Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Tìm hiểu ý nghĩa của Kala, Makara Ấn Độ và việc vận dụng hình tượng này trong điêu khắc Chăm


 Tìm hiểu ý nghĩa của Kala, Makara Ấn Độ và việc vận dụng hình tượng này trong điêu khắc Chăm


Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang lưu giữ một số lượng phong phú các tác phẩm điêu khắc thuộc nhiều thể loại và có niên đại liên tục từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV. Khá nhiều các tác phẩm đặc sắc được trưng bày tại các phòng trong tổng thể kiến trúc mở độc đáo nơi đây, đã gây được sự chú ý đặc biệt của du khách gần xa khi được giới thiệu nội dung về chúng. Tuy nhiên có một loại hình các tác phẩm ít được nói tới hoặc chiêm ngưỡng kỹ - đó chính là các tác phẩm về Kala và Makara, mặc dù hiện nay số lượng về chúng khá nhiều (41 tác phẩm trong tổng số gần 400 tác phẩm) và được mang những tên gọi khác nhau trên nội dung của các etiquettes bên dưới chúng trong hầu hết các phòng trưng bày và các bộ sưu tập như: Kala-Makala, Thủy quái Makara, đầu Makara, Sư tử Makara, và đầu Makara thể hiện qua các tác phẩm có tên là Vật trang trí, Vật trang trí kiến trúc; Rồng, Rahu, Mặt Kala, Đầu Kala, và mặt Kala thể hiện qua các tác phẩm có tên gọi Phần đài thờ, Thành bậc cấp, Kala - Makara...  Việc tìm hiểu  ý nghĩa những hình ảnh thuộc thể loại này với những chủ đề thể hiện đa dạng và chức năng của chúng trong tổng thể kiến trúc đền thờ, cấu trúc tượng thờ Ấn giáo và Phật giáo có lẽ cũng đưa đến một số suy nghĩ cho chúng ta khi muốn tiếp cận dần với nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Mặt Kala đất nung tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm -ĐN
Makara - con vật sáng tạo thần thoại liên quan đến nước - Thuỷ quái là tên thường được gọi cho nó khi nó là vật cưỡi của thần cai quản đại dương Varuna, đồng thời nó cũng là vật cưỡi của nữ thần Ganga (Nữ thần sông Hằng); Makara chính là hoá thân trọng yếu nhất của nước (mà nước là nguồn gốc của mọi sự sống); nó còn bao hàm ý nghĩa của Kama- biểu trưng cho tình yêu và tình dục từ thời Ấn Độ cổ đại. Trong điêu khắc Ấn giáo và Phật giáo Ấn Độ thì chúng ta bắt gặp hình ảnh con Makara ở nhiều hình dạng khác nhau: khi thì là hình dạng một con vật cụ thể, khi thì xuất hiện ở hình dạng một quái thú có sự kết hợp một phần bộ phận của các con vật linh thiêng khác nhau mà đa phần là vật cưỡi của các vị thần quyền uy. Sự biến thái vừa chân thực vừa quái dị và tính đáng sợ của Makara chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý về sinh- tử liên quan đến con người cũng như sinh vật trong thiên nhiên.
Cá sấu Makara là báo hiệu của tai hoạ và là diện mạo khủng khiếp của thần Varuna, biểu hiện với việc ăn ngấu nghiến thời gian và cái chết, mang đến sự sợ sệt của những người cầu nguyện và cả những người soạn thánh ca cúng dâng thần linh, hãy nghe lời cầu nguyện của họ: "Người hãy ở lại đây và đừng nổi giận, đừng ăn cắp cuộc sống của chúng tôi từ chính bản thể của chúng tôi, Ôi! Người có uy quyền rộng lớn " và " hãy cho chúng tôi không trở thành nạn nhân của cái chết bởi sự huỷ diệt do những cơn phẫn nộ của Người " (dẫn theo tài liệu số 17, tr 310).
Tìm hiểu về thần Varuna với những thuộc tính ban đầu và sau này của Thần chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự xuất hiện và biến thái của phương tiện đi lại của vị thần này là con Makara .
Ngưòi Aryan khi thâm nhập Ấn Độ - chính họ là chủ nhân chuyển những thuộc tính của các hiện tượng thiên nhiên bí hiểm vào hình ảnh của các vị thần linh và ngày càng có nhiều câu chuyện thần thoại ly kỳ về các thần; mỗi một vị thần đều biểu thị thuộc tính riêng và có con vật cưỡi riêng.Thần Varuna thuở ban đầu được coi là vị thần cai quản không trung quá rộng lớn và đầy quyền uy. Bộ ba Trời cha (Dyaus) - Đất mẹ (Ađit) - Thần con (Ađitya) phản ánh ý niệm đơn giản của người Aryan về nguồn gốc vũ trụ, về con người và vạn vật. Thần Varuna là một trong nhiều biểu hiện của Trời - cha Dyaus, tên của Varuna cũng là từ gốc Dyaus mà ra và được coi như một vị sáng thế ngự trị cả vũ trụ và thậm chí còn được đề cao là lại đẻ ra Trời-Đất; Varuna như một tấm áo "bao phủ thế gian với muôn vật muôn hình ở trong đó" (dẫn trong tài liệu số 2, tr 35). Thần Varuna đứng đầu các thần điều khiển luật tạo hoá ở ngoại cảnh và ở trong lòng người: Thần buộc Mặt trời, Mặt trăng phải thay nhau hiện rồi biến, các ngôi sao phải nhấp nhánh hay tắt đi; Thần vạch đường cho sông chảy, đắp đất cho núi cao. Thần điều hoà bốn mùa, Thần biết đường chim lượn, thuyền bơi, đường gió thổi, mây bay. Càng về sau Varuna trở thành vị thần chi phối cả đời sống luân lý, đạo đức, điều khiển thiện ác, thưởng phạt quang minh, thì những thuộc tính nói trên của thần Varuna (Thần không trung, thần vũ trụ, thần đạo đức) không còn nữa, Varuna trở thành Thần Biển. Từ tập thần ca Rig Veda đã nói tới Varuna là Chúa Biển và dành những lời ca ngợi vị thần này với một giọng vừa thân yêu vừa kính sợ; rồi cho đến tập Purrana thì Varuna đã hoàn toàn là vị Chúa Biển cùng với vợ của mình là Varuni ở trong đại dương bao la, cai quản cõi biển ướt át sâu thẳm chứa chất bao điều bí ẩn và mạnh mẽ và cả những điều đáng sợ. Là thần Biển, Varuna cưỡi chiếc xe hình con sơn dương có đuôi cá, có lúc thần còn cưỡi trên lưng rùa, lưng cá sấu, cá he, rồng biển; và đôi khi nhắc tới thần Varuna người ta còn thấy con vật cưỡi đi theo thần là chim phượng hoàng, sư tử. Tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp thì con Makara vẫn là con quái vật  xuất hiện nhiều hơn khi có thần Varuna, và nó trở thành con vật cưỡi của vị thần này.Varuna luôn cầm trong tay sợi dây thừng để thắt chặt sự xấu xa hoặc để nới lỏng sự sám hối - thần là chúa tể trừng phạt, cái múi thắt của sợi dây thừng có quan hệ với điểm trung tâm của "bộ mặt vinh quang" (Tức là bộ mặt Kala), là giới hạn của Varuna tóm lấy trong cái bẫy của sự chết chóc và sự giải phóng của sự sinh - đó chính là toàn bộ sự siêu việt của cái tên cũng như của hình dạng Varuna, là toàn bộ những điều không thể hiểu được của Varuna .
 Vì chức năng to lớn bao trùm ba thế giới: Thiên đình - Không trung - Mặt đất (Bao gồm cả Đại dương) mà con vật cưỡi của vị thần này được sáng tạo kết hợp với nhiều hình ảnh của các con vật hung dữ và quyền uy khác nữa - chính vì thế mà ra đời hình ảnh của con "thuỷ quái Makara" và con vật này xuất hiện khá nhiều trong điêu khắc Ấn giáo cũng như Phật giáo tại Ấn Độ và tại các nước ảnh hưởng văn hoá và tôn giáo Ấn Độ, trong đó có Champa.
Nghệ thuật Ấn Độ liên quan đến tôn giáo lớn Ấn Giáo và Phật giáo đã thể hiện về con vật này như thế nào, và trên thực tế ảnh hưởng của chủ đề này đối với nghệ thuật điêu khắc Champa ra sao? Có phải như G.Maspero đã nói trong tác phẩm "Vương quốc Chàm" (tr 23) của ông rằng: "Có một con vật chỉ có trong nghệ thuật Chàm thôi , ngoài ra không thấy ở đâu cả, đó là con Makar, một quái vật vừa giống cá sấu, vừa giống voi, lại vừa giống sư tử"  không ?
Những đền thờ Ấn giáo và các Stupa Phật giáo tại Ấn Độ ở nhiều thời kỳ đã xuất hiện một số tác phẩm thể loại Makara và Kala như:
 + Tại đền thờ Ấn giáo Korana thế kỷ XIII, có một tác phẩm khá đẹp và hoàn hảo thể hiện thần Varuna tay cầm vũ khí, một sợi dây thừng quấn quanh cánh tay phải rồi buông thõng trước hai chân và vòng qua cánh tay trái, thần đứng uy nghi đạp chân trên thân một con Makara, con vật nằm bẹp xuống và há hốc miệng ra thể hiện sự quy phục của nó trước vị thần này và được thần ban cho nó vô vàn nước.
 + Một phù điêu có niên đại thế kỷ I đang trưng bày tại bảo tàng Calcuttar đặc tả rõ ràng và sinh động và khá đầy đủ phức hợp hình thể  về con Makara với hình dạng của một con cá sấu không có vẩy đang bò trên cạn bằng bốn cái chân có bắp vế to và có móng được khắc tạc như móng của con bò; cái đầu của nó nổi gồ lên phía trước trán và hàm trên uốn cong như cái vòi của một con voi, còn hàm dưới dài nhọn  chìa thẳng ra phía trước và lởm chởm đầy răng nhọn; phần đuôi của nó lại là đuôi cá đích thực. Như vậy ngay trong hình ảnh sáng tạo của con Makara này đã bao gồm sự gắn kết hình dáng bộ phận của một số con vật vốn là vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ giáo như: Con voi (vật cưỡi của thần Indra), con bò (vật cưỡi của thần Siva), cá he, con cá sấu (vật cưỡi của thần Varuna).
 + Một tấm phù điêu khác liên quan đến kiến trúc Stupa ở miền Bắc Ấn Độ diễn tả cuộc chiến giữa con người chống lại con Makara. Ở đây con Makara được diễn giải về ý nghĩa của nó  là một con quỷ dưới nước-nó biểu trưng cho cả sự phát triển và thoái hoá của thế giới, nó mang sức mạnh vô song của thần Varuna, nó là con vật háu đói có thể ngốn ngấu mọi sinh linh và huỷ diệt mọi vật, không loại trừ con người; chính vì vậy chúng ta bắt gặp khá nhiều tác phẩm điêu khắc không chỉ dừng lại ở cái miệng há hốc của nó mà còn ở hình ảnh nó nuốt người, nuốt con vật, rồi lại nhả ra một số con vật, đôi khi còn nhả ra hai dải băng hoa tượng trưng cho nước mưa thần thánh tưới cho cuộc sống sinh sôi (vốn là thứ nước bất tử mà con vật láu cá này đã đánh cắp cố nuốt trôi hết cho bản thân nó mà không được, buộc phải nhả bớt ra theo lệnh của thần Varuna). Như vậy ở hình tượng này thì ta thấy trong bản thân con Makara còn bao hàm cả ý nghĩa về quyền sát, quyền sinh của các vị thần Varuna, Yama, Siva. Một tác phẩm tại đền Cannakeshava ở miền Nam Ấn Độ được tạo tác dưới triều vua Sala thế kỷ XIV cũng thể hiện đề tài về cuộc chiến giữa một chiến binh với quái thú Makara có đầu sư tử.
+ Tại đền thờ Mukteshvara ở miền Trung Ấn Độ có một kiến trúc tráng lệ được thể hiện bởi hai con Makara quay hai đầu về hai bên tựa trên hai trụ cột với cái miệng cá sấu há hốc đầy răng nhọn, còn hai thân của hai Makara kết lại và cong lên làm thành vòm cung mà trên đó là mảng phù điêu cân đối thể hiện hình ảnh các nữ thần nghệ thuật.
+ Một tác phẩm bằng đồng của nghệ thuật Ấn Độ thế kỷ XII miêu tả chiếc ngai nơi đó có vị thần Lokesvara ngồi ngự, người ta cũng thấy hình ảnh của các con Makara được tuôn ra từ miệng Kala làm thành mô tip trang trí hai bên cực kỳ cân đối và đẹp đẽ, tôn thêm vẻ oai nghiêm và uy quyền to lớn của vị thần cứu độ chúng sinh, phía dưới bệ đặt tay cũng ló ra hai cái đầu Makara nhỏ đang há miệng với vẻ đằng đằng sát khí, trái ngược hẳn với hai con phía trên trông oai phong lồng lộng với cái miệng há hết cỡ đầy răng nhọn và phần thân, cánh, đuôi lộng lẫy lại được mô phỏng theo hình dạng của một con chim đại bàng cánh vàng - ở hình tượng này thì Makara có mang một phần hình ảnh của con vật cưỡi của vị thần bảo tồn vũ trụ Visnu. Qua tác phẩm này ta thấy mối liên hệ giữa Kala và Makar.
+ Một phù điêu bằng đá chỉ thể hiện bộ mặt Kala với những chi tiết cực kỳ dữ tợn qua cặp mắt lồi, sừng nhọn và cong, hàm răng trên nhe ra với hai răng nanh nhọn sắc-tấm phù điêu này được sử dụng trang trí trên tường tháp thờ. Một phù điêu Kala  khác với bộ mặt của một con sư tử chỉ có hàm răng trên và từ hai bên mép của nó nhả ra hai dải trang trí mềm mại cong về hai bên phía trên vòm cửa của một ngôi đền ở miền Trung Ấn Độ. Vậy Kala có ý nghĩa gì mà nó lại được biểu hiện khá nhiều ở dạng những bộ mặt riêng lẻ rất đáng sợ nhưng cũng có khi lại xuất hiện cùng với Makara tạo nên một tổ hợp lộng lẫy mang tên Kala-Makara mà ở phần sau bài viết này sẽ đề cập đến.
Theo Ấn Độ giáo, các vị thần liên quan đến lẽ sinh-tử, đến ngày và đêm, đến vòng quay mặt trời, đến thời gian... thì ngoài những vị thần quyền năng như Brahma, Siva, Visnu, Surya, Yama, Krishna, còn có thần Kala.
Kâla - nguyên động từ trong tiếng Sanskrit có nghĩa là "thời gian" và "đen". Trong Atharvaveda, thời gian được nhắc tới như nguồn gốc và chúa tể mọi vật "Chính thời gian đã làm xuất hiện và ôm trùm các thế giới. “Nó là người cha của mọi sự vật, không có sức mạnh nào cao hơn sức mạnh của nó”. Trong thánh kinh Vishnu - Purâna có thể đọc thấy rằng Brahma hiện lên dưới hình thức Thời gian; Trong Bhagavad-Gita, Krishna nói: "Ta là Thời gian ngốn ngấu tất cả". Kâla-Bhairava mang ý nghĩa thời gian-đen-khủng khiếp, chính lúc này Siva hiện lên dưới hình thức khủng khiếp của thời gian-Sự huỷ diệt điên cuồng của Siva được thể hiện rõ nhất ở chính bộ mặt Kala-Bộ mặt này của Siva được đặc biệt sử dụng trong giáo phái Siva (một trong ba giáo phái chính của Ấn Độ giáo mà Champa ảnh hưởng). Kala còn là tên gọi khác được đặt cho thần chết Yama. Như vậy, trong bộ mặt Kala có biểu hiện của nhiều vị thần. 
Các tác phẩm về Makara, Kala của Ấn Độ vừa điểm qua ở phần trên nếu dạng phù điêu thì là vật trang trí tường tháp, góc các tầng tháp Ấn Giáo,các Stupa của Phật giáo; trang trí ngai thờ vị thần Phật giáo, thể hiện quyền uy của  tượng thờ vị thần Ấn giáo; trang trí đế tháp, cửa tháp (cửa chính hoặc cửa giả); Khi ở dạng tượng tròn thì Makara được sắp đặt ở vị trí trước các đền tháp thờ với chức năng canh giữ bảo vệ các vị thần với những giáo luật của thần-ở trường hợp này thì Makara xuất hiện chẳng khác gì những con vật linh thiêng khác như  Rồng, Sư tử...
Rồng, chất liệu đá, niên đại thế kỷ XIII - BTĐKC
Makara với mọi sự biến thể của nó ở nhiều chi tiết kết hợp của các con vật sống dưới nước (cá he, cá sấu, rồng), trên cạn (sư tử, bò, rắn, voi), trên không (chim). Việc tạo ra con vật với nhiều chi tiết tổng hợp và với dáng vẻ đáng sợ, cũng như sự chuyển hoá tính năng của mỗi dạng từ bản thể ban đầu đã khiến cho hình tượng  Makara được sử dụng khá nhiều trong cấu trúc đền tháp thờ của Ấn giáo và Phật giáo, kể cả trong các tác phẩm điêu khắc riêng lẻ  vào các thời kỳ phát triển các tôn giáo đó ở Ấn Độ. Ý nghĩa biểu trưng của Makara ở chức năng vừa là vật cưỡi của thần Varuna , vừa là con vật trang trí và  canh giữ các đền thờ Ấn giáo và Phật giáo cổ xưa. Từ đặc trưng về hình dáng con cá sấu, chi tiết bộ mặt sư tử, các ngón chân và vảy của con rồng, đuôi cá hoặc rắn v.v. Ở cấu tạo hình thể của con Makara đã là cơ sở cho mối quan hệ giữa Makara - Sư tử - Kala - Ra hu được thể hiện ở nhiều hình tượng điêu khắc cổ điển Ấn Độ. Có thể nói từ sự vừa kết hợp vừa biến thái của Makara mà hình thành nên các hình tượng Makara, sư tử Makara, Kala, Rahu, Kala - Makara được sử dụng khá nhiều ở các dạng phù điêu trang trí trên tường tháp, ở các góc của các tầng tháp, trên trán cửa tháp, dưới đế tháp, ở phần đài thờ, dưới đế các tượng thờ ; còn ở dạng tượng tròn thì Makara được sử dụng làm con vật canh giữ  trước cửa tháp, trên  hai bên đường vào tháp. Như vậy Makara là con vật sáng tạo theo tư tưởng tôn giáo Ấn giáo và Phật giáo tại Ấn Độ, con vật này gắn liền với hình ảnh của thần Varuna, song tính triết lý về sự sáng tạo - bảo tồn - diệt vong mà các vị thần đại diện lại cùng được hàm chứa trong nó. Makara là hình tượng được sử dụng khá nhiều trong điêu khắc Ấn Độ. Nghệ thuật điêu khắc tôn giáo Champa qua các giai đoạn đã vận dụng hình tượng này để thể hiện hết sức phong phú và sáng tạo vừa có tính cụ thể vừa có tính ước lệ.
Những hình ảnh kết hợp hoặc biến thái của Makara trong nhiều trường hợp nó mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về sự sinh sôi - sự tồn tại - sự phát triển - sự diệt vong trong chu trình đời sống của muôn loài. Đặc biệt sự kết hợp Kala-Makara để làm thành tổ hợp có tên gọi " Bộ mặt vinh quang " còn liên quan đến vấn đề thiên văn học trong chu kỳ vòng quay của Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất, đến hiện tượng Nhật thực và Nguyệt thực; và xuất phát từ ý nghĩa về thiên văn học là còn cả vấn đề về nguyên tắc luyện tập Yoga-một phương pháp luyện tập đưa đến sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh.
Nói đến ý nghĩa biểu trưng của mô típ Kala-Makara (tức Bộ mặt vinh quang) chúng ta phải hiểu rằng việc hình thành những tên gọi khác nhau từ chính cái tên Makara và Kala, bởi lẽ : triết học tôn giáo Ấn giáo cho rằng  tính liên tục giữa quá khứ và hiện tại được thống nhất và hoà nhập giữa Đấng tối cao chính yếu được khẳng định trong thế giới vĩ mô là Mặt Trời ngự trên đỉnh của ngọn núi thiêng Mê-ru; thế giới vĩ mô đó là Usnisa hình hoa sen tại đỉnh của ngọn núi này; trong thực tế thế giới đó lại tương đương với phần trên cùng của đầu lâu con người, và trong kiến trúc Stupa của Phật giáo thì lại được định hình  bởi vương miện Harmika tại đỉnh Stupa - đỉnh vũ trụ, còn trong kiến trúc đền tháp Ấn giáo chính là phần chóp tháp-cũng là đỉnh vũ trụ. Sự liên kết kép tính đối lập giữa quá khứ và hiện tại được tạo ra bởi một mô tip đặc trưng khác lạ mang cái tên Kala - Makara rồi khép lại mối quan hệ đó bởi hai hàng cột rắn buông xuống hai bên thanh dọc của cửa ra vào, cửa sổ hay cửa giả của tháp thờ các vị thần Ấn Giáo hay hai hàng lan can của bậc thang đi lên trong cấu trúc Stupa Phật giáo - Mô típ này nói lên điều gì? ý nghĩa của nó là ở chỗ: mọi sự thay đổi trạng thái của mọi sự vật là cái chết sẽ tới từ từ và sự tái sinh cái mới trong trạng trái thành công, mỗi vật vì thế là một biểu hiện trước của một sự kết thúc và báo hiệu trong nhận thức một sự tái sinh chắc chắn sẽ diễn ra. Từng bậc thang đi lên của một Stupa gần với tình trạng tương tự như sự thay đổi thể chế của một vương triều, và vì lý do này mà tuỳ theo từng thời kỳ và từng cấp độ khác nhau chúng ta sẽ thấy những Stupa gần vùng Đông Nam Á thỉnh thoảng được tô điểm với hình ảnh Kala-Makara.
Kala-Makara gồm sự kết hợp của Makara và bộ mặt của thời gian Kala - mukha, thông thường được gọi là "bộ mặt vinh quang" (Kirttimukha). Bộ mặt đó là bộ mặt biểu lộ những sự sợ hãi - nó được sử dụng như một mặt nạ án ngữ ở đỉnh của lanh tô vòm cuốn phía trên khung cửa tháp thờ. Từ cái miệng của mặt nạ đó tính trong giới hạn từ mép này sang mép kia phun ra ngoài hai thân rắn và chạy đến hai thanh dọc của khung cửa ra vào, hai con rắn quấn quanh hai thanh dọc của khung cửa đan xen với những cành lá và chạy dài hướng xuống phía dưới chân khung cửa rồi được chấm dứt bằng những cái đầu của Makara. Makara ở đây có thân rắn và ý nghĩa của nó hằn trên hai thanh dọc bằng nhau của khung cửa tháp thờ Ấn giáo tương đương với lan can có hai thân con Makara chạy dọc hai bên các bậc thang của các Stupa Phật giáo-Cả hai hình ảnh nói trên đều mang khuynh hướng biểu trưng cho sự chuyển động của vũ trụ hiện tại. Sự chuyển động nhịp nhàng và kế tiếp nhau của các mặt tương phản trong vũ trụ biểu lộ sự phát triển và sự lặp lại đựơc tính bằng chu kỳ vũ trụ - (Tương đương với 4320.000 năm của chúng ta). Hai nguồn sức mạnh đối lập đó của những cơ thể Makara đối trọng nhau, kết hợp với nhau hình thành một tổng thể trong phạm vi "Bộ mặt vinh quang" và tập hợp tại trung tâm ở lanh tô trên cửa ra vào tháp thờ. Bộ mặt thể hiện sự đối lập xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên vào cùng một thời gian, biểu lộ việc làm điều ác do nó gây ra. Băng qua phía dưới hàm của Bộ mặt vinh quang biểu thị cho thời gian là cái miệng của nó nuốt chửng đời sống của vạn vật một cách không thương tiếc; tuy nhiên cũng như thời gian đang trôi đi vô tận từ biểu tượng cái hàm ấy thì đồng thời cũng thấy vô khối các nhánh lá cây chảy ra từ đó và là biểu thị cho sự sống tuôn trào. Rõ ràng cái hàm huỷ diệt này cũng là cái hàm của sự bắt nguồn những cơn mưa, những nguốn nước mang đến sự sống và khả năng sinh sôi nảy nở. Như vậy "Bộ mặt vinh quang" cũng là bộ mặt của sự huỷ diệt và của sự sáng tạo, của cái chết và sự sống, của bóng tối và ánh sáng mặt trời.
Hai mặt tự nhiên của "Bộ mặt vinh quang" được truyền đạt lại từ trong nội dung thần thoại về nguồn gốc xuất hiện của nó. Truyện kể rằng: Có một Asura to lớn và hùng mạnh - một kẻ đã từng chinh phục toàn thế giới, trong cái sức mạnh quyền lực đầy kiêu hãnh của nó thì nó lại nhắm vào Rahu - con quỷ của bóng đêm Nguyệt thực, nó nhắm đến sự đòi hỏi của thần Siva và vợ của thần là nàng Parrvati xinh đẹp. Trong lúc trả lời những đòi hỏi của con quỷ, Siva đã giận dữ mở con mắt thứ ba của  Thần và chiếu sức mạnh khủng khiếp bật ra một cách bất ngờ bởi quyền lực vô song của mình - điều đó đã làm ra hình dạng khủng khiếp của bộ mặt một con quỷ - bộ mặt đó hằn sâu một mớ cực kỳ hỗn độn của sự đói khát, bộ mặt kinh hoàng đó nhìn nhìn chằm chằm vào Rahu và xông thẳng tới trước Rahu  với cái hàm mở rộng ngoác ra sẵn sàng ăn ngấu nghiến Rahu . Rahu cảm thấy khiếp sợ, bay tới tìm nơi ẩn náu ở chỗ Siva- người đã khiến con quỷ tới để bắt Rahu, lấy đi con mồi của nó, khả năng ma quỷ vẫn trỗi dậy hành hạ bởi cái đói khủng khiếp nên con quỷ tính ngay đến việc cung cấp bữa ăn bằng chính phần mềm của chân tay nó và cứ thế sự tham ăn tột độ của con quỷ đã khiến nó dùng cho đến hết phần xương thịt của cơ thể nó bằng một sự quá khích mà vẫn không tài nào đưa đến việc kết thúc bữa ăn , nó vẫn tiếp tục ăn cho đến khi chỉ còn lại bộ mặt của chính nó thôi. Siva tỏ ra thích thú với dự kiến này vì bữa ăn trọng thể được chuẩn bị công phu khiến ai cũng phải sợ hãi, hình ảnh của sức mạnh huỷ diệt thế giới của chính Siva, và vị thần Siva muốn rằng ai cũng phải công khai thừa nhận bản thể vĩ đại của mình là như vậy. Thần Siva thầm nghĩ: "Rahu sẽ được biết đến từ nay trở đi ở chính Bộ mặt vinh quang mà Ta đã thụ phong cho nó, để nó sẽ tiếp tục được mãi mãi ngự trị tại cửa của Ta; bất cứ ai sao nhãng việc thờ cúng Rahu thì họ sẽ không bao giờ chiến thắng được ân huệ của Ta" (Tài liệu 17, tr 307).
Con quỷ Rahu được nhận biết cũng ở chính "Bộ Mặt vinh quang", và trong câu chuyện thần thoại này thì bộ mặt chỉ nói tới phản xạ của Rahu tại thời điểm quá khứ của bản thể tự nhiên của chính Siva. Đến đây chúng ta có thể hiểu được một phần về ý thức cảm nhận quyền năng huỷ diệt của Siva qua đồ án sáng tỏ là Rahu.
"Bộ mặt vinh quang "là sự kết hợp đặc trưng cái vẻ giận dữ của loài động vật sống dưới nước và một loài thú vật tưởng tượng-Makara, của Mặt Trời và động vật Thiên đường là Sư tử-Nó được gọi là Simha-Mukha - "Bộ mặt của sư tử ", và sư tử là có quan hệ với Mặt Trời. Cái bộ mặt ở đây cũng như Rahu-Mukha- "Bộ mặt của Rahu", và Rahu lại là con trai của Sư tử cái Simhika-Rahu còn được gọi là Svarbhanu;"Sự huy hoàng của hào quang" do Asura giáng xuống Mặt Trời lại bị Rahu nuốt mất, sinh ra cái bóng đêm chết chóc, và Mặt Trời kinh hoàng trước bóng đêm mà anh ta không thể chiếu sáng được. Lúc này "Bóng đêm" chính là "Địa ngục", và sự mơ hồ không tuyên bố đó ẩn phía sau  bộ mặt của cái chết  lại chính là Mặt trời - con mắt của cả thế gian !
Mặt Trời có quan hệ với hơi thở của cuộc sống và cái chết: và "Lý do là như Mặt trời chính là sự chết chóc, con đẻ của Mặt trời giáng xuống đây tất là phải chết". Mặt Trời - người khởi đầu cho con cái của mình và cũng là để sẵn sàng nhai ngấu nghiến chúng; Mặt trời - mang cả hai ý nghĩa: "Vật giết người và vật đối trọng với nó là sự sống", Mặt trời là "Người thâu tóm nhiều vật và để tạo thành một vật khác", Mặt trời là "từ một đến biết hết, từ ngốn ngấu tất cả đến cho ra đời tất cả! Chính vì ý nghĩa này mà bộ mặt "Sư tử - Makara" xuất hiện và ở trong những trường hợp khác nữa thì còn được gọi là bộ mặt Rahu.
Sự sinh và sự huỷ diệt là hai khía cạnh không thể tách rời trong sự nhận thức triết học đa thần giáo. Mỗi vị thần đều có hai mặt: anh ta cho sự sinh và đồng thời chính anh ta cũng giết nó. Học thuyết Phật giáo cho rằng tất cả mọi vật sinh ra thì chính nó cũng là chủ thể tiến tới sự mục nát, và sự chết là nền tảng của học thuyết Phật giáo; có sự sinh ở đâu là ở đó chắc chắn dẫn tới tuổi già, bệnh tật và chết chóc, kẻ thù của thời gian (Kala) chắc chắn đã xuất hiện và do Kala tham ăn quá nhiều làm cho biến mất tất cả những cái đang tồn tại và thời gian lại cũng chính là Siva  trong biểu hiện của thần như là "bộ mặt đen"- Kala và Rudra, "Sự sai lầm ngu ngốc " (Tamasic) là sự nhân cách hoá của sự đen tối-một khía cạnh mù quáng của thần linh. Với Phật giáo, Kala là vua của cái chết Yama, bộ mặt Kala chính là bộ mặt chết chóc.
Bộ mặt vinh quang chính là hình ảnh về sự đang ăn ngấu nghiến Mặt Trời. Nó là sự xuất hiện rõ ràng nhất của chính Mặt Trời, cái vật chuyển tải cái chết ngu dốt đến cổng của cuộc sống để bao quát toàn diện cả một chu trình vận động của đời sống trần thế để chuyển tải đến thế giới thiên đường. Trong chặng đường tưởng tượng về bầu trời của người Ấn Độ, Makara là nét tương ứng tại cung thứ  mười của Hoàng Đạo, nó nằm ở hướng Bắc, trong vị trí của điểm Đông Chí. Makara lúc ấy đồng nhất với cổng của lối thoát vũ trụ, cổng của các vị thần - quan hệ tới cổng Mặt Trời. Cung Hoàng Đạo Makara là Bộ mặt vinh quang và vị trí của nó tại trục của vòng cung trên khung cửa ở hướng Bắc, trục của vòng cung đó là trục xoay của thiên đường. Nghĩa dễ hiểu của khung cửa rất giá trị tại các đền thờ chính là sự hiện diện của mô típ Kala - makara. Như trên đã nói thì một phần nghĩa của Bộ mặt vinh quang là có dấu hiệu của Mặt Trời, là nghi lễ giải nạn, là sự đẩy lui những điều không xứng đáng với chính cái bộ mặt tệ hại của nó. Nhưng với những người tu hành của Phật giáo, đặc biệt là các vị La Hán (Arhat) đáng kính thì họ hiểu rằng con đường dẫn tới sự bất diệt là phải xuyên qua khung cửa của cái chết, cửa của cái chết là cửa của sự được giải thoát, cái chết không bị huỷ diệt nhưng được biến đổi. Vị trí của Bộ mặt đó là giao điểm của sự quá độ từ cái sống đến cái chết và là địa điểm của sự hiến tế. Các vị La Hán sẽ phải băng qua khung cửa để tới một điểm xa hơn cửa Mặt Trời và phải chịu sự ăn ngấu nghiến của bộ mặt Kala-Makara đó, chịu sự nuốt chửng cái tính ích kỷ của họ, phải chuẩn bị sẵn sàng những hoạt động hiến tế cho sự chờ đợi của thần thánh. Rồi có một điều khác nữa là bên cạnh sự lộng lẫy của bộ mặt Kala-Makara còn bộc lộ sự báo hiệu của một cuộc sống mới hình thành. Như vậy từ chính Bộ mặt này cho ta hiểu thêm ý nghĩa biểu trưng quan trọng của nó là: Mọi sự vật và hiện tượng đều xuất phát tự cái chủ yếu (Sự chết không tránh khỏi ) để rồi lại trở về với cái chủ yếu (Sự sống hình thành tất nhiên)-Cái vòng luân hồi đó là điểm chung của cả học thuyết Ấn Giáo cũng như học thuyết Phật Giáo, chính vì vậy bộ mặt quỷ Kala-Makara được cả hai tôn giáo vĩ đại đó tôn vinh là "Bộ mặt Vinh quang"; và hiển nhiên trong việc xây dựng các đền thờ Thần-Phật thì mô típ Kala-Makara được sử dụng  không chỉ đơn thuần là có chức năng trang trí đền tháp tại giao điểm của vòm cuốn trên cửa của đền thờ, mà ý nghĩa  căn bản của nó chính là điều chúng ta vừa đề cập trên.
Trong phần lớn các trường hợp, mô típ mặt quỷ Makara đều biểu thị dấu hiệu của cung thứ mười Hoàng Đạo mà kinh Veda diễn đạt bằng hình ảnh con dê  biểu tượng của thần Varuna chứa đựng khái niệm giống như vậy.Varuna là Graha (tức Người bắt giữ), là người chuyên bắt giữ đàn ông ốm yếu, ráo riết tìm kiếm họ sau khi sáng tạo ra họ, đồng thời thực hiện việc hiến tế trẻ em bằng một sự xấu xa. Bắt giữ (Graha) như một sự đồng nghĩa của Makara và cũng là của Sisumara-"Con cá sấu". Sự hiến tế được xem như đã mang một bùa hộ mệnh trong nguyên tắc Thiên đường Varuna, bởi vậy sự chết của những người đàn ông hay của trẻ em không còn bị tác động mạnh trong sự sợ hãi Varuna vốn xâm nhập tinh thần họ.Varuna không thực hiện hành vi giết chết một cách hung bạo họ trong niềm kiêu hãnh của Thần nữa, mà chính kẻ cướp Makara, Graha hay Sisumara thực hiện sự xúc phạm này. Từ Sisumara mang cả hai nghĩa : "Giết trẻ em " và "Con cá sấu"; Và Varuna là con cá sấu vũ trụ bởi lẽ  "bên trong dạ dày của Người có bảy dòng sông chảy, nằm trong dòng sông thiên đường ấy, cái đầu của Sisumara quay mặt vào dòng nước chảy ngược và há hốc cái hàm của nó chờ đợi để tóm những đứa trẻ con của thần thánh trôi theo dòng sông nhỏ dẫn tới thiên đường" (Tài liệu số 17, tr 310). Sự tiêu hoá của Varuna tương tự như sự nuốt chửng của hình ảnh con cá sấu nằm tại khung cửa dẫn tới thiên đường với bộ mặt vinh quang ngự trên đỉnh của khung cửa-đó là dấu hiệu về sự thật của cá sấu Sisumara (hay còn được gọi với cái tên khác nữa là Sakara) ở bên kia của khung cửa (Thiên đường Makara).
Sự tương đương của "bộ mặt vinh quang" và dấu hiệu của Makara tại cung thứ mười của Hoàng Đạo - đó là Đông chí tuyến, mở đầu ý nghĩa thuộc về thiên văn học dẫn tới biểu tượng của mô típ Kala-Makara. Bộ mặt huyền bí này xác định vị trí của mùa đông ở phía Bắc- điểm cực đại trong chu kỳ đi lên của Mặt trời để chuẩn bị sự rút lui xuống của Mặt trời theo chu kỳ xảy ra hàng năm. Nó cũng đánh dấu ở nơi đó sự bắt đầu tuần trăng, sự chuyển động đi xuống của Mặt Trời hướng tới điểm Hạ chí tuyến. Chúng ta có thể nhìn thấy hai giai đoạn đó của Mặt Trời trên vòng tròn theo chu kỳ Nhật thực-một đi lên và một đi xuống. Biểu tượng sơ khai này về sự giao phối xa của vũ trụ, nó là sự xen kẽ của "Sự sinh " và "Sự chết " của vạn vật và cũng là trò chơi tương ứng của vũ trụ, những ảnh hưởng bắt nguồn từ những cực chủ yếu của vũ trụ. Thân thể Makara được diễn tả trên khung cửa ra vào đền thờ là dấu hiệu tổng hoà của những luồng Sinh - Tử để rồi chúng được gặp nhau và hút lại vào trong tại vị trí "Bộ mặt vinh quang".
Một khía cạnh khác mà ở đó mô típ KalaMakara là biểu tượng ám chỉ về thiên văn học ở chỗ "Bộ mặt vinh quang" cũng là bộ mặt Rahu (Rahu-Mukha). Rahu là con quỷ của Nhật thực và Nguyệt thực. Vòng tròn quỹ đạo của Mặt Trăng được phân cắt với chu lỳ tại hai điểm hoàn toàn tương phản nhau gọi là "giao điểm"- Cái điểm mà tại đây Mặt Trăng băng qua phạm vi rộng từ phía Nam lên phía Bắc, là giao điểm của sự đi lên và đi xuống. Rahu- hiện thân của giao điểm đi lên của quỹ đạo, Mặt Trăng và thân thể của nó phục vụ cho cái đầu của nó, là giao điểm đi xuống của Mặt Trăng. Tuy nhiên sự kết hợp của Mặt Trời và Mặt Trăng đi theo con đường tại chính nơi đó hay gần giao điểm đó. Những giao điểm là không chuyển động, nhưng chuyển động dọc theo đường Hoàng Đạo theo hướng đối lập đến nơi của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh khác làm thành vòng quay được tính theo tháng hoặc năm.
 Như vậy sự đi lên và đi xuống tại giao điểm của chu kỳ Mặt Trăng với hình ảnh bộ mặt Rahu và thân thể của nó thể hiện ý nghĩa xa hơn nữa ở mức độ biểu tượng của dòng chảy Vũ trụ, song có sự biểu lộ trong việc gây ảnh hưởng đến diện mạo của nó. Rahu bao gồm không gian bóng tối; hình dạng của nó có thể chỉ thấy được ở thời gian của chu kỳ như vòng tròn chuyển động của Mặt Trời và Mặt Trăng luân phiên nhau. Con quỷ của chu kỳ Nhật thực và Nguyệt thực luôn chờ sự nuốt ngấu nghiến chính bản thân nó. Hiện thân của vòng tròn trần tục mà cực điểm của vòng tròn đó là sự chết  hay sự tiêu huỷ của âm thanh và ánh sáng, của Mặt Trời và Mặt Trăng. "Bộ mặt vinh quang" (cũng là Grasa-mukha) trong cái Gras là "tàn phá" và chu kỳ che khuất Mặt Trời gây hiện tượng Nhật thực. Và tương tự như vậy, Kala-Mukha là bao gồm cả hai: "Bộ mặt của thời gian" và "Bộ mặt của cái chết". Mahakala- "Thời gian vĩ đại" cũng chính là thần Siva vĩ đại làm khiếp sợ mọi vật bằng chính cái hình thể Rahu mà thần chiếm lấy để thực hiện huỷ diệt thế giới. Biểu tượng tại lối ra vào qua ô cửa là biểu hiện của bộ mặt vinh quang với Rahu- Hoàng Đạo với chu kỳ Nhật thực và Nguyệt thực, liên kết với bộ mặt Kala - Makara với chủ đề mưa rơi được ám chỉ ở hàm dưới của bộ mặt con quỷ. Sự mô tả bằng hình tượng như thế có liên quan tới thần thoại của Rahu. Như chúng ta thấy Rahu-Mukha "Bộ mặt Rahu" là một biểu hiệu của "Bộ mặt vinh quang", sở dĩ chỉ thấy cái đầu của Rahu là vì thần thoại kể rằng: Các vị thần đã cùng đông ý với Asura rằng nếu họ chung sức giúp cuộc khuấy biến sữa để tạo ra thế giới, họ sẽ nhận được phần nước Bất tử  (Amrta), nhưng khi Amrta xuất hiện từ Đại dương do Asura đưa cho thần Visnu để ban cho các vị thần như đã hứa, thì Rahu trong bộ dạng kiêu căng của thần đã chộp lấy nước bất tử Amrta và bắt đầu uống nó. Mặt Trời và Mặt Trăng quan sát thấy sự lừa gạt xảo trá của Rahu và tố cáo nó với Visnu; thần Visnu tuyên bố cắt cái đầu của Rahu ở ngay chỗ cái hàm của nó, nhưng chất nước Amrta đã sẵn sàng phát huy hiệu quả và cái đầu bất tử Rahu đã sống trên đó, và mãi  mãi từ đó trở đi nó luôn truy nã không khoan nhượng kẻ thù đã tố cáo nó, Mặt Trăng và Mặt Trời bị Rahu theo đuổi và sẵn sàng bị nó ngấu nghiến. Khi hai thể sáng vĩ đại là Mặt Trăng và Mặt Trời đến chừng mực nào đó bị Rahu nuốt chửng là xảy ra chu kỳ Nhật thực hoặc Nguyệt thực. Tuy nhiên luôn luôn có sự sơ xuất từ chính cái hàm há hốc của Rahu nên có khi để ánh sáng diệu kỳ của Mặt Trăng hoặc Mặt Trời toả ra hơn một lần. Trong thần thoại này cái đầu Rahu dữ dội ở phần miệng. Từ khi nó bị thiếu cái hàm dưới nên nước bất tử nó uống không vào được cơ thể của nó, những nước này lại chảy nhỏ giọt từ cái đầu của nó như nước mưa.
Một trong những ý nghĩa của biểu tượng này trong kiến trúc xây dựng là ám chỉ đến sự đổ xuống của những cơn mưa thầm kín, nó là sự tuôn ra của Amrta từ vòm miệng trên của một Yogin. Như chúng ta biết, khi một Yogin tự kiểm soát đúng cách thức của liều thuốc tiên này chảy xuống để rồi lại hoàn trở lại cơ thể của anh ta, làm cho sự bất tử tồn tại trong đó; và tương tự như vậy, trong biểu tượng của Kala-Makara, nước bất tử chảy xuyên qua rầm cửa, toả sang bên phải và bên trái, nước này chảy xuống từ vòm miệng của cái đầu con quỷ vốn bị thần Indra tác động bởi tiếng sét kinh hoàng của Thần- thác nước quý giá này được miêu tả bằng hình tượng học trong điêu khắc kiến trúc tháp thờ, bệ thờ  với khá nhiều nét biến hoá sinh động chung quy là biểu trưng cơn mưa cho sự sống, khi thì là những dường gân song song  trong thân hình con rắn Veda, khi thì là những dải hoa lá, khi thì là những đường loăn xoăn, khi lại là một cái lưỡi bị chẻ ra nhiều đường thẳng v.v... Nếu cái hàm con quỷ mà ngậm lại chặt khít thì hình ảnh con rồng - con rắn đang bao bọc thế giới và yểm trợ cho tất cả- khi ấy cái hàm hiểu lộ sự tráng lệ của nó, biểu lộ cho sức khoẻ, cho sự giàu sang thịnh vượng, cho sự thần hiệu của cuộc sống diễn ra liên tục. Sự thở ra của Vrtra (Một con quỷ gây hạn hán) bị thần Indra đánh bại hiện thân thành con rắn kèm theo cơn giận thoáng qua của thần thánh như một sự hiển nhiên của vũ trụ  thì bộ mặt con quỷ sẽ biểu lộ sự hỗn xược ma mãnh của nó như khi nó ăn cắp Amrta, hoặc biểu lộ sự bực bội giận dữ bịp bợm như khi nó bị cắt cái hàm dưới, thì lúc đó mỗi bên mặt ở phần dưới cái má của nó phình lên như muồn thổi phồng cả thế giới. Từ cái hàm của nó dòng suối bừng chảy cuồn cuộn biểu lộ của hơi thở đầy sức sống.
Makara chất liệu đá thế kỷ XIII -BTĐKC
Nếu con quỷ hạn hán Vrtra ngăn trở dòng nước bằng sự gây ra hạn hán của nó, thì vị thần Varuna lại ra tay với cái quyền sở hữu dòng nước bất tử. Sự ứ đọng nước, sự bất tử có thể ban cho bất cứ thứ gì trong khoảng thời gian thống trị của Varuna và nó thuộc về Varuna, và nước chính là thuộc quyền sở hữu của Varuna-vị thần vĩ đại này đã che giấu và cai quản biển khơi. Khi xuất hiện thì Varuna chính là người dẫn nước cho cuộc sống, Thần là nguồn nước của các dòng sông không ngừng chảy và chảy theo quy định của Thần; bởi quyền lực huyền bí của Thần mà các dòng sông lập tức trút nước ra biển, biển không chứa đầy chúng và Varuna đi lên thiên đàng như một sự che giấu đại dương, biểu tượng cầu vồng với bảy sắc của nó như bảy dòng sông chảy ra từ miệng con quỷ hạn hán khi nó há hốc mồm ra vì thần Indra đã dùng đến lưỡi tầm sét của mình để bắt nó phải làm như vậy.
Bởi vậy, băng qua thanh dọc cửa đền có cái hàm há hốc ra của "Bộ mặt vinh quang" là băng qua cơn mưa thiên đường được trút xuống từ cái hàm miệng của con quỷ, nó là sự băng qua sự chết. Thuốc tiên tiêu tan, dừng đi qua thanh dọc cửa là biểu tượng tương đương với khoảng thời gian năm năm trong sự bất tử. Ai tiến hành sự sùng kính đối với thần thánh thì sẽ được làm cho bất tử. Người nào băng qua địa hạt theo thước đo thời gian ấy và cái chết đến với họ theo yêu cầu của thời gian nhỏ nhất thì cái chết sẽ xảy ra ít nhất.
Với những điều đề cập nói trên về Makara, về Kala-Makara và những biến thể chủ yếu của chúng là tất cả những ý nghĩa quan trọng nhất về hình tượng này; Dựa trên cơ sở đó chúng ta có thể hiểu hơn sự vận dụng hình tượng Kala-Makara trong việc chế tác một cách phong phú và sáng tạo của nghệ nhân Champa để phục vụ cho các công trình tôn giáo mà vương quốc Champa đã ảnh hưởng Ấn Độ.
Trong  tổ hợp kiến trúc đền tháp Champa, không hiếm các tháp đã gắn hình ảnh Makara, Kala  trong không gian thờ cúng thần linh mà Champa đã lựa chọn đê tôn thờ, ví dụ như:
 Hai con Thuỷ quái Makara  và con Rồng tại Tháp Mẫm (Bình Định) ở dạng tượng tròn với những nét đặc tả trong tư thế nằm chầu hầu dữ dội, chắc chắn chúng được sử dụng ở vị trí canh giữ tháp thờ (Các tác phẩm này đang được trưng bày tại phòng Tháp Mẫm của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng); Makara ở thể trạng Rồng còn có cặp Rồng (cũng được coi như một dạng biến thể của Makara ) tại một trong những tháp ở kinh đô Trà Kiệu xưa với dáng điệu vừa mạnh mẽ vừa mềm mại khá xinh đẹp, thân có vảy và có từng dải hoa lá xen kẽ và song song, đầu có sừng như sừng hươu non, cặp Rồng này cũng được bố trí canh giữ tháp thờ (Hai tác phẩm này đã được đưa về Bảo tàng điêu khắc Chăm từ năm 1918 và được trưng bày tại lối chính diện vào Bảo tàng , năm 2008  chúng đã được cất giữ để bảo quản hiện vật lâu dài).
Ở tháp G1 tại Mỹ Sơn thế kỷ XII  hình ảnh Mặt Kala bằng đất nung được thể hiện hết sức đa dạng và đã được bố trí vòng quanh chân tháp này, tạo nên một nét khá riêng biệt cho ngôi tháp.
Đến với tổ hợp tháp Dương Long (ảnh) tại tỉnh Bình Định còn tồn tại vô cùng uy nghi cho đến ngày nay, sau hai cuộc khai quật khảo cổ học quy mô lớn phục vụ công tác trùng tu tôn tạo khu di tích này vào các năm 2006 và 2007 đã làm lộ diện tổng thể mặt bằng kiến trúc cùng với hàng ngàn mảnh vỡ các tác phẩm điêu khắc đá, đặc biệt phần đế tháp cao hơn 2m hoàn toàn bằng đá với nhiều bậc giật cấp có trang trí các chủ đề như Garuda, Naga, Makara, Kala, kết hợp với chủ đề hoa, dây lá xoắn cách điệu, trong đó hoa sen giữ vị trí chủ đạo khiến chúng ta hết sức ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mỹ miều của nó; Trong nhiều chủ đề điêu khắc đá  tại tổ hợp tháp Dương Long thì chính chủ đề về Makara lại là phong phú nhất: Makara thể hiện có dạng thân rắn lưng có vảy lớn, đầu ở thấp bên dưới trong tư thế xoay ngang, miệng há rộng với răng nanh nhọn hướng thẳng lên trên và đôi ngà lớn cong hướng về phía trước. Từ hình tượng cơ bản này mà Makara được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau như: Lion - Makara (Hai hiện vật có kích thước lớn ở gần cửa phía Đông - Đông nam của tháp Nam); đặc biệt Kala-Makara chất liệu đá được thể hiện chính diện ở đỉnh vòm hình lá đề cửa giả phía Nam tháp Nam và cửa giả phía Nam tháp Giữa trong tư thế mặt nhìn thẳng về phía trước hết sức lộng lẫy-có thể nói mô típ Kala-Makara của Ấn Độ đã được vận dụng tại đây cả về thể thức lẫn ý nghĩa; hoặc Kala-Makara cũng được sử dụng ở phần bẻ góc vuông trên kiến trúc tháp Dương Long với cách thể hiện miệng ngậm chặt lấy thân rắn toả về hai bên; Các Kala - Makara bằng đất nung là phần trang trí ở đoạn bẻ vuông góc của tháp; Ngoài ra còn có đề tài Makara phun ra chùm rắn Naga ở mảng trang trí trên vòm cửa hình lá đề được kết hợp cùng với các chủ đề điêu khắc khác nhau tạo thành một khối thống nhất rất đặc trưng; Makara phun ra chùm lá lửa thể hiện phần thân có vảy phủ kín trong tư thế uốn ngược lên trên bao lấy hình người đứng chắp tay với đôi cánh to dang rộng ở hai bên (Người chim Kinnari), những khối trang trí Makara-Kinnara này thường thể hiện trên hai mặt.
 Trở về với các tác phẩm điêu khắc thuộc chủ đề phong phú này tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn vì sao các nghệ nhân Chăm lại sử dụng mô típ Makara, Kala, ở nhiều tác phẩm có những chức năng đa dạng gắn kết với các tượng thờ và các tháp thờ thời kỳ Ấn giáo cũng như Phật giáo tại vương quốc Champa cổ. Hầu như ở các phòng trưng bày (mang tên địa danh sưu tầm được các tác phẩm) đều hiện diện một số loại hình về Makara bằng chất liệu đá cũng như bằng chất liệu đất nung.
Ví dụ: Thuỷ quái Makara ở dạng tượng tròn  gồm một cặp (ký hiệu 42.48 và 42.49) tại phòng Tháp Mẫm với những nét đặc tả dữ dội đang nằm trong tư thế chầu hầu, đầu ngẩng cao, tai dựng đứng, cặp mắt lồi tròn to, miệng há ra với hai hàm răng nhọn, hai chân trước giơ cao như muốn vồ muốn chộp kẻ thù, thân thể đẫy đà với sống lưng gai góc nổi dọc phía trên; Cổ của chúng được đeo vòng chuông lục lạc to trông thật bề thế, chắc chắn chúng được sử dụng ở vị trí canh giữ tháp thờ( tác phẩm này có niên đại thế kỷ XIII đã được  đưa về Bảo tàng  năm 1935) .
 Makara ở dạng Rồng : Một tác phẩm tên gọi Rồng (ký hiệu 42.50, niên đại thế kỷ XIII) cũng tại phòng Tháp Mẫm kích thước khá lớn được khắc chạm trong tư thế ngộ nghĩnh ít gặp ở nghệ thuật các nước ảnh hưởng tôn giáo Ấn Độ khác, con vật này được kết hợp các chi tiết của cả con rắn ở cái đuôi có chót nhọn, do đó ở mức độ như cách thức tiếp cận các dạng về Makara ở phần trên của bài viết thì chúng ta cũng có thể coi đó như một dạng biến thể của Makara mà Champa muốn thể hiện. Một tác phẩm nhỏ khá đẹp đã gây được ấn tượng mạnh cũng mang tên Rồng (ký hiệu 42.3, niên đại thế kỷ VII-VIII) tại phòng Trà Kiệu cũng là con vật pha trộn các chi tiết về vảy, hàm cá sấu, con vật đã được khắc tạc với cái đầu ngẩng hẳn lên trong tư thế bay bổng và hết sức bốc lửa cho dù nó chỉ có nửa thân trên thôi. Một cặp Rồng chỉ còn phần trước (ký hiệu 42.1 và 42.2 có niên đại thế kỷ VII-VIII) vốn tọa lạc ở hai bên lối chính diện vào Bảo tàng cũng nằm trong tư thế chầu hầu với cái cổ vươn cao, đầu ngẩng một con hướng về bên phải còn con kia hướng về bên trái với một  góc 45' trong dáng điệu mạnh mẽ, thân uốn mềm mại và xinh đẹp kết hợp với các chi tiết thể hiện thành công ở cái miệng ngắn há ra, mắt lồi, tai vểnh, lông mày xếch ngược như cái đầu sư tử, sừng như sừng hươu non, còn trên lưng có đường gai cột sống  nổi rõ, cả hai con rồng này đều được phát hiện tại Trà Kiệu và đưa về Bảo tàng năm 1918.
Makara ở dạng sư tử  hay dạng thân sư tử miệng cá sấu  được thể hiện nguyên con trên tổ hợp phù điêu là các Vật trang trí có tại phòng Bình Định( ký hiệu  42.2 và 42.3) và phòng Tháp Mẫm (ký hiệu 43.11)
Điều đáng chú ý hơn  dạng thức về Makara đã được các nghệ nhân Champa thể hiện hết sức  phong phú với  chủ đề về Đầu Makaracó thể quan sát được ở cả hai mặt hay chỉ ở một mặt, những cái đầu này chắc chắn được sử dụng làm vật trang trí các góc tháp thờ, hoặc thành bậc cấp, bởi vậy khi được đưa về Bảo tàng từ nhiều địa danh có di tích tháp Chăm nên tên gọi cho nó được dùng là  Đầu Makara, Vật trang trí, Trang trí kiến trúc, Thành bậc cấp.Với các tác phẩm mang tên Đầu Makara được thể hiện với nhiều cách thức: Có khi chỉ là cái đầu dẹp được khắc tạc kết hợp các chi tiết nổi trội của các con vật ở mắt lồi-mi xếch-lưỡi lè ra-miệng há rộng với hàm trên và dưới đầy răng nhọn- vòi cong ngược lên- cặp ngà to nhọn trông rất đáng sợ (ký hiệu ĐN167 và ĐN 168 tại phần sưu tập Bình Định- Tháp Mẫm; ký hiệu 31.5 bằng đất nung tại  phòng trưng bày Mỹ Sơn cũ; ký hiệu 31.3 tại phòng Quảng Nam); Có khi lại là đầu Makara phun ra các con vật như : đầu Makara phun ra chim thần Garruda đứng (ký hiệu 39.2 và 39.3 tại góc đầu hồi phía ngoài hai phòng trưng bày Tháp Mẫm và Mỹ Sơn (cũ); đầu Makara phun ra rắn Naga (ký hiệu 31.2 và 31.3 tại phòng Trà Kiệu); đầu Makara phun ra sư tử voi Gazasimha (ký hiệu BTĐN 26  tại phần sưu tập Bình Định); đầu Makara phun ra con dê (ký hiệu ĐN 149 trên Phần đài thờ tại sưu tập Trà Kiệu). Một số tác phẩm mang tên gọi Vật trang trí hoặc Trang trí kiến trúc, Thành bậc cấp được thể hiện đầu Makara phun ra vũ nữ múa, hay vũ nữ chắp tay rất duyên dáng (ký hiệu 824/Đ5, 825/Đ54 tại phần sưu tập Chiên Đàn), hoặc đầu Makara phun ra vũ nữ chắp tay cầm bông sen hết sức thành kính (ký hiệu ĐN 1240 tại phần sưu tập Trà Kiệu).
Makara ở dạng từng bộ mặt riêng lẻ thì được gọi với những tên khác nhau tuỳ theo ý nghĩa kết hợp chi tiết để ám chỉ về thời gian, về lẽ sinh -tử, về thiên văn học (mưa thiên đường, nhật thực - nguyệt thực, về nguồn nước sông biển và về hạn hán v.v.)  như: Rahu (ký hiệu 27.1, niên đại thế kỷ VII-VIII tại phòng Trà Kiệu) với cách  thể hiện là một cái đầu lớn được kiểu thức hoá gần như đầu sư tử song không đầy đủ  vì thiếu mất phần lông trên đầu, hai tai và hai má hai bên, mắt lồi, lông mày dài có cụm lông trán, mũi phồng lớn, miệng há có chìa ra răng nanh nhọn, từ trong miệng Rahu ngậm một dải hoa dây buông xuống được chạm trổ chi tiết tượng trưng cho thứ nước bất tử mà Rahu chưa kịp nuốt hết; Sư tử Makara (ký hiệu 27.2, niên đại thế kỷ VII-VIII tại phòng trưng bày Trà Kiệu) biểu hiện cũng với một cái đầu sư tử có hai mắt lồi có sừng, miệng há răng nhe có nanh dài, từ miệng sư tử phun ra hai cái đầu Makara hai bên-Makara có vòi như vòi voi và từ miệng Makara phun ra chiến binh cầm vũ khí, đồng thời cũng chính từ miệng sư tử lại buông xuống một dải hoa dây-Sự khắc chạm tổng hợp nhiều hình ảnh như thế trong cùng một tác phẩm chứng tỏ nghệ nhân Champa đã tiếp nhận và sáng tạo để cũng muốn chuyển tải nhiều ý nghĩa biểu trưng mà các tác phẩm nguyên gốc Ấn Độ đã từng thể hiện: trong Sư tử Makara này có chi tiết sư tử, có đầu Makara, có Cá sấu há miệng chờ đợi trong dòng sông Varuna để nuốt những người đàn ông xác thịt mà nó thèm khát, có dòng nước bất tử chảy xuống như cơn mưa thiên đường khơi dậy sự sống. Rahu hay Sư tử Makara nói trên là những tác phẩm được sử dụng trên mi cửa của tháp thờ thời kỳ Ấn giáo tại Champa.
Mặt Kala (một biến thể  của mặt Makara) với ý nghĩa bộ mặt đen, thần thời gian, thần chết, ẩn chứa quyền lực của Varuna, của Siva, được biết dưới cái tên các tác phẩm Mặt Kala, Vật trang trí, Kala-Makara có tại Bảo tàng điêu khắc Chăm khá nhiều với chất liệu bằng đá và bằng đất nung; các tác phẩm dạng này được sử dụng chủ yếu ở các vị trí trên vòm của chính hoặc cửa giả của các tháp thờ, ở các góc của các tầng tháp, trên các mặt của đế tượng thờ, trên các phần đài thờ, trên các dải trang trí tại đế tháp. Ví dụ Mặt Kala đơn lẻ băng đất nung (ký hiệu 42.24 tại phòng Mỹ Sơn cũ ,và ký hiệu 42.61 tại phòng Quảng Nam) tuy có kích thước nhỏ nhưng những nét đặc tả về tính hung dữ lại được thể hiện khá sinh động; Mặt Kala  bằng đá (ký hiệu 42.59 tại phòng Bình Định) lại có khí chất nhẹ nhàng hơn nhưng sự biểu cảm vẫn lộ rõ ràng - mang ý nghĩa khắc nghiệt và cảnh báo của thời gian đối với cuộc sống của mọi loài. Mặt Kala có trong tổ hợp các tác phẩm có tên là Vật trang trí thường được khắc tạc liên hoàn với những chủ đề dây hoa, dây xoắn ốc, dây sóng nước trong các vòng tròn và các hình con Makara đứng khá ngộ nghĩnh (ký hiệu 42.2 và 42.3 tại phòng Bình Định, ký hiệu 43.10, 43.7 và 43.11  tại phòng Tháp Mẫm)  hoặc xuất hiện cân đối hai bên con sư tử (ký hiệu 43.1 tại phòng Trà Kiệu) mặt Kala trong các tác phẩm Vật trang trí thường được thể hiện rất đặc trưng ở chỗ: bên cạnh bộ mặt hung tợn bộc lộ qua mắt -mũi-tai - sừng- miệng và hàm răng trên nhe ra hết cỡ, thì sự xuất hiện hai cánh tay khuỳnh hai bên má và hai bàn tay nắm chặt hai dải dây (dòng nước cách điệu) chạy ra từ hai bên mép miệng của nó như không muốn cho dòng nước mưa (hay còn gọi là nước bất tử) đổ ra thêm ra nữa, hai dòng nước vẫn cứ tuôn trào và làm thành những vòng tròn ôm lấy các hoạ tiết hoa văn tượng trưng cho lá-hoa sinh sôi và sóng nước cuộn chảy. Hơn bao giờ hết, ở hình tượng Kala như vậy có điểm của riêng Champa, cái điểm riêng của sự trọng thị phồn thực, của sự sinh vượt lên trên nỗi khiếp sợ của sự chết rất mãnh liệt, cho dù vẫn biết rằng cái vòng luân hồi là thuộc về quy luật tự nhiên mà chính triết lý tôn giáo đã cố găng thể hiện bằng hình ảnh qua các tác phẩm điêu khắc gắn với các đền tháp thờ của cả Ấn giáo và Phật giáo.

Sự kết hợp giữa Kala và Makara tạo thành cái tên Kala-Makara hay còn gọi là "Bộ mặt Vinh quang" có trong nghệ thuật tôn giáo Ấn Độ cũng được vận dụng để thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc Chăm hiện có tại Bảo tàng điêu khắc Chăm ở dạng bức trán của (ký hiệu 27.24 tại phòng Tháp Mẫm), đây là tác phẩm có hình cung nhọn bên trong thể hiện một mặt Kala lớn nhìn thẳng ở chính giữa, phía trên và từ miệng Kala xuất phát ra mỗi bên ở dưới một mặt Makara nhìn nghiêng, mỗi miệng Makara lại có ngậm một tràng dây hoa lá phong phú, hai tay của Kala nắm lấy hai vòi hai bên của Makara); ở các phần đài thờ (Số ký hiệu ĐN 149 thế kỷ X-XI tại sưu tập Trà Kiệu), ở đây mặt Kala được bố trí chính giữa, hai sư tử đứng hai bên, quan sát bộ mặt Kala nổi bật cặp mắt lồi, phần mi mắt cong ngược lên chạm vào sừng, từ hai bên mắt mọc ra hai đầu Makara có vòi uốn cong lên trên, và từ hai cái miệng há ra của chúng phun ra hai con dê với đầu-sừng-chân khá rõ ràng, gốc mũi Kala gồ lên nhưng cánh mũi to bẹt, hàm trên với sáu răng và hai răng nanh cong sang hai bên mép khiến hàm của Kala bạnh ra; từ trên đầu Kala là một toà sen với hai tầng cánh hoa ngược chiều nhau, trên toà sen đó là dấu vết một bàn chân thần; hai bên mặt Kala được khắc chạm các đường kỷ hà giật cấp sắc sảo; Tuy chỉ là một phần đài thờ nhưng có thể nói tác phẩm này trở nên sinh động hơn bởi ý nghĩa biểu cảm của chính bộ mặt Kala-Makara; ở phù điêu trang trí chân tường tháp (ký hiệu 22.4 tại phòng Trà Kiệu) và ở trong những pano xung quanh đế tượng  các Deva  (ký hiệu 3.5 ,3.14 và BTĐN 13 tại phòng Đồng Dương), ở mặt trước của đế tượng các La Hán (ký hiệu 13.10 và 13.11 cũng tại phòng Đồng Dương). Tất cả các bộ mặt Kala - Makara ở đây với những nét đặc tả có tính cách điệu ở một số chi tiết biểu trưng và ở sự gán kết hình ảnh nhiều con vật xuất hiện ra từ chính cái miệng khủng khiếp của Kala - Makara.
Tóm lại, với một số lượng khá lớn các tác phẩm điêu khắc thuộc nhiều thể loại khác nhau liên quan đến kiến trúc đền tháp Ấn giáo và Phật giáo của Champa hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã từng đưa đến niềm cảm hứng cho biết bao khách tham quan trong và ngoài nước, trong số đó có loại hình khá nhiều 41 các tác phẩm mang chủ đề về Kala và Makara với những biến thái đa dạng của chúng. Nâng cao giá trị của các di sản quý giá đó nhằm bổ sung nhận thức và thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham quan nghiên cứu đến với Bảo tàng là mục đích của bài viết này. Do vậy, việc tìm hiểu về nguồn gốc, sự biến thể, sự kết hợp, ý nghĩa biểu trưng cao và chức năng của thể loại Kala, Makara không những giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn  tính triết lý của hai tôn giáo lớn mà Champa cổ đã ảnh hưởng về sự sinh sôi-tồn tại-phát triển - diệt vong của muôn loài, mà còn giúp chúng ta để tâm chiêm ngưỡng vẻ đẹp và những giá trị nghệ thuật đặc sắc của các tác phẩm đó, đồng thời hiểu hơn về các nghệ nhân Champa xưa khi họ đã vận dụng và sáng tạo phong phú hình tượng đó bằng chính tài năng điêu luyện của mình.
                                                                      
 Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Phân viện nghiên cứu Phật học- Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội    
2. Lê Diên -Từ điển Minh triết phương Đông, Nxb Phương Đông, 2006.
3. Cao Huy Đỉnh - Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, 2003.
4. Doãn Chính - Lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, nxb Chính trị Quốc gia, 1998.
5. Vũ Dương Ninh - Lịch sử Ấn Độ , Nxb Giáo dục 1995.
6.  Pháp sư Thánh Nghiêm Thích Tâm Trí (dịch)-Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông, 2008.
7. Lương Ninh - Vương quốc Champa, Nxb đại học Quốc gia Hà Nội,2006.
8. Ngô Văn Doanh - Văn hoá cổ Champa, Nxb Văn hoá Dân tộc, 2002.
9. Đặng hữu Toàn -Các nền văn hoá thế giới, Nxb Từ điển Bách khoa, 2005.
10. Hồ Xuân Tịnh - Di tích Chăm ở Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng 1998.
11. G.Maspero - Le Royaume de Champa (Vương quốc Champa)- Tài liệu dịch của Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.
12. G.Coedes - Lés Etats Hindouisé d'Indochine et d'Indonesie (Những nước Ấn Độ hoá ở Đông Dương và quần đảo Indonesie). Paris, 1948.
13. Diane Morgan - Triết học và tôn giáo Phương đông, Nxb Tôn giáo, 2006.
14. Calambur Sivaramamurti - Th Art of the India, Harry N.Abrams, Ins. Publishers, New York, 1997.
15. Nany Wilson Ross - Ba con đường minh triết Phương Đông, Nxb Văn hoá Thông tin, 2005.
16. Rhys Davids - Buddhist India, Susil Gupta, 1955.
17. Adrian Snodgrass - The Symbolism of the Stupa, Cornell University, Ithaca, New York, 1977.
18. Marilia Albanese - L'Inde Ancienne, Editions Grund-60 rue Mazarine - 75006- Paris.
19. P. Thomas - Epics, Myths and legends of India, Taraporevala-Bombay.
20.C.Scott Littleton - Trí tuệ Phương Đông, Nxb Văn hoá Thông tin, 2002.
21. Philip Rawson - The Art of Southeast Asia, 500 Fifth Avenue, New York, New York 10110.
22. Wendy Doniger Oflaherty - Thần thoại Ấn Độ, Nxb Mỹ thuật, 2005.
23. J.Boisselier - La statuaire du Champa. Recherches sur les cultes et L'iconographie. Public. E.F.E.O LIV, Paris, 1963.
24. Theodore M.Ludwing - Những con đương tâm linh Phương Đông, Nxb Văn hoá Thông tin , 2000.
25. AFAO- EFEO - Le Musee de sculpture Cam de Đà Nẵng, Edition de L'AFAO, Paris 1997, 19.Avenue d'Lena - 75116 Paris.
  • Bài và ảnh: Phan Thị Thu Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét