Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Những khối đá huyền bí, phần 2

Bài 6:



Lời khấn trước thần Đá được học giả Léopold Cadière ghi lại dưới đây là của một chủ lễ cầu nguyện cho một cháu bé thoát cơn bệnh hiểm nghèo.
Tổng thể đài thờ Trà Kiệu bằng đá
Con sụp lạy, bái kính thần Đá. Con tên... ở làng... Con có thằng con nhỏ khó nuôi tên là... Con xin được bán hoặc ký thác cho ngài thần Đá với lời khẩn nguyện chân thành là (xin thần) cho thằng bé ăn chơi mạnh khỏe. Hằng năm cứ vào ngày tháng (định trước) con sẽ trở lại dâng cúng (lễ vật) lên ngài. Khi thằng bé được 12 tuổi, con sẽ trở lại tạ ngài, xin tháo gỡ lời cam kết hôm nay”.
Sau lời khấn, chủ lễ lạy 4 lạy rồi đứng dậy, nghiêng mình lần nữa trước khi cáo từ thần Đá. Những người dự lễ đem rượu cúng ra uống, tin rằng rượu ấy sẽ xua đuổi hết tà khí lạnh lẽo trong người. Đồ cúng gồm xôi chuối, gà luộc có thể mang về nhà dùng như những “món lộc” được ban hưởng sau khi thần Đá đã dùng hết tánh linh của thực phẩm.
Những chi tiết này được Đỗ Trinh Huệ ghi lại qua cuốn biên khảo về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan của học giả Cadière. Những trường hợp tương tự trên chứng tỏ trong dân gian vẫn tin vào sức mạnh siêu nhiên của những vị thần đã nhập vào các tảng đá vô danh. Song cũng có những vách đá có tên hẳn hoi, như núi Cô Tiên gần thị trấn Bắc Hà ở Lào Cai.
Đó là vách núi đá phẳng rộng đẹp đẽ, trông như có bàn tay của những nghệ sĩ tạo hình mài gọt, chăm chuốt. Từ ngày xưa, dân trong vùng cho rằng có một nàng tiên xuống trần, ngây ngất vì cảnh đẹp nơi đây nên đã dừng lại không đi đâu nữa, từ đó núi có tên Cô Tiên. Ngày kia có hai cha con trên đường đến phiên chợ Pac Kha, khi đi ngang núi Cô Tiên người con gái bỗng bị một ngọn gió độc thổi trúng, ngã té và đột ngột qua đời. Người cha bối rối, chạy đi hái lá cây đắp lên xác chết của con rồi chạy xuống núi báo tin cho dân bản. Người dân bản đem hương cùng các thứ đồ cúng ma, cùng ông lão lên núi Cô Tiên để cúng cô gái. Lúc lễ tống táng đang diễn ra, hương đang cháy, bất ngờ xác chết cựa quậy rồi ngồi dậy, da thịt hồng hào lại. Bà con có mặt trong lễ tang hết sức kinh ngạc, người đi múc nước, kẻ lấy xôi chuối đưa cho cô gái ăn uống.
Khi đã hoàn hồn, cô gái kể lại, hồn cô bay lên xa lắm, gặp Bồ tát Quan Âm trong mây, bảo cô hãy quay về cõi trần và chỉ cho cô cách sống theo mười điều thiện, không làm điều ác. Nghe chuyện, nhìn lên trời, mọi người thấy một đám mây ngũ sắc, chầm chậm bay về trên đỉnh núi, như một cái tàng phủ mát suối rừng. Dân liền quỳ xuống tạ ơn Bồ tát cứu mạng cô gái và ban điềm lành cho bản làng, rồi bỏ thời gian công sức đục vách đá thành một cái am, sau đó tạc tượng Bồ tát Quan Âm đặt vào để thờ.
Đến tận thế kỷ 21, cứ đến ngày 19 tháng 9 âm lịch, dân bản lại mang xôi chuối, vải vóc đến cúng dường Bồ tát tại điểm trên.
Còn nhiều dãy núi đá khác cũng chứa đựng các huyền thoại ở Lào Cai. Như chuyện hình thành dãy núi đá giữa không gian vắng lạnh trên độ cao gần 2.000m, là núi Hàm Rồng. Được gọi tên như thế vì núi có hình dáng một con rồng. Chuyện xưa kể rằng, có hai vợ chồng rồng vì quá yêu thương, ôm ấp nhau không rời, đến nỗi khi nạn hồng thủy xảy ra, cả vợ lẫn chồng đều không hay biết. Nước lên cao, ngập hết núi rừng, rồng chồng cuộn mình bay thoát được lên mây, rồng vợ cố bay theo nhưng không kịp, phải ở lại và hóa thành đá, nhưng vẫn còn cố hướng về phía rồng chồng.
Lào Cai còn có hang Tiên ở xã Bảo Nha, bên dòng sông Chảy. Ở đó, đá xếp thành tầng tầng lớp lớp với cả một rừng nhũ đá mang hình hổ, báo, voi, ngựa và các thú rừng khác, mà người dân bản làng tin rằng những con vật ấy đã bị quyền phép của thần Đá thâu hồn, khiến thân xác chúng biến thành đá ở khắp mọi nơi.
Cũng có một khối đá đã được ghi danh vào lịch sử hiện đại, như tác giả Trần Mạnh Thường nhắc lại trong cuốn biên khảo về văn hóa các vùng đất Việt Nam: “Khoảng 600 triệu năm trước, cả vùng Tây Bắc Việt Nam còn chìm sâu dưới biển. Sau 3 lần vận động tạo sơn, đến thời kỳ tân kiến tạo cách nay trên 100 triệu năm, khối Hoàng Liên đột ngột nhô lên thành một dãy trùng điệp... Lên cao 2.400m, gió mây quyện hòa với cây rừng. Từ 2.800m đổ lên, mây mù bỗng tan biến, bầu trời trong xanh. Từ 2.963m và lên cao nữa, lại có một khối đá khổng lồ được kê trên một hòn đá nhỏ. Đấy chính là đỉnh Phanxipăng, tiếng địa phương gọi là Huasipan - có nghĩa là phiến đá khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phanxipăng cao ngất, là nóc nhà của Tổ quốc Việt Nam, được kết cấu bởi một phiến đá khổng lồ, cao 180m”.
Ai đã đem phiến đá khổng lồ ấy lên tận đỉnh cao ngất như thế? Chuyện ấy sẽ nói sau.
Còn giờ là chuyện về đài thờ đá ở Trà Kiệu (tức Kinh thành Sư tử Simhapura đã bị tàn phá) nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Đài thờ vuông vắn được chế tác bằng sa thạch, với bốn cảnh chạm nổi, và các phù điêu tương đối còn nguyên vẹn. Người dân địa phương từ lâu đời không ai dám xâm hại đài thờ. Còn các nhà nghiên cứu nước ngoài như Jean Przyluski, George Coedès, Jean Boisselier, đã đưa ra nhiều giải thích về các hình khắc chạm trên đó.
Có ý kiến cho rằng bức phù điêu của đài đá này nhằm minh họa cho truyền thuyết về người đã tạo lập vương quốc Phù Nam. Cũng có người cho là nó chứa đựng những minh họa cho các bản kinh tối cổ và thiêng liêng còn lại đến nay. 

Bài 7: Ramayana trên đài thờ xứ Việt
Một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Champa là đài thờ Trà Kiệu bằng đá được phát hiện từ năm 1901 đến nay, cùng với nhiều cách giải thích khác nhau quanh các bức phù điêu chạm trên đài ấy.
Tổng thể đài thờ Trà Kiệu bằng đá
Cách giải thích của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương khá tỉ mỉ và thuyết phục khi ông cho rằng đó là những minh họa trên đá về anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ cổ đại. Nguyên bản của anh hùng ca Ramayana rất đồ sộ, có đến 24.000 sloka, mỗi sloka gồm 2 câu thơ có vần, thuật lại sự tích của hoàng tử Rama và công chúa Sita. Rama được xem là hóa thân thứ 7 của thần Vishnu - giáng trần để bảo vệ chân lý và tiêu trừ điều ác. Những hình ảnh của hai nhân vật trên có mặt trên đài thờ Trà Kiệu nói lên sự giao lưu xa xưa giữa văn hóa tư tưởng Ấn Độ và Champa.
Trường ca Ramayana được cả sử gia nổi tiếng người Âu châu là Michelet (1798-1874) ca ngợi: “Ai đã sống trong khao khát vì dục vọng quá nhiều giờ đây hãy uống cạn ly rượu hừng hực sức sống và trẻ trung này của Ramayana. Ở Tây phương cái gì cũng chật hẹp, Hy Lạp nhỏ bé làm tôi ngột ngạt, xứ Do Thái khô khan cũng làm tôi khó thở. Hãy để cho tôi hướng về châu Á cao cả và phương Đông thâm trầm trong giây lát. Chính nơi đó đã phát sinh ra bài thơ vĩ đại mênh mông như Ấn Độ Dương tràn ngập ánh mặt trời. Đó là một tác phẩm chứa chan hòa điệu thiêng liêng, tạo nên một không khí thái bình và lòng từ bi vô bờ bến ngay giữa cảnh tương tàn khốc liệt”.
Phù điêu chạm Apsara trên đài thờ Trà Kiệu - Ảnh: Tư liệu
Cũng như các hình ảnh khắc chạm trên đài thờ Trà Kiệu gây nên tranh cãi về những bí ẩn một thời trên các phù điêu bằng đá, các nhân vật của Ramayana cũng ẩn chứa nguồn sống tư tưởng và triết học thâm sâu vì: anh hùng ca Ramayana đặc biệt ca ngợi một nền đạo đức lý tưởng xây dựng trên căn bản bổn phận và danh dự với các nhân vật (Rama và Sita được khắc trên đền đá) tuyệt đối vâng theo mệnh lệnh của lương tâm, và theo triết gia Kant: “Đó là một mệnh lệnh thuộc phạm trù inpératif catégorique, đòi hỏi một sự vâng lời không suy tính, không do dự, không bị lung lạc bởi bất cứ lý do nào”  - theo phân tích của GS Lê Xuân Khoa. Mệnh lệnh đó không phải viết bằng chữ mà bằng hình ảnh của hoàng tử Rama và công chúa Sita chạm trên đài thờ Trà Kiệu như nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương lý giải.
Công chúa Sita tự nguyện lưu đày nơi rừng sâu cùng chồng mình, dù nàng có thể ở lại kinh thành. Ở đó Sita đã bị quỷ vương Ravana bắt cóc đưa về xứ Lanka giam trong cung cấm. Khi được giải thoát cũng là lúc nàng mất hạnh phúc vì sự nghi ngờ của chồng. Song Sita đã chịu đựng giữ lòng trong sạch như viên ngọc quý không cháy trong lửa “những đức tính ấy đã làm cho Sita thành một phụ nữ hiền thục và thánh thiện hàng đầu”. Đó là một trong những hiện thân của khát vọng vươn tới giải thoát.
Tượng thần Shiva mang phong thái và dáng dấp của một vua Chăm - Ảnh: Diệp Đức Minh
Khát vọng ấy mãnh liệt đến độ biến thành một tín ngưỡng tôn giáo. Rama và cả Sita đã trở thành những hình tượng linh thiêng được người Ấn Độ yêu thương và sùng bái. Biểu hiện của sự sùng bái này phần nào thể hiện ở hình chạm các vũ nữ thiên thần Apsara và các Gandharvas đang múa hát dâng hoa trong lễ cưới của Rama trên phù điêu đài thờ. Đài thờ vuông vắn chế tác bằng sa thạch còn có một bộ linga – yoni rất lớn tôn trí phía trên đài.
Về ý nghĩa của linga đã nói trong bài trước. Ở đây nhấn mạnh và ghi nhận thêm ý kiến của một số nhà nghiên cứu đại ý như sau: Khi Bà la môn giáo từ Ấn Độ du nhập vào cộng đồng người Chăm từ lâu đời thì các quan điểm truyền thống của Ấn Độ bị thay đổi theo cách hiểu của người Chăm. Thậm chí các vị thần Ấn Độ cũng được gọi theo ngôn ngữ Chăm, chẳng hạn Shiva được gọi “Pônintri”, Vishnu gọi là “Pôpachơn”, hoặc linga gọi là “Kai Cluc”.
Theo cách đó, các linga cũng thoát khỏi hình khối ban đầu để có linh hồn theo cách tạo hình của Champa. Đã có một linga thờ thần Shiva ở Mỹ Sơn kết hợp một nửa tên của nhà vua với tên của thần Shiva, thành: Bhadvesvara chứng tỏ có sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền, giữa tôn giáo và các thế lực phong kiến.
Từ những di tích lịch sử và điêu khắc Champa như đài thờ Trà Kiệu cho ta thấy sự uyển chuyển của các nghệ sĩ tạo hình người Chăm, đã để lại những tác phẩm điêu khắc đá có linh hồn và những ẩn dụ thiêng liêng. (Còn tiếp)
  
Chính các linga tuy được đặt để thờ thần Shiva nhưng cũng đã mang tên kết hợp vương hiệu nhà vua với tên thần. Như vậy, thờ thần chính là thờ vua, vua là thần. Mukha Linga trong các đền tháp đều mang diện mạo các vua Chăm thần hóa để chiếm ngôi vị tôn vinh, còn thần Shiva - vị thần chính của Bà la môn giáo lu mờ hơn. Thông qua việc cải tiến những họa tiết vốn có và bổ sung thêm những yếu tố mới hoàn hảo hơn, góp phần làm phong phú và nổi bật những đặc trưng nghệ thuật điêu khắc dân tộc. Sự tiếp thu đó mang tính chất dung nạp và sau đó bản địa hóa để trở thành sắc thái phong cách riêng của nghệ thuật điêu khắc Champa. Có thể sự hội nhập của nghệ thuật Ấn Độ vào nghệ thuật Chăm là sự kết hợp giữa bút pháp tả thực, tính cách điệu và tính quy phạm một cách sáng tạo. Qua mỗi thời đại, mỗi thời gian được phát huy tôn tạo, đưa nghệ thuật điêu khắc phát triển biến nó thành cái riêng không thể nhầm lẫn với nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, Campuchia, Java hay một nền nghệ thuật nào khác.
TS Bá Trung Phụ (Bảo tàng Lịch sử VN - TP.HCM)
 bài 8: Tiền thân của đại bàng Kim Sí Điểu
Trước khi hóa thành Đại bàng Kim Sí Điểu, loài chim hộ pháp này đã là thần điểu Garuda trong một tiền kiếp ở sông Hằng và có mặt trên các đền đài, phù điêu bằng đá của người Chăm...
 
   Thần điểu Garuda bằng đá - Ảnh: Diệp Đức Minh
Chuyện nổi tiếng nhất về Garuda là đã vô hiệu hóa sức mạnh bạt ngàn của thần gió Vayu. Lúc Vayu dồn hết sức mạnh của mình để nổi trận cuồng phong dữ dội suốt một năm nhằm thổi bay đỉnh núi Meru, nhưng thần điểu Garuda luôn dùng đôi cánh khổng lồ che cho ngọn núi vô tội ấy, khiến Vayu không làm gì được. Một hôm thừa lúc Garuda bay đi để uống ánh sáng từ thần mặt trời rót xuống, thần gió dồn hết sức thổi bay ngọn Meru từ đất liền ra biển, tạo thành đảo Lanka (Sri Lanka ngày nay). Garuda là thần điểu thường được Vishnu cưỡi trong phù điêu tạc ở nhiều nơi trên vương quốc Chămpa (như trên phù điêu ở làng Ưu Điềm nói ở các bài trước). Sau này, Garuda hóa thân thành Đại bàng Kim Sí Điểu là một trong Thiên long bát bộ của nhà Phật. Kim Sí Điểu mỗi ngày ăn 500 con rồng nhỏ và 1 con rồng chúa, ăn mãi đến nỗi loài rồng sắp tuyệt chủng vội kéo đến cầu cứu với Phật. Đức Phật gọi Kim Sí Điểu tới khuyên nhủ nên chấm dứt cuộc đại sát sinh ấy, Kim Sí Điểu thưa nếu không ăn rồng thì lấy gì mà sống. Phật bảo từ đây hãy ngưng sát hại, thay vì ăn thịt rồng "mỗi ngày đúng ngọ ta sẽ bảo các đệ tử của ta trước khi ăn cơm sẽ cúng dường cho ngươi". Kim Sí Điểu đồng ý, đến nay ở các chùa tại Việt Nam, Trung Quốc theo truyền thống Đại thừa và một số nước khác trên thế giới hằng ngày trước khi thọ trai đều lấy vài hạt cơm, hoặc đôi ba sợi mì, bỏ vào chén nước nhỏ, đem ra giữa trời khấn rằng: Đại bàng Kim Sí Điểu - Khoáng dã quỷ thần chúng - La Sát quỷ tử mẫu - Cam lồ tất sung mãn.
 
 
Thần cứu nhân độ thế Vishnu đang ngồi trên vai thần điểu Garuda - Ảnh : Võ Quang Yến
Nghĩa là, trước nay xin cúng dường lên Đại bàng Kim Sí Điểu, đồng thời cấp cơm nước cho quỷ thần ở nơi rừng núi vắng vẻ, hoang dã và cho mẹ con của bà quỷ La Sát, để tất thảy đều được hưởng vị cam lồ đầy đủ không thiếu đói. Khấn rồi vái ba vái, xong mới vào nhà ăn trưa. Hình ảnh Kim Sí Điểu sau này chính là Garuda trong thần thoại Ấn Độ cổ đại mà người Chăm ở Việt Nam đã tiếp nhận và điêu khắc. Để biết rõ thêm về Đại bàng Kim Sí Điểu, thiết tưởng cần tham khảo nội dung mà hòa thượng Kim Cang Tử và các học giả khác ở Việt Nam đã đưa vào cuốn Từ điển Phật học Hán-Việt, rằng: Kim Sí Điểu hai cánh rộng đến 306 vạn dặm, khi ăn các vật như rồng, cá, vàng, bạc, châu báu đều tiêu hóa được hết, chỉ trừ có kim cương. Kinh Cựu Hoa Nghiêm chép: Ví như Kim Sí Điểu bay liệng trên hư không, dùng con mắt thanh tịnh quan sát cung điện của Đại hải long vương, lấy hết sức mạnh của hai cánh rẽ nước biển khiến cho nước tách đôi ra (để đi lại tự do trong bất cứ đại dương nào). Nếu biết được có con trai con gái nào của Long vương mệnh đã chết, bèn quắp lấy họ trong chớp mắt đưa lên khỏi biển. Một tài liệu khác cũng mô tả sức mạnh của vua Kim Sí Điểu (tức Kim Sí Điểu vương) khi quạt cánh đã phát ra một luồng kình lực cực mạnh làm mù mắt người và khiến các loài rồng hoảng sợ chạy trốn tán loạn khắp nơi trong 3.000 thế giới. Khi sinh ra, Kim Sí Điểu vương phát sáng với hào quang màu vàng chói (khiến các thiên thần phải bịt mắt), có tay chân như người, mặt trắng và cánh màu đỏ rực. Sức mạnh của thần điểu Garuda cũng như của Kim Sí Điểu vương so với các sinh vật khác giống như sự vững chãi của cây đại thụ nghìn vạn năm so với những loài cỏ dại yếu ớt.
 
Nếu tính bằng con số của người đời nay, thì Kim Sí Điểu vương thân cao ngót 160.000 km, sải cánh dài 80.000 km, đủ sức kẹp ngọn Hymalaya để ném ra khỏi tầm mắt của mặt trời (thần Surya).
Nhưng sức mạnh ấy lại xuất phát từ một... khoảng không im lặng! Thật vậy, mọi tướng trạng lớn nhỏ trong vũ trụ, từ hạt bụi li ti đến thân hình cao to khổng lồ của thần điểu Garuda, của Kim Sí Điểu vương, được những bản kinh tối cổ của Ấn Độ như Upanishad giải thích qua chuyện kể thâm trầm, như tóm lược dưới đây: Một vị đại sư đưa đệ tử của mình đi thọ giáo 12 năm về kinh Veda. Đệ tử ấy học thông thuộc Veda rồi trở về đầy vẻ kiêu căng. Để giúp anh ta tiêu trừ lòng tự mãn và khai mở trí tuệ cho anh, một hôm vị đại sư kêu anh đến hỏi: "Cái gì làm nên vũ trụ, hình thành Tự ngã của con? Cái gì nhỏ hơn hạt cải, hạt kê, nhưng cũng lại lớn hơn trái đất, bầu trời?". Anh ta ngẩn người, không trả lời được, vì lâu nay chỉ biết học thuộc kinh sách, chứ chưa biết sống theo những giáo huấn tuyệt vời trong đó. Bấy giờ, đại sư ôn tồn bảo: "Này, con hãy ra lượm một quả vả của cây vả to lớn ngoài sân kia đem vào đây". Xong, đại sư bảo: "Con hãy tách quả vả ra". Anh bắt đầu bóc vỏ. Lại bảo: "Hãy bóc nữa, con thấy gì trong đó?". Thưa: "Dạ trong đó có các hạt vả". Bảo tiếp: "Con hãy tách một hạt ấy xem có gì?". Anh lại lấy tay tách nhẹ một hạt, và tách mãi, cuối cùng bạch sư phụ: "Thưa thầy, trong lòng của hạt vả này là cái mầm. Giữa cái mầm tí hon kia là một khoảng không rất nhỏ, nó không có gì hết". Nghe xong đại sư dạy: "Này con, chính cái không có gì hết ấy đã làm nên sự hiện hữu của cây vả to lớn kia. Con và mọi sinh linh khác cũng vậy, tất cả đều xuất hiện từ cái không có gì hết nghĩa là từ một khoảng không rất nhỏ - khoảng không khiêm tốn, vô hình - nhưng tràn ngập trong cõi đời này và tạo nên nguồn sống. Cái ấy chính là con. Chính là Tự ngã của con, chứ không phải kinh sách, văn tự và trí nhớ suông mà con đang ôm giữ!". Giáo huấn trên có thể chiêm nghiệm khi đối diện trước các tượng thờ bằng đá có tạc thần điểu Garuda, thần sấm sét Indra, thần chết Yama, thần hạnh phúc Ganesha..




Bài 9: Nơi dâng cúng thức ăn lên các thần



Bệ thờ Vân Trạch Hòa được tình cờ phát hiện năm 1991 ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) được xem là bệ thờ “biểu đạt truyền thống balipitha của Ấn Độ - nơi dâng cúng thức ăn cho các vị thần”...
Theo mô tả của các nhà nghiên cứu, bệ gồm hai tầng vuông vắn với nhiều tượng sư tử, thiên nga hamsa (Brahma thường cưỡi) và thần sấm sét Indra, thần gió Vayu, thần chết Yama, thần không gian Varuna, thần tài lộc Kubera, thần Isana, Đại tự tại thiên Mahadeva, thần Vishnu, và có thể một hóa thân khác của thần Shiva...
Sao quá nhiều thần như thế ở bệ thờ Vân Trạch Hòa, cũng như ở các đền thờ khác ở Ấn Độ, Chămpa xưa? Để giải thích, một lần nữa cần dẫn thêm kết luận của GS Lê Xuân Khoa: “Theo tôn giáo Veda, tất cả các thần linh chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một thực tại tức là Bà la môn (Brahman) hay Thượng đế (Ishvara). Nhưng vì Thượng đế không xuất hiện trong một hình tượng nhất định nào nên người ta thờ phụng Ngài qua các biểu hiện của Ngài tức là các thần linh đúng như kinh Veda đã ghi: “Ekam sat vipra bahudha vadanti” (Thực tại chỉ là Một nhưng các trí giả gọi Ngài bằng nhiều tên khác nhau)”. Cần ghi chú rõ: “Thượng đế trong tôn giáo Veda được gọi là Prajapati (chúa tể muôn loài) hay Vishvakarman (tạo hóa). Còn Ishvara là danh từ có sau này thường dùng để chỉ Thượng đế hữu ngã thể hiện nơi các thần Brahma, Vishnu và Shiva”.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi ghi nhận những phân tích chi tiết bệ thờ Vân Trạch Hòa trên tạp chí Nghiên cứu Huế tập 6-2008 do Nguyễn Hữu Châu Phan chủ biên, với nhận xét: “Bệ thờ Vân Trạch Hòa đã góp công vào việc học hỏi những dikpala, trở nên một yếu tố chủ yếu khảo cứu về các thiết bị thờ cúng. Trong cuộc triển lãm điêu khắc Chămpa ở Paris, một góc lớn đã dành cho những dikpala mà ban tổ chức đã chịu khó đi lượm lặt khắp nơi ở Việt Nam để trưng bày vào một chỗ. Thành thử, dù gián tiếp và chỉ trong tinh thần – bệ thờ Vân Trạch Hòa, xuất phát từ Phong Điền, đã hiện diện ở kinh đô ánh sáng, góp phần làm lan tỏa nghệ thuật Chăm và trở thành đề tài khảo cứu cho những thế hệ mới”. Trên bệ thờ có chạm “thần lửa Agni ngồi trên một con tê ngưu đặc thù của Chămpa và Campuchia”. Gốc tích xa xưa của vị thần này liên quan tới thần thoại học Veda và việc tìm hiểu điều ấy gợi mở thêm những giải thích về bệ thờ Vân Trạch Hòa cùng các tác phẩm điêu khắc đá Chămpa. Vậy Agni là ai?
Đó là vị thần lửa đầy quyền năng và được tôn vinh trong hệ thống Veda, thường hiện ra với thân màu đỏ hoặc vàng rực, có hai đầu, bảy lưỡi và bốn tay cầm đuốc, chuỗi hạt, cây quạt và chiếc rìu, ngồi trên xe được kéo vun vút bởi bảy con ngựa đỏ. Lấy khói làm cờ hiệu, lấy bánh xe làm gió, Agni lướt đi khắp nơi với ngọn lửa hừng hực, đốt cháy tất cả những gì trên đường đi, như một thác lửa từ đỉnh trời lao xuống các đồng cỏ xanh. Tuy hung hãn như vậy, song Agni cũng là một vị thần bảo hộ cho loài người và đã trở thành vị chủ tế đầu tiên của các buổi lễ cúng chư thiên. Chính thần Agni đã làm trung gian giữa loài người và thế giới thần linh, chuyển thức ăn và các lời cầu nguyện của người đến với các thần.
Tài liệu nghiên cứu về triết học Ấn Độ cho biết, các thần trong Veda ở khắp nơi trong ba cõi: cõi trời (Dyaus), cõi đất (Prithivi), cõi không trung (Antariksha). Làm chủ cõi trời là thần mặt trời (Surya), chủ cõi đất là thần lửa (Agni), chủ cõi không trung là thần gió (Vayu). Trong đó, Agni được xem là “bản chất chung của ba ngôi (Agni - Surya - Vayu)” vì dù ở thiên đường, hạ giới hoặc giữa không trung, nơi đâu cũng cần có hơi ấm (của Agni để tồn tại). Đặc điểm thần lửa là bình đẳng tiếp nhận tất cả, từ các đồ uế tạp, dơ bẩn, đến đồ cúng thanh tịnh, để đốt cháy chúng và tỏa sức ấm cho những ai cần đến. Thần lửa Agni không chỉ soi sáng ngoại giới, chiếu dọi cảnh vật bên ngoài, mà còn giúp tâm hồn người bừng sáng, thông tuệ. Agni có mối liên hệ với thần Vayu (thần gió) vì Vayu là “hơi thở của lửa - giúp lửa bừng bừng sức sống”. Đặc biệt với thần Surya (mặt trời), bởi trước hết trong 10 hiện thân của lửa có ánh thái dương.
Về thần Surya, đã được thể hiện ở Ấn Độ qua các pho tượng màu đồng đỏ, râu tóc màu vàng, cũng thường ngồi trên một chiếc xe do 7 con ngựa kéo như Agni. Thần có bốn người vợ, trong đó có Samjna (trí tuệ). Một dạo, vì không chịu được sức nóng của chồng quá lâu, nên Samjna bỏ trốn vào rừng bắt đầu một cuộc đời khổ hạnh, tu dưỡng. Vì nhớ nhung nên Surya đã mở bừng “con mắt vũ trụ” của mình soi tìm vợ khắp nơi và biết được nơi Samjna ở, liền bay đến. Samjna hóa thành một con ngựa cái phóng vào rừng. Surya liền hóa thành một con ngựa đực đuổi theo và chồm lên ôm lấy nàng. Về sau Samjna lại trở về sống với Surya và nhờ cha mình là thần Tvashtri (tạo hóa) dùng quyền phép cắt bớt nhiều chùm tia sáng của Surya. Người ta cho rằng những mảnh cắt ra từ nguồn sáng ấy đã được chế tác thành cái đĩa của Vishnu, cái chĩa ba của Shiva, cái chùy của Kubera (thần tài lộc), ngọn giáo của Kartikeya (thần chiến tranh) cùng các đồ dùng hoặc khí giới của nhiều thần linh khác.
Trên bệ thờ Vân Trạch Hòa cũng có hình diêm vương Yama, là vị thần chết đồng hành với bóng tối. Chính thần lửa Agni đã chiếu sáng đường đi của Yama để Yama có thể gom hết những tàn phai, những gì sắp lụi tắt, những hoa rơi và những thân người hấp hối về lại với hư không.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét