - Đại Việt trên phương diện “Văn hóa sản xuất” |
TỐNG THỊ PHƯƠNG |
Vương quốc Champa hình thành và phát triển trên dải ven biển miền Trung Việt Nam và một phần cao nguyên Trường Sơn. Chủ nhân của vương quốc này là người Chăm, trước đây còn gọi là người Chàm, Chiêm, nói tiếng Malayo - Folynesian, cư trú rất rộng trên vùng đất đảo Tây Nam Thái Bình Dương, Tây Ấn Độ. Một bộ phận sống ở ven biển miền Trung Việt Nam ngày nay được gọi là người Chăm là do gắn liền với sự thành lập vương quốc Champa. Cái tên Champa được nhắc đến lần đầu tiên trong văn trên văn bia của vua Champa là Sambhuvarman (595-629) và cả trên bia Chân Lạp gọi là bia Ang Chumnik có niên điểm là năm 668.
Vương quốc Champa được phát triển trên cơ sở Nhà nước Lâm Ấp và cội nguồn là nền văn hóa Sa Huỳnh. Trước khi trở thành một phần của đất nước Việt Nam, vương quốc Champa đã có quá trình lịch sử phát triển lâu dài với không ít những bước đi thăng trầm và đặc biệt có mối quan hệ bang giao khăng khít với nước Đại Việt.
Mối quan hệ giữa Champa và Đại Việt được xác lập ngay từ thời trị vì của vương triều Sinhapura và Virapura, lúc Đại Việt còn chịu sự thống trị của vương triều phương Bắc. Mối quan hệ ấy đầu tiên được xác lập là do sự chủ động đặt mối quan hệ ngoại giao của Mai Thúc Loan với vua Lâm Ấp là Phạm Hà Dĩnh để cùng chiến đấu chống quân xâm lược nhà Đường, kẻ thù chung giữa hai dân tộc
Quan hệ Champa - Đại Việt đã được tăng cường và thể hiện hết sức tốt đẹp trong cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Nguyên (1282-1284). Mối hiềm tỵ từng có giữa Champa - Đại Việt không bị lợi dụng trong cuộc chiến này. Nhà Nguyên đã thất bại khi muốn mượn Đại Việt đánh Champa và muốn thôn tính Champa tấn công Đại Việt. Nhờ đó, một quan hệ hòa hiếu được thiết lập trước, trong và sau cuộc chiến và kéo dài đến thời vua Chế Mân (1285). Quan hệ trở nên hoàn toàn thân thiết đến mức có việc dường như đã vượt qua cả những thủ tục ngoại giao thông thường khi mối lương duyên giữa quốc vương Chế Mân và công chúa nhà Trần Huyền Trân được thiết lập.
Người Chăm và người Việt cùng sinh sống trên mảnh đất Panduranga, giữa họ đã diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa khá sống động, cũng đã có những bộ phận người Kinh (Việt) vào đây sinh sống từ khá sớm đã bị Champa hóa, hình thành nhóm “Kinh cựu”, có thể có sự khác biệt giữa các vùng cực Nam Trung bộ với các vùng thuộc Trung Trung bộ về sự hiện diện cử người Champa. Nếu vùng Trung Trung bộ đã từng là trung tâm, thủ đô của các quốc gia Champa, nhưng nay không còn người Chăm sinh sống, nên đâu đó chúng ta còn thấy dấu vết của quá trình hỗn chủng và đồng hóa mà kết quả là một bộ phận người Champa đã bị “Việt hóa” khá sâu sắc và trở thành người Việt, thì ở cực Nam Trung bộ trong quá khứ lại là quá trình “Champa hóa” như trường hợp nhóm “Kinh cựu”. Tất nhiên quá trình này chỉ diễn ra trong lịch sử trong điều kiện những nhóm nhỏ người Việt vào sinh sống trong quốc gia của người Chăm.
Rõ ràng trong lịch sử, qua quá trình tiếp xúc văn hóa với dân tộc Chăm, người Việt đã tự làm giàu nên vốn văn hóa của mình, nhất là tiếp thu gia sản tri thức về văn hóa biển.
Khi cư dân người Việt vào vùng đất phía Nam, thì ngoài việc tận dụng những gì có sẵn để phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, công nghiệp... tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân, họ còn tích cực đẩy mạnh hơn nữa trong mối quan hệ giao lưu với các tộc người khác cùng sinh sống trên lãnh thổ, sự giao lưu văn hóa phải kể đến đầu tiên đó là sự giao lưu các sản phẩm trong lĩnh vực thủ công nghiệp các nghề mộc, chạm, tiện, làm giày, thếp vàng, gương, làm vật dụng bằng đồi mồi, làm gạch ngói, nung vôi, làm chum, dây đồng, làm đinh, đóng ghe thuyền... với nhiều thợ thủ công có tay nghề tinh xảo và khá chuyên nghiệp, các ngành nghề thủ công truyền thống hình thành và phát triển nhanh chóng do một số bộ phận lưu dân không nhỏ là thợ thủ công, họ mang theo trong hành trang của mình là những kiến thức và kỹ xảo của các nghề thủ công cổ truyền nơi quê hương mà họ sinh ra. Rồi đến vùng đất mới họ truyền dạy cho mọi người, cùng làm ra những vật dụng cần thiết phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời họ cũng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để hành nghề, mọi người ai muốn học thì đều được họ nhiệt tình dạy cho. Sự giao lưu giữa những người thợ thủ công Việt và Chăm diễn ra từ lâu trong lịch sử và rất mạnh mẽ.
Ngay từ rất sớm nhiều nghề thủ công đã đi vào thương mại hóa, vào các thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII, đầu thế kỷ XIX các nghề thủ công cùng với nông nghiệp đã trở thành một bộ phận tích cực của nền sản xuất hàng hóa, là một bộ phận quan trọng của quá trình giao lưu. Sản phẩm làm ra chủ yếu là mang ra trao đổi, bán ở các chợ, các thị trấn, đô thị và ngoài vùng giữa cộng đồng dân cư này với cộng đồng dân cư khác.
Kỹ thuật đóng thuyền nói chung do người Việt mượn của người Chăm. Người Chăm thông thương rộng với người Mã Lai, nên cùng sử dụng kỹ thuật đóng thuyền như thế kéo dài về phía Nam từ Hội An cho đến An Giang, là vùng có thời người Chăm sinh sống. Một số học giả Việt Nam cho rằng, không chỉ có công nghệ đóng thuyền mà ngay cả đến tên thuyền là ghe và bàu cũng mượn từ tiếng Mã Lai. Họ phát hiện sự giống nhau giữa tiếng Việt “ghe” và tiếng Mã Lai “gai” (dây néo cột buồm), rồi tiếng Việt “bàu” chính là sự biến cấm tiếng Mã Lai Prahu (chiếc thuyền nhỏ).
Trên sông nước, nông dân đã sáng tạo ra đủ loại thuyền bè để vận chuyển hàng hóa và là phương tiện để đi lại thăm viếng bạn bè, người thân và dùng cả trong việc cưới hỏi, mai táng... các loại ghe bầu dùng đi biển, ghe lồng dọc theo bờ biển vận chuyển hàng hóa, ghe chài dùng vận chuyển lúa gạo, nông sản...
Do thế mạnh của vùng có hệ thống kênh rạch chằng chịt do đó cư dân ở đây đã sử dụng ghe thuyền làm phương tiện đi lại, trở thành một nét độc đáo trong đời sống cư dân. Trên cơ sở họ học hỏi kinh nghiệm đóng tàu của nhau, cư dân nơi đây đã sáng tạo nên nhiều loại ghe thuyền mới phù hợp với đặc điểm của vùng như vỏ trộn mũi nhọn, buồng lái cao, nhô hẳn ra phía sau, lái bầu, buồm hình tam giác, 2 bên mũi thuyền có vẽ mặt, điều này bắt nguồn từ một tín ngưỡng dân gian là ghe thuyền cũng như một sinh vật dưới nước cần có mặt được nhìn, tránh bị quái vật, thuồng luồng làm hại, hoặc để giúp ngư phủ tìm được ngư trường tìm được nhiều loại cá, hoặc để giúp bạn hàng trên thuyền đến được bến bờ có nhiều tài lộc.
Nghề đóng thuyền này của người Việt, người Chăm ở phía Nam, nhanh chóng được truyền sang các dân tộc khác, các dân tộc ở Nam bộ học hỏi và đóng được rất nhiều loại thuyền khác nhau, hình thành nên các trại ghe ra các xưởng, trại sửa chữa ghe, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho cư dân trong vùng và cả cư dân ngoài vùng. Lúc bấy giờ hàng năm có nhiều lái buôn thuyền ở Châu Bố Chính và Gia Định đặt mua hàng trăm chiếc thuyền lớn đem về ngoài đó bán lại. Tạo nên một sự giao thoa rộng lớn mang tính văn hóa sâu sắc.
Về “văn hóa” sản xuất lúa nước, có thể nói cư dân Sông Hồng, Sông Mã là những người có kinh nghiệm và trình độ sản xuất lúa nước bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, khi vào định cư ở miền đất mới với thổ nhưỡng và thời vụ khác biệt, người Việt đã phải áp dụng phương thức sản xuất mới.
Ảnh hưởng của người Chăm thể hiện rất rõ nét trong các công cụ sản xuất của người Việt, công cụ quan trọng nhất đó chính là cày và phảng. Những chiếc cày của người Việt ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã lưỡi nhỏ và không khỏe, nó nhẹ và dễ dàng cho một súc vật kéo, loại cày này thích hợp với chất đất xốp và quang cỏ. Đây là những đặc thù của những vùng đất miền Bắc sông Gianh trở ra, tức là vùng giới hạn giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Nam bộ là vùng đất lầy lội, nên không thể sử dụng những chiếc cày như người miền Bắc và nhất là phải sử dụng sức kéo của 2 con vật trở lên, đó có thể là con trâu hoặc là con bò, nhưng thông thường thì cư dân nơi đây sử dụng trâu nhiều hơn, vì trâu vừa khỏe lại có khả năng thích hợp với khí hậu miền đất Nam bộ hơn là con bò.
Ở Đàng Trong đất đai nhiều, cỏ rậm và rất khó cày. Để cày 2 sức kéo ở Nam bộ cày được dễ người Việt bắt đầu học làm những chiếc cày giống như của người Chăm, nó khỏe hơn, đặc biệt ở phần lưỡi cày nó còn có thêm chức năng để chỉnh góc. Các bộ phận của loại cày mới theo mẫu cày Chăm lấy cả tên Chăm, trong khi các bộ phận có thêm chức năng lại mang tên Việt. Chiếc cày mới được người Việt mang theo vào phương Nam khi họ khai khẩn vào Nam bộ, cụ thể có 2 loại cày được cư dân Nam bộ, nhất là cư dân người Việt sử dụng phổ biến đó là cày đỏi và cày bắp và một số nông cụ khác, thể hiện sự giao lưu học hỏi kỹ thuật làm cày của các cư dân trong vùng một cách sâu đậm.
Loại cày truyền thống của người Việt ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã là chiếc cày chìa vôi sử dụng một sức kéo bằng một con bò hoặc trâu, vì đồng ruộng ở đây không lầy lội như ở Nam bộ, loại cày sử dụng một sức kéo ta còn thấy ở Trung Quốc... Tiến dần về phía Nam, những nông dân người Việt các thế kỷ trước đó và cả trong thế kỷ XIX, đã tiếp xúc với chiếc cày Chăm, sử dụng 2 sức kéo trên vùng đồng bằng hẹp ven biển miền Trung và đã thêm phần áng kiểu cày chìa vôi cho chiếc cày Chăm truyền thống, từ đó cày Chăm có thêm phần náng cày.
Cày sử dụng 2 sức kéo còn thấy ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia và nhiều nước khác nữa... Khi đến khai phá vùng đất mới Nam bộ, người Việt trên tinh thần tiếp thu, học hỏi và không ngừng sáng tạo đã cải tiến chiếc cày Chăm thành cày đỏi cho phù hợp với vùng đất mới. Chẳng hạn cày đỏi có phần trạnh dính liền (tay cày), chuôi thân cày chứ không lắp rời như cày Chăm, dài khoảng 120cm, bắp cày nối với đỏi dài 180cm, đỏi nối với ách chứ bắp cày không dài nối trực tiếp cong vút qua ách như cày Chăm.
Với bộ phận đỏi cày độc đáo này, dù trâu cày có bước thấp, bước cao qua những vùng đất lầy, gò đất hay là qua những nơi cỏ nhiều, người cầm cày vẫn có thể tự ý điều chỉnh bằng cách ấn chuôi cày xuống, hoặc nghiêng qua 2 bên cho cày ăn đất ở một độ sâu được ấn định trước.
Bừa cũng là công cụ rất quan trọng, không thể thiếu trong khâu làm đất, chức năng của bừa là làm tơi những luống đất cày và cũng để lấy bớt một phần rễ cỏ. Bừa của cư dân người Việt di cư sử dụng 2 sức kéo và 2 người điều khiển trên bừa, khá gần với bừa của người Chăm, không giống như bừa truyền thống của người Việt ở Bắc bộ sử dụng 1 sức kéo và người điều khiển phải cầm bừa đi sau.
Có thể nói: những dụng cụ làm đất của người Việt khác và phức tạp hơn nhiều so với những cư dân người Chăm. Ví dụ như chiếc cày: Người Việt quen sử dụng chiếc cày chìa vôi, nhỏ nhắn tuy nhiên nhưng rất tiện ích. Lưỡi cày và máng cày có thể tháo ra và lắp loại khác được. Chính vì vậy người Việt có thể cày lật đất, sóc vồng với lưỡi cày áp (lưỡi cày và máng nghiêng để lật đất), đồng thời có thể cày xẻ rãnh với lưỡi cày thẳng. Trong khi đó cày của người Chăm lại đơn giản hơn, chủ yếu nhấn mạnh đến độ chắc chắn nhằm mục đích khai phá.
Chỉ trên một công cụ sản xuất cơ bản nhất là chiếc cày chúng ta cũng có thể tự nhận thấy một sự giao lưu, tiếp biến văn hóa sản xuất Việt - Chăm sâu sắc. Chiếc cày đỏi được dựa trên cấu tạo của chiếc cày Chăm nhưng có thêm những được người Việt “chế tác” thêm những bộ phận mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và nó hiển nhiên được cả người Việt và người Chăm lựa chọn sử dụng.
Về dụng cụ gặt lúa của cư dân người Việt ở Bắc bộ là cái hái, người Việt và người Nguồn ở Quảng Bình là cái vằng, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là cái càn điêu, người Chăm ở Bình Thuận - Ninh Thuận là cái Wăng. Những dụng cụ này nói chung đều có phần thân và phần móc để quơ lúa, có nhiều điểm giống nhau và cũng có nhiều điểm khác nhau. Điều đáng lưu ý là vòng hái của người Việt ở Nam bộ lại giống dụng cụ cắt lúa của một số dân tộc ở biên giới phía Bắc và người Choang ở khu Tự trị Quảng Tây Trung Quốc. Có nhiều khả năng người Việt ở Nam bộ đã tiếp thu dụng cụ gặt lúa này, thông qua việc một bộ phận người Hoa đã đem theo khi di cư vào vùng đất Nam bộ, có một cải tiến nhỏ đó là người Việt đã quay lưỡi của vòng hái tạo với thân vòng hái một góc 90o, chứ không để lưỡi nằm trên một mặt phẳng (tạo góc 180o) với thân, móc của vòng hái và gọi tên là vòng hái.
Vòng hái gồm 2 bộ phận: phần vòng là một đoạn cây, loại cây nhẹ như cây còng, cây mù u... dài khoảng 50cm, có móc dài 55cm, tạo với một đoạn thân một góc 45o. Phần móc ở bên phải, trên thân có khoét rãnh để tra lưỡi. Lưỡi hái là một đoạn sắt uốn cong, phần lưỡi dài 20cm đầu bằng, phần chuôi dài có móc tra vào thân. Khi gắn vào lưỡi vuông góc với một mặt phẳng tạo bởi thân và móc. Lưỡi hái gồm phần cán ngắn và phần lưỡi tương tự như lưỡi của vòng hái...
Nếu như văn hóa sản xuất lúa nước Bắc bộ có đặc trưng là “đào hồ, đắp đập chứa nước”, Nam bộ “theo chiều nước lên, xuống mà làm” thì văn hóa sản xuất người Chăm là sự pha trộn giữa nhiều yếu tố văn hóa. Trong đó ở mỗi vùng sinh sống khác nhau chúng ta lại thấy được sự tiếp biến văn hóa của người Chăm là rất khéo léo. Họ vừa đắp đập giữ nước sản xuất ở miền Trung, vừa thuận mùa gieo sạ ở miền Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Văn hóa sản xuất của cư dân đồng bằng sông Hồng được chuyển tải và lan tỏa rất rộng rãi, nhất là từ thời Đại Việt vì vậy trong văn hóa sản xuất của người Chăm cũng có nhiều nét ảnh hưởng của người Việt.
Việc giao lưu trên phương diện chế tạo công cụ và kỹ thuật sản xuất có những nét đặc trưng riêng. Ở mỗi vùng miền, tùy theo điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu mà cư dân ở đó có sự tiếp nhận hay không, có thể ở những vùng này chiếc cày, chiếc bừa đã trở nên ưu việt và hoàn thiện nhưng sang vùng khác những yếu tố ưu việt đó có thể trở nên không phù hợp. Với trường hợp bang giao văn hóa Champa - Đại Việt, mặc dù nền sản xuất nông nghiệp của Đại Việt cao hơn hẳn Champa nhưng những người dân đồng bằng sông Hồng khi di cư vào miền Trung, sống cùng người Chăm đã học hỏi và giao lưu kỹ thuật sản xuất rất nhiều. Nhiều kinh nghiệm, công cụ được đúc rút và phát triển lâu đời cũng phải sửa đổi cho phù hợp.
Như vậy trên lãnh thổ Việt Nam đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài hàng ngàn năm, cũng giống như vùng châu thổ Bắc bộ và Nam bộ bước vào thế giới văn minh, hình thành Nhà nước, hình thành nên các tộc người và tạo nên các truyền thống văn hóa rực rỡ. Nơi đây đã diễn ra quá trình gặp gỡ và hòa đồng chủng tộc, hòa đồng văn hóa vô cùng sống động, trong đó văn hóa của người Sa Huỳnh - tiền Chăm là nền tảng, sau đó sự cả 2 nền văn hóa Chăm và Việt đều được làm phong phú hơn bởi những giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng bởi bên ngoài từ Ấn Độ, Trung Hoa.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, nhưng sự giao lưu tiếp biến giữa các tộc người diễn ra rất mạnh mẽ và toàn khắp các mặt của đời sống. Chính vì lẽ đó chúng ta luôn tìm được sự thống nhất trong đa dạng, sự hài hòa giữa các đặc trưng tưởng chừng đối lập.
Dĩ An, tháng 11 năm 2010
TỐNG THỊ PHƯƠNG
(Giáo viên Lịch sử - trường THPT Dĩ An)
TAI LIỆU THAM KHẢO
1. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang Đàng Trong, NXB Văn nghệ TP.HCM, 2002.
2. Huỳnh Lứa, Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, NXB TH TP.HCM, 1987.
3. Phan Khoan, Sử Việt xứ Đàng Trong 1558-1777, NXB Khai Trí, 2000.
4. Xứ Đàng Trong, lịch sử khai phá, kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, NXB Trẻ, 1998.
|
Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012
Thử tìm hiểu về bang giao Champa - Đại Việt trên phương diện “Văn hóa sản xuất”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét