Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Nét độc đáo của những linga – yoni tại khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam)

 Nét độc đáo của những linga – yoni tại khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam)
Được xem như là cội nguồn của sự sáng tạo và không thể thiếu trong mỗi đền tháp Champa, Linga – Yoni (sinh thực khí của nam, nữ) là biểu tượng sống động thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm xưa nhằm cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở sung túc.

Trải qua gần 7 thế kỷ hình thành, phát triển (cuối tk 7- đầu tk 14) với nhiều biến động, đến nay số lượng các linga – yoni tại khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) còn lại không nhiều nhưng vẫn phản ánh đầy đủ và sinh động nhất các kiểu dáng và quan niệm thẩm mỹ của người Chăm xưa về loại hình tín ngưỡng độc đáo này.
Muôn hình kiểu dáng Linga…
Thường trong mỗi đền tháp chính của người Chăm xưa đều thờ bộ ngẫu tượng linga – yoni, tuỳ từng giai đoạn lịch sử, quan niệm thẩm mỹ mà các linga có sự khác nhau về kiểu dáng, kích thước và chất liệu. Phần lớn linga được làm từ chất liệu sa thạch, một số ít được làm bằng kim loại quý (vàng, bạc) hoặc bằng đất nung hay đá granit … Về hình dáng, có linga theo kiểu dáng một tầng, hai tầng, ba tầng, kích thước có thể cao từ 20cm - 200cm hay chỉ 4-5 cm; có loại là một nhóm 7 linga nằm trên bệ đá hoặc 5 linga trên một bệ yoni; có linga mép đỉnh chạm búi tóc, có linga chạm mặt người (Mukhalinga), hay được thờ cúng dưới dạng một vị thần trên bệ yoni…. Nhìn chung, các linga hiện còn chủ yếu được chế tác theo 3 nhóm chính là linga có kiểu dáng một tầng, 2 tầng hoặc 3 tầng và chất liệu chính là sa thạch.
Khu di tích Mỹ Sơn do trải qua nhiều biến động (chiến tranh, sự tàn phá của con người, thiên nhiên) nên số lượng linga còn lại rất ít so với quy mô các đền tháp ban đầu. Theo thống kê, nơi đây hiện còn khoảng 13 linga gồm 8 linga rời, 04 linga gắn liền với yoni và 01 linga đôi nằm trên bệ.
Tương đối nguyên vẹn nhất có thể kể đến nhóm linga được chế tác theo môtíp 3 phần với chân đế hình vuông, giữa hình bát giác và đỉnh hình tròn tượng trưng cho 3 vị thần chủ đạo trong tín ngưỡng Bàlamôn giáo (tam vị nhất thể - 3 vị thần cùng tồn tại trong một thể thống nhất) là Brama (thần sáng tạo), Visnu (thần bảo tồn) và Siva (thần hủy diệt). Những linga này thường có hình dáng to lớn, các phần được điêu khắc tương đối cân xứng, trên mép đỉnh linga được chạm trổ hình búi tóc, hình mặt người (mukhalinga) hoặc một đường gờ mỏng vắt lên đỉnh có công dụng như một mắc khoá gắn bao kosa (một loại mũ bọc linga bằng vàng hoặc bạc). Tại di tích Mỹ Sơn hiện còn 04 linga thuộc loại này và nằm ở 3 nhóm tháp là E (E7- 01linga), F (F1-02 linga), A (01 linga), ngoài ra có thể bắt gặp các linga thuộc nhóm này tại các tháp như Chiên Đàn (Phú Ninh), khu phế tích An Phú (Phú Ninh) Chùa Vua, Duy Xuyên (đang được trưng bày tại bảo tàng Duy Xuyên)….
Nhóm thứ hai là các liga có kích thước nhỏ được chế tác với chân đế có chốt gắn vào bệ yoni. Tuy nhiên, tuỳ từng giai đoạn mà các linga có sự khác nhau trong điêu khắc chân đế cũng như các đường gờ dọc bên đỉnh (dùng gắn bao kosa). Thông thường loại linga này có 3 kiểu điêu khắc chân đế chính là điêu khắc đường viền tròn nhỏ chạy quanh sát chân đế linga, điêu khắc hình một đường gờ giật cấp mỏng lẹm vào thân hình bát giác và điêu khắc hình hoa văn xoắn lá chạy quanh chân đế (tháp Thủ Thiện, Bình Định). Hiện tại di tích Mỹ Sơn còn 03 linga thuộc nhóm này và nằm ở các khu tháp gồm: A (01 linga), B (B1-01 linga), D (D2-01 linga). Có thể gặp môtíp này tại các tháp Bình Lâm (tỉnh Bình Định), Chánh Lộ (tỉnh Quảng Ngãi), Bằng An (huyện Điện Bàn, Quảng Nam).
Cuối cùng là nhóm linga tròn gắn liền với yoni, loại này được điêu khắc đơn giản nhất và thường được thờ trong các đền tháp phụ, thỉnh thoảng cũng có thể bắt gặp nhóm linga này ở dạng rời với yoni và đựơc thờ trong các đền tháp chính như Phú Hài, Bình Thuận hoặc tháp hoả Ponagar, Nha Trang. Tại khu di tích Mỹ Sơn hiện còn 04 linga loại này ở 2 nhóm tháp C (01 linga), D (D2-02 linga) và Nhà trưng bày Mỹ Sơn (01 linga).
Ngoài 3 nhóm linga trên, tại Mỹ Sơn cũng xuất hiện nhóm linga được thờ dưới dạng một vị thần ngồi trên bệ yoni hoặc nhóm nhiều linga nằm trên bệ thờ, nhưng số này còn lại không nhiều.
Linga -yoni liền khối tại Nhà trưng bày Mỹ Sơn
…và những Yoni
Cũng giống như linga, tùy quan niệm thẩm mỹ từng giai đoạn lịch sử và mỗi vùng mà yoni có nhiều kiểu dáng khác nhau. Nhưng nhìn chung 2 môtíp chủ đạo là yoni bệ vuông và yoni bệ tròn vẫn chiếm số lượng lớn, thỉnh thoảng xuất hiện môtip yoni bệ hình chữ nhật với 2 lỗ mộng vuông nhưng số này không nhiều. Sự khác nhau giữa các yoni thể hiện chủ yếu ở kiểu dáng, kích thước, kỹ thuật điêu khắc lòng và vòi.
Có 2 loại bệ yoni chính là yoni hình tròn lòng bệ tròn hoặc hình bát giác và yoni hình vuông vòi vuông hoặc vòi hình nửa bầu dục… Tại khu di tích Mỹ Sơn hiện còn khoảng 18 yoni thuộc 2 loại này (14 yoni bệ vuông, 4 yoni bệ tròn) Nếu như ở nhóm yoni bệ tròn có số lượng hạn chế và được điêu khắc đơn giản thì nhóm yoni bệ vuông được tạo dáng đa dạng hơn, có loại rất lớn thớt dày, lỗ mộng nhỏ (yoni tại các tháp A1, B1, G); loại thớt mỏng lỗ mộng lớn (khu E, F, thường đi liền với linga 2 tầng hoặc 3 tầng). Ngoài ra, còn có các yoni gắn liền với linga, loại này được điêu khắc đơn giản và kích thước cũng tương đối nhỏ.
Trong số 14 yoni bệ vuông hiện còn thì hầu hết đều bị hư hại và nằm rời khỏi các bệ thờ, nổi bật trog đó là yoni tại lòng tháp A1 có kích thước to lớn nhất (dày 30cm x rộng 170cm). Yoni được đặt trên một bệ thờ cao có chân đế rộng điêu khắc hình 12 tu sĩ đứng trong ô khám nhỏ trông rất sinh động. Ngoài ra, tại khu tháp G cũng xuất hiện một yoni rất lạ với bệ được tạo hình nửa bầu dục mà theo bản vẽ của H. Parmentier (đầu thế kỷ 20) thì bên trên yoni là tượng một vị thần ngồi dưới tán rắn Naga 5 đầu.
Thông thường khi tìm hiểu về ngẫu tượng thờ cúng trong các đền tháp Chăm không thể tách các linga-yoni ra khỏi bệ thờ, tuy nhiên do đặc điểm của khu di tích Mỹ Sơn trong khoảng thời gian dài chịu nhiều biến động, nên ngày nay rất khó xác định chính xác vật thờ nào gắn với bệ thờ nào. Ngoài bệ thờ tại tháp A1 là còn tương đối nguyên vẹn, các bệ thờ khác chỉ là những thớt đá rời rạc vương vãi khắp nơi (E7) hay chỉ còn lại duy nhất bệ thờ (B4, C6…), hoặc có linga nhưng không còn yoni và ngược lại.
Ông Huỳnh Tấn Lập, Phó Ban quản lý di tích và Du lịch Mỹ Sơn cho rằng, việc sắp xếp, phân loại các linga –yoni là điều rất khó vì chúng ta không thể xác định chính xác vị trí của từng ngẫu tượng được. “Để làm được điều này cần phải có một đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể, nếu không tốt nhất nên giữ nguyên hiện trạng của chúng", ông Lập nói. Cũng theo ông Lập thì vừa qua Ban quản lý di tích và Du lịch Mỹ Sơn cũng đã đề nghị trường đại học Milan (Italia) lập dự án nghiên cứu nâng cấp Nhà trưng bày Mỹ Sơn nhằm bố trí sắp xếp lại các hiện vật của di tích để sớm triển khai trong năm 2012. “Sau khi nâng cấp, ngoài gian trưng bày hiện vật khai quật tại nhóm tháp G sẽ có gian trưng bày các hiện vật Mỹ Sơn, lúc đó chúng tôi sẽ chọn lọc những hiện vật tiêu biểu kể cả linga-yoni để trưng bày tại đây nhằm phục vụ việc nghiên cứu tham quan ”, ông Lập cho biết./.
Theo ĐCSVN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét