Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Người Chăm Islam Trên Xứ Chùa Tháp


Người Chăm Islam Trên Xứ Chùa Tháp


Đầu thế kỷ 19, ngay sau khi Lê Văn Duyệt Tổng Trấn Gia Định Thành từ trần 1832, tiếp theo sự kiện một số người Chăm theo Lê văn Khôi_ con nuôi Lê Văn Duyệt, nổi loạn chống lại triều đình Huế, vua Minh Mạng có ngay quyết định tức tốc chiếm đóng Panduranga-Champa áp dụng chính sách cực kỳ tàn bạo thẳng tay tiêu diệt tất cả những người Chăm không phục tùng triều đình Huế. Ngay sau đó Minh Mạng cho lệnh xóa bỏ Panduranga-Champa trên bản đồ và chia đất đai lại thành hai huyện An Phước và Hòa Đa thuộc tỉnh Bình Thuận. 
Từng bị tan tác trong những cuộc phân tranh đẫm máu giữa Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn, một lần nữa dân tộc Chăm bỗng trở thành nạn nhân vô cùng bất hạnh “giữa hai đường gươm giáo” trong những cuộc tranh chấp giữa những người Việt. Năm 1832 có thể coi là thời điểm mốc đánh dấu vương quốc Champa hoàn toàn bị tiêu vong do cuộc Nam Tiến của người Việt. 
Thoát được cuộc tàn sát khủng khiếp của vua Minh Mạng, những người Chăm còn sống sót ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam_ vốn là quê hương họ, đã phải tìm đường trốn chạy sang Cam Bốt. Họ định cư đông nhất ở các tỉnh Kompong Cham, Kompong Chhnang [Kompong có nghĩa là bến sông] và một số khác sống rải rác theo hai bờ con sông Mekong, sông Tonlé Sap và Biển Hồ. Họ chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, trồng lúa, dệt lụa, chuyên mổ trâu bò (do người Khmer theo đạo Phật kiêng sát sinh), nghề rèn dao búa, họ còn biết làm thuốc và một số ít sống ở các vùng hẻo lánh còn có tài về ma thuật (sufi). 
Theo mấy người bạn anh Dohamide trốn thoát được Khmer Đỏ sang Thái Lan hiện định cư ở Mỹ kể lại thì những người Chăm có tay nghề rèn rất được trọng dụng dưới thời Pol Pot, họ được tuyển mộ vào những công binh xưởng để rèn vũ khí cho dù họ vẫn bị Khmer Đỏ nghi kỵ và nếu bất ưng thì vẫn cứ bị giết.
Mức sống của các cộng đồng người Chăm cao thấp khác nhau. Giàu có sung túc ở các tỉnh Kompong Cham, Kompong Chhnang; mức sống nghèo khó như ở Takeo, các làng ven sông Tonle Sap. 
Giữa một xã hội Khmer theo Phật giáo như một quốc giáo, những người Chăm sống sót từ vương quốc Champa cho dù tiêu vong nhưng do họ vẫn muốn giữ một căn cước chủng tộc và văn hóa riêng nên họ đã chọn theo đạo Hồi khi có dịp tiếp xúc với các thương nhân tới từ các nước Hồi Giáo như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ… Tôn giáo này đã phát triển rộng khắp trong cộng đồng người Chăm sống trên xứ Chùa Tháp cho dù tổ tiên họ trước đó có rất ít người có gốc gác theo đạo Hồi. 
Người Chăm Muslim [còn được người địa phương gọi là Khmer Islam] khoảng 500 ngàn người là cộng đồng thiểu số tôn giáo lớn nhất ở Cam Bốt. Số người Việt trên xứ Chùa Tháp có thể đông hơn nhưng là những cộng đồng đa tôn giáo: Phật giáo, Thiên Chúa Giáo… Nếu Bông Sứ Champaka là biểu tượng của vương quốc Champa, có thể xem các cộng đồng Chăm Islam tỵ nạn này như những Bông Sứ nở trên đất Chùa Tháp.
Khác biệt với các cộng đồng người Chăm còn ở lại Việt Nam như ở các tỉnh Phan Rang Phan Rí đa số theo đạo Bà La Môn (Chăm Ahier), cũng có ít người Chăm theo đạo Hồi nhưng vẫn còn giữ lại nhiều nét sinh hoạt cổ truyền (Chăm Awal hay Bani) nên họ khác với người Chăm Muslim Châu Đốc (Chăm Bhrâu_ hay Chăm Mới). 
Cộng đồng người Chăm Muslim Châu Đốc [mà dân địa phương quen gọi là Chà Châu Giang] có gốc gác từ Cam Bốt xuống, Thoại Ngọc Hầu đã tuyển mộ họ từ các đạo quân Côn Man để dùng như một lực lượng kìm kẹp trấn áp những sưu dân người Khmer trong công trình đào con Kinh Vĩnh Tế kéo dài hơn 5 năm với rất nhiều gian khổ chết chóc và thống hận; sau đó lớp người Chăm này được triều đình Huế thưởng công cấp đất cho lập bảy làng _ người Chăm gọi là Puk, để họ lập nghiệp làm ăn sinh sống_ như kết quả cuộc di dân lần thứ hai_ secondary migration. 
SỐNG CÒN TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ
Do sự khác biệt về tôn giáo, cộng thêm với quá khứ người Chăm thường hợp tác với Việt Nam nên họ cũng bị người Khmer thù ghét, bị đối xử như một thứ công dân hạng hai_ tuy không tới mức gay gắt như đối với người Việt [mà người Khmer khinh miệt gọi là Bọn Yuon hay Bọn Bắc] nhưng họ cũng đã trở thành những nạn nhân của cuộc tẩy sạch chủng tộc [ethnic cleansing] của Pol Pot trong thập niên 70. 
Ước tính đã có khoảng hơn một nửa tổng số người Chăm bị Khmer Đỏ sát hại, cộng thêm với những tổn hại vật chất hầu hết các thánh đường [Mosques] và trường học Hồi giáo bị phá hủy. Một số ít sống sót lại phải theo đường sông Mekong về hướng bắc trốn chạy sang Lào và hình thành một cộng đồng Chăm Islam trong quận Chantabouli ở Vạn Tượng. 
Số người Chăm còn sống sót dưới thời kỳ Khmer Đỏ đã phải chịu vô vàn khó khăn thống khổ. Họ bị bỏ cho đói khát và hoàn toàn bị tước đoạt mọi tự do. Họ bị cấm cầu nguyện hay duy trì các tập tục Hồi Giáo, bị cấm nói tiếng Chăm, bắt phải ăn thịt heo cho dù đó là điều cấm kỵ trong đạo Hồi_ nếu cưỡng lại hay từ chối là bị giết. Phụ nữ Chăm bị bắt phải cắt tóc ngắn, cấm choàng khăn…
Một tương phản đáng ngạc nhiên là cho dù Thái Lan cũng là một quốc gia Phật giáo Tiểu thừa giống như Cam Bốt nhưng các cộng đồng người Chăm Islam ở miền nam Thái Lan lại có một cuộc sống thanh bình và ổn định hơn nhiều. 
CÙNG VỚI NƯỚC CAM BỐT HỒI SINH
Thời kỳ sau Khmer Đỏ, cộng đồng Chăm Muslim đã phải đương đầu với thật nhiều vấn đề: như thiếu trường học, thiếu những thánh đường làm nơi cầu nguyện và thành phần người Chăm trí thức sống sót sau Khmer Đỏ kể như đếm được trên đầu ngón tay và tỉ lệ trẻ mồ côi Chăm thì rất cao. 
Nhưng dần đà với thời gian, các thánh đường và trường học Hồi giáo lại bắt đầu được phục hồi do tiền trợ giúp từ Mã Lai, Saudi Arabia, Kuwait và các quốc gia Hồi giáo khác; cũng phải kể tới số tiền của các cộng đồng Chăm Islam ở hải ngoại từ Mỹ, Canada và Tân Tây Lan gửi về. 
Điển hình là Kuwait đã tài trợ một cách hào sảng cho một số cộng đồng Chăm Islam để họ có phương tiện cải thiện cuộc sống tăng lương 20 đôla mỗi tháng cho các thầy giáo. Đó là những giúp đỡ thuần túy trong sáng chứ không kèm theo một điều kiện áp đặt nào. 
Trước Khmer Đỏ có khoảng hơn 300 thánh đường Hồi giáo trên đất nước Cam Bốt nhưng đã bị hủy hoại gần hết dưới thời Pol Pot. Điều đáng mừng là hiện nay [thời điểm 12/2001] đã có hơn con số ấy, ngoài những ngôi thánh đường cũ được tái thiết còn có thêm những thánh đường mới. Ngôn ngữ dùng trong lễ giảng gồm tiếng Chăm, tiếng Khmer và cả tiếng Ả Rập [nhưng lại có rất ít người Chăm biết tiếng Ả Rập_ cho dù đó là ngôn ngữ của Kinh Koran]. 
Người Chăm Sunni Islam luôn luôn sống hài hòa với những tôn giáo khác. Không phải là hiếm thấy cảnh người Chăm cúng dường thức ăn cho các nhà sư đi khất thực qua nhà họ, cả đưa đò hay phà miễn phí cho các vị ấy qua sông. 
Về phương diện xã hội, người Chăm Islam đã có một cuộc sống dễ thở hơn trong sinh hoạt cộng đồng và tôn giáo. Đơn giản như trong dịp lễ hội, người Chăm Islam bây giờ có tự do được mổ bò ăn mừng thay vì mọi chuyện phải xin phép là có được hay không như trước đây. 
Về phương diện chính quyền, vào thập niên 60s, chỉ có duy nhất một người Chăm Islam làm thứ trưởng Bộ Thờ Phượng và Tôn Giáo [Ministry of Cults & Religious Affairs] nhưng sau đó thì bị Khmer Đỏ giết. Nay tình hình được cải thiện rõ rệt dưới chính quyền Hun Sen, đã có tới 20 người Chăm được tham chính, họ có chân trong nội các cấp Bộ Trưởng, được bầu vào quốc hội chưa kể các thành phần chỉ huy trong quân đội. 
Về cơ bản, như mọi cộng đồng Hồi Giáo khác trên thế giới, người Chăm Islam xem đấng Allah là Thượng Đế, Mohammed là người mang sứ điệp của Allah tới họ. Thế hệ Chăm Islam 2000 luôn luôn được nhắc nhở giữ giáo luật như cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, cấm mình trong Mùa Chay Ramadan [nhịn ăn từ sáng tới tối kéo dài trong một tháng] để thấy đời sống người nghèo khó khăn ra sao rồi chia xẻ thức ăn tiền bạc với họ. Họ cũng ao ước được tới thánh địa Mecca để viếng mộ phần giáo chủ Mohammed và dự các buổi nghi lễ truyền thống. Hàng năm có hàng trăm người Chăm Muslim từ Cam Bốt đi hành hương Mecca_ nhưng rất ít là phụ nữ. 
Nhìn chung sinh hoạt của cộng đồng Chăm Islam trên xứ Chùa Tháp không quá khắt khe như các cộng đồng Hồi Giáo Chính Thống [Fundamentalist] khác trên thế giới. Về y phục, đàn ông Chăm Islam thường vẫn đội mũ và quấn sarong. Phụ nữ Chăm tuy không bị bắt buộc phải mang y phục che kín hết phần thân thể và mạng che mặt chỉ để hở đôi mắt như ở Afghanistan, nhưng họ vẫn được khuyên răn là nên choàng khăn không để xõa tóc vì có thể kích dục nơi người đàn ông không phải là chồng họ. Không có cấm đoán hôn nhân ngoài chủng tộc hay với thành phần tôn giáo khác. 
Sau Khmer Đỏ, với 20 ngàn lính Mũ Xanh UNTAC [United Nations for Transitional Authority in Cambodia] hiện diện ở Cam Bốt, phải nói là cả xã hội như một toàn thể đã có nhiều thay đổi theo cả cái nghĩa tốt và xấu. Họ tới để bảo vệ cho một nền hòa bình còn quá non trẻ để tiến tới xây dựng một nền dân chủ sơ khai cho Cam Bốt nhưng đồng thời cũng mang tới những ảnh hưởng tiêu cực như gia tăng đĩ điếm gia tăng hiểm họa dịch HIV… 
Và ngày nay không phải là hiếm thấy ở Cam Bốt những người phụ nữ Chăm Islam thế hệ 2000 mặc váy ngắn hở chân, áo T-shirt hở ngực; và xa hơn thế nữa cho dù giáo luật khắt khe cấm liên hệ tình dục bên ngoài phạm vi gia đình nhưng vẫn có một số ít đàn ông và phụ nữ Chăm cũng không tránh được sa ngã trở thành nạn nhân của dịch HIV đang hoành hành từ đô thị tới thôn quê trên khắp đất nước Cam Bốt. 
NHỮNG NGÀY SAU 911
Sau biến cố 911 ở New York, Washington đưa tới phản ứng trả đũa của Hoa Kỳ dội bom trải thảm ở Afghanistan. Biến cố xa hơn nửa vòng trái đất ấy nhưng không phải là không có ảnh hưởng gây khó khăn cho cộng đồng người Chăm Islam ở Cam Bốt trong vấn đề giao tiếp với thế giới bên ngoài. Rõ rệt nhất là các nguồn tài trợ cho các công tác thuần túy phát triển giáo dục xã hội và tôn giáo nhưng bị ngộ nhận là có thể liên quan xa gần tới các tổ chức khủng bố nên đã bị gián đoạn khiến một số công trình xây cất phải bỏ dở dang. 
Cùng lúc không phải là tình cờ mà Bộ Thờ Phượng và Tôn Giáo của chính quyền Hun Sen đã cho ban hành đạo luật mới quy định một số hạn chế sinh hoạt tôn giáo_ mà đối tượng rõ ràng là nhắm tới các cộng đồng Chăm Islam ở Cam Bốt. 
Haji Yusuf, lãnh tụ uy tín cộng đồng Chăm Islam Nam Vang [Phó Giáo_ Deputy Imam của Thánh Đường Al-Azhar] khi trả lời cuộc phỏng vấn báo Pnom Penh Post, Yusuf đã bày tỏ sự không đồng ý với các cuộc giội bom ồ ạt của Mỹ xuống Afghanistan gây tổn thất cho cả thường dân và theo ông biện pháp ôn hòa để chống lại các nhóm khủng bố sẽ có hiệu quả lâu dài hơn so với cuộc chiến tranh nóng như hiện nay. Rồi ông ta đưa ra một hình tượng rất ý nghĩa: “Dòng nước nóng chỉ chảy cạn trên bề mặt trong khi dòng nước lạnh thì chảy dưới sâu hơn_ while hot waters run shallow, cold waters run deep”. Yusuf tiếp: “ Nước Mỹ có thể làm bất cứ điều gì_ thế giới là ở trong tay họ. Chúng tôi không hề oán hận nước Mỹ bởi vì cả ngàn người Mỹ đã chết trong cuộc tấn công 911 vừa qua…” Ông ta chỉ muốn khuyên người Mỹ kiên nhẫn và hành động bằng một đầu óc tỉnh táo thay vì giận dữ như hiện nay. 
Yusuf còn đưa ra một nhận định khái quát hơn, ông tiếp: “Tôi nghĩ rằng Phương Tây không nên bôi nhọ hình ảnh thế giới Hồi Giáo và rồi ra trong tương lai họ sẽ hiểu rõ Hồi Giáo hơn rằng đó là một tôn giáo tốt và chỉ có cá nhân chứ không phải Đạo Hồi có hành động khủng bố… Đạo Hồi là tôn giáo cầu nguyện cho hạnh phúc và xem chuyện giết tróc là có tội. Kể cả đốn chặt cây không lý do cũng là mang tội. “ 
Khi tới với Kompong Cham và Kompong Chhnang có niềm vui để thấy những gia đình người Chăm Islam có được một cuộc sống tương đối ổn định và cả sung túc. Nhưng khi tới với những người Chăm sống hai bên bờ sông Tonlé Sap, thấy họ sống trên các nhà sàn, nhà nổi và cả trên những chiếc ghe và cũng để thấy rằng họ không thể nào nghèo hơn, ngoài sự sống còn để nối truyền và đức tin của họ. Tôi đã chụp được những hình ảnh người Chăm Islam phủ phục cầu nguyện trên ghe trong Mùa Chay Ramadan trên dòng sông Tonlé Sap. 
Từ trên một chiếc ghe đỗ, người đàn bà Chăm một mình đứng thả vó trên sông, chiếc vó kéo rộng hơn chiếc phản nặng trĩu mỗi lần nhô lên khỏi mặt nước. Vẫy vẫy trong lưới là đôi ba con cá trắng nhỏ không lớn hơn ba đốt ngón tay, có khi kéo lên một chiếc lưới không. Mửng này cho tới chiều cũng chỉ đủ được một soong cá cho bữa ăn tối gia đình. Vài chiếc ghe khác thì ra giữa sông thả lưới, cá nhiều hơn nhưng không còn thấy được những con cá lớn.
Chiếc ghe chạy vẫn chạy dọc theo hai bên bờ sông Tonlé Sap tới cầu Chruoy Changvar_ cũng là tên của bán đảo trung tâm đông đúc cộng đồng người Chăm Islam lớn nhất của Cam Bốt, phía bên kia cầu là giang cảng cho những con tàu chở khách đi Siem Reap hay đi các tỉnh phía bắc như Kompong Cham, Kratié... 
Rời chiếc ghe trở lại con đường đê đất đỏ, không thể không xúc động và thương cảm khi choàng ôm hai em bé Chăm chân đất gầy gò và đen đủi (hình 2) nhưng ánh mắt sáng và thông minh và các em lại không được đi học. Làm sao mà trang trải món nợ tinh thần này với thế hệ của những người Chăm sống sót. 
NGÔ THẾ VINH
Chruoy-Changvar – Phnom Penh, 14 - 12 - 01 
Tham Khảo:
1/ A perspective from the Cham Muslim community. Robert Carmichael, Lon Nora. Phnom Penh Post. Oct 26 – Nov 8, 2001.
2/ The Chams: survivors of a lost kingdom. Laos and Cambodia. APA Publications GmbH & Co. 2000.
3/ Dân Tộc Chàm Lược Sử. Dohamide, Dorohiem. Hiệp Hội Chàm Hồi Giáo Việt Nam. Sài Gòn 1965. 
4/ Góp Phần Tìm hiểu Lịch Sử Champa. Po Dharma. Champaka, No 1 , IOC-Campa San Jose, California 1999

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét