Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Nghệ thuật Chăm ở Đà Nẵng

Nghệ thuật Chăm ở Đà Nẵng
Trần Kỳ Phương


Tác phẩm sớm nhất tìm thấy tại Quảng Nam – Đà Nẵng là một tượng Phật bằng đồng tuyệt đẹp phát hiện ở Đồng Dương , cao 108cm ( BTTPHCM ) thuộc trường phái Amaravati, một trường phái nghệ thuật ở miền Nam Ấn Độ, có niên đại khoảng thế kỷ III- IV C .B. Tác phẩm này có thể là sản phẩm được chế tác tại bản địa theo hình mẫu Ấn Độ chứ chưa hẳn được chuyên chở từ Ấn Độ sang.

      Tượng Phật đứng trong tư thế hai tay đưa về trước, những ngón cái và ngón trỏ cong vào. Mái tóc xoắn ốc, hàng lông mày giao nhau, giữa trán có Urna ( Huệ nhãn ). Khuôn mặt tròn đầy, dịu dàng. Đức Phật khoác một chiếc áo cà sa ( Uttarasamga ) để hở vai phải, với những nếp xếp mềm mại. Những tượng Phật bằng đồng thuộc trường phái Amaravati đều thống nhất về tư thế và y phục. Pho tượng tìm thấy tại Chămpa là tượng nguyên vẹn và được đánh giá là đẹp nhất so với những tượng Phật cùng thời tìm thấy ở Đông Nam Á.

      Tượng Phật Đồng Dương đã cho biết sự hoạt động rất sớm của Phật giáo ở vùng này, có thể cùng lúc với Ấn Độ giáo , mặc dầu sau đó nó không giành được ưu thế như đạo Siva.

      Đến  cuối thế kỷ IV C. N., chúng ta có một bằng chứng xác đáng hơn về nghệ thuật Chăm. Đó là một bi ký phát hiện tại thánh đô Mỹ Sơn cho biết vua Bhadravarman đã xây tại đây một thánh đường thờ thần Bhadresvara- vị vua- thần bảo vệ vương quyền, được thờ dưới hình thức một bộ Linga, đây là Linga sớm nhất phát hiện được ở miền Đông Nam Á.

      Để tìm hiểu nghệ thuật Chăm tại Quảng Nam – Đà Nẵng, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những di tích chính, để thấy những nét đặc thù và mối quan hệ của chúng.


TRÀ KIỆU

      
Di tích cách Đà Nẵng khoảng 40km về phía Nam. Đây là kinh đô cổ nhất của vương quốc Chămpa với tên gọi ban đầu là Simhapura ( Thành phố Sư tử) được phát triển dưới triều vua Bhadravar-man, người đã chọn Mỹ Sơn làm thánh đô. Sử Trung Hoa gọi ông là Phạm Hồ Đạt hoặc Phạm Phật trị vì vào cuối thế kỷ IV C.N..
     Từ xưa, Trà Kiệu đã được nhắc đến trong sách Thuỷ kinh chú, những chi tiết khảo tả trong sách này được chứng minh bởi cuộc khai quật quy mô do Trường Nghiên cứu Viễn Đông Pháp ( Ecole Francaise d’Extrême Orient ) tổ chức vào những năm 1927- 1928, dưới sự điều khiển  của J.Y.Claeys.

      Những tác phẩm tìm thấy tại Trà Kiệu chiếm một vị trí quan trọng trong tiến hoá của nghệ thuật Chăm, hầu hết là những kiệt tác. Tại Trà Kiệu ngày nay không còn một kiến trúc nào, tất cả đã bị tàn phá từ trước thế kỷ XIX, cuộc khai quật của J.Y.Claeys đã mang lại cho chúng ta một ít kiến thức về những kiến trúc của nó. Ngoài một dãy thành chạy theo hình chữ nhật bằng gạch có chiều dài từ 1800-2.500 mét, dày khoảng 4 mét, mà nhân dân thường gọi là Hoàng Thành, J.Y.Claeys chỉ tìm thấy nền móng của hai ngôi đền.

      Ngôi đền chính là một kiến trúc lớn, mỗi cạnh chân tháp ( sousbassement ) khoảng 10 mét, được tạo bởi những đường gờ dật vào như đài sen, trên đường gờ chính trang trí những vòm cuốn nhỏ độc đáo của nghệ thuật Chăm và những con sư tử bằng đá. Xét về hình dáng, bố cục và kích thước của chân tháp, ngôi đền chính của Trà Kiệu rất giống ngôi đền Mỹ Sơn A1 cao 24 mét tại thánh đô Mỹ Sơn, ngôi đền của Trà Kiệu cũng có chiều cao tương tự và có niên đại khoảng cuối thế kỷ X.

      Ngôi đền phụ có kích thước nhỏ hơn nhiều, nằm ở góc phía Bắc ngôi đền chính.  Nếu những kiến trúc của Trà Kiệu bị tàn phá nặng nề,thì ngược lại, những tác phẩm điêu khắc ở đây tìm được với số lượng khá lớn, trải dài qua nhiều niên đại và phong cách khác nhau từ thế kỷ VII- XII, dựng lại được chiều kích đồ sộ của kinh đô này. Tất cả đều may mắn bảo quản tốt tại Bảo tàng Điêu Khắc Chăm- Đà Nẵng.

      Trong tiến hoá của điêu khắc Chăm, những tác phẩm chính của Trà Kiệu nằm trong hai phong cách Trà Kiệu sớm và Trà Kiệu muộn.

Phong cách Trà Kiệu sớm ( nửa sau thế kỷ VII C.N.) :

      
Những tác phẩm thuộc phong cách này,tìm thấy tại Trà Kiệu, là những tác phẩm bằng sa thạch sớm nhất còn bảo quản được của nghệ thuật Chăm. Trước giai đoạn này, có lẽ, kiến trúc và điêu khắc Chăm thể hiện bằng gỗ ( như ngôi đền Bhadresvara ở Mỹ Sơn cuối thế kỷ IV C.N. ) nên đã bị hư hỏng không để lại vết tích gì. Phong cách Trà Kiệu sớm hình thành từ một đài thờ tìm thấy tại Trà Kiệu. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu xếp đài thờ này vào thế kỷ X C.N., nhưng gần đây, qua đọc lại nội dung của những cảnh chạm trên đài thờ là thuộc trường ca Ramayana, chúng tôi so sánh nó với bi ký thờ đạo sư Valmiki ( tác giả trường ca Ramayana ) của vua Prakasad-harma, dựng tại Trà Kiệu năm 658, nên cho rằng đài thờ này có niên đại vào nửa sau thế kỷ VII C.N.

       Đài thờ Trà Kiệu hình vuông mỗi cạnh 188cm, trên thờ một bộ Linga-Yoni hình tròn. Bố cục của bàn thờ biểu hiện quan niệm tín ngưỡng của người Chăm. Hình tròn biểu hiện cho trời,hình vuông biểu tượng cho đất.Trong quan niệm phương Đông, gắn liền với những nền văn minh nông nghiệp, thì “ Thờ thần đất là thần thánh hoá năng lực sinh sôi của đất ’’. Bốn cảnh chạm trên đài thờ kể chuyện Ramayana với chủ đề “ Lễ cưới công chúa Sita ”. Câu chuyện được diễn tả sinh động qua các cảnh sau :

     Cảnh A : Gồm 16 nhân vật, tả hoàng tử Rama và em là Laksmana được đạo sĩ Vissw-amitra dẫn đến thành Vidêha, xin thử cây cung của thần Bão tố Rudra để cầu hôn công chúa Sita. Cây cung được khiêng đến bởi năm người đàn ông lực lưỡng ( trong chuyện kể rằng muốn di chuyển cây cung phải dùng năm ngàn người kéo nó trên một chiếc xe bánh sắt ). Hoàng tử Rama kéo gãy cây cung trước sự kinh ngạc của vua Janak và giành được công chúa Sita.

     Cảnh B : Gồm 16 nhân vật, tả những sứ thần do vua Janak cử đến gặp vua Dasaratha , cha của hoàng tử Rama, tại thành Ayôhya  để dâng lễ vật, báo cho ngài biết chiến công diệu kỳ của hoàng tử Rama và mời ngài đến thành Vidêha để dự lễ cưới của con trai mình.

     Cảnh C : Gồm 18 nhân vật, tả ngày chuẩn bị và lễ cưới của bốn anh em ông hoàng Rama với công chúa Sita và ba người em gái họ của nàng. Lễ cưới được cử hành dưới sự chủ lễ của một đạo sư ( sai ). Vua Janak dặn dò, trao công chúa Sita cho hoàng tử Rama và ba người cháu gái của mình cho ba người em trai của Rama.

      Cảnh D : Gồm 11 Apsara nhảy múa, tung hoa chúc mừng các đôi tân hôn theo sự hướng dẫn của hai Gandharva ở đầu cảnh A, tạo thành một bức chạm liên hoàn.

      Những cảnh chạm trên đài thờ Trà Kiệu được đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật Chăm với bố cục gọn gàng, khối hình tươi mát, tự nhiên, các nghệ sĩ Chăm đã diễn tả rất đạt chủ đề thần thoại phổ biến ở Đông Nam Á bằng một bút pháp sinh động, phóng khoáng của những bàn tay thiên tài.Mặc dầu nằm trong thời vẫn còn tiếp nhận những đợt ảnh hưởng cuối cùng của nghệ thuật Ấn Độ ở vùng này, nhưng những tác phẩm thể hiện trên đài thờ đã bộc lộ những tìm tòi, độc sáng của nghệ sĩ Chăm trong bố cục hình khối, động thái ,vẻ mặt của từng nhân vật, để nhiều thế kỷ sau vẫn được tiếp tục kế thừa và phát huy trong một truyền thống riêng, tạo thành cá tính thẩm mỹ của dân tộc.

      Cùng với Đài thờ Trà Kiệu là một cặp tượng tròn nổi tiếng thường gọi là cặp tượng Siva Trà Kiệu ( BTĐKC-ĐN ). Cặp tượng đã bị gãy mất phần dưới và đôi tay, chỉ còn nửa trên. Thần Siva đội một loại mũ riêng biệt, được búi cao lên bằng những lọn tóc dày, phía trên trán có gắn thêm những đoá hoa. Đây là loại mũ Jata- Mukuta độc đáo của nghệ thuật Chăm. Thần có râu mép mỏng hơi cong lên, mắt lồi, mũi to, môi dày, vai dầy ngang, ngực nỡ vạm vỡ. Thần được tả bằng những khối căng tròn no chắc ít thấy trong điêu khắc Chăm, bước đầu bộc lộ được “ chất ” Chăm trong vẻ đẹp man sơ mạnh mẽ.

      Ngoài tài năng diễn tả hình người, nghệ sĩ Chăm thời này còn bộc lộ tài hoa của mình trên những tượng động vật, đưa nghệ thuật tạc tượng động vật Chăm lên hàng đầu các nền nghệ thuật Đông Nam Á. Trong phong cách Trà Kiệu sớm, những con vật quen thuộc trong Ấn Độ giáo đều được thể hiện, đặc biệt là những hình voi, sư tử , bò thần Nandin, chim thần Garuda v.v...

      Nghệ thuật tạc tượng động vật của phong cách Trà Kiệu sớm là một dấu ấn độc đáo của điêu khắc Chăm, được kế thừa và bảo lưu trong suốt quá trình tiến hoá của nền nghệ thuật này qua nhiều thế kỷ.

      Những ảnh hưởng của các bậc thầy Ấn Độ và truyền thống Chăm được dung hoà nhuần nhuyễn hài hoà trên các tác phẩm ở kinh đô, đưa phong cách Trà Kiệu sớm trở thành phong cách cổ điển của nghệ thuật Chăm, giữ một vai trò quan trọng trên bước đường phát triển của nền nghệ thuật này trong những thời kế tiếp.

Phong cách Trà Kiệu muộn ( Cuối thế kỷ X C.N. )

      
Thế kỷ X trong nghệ thuật Chăm là thời kỳ phục hưng của Ấn Độ giáo, nở rộ những kiệt tác về kiến trúc và điêu khắc, sau thời kỳ đạo Phật chiếm ưu thế trong vương quyền Chăm từ cuối thế kỷ IX. Mặc dầu, đa số đền tháp được dựng tại thánh đô Mỹ Sơn, nhưng tại Trà Kiệu cũng xuất hiện nhiều tác phẩm quan trọng.

      Ngôi đền chính của Trà Kiệu được J.Y.Claeys khai quật nằm vào giai đoạn này cùng thời với kiệt tác kiến trúc Chăm là Mỹ Sơn A-1. Cũng như phong cách Trà Kiệu sớm, điêu khắc chiếm vai trò tối ưu để tìm hiểu phong cách Trà Kiệu muộn, phần lớn chúng là những bàn thờ và phù điêu chạm các vị thần hay tượng động vật trang trí kiến trúc.Tất cả đều là phù điêu hoặc tượng nữa tròn ( demi- rondebosse ).

       Nổi bật lên từ những tác phẩm thuộc giai đoạn này là một kiệt tác khá quen biết- Đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu; và cũng từ đài thờ này, phong cách Trà Kiệu muộn được hình thành. Đài thờ  Vũ nữ hiện đang trưng bày chỉ là 2/16 phần của một đài thờ nguyên vẹn. Nếu còn đầy đủ, đài thờ này có hình vuông, mỗi cạnh rộng khoảng 3 mét, cao khoảng 1m5. So sánh những điểm tương đồng giữa kiến trúc và điêu khắc, dựa trên bố cục hình đài sen cách điệu bởi những đường kỳ hà, đài thờ Vũ nữ Trà kiệu có lẽ thuộc bàn thờ lớn của thánh đường chính tại Trà Kiệu (đã khảo tả ở trên ). Trên đài thờ thể hiện những Apsara múa và những nhạc công sử dụng đàn Vina. Những Apsara đội một loại mũ bằng kim loại quý gọi là Kirita- Mukuta rất độc đáo, loại mũ này chỉ xuất hiện một giai đoạn ngắn và chỉ tìm thấy tại Quảng Nam. Đồ trang sức là những chuỗi hạt ngọc ( hay hạt mã não? ). Trang phục của họ là những sa-rông bằng sa rất mỏng, biết được nhờ túm thắt lưng sau hông. Những vũ nữ đứng múa trong tư thế lệch hông ( Tribhanga ) hai chân tréo lại. Cử điệu của đôi tay là một đặc trưng của động thái múa Chăm. Trong điệu múa này, những cánh tay của người múa thường cong ngược lại chỗ khuỷu tay hài hoà với đường cong của những đôi chân, tạo nên nhịp điệu điêu khắc. Đôi mắt không con ngươi hình “ khuy áo ’’ gợi cái nhìn xa vắng hoà với nụ cười dịu dàng trên đôi môi mọng, được điểm bằng  những  “ nét nhấn bậc thầy ” ở khoé môi, khiến cho khuôn mặt tươi động hẳn lên trong vẻ đẹp trữ tình, trong suốt.

      Với giá trị nghệ thuật cao vời, tượng Vũ nữ Trà Kiệu được nhiều nhà nghiên cứu xếp vào những kiệt tác điêu khắc thế giới.

      Bên cạnh đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu là những phù điêu ( Tympan ) và tượng thờ nữa-tròn có lẽ có liên hệ với ngôi đền chính. Bức phù điêu thứ nhất chạm thần Visnu cưỡi trên rắn Naga mười ba đầu. Trong điêu khắc Chăm, việc thể hiện rắn Naga có nhiều đầu như vậy là một ngoại lệ, thông thường chỉ có từ 5 đến 7 đầu. Thần Visnu trên bức chạm đội Kirita- Mukuta  cùng kiểu thức với Vũ nữ Trà Kiệu; và đeo nhiều trang sức xinh đẹp bằng những chuỗi hạt ngọc. Bốn tay của thần cầm những vật biểu tượng riêng, là một con ốc, một vòng mặt trời ( sakra ), một quả chuỳ và một viên ngọc.Mười ba đầu rắn Naga tạc hơi đơn điệu và thô cứng.Tất cả đều có râu mép, nhe nanh dữ tợn, đó là những đặc điểm bắt chước khuôn mặt sư tử cùng phong cách. Một bức phù điêu khác, chạm chim thần Garuda cỡi rắn Naga năm đầu ( BTTPHCM ) . Xét về bố cục và hình tượng học ( Iconographie ), qua nhiều điểm tương đồng với nhau, nên phù điêu Garuda này có liên quan chặt chẽ với phù điêu Visnu tả trên, có lẽ, cẩhi thuộc về một ngôi đền thuộc tín ngưỡng Visnu.

      Bức tượng nữa-tròn thể hiện nữ thần phú quý Laksmi ( hay Sri ) , vợ thần Visnu, là tượng thờ hiếm có thuộc đạo Visnu, tìm thấy ở Trà Kiệu vào thế kỷ X. Nữ thần Laksmi có kích thước khá lớn, cao 132cm, ngồi xếp bàn ( Paryankasana ) hai tay đặt lên hai đùi, cầm hai búp sen. Sau đầu là một hào quang trơn hình đuôi công. Nữ thần đội loại mũ như Vũ nữ Trà Kiệu và bận loại sarông bằng sa trơn mỏng. Khuôn mặt mang những đặc điểm của phong cách : mắt không con ngươi “ hình khuy áo ”, mũi thon nhỏ, môi mọng có “ nét nhấn ” ở khoé môi. Tượng Laksmi được tạc khá mập mạp, bề thế, vì đây là tượng thờ chính trong một ngôi đền.  Việc xuất hiện nhiều hình tượng thuộc Visnuite tại Trà Kiệu vào thế kỷ X, đã nói lên sự phục hồi tín ngưỡng Visnu tại kinh đô Chămpa, song song với việc phục hồi tôn giáo là sự bảo lưu truyền thống nghệ thuật địa phương. Những tác phẩm điêu khắc thuộc phong cách Trà Kiệu muộn bảo lưu nhiều đặc điểm của phong cách Trà Kiệu sớm như khuôn mặt với đôi mắt “ hình khuy áo ”, đồ trang sức, tư thế múa v. v...Bên cạnh tượng người là nhóm tượng động vật với những phù điêu chạm hươư- nai, sư tử, voi v.v... Những con sư tử trong phong cách Trà Kiệu muộn thường không có lông bờm, nhưng tư thế và khuôn mặt giống sư tử của phong cách Trà Kiệu sớm. Những con voi cũng với tư thế một chân trước nhếch lên, vòi cong về một phía, đầu ngoảnh ra nhưng thân hình cao thon hơn. Đặc biệt, hình hươư nai rất phổ biến, nó xuất hiện cùng với mô típ Makara- Hươư, hay cùng với voi và sư tử. Những mặt Makara- Kala cũng được sử dụng nhiều. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những ảnh hưởng của nghệ thuật Hindu- Giava vào nghệ thuật Chăm, qua những chuyến hành hương của quan thượng thư Yuvadeva trong triều đình Chăm-pa, khi ông sang Giava cầu đạo vào thế kỷ X.

      Giữa hai phong cách Trà Kiệu sớm và Trà Kiệu muộn, di chỉ Trà Kiệu còn cung cấp một bức phù điêu có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ VIII ( Phong cách An Mỹ ). Nó được tìm thấy trong cuộc khai quật của J.Y.Claeys. Bức phù điêu chạm một nam thần ( Yaksa ) ? ngồi bạnh hai chân, hai tay khuỳnh ra đặt ngang hông. Thần có mái tóc xoăn ốc, mắt to lồi, mũi thẳng, môi dày,vòng đeo tai là một vật hình tròn dẹp khá lớn.Tác phẩm chịu ảnh hưởng nghệ thuật Môn- Đva-ravati và kế thừa những đặc điểm của phong cách Trà Kiệu sớm. Nó thuộc về những tác phẩm độc đáo nhất của di chỉ  Trà Kiệu, bộc lộ một vẻ đẹp riêng biệt, nằm trong giai đoạn chuyển tiếp giữa những ảnh hưởng bên ngoài và sự khơi dậy những yếu tố thẩm mỹ truyền thống.

      Tác phẩm muộn nhất tìm thấy tại Trà Kiệu là tượng nữa-tròn có kích thước nhỏ khoảng 50 cm, thể hiện một vị nữ thần,có lẽ là thần Laksmi, ngồi hai tay cầm hai búp sen.Những đặc điểm về hình tượng học cho biết  nó thuộc thế kỷ XI-XII.Niên đại này phù hợp với thời gian tồn tại của kinh đô Trà Kiệu . Vì, vào đầu thế kỷ XI, sau năm 1.000, kinh đô Chăm không còn đóng ở vùng Quảng Nam- Đà Nẵng nữa, mà đã được vua Yeng- Sri Vigiava dời về thành Đồ Bàn, cách Trà Kiệu chừng 300km về phía Nam. Vai trò của kinh đô Simhapura chấm dứt vào khoảng thế kỷ này.
(Tạp chí Mỹ thuật số 4/1987)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét