Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Từ bức phù điêu đá ở thành Bình Định đến sự hiện diện của sử thi Mahabharata trong nghệ thuật điêu khắc Chăm cổ

Từ bức phù điêu đá ở thành Bình Định đến sự hiện diện của sử thi Mahabharata trong nghệ thuật điêu khắc Chăm cổ

Hiện nay bức phù điêu đá (cụ thể là diềm chân tường hay diềm mái của kiến trúc đền tháp Chămpa) có xuất xứ từ thành Bình Định (nay thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), mà chúng tôi sẽ đi sâu phân tích dưới đây, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (gian Bình Định, ký hiệu 45.7). Bức phù điêu đá này không lớn (dài 92cm, rộng 33cm) không phải là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa. Thế nhưng, nội dung và cách thể hiện các hình ảnh của bức phù điêu này lại có những điểm không thể không lưu ý.
     Ngay từ khi phát hiện ra vào đầu thế kỷ XX (năm 1902). Ông H.Parmentier đã có những mô tả và nhận xét về bức phù điêu-đối tượng nghiên cứu của chúng tôi-trong kho điêu khắc Bình Định như sau: "Mảng thể hiện cảnh chiến trận: ba chiến xa đầu, một chiến sĩ chết nằm xuống mặc một chiếc sampot (tấm vải quấn làm quần) với vạt bên trái lật lên. Lưu ý là bánh xe thể hiện những nan hoa thực sự chứ không phải là những mặt liền nhau. Đằng sau chiến xa thứ nhất là một cây to, trên cây có một cái đầu không mũ, búi tó to tách ra, có thể là thể hiện một người nấp hay đúng hơn là vị thần cây. Chiến xa thứ hai có hai thành xe uốn cong như hình sừng ở đằng trước và đằng sau giữa đôi ngựa, hình thù giống chiếc xe bò Chăm và Cao miên hiện nay vẫn dùng. Bên trên, một người đứng chân phải cong, chân trái thẳng vừa mới bắn một mũi tên. Trang phục của người này chỉ có một thắt lưng và đầu đội một chiếc mũ (mukuta) nhiều tầng. Cuối cùng, chiến xa thứ ba chỉ được thể hiện bằng hai con ngựa"(H. Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Chams de l'Annam (I.M.C.A). Parris, 1909, chương 7, Kho điêu khắc ở Bình Định). Vì là một trong những hiện vật được phát hiện tại khu vực thành Bình Định và được gom vào một chỗ để cất giữ (mà ông H.Parmentier, người tập hợp các hiện vật này lại, gọi là "kho điêu khắc ở thành Bình Định"), nên, như phần lớn các hiện vật khác ở đây, mảng điêu khắc thể hiện chiến trận không có nguồn gốc xuất xứ. Ông H.Parmentier cho rằng, có thể một số những hiện vật của kho điêu khắc Bình Định có nguồn gốc từ thành Đồ Bàn gần đó. Một thời gian sau, khi Bảo tàng điêu khắc Chăm do H.Parmentier lập ra ở Đà Nẵng, các hiện vật ở kho điêu khắc Bình Định đã được chuyển về trưng bày và lưu giữ tại đây. Sau đấy vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi phân tích những tác phẩm điêu khắc thuộc phong cách Tháp Mẫm (tên một di tích tháp Chămpa ở Bình Định), nhà nghiên cứu J.Boisslier cũng có những nhận xét đáng lưu ý về tác phẩm điêu khắc Bình Định thể hiện cảnh chiến trận này: "chúng ta tìm thấy lại cùng một chiếc mũ hình guột xoáy trôn ốc (kiểu mũ tiêu biểu của phong cách Tháp Mẫm, NVD) trên một diềm đá xuất xứ từ thành Bình Định, có một kỹ thuật chế tác khá cẩu thả, nhưng đầy sức sống (chúng tôi muốn nhấn mạnh). Cảnh trí, chắc chắn minh hoạ một văn bản hùng tráng (chúng tôi nhấn mạnh) nào đó, vẫn chưa được xác định, nhưng cung cấp một vài tài liệu thú vị. Ngoài sự có mặt một người bắn cung đội chiếc mũ kirita-mukuta của phong cách (phong cách Tháp Mẫm từ cuối thế kỷ X đến năm 1177, NVD), xác minh niên đại của hiện vật tốt hơn là những bộ y phục rất khó phân biệt, chúng ta sẽ lưu ý tới hình thù của những chiếc xe bò của người Campuchia hiện nay, như H.Parmentier đã từng nhấn mạnh, và lưu ý tới cả phương thức buộc ngựa vào xe nữa. Thật thế, đây là phương thức Ấn Độ (được chứng minh từ thời Sanchi) và cũng được sử dụng ở Capuchia, buộc cặp hai con ngựa dưới  một chiếc ách."(J.Boisslier, La statuaire du Champa, EFEO, Paris, 1963. Tr 274.). Trên cơ sở phân tích một số yếu tố của trang phục, đồ đội...của các nhân vật được thể hiện, nhà nghiên cứu J. Boisslier cho rằng tác phẩm điêu khắc chiến trận của Bình Định có niên đại nằm trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XII và xếp các tác phẩm này vào phong cách điêu khắc Tháp Mẫm.
     Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với niên đại và phong cách mà J. Boisslier đã xác định cho bức phù điêu chiến trận của Bình Định. Do vậy vấn đề chính mà chúng tôi muốn và sẽ đi sâu nghiên cứu ở đây là nội dung mà bức phù điêu Bình Định thể hiện.
     Đúng như các nhà nghiên cứu đã nhận xét, từng hình thù, như hình chiến binh giương cung, hình người nằm trên cỗ xe, hình những con ngựa...trên bức phù điêu Bình Định được thể hiện khá thô và cẩu thả: đầu của người bắn cung quá lớn, chân của các con ngựa quá ngắn; các khối điêu khắc không tinh tế... Nhưng, những động tác của các nhân vật và các con vật cũng như nhịp điệu toàn bộ khung cảnh của bức phù điêu thì lại được miêu tả thật sống động: những con ngựa ngẩng cao đầu, tung đôi chân trước và lao cả thân hình một cách dũng mãnh về phía trước; người cung thủ căng cả thân mình và hai tay hai chân để lấy sức giương cung bắn mũi tên đi; chiếc bánh xe trong cỗ xe chở người cung thủ vì lao nhanh và chịu sức nặng của người cưỡi xe đè oằn xuống và hơi cong lại về phía trước; trong khi đó thì chiếc xe chở người chiến binh đang nằm (có thể là kẻ bại trận) lại như từ từ lăn vì không có người thúc ngựa (hai chân sau của con ngựa rõ ràng là đang bước đi chứ không trong tư thế phi nước đại và chiếc bánh xe thì chậm rãi quay chứ không chuyển động mạnh và nhanh như những cặp ngựa và bánh xe của chiếc chiến xa phía sau đang đuổi tới); toàn bộ bức tranh được thể hiện theo chiều vận động nhanh và mạnh theo một chiều từ phải sang trái. Hơn thế nữa, ngoài những hình ảnh cần được thể hiện ra, trên bức phù điêu Bình Định, không có những hình ảnh và chi tiết phụ khác, trừ hình ảnh cái cây có hình đầu người. Đúng là cái cây ít nhiều đã làm giảm đi độ sôi động và khí thế bừng bừng chung của cảnh chiến trận. Thế nhưng, như chúng tôi sẽ phân tích, cái cây ở đây mang chức năng thể hiện nội dung của khung cảnh chứ không phải là một chi tiết trang trí. Ngoài ra, cũng theo suy nghĩ của chúng tôi, ngoài là một nội dung của bức tranh, cái cây lại như là ranh giới cắt bức tranh thành hai phần: phần bên phải sống động và mạnh mẽ của người chiến thắng và phần bên trái uể oải và chậm rãi của kẻ bại trận. Có thể nói, khó có thể thấy trong nghệ thuật cổ Chămpa một tác phẩm nào có được sự thể hiện động thái và nhịp điệu của các nhân vật một cách sống động và hoành tráng như tác phẩm điêu khắc Bình Định.
     Không chỉ thể hiện các cảnh trí một cách đầy sức sống, mà như các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, tác phẩm điêu khắc Bình Định chắc chắn đã minh hoạ cho một văn bản hùng tráng nào đó. Do vậy việc giải mã nội dung văn bản của bức phù điêu không chỉ là một điều lý thú mà còn có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu nghệ thuật cổ Chămpa. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, chúng tôi đã thử đọc nội dung của bức phù điêu này. Trong một bài thông báo in năm 1986, chúng tôi đã bước đầu "đọc" ra nội dung của bức phù điêu. Lúc đó (cách đây hơn 20 năm) chúng tôi đã nhận ra nội dung của bức phù điêu Bình Định chính là một cảnh của thiên sử thi Mahabharata của Ấn Độ. Bài viết của chúng tôi có đoạn: "bức phù điêu thể hiện trận đánh đầu tiên của Arjuna với đội quân của Duryodhana sau 13 năm lưu đày. Bắt đầu từ thời điểm này, cuộc chiến đẫm máu giữa các anh em thuộc hai dòng họ Pandava và Korava bùng nổ... (Ngô Văn Doanh, Về nội dung của bức phù điêu mang ký hiệu 45.7 ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. "những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1986". Viện Khảo cổ học, H. 1987, Tr 387-388). Khi đó, vì khuôn khổ của một bài thông báo, chúng tôi chỉ tóm tắt  rất ngắn nội dung văn bản mà bức phù điêu Bình Định minh họa. Giờ đây, sau 20 năm nhìn lại và viết lại, chúng tôi muốn trình bày rõ hơn và kỹ hơn những lý giải của mình về nội dung thể hiện của bức phù điêu này.
     Sau khi bóc tách từng chi tiết được thể hiện trên bức phù điêu để đem đối chiếu với văn bản, chúng tôi một lần nữa khẳng định ý kiến của mình đã đưa ra cách đây hơn 20 năm. Theo phân tích của chúng tôi, bức phù điêu Bình Định đã mô tả một cách cô đọng và đầy đủ những chi tiết chính về trận đánh đầu tiên của Arjuna và các anh em nhà Pandava với đội quân của các anh em nhà Korava do Duryodhana chỉ huy. Có thể tóm tắt nội dung chi tiết này của sử thi Mahabharata (có thể tham khảo thêm: Mahabharata, của C.Rajagopalachari, Nxb, Bharatya Victya Bhavan. Bombay, 1955. (đã được Cao Huy Đỉnh, Phạm Thuỳ Ba, Nguyễn Thế Dương dịch và giới thiệu. Xem Mahabharata, Nxb, Văn học, H. 2004) bằng những sự việc và hình ảnh cụ thể sau đây. Sau mười hai năm phải sống lưu đày trong rừng, theo như thoả thuận với anh em nhà Korava, trong vòng một năm, các anh em nhà Pandava phải mai danh ẩn tích sao cho nhà Korava không phát hiện ra, vì, nếu bị phát hiện, họ sẽ phải sống lưu đày trong rừng mười hai năm nữa. Sau khi tính toán kỹ, các anh em nhà Pandava quyết định đóng giả làm những người đi làm thuê khác nhau (Yuhitira đóng làm người xuất gia tu hành; Bhima-làm ngưòi đầu bếp, Arjuna-làm một hoạn quan phục vụ các vị phu nhân; Nakula-làm người trông nom ngựa; Sahadeva-làm người chăn bò; và nàng Dropadi, người vợ chung của năm anh em-làm nô tỳ) để phục vụ trong triều đình của vua Virata. Cả một năm trời trôi qua thật êm đẹp. Thế rồi vào những ngày cuối năm ẩn tích đó của anh em nhà Pandava, đất nước của vua Vitara bị đại quân của Duryodhana tấn công dữ dội. Trong tình cảnh nguy cấp đó, Arjuna trong vai người hoạn quan tên là Brihanata, đã tình nguyện làm người đánh xe cho hoàng tử Utara ra trận. Vì sự bất lực và hoảng sợ của hoàng tử, Arjuna phải đứng lên thay hoàng tử ra trận. Trước khi xông trận, Arjuna đã cho chiến xa tới một cây to gần nghĩa địa để lấy những vũ khí mà anh em nhà Pandava giấu trên đó trong một cái bọc da mà mọi người tin rằng đó là cái xác một người thợ săn đàn bà. Sau khi trút bỏ đi những đồ phụ nữ mặc trên người và cầm lấy các vũ khí, Arjuna lao ra trận. Người anh hùng nhà Pandava phóng những mũi tên thần Gandiva vào đại quân của Duryodhana khiến chúng bỏ chạy tan tác. Daryodhana bị đại bại và phải bỏ chạy. Trên đường chạy, các tướng lĩnh của đội quân Korava, trong đó có cả Duryodhana bị vũ khí thần của Arjuna đánh ngã lăn bất tỉnh  trên chiến địa. Arjuna đã cho lột lấy quần áo của kẻ địch đem về- dấu hiệu thắng lợi hoàn toàn. Khi nhận ra Arjuna, anh em nhà Lorava nghĩ rằng anh em nhà Pandava đã vi phạm điều cam kết và phải bị lưu đày trong vòng mười hai năm tiếp theo. Thế nhưng trận đánh này của Arjuna xảy ra sau khi ngày cuối của năm thứ mười ba đã trôi qua được mấy ngày. Do vậy, trận đánh của Arjuna là trận đánh mở đầu cho cả một cuộc chiến đẫm máu và khủng khiếp của những người anh em của nhà Pandava với anh em nhà Korava.
     Trên bức phù điêu Bình Định, xuất hiện một cách rất sinh động gần như tất cả những tình tiết chính liên quan đến trận đánh của Arjuna: cái cây có hình mặt người phụ nữ, nơi Arjuna  đến lấy xuống những vũ khí thần mà các anh em nhà Pandava đã cất giấu; cung thủ Arjuna trên chiến xa hai ngựa kéo, người đã phóng ra những mũi tên thần để hạ gục kẻ thù; kẻ bại trận (có thể là Duryodhana) bất tỉnh nằm dài trên một chiếc xe. Tuy chỉ có thể hiện một vài tình tiết, nhưng theo suy nghĩ của chúng tôi, bức phù điêu Bình Định đã minh họa khá đầy đủ và sống động một trong những tình tiết quan trọng của sử thi Mahabharata: trận đánh mở đầu của Arjuna với anh em nhà Korava (chương 44-46).
     Cho đến nay, trong các nền nghệ thuật cổ của Ấn Độ và của các nước Đông Nam Á, đã phát hiện ra nhiều tác phẩm điêu khắc đá thể hiện các cảnh lấy từ sử thi Mahabharata. Có lẽ, một trong những nơi còn lưu lại nhiều tác phẩm điêu khắc thể hiện những nội dung cơ bản của sử thi Mahabharata chính là nền nghệ thuật Campuchia thời Angco. Ví dụ, hai tấm phù điêu của hai ngôi đền Banteay Srei và Baphuon thể hiện câu chuyện Tilottama (quyển 1, chương 16 của Mahabharata), các  hình của phù điêu ở hành lang III của Angco Vat thể hiện trận chiến Kurukshetra (quyển 6-10); các hình phù điêu của Banteay Srei thể hiện rừng Khandava (quyển1, chương 19); những mảng phù điêu của Baphuon thể hiện cảnh Duhshasana đang cố lột trần Draupadi (quyển2, chương 23)... (có thể tham khảo Vittorio Roveda, Images of the Gods, River Book, 2005,Tr.102-110). Do cùng thể hiện một văn bản sử thi hoành tráng, nên, rất dễ nhận ra những chi tiết gần nhau giữa những tác phẩm điêu khắc của Angco với bức phù điêu của Bình Định. Và chi tiết dễ nhận ra nhất chính là cỗ chiến xa hai ngựa kéo và hình các cung thủ (có thể so sánh các cỗ xe và các chiến binh của Banteay Srei với các hình tượng tương tự của bức phù điêu Bình Định). Một chi tiết khá quan trọng và lý thú cần nhấn mạnh là bức phù điêu Bình Định xuất hiện vào cùng thời với các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của Angco thể hiện Mahabharata (thế kỷ 12).
     Nhưng so sánh với Angco đã khiến chúng tôi vững tin hơn để khẳng định nội dung của bức phù điêu Bình Định chính là một cảnh rút từ sử thi Mahabharata. Nhưng, rất tiếc là, cho đến nay, trong nghệ thuật Chămpa, mới chỉ phát hiện được một mảng phù điêu duy nhất (bức phù điêu đá Bình Định) minh họa sử thi Mahabharata. Qua cấu tạo và cách thể hiện những nhân vật và những cảnh kế tiếp nhau của bức phù điêu, có thể dễ dàng nhận thấy bộ diềm đá này chỉ là một mảng trong cả một chuỗi liên hoàn những hình điêu khắc khác cùng minh họa cho một văn bản là sử thi Mahabharata mà đến nay đã không còn hoặc chưa được tìm thấy. Hy vọng rằng trong tương lai, các nhà khảo cổ học sẽ phát hiện được những tác phẩm điêu khắc đá bị mất. Mặc dầu vậy, dù chỉ mới là một, bức phù điêu Bình Định đã là một hiện vật nghệ thuật có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định sự có mặt của bộ sử thi đồ sộ Mahabharata trong nghệ thuật tạo hình và trong nền văn hoá cổ Chămpa.
  •   PGS, TS Ngô Văn Doanh
  •    Nguồn: Tạp chí Di sản số 4(25) - 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét