Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Lịch sử văn hóa Champa, phần 11

Lịch sử văn hóa Champa
phần 11


Chế Bồng Nga:Vị vua hùng mạnh cuối cùng của vương quốc Champa là Chế Bồng Nga. Không có văn bia Champa nào đề cập đến ông và Biên Niên Sử cũng không ghi chép về ông. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1491), ông cai trị từ năm 1360 đến năm 1390. Ông tấn công vào Đại Việt nhiều lần. Quân đội Champa đã đánh phá Thăng Long vào các năm 1372 và 1378. Trong lần tấn công cuối cùng của Quân đội Champa vào lãnh thổ nhà Trần là vào năm 1389. Tuy lúc đầu bị quân đội nhà Trần do Hồ Quý Ly chỉ huy chặn lại, nhưng sau đó do dùng mưu dụ quân đội nhà Trần truy kích mà Quân đội Champa tiến lên thắng lớn. Nhờ có mưu kế của tướng Nguyễn Đa Phương nên quân đội nhà Trần mới có thể rút lui bảo toàn lực lượng. Quân đội Champa dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga và La Khải theo hai đường thủy bộ tiến đến tận Hải Triều (khúc sông Luộc chảy qua huyện Phù Tiên, Hải Hưng và huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay). Tại đây, sau trận thủy chiến với Trần Khát Chân, Chế Bồng Nga đã chết tại trận, La Khải bèn nhân cơ hội rút quân về nước tự lập làm vua. Đó là năm 1390. Đây là lần tấn công cuối cùng của quân đội Champa vào Đại Việt nhưng cũng đã đủ để đặt dấu chấm hết cho nhà Trần.Xung đột với nhà HồNăm 1391, Hồ Quý Ly đem đại quân tới tận biên giới Việt - Chăm và cử Hoàng Phụng Thế đem quân tấn công Champa, nhưng quân Champa đặt mai phục thắng lớn khiến toàn quân Việt tan vỡ chỉ có Phụng Thế thoát được về. Ngay trong năm đó Quý Ly cũng rút quân về.Đến năm 1402, Hồ Hán Thương lại đem quân đi đánh Chăm Pa. Tiền quân Việt do viên tướng người Champa là Chế Đa Biệt (tên Việt là Đinh Đại Trung) giao tranh quyết liệt với quân Champa do Chế Tra Nan chỉ huy khiến hai bên đều tổn thất, cả hai viên tướng đều bị chết nhưng cũng làm cho vua Champa là Jaya Indravarman VII (sách sử Việt gọi là Ba Đích Lại) (là con của La Ngai) phải nhường đất Chiêm Động (Hồ Quý Ly chia làm hai châu Thăng và Hoa, nay là đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam) và cả đất Cổ Lũy (Hồ Quý Ly chia làm hai châu Tư và Nghĩa nay là các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi) cho nhà Hồ.Năm 1403, Hồ Hán Thương lại giao Nguyên Khôi thống lĩnh quân thủy bộ tiến đánh Champa nhưng vì lương thực tiếp tế không đủ lại có hải quân Minh giúp quân Champa nên phải rút quân về.Năm 1407, nhân khi quân Minh sang xâm lược Đại Việt, quân Champa cũng tấn công Đại Việt và lấy lại được đất cũ (Chiêm Động và Cỗ Lũy). Tướng Minh là Trương Phụ tiêu diệt các lực lượng chống đối của tàn dư nhà Hồ, giết tướng Hoàng Hối Khanh và thu hàng tướng Đặng Tất; đất đai Trương Phụ thu về nhà Minh chỉ đến Hoá châu, không tiến xuống vùng đất Champa vừa lấy lại.Đại Việt chinh phục và tàn phá Vijaya.Năm 1446, quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Trịnh Khả, Lê Thụ và Lê Khắc Phục đã tấn công Champa. Cuộc tấn công kết thúc thắng lợi và thành Vijaya mà người Việt thời Lê gọi là thành Chà Bàn (hay Đồ Bàn) rơi vào tay quân Việt. Quân Việt cũng bắt sống vua Champa là Bí Cai (Bichai) và mang về Thăng Long cùng với nhiều phi tần. Tuy nhiên năm sau quân Việt đã bị đẩy lùi.
MA HA TRA TOAN ( VUA TRÀ TOÀN).
Năm 1470, quân Đại Việt do vua Lê Thánh Tông trực tiếp chỉ huy lại tấn công Champa. Quân Đại Việt lúc này đã rất mạnh và có tổ chức tốt. Ngược lại quân Champa rất yếu và thiếu tính tổ chức. Thủy quân Đại Việt do các tướng Đinh Liệt và Lê Niệm chỉ huy tấn công trước. Lê Thánh Tông dẫn đại quân theo sau. Tháng 2 năm đó, vua Chăm là Trà Toàn cử em đem tượng binh và bộ binh đến sát trung quân của vua Lê Thánh Tông. Các tướng Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiêm, Lê Thế và Trịnh Văn Sái đem thủy quân chắn giữ cửa biển Sa Kỳ (nay là huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) chặn lối rút của quân Chăm. Vua Lê Thánh Tông dẫn thủy quân tiến đánh quân Chăm ở cửa Áp (tức cửa Tân Áp, sau là cửa Đại Áp ở huyện Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam) và cửa Tọa (tức cửa Cựu Tọa sau là cửa Tiểu Áp cách cửa Đại Áp hơn 7 dặm). Đồng thời bộ binh Đại Việt do Nguyễn Đức Trung ngầm đi đường núi tấn công quân Chăm khiến quân Chăm phải rút về thành Vijaya. Quân Việt nhanh chóng tiến lên đánh bại quân Chăm và bao vây thành Vijaya. Tướng champa po trì trì vì tư thù cá nhân với vua trà toàn, đã không cho viện binh cứu đồ bàn mà chỉ án ngữ tại đèo cù mông , phía nam đồ bàn. Thành Vijaya thất thủ vào ngày 2 tháng 3 năm 1471 sau bốn ngày giao tranh. Vua Chăm là Trà Toàn bị bắt sống và tự sát trên đường chở về Thăng Long. Ít nhất hơn 60.000 người Chăm bị giết và 30.000 bị bắt làm nô tỳ cho quân Đại Việt. Kinh thành Vijaya bị phá hủy hoàn toàn. Hoàng tộc champa chạy sang malacca( khoảng 20.000 trốn thoát bằng thuyền qua cửa đầm thi nại, trong đó có con vua trà toàn là bàn la trà ko lai(Pau liang indravaman). Sau đó định cư ở malaysia.khoảng 30000 người chạy sang lào và campuchia sau cuộc tàn sát đẫm máu này. Sau chiến thắng vua Lê Thánh Tông đã sát nhập các địa khu Amaravati và Vijaya và lập nên thừa tuyên Quảng Nam và duy trì vệ quân Thăng Hoa ở đây . Tướng Chăm là Bô Trì Trì (tên Chăm: ?) chiếm vùng đất Panduranga (sách sử Việt gọi là Phan Lung) xưng làm vua của người Champa xin nộp cống xưng thần và vua Lê Thánh Tông phong Bô Trì Trì làm vương đất Champa (sách Toàn thư gọi là Chiêm Thành tức là vùng đất Phan Rang, Thuận Hải ngày nay). Vua Lê Thánh Tông cũng phong vương cho tiểu vương xứ Kauthara (sách Toàn thư gọi là Hoa Anh tức là vùng đất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay) và nước Nam Bàn cho hoàng than champa Trà toại (sau này là hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá mà ngày nay là đất các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk tức miền đất Tây Nguyên). Chính thất bại này đã dẫn đến việc người Champa lần đầu tiên di cư với số lượng lớn sang Campuchia và Malacca. 
Panduranga-Chăm Pa(Lãnh thổ Panduranga-Chăm Pa từ sau 1471)
Phần đất còn lại của vương quốc Champa lịch sử mà sách sử người Việt gọi là Chiêm Thành chỉ từ Phú Yên ngày nay trở về Nam (Kauthara và Panduranga) và từ năm 1653 Champa chỉ còn nửa đất phía nam của địa khu Panduranga (tức Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết ngày nay). Tuy nhiên, dưới sự bảo hộ của Đại Việt, vương quốc này vẫn giữ được độc lập dưới sự cai trị của các chúa Chăm.Năm 1594 chúa Champa là Po At đã gửi lực lượng sang giúp Sultan xứ Johor để tấn công quân Bồ Đào Nha ở Malacca.Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đã cử một viên tướng người Champa mà sử Việt gọi là Văn Phong đánh chiếm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoa để lập ra phủ Phú Yên, sau đổi thành dinh Trấn Biên.Trong các năm 1627 đến 1651 là giai đoạn chúa Champa là Po Rome xưng vương và lấy con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Ngọc Hoa (có sách gọi là Ngọc Khoa). Đây cũng là giai đoạn mà quan hệ Việt – Champa diễn ra tốt đẹp. Năm 1653, chúa Champa là Bà Bật (còn gọi là Bà Tấm, Bà Thâm, Bà Thấm hay Bà Tranh; tên Chiêm:?) xâm lấn Phú Yên. Chúa Nguyễn Phúc Tần cử cai cơ Hùng Lộc và tham mưu Minh Vũ đem quân vượt qua dãy núi Thạch Bi chiếm đất Champa đến sát bờ trái sông Phan Rang ngày nay lập ra hai phủ là Thái Khang (nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh). Đây cũng là thời điểm Champa nộp cống xưng thần với các chúa Nguyễn.Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1834), năm 1692, Chúa Champa tên Bà Tranh đã tấn công vào phủ Diên Ninh và dinh Bình Khang tức vùng Diên Khánh ngày nay. Cuộc tấn công này đã thất bại và quân Champa bị tướng Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại vào năm 1693. Chúa Nguyễn đổi tên Chiêm Thành Quốc thành Thuận Thành Trấn, sau đó đổi Thuận Thành Trấn thành Bình Thuận Phủ.Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1834) và Hoa Di Biến Thái (Ka-i-hen-tai, sử liệu Nhật Bản cuối thế kỷ thứ 17-đầu thế kỷ thứ 18), sau khi Chúa Bà Tranh chết tại Huế, em trai của Bà Tranh là Kế Bà Tử đã nổi dậy. Quy tộc Champa tên Ốc Nha Đạt và người Mãn Thanh tên A Ban chỉ huy quân Champa. Lúc đó Nguyễn Hữu Cảnh đang đi Tây Chính, và quân Nguyễn ở lại đã bị quân Champa tiêu diệt hoàn toàn. Khi Nguyễn Hữu Cảnh trở lại, Kế Bà Tử đã ký hòa ước với chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã đồng ý khôi phục vương quốc Champa với hình thức là một khu tự trị với tên là Thuận Thành Trấn, và chúa Champa được gọi là Trấn Vương, là thần hạ của chúa Nguyễn. Theo bộ văn bản hoàng gia Champa (bản chữ Hán), mối quan hệ phiên thuộc giữa vùng đất cai quản bởi các chúa Champa và chính quyền trung ương của chúa Nguyễn diễn ra tốt đẹp. Thuận Thành trấnLãnh thổ Thuận Thành trấn (1697-1832)Năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Bình Thuận (từ Phan Rang trở về tây) chia làm hai huyện An Phước và Hòa Đa. Cũng từ đây vùng đất Champa còn lại (Phan Rang trở về đông) đã trở thành phiên thuộc của chúa Nguyễn và mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và chúa Champa là mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương.Đến năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban hành một bản hiệp ước mới gọi là Ngũ điều Nghị định, trong đó khẳng định quyền xét xử của các chúa Champa đối với các thần dân người Champa và cũng quy định nghĩa vụ của các chúa Champa đối với các chúa Nguyễn. Để giải quyết xung đột giữa người Champa và người Việt, bản hiệp ước quy định các xung đột này sẽ do chúa Champa tức Trấn Vương cùng với quan Cai bạ và quan Ký lục (cả hai là người Việt) phán quyết. Chế độ tự trị này được duy trì cho đến tận năm 1832 qua các đời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và thời kỳ đầu triều đại nhà Nguyễn. Tuy nhiên, các đời chúa Champa sau Po Saktiray Da Patih không còn duy trì được mối quan hệ trực tiếp với các chúa Nguyễn và mọi công việc của Thuận Thành Trấn được tiến hành thông qua phủ Bình Thuận cho đến tận cuộc nội chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn.Năm 1793, phiên vương Thuận Thành là Tá (gọi theo Tiền Biên; tên Chăm: Po Tithun da parang) theo phe Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại. Nguyễn Ánh cho tướng người Champa của phe mình là Thôn Bá Hú (tức Nguyễn Văn Hào, gọi theo Tiền Biên, tên Chăm: Po Lathun da paguh) làm Chánh trấn Thuận Thành và trong năm 1794 đặt chế độ chánh trấn và phó trấn và bỏ chế độ phiên vương .Năm 1832 người Champa lại nổi dậy chống lại vua Minh Mạng nhân dịp có cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi ở phía Nam nhưng không thành công.. Chính quyền tự trị hạn chế của người Chăm chấm dứt tồn tại vào năm 1832, khi Hoàng đế Minh Mạng đổi Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại cai trị trực tiếp. Lịch sử vương quốc Champa chính thức dừng lại ở đây.Lịch sử miền đất Tây Nguyên ngày nay sau khi tách khỏi lịch sử Champa vào năm 1471 còn chưa được các học giả quan tâm nghiên cứu. Mối quan hệ lịch sử giữa Champa (trước thời Lê), Nam Bàn (thời Lê) và hai nước Thủy Xá, Hóa Xá (thời Nguyễn) còn chưa được chứng minh. Tuy nhiên theo Cương mục thì vua Lê Thánh Tông phong cho dòng dõi chúa Champa làm Nam Bàn quốc vương và đất đai Nam Bàn chính là đất phụ thuộc Champa xưa (trước thời Lê) và vào thời Nguyễn đấy chính là đất của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá (tức Tây Nguyên ngày nay). Sau khi Champa bị sát nhập hoàn toàn vào Việt Nam thì hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá tức miền đất Tây Nguyên ngày nay vẫn giữ được độc lập nhưng trở thành phiên thuộc của nhà Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc.
ĐỘNG PHONG NHA VÀ NHỮNG DẤU TÍCH CHÙA HANG CỦA PHẬT GIÁO CHĂMPA   
Động Phong Nha (huyện Bố Trạch - Quảng Bình) với cả một hệ thống hang động, sông ngầm và muôn vàn những cột thạch nhũ lộng lẫy rủ xuống muôn hình muôn vẻ… từ lâu đã được biết đến như một danh thắng kì thú của đất nước.
Ngay ở thế kỉ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã ca ngợi Động Phong Nha mà thời xưa gọi là Động Chân Linh: “Động Chân Linh ở nguồn Chân Linh, châu Bố Chính, sau lưng là núi, trước mặt là nước, cửa động hẹp chỉ lọt một cái xuồng, trong động rộng rãi. Người đi xem cầm đuốc men trên bộ mà vào, đi bộ 100 dặm thì có một cái cửa vào trong ấy thấy trời đất, mặt trời, mặt trăng, mây ráng, cỏ hoa, rõ ràng là một thế giới. Có phiến đá to bằng phẳng như bàn cờ, có con cờ. Bốn bề là vách đá như ngọc đẽo thành. Cảnh vật lạ đẹp, trong có nhiều bài thơ đề vịnh”. (Sách Phủ biên tạp lục). Không chỉ đến thế kỉ XVIII, mà trước đó hai trăm năm, vào thế kỉ XVI, trong sách Ô Châu cận lục, Dương Văn An đã có những ghi chép thật tỉ mỉ và lí thú về khu hang động duy nhất ở đất Ô Châu- Động Chân Linh (nay là Động Phong Nha) này: “Động ở huyện Chân Linh, châu Bố Chính. Đằng sau lưng dựa núi biếc, phía Tây đầu gối dòng xanh. Bên dưới nước nhuốm màu biếc, mé trên đá phủ rêu xanh. Động có một cửa hẹp chỉ vừa một thuyền đi, vào bên trong động thì dần dần rộng ra. Người vãng cảnh đi thuyền đến đây, trước tiên cần phải thanh tịnh trai giới, khi gặp nước yên sóng lặng, gió quang mây tạnh mới đốt đuốc sáng theo dòng nước mà vào. Liền nghe gió thổi thành muôn điệu sáo, trong động âm vang như vạn tiếng đàn. Đi tiếp khoảng trăm dặm thì có một cái cửa như miệng cá. Nơi đây trời đất sáng sủa có ánh sáng mặt trăng, mặt trời rọi chiếu, cỏ yên mây lặng thanh tịnh không dính chút bụi trần. Chim hót mừng người, hoa cười đón khách, mở ra cả một khoảng đất trời riêng. Đá tảng lớn và phẳng, có bàn cờ đá có quân cờ. Xung quanh vách đá như đẽo gọt, có những điểm nhỏ lấm tấm, nom tựa đồng tiền, hoặc như làn tóc, hoặc như hình người, hoặc như hạt cườm rủ. Nước lặng biếc như mắt sư, núi thẳm xanh như đầu Phật. Chim chơi trên cát chân còn in dấu, cá giỡn sóng nước chẳng gợn tăm. Dẫu có cảnh trí Đào Nguyên cũng không hơn được nơi này. Văn nhân trong huyện có nhiều người để lại thơ đề thơ, người đời sau xem lại thấy ở những chỗ đề thơ này như có dấu khuyên dấu chấm. Tục truyền ở trong động có cái trứng vàng bị chìm dưới đáy nước, có một vị thuật sĩ muốn tới lấy lên, khi đến cửa động, gặp dân địa phương bảo sóng gió không thuận, không nên vào.Thuật sĩ vốn tự phụ cậy mình có phép thuật thần diệu, nên cứ bơi chèo đi vào. Được một lúc bỗng nghe có tiếng trống, tiếng tù và nổi lên ầm ầm, nhìn nhau thất sắc vội quay thuyền trở ra. Sự linh dị đại loại như vậy.Có câu thơ cổ rằng:
Đông môn vổ toả thược
Tục khách bát tằng lai
Dịch là:
 Cửa động không then khoá
 Khách tục chẳng thể qua .
Chính là nói về chuyện này. Đến thế kỉ XIX, các sứ giả của Quốc sử quán triều Nguyễn còn cho biết thêm: “Nay hỏi người địa phương đều nói, tục truyền núi này anh linh, nhưng cửa ngõ khoá chặt đã lâu, gần đây không có du khách đến thăm nữa. Theo Quảng Bình tỉnh chí, thì động ở một ngọn núi đá về phía tây xã Lệ Sơn Thượng, bên dưới là khe suối. Tương truyền xưa có Chân Linh tiên nữ ở trong động, lại có một vị tăng tinh thông pháp thuật, một hôm trai tăng đến chân núi múa kiếm chém bụng núi, chặt chân núi, tiên tử bèn chạy đến phường Phúc Lâm, vị tăng cũng chạy theo, rồi hai người đều hoá thành đá ở trên núi, cho nên có tên gọi là núi Đạo Sĩ cũng gọi là Núi Trai Tăng Tiên Tử, dân địa phương Phúc Lâm lập đền thờ ở dưới núi. Trên núi có hai hòn đá, đứng xa mà trông, một hòn như hình ngọc nữ hóng gió, một hòn như hình người tiên cưỡi mây? Ở sườn núi này có chỗ đá như bị cắt, tục nói đây là vết kiếm chém của vị tăng; ở chân núi có chỗ lõm vào, tục nói đây là vết vị tăng chặt chân núi. Về phía tây núi, bực đá mở ra một cái hang, trong hang có đền Chân Linh tiên nữ, khi hạn hán cầu đảo thường được ứng nghiệm. Thế nhưng, chỉ từ cuối thế kỉ XIX, động Phong Nha mới thực sự được khám phá và được nghiên cứu một cách khoa học. Công đầu trong việc khám phá này thuộc về các linh mục ngườiPháp mà trước hết là Linh mục  Cadière. Một linh mục người Pháp khác là Linh mục L. De. Lajonquiàre cũng đã tới Động Phong Nha và đã để lại những ghi chép khá chi tiết: “Một lỗ thoát nước dài 200 mét kéo từ sông đến một vách đá cao đứng thẳng có những kẽ nứt nghiêng; vách đá dựng đứng và trơ trụi từ mặt đất bằng của bến đến tận đỉnh sơn khối mà ở một số điểm cao đến 80, 100m. Một cửa hang rộng đến vài chục mét, trên trần là một kẽ nứt nghiêng, dẫn vào một cái động đầu tiên trông thật là kì thú. Động hình tròn, đường kính rộng đến vài mươi mét. Trần động khum tròn lại buông xuống từng chùm thạch nhũ. Vách động được khoét và vạt vào; những vòm đá nhỏ thông vào các ngóc ngách, các góc tối. Một mảng nước bình lặng trong vắt, và xem chừng rất sâu, trải ra khắp động, trên vách, những hõm sâu mờ mờ ảo ảo không biết đâu là đáy. ánh sáng phản chiếu trên mặt gương xanh biếc của làn nước, tô những màu sắc rực rỡ lên vòm động, lên những dòng thạch nhũ, lên những khe kẽ kì lạ trong đá. Một ngách dài chừng vài mươi mét nằm dưới một kẽ nứt rất thấp (chỉ độ 2, 20 mét trên mặt nước) dẫn vào một cái động thứ hai; ánh sáng xuyên suốt đến tận đáy, chiếu rọi lên một dòng nhũ đá cứng lại, thành hình vòm cung; xa hơn, ánh sáng không còn xuyên vào được nữa và làn nước cứ chìm dần giữa hai vách đá, vào trong bóng tối sâu thẳm.Dưới ánh lửa đuốc của người chèo đò, ta có thể nhận ra được một phòng dài, rộng chừng vài mươi mét, trần lúc thì khum tròn, lúc thì vòm cung nhọn, cao đều đều từ mười lăm đến mười tám mét. Vách động bằng đá vôi xanh nhạt khi thì phẳng lì và vạt vào, khi thì phủ ngoài bằng những mảng đóng cứng lại. Những dòng thạch nhũ đông lại thành từng chùm đồ sộ chứng tỏ một quá trình thẩm thấu lâu dài không mệt mỏi… Con thuyền trôi từ từ, phải bơi hai mươi lăm phút mới đến được một cái bến đất thó dốc đứng, đó là phù sa do nước lũ đem vào, lấp bằng các hốc lõm trong đá để tạo thành mặt đáy nền của động. Đến đây, cái phòng dài thu hẹp lại, trần hạ thấp xuống, mặt đất lỗ chỗ những hố sâu mà phù sa không trôi vào được, và cái hang kéo dài đến 1.200 mét tính từ cửa vào, kết thúc bằng một ngách con hẹp, ngách còn kéo dài đến 300 mét nữa dưới các kẽ nứt của sơn khối.Cách nơi cặp bến độ 30 mét có hai trụ đá đẹp, tạo thành bởi những nhũ đá từ trần chảy xuống, từ mặt nền nhô lên họp lại cùng nhau, đỡ lấy cái vòm động, mở đầu cho một dãy hàng cột dường như móc nối vào nhau. Hai bên vách ở lối vào, phủ một lớp bụi diêm tiêu đóng lại khá dày. Trên lớp bụi trát đó, có những vết chữ khắc vội vàng không chau chuốt của những người khách đã đến đây từ thời rất xa xưa. Các khách đó hình như là người Chàm. Đúng là Động Phong Nha đã có từ rất lâu. Theo các nhà địa chất, cách ngày nay 5-7 triệu năm, Động Phong Nha đá được hình thành do những kiến tạo địa chất trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Thế nhưng con người thì lại chỉ mới thực sự khám phá ra khu hang động kì thú này từ cuối thế kỉ XIX. Đến những năm cuối của thế kỉ XX, Động Phong Nha lại được thêm một lần khám phá khoa học nữa.Sau năm 1990, Hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh đã nhiều lần đến khảo sát Động Phong Nha. Và, thật lí thú, theo đánh giá của Hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh, Động Phong Nha là quần thể hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bốn cái nhất: có sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất và có những thạch nhũ đẹp nhất. Cũng theo số liệu khảo sát của các nhà hang động học, chiều dài các hang ở Phong Nha là 64.385 mét. Trong đó, hang Vòm là hang dài nhất Việt Nam và đã được Hiệp hội hang động quốc tế xếp vào danh sách các hang động dài ở Châu Á và thế giới. Các hang động ở Phong Nha lại đều có dòng chảy ngầm ra sông Son, có cấu tạo phức tạp, nhiều nhánh; mỗi nhánh lại chia thành nhiều phòng. Tất cả đã khiến cho khu  hang động Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một kiệt tác kì diệu của thiên nhiên. Thế nhưng trong cả một hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng kì thú và rộng lớn như thế, từ xưa tới giờ con người chủ yếu mới tới được một động duy nhất là động Phong Nha - động có độ dài không lớn (hơn 600 mét).Theo những ghi chép của Dương Văn An và các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn, thì ở khu vực Động Phong Nha đã có những dấu tích thờ tự của người Việt: đền Chân Linh tiên nữ. Thế nhưng, trước khi có những ghi chép trên, người Chăm xưa đã đến Phong Nha và đã biến khu hang động này thành một địa điểm tôn giáo quan trọng của mình.Trong ghi chép của mình (chúng tôi đã dẫn ở trên), L. Lajonquière đã ngờ những vết chữ trên vách hang động là của những người Champa để lại. Sau những người truyền giáo, một trong những người Pháp đã tới Động Phong Nha là ông C. Paris.Ông đã phát hiện ra một số hiện vật: bên phải lối vào có một bệ thờ xây bằng gạch Chàm do người Việt làm lại “trước kia là nơi đặt một pho tượng đá, chân bắt chéo, đeo một hình chữ vạn trước ngực, đầu có đội mũ che gáy; ở giữa động cạnh nơi có các dòng chữ có phế  vật của một bệ thờ với pho tượng đá. Các nhà khoa học Pháp còn cho biết đã phát hiện ở Phong Nha (vào cuối thế kỉ XIX) nhiều dấu tích Phật giáo khác nữa bằng đất nung. Ông H. Parmentier có bản dập một trong những pho tượng nhỏ Phong Nha. Theo lời ông mô tả, thì đây là một pho tượng Phật nhỏ bằng đất nung rất cứng, ngồi trên bệ sen. Toàn bộ chiều cao của tượng gần 10 cm. Hình người ngồi xếp bằng, bàn tay trái duỗi ra đặt nằm trong bàn tay phải chỉ xuống đất (động tác lấy đất chứng giám- NVD). Búi tó buộc ngược thành túm chỉ trên đỉnh đầu. Chỉ vai phải và bàn tay phải là để trần. Ngoài những hiện vật Phật giáo ra, nhà khoa học người Pháp C. Paris đã thu thập (ghi lại) được ở động Phong Nha 97 bi kí Chàm cổ. Vì dạng chữ bất thường và việc dập thời đó không ghi được chính xác nên các bi kí Phong Nha vẫn chưa dịch được. Chỉ một số từ là đọc được cho thấy rõ tính chất Phật giáo của hang động Phong Nha này. Ông Majumdar nói đến 36 Gia kí ở Phong Nha và đọc được một từ nói về Sariputra, một tông đồ nổi tiếng của Đức Phật. Rất tiếc những hiện vật vật chất đã không còn, còn bi kí thì không đọc được. Cho nên khó có thể xác định được niên đại của những bệ thờ và tượng thờ cùng những bi kí Phật giáo Chăm xưa của Động Phong Nha. Thế nhưng, trong nghệ thuật Champa cổ, truyền thống (đặc biệt là tượng Phật) gốm chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn đầu tiên - giai đoạn trước thế kỉ VII, khi mà những ảnh hưởng của nghệ thuật ấn Độ (phong cách Gúpta và phong cách Amaravati) còn rất đậm trong điêu khắc Chăm. Mà, truyền thống nghệ thật Phật giáo sớm (trước thế kỉ VII) không chỉ thịnh hành ở phía bắc mà còn cả ở phía nam Chămpa xưa.Ngoài hình phù điêu gốm nhỏ ở Phước Tịnh (Phú Yên) thể hiện Đức Phật ngồi trên rắn Naga giữa hai hình tháp, năm 1996, chúng tôi còn phát hiện ra một loạt tượng gốm Phật giáo ở Phú Yên. Đó là: hình Phật ở chùa Hồ Sơn, Tuy Hoà, ba hình Phật ở thôn Thọ Sơn, xã Hoà Tiến, thị xã Tuy Hoà, v.v Chùa hang Phong Nha cùng những di vật trong đó là những bằng chứng vật chất về sự có mặt rất sớm của Phật giáo ở vùng cực bắc của nước Chămpa xưa. Cho đến tận thế kỉ X, tôn giáo chủ đạo của vùng bắc Champa vẫn là Phật giáo. Một trong những bằng chứng cụ thể đó là bi kí Phật giáo ở Ròn. Dựa trên dạng tự Sanskrít, các nhà nghiên cứu cho rằng, bi kí Ròn được khắc vào khoảng thế kỉ IX hoặc X. Bài minh, được khắc trên một tảng đá nằm ở cánh đồng Bắc Hạ chừng 2 dặm, gồm bốn dòng viết bằng chữ Sanskrít nói về việc cúng tiến cho một tu viện Phật giáo. Bài minh viết: “Tôn kính thần Sri Damaresvara. Những cánh đồng Til-vit, Par, Tradvad... - tất cả những khu đất này là do vị vua hùng mạnh Sri... dâng cúng cho tu viện... Ngài là người có... là người đã huỷ diệt...” (những chỗ trống là mất từ). Xin lưu ý: vị thần Damaresvara mà vua Sri... tôn kính là thủ lĩnh các  Daramas hoặc Hutas (yêu tinh) là một trong vô vàn tên hiệu của Avalokitesvara có nguồn gốc từ thần Shiva.Mà không chỉ ở Phong Nha, trong vùng đất phía bắc của Champa xưa (nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), đã phát hiện ra khá nhiều hiện vật và di tích Phật giáo có niên đại thế kỉ IX-X.Phong Nha không chỉ là một danh thắng thiên nhiên kì thú được UNESCO công nhận là di sản thế giới mà còn là khu chùa hang Phật giáo vào loại xưa nhất được biết ở Champa và cả khu vực Đông Nam Á thời xưa




DI SẢN KOSA CỦA CHAMPA
Bài viết này là giới thiệu một số kosa làm bằng quý kim đã được phát hiện ở vùng đất trước đây là kinh đô của Champa ở miền Trung Việt Nam, trong đó có hai hiện vật có lai lịch rõ ràng. Kosa là một chiếc bao kim loại, làm bằng vàng hay bạc, thường được miêu tả trong các tư liệu Chăm, dùng để phủ lên linga, hiện thân của Siva. Kosa kết hợp với một số phù điêu biểu thị khuôn mặt hay đầu thần Siva, được thiết kế để bao phủ phần trên (Rudrabhaga) của linga.Danh xưng kosaxuất phát từ một chữ Phạn, miêu tả một lớp vỏ bọc hoặc một cái bao dùng để đựng những báu vật. Những chiếc bao bên ngoài linga như thế được dùng trong các nghi lễ rửa tội và tẩy uế, tuân theo tập tục abhiseka của người Ấn Độ. Việc dâng hiến những món quà đắt tiền như vậy hình thành từ một phần việc quan trọng nhằm thực thi nghĩa vụ thiêng liêng của đạo Bà La Môn, dana, nghi lễ hiến tế của tín đồ đối với vị thần họ tôn thờ.Danh xưng kosa rất phổ biến trong tín ngưỡng Saivite ở Ấn Độ nhưng hiếm khi được biết đến ngoài tiểu lục địa này. Những minh văn do những người trị vì vương quốc Champa cho khắc trên các bi ký đã nhắc lại những liên hệ đối với vai trò then chốt củakosa trong nghi lễ chính thống được thực thi nhân danh nhà vua. Những minh văn này cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa kosa với những chức năng tín ngưỡng và ma thuật, mà trọng tâm là tính hợp pháp chính trị và sự tồn tại của nhà vua cùng vương quốc của ông.Cố giáo sư Jean Boisselier (1963) đã cung cấp một sự miêu tả toàn diện nhất về hiện diện của kosa ở Champa. Miêu tả này dựa trên những công trình nghiên cứu trước đó của các nhà văn tự học người Pháp. Ngôn ngữ được ưa chuộng trong những minh văn này là chữ Phạn, thứ ngôn ngữ giảng dạy của các đạo sư Bà La Môn, được truyền từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Một trong số những minh văn bằng chữ Phạn được phát hiện sớm nhất ở Đông Nam Á là của vị vua Bhadresvara I của vương quốc Champa, được tìm thấy ở Mỹ Sơn, có niên đại vào cuối thế kỷ 4.Minh văn này cung cấp những bằng chứng trực tiếp sớm nhất về sự chấp nhận tư tưởng Ấn Độ giáo của người đứng đầu vương quốc Champa. Những minh văn đầu tiên này đã định hình một kiểu minh văn đặc trưng trong những lời đề tặng của hoàng gia Champa đối với thần linh sau này. Sự xác nhận của người trị vì vương quốc đối với thần linh được thể hiện qua việc sử dụng một cái tên chung. Vì thế, vị thần Siva được thờ trong một ngôi đền ở thánh địa Mỹ Sơn được gọi là Siva-Bhadresvara. Đối với những người trị vì ở đây thì những ai có tham vọng làm vua đều quan tâm tới những bí quyết liên quan đến mong muốn củng cố uy quyền của họ trong một vương quốc có nền chính trị phân tán và đầy biến động.Không có gì nghi ngờ về những biểu đạt mang tính chính trị và tính chiến đấu trong các sử thi Bà La Môn (cả MahabharataRamayana đều rất nổi tiếng ở Champa). Những biểu đạt này đã tác động đến những người đứng đầu những trung tâm chính trị ở Champa, vốn là những nơi luôn có sự căng thẳng triền miên với các lân bang xung quanh.Minh văn bằng chữ Chăm sớm nhất hiện còn cũng liên quan đến vị vua Bhadravarman I, đồng thời đề cập đến kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) của vị vua này. Minh văn này cũng ca tụng “con rắn linh thiêng của đức vua” (chắc hẳn có liên quan đến một vài hình thức thờ phụng naga - được tìm thấy nơi một cái giếng ở gần phế tích kinh đô Trà Kiệu). Minh văn này tuy không đề rõ niên đại, nhưng được cho là vào cuối thế kỷ 4, đã hàm chứa một số từ vựng vay mượn từ chữ Phạn. Ngoại trừ phát hiện riêng biệt này, tất cả các minh văn trong thời kỳ này đều là chữ Phạn, cho đến thế kỷ 7, lúc mà cả chữ Phạn lẫn chữ Chăm đều được khắc cùng trên một tấm bia. Những minh văn này đều là lời đề từ liên quan đến sự hình thành các ngôi đền, việc trùng tu những ngôi đền ấy hay sự tôn vinh thần linh. Những thông điệp tôn giáo bằng chữ Phạn và chữ Chăm được sử dụng để phản ánh những khía cạnh thế tục của sự hiến tặng, điển hình là những lễ vật và đất đai để mở mang đền thờ. Điều này vẫn thường diễn ra ở Mỹ Sơn cho đến cuối thế kỷ 10.Một số thông điệp viết bằng chữ Phạn đã cho thấy lễ vật quan trọng nhất mà nhà vua dâng cho đền thờ, hoặc chính xác hơn, cho thần linh chính là kosa, được làm bằng kim loại quý và thường được tô điểm bởi những viên đá quý. Chúng được miêu tả đa dạng, đặc biệt là hầu hết đều liên quan đến số khuôn mặt tương ứng (đa phần thường có bốn hoặc năm khuôn mặt) và luôn có giá trị cao. Những minh văn từ thế kỷ 4 viết về vị vua Bhadresvara I được nhắc đến trên đây đều không đề cập đến việc kosa có được sử dụng trong các nghi lễ liên quan đến ngôi đền thờ này hay không? Một trong những dấu hiệu đáng tin cậy đầu tiên về việc sử dụng kosa xuất hiện trong minh văn của hoàng gia vào đầu thế kỷ 8, mà K. Bhattacharya đã dịch là “ông (người trị vì) làm ra… hai kosa [năm 721 sau Công nguyên] cho Thượng đế, một kosa có thể dịch chuyển, còn cái kia thì cố định. Kosa có thể dịch chuyển mang (một hoặc nhiều) khuôn mặt”.
Ý nghĩa của  kosa ở Champa  
Sau đây chúng ta có thể xác định ý nghĩa của kosacủa Champa và những tín ngưỡng mà nó hàm chứa. Vai trò trung tâm và giới hạn mà tín ngưỡng Saivite lập nên ở Champa nhằm liên kết quyền uy chính trị với quyền năng tôn giáo, là nền tảng cho sự liên kết giữa người thống trị với thần linh. Điều này được thể hiện rõ nhất trong những nghi lễ liên quan đến kosa. Đây là sự thật, bất kể nhà vua mến mộ một tôn giáo đặc biệt nào. Vì thế, chúng ta có thể nhận diện các trích đoạn trong sử thi Ramayana được trang trí trên bệ (pitha) của mộtlinga đồ sộ, niên đại vào thế kỷ 10, từ điện thờ chính của một ngôi đền ở Trà Kiệu và những cảnh sinh hoạt của Krishna trên một phù điêu có niên đại vào thế kỷ 10 ở Khương Mỹ. Rõ nhất là trường hợp Phật viện Đại Thừa được vua Indravarman II xây dựng ở Đồng Dương. Một bi ký có niên đại vào năm 875 đã tôn vinh bồ tát Lokesvara của Phật giáo dưới cái tên Laksmindra Lokesvara. Minh văn tương tự cho thấy nhận thức của Indravarman về sự phụ thuộc của ông vào quyền uy tối thượng của thần Siva, thể hiện trong việc cúng dường một kosa“với khuôn mặt bằng vàng”.Những minh văn khác xác định giá trị của những quý kim được sử dụng để chế táckosa: vào năm 1194, hoàng tử Vidyanandana của Suryavarmadeva đã tuyên bố rằng trong những lễ vật cúng dường cho thần linh ở Mỹ Sơn, Srisanabhresvara, “nhằm đạt được những phẩm chất xứng đáng trong kiếp này và các kiếp sau”, có một kosa bằng vàng có sáu khuôn mặt (sadmukha) nặng 510 thei.Lời đề tặng bằng chữ Phạn của Jaya Indravarman ở Mỹ Sơn vào năm 1163 ghi nhận việc nhà vua dâng tặng một kosa bằng quý kim có năm khuôn mặt (panchamukhalinga). Những minh văn này nói rằng “Vị thần này dù rất bao dung nhưng không thể ban phước khắp cả 10 phương; vì vậy hiện giờ ông trở thành thần bảo hộ với năm khuôn mặt hoàng gia (Siva) với nhiều thế lực”.Điều này dường như có ý nghĩa khá rõ ràng, cụ thể là sự can thiệp của hoàng gia để làm nên một kosa quý giá sẽ làm tăng khả năng của linga trong việc bảo vệ bờ cõi của vương quốc.Theo chương Uttara-kanda trong sử thiRamayana thì việc thờ phụng linga bằng vàng là phương tiện để bảo đảm sự thịnh vượng. Quỷ vương Ravana mang một linga bằng vàng trên người và phụng thờ linga này để đạt đến quyền năng.Như đã đề cập ở trên và dựa vào những mảng chạm khắc trên bệ của một linga vĩ đại được chuyển về từ cố đô Simhapura (Trà Kiệu) của vương quốc Champa, có thể nhận thấy sử thi Ramayana rất phổ biến ở Champa. Phải chăng sự liên quan giữa vàng với việc tìm kiếm quyền năng trong sử thi Ramayana chính là nguồn gốc của sự trùng hợp ngẫu nhiên này trong tín ngưỡng Champa? Dĩ nhiên sự xuất hiện của những minh văn bằng chữ Chăm đã làm rõ hơn những hiểu biết về mối liên hệ này. Truyện cổ tích Ấn Độ ám chỉ về lớp bọc bằng vàng của thần Siva đã soi sáng thế giới của ngài có thể dùng để so sánh với việc những vị vua của Champa đề cao nhữngkosa bằng vàng như là công cụ ma thuật khiến cho Siva mở rộng mối quan tâm về lãnh thổ.Một mảng phù điêu chạm trên bệ thờ ở phế tích Mỹ Sơn E.1 cho chúng ta một bằng chứng trực quan độc đáo về một đạo sĩ Bà La Môn đang thi hành lễ puja: vị đạo sĩ đang rót nước rửa tội từ chiếc bình có vòi lên một linga có một khuôn mặt, gọi là ekhamukhalinga. Hình người quỳ phía sau vị đạo sĩ biểu thị một tín đồ đang hành lễ. Nếu ngôi đền E.1 ở Mỹ Sơn là đền thờ dành cho hoàng gia, thì có thể nêu giả thuyết rằng tín đồ đang hành lễ chính là thành viên của hoàng tộc Chăm, hoặc giả là người bảo trợ của ngôi đền.
Chứng cứ mới Có một số kosa đã được phát hiện trong những năm gần đây. Tôi sẽ miêu tả một vài kosa mà tôi đã giám định, dựa trên những nghiên cứu khoa học, cho thấy những đặc điểm tương hợp với kim loại lâu đời. Tất cả đều được làm từ những miếng vàng, đúng ra là hợp kim vàng và bạc, trong đó vàng là thành phần chủ yếu. Cũng có một hiện vật chế tác từ hợp kim đồng thau. Sự phát hiện những hiện vật hiếm hoi và khác thường này đã làm gia tăng số lượng bản sao giả mạo trên thị trường với nhiều mức độ. Một vàikosa này đã được giám định khoa học, còn một số khác thì không.Những kosa này, gọi là đầu tượng thì chính xác hơn, có hình trụ tròn và cuối phần cổ khá dài của chúng có dấu vết của những lỗ đinh để tán vào một bề mặt khác, chắc hẳn là phần thân của kosa. Các kosa được chế tác từ những nguyên liệu như nhau, đặc biệt rất giống nhau về thành phần nguyên liệu. Chiếm tỉ lệ lớn trong hợp kim là vàng, kế đến là bạc và một số ít kim loại khác. Tất cả kosa đều tạo thành từ những miếng vàng, được dán với nhau bằng nhựa thông hoặc sáp ong. Phần trán của đầu tượng và phần búi tóc thường được làm từ một miếng vàng, phần sau làm từ một miếng khác, được nối với nhau bằng một khớp nối hình răng cưa. Để làm được điều này cần có sự kết hợp của kỹ thuật dập khuôn với các hình thức gia công khác như đục và tạo ren. Có một hiện vật cho thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa pha lê với đá quý màu đen để khảm lên phần trán tượng, tạo thành con mắt thứ ba, lông mày, mắt và râu của thần Siva. Trong khi có một số mảnh khảm bằng đá quý đã bị thay thế thì cũng có những đầu tượng còn giữ được các mảnh khảm nguyên gốc hoặc đã được mài lại. Có thể tháo rời đồ trang sức, tất cả khuyên tai và những phụ kiện khác ra khỏi đầu tượng để điều chỉnh cho phù hợp với phục trang của đền thờ khi tế lễ. Một vương miện bằng vàng có khảm đá quý cũng được phát hiện, cùng loại với chiếc vương miện được phát hiện ở Mỹ Sơn vào đấu thế kỷ 20 và đã được Parmentier công bố vào năm 1903 trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Chiếc vương miện này quá nhỏ để người thường có thể sử dụng, nên có thể giả định rằng chiếc vương miện này dùng để trang trí cho tượng Siva thờ trong đền thờ. Trong trường hợp này, có thể người Chăm đã tuân theo nghi thức hành lễ của Ấn Độ, nên đã sử dụng vương miện này để nâng cao hiệu lực cho pho tượng và tăng thêm phần “cám dỗ” mà tín đồ đã dâng hiến để thần linh “cư ngụ” (dù là tạm thời) trong pho tượng ấyTuy đa dạng, song các đầu tượng kosa vẫn có cùng một số đặc trưng cơ bản cho phép một sự miêu tả tổng quát: Khuôn mặt nhìn về phía trước; mắt mở to; con ngươi được khảm bằng đá quý. Con mắt thứ ba của đầu tượng có chung một đặc điểm nổi bật là nằm ở trước trán và ở vị trí cao hơn. Lông mày hình vòng cung hướng lên trên, chạm nổi hoặc khắc chìm; râu cũng được thể hiện theo kỹ thuật tương tự. Tóc của thần Siva được bện cẩn thận, theo kiểu tócjatabandha đặc trưng. Búi tóc trong hầu hết các hiện vật đều được làm từ một miếng kim loại riêng biệt rồi mới được gắn tượng. Đầu tượng vươn cao với cái cổ dài, được đánh dấu bởi những ngấn cổ riêng biệt. Phần cuối của cổ là một đường gờ nổi có các dấu đinh tán, có thể đoán là để gắn đầu tượng vào thân của kosa. Những phân tích thành phần kim loại còn lưu trên vết đinh tán có thể nhận định rằng hợp kim làm phần thân của kosa có thành phần chính là bạcNhững minh văn liên quan đến kosa thường miêu tả kosa có nhiều khuôn mặt, đa phần là bốn mặt. Song có một điều không được rõ là liệu những đầu tượng kosanày có cùng gắn lên một linga hay không? Hay chúng là những cá thể riêng biệt trong một nhóm lingakosa? Đây là thực tế phổ biến trên các mukhalinga Ấn Độ, với những đặc điểm riêng cho từng khuôn mặt, phản ánh những diện mạo và tính cách khác nhau của Siva. Tuy nhiên, trong những kosa hiện còn, không có hai cái nào có chung thành phần hợp kim, chung niên đại, hay giống nhau về kích thước và kỹ thuật tạo hình. Điều này chứng tỏ rằng chúng không liên quan với một cổ vật hay là chúng là bộ phận của cùng một lingakosa.Việc xem xét, đối chiếu phong cách tạo hình của các đầu tượng này với phong cách điêu khắc đá Champa đồng đại có thể giúp ích cho những nỗ lực xác định niên đại của những đầu tượng này.Một pho tượng Siva đứng trong ngôi đền Mỹ Sơn C1 (thế kỷ  8 - 10) và một đầu tượng Siva không rõ nguồn gốc (có niên đại khoảng thế kỷ 10) đều mang những đặc trưng giống như trên một đầu tượng kosahiện còn. Tất cả đều có đôi mắt to; lông mày liền một dãi; bờ môi dày ẩn dưới hàng ria rậm và bóng mượt; tóc được chải gọn gàng, bới cao theo kiểu jata và tạo dáng cũng như nhau.Có một cách xác định niên đại khác nhờ việc giám định những kiểu thức lingaliên quan đến những nơi thờ tự chủ yếu của hoàng gia Champa. Điều này có thể gợi ý về niên đại của kosa. Cả hai đều liên quan đến việc phân tích minh văn và phong cách tạo hình so với nguyên mẫu ở Ấn Độ. Sự hiện diện của linga trong nghệ thuật Ấn Độ thể hiện một xu hướng rõ ràng theo thời gian, bắt đầu với cấp độ phát triển cao của chủ nghĩa tự nhiên, hướng đến một sự cách điệu hóa, giảm dần những đặc trưng hình thể; giảm thiểu các chi tiết và đường nét, và cuối cùng chỉ còn là một hình trụ đơn giản với ba phần phân biệt.Văn bản Agama miêu tả rất nhiều loại linga, gồm cả những linga cố định (achala-linga) và những linga có thể dịch chuyển được (chala-linga). Loại linga cố định đa phần làm bằng đá, còn loại dịch chuyển được hầu hết làm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau, như: cát, đá tự nhiên, đá quý và các quý kim. Sự phát triển của linga ở Ấn Độ đạt cực thịnh với các kiểu thức quy ước có từ thời Trung Cổ và được miêu tả trong Visnudharmottara Purana:Đó là một cấu trúc gồm ba phần: phần dưới cùng hình vuông (Brahmabhage), phần giữa hình lăng trụ bát giác (Visnubhaga) và phần trên cùng hình trụ tròn (Rudrabhaga, hay pujabhaga, là phần dâng hiến trong nghi lễ puja). Tên của từng bộ phận trong linga được phản ánh trong huyền thoại Lingodbhavamurti rất nổi tiếng ở Đông Nam Á, nhất là vào thế kỷ 7. Theo quy định, hai phần bên dưới ẩn trong chân đế (pitha), không nhìn thấy được; cònkosa chỉ được dùng để bao phủ phần trên cùng.Tại những trung tâm của vương quốc như Mỹ Sơn và Trà Kiệu có lưu giữ một sốachala-linga bằng đá. Những linga của Champa thuộc loại linga gồm ba phần đặc trưng của linga Ấn Độ thời Trung Cổ, song các phần này đều gắn kết trong một tổng thể. Tuy nhiên, không giống như những linga đầu tiên tìm thấy của Ấn Độ vào thế kỷ 5, những linga ở Mỹ Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ 8 đến thế kỷ 10, hoàn toàn không được trang trí, nhưng lại có thêm một số chi tiết nhô ra. Những linga này có niên đại tương tự nhóm hiện vật ở Trà Kiệu, trong đó có đài thờ lớn hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở thành phố Đà Nẵng. Đặc điểm đáng chú ý này đã gợi nhớ về những ekhamukhalinga thời kỳ đầu, hiện vẫn còn sót lại ở Campuchia và Thái Lan. Đó là những linga mang một đầu Siva nhỏ ở phần cuối của rãnh thoát. Loại linganày không có trong nghệ thuật Ấn Độ. Trong cách giải thích khác cho rằng những đạo sĩ và nghệ sĩ Bà La Môn chịu trách nhiệm phát triển nội dung hành đạo hơn là việc định hình những quy ước theo phong cách Ấn Độ.Những so sánh về sự tương đồng trong phong cách tạo hình các linga bằng đá với các lingakosa bằng quý kim có thể giúp cho việc xác định tạm thời niên đại của các kosa là vào khoảng thế kỷ 10.Ở Champa rất hiếm thấy mukhalinga bằng đá, có thể do sự thừa nhận vai trò của kosa. Một hiện vật phát hiện ở Trà Liên (Quảng Trị), dù bị hư hỏng, vẫn thể hiện một khuôn mặt của thần Siva trên một phần thân có hình dạng kỳ lạ. Ở vùng cực nam của Champa có hai ngôi đền thờ mà sau này người Chăm vẫn cử hành lễ linga puja. Đó là đền thờ Po Klaung Gerai (tỉnh Ninh Thuận, xây dựng từ thế kỷ 13) và đền thờ Po Rome (tỉnh Bình Thuận, xây dựng vào thế kỷ 17). Trong đền Po Klaung Gerai có một ekhamu khalinga kỳ lạ, thần Siva hiện thân nơi đây mang những đặc trưng của vị thủ lĩnh cổ xưa của một vùng. Còn tại đền Po Rome, thần Siva trở thành vị thần Hộ thế bát thiên phương. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ truyền thống thờ cúng tổ tiên. Lớp vỏ Ấn Độ giáo chỉ tồn tại một thời gian và những ký ức về năng lực siêu nhiên huyền bí của Siva đã gần như bị quên lãng.Tín ngưỡng Saivite và việc sử dụng kosa ở Champa đã góp phần quan trọng vào sự hiểu biết của chúng ta về tập quán thờ cúng của Ấn Độ cổ xưa, thậm chí cả khi bối cảnh văn hóa diễn ra nghi lễ này rất khác nhau. Điều này cũng cung cấp thêm chứng cứ để khẳng định rằng các nền văn hóa ở Đông Nam Á đã du nhập và tiếp văn hóa Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu bản địa trong một hệ thống đức tin về vũ trụ quan đang còn sơ khai.

NGUYÊN NHÂN SỰ SUY TÀN VƯƠNG QUỐC CHAMPA
Nguyên nhân sự suy tàn của vương quốc Champa là công trình nghiên cứu có phần bổ túc thêm. Công trình này với tựa đề “Le déclin du Campa entre le XVIe et le XIXe siècle” đăng đầu tiên trong tác phẩm Le Campa et le Monde Malais. Actes de la Conférence Internationale sur le Campa et le Monde Malais) Berkeley (Université de Californie, Travaux du CHCPI, Paris, 1991, trang 47-64)
Champa là một vương quốc ở miền Trung Việt Nam chạy dài từ mũi Hoành Sơn (Quảng Bình) đến biên giới Biên Hòa. Ðược hình thành vào thế kỷ thứ 2, vương quốc Champa là một quốc gia liên bang bao gồm 4 tiểu vương quốc, đó là:
- Amaravati (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi)
- Vijaya (Bình Ðịnh)
- Kauthara (khu vực Phú Yên Khánh Hoà)
- Panduranga (Phan Rang và Phanrí)
Năm 1471 đánh dấu cho ngày thất thủ thành Ðồ Bàn (Vijaya). Lợi dụng cơ hội này, Ðại Việt xâm chiếm toàn diện lãnh thổ Champa ở phương bắc và dời biên giới của mình đến đèo Cù Mông, ở phía nam Bình Ðịnh. Kể từ đó, Champa bị thu hẹp lại trong hai tiểu vương quốc Kauthara (Phú Yên-Nha Trang) và Panduranga (Phan Rang-Phan Rí). Thế là vương quốc Champa bé nhỏ này phải đương đầu kể từ thế kỷ thứ 16 với chính sách Nam Tiến của nhà Nguyễn, hùng mạnh cả quân sự lẫn kinh tế.
Sau 17 thế kỷ đấu tranh dựng nước và bảo tồn đất nước nhằm đẩy lui cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, Champa bị xóa hẳn trên bản Ðông Dương vào năm 1832. Hôm nay, vương quốc này chỉ để lại cho hậu thế một chuổi vết tích lịch sử hoang phế nằm ngổn ngang trên mảnh đất ở miền Trung Việt Nam và ba cộng đồng dân tộc thuộc thần dân Champa chưa đầy một triệu người sống rải rác ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Phanrang-Phanrí và ở Campuchia.
Trong suốt 17 thế kỷ thăng trầm của lịch sử, Champa đã cố ngoi lên để tạo cho mình có một nền văn minh cao độ và đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử ở khu vực Ðông Nam Á. Tiếc thay dân tộc Champa hôm nay, vì sự bất hạnh hay vì một lý do nào khác, đã trở thành một nhóm người vong quốc không còn có chủ quyền trên chính bản thân của mình, dù đó chỉ là chủ quyền trên di sản văn hóa và tín ngưỡng hay quyền trên mảnh đất vụn do chính bàn tay của mình tạo dựng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên hôm nay.
Nói đến lịch sử thì phải nói đến sự thăng trầm của biến cố: hết thời vàng son thì đến thời suy tàn. Ðây là một quy luật mà không ai chối cải được. Nhưng mọi sự suy tàn đều có nguyên nhân của nó. Tiếc rằng, nguyên nhân suy tàn của vương quốc Champa đã trở thành một chủ đề nóng bỏng mà mỗi nhà nghiên cứu thường nêu ra với những lý thuyết thiếu sự trung thực, chỉ dựa vào cảm tính và nhãn quan riêng tư của mình để giải thích cho sự bại vong của Champa.
Tựu trung, các lý thuyết này thường mang bố cục nhằm chứng minh rằng sự sụp đổ Champa chỉ là hậu quả của một quốc gia có bản chất háo chiến thường gây chiến tranh chống phá Ðại Việt; một vương quốc phá sản, chỉ biết dùng tài nguyên của mình vào công trình xây cất đền đài nguy nga tráng lệ; một chính quyền chỉ biết nghĩ đến tranh chấp quyền hành giữa miền nam và miền bắc, v.v.Có chăng đây chỉ là cách lý luận phiến diện không có cơ sở khoa học.Vì rằng, sự sụp đổ vương quốc Champa có một nguyên nhân sâu xa của nó, bắt nguồn từ hai dân tộc láng giềng có hai nguồn văn hóa và nền văn minh khác nhau,có hai ý thức hệ về bang giao và chính trị khác nhau, có hai chủ thuyết về biên giới và chiến tranh hoàn toàn khác nhau, v.v.Sau đây là một số nguyên nhân chính yếu đã đưa vương quốc Champa vào con đường bại vong vào năm 1832.
Chủ thuyết bành trướng đất đai của vua chúa Ðại Việt
Một khi đã giành được quyền độc lập và tự chủ vào thế kỷ thứ 10, Ðại Việt (sau này là Việt Nam), một vương quốc chịu ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa, bắt đầu áp dụng chính sách thống trị nhằm biến các quốc gia láng giềng thành chư hầu của mình mà Champa là nạn nhân đầu tiên của chính sách “Nam Tiến” này. Chính sách thống trị của Việt Nam thời cổ có mục tiêu duy nhất đó là bành trướng đất đai của mình về phía nam mà các sử gia Âu Châu thường gọi đó là “chủ thuyết đế quốc” của vua chúa Ðại Việt. Thế là cuộc xung đột quân sự giữa Ðại Việt và Champa bắt đầu bùng nổ.
Trong những thời điểm của 5 thế kỷ ban đầu, chính sách xâm lăng của Ðại Việt hoàn toàn dựa vào yếu tố quân sự. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15, Ðại Việt chỉ tập trung vào trọng yếu quân sự để tấn công Champa. Tiếc rằng, chiến tranh của Ðại Việt không phải là chiến tranh chinh phạt Champa, mà là chiến tranh xâm lược đất đai. Một khi gặt hái được chiến thắng quân sự, Ðại Việt sáp nhập tức thời lãnh thổ Champa vào khu vực hành chánh của mình và bắt đầu áp dụng chính sách Việt Nam hóa bằng cách biến dân tộc Champa trong khu vực bị chiếm đóng thành người Việt. Tất cả người Chăm sinh sống từ tỉnh Quảng Bình đến Cam Ranh hôm nay không còn biết nguồn gốc dân tộc họ là ai nữa và không còn biết nói tiếng mẹ đẻ của họ nữa là minh chứng cụ thể để chứng minh cho giả thuyết Việt Nam hóa của Ðại Việt trong quá khứ.
Chỉ cần hai lần chiến thắng quân sự vào năm 1069 và 1471, Ðại Việt nuốt trọn một phần lãnh thổ rộng lớn của Champa chạy dài từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Ðịnh. Trong khi đó, dưới thời vua Chế Bồng Nga (1360-1390), Champa đã hơn 7 lần chiến thắng quân sự ở Thăng Long, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc xâm chiếm một mảnh nhỏ đất đai nào của Ðại Việt. Ðiều này đã chứng minh rằng chủ thuyết xây dựng quốc gia của Ðại Việt là chủ thuyết đế quốc theo nghĩa rộng của nó, có nghĩa là phương án chính trị nhằm thống trị và xâm chiếm đất đai của một dân tộc khác.
Trong tiến trình lịch sử, một quốc gia có bản chất đế quốc lúc nào cũng nắm phần thắng lợi trên một quốc gia láng giềng, dù là hùng mạnh trên hai phương diện quân sự lẫn kinh tế, nhưng chỉ bám vào ý thức hệ chiến tranh chinh phạt nhằm đưa quân địch vào con đường suy yếu để họ không còn phương tiện quấy phá biên giới của mình nữa. Champa là một vương quốc chịu ảnh hưởng Ấn Ðộ Giáo, cũng như Campuchia, chỉ biết tôn vinh thức hệ chiến tranh chinh phạt, nhưng không bao giờ nghĩ đến chính sác xâm chiếm đất đai của dân tộc khác.Dựa vào các yếu tố đã đưa ra, chúng tôi tự đặt câu hỏi rằng có chăng chủ thuyết đế quốc của vua chúa Ðại Việt đã trở thành một động cơ chính yếu đã đưa đẩy vương quốc Champa vào con đường bại vong vào năm 1832.
Nạn nhân của chủ thuyết “Thiên Tử”
Hoàn toàn khác hẳn với ý niệm thần quyền của vua chúa Champa, vua chúa Ðại Việt, vì ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa tự phong cho mình là bậc “Thiên Tử” nhận lãnh sứ mạng của “Trời” chẳng những để cai trị dân tộc Việt mà phải có nghĩa vụ mở mang bờ cỏi hầu làm sáng ngời uy quyền của mình trên năm châu bốn bể. Ðó cũng điểm mốc đã đưa chính sách bang giao giữa Ðại Việt và Champa thành hai thế lực thù địch không bao giờ chấp nhận đội trời chung.
Nhân danh là “Thiên Tử” phát nguồn từ nền văn minh Trung Hoa, Ðại Việt luôn luôn tìm cách thống trị các nước lân bang nhằm biến họ thành các quốc gia chư hầu của mình. Thế là Champa, một quốc gia láng giềng của Ðại Việt, đã trở thành món mồi đầu tiên của chủ thuyết “Thiên Tử” này.
Ðối với Ðại Việt, mọi trận chiến chống Champa chỉ là chiến tranh chinh phạt các nước chư hầu “man rợ” không cùng nền văn minh với người Việt ; mọi thủ đoạn xâm chiếm đất đai của Champa chỉ là phong cách bộc lộ uy quyền của Ðại Việt và được sự chấp thuận của “Trời”. Ðể đánh dấu cho sứ mạng thiêng liêng do “Trời” giao phó, Ðại Việt có nghĩa vụ xua quân xâm chiếm đất đai Champa.
Ngoài sứ mệnh của “Thiên Tử” mà chúng tôi vừa nêu ra, Ðại Việt còn nuôi dưỡng một chủ thuyết chính trị khác rất là tích cực : càng thống trị các chư hầu để họ phải triều cống mình thì Ðại Việt càng có lý do để chứng minh là vua chúa Ðại Việt đã làm hoàn thành nghĩa vụ do “Trời” giao phó. Hai nước láng giềng mà Ðại Việt có thể dùng quyền lực quân sự để chinh phục nhầm đưa lãnh thổ này vào địa bàn chư hầu và đặt dưới quyền quản lý của mình, đó là Champa và Cao Miên.
Ðối với Ðại Việt, sự xâm chiếm Champa và Cao Miên còn là một phương thức nhầm giải thích rằng Ðại Việt chẳng những có nghĩa vụ cai trị thần dân Việt, mà còn nhận thêm sứ mệnh của “Trời” để thống trị hai nước láng giềng chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Ðộ Giáo, tức là không cùng nền văn minh với người Việt nhằm mang lại cho họ “một kỷ cương mới, một nền văn hóa mới” của người Việt, một dân tộc luôn tự xưng mình là “con rồng cháu tiên” oai hùng, một dân tộc của “bốn ngàn năm văn hiến”.Ngoài ra, chủ thuyết xâm lược đất đai các nước làng giềng đã trở thành một công cụ truyên truyền nhầm tôn vinh vua chúa Ðại Việt là những nhân vật có một oai quyền vĩ đại, có nghĩa vụ quản lý thế gian này trong tinh thần “dung hòa và hữu nghị”; mang lại cho các dân tộc láng giềng “man rợ” một văn hóa mới, đó là nền văn minh cao độ của dân tộc Viẹạt. Nhân danh là bậc “Thiên Tử”, vua chúa Ðại Việt tự cho mình là người trung gian giữa thế giới vô hình và thế giới hiện tại để điều hành toàn diện nhân sinh trên trái đất. Phát sinh từ ý niệm của Trung Hoa, Ðại Việt cho rằng mỗi bước tiến trong cuộc xâm chiếm đất đai của dân tộc láng giếng là mỗi bước tiến của nền văn minh Việt. Vì rằng, thế gian này không thể đón nhận một văn hóa nào khác ngoài văn hóa của dân tộc Việt.
Qua phần nhận định này, chúng tôi tạm kết luận rằng, chủ nghĩa “Thiên Tử” của Ðại Việt mang một bản chất rất là đế quốc đã đóng góp phần nào trong tiến trình của sự bại vong Champa.
Hậu quả các cuộc nội chiến giữa dân tộc Việt
1. Nam bắc phân tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn
Sau ngày sụp đổ thành Ðồ Bàn vào năm 1471, lãnh thổ Champa bị thu hẹp lại ở tiểu vương quốc Panduranga, chạy dài từ Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên) đến biên giới Biên Hòa. Một mặt đối phó với đất đai eo hẹp và sự suy yếu về mặt quân sự vì dân số quá ít oi, Champa phải đương đầu với tình thế chính trị hoàn toàn mới lạ, đó là sự ra đời của triều đại nhà Nguyễn ở Thuận Hóa (từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh) và sự bùng nổ cuộc nội chiến giữa chúa Nguyễn ở miền nam và chúa Trịnh ở phương bắc.Vì không đủ tiềm năng để tiến quân chống chúa Trịnh phương bắc, chúa Nguyễn chỉ còn cách phát động phong trào Nam Tiến về phía nam, tức là về phía lãnh thổ Champa để củng cố thế lực quân sự và kinh tế của mình. Kể từ đó, Nam Tiến đã trở thành một công cụ của nhà Nguyễn nhằm phục vụ cho chiến tranh chống nhà Trịnh bằng cách vơ quét tài nguyên ở Champa để nuôi quân lính của mình, để giải quyết vấn đề kinh tế của dân tộc Việt quá nghèo đói, vì đất đai của đồng bằng Thuận Hóa quá chật hẹp. Và Nam Tiến này càng tăng thêm tốc độ nhanh chóng hơn một khi chúa Nguyễn không thể phát huy phong trào Tây Tiến được, một khu vực mà dân tộc Champa sống ở Cao Nguyên không bao giờ chấp nhận bất cứ giá nào sự hiện diện của người Kinh trong lãnh thổ của họ cho đến năm 1955.
Nói tóm lại, sự hình thành một quốc gia có chủ quyền ở Thuận Hóa do nhà Nguyễn sáng lập vào thế kỷ thứ 17 đã đưa chính sách Nam Tiến sang một chiều hướng mới hoàn toàn khác hẳn với chính sách Nam Tiến của Ðại Việt trước ngày sụp đổ thành Ðồ Bàn vào năm 1471. Kể từ đó, Nam Tiến của triều Nguyễn đã trở thành một chủ thuyết đế quốc với mục tiêu duy nhất là nuốt trọn vương quốc Champa để làm bàn đạp tiến quân sang Cao Miên.
Năm 1611 đánh dấu ngày xuất quân Nam Tiến đầu tiên của chúa Nguyễn. Hơn 40 vạn quân chính qui từ Thuận Hóa đưa sang với sự yểm trợ của đoàn quân dự bị cộng thêm các cư dân Việt sống gần biên giới, vượt đèo Cù Mông ở phía nam Bình Ðịnh để tấn công Aia Ru (Harek Kah Harek Dhei) của Champa sau đó biến khu vực vừa mới chiếm đóng thành phủ Phú Yên.
Bốn mươi hai năm sau, chúa Nguyễn lợi dụng thời điểm hòa bình với chúa Trịnh trong vòng 7 năm, xuất quân xâm chiếm Nha Trang vào năm 1653 và dời biên giới miền nam của mình đến Cam Ranh. Kể từ đó, Nha Trang trở thành hai đơn vị hành chánh của người Việt, đó là Thái Khang và Diên Khánh.
Ba năm sau, tức là năm 1653, chúa Nguyễn xua quên xâm chiếm lãnh thổ Cao Miên ở Biên Hòa. Thế là kể từ năm 1653, Champa trở thành một lãnh thổ hoàn toàn bị bao vây, ở phía bắc giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Cam Ranh và phía nam giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Biên Hòa.
Sự cô lập Champa trong đất đai của nhà Nguyễn kể từ năm 1653 đã giải thích phần nào sự bại vong của Champa trong những năm kế đến.
2. Cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh
Hết đương đầu với chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Champa bị lôi kéo vào một cuộc nội chiến khác giữa dân tộc Việt, đó là sự bùng nổ chiến tranh vào năm 1771 giữa phong trào Tây Sơn ở miền bắc và Nguyễn Ánh trấn thủ ở Sài Gòn. Cuộc nội chiến này đã biến lãnh thổ Champa (khu vực Phan Rang và Phan Rí) thành bãi chiến trường đẫm máu trong vòng 30 năm giữa hai thế lực thù địch của dân tộc Việt, một bên trung thành với Nguyễn Ánh còn bên khác thì ủng hộ phong trào Tây Sơn.
Năm 1773, Tây Sơn xua quân chiếm đóng Panduranga, trong khi đó Nguyễn Ánh rời bỏ ngai vàng vào năm 1775 chạy về miền nam lập mật khu ở Gia Ðịnh. Suốt 30 năm nội chiến, Tây Sơn biến Nha Trang thành khu vực địa đầu quân sự của mình, trong khi đó Nguyễn Ánh trấn thủ ở Gia Ðịnh. Hoàn cảnh địa dư này đã biến Champa thành một khu vực nằm giữa hai gộng kìm biên giới quân sự của Tây Sơn ở phía bắc và Nguyễn Ánh ở phía nam. Thế là vương quốc Champa phải đón nhận hàng năm sự hiện diện quân đội viễn chinh của Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên lãnh thổ của mình. Lý do rất là giản dị. Muốn tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Ðịnh, Tây Sơn phải làm chủ quân sự ở Champa (khu vực Phan Rang và Phan Rí) trước. Về phía Nguyễn Ánh, muốn tấn công Tây Sơn ở Bình Ðịnh, Nguyễn Ánh phải xua quân chiếm ˜đóng Champa trước tiên, sau đó mới có thể tiến quân đến Nha Trang được.
Năm 1776, với mục tiêu là tiến quân tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Ðịnh, Tây Sơn phải chiếm đóng Panduranga trước tiên để làm căn cứ hành quân. Năm 1779, Nguyễn Ánh chiếm lại Panduranga trước khi xua quân tấn công Tây Sơn ở Nha Trang. Năm 1791, Tây Sơn trở lại chiếm đóng Panduranga và năm 1793 Panduranga lại rơi vào tay của Nguyễn Ánh. Một năm sau (1794), Tây Sơn xâm chiếm lại Panduranga cho đến năm 1798.
Trong xuốt cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, biên giới của vương quốc Champa hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ vì thiếu quân lực để phòng thủ. Thêm vào đó, mọi cơ cấu tố chức chính trị và xã hội Champa hoàn toàn bị sụp đổ. Dân tộc Champa phải chấp nhận cúi lạy cả hai phe vừa Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh để bảo tồn tánh mạng. Các tầng lớp lãnh đạo Champa chia thành hai phe nhóm do hai thế lực thù địch người Việt tạo dựng ra. Vì rằng, một khi đã xâm chiếm Champa để làm cứ điểm quân sự, Nguyễn Ánh thành lập một chính quyền mới của vương quốc này tập trung những thành phần lãnh đạo thân cận với mình. Một khi tiến quân vào Champa, Tây Sơn lại ra lệnh thanh trừng gắt gao những phần tử người Champa theo Nguyễn Ánh để rồi thành lập một chính quyền khác mà cấp lãnh đạo chỉ là thành viên của Tây Sơn.
Sự thay đổi liên tục chính quyền trong thời điểm đó đã đưa mọi cơ cấu tổ chức quốc gia Champa đứng bên lề vực thẳm. Lợi dụng cơ hội này, hai phe thù địch Tây Sơn và Nguyễn Ánh tung hoành cướp phá tài nguyên Champa để phục vụ cho chiến tranh của mình và điều động thanh niên Champa xung phong vào chiến trường đẫm máu mà mục tiêu của chiến tranh này không liên hệ gì đối với họ. Trong khi đó, Champa lại đặt dưới quyền cai trị của một tầng lớp lãnh đạo mang tính cách bù nhìn, vì vương chức của họ hoàn toàn do Tây Sơn hoặc Nguyễn Ánh tấn phong. Sự kiện này đã chứng tỏ rằng, mọi cơ cấu tổ chức chính quyền ở Champa hoàn toàn bị sụp đổ. Lãnh thổ Champa chỉ là nơi đón nhận hàng ngàn quân lính của dân tộc Việt, luôn luôn tự cho mình là kẻ chiến thắng, thẳng tay bốc lột nhân dân Champa mà họ xem đó chỉ là những kẻ “man rợ” không cùng nòi giống với mình.
Nói tóm lại, Champa không còn tồn tại nữa với danh nghĩa là một quốc gia độc lập và tự chủ trong suốt cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh kể từ 1771 đến 1802. Thế là định mệnh của sự sống còn Champa không còn nằm trong tay của nhân dân Champa nữa, mà là tùy thuộc hoàn toàn vào kết quả của chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
3. Nội chiến giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi với tôn hiệu là Gia Long. Ðể tri ân những chiến sĩ đã từng đấu tranh bên cạnh mình, Gia Long tái lập lại vương hiệu Champa, sau đó phong cho Po Saong Nhung Ceng (tổ tiên của gia đình hoàng gia Bà Thềm ở Phan Rí), một tướng lãnh gốc người Chăm rất thân cận với Gia Long lên làm quốc vương Panduranga-Champa. Thế là từ năm 1802, Champa không còn là một quốc gia độc lập nữa mà là một lãnh thổ tự trị đặt duới quyền bảo hộ của triều đình Việt Nam và hưởng quyền che chở rất là đặc biệt của hoàng đế Gia Long và tổng trấn Gia Ðịnh Thành là Lê Văn Duyệt được xem như là một ông phó vương ở miền nam thời đó.
Sau ngày từ trần của Gia Long vào năm 1820, hoàng đế Minh Mệnh đưa ra chính sách cai trị hoàn toàn ngược lại với chủ trương của Gia Long tức là phụ vương của ông ta. Minh Mệnh là một hoàng đế có tư tưởng chính trị rất là độc đáo dựa vào ý thức hệ trung ương tập quyền, luôn luôn chủ trương Quốc Gia Việt Nam là “một” và nhân dân Việt Nam phải là dân tộc có cùng với nền văn hóa và văn minh của người Việt.
Một khi lên ngôi, Minh Mệnh xóa bỏ hoàn toàn chính sách ưu đãi dành riêng cho vương quốc Champa do phụ vương của ông ta để lại và tìm cách ngăn chặn mọi ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt ở vương quốc này.
Nhân danh một nhà tướng có công trạng lớn lao trong chiến tranh chống Tây Sơn và cũng là bạn thân của Gia Long, Lê Van Duyệt vùng dậy phản đối chính sách Minh Mệnh và nhất quyết đứng ra bảo vệ vương quốc Champa cho tới cùng. Thế là sự khủng hoảng giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ và vương quốc Champa lại trở thành nạn nhân lần thứ 3 của cuộc chiến nội bộ giữa người Việt Nam thời đó.
Vì quá thân cận với Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành là Lê Văn Duyệt hay là vì quá khiếp sợ trước uy quyền chính trị của ông ta, giai cấp lãnh đạo Champa thời đó không phục tùng hoàng đế Minh Mẹạnh nữa. Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mệnh xua quân xâm chiếm Champa và trừng phạt vô cùng dã man giai cấp lãnh đạo Champa vì tội phục tùng Lê Văn Duyệt để rồi xóa hẳn vương quốc này trên bản đồ Ðông Dương. Thế là năm 1832 đánh dấu ngày sụp đổ hoàn toàn vương quốc Champa.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét