Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Marco Polo đã đến Champa vào năm 1285?


Marco Polo đã đến Champa vào năm 1285?


Henry Yule
 Ngô Bắc dịch
Nhà du hành nổi tiếng của thành phố Venice, Marco Polo (1254-1324), đã là người Âu Châu đầu tiên đã ghi chú lại cuộc hành trình của ông ta đến vùng Viễn Đông và Đông Nam Á Châu.  Hành trình sau đây, trong đó ông thảo luận về những sự quan sát của ông tại đảo Java, Sumatra (túc đảo Java Nhỏ Hơn – Java the Less) và Champa (Chàm hay Chăm)
, đã là đề tài tranh luận trong giới sử gia, nhiều người trong họ đã đồng ý rằng ông ta chưa hề đến thăm đảo Java mặc dù ông ta có thể đã trải qua nhiều tháng trên đảo Sumatra.  Marco Polo bị dị nghị về việc có dừng chân tại Vương Quốc Champa trên hành trình quay về Âu Châu từ Trung Hoa.  Sau chuyến hồi hương về Ý Đại Lợi hồi đầu thế kỷ 14, tập tường trình du hành chỉ được tin tưởng một phần của Marco Polo đã khuấy động sự quan tâm trở lại của giới trí thức Âu Châu về Á Châu.
CHƯƠNG V. VỄ XỨ SỞ VĨ ĐẠI MANG TÊN CHAMBA [CHAMPA]
Bạn phải biết rằng khi rời khỏi cảng Zayton (1) bạn lái thuyền theo hướng tây tây-nam khoảng 1500 hải lý, và khi đó bạn đến một xứ sở được gọi là CHAMBA, một khu vực rất giàu có, có vị quốc vương riêng của mình.  Dân chúng theo đạo thờ Thần Tượng (Idolaters) và triều cống hàng năm lên Đại Đế Thành Cát Tư Hãn (Great Kaan) [ tức Hoàng Đế Trung Hoa], bao gồm voi và không có gì ngoài các thớt voi.  Và tôi sẽ kể cho bạn hay làm cách nào họ đã triều cống như thế.
Chuyện xảy ra vào năm 1278 sau Thiên Chúa, Đại Đế nhà Nguyên đã phái một vị Nam Tước tên gọi là Sagatu (Toa Đô, chú thích của người dịch) dẫn một lực lượng kỵ binh và bộ binh vĩ đại sang đánh Vương Quốc Chamba, và vị Nam Tước này đã phát động một cuộc chiến tranh trên một qui mô rộng lớn để chống lại Nhà Vua và xứ sở của ông ta.
Bấy giờ Nhà Vua (có tên là Accambale)đã là người rất lớn tuổi, và ông cũng không có một lực lượng hùng hậu như vị Nam Tước đang có.  Và khi nhà vua chứng kiến sự tàn phá mà vị Nam Tước đang tác họa trên vương quốc của mình, nhà vua mang nặng nỗi khổ sầu trong tim.  Vì thế nhà vua đã yêu cầu các sứ giả sẵn sàng và đã phái họ đến yết kiến Đại Đế nhà Nguyên.  Và các sứ giả này đã trình bày cùng Đại Đế nhà Nguyên như sau: “Quốc Vuơng xứ Champa của chúng tôi kính chào ngài như một vị bá chủ, và muốn thông tri với ngài rằng nhà vua bị ốm đau trong nhiều năm nay và đã giữ yên bờ cõi từ lâu.  Và bây giờ nhà vua sai chúng tôi dến chuyển lời cùng ngài rằng nhà vua chúng tôi sẵn lòng làm phiên thuộc của ngài, và hàng năm sẽ triều cống ngài số voi nhiều như ngài muốn có.  Và nhà vua xin khẩn cầu ngài, với tất cả tấm lòng khoan hòa và khiêm cung, để xin ngài ban huấn từ cho vị Nam Tước hãy đình chỉ việc quấy phá xứ sở của nhà vua và hãy rời khỏi lãnh thổ của nhà vua.  Những sự việc này từ nay trở đi đều thuộc ờ quyền quyết đoán tuyệt đối của ngài, và nhà vua chúng tôi trông chờ quyết định của ngài.”
Khi Đại Đế nhà Nguyên nghe qua lời trần thuật của sứ đoàn của Nhà Vua, Đại Đế đã động lòng thương hại, và đã ban chỉ dụ cho vị Nam Tước của mình dẫn đoàn quân rời khỏi vưong quốc để đi chinh phục một vài nước khác; và ngay khi mệnh lệnh này đến tai đoàn quân, họ đã lập tức tuân hành.  Chính vì thế mà rồi nhà vua này trở thành một phiên thần của Đại Đế nhà Nguyên, và đã triều cống hàng năm phẩm vật gồm 20 thớt voi to nhất và tốt nhất được tìm thấy trong xứ sở.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy gác qua câu chuyện đó, và để cho bạn hay biết một số điều lý thú về vị Quốc Vương Champa này.
Bạn phải hay biết rằng tại vương quốc đó không có người phụ nữ nào được phép kết hôn cho đến lúc vị Quốc Vương trong thấy mặt người đó; nếu nhà vua lấy làm vừa lòng khi đó ông ta sẽ lấy người đàn bà đó; nếu không vừa lòng, nhà vua sẽ ban cho cô gái một số hồi môn để đi lấy chồng.  Vào năm 1285 sau Thiên Chúa, năm mà sứ giả Marco Polo có mặt tại xứ sở đó, và khi đó nhà vua có, kể cả con trai lẫn con gái, 326 người con, trong đó có ít nhất có 150 trai tráng khỏe mạnh sẵn sàng cầm vũ khí.
Có các số lượng lớn lao về các con voi trong vương quốc này, và họ có nhiều gỗ trầm hương (lingaloes) nữa.  Họ cũng có những khu rừng trải rộng trồng loại cây Mun (Bonus, màu đen bóng) cho gỗ đen tuyền, có thể dùng để chế tạo ra các quân cờ và các cán bút.  Nhưng không còn gì để nói nữa, vì thế chúng ta hãy tiếp tục kể sang chuyện khác.
——–
(1) Tức cảng Ch’uan-Chow, trong tỉnh Phúc Kiến.  Vào thời Polo, đó là một cảng lớn cho sự mậu dịch ở phía Nam Hải.
——–
Chú của người dịch:
a. Đây có lẽ là văn bản đầu tiên của Âu Châu và nói chung của phương Tây đề cập đến phần lãnh thổ nay thuộc Việt Nạm  Cùng với tập tường trình này là một bản đồ trong đó có ghi địa danh Ania (An Nam), và có lẽ cũng là bản đồ đầu tiên của Âu Châu có vẽ phần đất của Việt Nam ngày nay.
b. Liên hệ đến sự tường thuật về chuyến thăm viếng Champa của Marco Polo kể trên, tác giả Jack Weatherford, trong quyển Gengis Khan and The Making of the Modern World, Crown Publishers, New York, 2004, các trang 212-213, có ghi nhận như sau:
“Các sự chinh phục trên đất liền của Mông Cổ vẫn tiếp diễn.  Bất kể tình trạng cực kỳ khó khăn của cơn nóng nhiệt đới và thủy thổ khác lạ, đội quân của Mông Cổ đã thành công tại Miến Điện, Xứ An Nam phía Bắc Việt Nam, và Lào.  Nhiều vương quốc tại vùng Đông Nam Á, kể cả các nhà cai trị vương quốc Champa tại phía nam Việt Nam và xứ Malabar dọc bờ biển Ấn Độ, đã tự nguyện thần phục dưới sự thống trị của Mông Cổ.  Ở một vài khía cạnh, các hành vi thần phục này chỉ có tính cách tượng trưng hơn là thực chất, và người Mông Cổ cũng thiếu nhân lực để cai quản họ.  Tuy nhiên, các kẻ thần phục mới đã mang phẩm vật đến triều cống triều đình Mông Cổ, kể cả voi, tê giác, và chiếc răng được tường thuật là của chính Đức Phật.  Sự trao đổi phẩm vật triều cống và tặng vật đã được xử dụng như một bức màn mỏng lễ nghi ngụy trang cho một sự mâu dịch thương mại ngày càng gia tăng về khối lượng và giá trị.”
c. Tập tường trình của Marco Polo bị các sử gia hiện thời dị nghị về nhiều điểm, trong đó có sự kiện nổi bật nhất là khi mô tả về Trung Hoa, Marco Polo không hề nói gì về bức Vạn Lý Trường Thành.  Cần ghi nhận rằng các nghiên cứu gần đây nhất cho hay thực ra Vạn Lý Trường Thành chỉ được  củng cố và xây dựng một cách có hệ thống từ đời nhà Minh, tức cả một thế kỷ sau khi Marco Polo trở về Ý Đại Lợi.
——–
Nguồn: The Book of Ser Marco Polo, dịch bởi Henry Yule (London: John Murray, 1903), Vol. II, các trang 266-268.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét