Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI VẤN ÐỀ PHÁT TRIỂN ÐÔ THỊ TRONG CỘNG ÐỒNG DÂN TỘC CHĂM Ở VIỆT NAM


VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI VẤN ÐỀ PHÁT TRIỂN ÐÔ THỊ TRONG CỘNG ÐỒNG DÂN TỘC CHĂM Ở VIỆT NAM


Sakaya
Mở đầu
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó có người Chăm là một cộng đồng dân tộc thiểu số với số dân gần 150 ngàn người. Họ sinh sống ở nhiều địa phương khác nhau như Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh … Người Chăm thường định cư ở đồng bằng, làm nghề trồng lúa nước và một bộ phận nhỏ sinh sống ở đô thị và ven đô làm nghề buôn bán nhỏ. Ðây là một dân tộc đã có một quá trình phát triển lịch sử lâu đời, có một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng và đặc sắc. Hiện nay họ vẫn còn bảo lưu nhiều truyền thống và tập tục mang bản sắc văn hóa riêng.
Trong những năm gần đây, cùng với công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa(HÐH) đất nước, trong đó có quá trình CNH, HÐH nông thôn các dân tộc thiểu số do Ðảng ta đề ra đã góp phần làm biến đổi bộ mặt nông thôn của người Chăm. Trong quá trình biến đổi ấy, cùng với chiến lược phát triển chung của đất nước, thì việc đô thị hóa nông thôn của người Chăm diễn ra là điều tất yếu. Thế nhưng việc đô thị hóa nông thôn người Chăm ra sao ? Vai trò của văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian có tác dụng như thế nào để phát triển một đô thị bền vững, hài hòa với bản sắc người Chăm thì chưa ai đề cập đến. Ðây là chủ đề quan trọng không chỉ riêng cho những nhà quy hoạch đô thị, nhà chức trách, chính quyền địa phương mà cả những nhà nghiên cứu văn hóa. Vì vậy, bài viết này xin đề cập đến vấn đề vai trò văn hóa dân gian trong việc phát triển đô thị trong cộng đồng dân tộc Chăm ở Việt Nam, mà cụ thể là cộng đồng dân tộc Chăm sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và Ninh Thuận.
Vai trò văn hóa dân gian trong việc phát triển đô thị trong cộng đồng người Chăm
 Ngày nay trong quá trình CNH, HÐH, Ðảng ta có một chủ trương là “việc đô thị hóa gắn liền với phát triển kinh tế, thương mại ở nông thôn. Ngày 28/2/2001 Bộ Chính trị Ðảng CSVN đã ra chỉ thị 63-CT/TƯ về việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào việc HÐH, tạo cơ hội để đô thị hóa nông thôn. “Dự kiến đến 2002, cả nước sẽ có khoảng 2000 đô thị, trên 80 khu công nghiệp tập trung quy mô, đất đai xây dựng khoảng 46.000ha. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 45% với 46 triệu người sinh sống”(1). Kết quả của chính sách này có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị hóa của cộng đồng người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh và cho ra đời một số thị trấn mới ở vùng Chăm Ninh Thuận.
Thế nhưng khi nói đến vấn đề phát triển đô thị, người ta thường nhấn mạnh đến chỉ tiêu phát triển kinh tế mà ít chú trọng đến một bộ phận quan trọng, đó là văn hóa. Ðặc biệt, văn hóa dân gian là một bộ phận đặc thù của môi trường văn hóa – xã hội quyết định sự tồn tại và phát triển một đô thị hài hòa, bền vững. Ðối với người Chăm, vai trò văn hóa dân gian với việc phát triển đô thị lại càng quan trọng hơn. Bởi vì đây là một dân tộc đã có một nền văn hóa phát triển lâu đời, rực rỡ. Hiện nay mặc dù cuộc sống của họ bị tác động, biến đổi theo nếp sống mới nhưng họ vẫn còn bảo lưu được đậm nét loại hình văn hóa dân gian. Làng Chăm vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc làng xã cổ truyền; quan hệ cộng đồng, gia đình, huyết thống. Những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian như thơ ca, truyện cổ ; ca múa nhạc ; các loại hình đám cưới, đám tang, lễ hội; các hoạt động của làng nghề truyền thống (nghề dệt, nghề gốm) … vẫn còn diễn ra hàng năm. Ðây chính là đặc trưng văn hóa dễ nhận thấy ở dân tộc Chăm. Ðặc trưng văn hóa ấy đã hình thành nên lối sống, lối suy nghĩ, tình cảm, tâm lý, thị hiếu, thẩm mỹ của cộng đồng. Nó chính là nền tảng, là môi trường văn hóa – xã hội quan trọng không những để phát triển kinh tế mà còn kể cả trong việc phát triển một đô thị hài hòa, bền vững trong cộng đồng dân tộc Chăm ở Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử phát triển đô thị của các nước, chúng ta dễ dàng nhận ra mô hình đô thị gắn liền với văn hóa. Mặc dù đô thị hóa là khái niệm được diễn đạt trên nhiều bình diện: Dân số học, Kinh tế học, Xã hội học, Văn hóa học, Dân tộc học … Nhưng văn hóa được xem là thành tố quan trọng để phát triển một đô thị hài hòa, bền vững. Ðô thị hóa không chỉ xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị mà còn phải gắn liền với văn hóa. Do đó, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều xây dựng cho mình một lối kiến trúc đô thị mang phong cách riêng, phù hợp với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chúng ta dễ dàng nhận ra một phong cách kiến trúc với những đường nét đặc thù của thành phố Gôtich theo công giáo như một số nước Châu Âu như kiểu Kremlin, Venise, Babilon ; các thành phố nhà mái vòm, đường hẹp theo kiểu Hồi giáo ở một số nước như Ấn Ðộ, Mã Lai, Indonesia(2). Các thành phố kiểu Bắc Kinh, Seoul, Tokyo … đều có lối kiến trúc riêng. Một số đô thị ở nước ta như Hà Nội, Huế, Hội An … đều có mang dấu ấn văn hóa và phong cách riêng của Việt Nam.
Ðối với dân tộc Chăm – một dân tộc đã từng có một thời kỳ phát triển rực rỡ với những đô thị, cảng thị nổi tiếng trong quá khứ như : Thành phố Indrapura (Thành phố Hào quang), Thành phố Simhapura (Thành phố Sư Tử) ở Ðồng Dương – Trà Kiệu (Quảng Nam ngày nay) vào thế kỷ IX ; Ngoài ra người Chăm còn có một số cảng thị như cảng Hội An, Quy Nhơn, Phan Rang … một thời phát triển sầm uất(3). Trải qua quá trình biến đổi lịch sử thì thành phố, cảng thị của người Chăm đã biến mất. Ngày nay chỉ còn một số bộ phận nhỏ của người Chăm sinh sống ở đô thị như người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh.
Người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh hiện có số dân là 4.874 người(4). Họ sống tập trung thành 16 khu vực thuộc các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh như : khu vực Nancy thuộc phường Cầu Kho, Quận 1; khu vực cầu Công Lý thuộc phường 15 và phường 17, Quận Phú Nhuận; khu vực Hòa Hưng thuộc phường 12 và phường 13, Quận 10; khu vực Nam Long gần cầu Bình Tiên thuộc phường 7, Quận 6 ; khu vực Bình Ðông thuộc phường 19, Quận 8; khu vực Trương Minh Giảng thuộc phường 12 và phường 13, Quận 3; khu vực Tế Bần thuộc phường 1, phường 2, phường 5, Quận 8 ; khu vực Thị Nghè phường 17, Quận Bình Thạnh …
Cộng đồng người Chăm có mặt ở TP. Hồ Chí Minh trong những thời điểm khác nhau. Mặc dù sinh sống ở đô thị hiện đại; sống xa cách cộng đồng người Chăm gốc ở Ninh – Bình Thuận nhưng họ vẫn bảo lưu truyền thống văn hóa của tộc người. Họ vẫn sống quần tụ với những dãy nhà san sát bên nhau. Tình cảm cộng đồng, gia đình gắn bó một cách bền chặt. Người Chăm ở đây theo đạo Hồi giáo (Islam), thờ thánh Alla, đọc kinh Koran, cầu  nguyện một ngày 5 lần ; mỗi năm nhịn đói một tháng lễ Ramadan (tháng 9 Hồi lịch). Họ còn tuân thủ những giáo lý, giáo luật, những kiêng kỵ trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh dòng văn hóa tôn giáo ấy, người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh còn lưu giữ các loại thơ ca, truyện cổ, ca múa nhạc cổ truyền … Họ thường biểu diễn, giao lưu loại hình văn hoá dân gian này với các tộc người khác trong mỗi dịp lễ, hội. Dòng văn hóa ấy đã hòa chung vào văn hóa tôn giáo Islam tạo thành đặc trưng văn hóa riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa và con người của TP. Hồ Chí Minh.
Từ một đặc trưng văn hóa ấy, người Chăm TP. Hồ Chí Minh có lối sống mang sắc thái riêng. Sắc thái văn hóa ấy đã hình thành môi trường văn hóa – xã hội, là nền tảng để xây dựng và phát triển đô thị thích hợp với họ. Môi trường văn hóa – xã hội đó có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách con người, cộng đồng, hướng con người đến cái thiện. Chúng ta thấy, nhờ tính cố kết cộng đồng, sự khắt khe của giáo luật tôn giáo nên phần nào đã loại trừ được tệ nạn xã hội của đô thị vào cộng đồng người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh như xì ke, ma túy, mại dâm, cướp giựt … Nhờ có tính văn hóa truyền thống trong quan hệ tình cảm gia đình, cộng đồng nên họ luôn sống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau khi gặp khó khăn. Từ đó mà loại trừ được sự cạnh tranh khốc liệt về kinh tế, về lối sống đô thị ; ở họ không có sự giàu sang đối nghịch với kẻ nghèo đói. Ðó cũng là một mặt quan trọng, góp phần cân bằng và phát triển đô thị một cách hài hòa, bền vững. Hơn thế nữa văn hóa dân gian của người Chăm TP. Hồ Chí Minh còn có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục con người hiện đại phải có ý thức về cộng đồng, có lối sống nhân bản, tình cảm, tôn trọng, mọi người, không coi trọng đồng tiền, sống xa hoa, lãng phí, phô trương, bạo lực …
Mặc dù văn hóa dân gian người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh có những mặt tích cực như trên nhưng nó cũng có mặt hạn chế. Ở họ vẫn còn nhiều hàng rào vô hình  ngăn cách như : nếp sống, nếp nghĩ, tâm lý, những điều kiêng cử trong tôn giáo, trong sinh hoạt hằng ngày … Ðiều này đã dẫn đến khó khăn trong việc hội nhập, mở rộng, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội … Từ đó sẽ tạo một hố ngăn cách bất lợi trong việc hòa nhập và phát triển đô thị hiện đại, nếu chúng ta không biết phát huy mặt tích cực của nó. Tuy nhiên, ngày nay với đà phát triển chung của thành phố lớn, người Chăm ở đây cũng có biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội … Ðồng thời mặt trái của xã hội cũng đang xâm nhập vào cộng đồng người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh. Một số bộ phận trẻ từ bỏ lối sống, văn hóa cổ truyền dân tộc, chạy theo văn hóa ngoại lai, hưởng thụ vật chất tầm thường, coi đồng tiền hơn tình cảm gia đình, cộng đồng. Nếu cứ đà như thế, con người sẽ mất gốc, tha hóa.
Do vậy, lúc này hơn lúc nào hết, vai trò văn hóa dân gian rất quan trọng, nếu chúng ta biết giữ gìn, phát huy, kết hợp với văn hóa hiện đại. Làm được điều này sẽ tạo được môi trường văn hóa – xã hội tốt cho việc xây dựng và phát triển đô thị của người Chăm hài hòa, bền vững và có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm phong phú sắc thái đô thị TP. Hồ Chí Minh.
Khác với người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh, cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận đang đứng trước ngưỡng cửa đô thị hóa. Với số dân hơn 65 ngàn người, người Chăm ở Ninh Thuận sống tập trung ở 22 làng (palei) làm nghề lúa nước. Làng Chăm lại nằm rải rác ven theo hai bên quốc lộ I và xung quanh thị xã Phan Rang, thị trấn Phước Dân … Ðây là điều kiện thuận lợi cho việc đô thị hóa nông thôn người Chăm.
Hiện nay, làng (palei) Chăm vẫn còn nguyên vẹn cấu trúc của làng xã cổ truyền. Họ sống theo cộng đồng tôn giáo (Chăm Ahier và Căm Awal/Bani). Trong làng được tập hợp bởi nhiều tộc họ khác nhau. Loại hình tiểu gia đình và đại gia đình vẫn còn tồn tại. Cùng với cấu trúc xã hội truyền thống, làng Chăm còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian như các nghi lễ, hội hè; quan, hôn, tang, tế; những dòng dân ca, dân vũ, thơ ca, truyện kể vẫn còn diễn ra hàng năm. Làng Chăm còn gắn liền với di tích Ðền – Tháp – Thánh đường và còn 2 làng nghề thủ công truyền thống (nghề dệt và nghề gốm) …
Trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành quy hoạch đô thị hóa một số làng Chăm: Mỹ Nghiệp, Vĩnh Thuận (Bầu Trúc), Chung Mỹ thuộc xã Phước Dân, huyện Ninh Phước được quy hoạch thành thị trấn. Thế nhưng trong mô hình quy hoạch, những nhà quy hoạch đô thị không tính đến yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán mà họ thiết kế cho làng Chăm một kiểu đô thị hiện đại, bằng những dãy nhà bê tông, công viên, câu lạc bộ, sân quần vợt … Ðiều này có nghĩa là  khi thiết kế đô thị này thực hiện thì sẽ dẫn đến hậu quả là: cấu trúc xã hội truyền thống của làng (palei) Chăm bị phá vỡ, làm xáo trộn hệ thống gia đình và mất mát các quan hệ láng giềng cũ. Ðô thị hóa mà không chú trọng đến vai trò văn hóa. Còn làm cho người Chăm đột ngột thay đổi lối sống, thói quen để thích nghi với cái mới xa lạ trái văn hóa truyền thống. Từ đó làm cho người Chăm hụt hẫng về tinh thần, về lối sống, kìm hãm sự phát triển đi lên của xã hội Chăm.
Môi trường văn hóa truyền thống bị thay đổi còn kéo theo sự biến mất của dòng văn hóa dân gian. Nếp sống sinh hoạt văn hóa, xã hội, tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng Chăm sẽ bị phai mờ dần trước sự xâm nhập ồ ạt của dòng văn hóa mới ở đô thị. Những loại hình đám cưới, đám tang, lễ nghi tín ngưỡng không còn gắn liền với gia đình, với cộng đồng mà sẽ được thay thế bởi các dịch vụ hiện đại. Không gian lễ hội sẽ bị thu hẹp; hệ thống di tích Ðền – Tháp – Thánh đường của người Chăm sẽ bị che khuất bởi những ngôi nhà cao tầng, chọc trời của phố thị. Những làn điệu dân ca, dân vũ Chăm không còn thích hợp với mô hình đô thị hiện đại mà sẽ bị thay thế bởi những dòng nhạc ngoại lai như Disco, Rock, Chacha …
Nói chung, ngày nay việc đô thị hóa là xu thế tất yếu mà không có một ý muốn chủ quan nào có thể đảo ngược. Nhưng làm sao việc đô thị hóa phải phát triển được một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ðô thị hóa phải giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc. Ðặc biệt văn hóa dân gian của người Chăm ở Ninh Thuận là một bộ phận  quan trọng phải tính đến trong việc tạo ra một môi trường văn hóa – xã hội để phát triển một đô thị Chăm hài hòa và bền vững. Do đó việc đô thị hóa  một cách tràn lan, máy móc, không chú trọng đến vai trò văn hóa thì sẽ phá vỡ cảnh quan, thui dột bản sắc văn hóa dân tộc, dẫn đến sự đồng hóa nhất loạt như một số đô thị, thành phố của nước ta hiện nay.
Kết luận
Trong thời kỳ CNH, HÐH việc đô thị hóa ở Việt Nam nói chung, đối với người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh và một bộ phận Chăm ở Ninh Thuận nói riêng là một vấn đề mà chúng ta cần xem xét môït cách nghiêm túc.
Bài học về đô thị hóa của các nước cho thấy, hầu hết các quốc gia khi quy hoạch, phát triển đô thị, mặc dù họ đề cập ở nhiều bình diện khác nhau nhưng văn hóa được xem là quan trọng trong việc phát triển một đô thị hài hòa, bền vững. Một số quốc gia khi đô thị hóa do chỉ chạy theo chỉ tiêu phát triển kinh tế một cách mù quáng không phát huy được vai trò văn hóa. Cho nên dẫn đến hậu quả mà các nhà khoa học gọi là “cú sốc đô thị”. Hậu quả này được các nhà khoa học tổng kết như sau: “Dân số đô thị các nước phát triển gia tăng ; đồng tiền chiếm lĩnh các thành phố lớn; cạnh tranh kinh tế khốc liệt ; bạo lực, phạm pháp, đĩ điếm, ma túy gia tăng ; trung tâm các thành phố thường ngạt thở bởi giao thông và ô nhiễm môi trường. Từ vài  năm trở về đây đã nổi lên phong trào trùng tu các kiến trúc cổ, và dịch chuyển tuyến giao thông ra vùng ngoại vi. Con người khát khao, hăm hở quay trở về cội nguồn văn hóa dân tộc”(5).
Những hậu quả nêu trên là bài học quý giá cho chúng ta. Thiết nghĩ rằng, đối với người Chăm việc quy hoạch và phát triển đô thị mang bản sắc riêng phù hợp với đặc trưng văn hóa tộc người nằm trong sắc thái chung của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Mô hình phát triển đô thị, chúng ta có thể tham khảo mô hình đô thị ở các nước xung quanh chúng ta có nét gần gũi về văn hóa, địa lý, tộc người với người Chăm như Malaysia. Chúng ta thấy : “Thành phố Kuala Lumpur không có cảnh quán xá mất trật tự ở nơi công cộng hoặc ở ven đường, chính quyền thành phố rất chú trọng bảo tồn những ngôi nhà xưa, phố xưa. Các phố cổ, những ngôi nhà theo phong cách truyền thống của Orang Malayu bản địa, của người Indian (Ấn Ðộ) và người China (người Hoa). Những công trình lịch sử, tôn giáo và dân tộc Malaysia như Khu Tòa thị chính, dinh thự vua chúa, đền tháp … đều bảo tồn khá tốt. Kuala Lumpur là đô thị cũng đa dạng gắn với các đặc điểm của nhiều dân tộc khác nhau, từ nhiều nguồn gốc khác nhau như Anh, Bồ Ðào Nha, Nhật Bản … Những nét kiến trúc riêng này lại kết hợp hài hòa với bản sắc dân tộc bản địa (Kebudayaan Bumi putra) đã tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị Kuala Lumpur phong phú, vừa mang tính cổ truyền, vừa có nét hiện đại”(6).
Tóm lại: Muốn phát triển đô thị hiện đại thì không những chỉ chú trọng đến chỉ tiêu phát triển kinh tế, về CNH, HÐH mà phải gắn liền với văn hóa, đặc biệt là phải bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân gian để tạo thành một môi trường văn hóa – xã hội tốt. Từ đó mới phát triển được một đô thị hài hòa bền vững, gắn liền với sự tiến bộ xã hội, phát triển được toàn diện sắc thái riêng của từng cộng đồng, tộc người khác nhau một cách bình đẳng. Ðô thị hóa không chỉ là những chuỗi nhà dài –“một hành trình bê tông” vô tận và của cải vật chất thừa mứa mà đô thị hóa phải còn là biểu tượng của văn hóa, khoa học và trí tuệ./. 
Thủ Ðức, ngày 17/11/2001
Tài liệu trích dẫn
(1) Ngô Xuân Lộc, Phát triển đô thị phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước - Bộ Xây dựng, Báo Nhân dân ra ngày 19/9/1996.
(2) Mạc Ðường, “Những quan điểm tiếp cận Dân tộc học về vấn đề vượt nghèo trong quá trình đô thị hóa”,Tạp chí Dân tộc học, Số 4/2001, tr. 13
(3)Maspero, Le Royaume de Champa, Paris – 1921, tr. 21 (Bản dịch tiếng Việt của Lê Tư Lành)
(4) Số liệu thống kê tháng 7/1997 của Ban đại diện cộng đồng Islam tại TP. HCM
(5) Xem Khắc Thành (cùng nhóm tác giả), Bách khoa toàn thư về thế giới, NxbTrẻ – 1995, tr. 86 (Tư liệu này các tác giả dịch từ L’état du Monde, NXB La Découverte)
(6) Ghi theo tư liệu Phú Văn Hằn, Viên khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh
Sakaya
(Bài đăng trong sách Tô Ngọc Thanh (chủ biên), Văn hoá Dân gian với vấn đề phát triển Ðô thị Nxb Ðại Học Quốc gia, Hà Nội -2003 ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét