THẦN MẸ XỨ SỞ - PO INA NAGAR CHĂM
Sakaya
Trong những năm vàng son của nền văn minh Ấn Ðộ giáo kể từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 15, tam thần giáo: Shiva, Vishnu và Brahma đều được sùng bái ở vương quốc Champa. Nhưng so với Vihsnu và Brahman, Shiva là thần được thờ phượng và tôn sùng nhất. Ða số các đền đài còn nằm rải rác ở miền trung Việt Nam hôm nay là những nơi thờ phượng thần Shiva.
Cùng với 3 vị thần trên, còn có rất nhiều Nữ thần được thờ phượng dưới nhiều hình thức khác nhau ở Champa. Nhưng trong nhóm Nữ thần này, chỉ có Nữ thần Bhagavati làvợ của Shiva mà dân gian thường gọi là Nữ thần mẹ xứ sở Po Ina Nagar được tôn sùng nhất ở vương quốc Champa. Ðể nhớ đến công lao và quyền uy của Nữ thần này, vua chúa Champa đã xây cất một thánh địa riêng để thờ phượng bà ở Kauthara (Nha Trang) - nơi mà người Chăm hôm nay gọi là Bimong Po Ina Nagar Aia Trang.
Tháp Po Ina Nagar ở Nha Trang cho đến hôm nay, không ai biết thánh địa này xây vào năm nào. Những bia đá còn lưu lại chỉ cho biết rằng thánh địa Nha Trang đã bị cháy vào năm 774 sau công nguyên. Gần 200 năm sau, tức là vào năm 918 sau công nguyên, hoàng gia Champa đã đúc một tượng của Nữ thần Bhagavati bằng vàng để thờ phượng trong khu vực thánh địa này. Năm 965 sau công nguyên, tượng vàng này bị quân Kampuchea đánh cắp. Chùnh vì thế, vua Jaya Indravarma cho lệnh tạc một tượng mới của Nữ thần Bhagavati bằng đá để thay thế tượng bằng vàng. Năm 1170 sau công nguyên, vua Jaya Harivarman co đến làm lễ ở thánh địa này nhân ngày chiến thắng chống lại Ðại Việt và phong thần cho Nữ thần này thành Yang Pu Nagara hay là thần Vương Quốc. Năm 1183 sau công nguyên, vua Jaya Indravarman IIIphong chức Nữ thần này thêm một bậc nữa đó là Bhagavati Kautharesvari, tức là Nữ thần Vương Quốc Kauthara. Cuối cùng năm 1256 sau công nguyên, Nữ Thần được phong thêm một chức mới nữa đó là Bhagavati Matrlinggesvari. Cũng trong thời kỳ này, Nữ thần Bhagavati còn đượ cthờ phượng trong một số đền ởnơi khác. Tùy theo sở thích và lòng tin của dân chúng địa phương mà họ có cách thờ phượng khác nhau.
Sau thế kỷ thứ 15, thế kỷ đánh dấu sự suy vong của vương quốc Champa ở Vijaya (Bình Ðịnh) và cũng là sự suy tàn nền văn minh Ấn Ðộ giáo - Champa. Dân tộc Chăm ở vương quốc Panduranga chạy dài từ Phú Yên (harek kah harek dhei) đến Biên Hoà không biết Bhagavati là vợ của Shiva và cũng không còn gọi Nữ thần này là Bhagavati nữa. Nhưng đặt cho bà một tên mới đó là Po Ina Nagar, tức là Thánh Mẫu Vương Quốc và tạo cho Nữ thần Po Ina Nagarbao chuyện truyền thuyết mới mà nội dung không dính dáng gì với Nữ thần Bhagavati, vợ của Shiva trong thời vàng son của Ấn Ðộ giáo. Sự thay đổi danh xưng này không có gì là ngạc nhiên cho lắm. Vì ai cũng biết rằng, từ thế kỷ thứ 15, nền văn minh Ấn Ðộ giáo không còn quyền lực, ảnh hưởng trong vương quốc Panduranga ở miền nam Champa nữa. Và cũng sau thế kỷ thứ 15 nền văn minh của vương quốc Panduranga đi vào một thời kỳ mới. Ðây là nền văn minh được dung hợp giữa tín ngưỡng địa phương, một chút tàn dư của nền văn minh Ấn Ðộ và thêm vào đó là nền văn minh Hồi Giáo. Tam thần giáo của Ấn Ðộ giáo: Shiva, Vishnu và Brahma chỉ còn lại âm vang xa xưa trong tín ngưỡng dân gian ở Panduranga (Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay). Các tu sĩ Po Adhia, Basaih Chăm Ahier còn nhắc đến Shiva một cách mờ nhạt trong một số lễ nghi dưới hình thức “Om Nama Sibayong”, tức là ''nhân dang danh đấng Shiva'', và các nghi lễ ở đền tháp là Po Ginuer Matri. Cũng từ đây, sau thế kỷ thứ 15 dường như vương quốc Panduranga-Champa bắt đầu Champa hoá những gì có lại từ nền văn minh Ấn Ðộ giáo. Nữ thần Bhagavati, vợ của Shiva trở thành Po Ina Nagar tức là Thánh Mẫu Vương Quốc.
Với chức năng là Thánh Mẫu Vương Quốc, Po Ina Nagar được dân tộc Champa ở địa phương Pandurang tôn sùng và coi là một Nữ thần quan trong nhất trong hệ thống tín ngưỡng dân gian. Chính vì thế, có rất nhiều đền thờ của Nữ thần còn nằm rải rác trên lãnh thỗ Panduranga chạy dài từ Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên) đến Baigaor (Saigon). Ðây là những Nữ thần Po Ina Nagar tuần tự từ bắc đến nam mà hiện nay người Chăm còn cầu cúng:
Po Ina NagarAia Ru (Phú Yên)
- Po Ina Nagar Aia Trang (thánh địa Nha Trang)
- Po Ina Nagar Taha (Hữu Ðức, Ninh Thuận)
- Po Ina Nagar Hamu Ram (Maram - Hữu Ðức)
- Po Ina Nagar Hamu Mbang Katheh (Hữu Ðức - Ninh Thuận)
- Po Ina Nagar Hamu Ak (Vụ Bổn - Ninh Thuận)
- Po Ina Nagar Hamu Gin (?)
- Po Ina Nagar Hamu Kut (Bỉnh Nghĩa - Ninh Thuận)
- Po Ina Nagar Hamu Marau (vùng người Raglai - Ninh Thuận)
- Po Ina Nagar Hamu Marom (Marom- Raglai -Ninh Thuận )
- Po Ina Nagar Hamu Parik (Phan Rí - BìnhThuận )
- Po Ina Nagar Hamu Pajai (Lòng Sông - Bình Thuận)
Cũng cần nhấn mạnh rằng, trước chiến tranh Tây Sơn, tức là vào năm 1771, người Chăm pândunga vẫn thường đến thánh địa Nha Trang để thờ Po InaNagar. Vào năm 1771, Tây Sơn vùng dậy và chiếm thánh địa Nha Trang và thời gian này không cho người Chăm đến Nha Trang cúng tế nữa. Kể từ đó vua Panduranga ra lệnh chuyển thánh địa Nha Trang về làng Hữu Ðức -Phan Rang. Thế thì đền thờ Po Ina Nagarở làng Hữu Ðức nay chỉ đượcxây sau năm 1771 .
Một Nữ thần được dân chúng thờ phượng trong 12 đền nằm rải rác trên toàn lãnh thổ của vương quốc Panduranga đã chứng tỏ rằng sau ngày vàng son của Champa Ấn Ðộgiáo, Po Ina Nagarvẫn là một Nữ thần giữ một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của người Chăm hôm nay.
Trong suốt 4 thế kỷ, Nữthần này được tấn phong bốn lần. Năm 1170 với chức Yang Pu Nagara hay là Thần Vương Quốc; năm 1183 với chức Bhagavati Kautharesvari, tức là Nữ Thần Vương Quốc Kauthara;năm 1256 với chức Bhagavati Matrlinggesvari. Sau thế kỷ thứ 15, vương quốc Panduranga không còn nhận Nữ thần này dưới danh nghĩa là vợ Shiva nữa nhưng là Po Ina Nagar''Thánh Mẫu Vương Quốc''. Cũng kể từ đó, vương quốc Panduranga-Champa bắt đầu tạo cho Nữ thần này bao nhiêu truyền thuyết mớimà nội dung không dính dáng gì với cốt truyện của Nữ Thần Bhagavatinhư thời Champa- Ấn Ðộ giáo .
Mục tiêu bài viết này chỉ nhằm tóm lược lại những truyện thuyết mới về Po Ina Nagar được ghi lại trong các sách cổ của người Chăm ở Panduranga. Qua nội dung bài này, độc giả có thể hình dung được uy quyền linh thiêng của Nữ thần này không những trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Champa trong quá trình lịch sử,mà cả trong tín ngưỡng dân gian của người Kinh dưới danh xưng Thánh Mẫu Y Ana, Thiên Y Ana, Liễu Hạnh Công Chúa, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc, Bà Ðen, v.v. Cũng qua nội dung bài này, độc giả cũng nhận diện được đâu là truyện thuyết của Nữ thần này dưới thời vàng son của Champa -Ấn Ðộ giáo trước thế kỷ thứ 15, đâu là truyền thuyết của Nữ thần Po Ina Nagar sau thế kỷ thứ 15 trong nền văn minh mới ở Panduranga pha lẫn ba nền văn minh khác nhau: tín ngưỡng địa phương, tàn dư Ấn Ðộ giáo và văn minh Hồi giáo.
Nữ thần Po Ina Nagar vớicâu truyện sáng thế kỉ
Po Ina Nagar- vị thần sáng thế kỉ của người Chăm ( Panuec lang ka Po Ina Nagar)
Hiện nay trong dân gian Chăm còn lưu lại nhiều tư liệu viết tay, truyện kể về nữ thần như truyện sáng thế kỉ, truyền thuyết, bài cúng thần trong dịp lễ hội ... Riêng truyện sáng thế kỉ, Po Ina Nagar được gọi là Po patao kumei (vị vua đàn bà) hoặc Muk juk (Bà đen).Vị Nữ thần này mặc dù là nhân vật huyền thoại từ cõi trời giáng thế xuống trần gian (patao engkat) nhưng có đến “97 người chồng và 36 người con tượng trưng cho 37 màu máu, 37 màu máu biến thành 37 loại giống cây trồng, vật nuôi, và các loại tục lễ cúng thần khác...” (Po Ina Nagar37 bar tarah, tarah ni tabiak klau pluh tajuh bal mưta...). Mỗi bộ phận của cơ thể của Nữ thần còn là tượng trưng cho từng bộ phận của vũ trụ.Tư liệu trên còn viết :
- Thân mình của Nữ thần chính là phần trời (rup Po Ina Nagar sidah tok ka lingik).
- Ðầu Nữ thần chính là mão đội đầu của các vị vua, cả sư đạo Chăm Ahier (akaok Po Ina Nagar sidah tok ginrang po adhia)
- Cánh tay Nữ thần là tượng trưng cho sao cày (tangin Po Ina Nagar sidah tok ka batuk baoh lingal
- Ðôi chân Nữ thần chính là sao Bắc đẩu (takai Po Ina Nagarsidah tokkabatukahaok).
- Răng của nữ thần chính là lưỡi rìu đá thần sấm sét (takei Po sidah tok ka katal klak di kayau).Giọng nói của Nữ thần chính là tiếng sấm sét (sap posidah tok ka grâmmanhimin)
- Hơi thở của Nữ thần chính là gió, bảo (jawa Po sidah tok ka angin, rabukmin)
- Võng nằm (kiệu khiêng) Nữ thần tượng tưng cho 4 hướng Ðông, tây, nam, bắc (ayun Po sitah tok kapun, pai, ut, dak, mraong,barak)
Ngoài việc giải thích vũ trụ bằng những bộ thân thể của của Nữ thần, tư liệu còn viết: NữThần Po Ina Nagar có 8 cái bùa phép (dalapan takaisarak). Mỗi cái bùa Po Ina Nagar lập ra trời đất, mặt trời, mặt trăng (yang harey, yang bilan), thân thể con người; tạo thành Chăm Ahier, Chăm Awal. Po Nagar còn tạo ra lịch pháp, dạy người Chăm biết sử dụng ngày tháng năm. Nữ thần Po Ina Nagarcòn tạo ra xứ “Bal Huk” (Củ Hủ- Mỹ Tường - Ninh Thuận) cho “thần Cha” (Po yang ama) caiquản, xứ “BalLai” (Ba Tháp - Ninh Thuận ) cho Po Debatathuer cai quản và xứ “Padarang” cho PôAulaoh (thánh Alla) cai quản. Tư liệu trên còn viết, Po Ina Nagarlà vị thần đầu tiên giáng thế xuống trần gian. PoAulaoh (thánh Alla) theo sau đem theo đạo Hồi truyền cho đời vua Po Debatathuer và truyền bá khắp xứ Chăm, Ra-nde, Kaho. Tư liệu viết, Po Ina Nagar còn có 4 người con là các vị Nữ thần người Chăm Hồi giáo - Bàni ở trên trời. Ðó là Nai Ratna, Matrimanon, Pataibang so lo la, Po tâh dara....Ðó là 4 chị em ruột do vị nữ thần sinh ra sau này cai quan 4 phương trời.
Tư liệu Chăm còn viết đến sự đấu tài giữa Nữ thần mẹ Po Ina Nagar và thần Cha (Po yang ama) trong việc tạo dựng vũ trụ. Po Ina Nagar thắng thế, vì vậy Po Ina Nagar lại sinh ra thần Cha (Po yang ama, thần Siva (on sibaiyon), và sinh ra 9 vị thần khác cùng các vị vua Chăm để cai quản đất nước (Po Ina Nagar trun salipan yang gréh padang nagar palei).
Qua tư liệu Chăm vừa trình bày trên cho ta thấy Po Ina Nagar như một vị thần sáng thế kỷ. Từ hoang sơ, Nữ thần đã tạo ra trời đất, các vì sao, mây mưa, sấm chớp, con người, vật nuôi, cây trồng. Po Ina Nagar tạo ra các vị thần, sinh các vua Chăm để cai quản đất nước; dạy người Chăm biết làm lịch pháp, tính ngày tháng, xây dựng đền tháp, thờ thần, dạy người Chăm biết cày, biết cuốc, biết dệt, biết thuê .... Vì vậy Nữ thần Po Ina Nagar được người Chăm xem là thần mẹ thần xứ sở, là Chúa xứ, là tất cả... Nữ thần là hiện thân cho đất - nước, xứ sở, con người cho nên Nữ thần luôn được người Chăm suy tôn là vị thần văn hoá, là thần mẹ xứ sở vĩ đại che chở cho muôn dân .
Pô Kukthay vai trò của Nữ thần Po Ina Nagar làm vị thần sáng thế kỉ của người Chăm Bani ( Damnây Po Kuk):
Thời gian về sau, bắt đầu từ thế kỉ 10 khi mà Hồi giáo bắt đầu hiện diện ở Champa và đến thế kỷ thứ 16 dần dần thay thế một bộ phận Chăm Ahier thành Chăm Bani/ Awal thì vị trí, vai trò của Po Ina Nagar trong kinh sáng thế kỉ cũng được thay thế bằng vị thần Hồi giáo-Bani là Pô Kuk. Truyện Sakarai Atmahekat viết rằng: Vũ trụ xưa kia còn tối tăm bồng bềnh được hình thành từ khoảng không (elak). Po Kuk sai vịAtmahekat xuống tạo dựng vũ trụ và đưa ánh sáng cho muôn loài. Bằng tài phép của mình Po Atmahekat tạo ra 12 mặt trời và 12 mặt trăng. Do quá nhiều mặt trời và mặt trăng nên trái đất quá nóng.Vị thần On Sibaiyong phải dùng cây cung bắn rơi hết mặt trời, mặt trăng làm cho trái đất trở lại thời hoang sơ, tối tăm, mù mịt. Vì trời đất tối tăm, mùmịtnên Po Kuk phải ra tay, giáng thế xuống trần gian cùng với vị thần là Aulaoh, Mohamat và cùng với 9 vị thần Hồi giáo (salipan nabi) giúp sức làm cho trời đất có mặt trời chiếu sáng lại, vạn vật sinh sôi. Sau đó Po Kuktrở về trời sai vị con đầu của mình là Po Ina Nagar cùng với Pô Auloah, Po yang ama, Po Debatathuer xuống trần gian cai quản muôn loài. Ðến ngày thứ hai, năm con chuột (tikuh), Po Kuk truyền lệnh cho Po Ina Nagar chính thức giáng thế xuống trần gian, nơi đầu tiên Nữ thần giáng thế là “Bal Lai” (Mỹ Tường - Ninh Thuận). Ở đây Po Ina Nagar lập ra xóm làng Sari - Ra wan.Từ đó Po Ina Nagarlập ra nước Chăm, rồi đi Trung Hoa, Lào... và sinh ra các đời vua Chăm để trị nước rồi Nữ thần hoá thân lên trời (patao engkat nao mang rup).
Như vậy có thể Po Kuk là đại diện cho thần linh Awal thay thế Po Ina Nagar Chăm để lập ra thế giới mới cho người Chăm Awal. Từ đó người Chăm có đến hai câu truyện sáng thế kỉ (Po Ina Nagar và Po Kuk). Hai câu truyện này không chỉ dừng lại ở truyện kể, tư liệu viết mà nó còn tạo cái tích, cái trò đi vào một số lễ nghi tín ngưỡng của người Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Chẳng hạn trong lễ múa tống ôn đầu năm (Raja Nagar) ở các làng Chăm. Lễ này tổ chứctrong thời gian 2 ngày: ngày đầu (ngày mở lễ) cúng các vị thần Chăm Ahier thì thầy Mưduôn có “nặn bột hình người” (hình nhân thế mạng) và hát bài lễ về vị thần sáng thế kỉ là Po Ina Nagar “đã tạo nên trời đất, con người, vật nuôi, cây trồng”; đến ngày cúng thứ 2 (kết thúc lễ) - cúng các vị thần Hồi giáo (yang barow) thì Maduen cũng “ nặn bột hình người”, hát lễ bài sáng thế kỉ nhưng vị thần sáng thế kỉ ở đây không phải là Nữ thần Po Ina Nagar mà là vị Nữ thần Po Sah Ina do Po Aulaoh sai xuống trần gian để tạo ra đất nước, con người, trâu bò ... rồi ban phép làm mưa trút xuống đất cho cây cối, hạt lúa đâm chồi nảy lộc.” (mang kal ka mang pajíeng tanah pajiéng kau po sah ina mai trun mai/lam ling mang ngaok gan patok mang ala).
Rõ ràng ta thấy, qua hai câu truyện Po Ina Nagar, Po Kuk và qua nghi lễ Raja Nagar, hai tôn giáo Chăm Ahier và Chăm Bani cố gắng lách mình thông qua huyền thoại để tạo nên thần tích cho riêng mình. Trong lễ Raja Nagar ngày đầu, bài hát lễ, dân gian Chăm cho rằng chính Po Ina Nagar là vị thần sáng thế kỉ nhưng đến ngày hôm sau dân gian Chăm lại thay thế Po Ina Nagar bằng Po Sah Ina do Po Kuk, thánh Alla sai xuống, rồi sáng lập ra một thần thoại, một giaó lí, một vũ trụ quan mới nhằm để chinh phục tín đồ. Ðây là một sáng tạo phi lịch sử. Vì Po Sah Ina, theo biên niên sử Chăm là một nhân vật lịch sử, em của vua Kabrah thế kỉ 15 chứ không phải là nhân vật huyền thoại xuất hiện từ thửa khai thiên lập địa để mà sáng tạo ra trời đất, con người ...Trong khi đó Po Ina Nagar Chăm là thuỷ tổ loài người. Rõ ràng đây là sự bất hợp lí, nhưng cái bất hợp lí này người Chăm vẫn chấp nhận. Bởi vì người Chăm có hai tôn giaó: Chăm Ahier và Chăm Bàni. Mỗi tôn giaó Chăm đều muốn xây dựng cho mình huyền thoại, thế giới quan, nhân sinh quan, giáo lí, giáo điều và thần tích cho riêng mình. Từ đó kinh sáng thế kỉ Po Ina Nagar không đứng yên mà bị dân gian Chăm dịch chuyển, biến hoá nội dung theo thời gian. Về sau khi người Chăm tiếp nhận Hồi giaó thì huyền thoại Po Ina Nagar được người Chăm Bàni tiếp nhận, thay thế bằng nhân vật Po Kuk. Hiện nay trong dân gian Chăm vẫn còn tồn tại hai huyền thoại trên: Huyền thoại về Po Ina Nagar và Po Kuk.Thực chất hai huyền thoại này đều có nội dung cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau về nhân vật chính .Vì vậy trong truyện kể, trong tư liệu viết tay, người Chăm thường xem hai mẫu truyện này như là mộ. Người Chăm thường nói là: Po Ina Nagar là Po Kuk và Po Kuk cũng là Po Ina Nagar. Có khi họ nói Po Ina Nagar sinh ra Po Kuk và có khi họ nói là Po Kuk sinh ra Po Ina Nagar là như vậy. Vì người Chăm mặc dù có hai tôn giáo nhưng chỉ là một. Chăm Ahier là tượng trưng cho dương (đàn ông) và Chăm Bàni là tượng cho âm (đàn bà). Hai tôn giáo kết hợp với nhau, chuyển hoá, bổ sung lẫn nhau trên mọi phương diện (trong đó có thần thoại, thần tích, hệ thống thần linh...) để cùng tồn tại, không thể tách rời.
Truyền thuyết về Nữ thần Po Ina Nagar
Truyền thuyết về thần mẹ Po Ina Nagar từ xưa đến nay có nhiều công trình khoa học Việt Nam công bố thường dựa vào truyền thuyết Thánh Mẫu Thiên Y Ana của Phan Thanh Giản. Mà truyền thuyết của Phan Thanh Giản lại dựa vào cốt truyền kể của Po Ina Nagar củangười Chăm. Như vậy, truyền thuyết Po Ina Nagar Chăm như thế nào ? Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn bản cổ Chăm, mặc dù, hiện nay người Chăm còn tôn thờ đến 12 vị thần mẹ khác nhau nhưng họ chỉ có một truyền thuyết chung về thần mẹ Po Ina Nagar Taha Aia Trang(Nha Trang- Khánh Hoà). Dựa theo tư văn bản Chăm, nội dung truyền thuyết của Po Ina Nagar được tóm tắt nhưnhư sau:
“Ngày xưa có hai ông bà nghèo cưới nhau lâu năm nhưng không có con. Hai ông bà lên núi phát rừng làm rẫy tại chân núi “LangLiri“ (núi Ðại An vùng Khánh Hoà ngày nay). Rẫy hai ông bà trồng dưa hấu. Ðến mùa dưa hấu có trái, thần trời (mang ngaok akan) sai một cô gaí dậy thì rấtđẹp giáng trần xuống rẫy hái trộm dưa hấu ông bà lão nghèo. Hàng đêm khi lúc thanh vắng cô gái hiện hình hái trộm dưa hấu ông bà lão ăn và để lại nhiều vỏ dưa trong rẫy. Hàng đêm cứ diễn ra như vậy. Ông bà lão nghèo buồn rầu, tức giận không biết ai là kẻ trộm dưa của mình. Hai ông bà bèn nghĩ bụng lập mưu và quyết tâm rình bắt cho được kẻ trộm. Quả vậy một đêm ông bà lão rình bắt được kẻ trộm đang hái dưa ông bà. Nhưng lạ thay kẻ trộm là một cô gái dậy thì, xuân sắc. Ông bà lão thấy vậy, chạy vào ôm chầm và bắt được cô gái emvề nhà. Sau này cô gái ấy trở thành con nuôi của ông bà lão.
Sống chung với vợ chồng ông bà lão vài năm, một hôm cô gaí đi tắm sông gặp khúc gỗ trầm hương, cô gái hoá thân vào cây gỗ trầm trôi về biển cả. Gỗ trầm lại trôi ngược lên biển bắc gặp hoàng tử Trung Hoa (Laow) vớt về cung vua. Ít lâu sau từ thân trầm hiện ra một cô gái xinh đẹp, kết hôn với hoàng tử Trung Hoa sinh ra được hai đứa con trai tên là Hai và Tray. Sống ở Trung Hoa đuợc 5,6 năm, vì bất đồng với chồng ,vì nhớ cố hương, nên bà lại nhập vào thân trầm trôi về chốn cũ. Bà đi tìm lại hai ông bà lão nghèo nhưng haiông bà đã mất. Từ đó bà ở lại xứ Chăm tổ chức dân chúng kiến thiết đất nước. Bà tổ chức dạy chữ nghĩa cho dân, dạy dân làng cày cấy, trồng bông, dệt vải, xây dựng đền tháp, thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng để thờ thần... Sau đó bà hoá phép về trời thành hiển linh (po nau mang rup). Từ đó người Chăm suy tôn bà là Nữ thần xứ sở (Po Ina Nagar). Người Chăm xây dựng nhiều đền tháp và hàng năm cúng lễ tưởng nhớ công lao của Nữ thần mẹ xứ sở đến ngày nay”.
Po Ina Nagar trongđời sống tín ngưỡng Chăm
Di tích thờ cúng
Hiện nay trên suốt dọc dãi đất miền trung, nơi đâu có dấu vết người Chăm sinh sống đều có đền thờ vị thần mẹ xứ sở vĩ đại là Po Ina Nagar. Chẳng hạn như ở Huế có đền thờ Hòn Chén, Khánh Hoà có Tháp Bà (Nha Trang) .Và đặc biệt ở Ninh Thuận có hai đền thờ Po Ina Nagar: đó là đền thờ Po Ina Nagar Hamu Ram (Hữu Ðức -Ninh Thuận) và đền thờ Po Ina Nagar Hamu Kut (Bính Nghĩa- Ninh Thuận). Hiện nay hai di tích đền tháp Po Ina Nagar ở điện Hòn Chén (Huế) và Tháp Bà (Nha Trang - Khánh Hoà) người Chăm không còn thờ cúng nữa mà chỉ có hai ngôi đền thờ ở Ninh Thuận người Chăm còn thờ phượng, cúng tế hàng năm. Vì vậy, ở đây chúng tôi chỉ trình bày hai di tích đền thờ Po Ina Nưar ở Ninh Thuận .
Di tích đền thờ Po Ina Nagar Taha ở Hữu Dức - Ninh Thuận :
Ðền thờ Thần mẹ xứ sở Po Ina Nagar tọa lạc tại một đồi gò ở cuối làng Chăm Hữu Ðức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ðền này cách thị xã Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 14 km về phía tây. Ngôi đền này xưa kia được xây dựng ở Làng Mông Ðức - Ninh Thuận (cách làng Hữu Ðức ngày nay khoảng 3 km về hướng đông nam ).Trong thời kì chống pháp, đền bị giặc đốt cháy nên người Chăm dời ngôi đền này về làng Chăm Hữu Ðức như hiện nay.
Ðền thờ Nữ thần Po Ina Nagar Hamu Ram xưa kia nguyên được xây cất bằng tre, mái lợp tranh.Vào 1955 ngôi đền được người Chăm xây lại theo lối kiến trúc đình làng người Việt: Ðền xây theo hình chữ nhất (_ ), mái có hình tượng lưỡng long chầu nguyệt . Vừa qua ngồi đền naỳ xuống cấp, nhân dân Hữu Ðức mới quyên góp tiền tu sửa mới lại vào 2000 .
Trong ngôi đền có thờ 3 pho tượng. Tương truyền rằng đây là 3 mẹ con của Nữ Thần Po Ina Nagar: Tượng Bia Atakal chính là con đầu của Nữ thần Po Ina Nagar có chiều cao khoảng 0,80 m; tượng Po Dara là con thứ, cao khoảng 0,70m; tượng Nai tâh tabha (con thứ) cao 0,50 m.Tất cả 3 pho tượng trên đều cùng phong cách như nhau. Tượng được tạc bằng đá grannit xanh, ngồi tựa lưng vào tấm bia (phù điêu) và 2 tay đặt lên đầu gối. Tượng đội chiếc mão (mũ) hình trụ cong ra phía trước như chiếc mũ đội thần Siva ở các tháp Chăm; tượng mặc chiếc Sarông và thất dây lưng có dệt hoa văn 4 cánh; tượng có đeo nhiều đồ trang sức ở vòng cổ, vòng tay, bắp tay, và có đeo hoa tai ... Tất cả trang phục này được tạc bằng đá thể hiện trên cùng một khối liền với tượng.
Ngòai 3 pho tượng chính nêu trên, trong đền thờ còn có 01 bộ Linga- Yoni, bò thần Nadin bằng đá và tấm bia khắc chữ phạn. Bia này ghi niên đại là năm 776 Saka (= 854 A.D). Hiện nay 3 pho tượng thờ trên bị mất cấp vào năm 1997.
Ngoài các tượng thờ, đền Po Ina Nagar - Hữu Ðức còn có di vật khác như : 01 bộ võng (kiệu khiêng), váy , áo , dây lưng, khăn đội đầu, một trống lớn, cờ, phướng và một số đồ cúng lễ khác như khai trầu, chén bát, mâm lễ ...Tất cả những hiện vật đều do người Raglai nắm giữ và chỉ được đem ra sử dụng trong mỗi dịp cúng lễ.
Di tích đề thờ Po Ina Nagar Hamu Kut- Bĩnh Nghĩa
Di tích đền thờ Nữ thần Po Ina Nagar thuộc thôn Bĩnh Nghĩa, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang -Tháp Chàm 20 km về phía đông bắc .Ðây là ngôi đền thờ thần mẹ xứ sở vùng “Bal Lai “ (Ba Tháp). Xưa kia ngôi đền thờ này chỉ làm bằng tre, mái lợp tranh, thờ phiến đá. Sau này do chiến tranh,vaò năm 1971 ngôi đền được dời về làng Bĩnh Nghĩa. Ðền xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa người Kinh . Ðền xây theo hình chữ đinh ( T ), có tiền đền và hậu đền, tường xây xi măng , mái lợp ngói. Vưà qua ngôi đền đã bị xuống cấp, được sự tài trợ về tài chính của Quỹ Ford và Viện Nghiên Cứu VHDG Việt Nam ngôi đền đã được xây dựng mới lại vào năm 2002.
Ðền Po Ina Nagar Hamu Kut – Bỉnh nghĩa có thờ 12 phiến đá tự nhiên. Mỗi phiến đá được đặt trên cái bệ mang hình dạng Linga - yoni ở các đền tháp Chăm .Tất cả các phiến đá trên không được ghề đẽo, tạc khắc mà chỉ được vẽ hình mặt người (mắt mũi, miệng) bằng loại vôi ăn trầu khi có dịp cúng tế. Tương truyền rằng 12 phiến đá chính là hiện thân của 12 vị Nữ thần - tượng trưng cho 12 vùng đất Champa. Phiến đá to nhất trong 12 phiến đá có chiều cao 0,5m được đặt chính giữa bệ thờ là Nữ thần mẹ xứ sở vĩ đại - Po Ina Nagar Taha. Còn những phiến đá còn lại là mang tên 12 Nữ thần mà đã được nêu trên .
Ðền thờ Nữ thần Po Ina Nagar Hamu kut còn có một số hiện vật cúng lễ như váy, áo, khăn trùm đầu, dây lưng ... . Tất cả các hiện vật trên được đựng trong “ciet atau “ do Bà bóng (muk pajau) giữ. Y trang này chỉ được đưa ra mặc cho tượng thần trong mỗi dịp cúng lễ , hội hè hàng năm.
Một số nghi lễ hội hè liên quan đến Nữ thần Po Ina Nagar Chăm
Hàng năm tại đền thờ Po Ina Nagar ở Hữu Ðức- Ninh Thuận, người Chăm thường cầu cúng 4 loại lễ sau :
- Lễ mở cửa đền tháp (Péhmbang yang ) vào đầu tháng giêng lịch Chăm nhằm cầu xin nữ thần mẹ xứ sở cho dân làng khai mương, cày cấy, gieo trồng, mùa màng bội thu
- Lễ cầu đảo (Yuer yang) tại đền Po Ina Nagar vào tháng 4 lịch Chăm nhằm cầu xin thần mẹ xứ sở cho mưa thuận gió hoà.
- Lễ Katé được tổ chức vào tháng 7 lịch Chăm nhằm để tưởng nhớ các vị Nam thần Chăm như Po Kalong Garai, Po Rome nhưn vẫn cầu cúng tại đền Po Ina Nagar.
- Lễ Ca-mbur, đây là lễ cúng chính thức Nữ thần Po Ina Nagar Chăm. Lễ được tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm. Trong dịp lễ này, ngoài việc diễn ra lễ rước trang phục, lễ mở cửa đền, lễ tắm tượng, đại lễ (úng cơm, dâng rượu, hoa quả) và phần Hội, lễ còn có tục rước trầm hương, múa phồn thực, tục dâng gạo và nhiều lễ cầu xin con cái, cầu lộc tài, may mắn
- Riêng lễ cúng nữ thần ở Pô Inư Nưgar Hamu Kut - Bĩnh nghĩa thì đơn giản hơn, mỗi năm chỉ được cúng một lần vào tháng giêng lịch Chăm .
Trong 4 lễ cúng Nữ thần mẹ xứ sở Po Ina Nagar vừa nêu trên, mặc dù lễ được tổ chức ở các thời điểm và tên gọi lễ khác nhau nhưng nghi thức, nội dung diễn lễ lại tương tự như nhau. Có thể mô tả lễ này trong sách Sakaya, Lễ hội Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội -2004.
Tóm lại :Từ câu truyện sáng thế kỷ, truyền thuyết, đến lời ca, tục cúng tế về thần mẹ xứ sở người Chăm Po Ina Nagar trình bày trên cho ta thấy Nữ thần có vai, vị trí to lớn trong đời sống văn hoá , tín ngưỡng của người Chăm được người Chăm xem là thuỷ tổ loài người, có vai trò sáng chế ra trời đất, cuộc sống con người, động vật, cỏ cây, hoa lá... Chính vì vậy mà trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, cho dù có một thời kỳ Hồi giáo Chăm muốn biến hoá, muốn thay thế Po Ina Nagar bằng nhân vật khác là Po Kuk -Pô Auloah, cũng như các đền thờ Mẫu (mẹ) của người Việt (Kinh) sau này. Nhưng với sức sống, với tầm vóc vĩ đại của mình, vai tròPo Ina Nagar không bị mờ nhạt mà còn nâng lên một tầm cao mới. Po Ina Nagar vẫn là người mẹ xứ sở Chăm bao dung rộng mở; là Bà chúa xứ, Chúa vùng, Chúa tể muôn loại, Chúa của các vị thần mẹ và các vị vua Chăm (patao kumei) sẵn sàn ban phước lành phù hộ độ trì, che chở cho muôn dân. Do vậy nữ thần Chăm đã có sức lan tảo, bao trùm lên tất cả đời sống tâm linh không chỉ có người Chăm Ahier mà còn ngự trị trong thánh đường Bani. Xa hơn nữa chúng ta thấy Po Ina Nagar còn đến với vùng các dân tộc thiểu số khác như người Raglai, Cru, E-nde (thần mẹ xứ rừng Marau, Marom, thần mẹ xứ rừng trầm, rừng quế ... ) và đến cả đền thờ Mẫu (mẹ) của người Việt (Thiên Y Ana, Ðiện Hòn Chén ...)
Ở người Chăm, Po Ina Nagar là hiện thân cho tất cả thần thánh trong đời sống tâm linh. Trong 37 loại lễ tục cúng tế lớn (Yang) của người Chăm không có một loại cúng nào mà không có mặt vị Nữ thần. Ðặc biệt trong các hệ thống lễ nghi quan trọng liên quan đến cộng đồng Chăm như lễ nghi đền tháp (lễ mở cửa tháp, lễ cầu đảo, lễ Katé, Ca-mbur), lễ nghi nhập Kut, lễ tế trâu... khi có thầy Kadhar cúng tế đều có “ một đĩa gaọ lễ và 3 võ sò (brah kran) . Ðó là lễ vật chính hiện thân cho thần Po Ina Nagar. Trong tục cúng, trong tín ngưỡng dân gian thì bàn tổ (sanai) của thầy cúng tế, cũng chính là hiện thân của Po Ina Nagar (Sanai yuer). Trong bàn tổ còn có một khai trâu (thong hala) là lễ vật quan trọng nhất trong lễ cúng của người Chăm. Nữ thần còn là hiện thần cho thần đất (Po Bhum), cho thần lúa (Yang sri ), cho thần Ông táo /bà táo (Po batau gin). Nữ thần còn là hiện thân cho xứ rừng trầm, rừng quế, cho cây cổ thụ trên vùng núi cao, cây vũ trụ ( cây Môsri), cho lễ múa hát phồn thực (yang sari), cho tục dâng gạo (tuh brah), tục xin con ở đền tháp (dauh lakau anak), thánh đường (sang magik) và vị tổ sư của nghề nghiệp (dalah manyim)... đều là hiện thân của Po Ina Nagar.
Chính vì có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá, tâm linh như vậy, cho nên thần được người Chăm suy tôn thành Nữ thần mẹ xứ sở vĩ đại. Mỗi vùng, mỗi nơi, người Chăm đều xây dựng nhiều đền tháp đẹp để thờ Nữ thần. Qua một số bia kí, những lời ca, tục cúng chúng ta không chỉ thấy người Chăm dâng lên lễ vật, vàng bạc châu báu, áo quần, lộng che, kiệu kiêng với nhiều hoa văn đẹp cho thần (hoa 4 cánh, hoa văn hạt lúa nổ hiện thân của nữ thần và chỉ có nữ thần mới được mặc váy hoa văn loại này) mà người Chăm còn có những bài thánh ca cầu cúng thần với những lời văn đẹp, bóng bẩy, những từ mỹ lệ như gỗ trầm hương, hoa trái, hạt lúa trắng, ruộng đất, vườn cây, trâu bò, cò bay ...để hát kể về nữ thần. Những từ ngữ ấy chính là do vị nữ thần sinh ra để mang tên đất, tên vùng, tên sông, tên núi với những hình ảnh tự nhiên. Chính những từ ngữ ấy hình thành, cô đúc nên một hình ảnh đất nước đẹp gắn liền với cương vực quốc gia, dân tộc, gợi lên một cảnh đất nước phồn thịnh, thanh bình và êm ả của người Chăm thời viễn cổ.
Rõ ràng Po Ina Nagar hiện diện trong đời sống tín ngưỡng của người Chăm không chỉ như là một vị thánh, thần mà còn như là một bà mẹ của đất nước, của xứ sở vĩ đại có một hệ thống triết lí như kinh sáng thế kỉ, truyền thuyết, đền tháp, bài văn cầu cúng, tín đồ nhiệt thành ... Mặc dù hệ thống triết lí này chưa rõ ràng còn mang tính dân gian, biến hoá thành dị bản và sắc màu khác nhau, nhưng người Chăm không bao giờ bàn cải và thắc mắc. Hình tượng Po Ina Nagar trở thành điểm hội tụ, là hình tượng chung đẹp nhất trong mọi vị thần và đã trở thành một biểu tượng chung của tục thờ Mẫu (mẹ) trong đời sống mẫu hệ của người Chăm mà hàng năm họ vẫn còn cầu cúng, suy tôn. Hình tượngPo Ina Nagar thực sự ăn sâu vào tâm trí mọi người Chăm suốt bao thế hệ. Ở diện hẹp Nữ thần ấy chính là thánh, là thần hoàng của một làng và ở diện rộng Nữ thần là thánh chung của cả nước, của cả dân tộc ./.
Phan Rang ngày 15/5/ 2002
Thư mục trích dẫn
- J.Boisselier, La statuaire du Champa. Researes sur leset l’iconographie,Paris, EFEO LIV,1963, tr. 207.
- Po Dharma, Le Panduranga (Campa) 1802-183. Sesavec le Vietnam, Paris (Public , EFEO CXLIX ) 1987 ,Tome 1, tr.72 -73. Cũng cần nói thêm rằng không chỉ có thời Tây Sơn mà trước đó nữa tháng địa Po Ina Nagar đã bị nhiều lần đốt phá. Tác giả Aymonier viết : Po Ina Naga “kinh thành Champa bị hoang tàn, nhân dân đã rời bỏ kinh thành do các cuộc chiến tranh “ (Báo Châu Á, 1891, tr .34 . Tư liệu này dẫn theo Philie Stern, Nghệ thuật Chàm xứ Trung kì và quá trình phát triển của nó, Tập II , Bản dịch của Viện Bảo Tàng Mỹ thuật, Hà Nội , tr 214).
- Theo Văn bản Chăm viết về kinh sáng thế kỉ (Panuéc lang yak ka Po Ina Nagar). Tư liệu của Ông Ðàng Mão, 90 tuổi , thôn Vĩnh Thuận - Ninh Thuận (đã mất).
- Theo Văn bản Chăm viết về kinh sáng thế kỉ (Panuélang yak ka Po Ina Nagar), Sđd .
- G. Maspero, Le Royaume De Champa, Pari,1928, tr.13 (Bản dịch của Lê Tư Lành)
- Theo Văn bản chữ Chăm của Imâm Mốc, 43 tuổi, thôn Phước Nhơn - Ninh Thuận. Xem thêm Phạm Xuân Thông (Cùng nhóm tác giả), «Sự tích gà gáy sáng» , Truyện cổ Chăm, Nxb VHDT, Hà Nội,1978, tr. 7.
- Văn Món, «Lễ Rija Nưgar của người Chăm - một loạtín ngưỡng dân gian Chăm độc đáo», Tạp chí Dân tộc học, Số 3/1994, tr. 49 hoặc Số 2/1996, tr 79
- Dohamide - Dorohiêm, Dân tộc Chàm lược sử , Hiệp hội Hồi gíáo Chàm Xb, Sài Gòn, 1967, tr. 134 .
- Văn Món, «Lễ Rija Nưgar của người Chăm - một loại tín ngưỡng dân gian Chăm độc đáo», Sđd.
- Văn Ðình Hy, «Từ thần thoại Po Inu Nugar đến Thiên Y», trong tập tài liệu Những Vấn đề Dân tộc học ở Miền Nam, Tp HCM, 1978 (tài liệu chưa xuất bản).
- Hiện tại có 650 cuốn sách Chăm đang lưu giữ tại Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Chăm Ninh Thuận.
- Truyền thuyết về Nữ thần Po Ina Nagar ghi theo tư liệu Chăm của cố cả sư Hải Quý 65 tuổi - trụ trị đền thờ Pô Inư Nưgar tại thôn Hưũ Ðức -Ninh Thuận (đã mất). Thực ra câu truyện này rất dài, có đến 10 trang viết chữ Chăm, khổ giấy A4 nhưng vì số trang bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ ghi lại tóm tắt. Có thể xem thêm cốt truyện này ở Phan Ðăng Nhật - Văn Món, Tục thờ thần và Thần làng Bính Nghĩa - Ninh Thuận, Công trình tài trợ sáng tạo của Hội VNDG Việt Nam năm 1999, tư liệu đánh máy tr. 36.
- Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), «Di tích đềnthờ Hòn Chén – Huế» trong Tín ngưỡng thờ mẫu ơ Miền Trung Việt Nam, Sđd, tr 166. Ngô Văn Doanh, «Tháp Bà» ( Nha Trang - Khánh Hoà) trong sách Tháp Chăm sự thật và huyền thoại , Nxb VHTT, Hà Nội 1994, tr. 143.
- Parmentier, Khảo tả di tích Champa ở Trung kì , Sđd. tr. 89 ; R.C. Majumdar, Champa- Hindu Colonies in the Far East (Book III-Insriptions Champa), Calcuta- India,tr. tr.71 .
- Ciét: giỏ được đan bằng tre có nắp đậy hình hộp vuông, dùng đựng y trang để cúng lễ tổ tiên của tộc họ.