Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Ðặt lại vấn đề về biên niên sử Champa

Ðặt lại vấn đề về biên niên sử Champa


po dharma 10
Pgs. Ts. Po Dharma

Thay lời của BBT Champaka.info: Gấn mấy tháng qua, có nhiểu độc giả viết thư yêu cầu Champaka.info giải thích thế nào là nội dung của tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao (Biên Niên Sử Champa) mà giới sinh viên Chăm  đang bàn luận hôm nay. Để trả lời cho độc giả, chúng tôi xin đăng bài viết của Pgs. Ts. Po Dharma, chuyên gia về lịch sử và nền văn minh Champa.




Pgs. Ts. Po Dharma
(Viện Viễn Ðông Pháp)



Sakkarai Dak Rai Patao là biên niên sử duy nhất viết bằng tiếng Akhar Thrah Chăm liên quan đến lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga, chứ không phải là biên niên sử của vua chúa liêng bang Champa đóng đô ở Vijaya. Tiếc rằng, những yếu tố cơ bản lịch sử trong tư liệu có giá trị này đã bị hiểu lầm và sửa đổi theo nhãn quan riêng tư của một số nhà nghiên cứu hay nhà viết lách trong nhiều bài viết đăng tải trên tập san và báo chí viết bằng tiếng Việt ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại gần 40 năm qua. Chỉ cần nhìn lai các bài viết sai lầm về Po Klaong Garai, Po Binnasuar và Po Saong Nhung Ceng, ba nhân vật được ghi trong biên niên sử này, chúng ta đã thấy rằng Sakkarai Dak Rai Patao đã bị thêu dệt tùy theo quan điểm của mỗi tác giả để rồi trở thành nạn nhân của làn sóng nghiên cứu về văn hóa Chăm hôm nay.
Một số tác giả cho rằng Po Klaong Garai là vị vua thật sự trị vì vào năm (1151-1295). Họ còn cho rằng Po Klaong Garai là Jaya Indravarman IV vua của liên bang Champa (1147-1160), nhưng họ không bao giờ cho biết tại sao. Tiếc rằng, trong tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao, Po Klaong Garai chỉ là vua huyền sử, một vị thần linh tự sinh ra (éngkat) và được xếp vào triều đại thứ 5 trong danh sách các vua huyền sử này. Sau mấy năm trì vị ở trần gian, Po Klaong Garai trở về trời (nao mâng rup).
Po Binnasuar (hay Po Binthuer) cũng là nhân vật được phô trương trong nhiều bài viết. Một số người tự phỏng đoán rằng Po Binnasuar (1316-1361 hay 1328-1373) là quốc vương Chế Bồng Nga (1360-1390). Tiếc rằng, Po Binnasuar và Chế Bồng Nga là hai vị vua khác nhau. Po Binnasuar là vua của tiểu vương quốc Panduranga, gốc làng Bính Nghĩa, Phan Rang lên ngôi năm 1316 hay 1328. Ðền của ngài vẫn còn thờ phượng ở gần làng Bính Nghĩa này. Ngược lại, Chế Bồng Nga là quốc vương của liên bang Champa đóng đô ở Vijaya (Ðồ Bàn), lên ngôi năm 1360.
Cuối cùng, Po Saong Nhung Ceng (1799-1822) là quốc vương Panduranga đã chết tại Phan Rí vì bệnh già yếu vào năm 1822 mà cả thư tịch cổ Việt Nam cũng đã chứng minh biến cố này. Ngược lại, một số nhà viết lách cứ cho rằng ngài chạy sang Cao Miên lánh nạn vào năm 1822.

Nguyên nhân của sự sai lầm

Ðiều mà chúng tôi muốn khẳng định ở đây đó là những sai lầm này chỉ xuất hiện trên mặt sách báo viết bằng tiếng Việt và nó bắt nguồn từ ngày ra đời tác phẩm Dân Tộc Chàm Lịch Sử của Dorohiem và Dohamide xuất bản vào năm 1965. Thế thì đâu là nguyên nhân chính đã đưa các nhà nghiên cứu hay người viết lách bằng tiếng Việt vấp phải lỗi lầm vô cùng tai hại cho lịch sử Champa nói chung và lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga nói riêng. Ðể trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin trình bày sơ lược xuất xứ của các bài nghiên cứu về Sakkarai Dak Rai Patao kể từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến hôm nay.
Người nghiên cứu đầu tiên về Sakkarai Dak Rai Patao là E. Aymonier (1890: 145-206). Trong bài nghiên cứu này, E. Aymonier tự đặt bao câu hỏi có chăng Sakkarai Dak Rai Patao chỉ là cốt truyện huyền sử, hoang đường nếu cho rằng tác phẩm này là biên niên sử của vương quốc Champa? Vì rằng danh sách vua chúa ghi trong Sakkarai Dak Rai Patao không có gì liên hệ đến vua chúa Champa đóng đô ở Viyaja, từ niên đại lên ngôi, tên tuổi, thủ đô, v.v. Trong bài viết của mình, E. Aymonier chỉ nêu ra câu hỏi, đặt lại vấn đề liên quan đến xuất xứ của tư liệu này, nhưng ông không tìm ra một câu để giải đáp.
Mười lăm năm sau, nhà nghiên cứu Pháp là E. Durand (1905: 377-382) trở lại nghiên cứu tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao. Trong phần kết luận, E. Durand cho rằng đây không phải là cốt truyện huyền sử và hoang đường, mà cũng không phải là biên niên sử của liên bang Champa như E. Aymonier đã nêu ra, mà là biên niên sử của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam, chỉ có thế thôi. Bài nghiên cứu của E. Durand vào năm 1905 đã trở thành một yếu tố lịch sử mà các chuyên gia ở phương Tây đều công nhận cho đến hôm nay. Theo quan điểm của E. Durand, Panduranga không phải là một đơn vị hành chánh tương đương với “Tỉnh” ở Việt Nam, mà là một tiểu vương quốc nằm trong liên bang Champa. Chính vì thế, tiểu vương quốc này cũng có một cơ cấu hành chánh riêng, chính trị và quân sự  riêng, kể cả biên niên sử riêng, đó là Sakkarai Dak Rai Patao. Năm 1978, tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao trở thành bài luận án phó tiến sĩ của tôi ở đại học Sorbonne, Paris. Trong bài luận án này, tôi cũng chứng minh rằng Sakkarai Dak Rai Patao là biên niên sử của Panduranga, một tiểu vương quốc của liên bang Champa.
Không đọc đến bài nghiên cứu của E. Durand viết vào năm 1905 và những bài bài viết khác đăng tải trong các sách báo khoa học ở phương Tây, và cũng không cần nghiên cứu sâu đậm nội dung của biên niên sử viết bằng tiếng Chăm akhar thrah này, Dorohiem và Dohamide (Dân Tộc Chăm Lược Sử, 1965) chỉ dựa vào bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp của E. Aymonier xuất bản vào năm 1980 để phát họa nội dung Sakkarai Dak Rai Patao theo cảm hứng riêng tư của mình. Trong tác phẩm này, Dorohiem và Dohamide, vì vô tình hay là cố ý, đã sửa đổi hoàn toàn quan điểm của E. Aymonier để thay vào đó một quan điểm mới lạ nhưng rất là phi lịch sử, cho rằng Sakkarai Dak Rai Patao là biên niên sử của vương quốc Champa, nhưng Dorohiem và Dohamide không đưa ra một dữ kiện lịch sử nào để minh chứng nội dung bài viết của mình. Ðúng ra, phong cách “sửa đổi yếu tố lịch sử” này chỉ thường xuất hiện trong các bài viết của người viết lách hơn là của nhà khoa học dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Sau ngày ra đời tác phẩm Dorohiem và Dohamide vào năm 1965, một số nhà nghiên cứu hay một vài người viết lách chỉ dựa vào tác phẩm bằng tiếng Việt mang tựa đề là Dân Tộc Chàm Lược Sử,  để rồi lặp đi lặp lại bao sự sai lầm lịch sử trong bài viết của Dorohiem và Dohamide. Thế là, tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao Cham, kể từ năm 1965, đã trở thành nạn nhân của quan điểm sai lầm do Dorohiem và Dohamide đưa ra, chứ không phải là nạn nhân của các nhà viết lách nữa.
Ðể làm sáng tỏ lại vấn đề liên quan đến nội dung của tác phẩm lịch sử có giá trị này, chúng tôi muốn đặt lại vấn đề ở đây có chăng Sakkarai Dak Rai Patao là một tác phẩm huyền thoại như E. Aymonier đã đề nghị vào năm 1890 hay là biên niên sử của vương quốc Champa như Dorohiem và Dohamide đã phỏng đoán vào năm 1965 hay là biên niên sử thật sự của tiểu vương quốc Panduranga như E. Durand đã đưa ra vào năm 1905?

Sơ lược lịch sử Panduranga

Cũng nhờ các bia ký Champa, tư liệu cổ Việt Nam và Trung Hoa, các nhà nghiên cứu phương Tây đã phác họa lịch sử vương quốc Champa một cách tổng thể từ thế thế kỷ thứ 2 đến năm 1471, cũng là năm đánh dấu cho sự thất thủ Vijaya, tức là thành Ðồ Bàn (G. Maspero: 1928); G. Coedes: 1964; Po Dharma: 1978, 1987). Sau năm 1471, các bia ký Champa không còn xuất hiện nữa. Dựa vào sự biến mất của bia ký, các nhà nghiên cứu không còn quan tâm đến lịch sử cận đại của Champa sau thế kỷ thứ 15. Tiếc rằng, người ta đã quên rằng dân tộc Chăm ở khu vực Phan Rang và Phan Rí vẫn còn lưu trữ rất nhiều văn bản cổ viết bằng tiếng Chăm liên quan đến lịch sử và nền văn minh Champa sau năm 1471 (Po Dharma: 1987; P-B. Lafont: 1980). Trong kho tàng văn chương lịch sử này, Sak Karay Dak Rai Patao là văn bản duy nhất nói về biên niên sử của vua chúa Panduranga.
Ai cũng biết, kể từ đầu thế kỷ thứ 20, các nhà nghiên cứu phương Tây (L. Finot: 1903; G. Coedes: 1964; P-B. Lafont: 1980; Po Dharma: 1987; B. Gay: 1988)  đã phân tích một cách khoa học và có hệ thống những nền tảng tổ chức chính trị và hành chánh Champa để rồi đưa ra một kết  luận chung đó là Champa không phải là một quốc gia tập quyền, thống nhất như thể chế chính trị ở Trung Hoa hay ở Việt Nam, mà là một vương quốc liên bang (fédération) và đôi lúc cũng là một liên hiệp quốc gia (confédération), rất gần gũi với thể chế liên bang Mã Lai hôm nay.
Liên bang Champa tập trung 5 tiểu vương quốc trong đó có Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Ðứng đầu của quốc gia liên bang Champa là quốc vương mang tôn hiệu Rajadiraja (tức là vua của vua), chứ không phải là Patao như Dohamide và Dorohiêm (2004, tr. 263) đưa ra. Quốc vương này còn mang một tôn hiệu khác đó là Po Tana Raya (lãnh chúa toàn diện đất đai) để cai trị quốc gia với «cây lộng duy nhất››, biểu hiện cho uy quyền hoàng gia Champa. Thủ đô liên bang lúc ban đầu đặt tại Indrapura (Quảng Nam) sau đó dời về Vijaya (Bình định) kể từ năm 1000.
Nằm ở cực nam của lãnh thổ liên bang Champa, Panduranga là một tiểu vương quốc có một thể chế hành chánh, chính trị và quân sự riêng biệt. Sự hình thành tiểu vương quốc này đã có từ lâu đời. Vì rằng vào năm 1050, bia ký đã nói đến cuộc vùng dậy của nhân dân Panduranga chống lai chính quyền trung ương Champa ở miền bắc. Ðể trả lời cho thái độ bất qui phục này, quốc vương Champa là Jaya Paramesvaravarman I đứng ra chỉ trích kịch liệt thái độ ương ngạnh của nhân dân Panduranga mà ngài gọi họ là «dân tộc phóng đãng (vicieux), ác tâm (malfsaisant), khinh bạc (frivole), luôn luôn phản động chống lai triều đình trung ương» (Maspero, 1928: 37 ; Po Dharma, 1987 : 57). Nhằm phá tan yêu sách đòi tự trị ở miền nam và đưa dân tộc Panduranga phải tôn trọng uy quyền triều đình trung ương, quốc vương liên bang Champa thường biến tiểu vương quốc Pandurang thành một lãnh thổ đặc hữu (apanage) đặt dưới quyền cai trị của một thái tử (yuvaraja) do quốc vương liên bang Champa chỉ định (Finot, 1909: 205-209, Maspero, 1928: 137). Sự hiện diện của thái tử này cũng không ngăn cấm nổi Panduranga trở lại con đường cũ : thua keo này bày keo khác. Vì rằng, Panduranga vẫn là nơi phát sinh một số biến cố chính trị lớn vào thế kỷ thứ 11. Biến cố thứ nhất đó là một nhân vật quan trọng trong triều đình của Panduranga đứng ra kêu gọi nhân dân tách rời ra khỏi liên bang Champa, rồi tự phong mình làm vua ở miền nam, dù rằng vương triều này chỉ kéo dài trong vòng 13 năm. Hết tìm cách xây dựng một quốc gia tự trị, Panduranga còn là nơi trú ẩn dành cho một số nhân vật chính trị từ trung ương ở Vijaya chạy sang lánh nạn (Finot, 1909: 205-209; Maspero, 1928: 137).
Với bản chất cương quyết của nhân dân Panduranga đấu tranh cho bằng được quy chế tự trị ở miền nam, một số quốc vương liên bang Champa không còn cách nào khác là công nhận nền tự trị của Panduranga ở miền nam. Ðiển hình nhất là vào thế kỷ thứ 10, tư liệu Trung Hoa cho rằng mặc dù Panduranga vẫn là lãnh thổ trực thuộc liên bang Champa, nhưng tiểu vương quốc này vừa triều cống vua liêng bang Champa ở miền bắc, vừa gởi triều cống đến Trung Hoa như một quốc gia độc lập (Pelliot, 1903: 649).
Ngoài yêu sách tự trị, vua chúa Panduranga cũng thường xác nhận họ có một thị tộc riêng biệt. Ðiển hình là vào cuối thế kỷ thứ 11, quốc vương liên bang Champa là Sri Harivarman IV (1074-1081) tự cho mình là người xuất thân từ thị tộc cây câu (Narikela) của dòng thân mẫu ở Panduranga, một thị tộc tinh khiết của chủng tộc Champa. Thân phụ của ngài thuộc thị tộc cây dừa (Kramula) ở Vijaya. Hai thị tộc này thường dùng đến bạo lực để chinh phục uy quyền ở liên bang Champa trong nhiều thế kỷ (Maspero, 1928: 43).
Hết sự khác biệt về thị tộc, Panduranga thường đeo đuổi tư thế độc lập của mình về phương diện chính trị đối với miền bắc. Chính vì thế, Panduranga thường không hỗ trợ quân sự cho Vijaya, một khi tiểu vương quốc phía bắc này bị ngoai bang xâm chiếm. Vào năm 1145, vua Cao Miên xua quân xâm chiếm Vijaya và giết chết vua liên bang Champa là Indravarman III. Trước sự tấn công của ngoại bang, Panduranga không hề gởi quân để giúp đỡ quốc vương Champa ở phương bắc. Thêm vào đó, Panduranga còn đón nhận hoàng tử của tiểu vương quốc Vijaya là Rudravarman IV cùng với đứa con trai là Srivanandana chạy sang lánh nạn trên lãnh thổ của mình một khi quân Cao Miên phá hủy thủ đô Vijaya vào năm 1145. Ngoài sự tiếp đón nồng hậu này, dân chúng Pandurang còn tôn vinh hoàng tử Srivanandana lên làm vua Champa ở miền nam lấy vương hiệu là Jaya Harivarman I (Maspero, 1928: 156-157). Thế là vương quốc Champa bị chia đôi thành hai miền rõ rệt. Vijaya đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội Cao Miên và Panduranga thì có Jaya Harivarman I. Với sự hỗ trợ của quân đội Panduranga, vua Jaya Harivarman I xuất quân ra bắc vào năm 1149 tấn công Vijaya và giết được tổng tư lệnh quân viễn chinh Cao Miên là hoàng tử Harideva, tức là em rể của vua nước này (Maspero, 1928: 156).
Năm 1190, vua Cao Miên là Jayavarman VII giao quyền cho hoàng tử Champa là Sri Vidryanandana sang lánh nạn ở Cao Miên từ năm 1182, đem quân tấn công Vijaya lần thứ hai, bắt được vua Champa là Jaya Indravarman IV đưa về Cao Miên. Một khi thắng trận, vua Cao Miên phong cho em rể của mình lên làm quốc vương Vijaya (Nagara Vijaya) với vương hiệu là Suryajayavarman. Riêng về hoàng tử Sri Vidryanandana, ngài trở lại Panduranga, tự phong cho mình là quốc vương của tiểu vương quốc này với vương hiệu là Sri Suryavarmadeva, đặt thủ đô tại Rajapura (Phan Rang). Thế là vương quốc Champa lai bị chia đôi một lần nữa. Miền bắc do quân Cao Miên trấn giữ. Tiểu vương quốc Panduranga do hoàng tử Sri Suryavarman lãnh đao (Maspero, 1928: 166).
Vì không chấp nhận tiểu vương quốc Vijaya bị cai trị bởi ngoại bang, hoàng tử Champa tên là Rasupati vùng dậy vào năm 1191 đánh đuổi quân xâm lược Cao Miên sau đó lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Indravarman V. Ðể trả thù cho cuộc vùng dậy này, vua Cao Miên chấp nhận trả tự do cho cựu quốc vương Jaya Indravarman IV bị bắt giam tại vương quốc này vào năm 1190. Từ vương quốc Cao Miên, cựu quốc vương Jaya Indravarman IV ghé sang Panduranga cầu cứu quân sự hầu chiếm lại ngai vàng ở phương bắc. Một khi đã nhận lời giúp đỡ, vua Panduranga là Sri Suryavarman xua quân sang miền bắc, đánh đuổi quân xâm lược Cao Miên ra khỏi Vijaya. Lợi dụng sự chiến thắng này, vua Panduranga phế truất cựu vương quốc Jaya Indravarman IV ra khỏi ngai vàng, tự phong mình làm quốc vương liên bang Champa kiêm cả chức vua của tiểu vương quốc Panduranga kể từ năm 1192 (Maspero, 1928:165-166).
Một năm sau, tức là vào năm 1193, vua Cao Miên Jayavarman VII xuất quân sang chinh phạt Sri Suryavarman ở Vijaya. Bị thất trận vào năm 1203, Sri Suryavarman chạy sang Ðại Việt lánh nạn. Nắm chủ tình hình, vua Cao Miên chiếm lại thủ đô Vijaya và đặt nền cai trị ở miền bắc Champa trong xuốt 17 năm, từ 1203 đến 1220 (Maspero, 1928: 167)
Sự đô hộ của Cao Miên ở Champa vào những năm 1203 và 1220 đã đánh dấu một biến cố quan trọng trong văn chương lịch sử ở Champa. Chính trong thời điểm này mà tác phẩm Sakkaray Dak Ray Patao đã ra đời với vị vua đầu tiên là Sri Agarang trị vì vào năm 1193 hay 1205 tùy theo dị bản. Tiếc rằng, không tư liệu nào có thể giúp chúng tôi để nhận diện rằng sự ra đời của Sakkaray Dak Ray Patao ở Panduranga có liên hệ gì với chính sách đô hộ Cao Miên ở Vijaya, miền bắc của Champa? Ðây chỉ là một vấn đề đặt ra nhưng không ai có thể trả lời câu hỏi này (Po Dharma, 1978).
Một khi đã thoát thân ra khỏi nền đô hộ của Cao Miên vào những thập niên đầu của thế kỷ thứ 13, vương quốc Champa lại vướng vào một tai họa khác đó là chính sách Nam Tiến của Ðại Việt.
Sau khi thôn tính dần dần một số đất đai ở phía bắc của Champa, Ðại Việt quyết định nuốt trọn thủ đô Vijaya vào năm 1471 và dời biên giới của mình đến đèo Cù Mông, phía bắc Phú Yên. Sự thất thủ thành Ðồ Bàn đã đưa bản đồ dân cư Champa vào một khúc quanh mới. Vì rằng, kể từ năm 1471, Champa bị thu hẹp lại trong lãnh thổ của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam mà thôi (Po Dharma, 1987, I, tr. 61-62).
Sau khi Vijaya bị thất thủ, tướng Bố Trì Trì sang lánh nạn ở Panduranga, chiếm giữ một phần năm đất đai của tiểu vương quốc này để thành lập một quốc gia riêng biệt. Ngài cũng xin vua Lê Thánh Tông công nhận sự tấn phong của mình và biên niên sử Minh Chê của Trung Hoa vẫn còn nói đến sự liên hệ với Champa của Bố Trì Trì giữa năm 1478 và 1543 (Maspero, 1928: 240).
Từ ngày thất thủ thành Ðồ Bàn vào năm 1471 đến năm 1611, tức là gần 140 năm, người ta cứ tuởng rằng chiến tranh không còn tái diễn nữa giữa hai nước láng giềng thù địch, đó là Champa và Ðại Việt. Tiếc rằng sự hòa bình này chỉ là một giấc mơ huyền ảo. Năm 1611, nhà Nguyễn bắt đầu phất cờ Nam Tiến, mà Phú Yên là nạn nhân đầu tiên của chính sách xâm lược này. Năm 1653 quân nhà Nguyễn chiếm đóng Kauthara (Nha Trang) và năm 1658 tràn sang khu vực Sài Gòn tức là đất đai của Cao Miên thời đó (Po Dharma (1987, I: 64-66).
Ba mươi chín năm sau ngày thất thủ Kauthara (1653), nhà Nguyễn quyết định nút trọn lãnh thổ Champa còn lại vào năm 1692, thay đổi danh xưng Chiêm Thành thành Trấn Thuận Thành và thành lập phủ người Việt đầu tiên mang tên là phủ Bình Thuận trong biên giới của tiểu vương quốc Panduranga. Ðể trả lời cho chính sách xâm lược này, nhân dân Champa vùng dậy đánh đuổi quân xâm luợc nhà Nguyễn vào năm 1693. Vì không kháng cự nổi, nhà Nguyễn chấp nhận trao trả lại nền độc lập cho Champa vào năm 1694 với điều kiện là Panduranga phải công nhân sự hiện diện của phủ Bình Thuận ở tiểu vương quốc này nhằm quản lý các cư dân Việt sống ở Champa thời đó (Po Dharma, 1987, I: 67-71).
Phủ Bình Thuận là đơn vị hành chánh trực thuộc nhà Nguyễn tập trung các làng xã người Việt nằm rải rác trong lãnh thổ Champa. Sự ra đời của phủ Bình Thuận đã thay đổi hoàn toàn địa bàn dân cư Panduranga thời đó. Vì lãnh thổ này không dành riêng cho dân tộc Champa nữa mà là cả cư dân Việt. Mô hình dân cư quá phức tạp này đã đưa hai cộng đồng Chăm và cư dân Việt đến sự xung đột thường xuyên trong những năm kế tiếp (Po Dharma, 1987, I: 70-71).
Vào thập niên của cuối thế kỷ thứ 18, Panduranga lại trở thành một bãi chiến trường đẫm máu giữa hai thế lực thù địch người Việt, đó là chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thế thì sự sống còn của Panduranga hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của chiến tranh này. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Ðể đền đáp công lao cho một số người Chăm dấn thân vào phong trào chống Tây Sơn, Gia Long quyết định tái lập lại vương hiệu Panduranga và phong cho Po Saong Nhung Ceng, một chiến sĩ gốc người Chăm (tức là tổ tiên của Bà Thềm ở Phan Rí) đã từng theo ông trong buổi ban đầu chống quân Tây Sơn, lên làm vua của tiểu vương quốc này (Po Dharma (1987, I: 83-99). Và Po Saong Nhung Ceng cũng là vị vua cuối cùng nằm trong danh sách của Sakkaray Dak Rai Patao.
Những biến cố mà chúng tôi đã nêu ra đã cho độc giả thấy rằng Panduranga có một quy chế chính trị và quân sự rất là đặc biệt trong quá trình lịch sử của Champa. Dù rằng đã mấy lần vùng dậy chống triều đình trung ương để đòi nền tự trị ở miền nam, xuất quân đánh đuổi kẻ xâm lược Cao Miên ra khỏi Vijaya ở miền bắc, gởi cả phái đoàn ngoại giao sang triều cống Trung Hoa như một quốc gia độc lập, có vua chúa và quân đội riêng, Panduranga vẫn là một đơn vị hành chánh của Champa. Nhưng đơn vị hành chánh này không thể hiểu là một “Tỉnh” của Champa như một số người thường hiểu lầm từ ngày ra đời tác phẩm của Dorohiêm và Dohamide vào năm 1965, mà là một tiểu vương quốc nằm trong liên bang Champa. Dựa vào yếu tố chính trị và hành chánh này, các nhà khoa học thường định nghĩa rằng Champa không phải là một quốc gia thống nhất và tập quyền như thể chế Việt Nam, mà một vương quốc liên bang. Ðây là một thể chế thông dụng mà người ta còn thấy ở liên bang Mã Lai hôm nay tập trung 9 tiểu vương quốc (Dupuis, 1972) hay liên bang Lào trong thời phong kiến tập trung 4 tiểu vương quốc như Luang Prabang, Vientian, Xieng Khoang và Champasak (Saveng Phinith, 1987: 6).
Kể từ năm 1905, thể chế liên bang Champa đã trở thành một yếu tố lịch sử mà không ai có thể chối cãi được, ngoại trừ ba nhà nghiên cứu duy nhất trên thế giới đó là Lương Ninh, Dohamide và Dorohiêm. Trong bài viết của Lương Ninh xuất bản vào năm 2004, tác giả cho rằng «nếu đem lý thuyết Mandala (liên bang) áp dụng ở Champa, thì tác giả chỉ đồng ý một nữa›› mà thôi. Ðây là lối lý luận khập khiễng. Ngược lại, Dohamide và Dorohiêm thì phủ nhận hoàn toàn thể chế liên bang Champa trong tác phẩm Bangsa Champa xuất bản vào năm 2004. Không cần đưa ra một nguồn tư liệu nào để minh chứng cho quan điểm của mình, Dohamide và Dorohiêm tự phỏng đoán rằng vương quốc Champa hợp thành một cơ cấu quốc gia thống nhất. Chúng tôi khỏi bàn quan điểm này, vì đây chỉ là lối suy diễn dựa vào cảm hứng riêng tư và lý luận phi khoa học của Dohamide và Dorohiem mà thôi.
Một khi đã công nhận Panduranga không phải là một “Tỉnh” của Champa như Dohamide và Dorohiem đã hiểu lầm từ năm 1965, mà là một tiểu vương quốc trong liên bang Champa, thế thì Panduranga cũng có quyền hưởng được quy chế pháp lý để có một biên niên sử riêng của mình, đó Sakkarai Dak Rai Patao.

Nội dung của biên niên sử

Trong thư viện của Pháp hiện còn lưu trữ 12 dị bản khác nhau của tác phẩm Sakkaray Dak Rai Patao. Trong tổng số này, có 10 dị bản viết bằng tiếng Chăm ở Việt Nam và 2 dị bản viết bằng tiếng Chăm ở Cao Miên.
Sakkaray Dak Rai Patao viết bằng chữ Chăm Cao Miên cho rằng đây là biên niên sử của Nagar Panang-Panik, tức là biên niên sử của tiểu vương quốc nằm trong khu vực Phan Rang và Phan Rí, hay là  Panduranga. Ngược lai, Sakkaray Dak Rai Patao viết bằng chữ Chăm Việt Nam chỉ ghi rằng đây là biên niên sử Patao Chăm (vua chúa Chăm), nhưng không cho biết rõ Patao Chăm này thuộc về Panduranga hay vua chúa Champa đóng đô ở Vijaya.
Nếu nói rằng Sakkaray Dak Rai Patao là biên niên sử của liên bang Champa thì không thể chấp nhận được. Vì rằng, hầu hết các lai lịch, “nghĩa trang” thuộc dòng thân mẫu (Kút) và đền tháp của vua chúa trong Sakkaray Dak Rai Patao đều nằm ở khu vực Phan Rang và Phan Rí hôm nay. Ðiều đáng chú ý nữa đó là các thủ đô như Bal Sri Banây, Bal Hanguw, Bal Anguai, Bal Batsinâng, Bal Pangdarang đều nằm trong lãnh thổ của Panduranga. Các danh xưng của vua chúa trong Sakkaray Dak Rai Patao đều khởi đầu bằng cụm từ «Po», như Po Romé, Po Klaong Haluw, v.v. chứ không phải khởi đầu bằng cụm từ «Jaya, Sri›› như Jaya Indravarman, Sri Sinhavarman, v.v. được sử dụng bởi các vua chúa liên bang Champa đóng đô ở Vijaya. Thêm vào đó, người ta chưa bao giờ tìm thấy một bản văn nào viết bằng Akhar Thrah Chăm phát xuất từ khu vực Panduranga lại nhắc đến một số kỷ niệm xa xưa ở khu vực Champa miền bắc (từ Bình Định cho đến Quảng Bình), ngoại trừ vài danh từ địa phương như Huê (tức là Huế), Mbin Ngai (tức là Quảng Ngãi), v. v., vì rằng các địa danh này chỉ xuất hiện trong văn chương Chăm vào thời Nguyễn mà thôi. Chính vì thế, một số người Chăm cho rằng Harek Kah Harek Dhei dùng trong bản văn Chăm nằm ở Quảng Bình là hoàn toàn phi khoa học, vì địa danh này chỉ nằm ở khu vực Aia Ru (tỉnh Phú Yên) tức là địa đầu của tiểu vương quốc Panduranga. Càng không thể được nếu cho rằng công chúa Bia Mih Ai trong tác  phẩm Nai Mai Mang Makah là công chúa Mị E, vợ của Jaya Sinhavarman II,  tức là Sạ Ðẩu (1044-), v.v., vì tác phẩm Nai Mai Mang Makah chỉ viết vào thế kỷ thứ XVIII (Po Dharma, 2000).
Tác phẩm Sakkaray Dak Rai Patao có tổng số 38 vị vua và được chia làm hai phần rõ rệt.

Thời kỳ tiền sử

Phần đầu là thời kỳ huyền sử mà biên niên sử này gọi là patao jiéng éng hay patao éngkat «vua tự sinh ra›› gồm có 5 vị vua:
Po Uwluah,
Po Binnasuar,
Po Putik,
Po Sulika
Po Klaong Garai
Họ không phải là người thường mà là những vị thần linh, tự sinh ra (jiéng éng hay éngkat) và tự giáng thế để cai trị xứ sở Chăm. Sau một thời gian lên ngôi, các vị thần thánh này không chết, nhưng trở về thế giới linh thiên (nao meng rup).
Trong 5 nhân vật huyền sử này, Po Kloang Garai trở thành nạn nhân của nhiều người Chăm viết lách từ mấy thập niên qua. Po Klaong Garai còn là tên của một cái đền ở phía tây của thành phố Phan Rang. Dựa vào truyền thuyết, một số người Chăm cho rằng đây là đền tháp do Po Klaong Garai xây dựng. Nhưng trên thực tế, đền Po Klaong Garai là công trình xây cất bởi vua Jaya Simhavarman (Chế Mân) vào cuối thế kỷ thứ XIV. Sau thế kỷ thứ XV, vua chúa Panduranga biến vua Chế Mân thành một truyền thuyết thần linh của dân tộc bản địa. Những công trình xây dựng hệ thống mương đập của Po Klaong Garai chỉ là tác phẩm của vua Chế Mân để lại. Đây cũng là giai đoạn lịch sử mà dân tộc Champa ở miền nam tìm cách xa lánh dần dần những yếu tố Ấn Giáo ở phía bắc nhằm xây dựng cho mình một nền văn minh mới pha lẫn 3 nền văn hóa rỏ rệt: Ấn Giáo, Bản Địa và Hồi Giáo.
Thời kỳ tiền sử là phong cách chung nằm trong văn chương lịch sử mà người ta thường thấy ở các nước Ðông Nam Á, trong đó có Champa. Lịch sử Việt Nam có câu truyện Bà Âu Cơ đẻ trăm trứng trăm con, rồi phát khai ra triều đại Hồng Bàn đầu tiên của dân tộc Việt (Whitfield, 1976: 114; Lương Ninh, 2000: 46-48). Lịch sử Cao Miên có cốt truyện Brah Thong cưới công chúa của vua Naga (tức là thần rắn) rồi sáng lập ra quốc vương Cao Miên (Mak Phoeun, 1984: 7).

Thời kỳ lịch sử

Phần thứ hai của Sakarai Dak Rai Patao là thời kỳ lịch sử. Các vua chúa nằm trong danh sách của thời kỳ lịch sử không phải là vị thần linh mà là người thường đứng lên làm thủ lãnh cai trị thật sự tiểu vương quốc Panduranga. Khởi đầu của thời kỳ lịch sử là vua Po Sri Agarang lên ngôi năm Sửu đến năm Ngọ (1193-1235 hay là 1205-1247 tùy theo dị bản). Vua cuối cùng của biên niên sử này Po Saong Nhung Ceng, lên ngôi từ năm Mùi đến năm Ngọ, tức là từ năm 1799 đến 1822.
Sakkaray Dak Rai Patao là một tài liệu lịch sử không thể chối cãi được. Vì rằng thư tịch cổ Việt Nam đã đưa ra nhiều chi tiết liên quan đến sử kiện lịch sử Panduranga nhất là từ triều đại Po Romé (1627-1651) đến triều đại Po Saong Nhung Ceng (1799-1822), rất gần gủi với nội dung của biên niên sử Panduranga. Ngoài ra, người ta còn nhận thấy các ký sự của thương thuyền phương Tây cũng thuật lại một số vấn đề liên quan đến một số triều đại trong Sakkaray Dak Rai Patao. Sau cùng bia ký viết bằng tiếng Akhar Thrah Chăm tìm thấy ở đền Po Romé cũng nói đến lai lịch của vua này và nhất là bà hoàng hậu Bia Thang Cih, vì không chấp nhận lên giàn hỏa trong lễ táng của Po Romé, đã bị triều đình Panduranga đưa tượng của bà đặt ngoài tháp của Po Romé.
Ðiều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây, những triều đại trước vua Po Romé (1627-1651) còn chứa đựng một số dữ kiện rất là mơ hồ, vì không có tư liệu nước ngoài để kiểm chứng. Nhưng không phải thế mà chúng tôi gạt bỏ giá trị lịch sử của nó. Vì rằng đa số các vua chúa trước thời Po Romé đã để lại nhiều di tích lịch sử và ''nghĩa trang'' (Kut) của họ ở khu vực Phan Rang và Phan Rí.

1). Quyền nối ngôi

Sakkarai Dak Rai Patao còn để lai một số tin tức giúp chúng ta có thể hiểu được phần nào cơ cấu pháp lý liên quan đến vấn đề nối ngôi ở Panduranga. Nếu so với các hệ thống của liên bang Champa ở Vijaya, chúng tôi nhận thấy rằng hệ thống nối ngôi ở Panduranga không có điểm dị biệt. Hoàn toàn khác hẳn với chế độ ở Việt Nam là “cha truyền con nối”, quyền lên ngôi ở Panduranga hoàn toàn dựa trên tổ chức của chế độ mẫu hệ. Hệ phái đàn ông là người giữ chức lãnh thủ của liên bang Champa hay tiểu vương quốc Panduranga, nhưng ngai vàng không thuộc về vua mà là gia đình của bà hoàng hậu hay nói một cách khác thuộc về gia đình mẫu hệ của bà hoàng hậu. Một khi ông vua từ trần hay thoái vị, một hội đồng gia đình hoàng gia của bà hoàng hậu đứng ra chỉ định một ông vua mới, có thể là con hay là anh của bà hoàng hậu, con rể của bà hoàng hậu ngay cả em của quốc vương nếu ông ta kết hôn với thành viên của gia đình bà hoang hậu. Vì vua lên ngôi để cai trị đất nước nhân danh gia đình của bà hoàng hậu chứ không phải nhân danh thân tộc phái nam của mình. Po Thuntiraidaputih (1731-1732), con của vua Po Saot; Po Rattiraydaputao (1732, 1735-1763), cháu của vua Po Saktiraydapatih; Po Saktiraydapatih (1695, 1696-1727), em của vua Po Saot; Po Romé (1627-1651) là rể của vua Po Mâh Taha cũng được bầu lên làm quốc vương ở Panduranga đã giải thích cho lý thuyết của chúng tôi.

2). Vấn đề niên đại

Tìm lại niên đại chính xác trong Sakkaray Dak Rai Patao là một vấn đề vô cùng khó khăn. Vì rằng, tư liệu này chỉ dùng tên 12 con giáp [6]  để viết ngày tháng của các triều đại vua chúa. Chính vì thế người ta không thể qui ra niên đại dựa trên 12 con giáp để chuyển sang năm Tây lịch một khi sự kiện này không được các tư liệu khác nói đến, như biên niên sử Việt Nam. Thêm vào đó, có rất nhiều người Chăm thường tranh đua đưa ra phương pháp tính lịch Chăm gọi là Sakawi [7]. Nhưng kết quả vẫn là một cốt truyện mơ hồ vì không có cơ sở khoa học. Niên đại trong tài liệu hoàng gia Champa từ 1702 đến 1810 là điểm móc để tìm ra công thức chu kỳ thật sự của Sakawi, nhưng không ai quan tâm đến [8].
Trong tác phẩm Sakkaray Dak Rai Patao, tác gỉa cho biết năm lên ngôi, năm thoái vị và tổng số năm trị vì của mỗi quốc vương ở Panduranga. Tuy nhiên, kể từ Po Aih Khang (vương triều thứ 22) cho đến Po Sri Agarang (vương triều thứ 6), người ta nhận thấy có sự dị biệt rõ rệt về niên đại nếu tính theo Tây lịch. Sự dị biệt này phát xuất từ hai nhóm dị bản của Sakkaray Dak Rai Patao. Nhóm thứ nhất cho rằng Po Aih Khang (vương triều thứ 22) trị vì 11 năm kể từ năm Sửu và nhóm thứ hai cho rằng ngài chỉ trị vì 5 năm. Chính vì thế, kể từ Po Aih Khang trở về Po Sri Agarang, năm tháng niên đại ghi trong Sakkaray Dak Rai Patao chỉ là một giả thuyết, không chính xác. Vì trong khoảng thời gian đó, không có tư liệu nào giúp chúng tôi để kết luận rằng nhóm thứ nhất hay nhóm thứ hai của Sakkaray Dak Rai Patao là đúng sự thật. Vấn đề này có thể chỉnh đốn lại một khi tư liệu hoàng gia Champa hiện đang lưu trữ trong thư viện của Société Asiatique de Paris được nghiên cứu và xuất bản.
Mặc dù có sự dị biệt trong Sakkaray Dak Rai Patao kể từ triều đại Po Aih Khang, chúng tôi cũng không quên đưa ra ngày tháng niên đại của mỗi vua chúa trị vì ở Panduranga. Ðể giải quyết vấn đề này, chúng tôi dựa vào triều đại cuối cùng là Po Saong Nhung Ceng làm điểm móc để từ đó chúng tôi tính ra ngày tháng niên đại cho các triều đại trước Po Saong Nhung Ceng đến vua đầu tiên trong danh sách của biên niên sử này là Po Sri Agarang (triều thứ 6).
Trở lại Po Saong Nhung Ceng (vương triều thứ 38). Theo thư tịch cổ Việt Nam, Po Saong Nhung Ceng (tiếng Việt là Nguyễn Văn Chấn) lên ngôi năm Vị (1799) và từ trần tại Phan Rí vì tuổi già vào năm Ngọ 1822. Ngày tháng niên đại này cũng được xác nhận trong Sakkarai Dak Rai Patao. Kể từ đó chúng tôi bắt đầu tính lại năm tháng niên đại theo Tây lịch  trở về triều đại vua đầu tiên là Po Sri Agarang bằng cách so sánh với niên đại của vua chúa Việt Nam do Bùi Quang Tùng nghiên cứu vào năm 1963.

Các triều đại trong biên niên sử Panduranga

A. Thời kỳ huyền sử

1. Po Uwaluah
Lên ngôi năm Tý, thoái vị năm Tý, trị vì 37 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về trời.

2. Po Binnasur
Lên ngôi năm Tý, thoái vị năm Thìn, trị vì 41 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về trời.

3. Po Putik
Lên ngôi năm Thìn, thoái vị năm Ngọ, trị vì 39 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang).

4. Po Sulika
Lên ngôi năm Ngọ, thoái vị năm Mùi, trị vì 38 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang).

5. Po Klaong Garay
Lên ngôi năm Mùi, thoái vị năm Sửu. Trước tiên ngài đóng đô ở Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ), sau đó dời thủ đô này về Bal Hanguw. Sau 55 năm trị vì, ngài trở về trời.

po klaong garai tif
Đây là tháp do vua Chế Mân xây vào thế kỷ thứ XIV mà hôm nay người Chăm gọi là
Bimong Po Klaong Garai, tức là vua huyền sử trong biên niên sử 

B. Thời kỳ lịch sử

I. Triều đại Po Sri Agarang

6. Po Sri Agarang (1193-1235 hay 1205-1247)
Lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Mùi (dị bản khác cho là năm Ngọ), trị vì 43 năm, đóng đô ở Bal Hanguw (gần biên giới Krong Pha, Dalat).

7. Cei Anâk (1235-1269 hay 1247-1281)
Con của vua Po Sri Agarang, lên ngôi năm Mùi, thoái vị năm Tỵ, trị vì 35 năm. Trước tiên, ngài đóng đô ở Bal Hanguw (gần biên giới Krong Pha, Dalat) sau đó dời thủ đô về Bal Anguai (không biết ở đâu).

II. Triều đại Po Dobatasuar

8. Po Dobatasuar (1269-1294 hay 1281-1306)
Ngài không có liên hệ thân tộc với vương triều Po Sri Agarang, lên ngôi năm Tỵ, thoái vị năm Ngọ, trị vì 26 năm, đóng đô ở Bal Anguai (không biết ở đâu).

9. Po Patarsuar (1294-1316 hay 1306-1328)
Em của vua Po Dobatasuar, lên ngôi năm Ngọ, thoái vị năm Thìn, trị vì 23 năm, đóng đô ở Bal Anguai (không biết ở đâu).

10. Po Binnasuar (1316-1361 hay 1328-1373)
Em của vua Po Patarsuar, lên ngôi năm Thìn, thoái vị năm Sửu, trị vì 46 năm, đóng đô ở Bal Anguai (không biết ở đâu).

III. Triều đại Po Parican

11. Po Parican (1361-1385 hay1373-1397)
Ngài không có liên hệ thân tộc với vương triều Po Dobatasuar, lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Sửu, trị vì 25 năm, đóng đô ở Bal Anguai (không biết ở đâu).

Thởi kỳ bị gián đoạn 37 năm
Sau triều đại Po Parican là thời kỳ bị gián đoạn không có vua chúa (1385-1421 hay 1397-1433) trong suốt 37 năm từ năm Sửu đến năm Sửu, vì quân Ðại Việt sang tấn công Bal Anguai, sau đó vua chúa dời thủ đô Bal Anguai về Bal Pangdurang 

12. Po Kasit (1421-1448 hay1433-1460)
Con của vua Parican, lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Thìn, trị vì 28 năm, đóng đô ở Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

13. Po Kabrah (1448-1482 hay1460-1494)
Con của vua Po Kasit, lên ngôi năm Thìn, thoái vị năm Dần, trị vì 35 năm, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

14. Po Kabih (1482-1578 hay1494-1530)
Em của vua Po Kabrah, lên ngôi năm Dần, thoái vị năm Dần, trị vì 37 năm, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng (thành trì Bal Batsinâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

15. Po Karutdrak (1518-1524 hay 1530-1536)
Em của vua Po Kabih, lên ngôi năm Dần, thoái vị năm Thân, trị vì 7 năm, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

IV. Triều đại Po Mahosarak

16. Po Mahosarak (1524-1529 hay 1536-1541)
Ngài không có liên hệ thân tộc với vương triều Po Parican, lên ngôi năm Thân, thoái vị năm Sửu, trị vì 6 năm, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

17. Po Kunarai (1529-1541 hay1541-1553)

Em của Po Mahosarak, lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Sửu, trị vì 13 năm, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

18. Po At (1541-1567 hay1553-1579)
Cháu của Po Kunarai, lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Thỏ, trị vì 27 năm. Ngài xây dinh riêng ở ngoài Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

V. Triều đại Po Klaong Halau

19. Po Klaong Halau (1567-1591 hay1579-1603)
Ngài không có liên hệ thân tộc với vương triều Po Mahosarak, lên ngôi năm Thỏ, thoái vị năm Thỏ, trị vì 25 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (gần làng Chung Mỹ , Phanrang. Ðầu thế kỷ thứ 18, Bal Pangdurang dời về Phanri ở Bal Canar, thôn Tịnh Mỹ).

20. Po Nit (1591-1601 hay1603-1613)
Con của vua Po Klaong Halau, lên ngôi năm Thỏ, thoái vị năm Sửu, trị vì 11 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

21. Po Jaiparan (1601-1606 hay1613-1618)
Em của vua Po Nit, lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Ngọ, trị vì 6 năm. Không biết ngài đóng đô ở đâu.

22. Po Aih Khang (1613-1622 hay1618-1622)
Con của vua Po Jaiparan, lên ngôi năm Sửu (một số dị bản cho là lên ngôi năm Ngọ), thoái vị năm Tuất, trị vì 11 năm (một số dị bản cho là 5 năm), đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

VI. Triều đại Po Mâh Taha

23. Po Mâh Taha (1622-1627)
Ngài không có liên hệ thân tộc với vương triều Po Klaong Halau, lên ngôi năm Tuất, thoái vị năm Thỏ, trị vì 6 năm, đóng đô ở đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

24. Po Romé (1627-1651)
Con rể của vua Po Mâh Taha, lên ngôi năm Thỏ, thoái vị năm Thỏ, trị vì 25 năm, đóng đô ở Biuh Bal Pangdurang (Thành Bal Pangdurang).

po rome 1
Tháp Po Rome, xây dựng váo thế kỷ thứ XVII

25. Po Nraop (1652-1653)
Em của Po Romé, lên ngôi năm Thìn, thoái vị năm Tỵ, trị vì 1 năm. Ngài xây một thành trì ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

26. Po Saktiraydapaghoh (1654-1657)
Con rể của Po Romé, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Ngọ, thoái vị năm Dậu, trị vì 4 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

27. Po Jatamah (1657-1659)
Con rể của vua Po Saktiraydapaghoh, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Dậu, với chức phong là Ndo Naok Ndai Tang Kuan (Ðô Ðốc Ðại Tướng Quân), trị vì 2 năm nhưng không biết thoái vị năm nào và đóng đô ở đâu.

28. Po Saot (1655, 1660-1692)
Con của vua Po Saktiraydapaghoh, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Mùi, nhưng cho mãi đến năm Tý, ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Thân, trị vì 33 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

Thời kỳ bị gián đoạn (1692-1695)
Sau Po Saot, biên niên sử nói là có sự gián đoạn triều đại trong vòng 3 năm.

29. Po Saktiraydapatih (1695, 1696-1727)

Em của vua Po Saot, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Hợi, nhưng cho mãi đến năm Tý, ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Mùi, trị vì 32 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

30. Po Ganuhpatih (1728-1730)
Cháu của vua Saktiraydapatih, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Thân, thoái vị năm Tuất, trị vì 3 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

31. Po Thuntiraidaputih (1731-1732)
Con của vua Po Saot, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Hợi với chức phong là Kham Lik Mbin (Khâm Lý Binh), thoái vị năm Tý, trị vì 1 năm. Không biết ngài đóng đô ở đâu.

32. Po Rattiraydaputao (1732, 1735-1763)
Cháu của vua Po Saktiraydapatih, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Tý cho đến năm Thỏ, ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Mùi, trị vì 29 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

33. Po Tisundimahrai (1763-1765 )
Không rõ ngài có liên hệ gì với thân tộc của vương triều vua Po Mâh Taha. Nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Mùi với chức phong là Kai Bait Mbin (Cai Bếp Binh). Ngài thoái vị năm Dậu, trị vì 1 năm và không biết ngài đóng đô ở đâu.

34. Po Tisuntiraydapaghoh (1765, 1768-1780)
Con của Po Thuntiraidaputih, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Dậu cho đến năm Tý ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Tý, trị vì 13 năm và đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

35. Po Tisuntiraydapuran (1780-1781)
Ngài không có liên hệ thân tộc với vua Po Tisuntiraydapaghoh, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Tý với chức phong là Praong “quan lớn››. Sau 1 năm trị vì, ngài bị quân Việt Nam bắt vào năm Sửu, nhưng không cho biết lý do gì. Biên niên sử cũng không nói ngài đóng đô ở đâu.

36. Cei Brei (1783-1786)
Con của vua Po Tisuntiraydapaghoh (triều 33), nhận tấn phong của Nguyễn Nhạc (Tây Sơn) vào năm Thỏ với chức tấn phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 4 năm và thoái vị năm Ngọ. Không biết ngài đóng đô ở đâu.

35. Po Tisuntiraydapuran (1786-1793)
Sau một lần lên ngôi vào năm Tý, trị vì một năm, vua Nguyễn Nhạc lại tấn phong cho ngài năm Ngọ với chức Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 8 năm sau đó bị bắt đưa về Ndaong Nai (Ðồng Nai) vào năm Sửu.

VII. Triều đại không biết xuất xứ

37. Po Ladhuanpaghuh (1793-1799)
Ngài xuất thân từ gia đình nông dân, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Sửu với chức phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 7 năm và thoái vị năm Mùi. Không biết ngài đóng đô ở đâu.

38. Po Saong Nhung Ceng (1799-1822)
Không biết ngài xuất thân từ gia đình nào. Ngài nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Mùi với chức Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 24 năm và thoái vị vào năm Ngọ. Ngài đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

Tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao chấm dứt với triều đại Po Soang Nhung Ceng (1799-1822). Ngược lại, một số biên niên sử khác viết bằng tiếng Chăm cho rằng sau ngày từ trần của Po Saong Nhung Ceng tại Bal Canar (Phan Rí) vì tuổi già chứ không phải là người chạy sang Campuchia lánh nạn như một số nhà nghiên cứu (Dorohiem & Dohamide) hiểu lầm, còn có hai vị vua cuối cùng tiếp tục lên ngôi, đó là :

39. Po Klan Thu (1822-1828)
Po Klan Thu là phó vương dưới thời Po Saong Nhung Ceng.

40. Po Phaok The (1828-1832)
Po Phaok The là con của Po Saong Nhung Ceng (1799-1822), tức là tiền nhân của dòng Bà Thềm ở Phan Ri hôm nay.
Lợi dụng ngày từ trần của Lê Văn Duyệt (Tổng Trấn Gia Định Thành) vào năm 1832, vua Minh Mạng quyết định xóa bỏ vương quốc Champa trên bản đồ Đông Dương. 
  
Ðoạn cuối cùng của Sakkarai Dak Rai Patao chỉ là phần tóm tắc các niên đại vua chúa thuộc thời kỳ huyền sử và các vua chúa thuộc thời kỳ lịch sử, cũng như tổng số các vua chúa Panduranga nhận tấn phong của vua Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi không đưa ra bàn ở đây.
Sakkarai Dak Rai Patao này được sáng tác hay là chép lại vào năm đệ nhất của triều đại Ham Ngi (Hàm Nghi), tức là vào năm 1884.

Phần phụ bản 
Phiên âm latinh của tác phẩm Sakaray Dak Ray Patao

Vì trung thành với nguyên tắc khoa học, chúng tôi sao y bản chánh ở đây tác phẩm Sakkaray Dak Ray Patao. Nếu có lỗi lầm gì trong bản gốc hay thêm một cụm từ nào đó trong tác phẩm này, thì chúng tôi đưa nó vào trong dấu ngoặc [...]. Những từ phát xuất từ gốc nước ngoài như Phạn Ngữ, Arap, Mã Lai, v.v., chúng tôi viết theo gốc từ nguyên thủy của nó. Thí dụ chúng tôi chép từ sakkarai thành một, chứ không phải sak karay, vì nó phát từ phạn ngữ sakaraja. Các số trong dấu ngoặc [tr. 1], [tr.2] là số trang của bản gốc. Các số nằm trong dấu [1], [2] là số chú thích. Ðúng ra, trong bản chính không xuống hàng. Nhưng chúng tôi tách rời từng đoạn để cho độc giả theo dõi  được dễ dàng mà thôi.
Phiên âm latinh trong phần này là hệ thống của Viện Viễn Ðông Pháp xuất bản vào năm 1997. Bản la tinh của Sakkarai Dak Rai Patao mà chúng tôi đăng tải ở đây phát xuất từ sách Chăm cổ hiện đang lưu trữ trong thư viện của Viện Viễn Ðông Pháp mang mã số Po Dharma (1).

Ni thuattik thidhik kariya [9] methau lei ka sakkarai dak rai patao ka mang jéng tanâh riya jéng adam nan,
Patao jéng éng [10], anak nasak tikuh Po Uwluah marai mang thuer jéng patao di nager Cam nan, di Bal Sri Banay [11], 37 thun, tel nasak tikuh Po Uwluah wek pak thuer,
Seng Po Bicansur [ Binnasur] di nagar Cam [12] ni tagok rai di nasak tikuh jéng patao drâng rai 41 thun lijang daok di Bal Sri Banây rei, tel nasak nagaray Po Bican [ Binnasur] wek pak thuer,,
Seng Po Putik di nagar tagok rai di nasak nagaray jéng patao [tr. 2] drâng rai 38 thun,, blaoh Po Putik luic rai di nasak asaih nan di Bal Sri Binây,,
Blaoh Po Sulika di nagar Cam tagok rai di nasak asaih jéng patao drâng rai 38 thun,, blaoh patao Sulika luic rai di nasak pabaiy lijang di Bal Sri Banây,,
Blaoh Po Klaong Garay tagok rai di nasak pabaiy jéng patao di Bal Sri Binây blaoh Po Klaong Garay marai ngap Bal daok di Bal Anguw drâng rai 55 thun,, seng Po Klaong Garay wek pak thuer merup di nasak kabaw,,
*
Blaoh Po Sri Agarang di nagar Cam, tagok di nasak kabaw  jéng [tr. 3] patao drâng rai 43 thun, blaoh patao Sri Agarang luic rai di nasak pabaiy di Bal Nguw [ Hanguw] nan jéng [ paje],,
Blaoh Cei Anâk [anâk] patao Sri Agarang tagok rai di nasak pabaiy jéng patao di Bal Anguw [ Hanguw] blaoh Cei Anâk marai ngap Bal di Bal Anguai drâng rai 35 thun, seng patao Cei Anâk luic rai di nasak ula anaih jeng [ paje],,
Blaoh Po Dobatathuer di nagar Cam urang bakan min, tagok rai di nasak ula anaih jéng patao di Bal Nguai [ Anguai] drâng rai 26 thun, luic rai di nasak asaih,,
Seng Po Patarsuer adei sa tian saong Po Dobatathuer tagok rai di nasak [tr. 4] asaih di Bal Anguai drâng rai 23 thun,, seng Po Patarsuer luic rai di nasak nagaray,,
Seng Po Bicansuer adei sa tian saong Po Patar [ Patarsuer] tagok rai di nasak nagaray jéng patao di Bal Anguai drâng rai 46 thun, luic rai di nasak kabaw,,
Seng Po Parican di nagar Cam, [urang] bikan min oh kan gep patao Bicansuer o tagok rai di nasak kabaw jéng patao di Bal Anguai drâng rai 25 thun, seng patao Parican luic rai di nasak kabaw,,
Oh ka jéng patao o,, blaoh Jek marai masuh di Bal Anguai,, seng buel Cam nduec gilay [ gilac] Bal tama marai [tr. 5] daok di Bal Prangdurang, adac 37 thun [13],
Seng Po Kathit anak patao Parican tagok rai di nasak kabaw jéng patao di Bal Batsinâng drâng rai 28 thun,, seng Po Kasit [ Kathit] luic rai di nasak nagaray,
Seng Po Kabrah anâk Po Kasit [ Kathit] tagok rai di nasak nagaray jéng patao daok di Biuh Bal Sinâng [ Batsinâng] drâng rai 35 thun, blaoh Po Kabrah luic rai di nasak rimaong,,
Seng Po Kabih adei sa tian saong Po Kabrah tagok rai di nasak rimaong jéng patao di biuh Bal Batsinâng drâng rai 37 thun,, blaoh Po Kabih luic rai di nasak rimaong,,
Seng Po Karutdrak [tr. 6] adei sa tian saong Po Kabih tagok rai di nasak rimaong jéng patao di biuh Bal Batsinâng drâng rai 7 thun luic rai di nasak kra,,
Blaoh Po Mahosarak urang bakan min o kan gep baoh tian saong Po Karutdrak o,, tagok rai di nasak kra di Biuh Bal Batsinâng drâng rai 6 thun, luic rai di nasak kabaw,,
Blaoh Po Kunarai adei sa tian saong Po Mahésarak tagok rai di nasak kubaw jéng patao di biuh Bal Batsinâng drâng rai 13 thun, blaoh Po Kunarai luic rai di nasak kubaw,,
Seng Po At kumuen anak sa tian saong Po Kunarai nasak tikuh tagok di [tr. 7] nasak kabaw, ngap Bal daok mang lingiw Biuh Batsinâng drâng rai 27 thun,, blaoh At [ Po At] luic rai di nasak tapay,,
Blaoh Po Klaong Halau di nasak manuk di nagar Cam urang bakan min oh kan gep baoh tian Po At, tagok rai di nasak tapay jéng patao drâng rai 25 thun,, seng Po Klaong Halau luic rai di nasak tipay,,
Seng Po Nit nasak pabaiy [14] anak Po Klaong Halau tagok rai di nasak tipay jéng patao daok di Bal Prangdurang drâng rai 11 thun,, blaoh Po Nit luic rai di nasak kabaw,,
Seng Po Jaiparan nasak athau adei sa tian saong Nit [tr. 8] tagok rai jéng patao di nasak kabaw drâng rai 6 thun, blaoh Po Paran [Jaiparan] luic rai di nasak asaih,,
Seng Po Aih [Aih Khang] anak Po Jaiparan nasak tikuh tagok rai di nasak kabaw di Bal Prangdurang drâng rai 11 thun luic rai di nasak athau,
Blaoh Po Mah Taha urang bikan min [tagok rai di nasak asau] daok di Bal Prangdurang drâng rai 6 thun,, blaoh Po Mah Taha luic rai di nasak tipay,,
Seng Po Ramé nasak ula anaih matuw Po Mah Taha tagok rai di nasak tipay jéng patao ngap biuh daok di Bal Pangdurang [ Prangdurang] drâng rai 25 thun luic rai di nasak tipay,
Blaoh Po Nraop [tr. 9] nasak kubaw adei sa tian saong Po Ramé tagok rai di nasak nagaray jéng patao ngap Bal daok di Bal Prangdurang drâng rai 1 thun luic rai di nasak ula anaih,,
Blaoh Po Phiktaraidarghoh [ Po Saktiraydapaghoh] matuw Po Ramé patao Yuen brei thrak [15] tagok rai di nasak asaih daok di Bal Prangdurang drâng rai jéng patao drâng rai 4 thun luic rai di nasak manuk,,
Blaoh Po Jatamah matuw Po   Phiktaraidarghoh [ Po Saktiraydapaghoh] patao Yuen brei thrak di nasak manuk jéng Ndo Ndaok Ndai Tong Kuan [16]  apan nagar Cam 2 thun,
Blaoh patao Yuen brei thrak ka Po Saot di nasak [tr. 10] pabaiy anak Po Phiktaraidargho [Po Saktiraydapaghoh] nasak pabuei [17] tagok rai di nasak tikuh jéng patao daok di Bal Prangdurang drâng rai 33 thun luic rai di nasak kra,,
Daok 3 thun gan [18] seng Po Saktiraydapatih adei sa tian saong Po Saot patao Yuen brei thrak di nasak pabuei tagok rai di nasak tikuh jéng patao daok di Bal Prangdurang drâng rai 32 thun luic rai di nasak pabaiy,,
Blaoh Po Ganuhpatih nasak kabaw ticaow Po Saktaraydapatih patao Yuen brei thrak tagok rai di nasak kra jéng patao daok di Bal Prangdurang drâng rai 3 thun [tr. 11] luic rai di nasak athau,,
Blaoh Po Thuntaraidapatih anâk Po Saot patao Yuen brei thrak jéng Nyam [ Kham] Lik Mbing [19] di nasak pabuei drâng rai 1 thun luic rai di nasak tikuh,,
Blaoh Po Tatiraidapatao [Po Rattiraydaputao] yuen [20] ticaow Po Saktiraydapatih, patao Yuen brei thrak di nasak tikuh tel nasak tipay jéng patao daok di Bal  Prangdurang drâng rai 29 thun luic rai di nasak pabaiy,,
Blaoh Po Tithundimah [Tisundimahrai] tagok rai di nasak tipay anak Po Rattiraydapatao, patao Yuen brei thrak di nasak pabaiy jéng Kai Bait [tr. 12] Min [ Mbin] [21] apan nagar Cam, drâng rai 01 thun luic rai di nasak manuk,,
Blaoh Po Tisantaraidarghoh [Tisuntiraydapaghoh] nathak kabaw anak Po Nyam [ Kham] Lik Mbang [ Mbin] patao Yuen brei thrak di nasak manuk tel nasak tikuh tagok rai daok di Bal Prangdurang drâng rai 13 thun luic rai di nasak tikuh,,
Blaoh Po Tithuntiraydaparan nasak athau urang bakan min patao Yuen brei thrak di nasak tikuh jéng Praong [22] hu 1 thun, blaoh Po Tathuntiraydapuran klah [23] di nasak kabaw,,
Blaoh Cei Brei nasak manuk anak Po Tithuntiraydarghoh patao Nyak [24] brei thrak di nasak [tr. 13] tipay, jéng Cong [ Ceng] [25] apan nagar drâng rai 4 thun,, luic rai di nasak asaih,,
Blaoh patao Nyak brei thrak ka Po Tisundapaghoh di nasak asaih jéng Cong [Ceng] apan nagar Cam daok 8 thun blaoh mak ba nao Ndaong Nai [26] di nasak kabaw nan jéng,,
Blaoh Po Laghuen [Ladhuanpaghuh] nasak ula anaih anak buel min [27], patao brei thrak di nasak kabaw, jéng Cong [ Ceng] apan nagar Cam drâng rai 7 thun, luic rai di nasak pabaiy,,
Blaoh patao brei thrak ka Po Saong Nyung Cong [Ceng] di nasak pabaiy jéng Ceng Ko [28] daok di Bal Prangdurang drâng rai 24 thun, luic rai di nasak asaih,, [tr. 14]
Ni kahria dom patao jéng éng 3 rai nan 117 thun daok di Bal Sri Banay,,
Dom patao di nagar Cam jéng éng 2 rai tra nan 93 thun lijang daok di Bal Sri Banay nan rei,, [29]
Dom di dalam nagar Cam 2 rai patao daok Bal Hanguw nan 78 thun,,
Dom patao daok di Bal Anguai 4 rai nan saong thun adac oh hu jéng patao o nan 37 thun, kahria kaong 157 thun,,
Dom patao daok di Biuh Bal Batpunâng [ Batpinâng] 7 rai nan kuhria, 179 thun,,
Dom patao daok di Bal Prangdurang nan, 6 rai, 60 thun,,
Dom patao Yuen brei thrak jéng patao ngan jéng praong nan 14 rai,, nan [tr. 15] dom patao nan 6 rai, jéng praong nan 8 rai,, patao Nyak brei jéng praong 2 rai,, patao Yuen brei jéng praong nan 6 rai,, kuhria 167 thun,,
Kuhria rai patao mang jéng tanâh riya jéng adam,, jéng Po Awluah tel di rai Po Cùeng Ko luic rai nan kuhria mboh 850 thun,, dom jéng patao nan kuhria taom hu 30 rai, 804 thun,, dom jéng Praong nan 8 rai,, kahria jéng patao ngan jéng Praong nan 38 rai,, jéng Praong 8 rai nan 46 thun adac,,
Mang Min Mang [30] thep ngu nieng [31] di nasak ula anaih nan gap lang brei jéng kai taong lik kleng mang tel Ham Ngi [32] ngu nieng [33] di nasak manuk ni [tr. 16] nan hu 52 thun,,,

Chú  thích

1.- Liên quan đến lịch sử Champa, độc giả nên xem các tác phẩm sau đây : G. Maspero (1928); G. Coedes (1964); Po Dharma (1978, 1987).
2.- Về lịch sử Champa sau thế kỷ thứ 15, xin xem Po Dharma, 1987; P-B. Lafont, 1980.
3.- L. Finot (1903), G. Coedes (1964), P-B. Lafont (1980), Po Dharma (1987), B. Gay (1988).
4.- Dohamide & Dorohiêm (2004, tr. 263). Không biết hai tác giả này lấy đâu là tư liệu để biện minh cho quan điểm của mình.
5.- Chính vì thế, một số nhà viết lách cho rằng Harek Kah Harek Dhei  dùng trong bản văn Chăm akhar thrah nằm ở Quảng Bình là không thể được, vì địa danh này chỉ nằm ở khu vực Aia Ru (tỉnh Phú Yên) tức là địa đầu của tiểu vương quốc Panduranga. Càng không thể được nếu cho rằng Bia Mih Ai trong tác  phẩm Nai Mai Mang Makah là công chúa Mị E, vợ của Jaya Sinhavarman II,  tức là Sạ Ðẩu (1044-), v.v. 
6.- Trong 12 tên con giáp, Việt Nam có «Mẹo» tức là mèo, tiếng Chăm gọi là tapay «con thỏ».
7.- Sakawi = Saka + Jawi, tức là lịch Panduranga và lịch Hồi Giáo hỗn hợp để làm thế nào ngày Katé không trùng mùa Ramawan.
8.- Trong tài liệu hoàng gia Champa, có hàng ngàn hồ sơ mang ngày tháng rõ ràng. Tất cả hồ sơ này chỉ mang tên 12 con giáp, chứ không có liah, hak, jim, jây... 
Thí dụ, hồ sơ số 6 dưới thời Vĩnh Hựu (1735-1740) viết vào ngày thứ ba (angar), mồng (bangun) 13, tháng (bulan)  2, năm (thun)  Thìn (rimaong) của lịch Paduranga, tức là vào năm Bính Thìn 1736. Ðây là điểm móc thời gian mà các nhà tính lịch cần nghiên cứu để phác họa công thức chu kỳ của lịch Chăm, tính từ hôm nay trở về thế kỷ thứ 17 hầu đối chiếu lại với niên đại ghi trong tư liệu hoàng gia Champa. Nếu không, những gì họ đưa ra chỉ là một lý thuyết mơ hồ.
9.- thuattik thidhik kariya, gốc từ Phạn ngữ: suasti ! siddhi ! jaya ! “phúc thay !›› Ðây cũng là câu thường dùng cho lời mở đầu của một bài viết trong nhiều tác phẩm Chăm.
10.- éng có nghĩa là «tự, chính mình». Patao jéng éng tức là vua tự sinh ra, tự dáng thế. Họ là thần linh chứ không phải là người thường.
11.- Sri Banay, tiếng Phạn là Sri Vini, nghĩa là «nơi tàu cập bến, hải cảng». Tiếng Việt phiên âm là Thị Nại, hay Nại. Sri Banây là thủ đô đầu tiên của Panduranga có thể ở khu vực Nại (làng Tri Thủy), Phan Rang.
12.- di nagar Cam có nghĩa là «xuất xứ từ đất đai Panduranga» so với Po Uwluah là thần linh xuất thân từ một nước khác.
13.- Tức là bị gián đoạn ngôi vua trong vòng 37 năm.
14.- Ngài sinh năm pabaiy «Mùi››.
15.- thrak, phiên âm từ tiếng Việt «sắc», tức là chức vị.
16.- Ndo Ndaok Ndai Tong Kuan, tức là Ðô Ðốc Ðại Tướng Quân.
17.- Ngài sinh năm  pabuei «hợi».
18.- Tức là bị gián đoạn ngôi vua trong vòng 3 năm.
19.- Kham Lik Mbing = Khám Lý Binh.
20.- Yuen «Việt Nam»  ở đây có thể là do người sao chép biên thêm, vì nó không có nghĩa trong câu này.
21.- Kai Bait Mbin, tiếng Việt là Cai Bếp Binh.
22.- Praong, tức là quan lại cao cấp.
23.- klah ở đây có thể hiểu là bị trục xuất hay tự trốn thân.
24.- Nyak, hay là Nguyễn Nhạc của Tây Sơn.
25.- Ceng, tiếng Việt gọi là Chưởng Cơ.
26.- Ndaong Nai tức là Ðồng Nai.
27.- anak buel min ngụ ý rằng ngài không phải là gia đình hoàng gia.
28.- Ceng Ko, tiếng Việt là Chưởng Cơ 
29.- Trong phần này, biên niên sử cho rằng thời kỳ huyền sử tổng cộng là 5 vua. Ba vua huyền sử là Po Uwluah, Po Bicansur, Po Klaong Garay là thần linh không xuất thân từ lãnh thổ Panduranga. Ngược lại, Po Putik, Po Sulika là thần linh có nguồn gốc ở  Panduranga.
Po Uwluah là nhân vật phát xuất từ Trung Ðông, Ả Rập. Po Klaong Garai có thể là thần biểu tượng cho vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân), gốc miền bắc, chủ nhân của tháp mang tên là Bimong Po Klaong Garai hôm nay. Chỉ còn lại Po Bicansur thì không biết xuất xứ ở đâu.
30.- Min Mang, tức là hoàng đế  Minh Mạng
31.- thep ngu nieng, phiên âm từ tiếng Việt «thập ngũ niên».
32.- Ham Ngi  tức là vua Hàm Nghi.
33.- ngu nieng, phiên âm từ tiếng Việt «ngũ niên».

Tài liệu trích dẫn

Finot, L., «Notes d'épigraphie. V. Panduranga», trong BEFEO III (1903), tr. 630654.

Finot, L., «Notes d'épigraphie. XII. Nouvelles inscriptions de Po Klaun Garai», trong BEFEO IX2 (1909), tr. 205209.

Aymonier, E., “Légendes historiques des Chams”, trong Excursions et Reconnaissances XIV32 (1890) tr. 145206.

Bui Quang Tung, «Tables synoptiques de chronologie vietnamienne», trong BEFEO, LI, fasc. I, 1963, tr.1-78.

Coedes, G., Les Etats hindouisés d'Indochine et d'Indonésie, Boccard, Paris,1964.
Dorohiêm & Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, Hiệp Hội Chàm Hồi Giáo Việt Nam, Saigon, 1965.

Dohamide & Dorohiêm, Bangsa Champa, tìm về với một cội nguồn xa cách, Seacaef-Viet foundation, California, Hoa Kỳ, 2004.

Dupuis, J., Singapour et la Malaisie, Presses universitaires de France, Paris, 1972.

Durand, E. «Notes sur les Chams. III . La Chronique Royale», trong BEFEO V, 1905, tr. 377382.

Gay, B., «Vue nouvelle sur la composition ethnique du Campa», trong Actes du Seminaire sur le Campa organisé à l'Université de Copenhague le 23 mai 1987, CHCPI, Paris, 1988, tr. 4958.

Lafont, P-B., «Pour une réhabilitation des chroniques rédigées en cam moderne», trong BEFEO LXVIII, 1980, tr. 105-111.

Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử Việt Nam Giản Yếu, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000.

Lương Ninh, Lịch Sử Vương Quốc Champa, Nhà Xuất Bản Ðại Học Quốc Gia, Hà Nội, 2004.

Mak Phoeun, Chronique royale du Cambodge (Des origines légendaires jusqu'à Paramaraja I), Publi. EFEO, Paris, 1984.

Maspero, G., Le Royaume de Champa, Van Oest, Paris, 1928.

Pelliot, P. «Textes chinois sur le Panduranga», trong BEFEO III (1903), tr. 649654.

Po Dharma, Chroniques du Panduranga, Paris (Luận án phó tiến sĩ, Sorbonne) Paris, 1978.

Po Dharma, Le Panduranga (Campa)18021835. Ses rapports avec le  Viêtnam, Public. EFEO, Paris, 1987, 2 tập.

Po Dharma, Nai Mai Mang Makah – Tuan Puteri dari Kelantan – La princesse qui venait du Kelantan (avec G. Moussay et Abd. Karim). Ministère de la Culture, des Arts et du Tourisme de Malaisie & Ecole Française d'Extrême-Orient, Kuala Lumpur 2000, 162 p., Version biligue : malaise et fraçaise.

Saveng Phinith, Contribution à l'histoire du royaume de Luang Prabang, Publi. EFEO, Paris, 1987.

Whitfield, Danny J., Historiacal and Cultural Dictionary of Vietnam, The Scarecrow Press, Metuchen, N. J., 1976.


http://www.champaka.info/index.php?option=com_content&view=article&id=699:datlai&catid=34:lichsu&Itemid=28

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét