Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

VỀ NHỮNG TƯỢNG LINGA-YONI PHÁT HIỆN Ở BÌNH ĐỊNH


VỀ NHỮNG TƯỢNG LINGA-YONI PHÁT HIỆN Ở BÌNH ĐỊNH


Theo truyền thống kiến trúc tôn giáo của người Chăm trước kia, các tháp Chăm được xây với biểu tượng là núi Meru, nơi ngự trị của thần linh, thờ 3 vị thần chính của Ấn Độ giáo là Brahma (thần Sáng tạo)- Visnu (thần Bảo tồn)- Shiva (thần Hủy diệt). Trong văn hóa Chăm 3 vị thần này thường được thờ thể hiện dưới dạng ngẫu tượng Linga-Yoni (dương vật-âm hộ), trong đó Linga thể hiện 3 phần biểu tượng của 3 vị thần: phần đế hình vuông thể hiện thần Brahma; phần giữa hình bát giác thể hiện thần Visnu và phần trên hình trụ tròn thể hiện thần Shiva. Đây là hiện tượng thờ tam vị nhất linh (3 vị thần là một).
Tượng Linga-Yoni bằng đồng tìm thấy tại tháp Bánh Ít (Tuy Phước), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris (Pháp)
Không ở đâu hiện tượng thờ Linga-Yoni sâu rộng như ở Chămpa. Tín ngưỡng này gắn liền với thần thoại về mẹ cùng sự thờ cúng âm lực, họ coi âm hộ của đàn bà là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Bên cạnh thần mẹ còn có vị nam thần, biểu hiện bằng phiến đá hình dương vật. Tục thờ sinh thực khí là một trong những tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa cầu mong được sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp nói chung và của cư dân Chăm nói riêng.
Shiva theo tiếng Phạn là “tốt lành”. Thần Shiva là thần Hủy diệt, nhưng sự hủy diệt của Shiva là hủy diệt cái cũ để sáng tạo ra cái mới. Chính vì thế người ta coi thần Shiva như là thần vừa hủy diệt vừa sáng tạo. Điều đó có lẽ xuất phát từ cuộc sống, đặc điểm của cư dân Chămpa sống trong vùng khí hậu khắc nghiệt nắng gió, mưa nhiều, bão tố tàn phá xảy ra thường xuyên, làm cho con người ở đây gặp nhiều tai họa thử thách, nhưng sau những giông bão ấy là những cánh đồng đầy nước, mùa màng xanh tươi. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, tính cách Shiva phù hợp với đời sống tâm linh của họ hơn.
Tục thờ Linga của người Chăm kết hợp với tín ngưỡng bản địa đã biểu hiện trong ba dạng: 1/ Linga thể hiện như ngẫu tượng thờ cúng tổ tiên; 2/ Linga được dựng lên làm biểu tượng thờ vua - đây là một trong những biểu hiện của sự kết hợp chặt chẽ giữa vương quyền với thần quyền trong đời sống của cư dân Chămpa; 3/ Linga được dựng lên làm quốc trụ, làm biểu tượng chiến thắng.
Kết hợp với Linga là Yoni - biểu hiện đặc tính âm của thần Shiva. Linga kết hợp với Yoni tạo nên một bệ thờ hoàn chỉnh được coi là sự hòa nhập âm dương. Yoni có thể được khắc tạc liền khối với Linga, hoặc có thể khắc tạc riêng lẻ gá lắp với Linga. Yoni thường được chế tác hình vuông hay hình tròn, có vòi dẫn nước vươn ra, lòng thường trũng để khi làm lễ nghi tôn giáo, nước tắm Linga được dẫn qua Yoni chảy ra vòi trở thành nước thiêng, uống nước này người Chăm quan niệm sẽ được nhiều phúc lộc may mắn, con cháu đầy đàn... Bộ ngẫu tượng Linga-Yoni có kích thước nhỏ thường được đặt thờ trong lòng tháp, tượng lớn thì đặt ở ngoài sân, nhưng vòi Yoni bao giờ cũng quay về hướng Bắc. Khi hành tế, giáo sĩ Balamôn làm lễ xong, đi vòng từ phải sang trái (ngược chiều kim đồng hồ) lấy nước thiêng hứng từ vòi Yoni chảy ra ban phát cho tín đồ.
Tượng Yoni bằng sa thạch khai quật tại di tích tháp Dương Long (Tây Sơn) năm 2008
Ở Bình Định, một tượng Linga đã được tìm thấy tại chùa Thiên Trúc - nằm cạnh tháp Bình Lâm (Tuy Phước). Linga này có dáng khối trụ tròn, đầu hơi thon, toàn thân mài nhẵn bóng, chu vi lớn nhất 1,55m, đường kính 0,8m. Đầu Linga tả thực với đường viền quanh tạo gờ nổi, chính giữa mặt khắc hoa văn xoắn hình quả bầu thắt giữa, xung quanh tỏa ra những họa tiết hoa văn xoắn. Chiếc Linga này nguyên thủy là vật thờ trong lòng tháp Bình Lâm.
Theo bản vẽ của H.Parmentier thực hiện vào những năm đầu thế kỷ XX, khi ông nghiên cứu tại di tích Tháp Đôi (Quy Nhơn), lúc đó trong ngôi tháp Bắc có một bệ thờ Linga-Yoni cao 2,1m; phần Linga cao 0,5m; Yoni hình tròn-đường kính 1,3m; dày 0,20m; vòi Yoni dài 0,35m. Hiện nay, Ban Quản lý di tích Bình Định đã phục chế theo tỉ lệ 1/1 một tượng thờ Linga-Yoni bằng đá tương tự đặt thờ trong ngôi tháp này.
Một tượng Linga-Yoni thể hiện một bệ thờ hoàn chỉnh chế tác bằng chất liệu đồng đã được tìm thấy tại tháp Bánh Ít (Tuy Phước) vào thời Pháp thuộc, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có lẽ chính là vật thờ trong lòng ngôi tháp chính của khu tháp Bánh Ít trước kia trong lịch sử. Kích thước hiện vật cao 27cm, rộng nhất 24cm, chu vi lớn nhất 21,5cm. Đây là hiện vật hoàn chỉnh chia làm 3 phần rõ rệt. Phần trên là khối tượng Linga chia làm hai phần: phía trên là trụ tròn biểu tượng thần Shiva, trên trụ có tạc cột thiêng, búi thiêng với nhiều lớp nhô lên với tóc uốn đều hai bên đối xứng, phía dưới là hình bát giác biểu tượng thần Visnu, các cạnh để trơn không trang trí; hai phần này tương đối bằng nhau. Linga được dựng trên Yoni hình tròn, vòi dẫn nước thiêng vươn hẳn ra. Chính giữa Yoni nổi lên hình tròn làm bệ đỡ cho Linga, ngăn cách với thành Yoni tạo nên khe nước chảy xung quanh. Thành đứng mặt ngoài trang trí hoa văn hình con sâu nối nhau, phía dưới là họa tiết chấm tròn kết dải. Ngăn cách với bệ tượng là dải núm vú vây quanh. Bệ hình chóp nón cụt, tròn đều, dải uốn cong thành bát trang trí hoa văn cánh sen nhiều lớp phủ xuôi, tiếp đến là hoa văn chấm tròn, hoa văn móc hình con sâu, dưới cùng là hoa văn cánh sen kết dải, mặt cánh sen trang trí họa tiết chấm tròn. Phần đáy bệ loe ra đều vững chắc.
Tượng Linga-Yoni bằng sa thạch (phục chế) trong lòng di tích Tháp Đôi (Quy Nhơn)
Trong cuộc khai quật vào những tháng cuối năm 2008 tại di tích tháp Dương Long, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loại hình hiện vật rất có giá trị, đáng chú ý nhất là tìm thấy một bệ thờ Yoni nằm trong lòng một phế tích tháp, ở vị trí phía tây sau khu tháp chính, cách tháp trung tâm khoảng chừng 15m. Yoni được tạo từ chất liệu đá xám sẫm, hạt mịn, được mài cắt vuông vức, bóng nhẵn. Yoni hình vuông với vòi dài vươn ra 22cm, cạnh 82cm, cao 53cm, chính giữa có khe dẫn nước, khe dẫn nước sâu thu nhỏ dần ra ngoài. Mặt bệ đục sâu xuống tạo nên lòng bệ vuông. Chính giữa Yoni là lỗ đục vuông xuyên suốt dùng để gá lắp Linga. Phần tượng Linga hiện nay chưa tìm thấy, nhưng căn cứ vào mộng gá lắp cho thấy Linga ở đây có 3 phần thể hiện Tam vị nhất linh mà phần dưới vuông thể hiện thần Brahma. Phần dưới mặt bệ Yoni các cạnh thót đều vào, dùng để gá lắp với phần dưới bệ. Từ hiện vật là chiếc Yoni vừa phát hiện này, các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long là khu tháp thờ thần Shiva mà biểu tượng chính là Linga và Yoni.
Với sự kết hợp của nhiều nguồn tư liệu, cùng những phát hiện mới trong công tác khảo cổ học, mở ra nhiều điều thú vị, không những giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận tìm ra những giải pháp trong việc trùng tu tôn tạo di tích mà còn dần dần sẽ trả lại những giá trị tâm linh cho từng ngôi tháp Chăm ở Bình Định.
Hồ Thùy Trang (Báo Bình Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét