Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

CHỨNG CỨ MỚI VỀ KOSA CỦA CHAMPA


CHỨNG CỨ MỚI VỀ KOSA CỦA CHAMPA

John Guy

Mục đích của bài viết này là giới thiệu một số kosa làm bằng quý kim đã được phát hiện ở vùng đất trước đây là kinh đô của Champa ở miền Trung Việt Nam, trong đó có hai hiện vật có lai lịch rõ ràng. Kosa là một chiếc bao kim loại, làm bằng vàng hay bạc, thường được miêu tả trong các tư liệu Chăm, dùng để phủ lên linga, hiện thân của Siva. Kosa kết hợp với một số phù điêu biểu thị khuôn mặt hay đầu thần Siva, được thiết kế để bao phủ phần trên (Rudrabhaga) củalinga. Danh xưng kosa xuất phát từ một chữ Phạn, miêu tả một lớp vỏ bọc hoặc một cái bao dùng để đựng những báu vật.(1) Những chiếc bao bên ngoài linga như thế được dùng trong các nghi lễ rửa tội và tẩy uế, tuân theo tập tục abhisekacủa người Ấn Độ. Việc dâng hiến những món quà đắt tiền như vậy hình thành từ một phần việc quan trọng nhằm thực thi nghĩa vụ thiêng liêng của đạo Bà La Môn, dana, nghi lễ hiến tế của tín đồ đối với vị thần họ tôn thờ.

Danh xưng kosa rất phổ biến trong tín ngưỡng Saivite ở Ấn Độ nhưng hiếm khi được biết đến ngoài tiểu lục địa này. Những minh văn do những người trị vì vương quốc Champa cho khắc trên các bi ký đã nhắc lại những liên hệ đối với vai trò then chốt củakosa trong nghi lễ chính thống được thực thi nhân danh nhà vua. Những minh văn này cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa kosa với những chức năng tín ngưỡng và ma thuật, mà trọng tâm là tính hợp pháp chính trị và sự tồn tại của nhà vua cùng vương quốc của ông.

Cố giáo sư Jean Boisselier (1963) đã cung cấp một sự miêu tả toàn diện nhất về hiện diện của kosa ở Champa. Miêu tả này dựa trên những công trình nghiên cứu trước đó của các nhà văn tự học người Pháp. Ngôn ngữ được ưa chuộng trong những minh văn này là chữ Phạn, thứ ngôn ngữ giảng dạy của các đạo sư Bà La Môn, được truyền từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Một trong số những minh văn bằng chữ Phạn được phát hiện sớm nhất ở Đông Nam Á là của vị vua Bhadresvara I của vương quốc Champa, được tìm thấy ở Mỹ Sơn, có niên đại vào cuối thế kỷ 4.(2) Minh văn này cung cấp những bằng chứng trực tiếp sớm nhất về sự chấp nhận tư tưởng Ấn Độ giáo của người đứng đầu vương quốc Champa. Những minh văn đầu tiên này đã định hình một kiểu minh văn đặc trưng trong những lời đề tặng của hoàng gia Champa đối với thần linh sau này. Sự xác nhận của người trị vì vương quốc đối với thần linh được thể hiện qua việc sử dụng một cái tên chung. Vì thế, vị thần Siva được thờ trong một ngôi đền ở thánh địa Mỹ Sơn được gọi là Siva-Bhadresvara. Đối với những người trị vì ở đây thì những ai có tham vọng làm vua đều quan tâm tới những bí quyết liên quan đến mong muốn củng cố uy quyền của họ trong một vương quốc có nền chính trị phân tán và đầy biến động.(3) Không có gì nghi ngờ về những biểu đạt mang tính chính trị và tính chiến đấu trong các sử thi Bà La Môn (cả Mahabharata vàRamayana đều rất nổi tiếng ở Champa). Những biểu đạt này đã tác động đến những người đứng đầu những trung tâm chính trị ở Champa, vốn là những nơi luôn có sự căng thẳng triền miên với các lân bang xung quanh.

Minh văn bằng chữ Chăm sớm nhất hiện còn cũng liên quan đến vị vua Bhadravarman I, đồng thời đề cập đến kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) của vị vua này. Minh văn này cũng ca tụng “con rắn linh thiêng của đức vua” (chắc hẳn có liên quan đến một vài hình thức thờ phụng naga - được tìm thấy nơi một cái giếng ở gần phế tích kinh đô Trà Kiệu). Minh văn này tuy không đề rõ niên đại, nhưng được cho là vào cuối thế kỷ 4, đã hàm chứa một số từ vựng vay mượn từ chữ Phạn.(4) Ngoại trừ phát hiện riêng biệt này, tất cả các minh văn trong thời kỳ này đều là chữ Phạn, cho đến thế kỷ 7, lúc mà cả chữ Phạn lẫn chữ Chăm đều được khắc cùng trên một tấm bia. Những minh văn này đều là lời đề từ liên quan đến sự hình thành các ngôi đền, việc trùng tu những ngôi đền ấy hay sự tôn vinh thần linh. Những thông điệp tôn giáo bằng chữ Phạn và chữ Chăm được sử dụng để phản ánh những khía cạnh thế tục của sự hiến tặng, điển hình là những lễ vật và đất đai để mở mang đền thờ. Điều này vẫn thường diễn ra ở Mỹ Sơn cho đến cuối thế kỷ 10.(5)

Một số thông điệp viết bằng chữ Phạn đã cho thấy lễ vật quan trọng nhất mà nhà vua dâng cho đền thờ, hoặc chính xác hơn, cho thần linh chính là kosa, được làm bằng kim loại quý và thường được tô điểm bởi những viên đá quý. Chúng được miêu tả đa dạng, đặc biệt là hầu hết đều liên quan đến số khuôn mặt tương ứng (đa phần thường có bốn hoặc năm khuôn mặt) và luôn có giá trị cao. Những minh văn từ thế kỷ 4 viết về vị vua Bhadresvara I được nhắc đến trên đây đều không đề cập đến việc kosa có được sử dụng trong các nghi lễ liên quan đến ngôi đền thờ này hay không? Một trong những dấu hiệu đáng tin cậy đầu tiên về việc sử dụng kosa xuất hiện trong minh văn của hoàng gia vào đầu thế kỷ 8, mà K. Bhattacharya đã dịch là “ông (người trị vì) làm ra… hai kosa [năm 721 sau Công nguyên]cho Thượng đế, một kosa có thể dịch chuyển, còn cái kia thì cố định. Kosa có thể dịch chuyển mang (một hoặc nhiều) khuôn mặt”.(6)

Ý nghĩa của kosa ở Champa

Sau đây chúng ta có thể xác định ý nghĩa của kosa của Champa và những tín ngưỡng mà nó hàm chứa. Vai trò trung tâm và giới hạn mà tín ngưỡng Saivite lập nên ở Champa nhằm liên kết quyền uy chính trị với quyền năng tôn giáo, là nền tảng cho sự liên kết giữa người thống trị với thần linh. Điều này được thể hiện rõ nhất trong những nghi lễ liên quan đến kosa. Đây là sự thật, bất kể nhà vua mến mộ một tôn giáo đặc biệt nào. Vì thế, chúng ta có thể nhận diện các trích đoạn trong sử thi Ramayana được trang trí trên bệ (pitha) của một linga đồ sộ, niên đại vào thế kỷ 10, từ điện thờ chính của một ngôi đền ở Trà Kiệu và những cảnh sinh hoạt của Krishna trên một phù điêu có niên đại vào thế kỷ 10 ở Khương Mỹ. Rõ nhất là trường hợp Phật viện Đại Thừa được vua Indravarman II xây dựng ở Đồng Dương. Một bi ký có niên đại vào năm 875 đã tôn vinh bồ tát Lokesvara của Phật giáo dưới cái tên Laksmindra Lokesvara. Minh văn tương tự cho thấy nhận thức của Indravarman về sự phụ thuộc của ông vào quyền uy tối thượng của thần Siva, thể hiện trong việc cúng dường một kosa “với khuôn mặt bằng vàng”.(7)

Những minh văn khác xác định giá trị của những quý kim được sử dụng để chế tác kosa: vào năm 1194, hoàng tử Vidyanandana của Suryavarmadeva đã tuyên bố rằng trong những lễ vật cúng dường cho thần linh ở Mỹ Sơn, Srisanabhresvara, “nhằm đạt được những phẩm chất xứng đáng trong kiếp này và các kiếp sau”, có một kosa bằng vàng có sáu khuôn mặt (sadmukha) nặng 510thei.(8) Lời đề tặng bằng chữ Phạn của Jaya Indravarman ở Mỹ Sơn vào năm 1163 ghi nhận việc nhà vua dâng tặng một kosa bằng quý kim có năm khuôn mặt (panchamukhalinga). Những minh văn này nói rằng “Vị thần này dù rất bao dung nhưng không thể ban phước khắp cả 10 phương; vì vậy hiện giờ ông trở thành thần bảo hộ với năm khuôn mặt hoàng gia (Siva) với nhiều thế lực”.(9)

Điều này dường như có ý nghĩa khá rõ ràng, cụ thể là sự can thiệp của hoàng gia để làm nên một kosa quý giá sẽ làm tăng khả năng của linga trong việc bảo vệ bờ cõi của vương quốc.

Theo chương Uttara-kanda trong sử thi Ramayana thì việc thờ phụng linga bằng vàng là phương tiện để bảo đảm sự thịnh vượng. Quỷ vương Ravana mang một linga bằng vàng trên người và phụng thờ linga này để đạt đến quyền năng.(10)

Như đã đề cập ở trên và dựa vào những mảng chạm khắc trên bệ của một linga vĩ đại được chuyển về từ cố đô Simhapura (Trà Kiệu) của vương quốc Champa, có thể nhận thấy sử thi Ramayana rất phổ biến ở Champa. Phải chăng sự liên quan giữa vàng với việc tìm kiếm quyền năng trong sử thi Ramayana chính là nguồn gốc của sự trùng hợp ngẫu nhiên này trong tín ngưỡng Champa? Dĩ nhiên sự xuất hiện của những minh văn bằng chữ Chăm đã làm rõ hơn những hiểu biết về mối liên hệ này. Truyện cổ tích Ấn Độ ám chỉ về lớp bọc bằng vàng của thần Siva đã soi sáng thế giới của ngài(11) có thể dùng để so sánh với việc những vị vua của Champa đề cao những kosa bằng vàng như là công cụ ma thuật khiến cho Siva mở rộng mối quan tâm về lãnh thổ.

Một mảng phù điêu chạm trên bệ thờ ở phế tích Mỹ Sơn E.1 cho chúng ta một bằng chứng trực quan độc đáo về một đạo sĩ Bà La Môn đang thi hành lễ puja: vị đạo sĩ đang rót nước rửa tội từ chiếc bình có vòi lên một linga có một khuôn mặt, gọi là ekhamukhalinga. Hình người quỳ phía sau vị đạo sĩ biểu thị một tín đồ đang hành lễ. Nếu ngôi đền E.1 ở Mỹ Sơn là đền thờ dành cho hoàng gia, thì có thể nêu giả thuyết rằng tín đồ đang hành lễ chính là thành viên của hoàng tộc Chăm, hoặc giả là người bảo trợ của ngôi đền.

Chứng cứ mới

Có một số kosa đã được phát hiện trong những năm gần đây.(12) Tôi sẽ miêu tả một vài kosa mà tôi đã giám định, dựa trên những nghiên cứu khoa học, cho thấy những đặc điểm tương hợp với kim loại lâu đời. Tất cả đều được làm từ những miếng vàng, đúng ra là hợp kim vàng và bạc, trong đó vàng là thành phần chủ yếu. Cũng có một hiện vật chế tác từ hợp kim đồng thau. Sự phát hiện những hiện vật hiếm hoi và khác thường này đã làm gia tăng số lượng bản sao giả mạo trên thị trường với nhiều mức độ. Một vài kosa này đã được giám định khoa học, còn một số khác thì không.(13)

Những kosa này, gọi là đầu tượng thì chính xác hơn, có hình trụ tròn và cuối phần cổ khá dài của chúng có dấu vết của những lỗ đinh để tán vào một bề mặt khác, chắc hẳn là phần thân của kosa. Các kosa được chế tác từ những nguyên liệu như nhau, đặc biệt rất giống nhau về thành phần nguyên liệu. Chiếm tỉ lệ lớn trong hợp kim là vàng, kế đến là bạc và một số ít kim loại khác.(14) Tất cả kosa đều tạo thành từ những miếng vàng, được dán với nhau bằng nhựa thông hoặc sáp ong. Phần trán của đầu tượng và phần búi tóc thường được làm từ một miếng vàng, phần sau làm từ một miếng khác, được nối với nhau bằng một khớp nối hình răng cưa. Để làm được điều này cần có sự kết hợp của kỹ thuật dập khuôn với các hình thức gia công khác như đục và tạo ren. Có một hiện vật cho thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa pha lê với đá quý màu đen để khảm lên phần trán tượng, tạo thành con mắt thứ ba, lông mày, mắt và râu của thần Siva. Trong khi có một số mảnh khảm bằng đá quý đã bị thay thế thì cũng có những đầu tượng còn giữ được các mảnh khảm nguyên gốc hoặc đã được mài lại. Có thể tháo rời đồ trang sức, tất cả khuyên tai và những phụ kiện khác ra khỏi đầu tượng để điều chỉnh cho phù hợp với phục trang của đền thờ khi tế lễ. Một vương miện bằng vàng có khảm đá quý cũng được phát hiện, cùng loại với chiếc vương miện được phát hiện ở Mỹ Sơn vào đấu thế kỷ 20 và đã được Parmentier công bố vào năm 1903 trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Chiếc vương miện này quá nhỏ để người thường có thể sử dụng, nên có thể giả định rằng chiếc vương miện này dùng để trang trí cho tượng Siva thờ trong đền thờ. Trong trường hợp này, có thể người Chăm đã tuân theo nghi thức hành lễ của Ấn Độ, nên đã sử dụng vương miện này để nâng cao hiệu lực cho pho tượng và tăng thêm phần “cám dỗ” mà tín đồ đã dâng hiến để thần linh “cư ngụ” (dù là tạm thời) trong pho tượng ấy.

Tuy đa dạng, song các đầu tượng kosa vẫn có cùng một số đặc trưng cơ bản cho phép một sự miêu tả tổng quát: Khuôn mặt nhìn về phía trước; mắt mở to; con ngươi được khảm bằng đá quý. Con mắt thứ ba của đầu tượng có chung một đặc điểm nổi bật là nằm ở trước trán và ở vị trí cao hơn. Lông mày hình vòng cung hướng lên trên, chạm nổi hoặc khắc chìm; râu cũng được thể hiện theo kỹ thuật tương tự. Tóc của thần Siva được bện cẩn thận, theo kiểu tóc jatabandha đặc trưng. Búi tóc trong hầu hết các hiện vật đều được làm từ một miếng kim loại riêng biệt rồi mới được gắn tượng. Đầu tượng vươn cao với cái cổ dài, được đánh dấu bởi những ngấn cổ riêng biệt. Phần cuối của cổ là một đường gờ nổi có các dấu đinh tán, có thể đoán là để gắn đầu tượng vào thân của kosa. Những phân tích thành phần kim loại còn lưu trên vết đinh tán có thể nhận định rằng hợp kim làm nên phần thân của kosa có thành phần chính là bạc.

Những minh văn liên quan đến kosa thường miêu tả kosa có nhiều khuôn mặt, đa phần là bốn mặt. Song có một điều không được rõ là liệu những đầu tượng kosa này có cùng gắn lên một linga hay không? Hay chúng là những cá thể riêng biệt trong một nhómlingakosa? Đây là thực tế phổ biến trên các mukhalinga Ấn Độ, với những đặc điểm riêng cho từng khuôn mặt, phản ánh những diện mạo và tính cách khác nhau của Siva. Tuy nhiên, trong những kosa hiện còn, không có hai cái nào có chung thành phần hợp kim, chung niên đại, hay giống nhau về kích thước và kỹ thuật tạo hình. Điều này chứng tỏ rằng chúng không liên quan với một cổ vật hay là chúng là bộ phận của cùng một lingakosa.

Việc xem xét, đối chiếu phong cách tạo hình của các đầu tượng này với phong cách điêu khắc đá Champa đồng đại có thể giúp ích cho những nỗ lực xác định niên đại của những đầu tượng này.

Một pho tượng Siva đứng trong ngôi đền Mỹ Sơn C1 (thế kỷ  8 - 10) và một đầu tượng Siva không rõ nguồn gốc (có niên đại khoảng thế kỷ 10) đều mang những đặc trưng giống như trên một đầu tượng kosa hiện còn. Tất cả đều có đôi mắt to; lông mày liền một dãi; bờ môi dày ẩn dưới hàng ria rậm và bóng mượt; tóc được chải gọn gàng, bới cao theo kiểu jata và tạo dáng cũng như nhau.

Có một cách xác định niên đại khác nhờ việc giám định những kiểu thứclinga liên quan đến những nơi thờ tự chủ yếu của hoàng gia Champa. Điều này có thể gợi ý về niên đại của kosa. Cả hai đều liên quan đến việc phân tích minh văn và phong cách tạo hình so với nguyên mẫu ở Ấn Độ. Sự hiện diện của lingatrong nghệ thuật Ấn Độ thể hiện một xu hướng rõ ràng theo thời gian, bắt đầu với cấp độ phát triển cao của chủ nghĩa tự nhiên, hướng đến một sự cách điệu hóa, giảm dần những đặc trưng hình thể; giảm thiểu các chi tiết và đường nét, và cuối cùng chỉ còn là một hình trụ đơn giản với ba phần phân biệt.(15) Văn bảnAgama miêu tả rất nhiều loại linga, gồm cả những linga cố định (achala-linga) và những linga có thể dịch chuyển được (chala-linga). Loại linga cố định đa phần làm bằng đá, còn loại dịch chuyển được hầu hết làm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau, như: cát, đá tự nhiên, đá quý và các quý kim. Sự phát triển của linga ở Ấn Độ đạt cực thịnh với các kiểu thức quy ước có từ thời Trung Cổ và được miêu tả trong Visnudharmottara Purana:(16) Đó là một cấu trúc gồm ba phần: phần dưới cùng hình vuông (Brahmabhage), phần giữa hình lăng trụ bát giác (Visnubhaga) và phần trên cùng hình trụ tròn (Rudrabhaga, hay pujabhaga, là phần dâng hiến trong nghi lễ puja). Tên của từng bộ phận trong linga được phản ánh trong huyền thoại Lingodbhavamurti(17) rất nổi tiếng ở Đông Nam Á, nhất là vào thế kỷ 7. Theo quy định, hai phần bên dưới ẩn trong chân đế (pitha), không nhìn thấy được; còn kosa chỉ được dùng để bao phủ phần trên cùng.

Tại những trung tâm của vương quốc như Mỹ Sơn và Trà Kiệu có lưu giữ một số achala-linga bằng đá. Những lingacủa Champa thuộc loại linga gồm ba phần đặc trưng của linga Ấn Độ thời Trung Cổ, song các phần này đều gắn kết trong một tổng thể. Tuy nhiên, không giống như những linga đầu tiên tìm thấy của Ấn Độ vào thế kỷ 5, những linga ở Mỹ Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ 8 đến thế kỷ 10, hoàn toàn không được trang trí, nhưng lại có thêm một số chi tiết nhô ra.(18) Những linga này có niên đại tương tự nhóm hiện vật ở Trà Kiệu, trong đó có đài thờ lớn hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở thành phố Đà Nẵng. Đặc điểm đáng chú ý này đã gợi nhớ về những ekhamukhalinga thời kỳ đầu, hiện vẫn còn sót lại ở Campuchia và Thái Lan. Đó là những linga mang một đầu Siva nhỏ ở phần cuối của rãnh thoát. Loại linga này không có trong nghệ thuật Ấn Độ. Trong cách giải thích khác cho rằng những đạo sĩ và nghệ sĩ Bà La Môn chịu trách nhiệm phát triển nội dung hành đạo hơn là việc định hình những quy ước theo phong cách Ấn Độ.

Những so sánh về sự tương đồng trong phong cách tạo hình các linga bằng đá với các lingakosa bằng quý kim có thể giúp cho việc xác định tạm thời niên đại của các kosa là vào khoảng thế kỷ 10.

Ở Champa rất hiếm thấy mukhalinga bằng đá, có thể do sự thừa nhận vai trò của kosa. Một hiện vật phát hiện ở Trà Liên (Quảng Trị), dù bị hư hỏng, vẫn thể hiện một khuôn mặt của thần Siva trên một phần thân có hình dạng kỳ lạ.(19) Ở vùng cực nam của Champa có hai ngôi đền thờ mà sau này người Chăm vẫn cử hành lễ lingapuja. Đó là đền thờ Po Klaung Gerai (tỉnh Ninh Thuận, xây dựng từ thế kỷ 13) và đền thờ Po Rome (tỉnh Bình Thuận, xây dựng vào thế kỷ 17). Trong đền Po Klaung Gerai có một ekhamukhalinga kỳ lạ, thần Siva hiện thân nơi đây mang những đặc trưng của vị thủ lĩnh cổ xưa của một vùng. Còn tại đền Po Rome, thần Siva trở thành vị thần Hộ thế bát thiên phương. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ truyền thống thờ cúng tổ tiên. Lớp vỏ Ấn Độ giáo chỉ tồn tại một thời gian và những ký ức về năng lực siêu nhiên huyền bí của Siva đã gần như bị quên lãng.

Tín ngưỡng Saivite và việc sử dụng kosa ở Champa đã góp phần quan trọng vào sự hiểu biết của chúng ta về tập quán thờ cúng của Ấn Độ cổ xưa, thậm chí cả khi bối cảnh văn hóa diễn ra nghi lễ này rất khác nhau. Điều này cũng cung cấp thêm chứng cứ để khẳng định rằng các nền văn hóa ở Đông Nam Á đã du nhập và tiếp biến văn hóa Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu bản địa trong một hệ thống đức tin về vũ trụ quan đang còn sơ khai.

(Trà My và Anh Sơn lược dịch từ bản tiếng Anh)



CHÚ THÍCH

(1) Danh xưng kosa được sử dụng trong Mahabharata VIII, 1733. Xem: Monier-Williams, A Sanskrit -English Dictionary (Từ điển Phạn - Anh), Oxford University Press, 1899, p. 314.

(2) Vấn đề xác định niên đại các ký tự Ấn Độ phát hiện ở Đông Nam Á được de Casparis đưa ra vào năm 1978. Xem: D. C. Sircar, 1941, “Date of the earliest Sanskrit inscription of Campa” (Niên đại của những minh văn chữ Phạn sớm nhất của Champa”, Indian Historical Quartly, vol. XVII, no. 1.

(3) Địa giới của Champa trong thời kỳ đầu này rất khó xác định, nhưng dường như trung tâm của vương quốc này là các khu vực được biết đến dưới các tên gọi Indrapura và Amaravati (“miền bắc Champa”; hiện nay là tỉnh Quảng Nam), trải dài từ những ngọn đồi ở Mỹ Sơn đến trung tâm Trà Kiệu sâu trong nội địa cho đến vùng duyên hải. Xa hơn về phía nam của “miền nam Champa”, với trung tâm đầu tiên là Vijaya (tỉnh Bình Đình) và sau đó là Kauthara (tỉnh Khánh Hòa) và Panduranga (Mũi Dinh và tỉnh Bình Thuận).

(4) G. E. Marrison, 1975, “The Early Cham Language, and its relationship to Malay” (Ngôn ngữ Chăm sơ kỳ và mối quan hệ của nó với tiếng Mã Lai), Journal of the Malaysian Branch of the royal Asiatic Sociaty, vol. 48, pt. 2, 1975, p. 53.

(5) Một loạt văn tự viết bằng chữ Chăm xuất hiện trong các năm 875 - 972 đã được giới thiệu bởi G. E. Marrison. Xem: G. E. Marrison, Ibidempp. 54 - 58. 

(6) K. Bhattacharya, 1966, “Linga-kosa” (Linga-kosa) in Ba Shin (Ed.), Essays offered to G. H. Luce, Artibus Asiae Supple. 23, vol. 2, p. 6.

(7) J. Boissellier, 1956, “Art du Champa et au Cambodge Préangkorien la date de Mi-son E.I” (Nghệ thuật Champa và ở Campuchia thời tiền Angkor niên đại Mỹ Sơn E1”, Artibus Asiae, vol. XIX, no. 3/4, p. 91.

(8) J. Boissellier, Ibidem, p. 324.

(9) P. Mus, 1975, India seen from the East. Indian and Indigenous cults in Champa (Ấn Độ nhìn phía Đông. Ấn Độ và nghi lễ thờ cúng bản địa ở Champa), trans. by I. W. Mabbett. Melbourne: Monash Papers on Southeast Asia, 3.

(10) T.A.G. Rao, 1916, Elements of Hindu Iconography (Những yếu tố của nghệ thuật mô tả hình tượng trong Ấn Độ giáo), vol. II, pt. I, Madras: Law Printing House, p. 78.

(11) S. Kramrisch, 1981, The Presence of Siva (Hiện thân của Siva), Princeton University Press, p. 163.

(12) Những kosa này xuất hiện trên thị trường nghệ thuật Lonlon trong các năm 1996 - 1998. Lai lịch các kosa này đều được giữ kín. Những thông tin về giá trị tiền bạc và tâm linh của những kosa này được bảo mật trong kho báu của ngôi đền và có lẽ luôn được giữ kín vì những nguy cơ. Trong khi những kosa từng được biết đến đều có dấu mòn, sứt sẹo và han gỉ, thì những kosa mới phát hiện này không bị hư nát như những hiện vật bị chôn cất mắc phải. Có thể chúng được bảo vệ trong một vật khác.

(13) Ba trong số những đầu tượng Siva bằng hợp kim vàng và bạc nói trên đã được giám định và đã có kết quả khảo nghiệm. Đầu tượng thứ tư không được giám định nhưng có những đặc điểm tương tự với ba đầu tượng kia. Đầu tượng bằng đồng tuy không được giám định bằng qua kính hiển vi điện tử nhưng tình trạng gỉ đồng của đầu tượng này khiến người viết bài này tin vào tính xác thực của nó. Đầu tượng thứ sáu cũng làm bằng hợp kim vàng và bạc nhưng kết quả giám định xác nhận đó là đồ giả.

(14) Những chi tiết kỹ thuật dựa vào các báo cáo phân tích đáng tin cậy, trong đó có báo cáo của TS. Anna Bennett ở London. Thành phần hợp kim của các kosanày được xác định nhờ soi qua kính hiển vi điện tử sử dụng tia X nhưng người viết không nêu ra trong bài viết này, nhằm tránh việc vô tình giúp cho những ai đang tìm cách tạo ra những bản sao hiệu quả.

(15) Một biểu niên đại về xu hướng này đã được đề xuất bởi Mitterwallner. Xem: G. v. Mitterwllner, 1984, “Evolution of the Linga” (Sự tiến hóa của Linga) in M. Meister (Ed.), Discourses on Siva, Philadelphia: University of Pennsylvania, pp. 12 - 31.

(16) Niên đại của Visnudharmottara Purana đang gây ra sự tranh cãi, nhưng hầu hết đều cho rằng có thể là thế kỷ 7. Xem: G. v. Mitterwallner, Ibidem, p. 22.

(17) Huyền thoại Lingodbhavamurti nói về cuộc tranh cãi giữa Brahma và Visnu về việc vũ trụ tạo ra từ cái gì? Huyền thoại này nổi tiếng ở Java và ở Campuchia trong thời kỳ tiền Angko (cuối thế kỷ 7), được thể hiện trên ngôi đền Vat Eng Khna ở Kompong Thom.

(18) Một linga được chạm khắc ở Karamdanda, Uttar Pradesh (Ấn Độ), niên đại là năm 437 sau Công nguyên. Xem: G. v. Mitterwallner, Ibidemfig. 6.

(19) J. Boissellier, Ibidem, fig. 250.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét