Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

MỸ SƠN: THÁP LỚN VÀ BỆ THỜ YONI


MỸ SƠN: THÁP LỚN VÀ BỆ THỜ YONI

Từ trên đồi cao của khu A chúng ta có thể nhìn thấy được bao quát toàn bộ Thành địa Mỹ Sơn với những nóc tháp bên dưới ẩn hiện trong những tàn cây hay bị che lấp sau những bụi cỏ gai, điêu tàn, xơ xác, thê lương đến ngậm ngùi, những ngôi tháp không còn nóc rệu rã, những pho tượng mất đầu, các di chỉ, bi ký, các tác phẩm điêu khác bằng gạch hay sa thạch lên mốc thời gian, các loại cây ký sinh tầm gởi như sanh hay bồ đề có tuổi thọ khá cao đeo bám như những phần xương máu huyết mạch của các công trình kiến trúc.
Nếu làm biểu tượng đại diện cho Thánh địa Mỹ Sơn thì khu C này là nơi tiêu biểu nhất, không những về mặt cảnh quan mà còn về số lượng, chất lượng của các đền tháp, bi ký, tượng đài và các tác phẩm điêu khắc bày biện ở đây vô cùng phong phú, đa dạng, ngoài ra diện tích của khu vực này cũng lớn nhất so với các khu khác, bởi vì từ đây đến mí chân núi Mahaparvata cũng còn hơn 1,5 Km.
Dưới chân tháp thì cỏ dại dây leo chui rúc qua kẽ hở, ngóc ngách của các pho tượng hay các khung trang trí của các mặt nạ ở chân tường gậm nhấm, xói mòn, rạn nứt, sụp đổ... những kiệt tác của một nền văn hóa mà độ dài thời gian ai nghĩ đến cũng phải nuối tiếc thương hại cho số phận của nó, đó một hình ảnh của Thánh địa Mỹ Sơn, một di tích văn hóa của Quảng Nam–Đà Nẵng và của tất cả chúng ta.
Nhìn trên cao phía từ Đông Nam của thung lũng thì khu C trải rộng nằm soãi ra bắt đầu bởi một mặt bằng, đỉnh của một ngọn đồi thấp, khu vực này chạy dọc theo triền dồi về hướng tây và càng xuống, càng thấp dần cho đến khi gặp khu bình nguyên đáy của thung lũng, khu C được phân chia thành những ô đất hình bậc thang, trên đó các kiến trúc đền tháp được xây dựng, phần bình nguyên dưới chân đồi tương đối rộng rãi và thoáng, diện tích đất ở đây đủ để cất lên nhiều đền tháp.
Và từ khu vực này có thể quan sát các đền tháp chung quanh thánh địa, xét về mặt địa lý thì nó được xem như trung tâm của vùng đất này.
Một con suối chạy vòng vèo bao quanh làm cho cảnh trí ở đây thêm phần huyền bí, có khi thì dòng suối như chảy ngầm trong hang động mí nước len lỏi qua các tàn cây ụp xuống nước, tàn lá cây rừng nguyên sinh che kín ánh mặt trời làm cho khung cảnh càng mờ ảo, âm u, bí ẩn... người ta có cảm giác rờn rợn bất an... lẩn khuất đâu đó với ma rừng sơn lam chướng khí khi ngang qua một đoạn của con suối, mà từ mặt nước đen ngòm rong rêu chằng chịt bên dưới khói bốc lên như sương mù, ở một chỗ khác con suối lại phơi mình dưới ánh sáng mặt trời chói chang hai bên bờ chỉ là sỏi đá khô khốc, tia nắng chiếu từ hướng đông tới, xuyên qua dòng nứớc trong veo mát lạnh soi rõ từng tảng đá có nhiều màu sắc bên dưới thanh thoát và an bình.
Bình minh phía đông đầu suối là nơi trú ngụ các vị thần linh và hoàng hôn phía tây dưới suối là nơi yên nghỉ nghìn thu của các vì vua, của các quan đại thần của dân tộc và vương quốc Champa, một truyền thuyết cùa người dân Champa có từ khi lập quốc.
Bản đồ khu vực C
Khu vực C1 bây giờ gần như bình địa, lác đác chỉ còn những đống gạch màu nâu sẫm, những trụ đá nằm đơn độc, lẻ loi giữa những đám cỏ tranh, bụi gai cao ngút đầu.
Đi len lỏi trong những gai nhọn sắc của cây cỏ ngươi, trảng tranh ngọn cứng xước da, người ta có thể tìm thấy được dưới chân mình những nền cũ của các đền tháp đã sụp đổ do bàn tay của con người hay do tàn phá xói mòn của mưa gió, bão táp, của nắng cháy, của các cơn gió Lào nghiệt ngã thổi qua những ngọn núi đá phía tây dãy Trường sơn trong gần một ngàn năm.
Vĩ đại và đơn độc là một tượng đá đã bị lấy mất phần trên mà phần còn lại là một kiến trúc gồm có ba tầng được xếp từ nhiều mảnh khác nhau, nhìn kỹ hóa ra đó là hình của Yoni trong tổng thể của một bộ Linga–Yoni, phần Yoni còn lại nằm trơ vơ vững chắc trên một bệ đá có nhiều gờ, các gờ này có đường viền chung quanh. Phần chân đế của bệ đá thỉnh thoảng có hoa văn mà nét sắc sảo đã bị bào mòn, dưới bệ đá có một rãnh nước.
Tất cả đều được vây quanh bằng 4 bức tường gạch đổ nát có hai lối vào theo hướng đông–tây. Đó là di chỉ duy nhất còn sót lại tại khu vực này: một bệ đá to nhất (trên thế giới) hình Yoni mà người ta tìm thấy cho đến thời điểm hôm nay, ngoài nó ra thì vương vãi trên mặt đất, trong đám cỏ tranh là các trụ đá, gạch vụn... Khu C1 là nền cũ của một ngôi tháp với một kiến trúc đẹp nhất và vĩ đại nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn, chung quanh nó, đôi chỗ vẫn còn thấy di tích nền móng của sáu ngôi tháp nhỏ bao bọc tạo thành một quần thể kiến trúc tăng thêm phần uy nghi vĩ đại của ngôi tháp chính, theo những tài liệu để lại thì đây là ngôi tháp cao nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn với chiều cao 24 m, diện tích đáy là hình vuông, mỗi cạnh dài 10m, tháp có 2 cửa ra vào hướng đông và tây, hướng tây nhìn xuống khu C1, trong tháp thờ một bộ Linga–Yoni lớn (nay chỉ còn một bệ đá Yoni) phần trên tháp có 3 tầng, các tầng nhỏ dần lại và trên cùng là đỉnh tháp bằng sa thạch, ở mỗi tầng đều có cửa giả có hình người đứng dưới vòm cuốn, hai cửa giả hai bên hông là hai vòm cuốn chồng lên nhau, trên mỗi vòm cuốn là một hình tháp thu nhỏ, mỗi cửa chính đều có tiền sảnh, cửa hình vòm hoa văn rất tinh xảo, hai trụ vuông ép sát nằm hai bên làm tăng thêm vẽ uy nghi ngôi tháp.
Ngoài cửa tháp thì các trụ áp tường kéo dài khoảng 4 m với những trang trí hoa văn hình lá cuốn hình chữ S nối liền nhau, các vật trang trí là các tượng điêu khắc bằng sa thạch hình Makara, hình vũ nữ Apsara, sư tử, voi, chim thần Garuda...
Kiến trúc chân tháp gồm có hai phần, dưới nhỏ hơn trên, trang tri bằng những đóa sen trong các ô hình chữ nhật cùng các tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch khác, cửa lên được thiết kế bởi 6 bậc cấp bằng đá.
Ngôi tháp này là biểu tượng cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc xây dựng và thiết kế, nó có thể là mẫu mực cho các công trình kiến trúc sau này.
Ngôi tháp chính mà ngảy hôm nay trên nền đá của nó chỉ còn sót lại một bệ đá Yoni cô đơn buồn hiu trong buổi chiều nắng quái đỏ rực trên thánh địa Mỹ Sơn hoang vu đầy gió, nắng, cỏ tranh và hoa dại, một vùng đất thánh, một nơi linh thiêng một thời của dân tộc và vương quốc Champa.
Người Champa lập quốc vào cuối thế kỷ thứ II. Năm 192 cuộc khởi nghĩa thành công, nghĩa quân Tượng Lâm và Nhật Nam dưới sự lảnh đạo của Khu Liên lập ra một vương quốc lấy tên là Lâm Ấp, đó là một quốc gia đầu tiên hình thành ở phía nam nước Đại Việt. Lâm Ấp theo giải thích của Thủy Kính chú: Huyện Tượng Lâm, đọc theo chữ Hán là Tượng Lâm huyện hay Tượng Lâm ấp, về sau bỏ dần chữ Tượng thành ra Lâm Ấp. Năm 627-649, vua Viknâtavarman lên ngôi đổi quốc hiệu là Hoàn Vương Quốc. Năm 808, nhà Đường sang đánh, vua Hoàn Vương rút vào nam, đổi quốc hiệu là Champa tức Chiêm Thành, đến thế kỷ XII, dựa theo một bí ký của Champa thì quốc gia này bị Chân Lạp xâm chiếm kéo dài từ năm 1199 đến năm Canh Thìn (1220). Sau khi người Chân Lạp rút khỏi Champa, là bắt đầu thời kỳ hưng thịnh của vương quốc này.
Kinh đô Trà Kiệu và thánh địa Mỹ Sơn có thể được xây dựng từ thế kỷ thứ IV, Thánh địa Mỹ Sơn nằm cách Trà Kiệu khoảng 30 Km về phía tây. Đó là một thung lũng nhỏ đường kính ước chừng 2 Km, phía đông là núi Sulaha, phía nam là núi Mahaparvata, phía tây là núi Kusala, những ngọn núi bao quanh và chỉ có một lối vào duy nhất là theo con đường độc đạo nằm giữa hai quả đồi phía bắc, hai quả đồi này tạo thành cái cửa ngỏ như một cái chốt phòng ngự cao khoãng 30 mét với một con suối nằm chắn ngang trước mặt, con suối chảy quanh co theo sườn núi phía bắc, rồi đâm thẳng vào phía trung tâm, nó chạy vòng quanh tạo thành một thủy lộ lưu thông cho toàn bộ khu vực.
Du khách sau khi băng qua suối đi dọc theo một con đường ngoằn nghèo khoảng 3 Km về hướng nam thì đến khu vực đền tháp với các công trình kiến trúc và điêu khắc phong phú, đa dạng nhất của nền văn hóa Champa.
Ấn tượng dầu tiên mang đến cho du khách là sự hoang tàn đổ nát của các ngôi tháp, sự rệu rả của các kiến trúc trước sự tàn phá của thời gian từ hằng bao nhiêu thế kỷ không được chăm sóc tu bổ đến đau lòng : Cỏ dại, dây leo dưới chân tháp, cây tầm gởi, hoa lau ở trên nóc. Vương vãi mặt đất ; đá, gạch ngỗn ngang, loang lổ trên tường rêu mốc thời gian. Tượng đá hình người vết thương đầy rẫy kẻ mất đầu người cụt tay, chốn thì còn đầu mà người đã mất. Hoa văn gạch đỏ, sa thạch tượng đài lổ chỗ nắng mưa... Trong cái điêu tàn đổ nát đó lác đác đôi ba cái tháp hình thù dáng vẻ chưa bị phá hủy biến dạng hoàn toàn, vẫn còn giữ lại cái cốt cách độc đáo, đa dạng và phong phú của lối kiến trúc đặc biệt văn hóa Champa cổ đại, vẫn còn vài tượng đài, bi ký ghi chép lịch sử hình thành khu thánh địa thiêng liêng Mỹ Sơn này. Trong số đó có tháp mang số B5 theo phân loại của nhà khảo cổ học người Pháp, ông H.Parmentier vào năm 1903-1904.
Ngôi tháp này có mái cong hình thuyền khác hẳn với các ngôi tháp khác là có đỉnh hình chóp nhiều tầng trong thánh địa cũng như ở các nơi.
Đáy của ngôi tháp này có hình chữ nhật, của chính quay mặt ra hướng bắc, hai bên hông đều có cửa sổ, tháp có hai phần, phần dưới có mái che, cửa chính lệch về bên phải gồm có tiền sảnh, bậc cấp đi lên và vòm che chống đở bằng hai trụ đứng, mặt trước của mỗi trụ chia làm 3 ô nằm trên một chân đế hình vuông vững chắc, còn lại có tất cả 6 trụ áp tường chia mặt tiền của tháp ra làm 5 ô, trong mỗi ô có tượng hình người đứng chắp tay, phần trên trụ có 3 gờ nổi, chân trụ là đầu voi.
Phần trên của tháp nằm chồng lên mái, mặt tiền có 8 trụ đứng, phần trên các trụ này có 4 gờ xếp lên nhau chia cắt phần mặt tiền thành các ô ngang dọc lạ mắt trong ô có trang trí hoa văn. Riêng phần trụ áp tường ở các góc có kích thước lớn hơn.
Mái hình thuyền, hơi cong hai đầu, lõm ở giửa, diện tích toàn bộ của mái bằng diện tích của phần trên tháp nên nhìn ở xa ngôi tháp có một thiết kế rất lạ gồm có mái cong hình thuyền, phần trên tháp trang trí chia cắt bởi 8 hàng cột và phần dưới tháp là các ô có hình người đứng thẳng.
Mặt hông của tháp quay về hưóng đông tây, đỉnh tháp là một vòm chóp nhọn hình búp sen được nâng bởi một dãy trụ áp tường.
Trang trí là phần độc đáo của ngôi tháp này, ngoài kiến trúc mái tháp không nhọn có nhiều tầng như các ngôi tháp khác mà là một mái cong hình thuyền.
Chân tháp đã bị phá hủy tuy nhiên vẫn còn sót lại 3 tượng có hình đầu voi với vỏi thả xuống đất, phần trên các đầu voi này là một tòa sen trên có hình người đứng thẳng vai ngang hai tay chắp vào nhau, thân được chạm thẳng vào tường tháp, đầu đội mũ 3 tầng, hình người thứ ba trong hình còn thấy rõ có râu dài, trông xa thì thấy giông nhau nhưng nhìn và phân tích kỹ trong 5 tượng người được trang trí trong các ô có vòm che thì không có cái nào giống cái nào chỉ cần để ý các chi tiết ở bàn chân, hoa văn, nếp gấp của áo quần, kích thước chiều cao và chiều ngang của vai...
Phần trang trí vòm và thân tháp phía đông và tây là các bức tranh điêu khắc chạm trổ hài hòa và sinh động với các cột trụ chống ở góc hay áp tường.
Ngôi tháp này được xem như ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn mặc dù nó bị phá hủy, một phần mái cong hình thuyền với các viên gạch bị bong ra trơ lại lớp đất nung bên trong nhiều nhất là giửa của mái phía hướng bắc, các gờ dưới của nó cũng bị sạt lở. Phần mái che cho các trụ, ô chứa hình người thì sạt lở, bong tróc không còn hình dáng trông rất thê thảm nhất là vòm che ở tiền sảnh cửa chính, còn chân tháp thì ngoài việc mất đi một tượng có hình đầu voi và các tác phẩm điêu khắc trang trí khác các viên gạch đã bong ra khỏi chân tháp để lại những ngóc ngách lỗ chỗ, môi trường tốt nhất cho các loại cây ký sinh, cỏ dại và hang cho các loại gậm nhấm.
Trong khu C1 còn có một ngôi đền nhỏ nằm phía tây của ngôi tháp có mái cong hình thuyền này, đền quay về hướng đông, nóc tháp nhọn đổ nát nhiều chỗ, các hoa văn trang trí không còn nguyên vẹn, tiền sảnh bị sập chỉ còn lại sườn của vòm cuốn dưới có tạc tượng một hình người chắp tay phần mặt bị hư hại nặng, chân đứng trên một bệ đá mà hoa văn đã bi hủy hoại, hai bên có trụ chống cho vòm cuốn trên hoa văn lá xoắn hình chữ S liền nhau, tường và các cửa giả cách nhau làm cho nó bớt nặng nề, phù hợp với chiều cao của ngôi đền làm cho nó có một vẻ đẹp vừa nhẹ nhàng vừa thanh thoát.
Cuốn sách Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm kể lại: Trong chỗ sâu kín của ngôi đền này vào khoảng năm 1904, những nhà khảo cổ học đã sưu tầm được một bộ trang sức bằng vàng, đầy đủ dành cho một pho tượng lớn cỡ nửa người thường. Kiểu thức hoa văn trang trí cho biết nó thuộc phong cách Đồng Dương. Đây là một bộ trang sức bằng vàng lá duy nhất còn nguyên vẹn tìm thấy trong nghệ thuật Chăm. Nó từng được đem trưng bày tại Hội Chợ Marseille năm 1926.
Bộ trang sức này được chế tác bằng những miếng vàng không dày lắm, gồm một cái mũ Kirita-Mukuta, trang trí 5 đóa hoa lớn, phía trên có đính một viên hồng ngọc, phía sau có một miếng che lấp gáy, hai miếng che sau tai và một vòng hào quang sau đầu hai hoa tai, một vòng kiềng đeo cổ, một bộ phận nịt ngang ức với bản khá lớn, đồ đeo ở hai vai là hai đóa hoa lớn, hai vòng đeo ở cổ tay và chân có bản lớn, một sợi dây chuyền cổ, các vòng đeo được móc lại với nhau bằng những cái khóa. Tất cà các miếng vàng này được chạm trổ hết sức tinh tế và điêu luyện.
Bộ trang sức này dùng để đeo cho các tượng thần bằng sa thạch hoặc bằng đồng khi hành lễ, ngày thường chúng được tháo ra và cất giử cẩn thận. Bi ký Chăm tại Mỹ Sơn đã nhiều lần nhắc đến bộ lễ vật này được dâng cúng bởi các vua Chăm.
Hiện tại bộ trang sức này đang ở đâu và ai là chủ nhân của nó? Đó là điều mà nhiều người muốn biết, muốn chiêm ngưỡng nó.
Con người đã lấy đi rất nhiều thứ từ khu Thánh địa này với rất nhiều lý do! Hiện tại tổ chức UNESCO thừa nhận nó là một di tích lịch sử của nhân loại, hãy trả lại cho khu Thánh địa Mỹ Sơn những gì của nó, đó cũng là lòng tự trọng của con người chứ không phải sợ một lời nguyền của vua Bhadravarman đệ nhất là người khởi công xây dựng thánh địa này với những lời nguyền như sau: "... Nếu có kẻ nào dùng vũ lực để chiếm đoạt hay phá hủy... thì nhân dân không phải tội, mà tội lỗi sẽ dành cho kẻ đó... "
Hồ Đắc Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét