Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Những kiểu váy Champa cổ xưa


Những kiểu váy Champa cổ xưa 

(TT&VH) - Đài thờ Trà Kiệu là một Linga và Yoni lớn, gồm hai phần, phần trên là Linga – Yoni (Linga đã gãy, nay phục chế), phần dưới là bệ tròn tiếp giáp với Yoni phía trên và bệ vuông có chạm khắc bốn mặt hoạt cảnh theo trường ca Ramayana. 
1. Bốn hoạt cảnh đó là: Chàng Rama dự cuộc thi kén phò mã tại thành Mithira. Sứ thần báo tin chiến thắng cho vua cha của Rama. Đức vua Rakana và công chúa Sita cùng Rama làm lễ cưới. Tiên nữ Apsara và các vũ nữ múa hát chào mừng. 
Theo trường ca này, vua thành Mithira, cha của công chúa Sita tổ chức thi kén phò mã, với điều kiện, chàng nào giương nổi chiếc cung thần do 5.000 người khiêng đến. Hoàng tử Rama không chỉ giương cung mà còn kéo gãy cả cây cung, nên trở thành hôn phu của Sita. 
Các kiểu váy của phục trang vũ nữ chạm khắc trên đài thờ Trà Kiệu, thế kỷ 10, hiện
vật Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Hình vẽ trích trong "Sổ tay nghiên cứu Champa" của Phan Cẩm Thượng.
Những hoạt cảnh chạm khắc trên đài thờ nối liền nhau như một bố cục liên hoàn và mang tính tượng trưng, ví dụ có 5 người khiêng cây cung thay cho 5.000 người. Bốn hoạt cảnh với hàng trăm nhân vật nhưng được tạc tuy nhỏ, nhưng gần sát như sự thực đến mức kỹ lưỡng giúp qua đó có thể nghiên cứu được phục trang, lối sống của người Champa xưa kia, mặc dù điêu khắc luôn khó khăn hơn hội họa trong việc diễn tả các chi tiết thị giác nào đó. 
Theo các nhà nghiên cứu Pháp khi khai quật di tích Trà Kiệu cho rằng niên đại của đài thờ nằm trong khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ 10, cũng có vài ý kiến cho rằng đài thờ Trà Kiệu có thể có niên đại sớm hơn là thế kỷ 7. Đối với việc nghiên cứu đời sống vật chất của con người, 300 năm cũng có nhiều thay đổi đáng kể, dù xã hội xưa biến động rất chậm chạp.
2. Trong khi đó, các vũ nữ Trà Kiệu trên một bệ thờ khác, phục trang hoàn toàn bằng trang sức, nghĩa là họ khỏa thân và đeo trang sức vòng xuyến theo cho áo quần, một lối thời trang dành cho các vũ công triều đình theo dòng Ấn Độ Nam Á xưa. Vẻ đẹp cơ thể được bộc lộ vừa kín vừa hở nhất là khi múa hát, khi chuyển động đến từng cơ nhỏ trên cơ thể. Cổ, ngực, bụng, đùi… đều có thể được lắc làm rung lên các trang sức kết bởi vàng bạc và đá quý. Vừa hướng tới thần thánh vừa ham vọng đời sống trần tục hết cỡ luôn là hai mặt của các xã hội tiểu vương quốc trong vòng Ấn Độ hóa. 
Song lại có ý kiến cho rằng thực ra các vũ nữ này mặc một y phục bó sát bằng lụa trong, mà điêu khắc không thể hiện được nên có cảm giác họ chỉ đeo trang sức thay cho y phục.
Y phục của các vũ nữ trên đài thờ Trà Kiệu phức tạp hơn rất nhiều, ít ra có thể thấy đến ba loại khác nhau. Có cô chỉ mặc một chiếc quần ngắn trong cùng, như nội y của phụ nữ hiện nay, có cô mặc một loại quần lửng bó sát đùi, có cô mặc một loại váy trùm cả bàn chân – một loại sarong Nam Á thường thấy.
Ở thân trên, tất cả đều mình trần, đeo trang sức vòng quanh cổ rồi từ cổ đua xuống ôm lấy bộ ngực căng tròn, nhưng không che ngực chút nào, mà tôn nổi thêm lên. Mỗi vũ nữ có kiểu trang sức khác nhau, tùy theo sự phù hợp với khuôn mặt và bộ tóc và trang sức trên đầu, có lẽ người ta "thửa" riêng phục sức cho từng vũ nữ hoàng gia như vậy. 
Dù mặc nội y hay quần ngắn, tất cả có một khăn quấn lưng như thắt lưng lớn buông hai vạt ra phía sau và tỏa lên phía trước, như lối đóng khố của đàn ông. Người mặc váy, thì tấm váy được làm khá rộng, sau khi gập sát vào eo, nó chừa ra hai bên để cô gái đua hai phần gập lên phía trước, tạo thành hai vạt chéo từ bụng đưa ra phía sau, khiến váy có cảm tưởng nhiều lớp. 
3. Ta có thể khảo sát những loại váy sarong trên các tượng nữ thần khác. Nó được dệt khá cầu kỳ với nhiều hoa văn hình học – tam giác, hình vuông, hình thoi và hoa văn bốn cánh, kết hợp với nhau thành các dải hoa văn đi theo các diềm vải. Tấm vải mỏng trong suốt khiến các lớp hoa văn xô lệch và có thể trông thấy mờ nhạt tùy theo các lớp chồng chéo trên y phục lúc mặc. Những tấm vải sarong này cho thấy một kỹ thuật dệt có hoa văn rất cao và có lẽ nó được thửa riêng trong các xưởng thủ công của cung đình.
Với những tượng thần, tất nhiên, các nghệ nhân Champa luôn căn cứ vào các hình mẫu Ấn Độ, nhưng những chi tiết có tính đời sống như phục sức chắc chắn họ không thể bám mãi vào hình mẫu mà đối với họ cũng đã là rất cổ xưa, đã được biết đến từ ngàn năm trước. 
Những họa tiết hoa văn trên vải vóc, những trang sức đàn ông và đàn bà trên đầu tóc, trên tay và ngực từ lâu đã được công nghệ thủ công Champa sản xuất và mỗi pho tượng thần vừa là từ trên trời, vừa là cụ thể hóa từ các ông vua muốn mình dưới dáng vẻ thần linh.
(*) Tiếp theo kỳ 1 trên TT&VH số Chủ Nhật, 20/5
Phan Cẩm Thượng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét