Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

THỰC TRẠNG TÔN GIÁO BÀNI – MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH


THỰC TRẠNG TÔN GIÁO BÀNI – MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH
Dân tộc Chăm có hai tôn giáo chính là Bàlamôn giáo và Hồi giáo cũ tức Bàni, rất độc đáo, đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Hai tôn giáo này (mà chúng tôi gọi là tôn giáo Chăm) vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ (Bàlamôn giáo) và Malaysia (Bàni) nhưng được bản địa hóa hoàn toàn. Tôn giáo Bàni, khi mới du nhập vào xứ Champa thì có nghi thức hành lễ và thờ phụng giống y như Hồi giáo quốc tế, nhưng đến thế kỷ thứ XVII thì được Chăm hóa để trở thành một tôn giáo đặc trưng chỉ còn thấy trong xã hội dân tộc Chăm tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận mà thôi.
Do tính độc nhất vô nhị đó, những tín đồ tôn giáo Bàni, không những phải chấp nhận sống biệt lập với tôn giáo gốc (Islam, tức Hồi giáo quốc tế), mà còn phải sinh hoạt gần như độc lập giữa các tín đồ của những thánh đường trong cùng một tỉnh, cũng như giữa các tín đồ của tỉnh này với tỉnh kia. Từ đó dẫn đến thực trạng phức tạp của tôn giáo Bàni ngày hôm nay. Chúng ta hãy xét qua những thực trạng đó và thử tìm một số giải pháp chính giải quyết vấn đề phức tạp này…

PHẦN I: THỰC TRẠNG TÔN GIÁO BÀNI
I. Hệ thống tổ chức và lễ nghi tôn giáo:
1. Hệ thống tổ chức:
Vì không phải là tôn giáo chính thống mà là tôn giáo bản địa hóa nên không có hệ thống tổ chức và điều hành hàng ngang và hàng dọc như thường thấy ở các tôn giáo khác. Hiện nay tôn giáo này chỉ có hệ thống tổ chức nội bộ của từng thôn (Thánh đường) như sau:
Vị lãnh đạo tôn giáo cao nhất là Po Gru (Sư cả) đứng đầu Ban điều hành bổn đạo gồm có Imưm tơl, Katip và Mưdin tơl. Bên cạnh Ban điều hành này còn có Ban đại diện (Ban Planla, giống Hội đồng giáo xứ bên Thiên chúa giáo) để giúp Ban điều hành bổn đạo thực hiện các lễ nghi tôn giáo cũng như quan hệ với các tín đồ về các mặt cúng kính (như Rija Nưgar, Xuk Yơng, Buk…) và các lễ tôn giáo của tín đồ (như Karơh, Pakhah, Padhi…). Ngoài ra còn có Hội đồng liên Thánh đường (7 Thánh đường) để phối hợp bàn bạc các vấn đề tôn giáo, nhưng Hội đồng này trên thực tế không có quyền hạn chính thức và rộng rãi, chỉ phối hợp được hai việc cụ thể là: tổ chức lễ Xuk Yơng (lễ luân phiên 3 năm một lần) và làm trọng tài xét xử mỗi khi có những tranh chấp nội bộ của thôn; việc thứ hai này lại ít khi có thực chất. Ta cũng nên lưu ý là Hội đồng liên Thánh đường (thường quen gọi là hội đồng liên chùa) này mới chỉ được thành lập vào năm 1960 nhằm mục đích củng cố hàng ngũ Bàni chống lại sự xâm nhập của tôn giáo khác từ ngoài vào.

2. Lễ nghi tôn giáo:
Về các lễ nghi thuần túy cử hành trong Thánh đường thì tôn giáo Bàni có: lễ Xuk (hay Jamư-at) diễn ra vào ngày thứ Sáu, cứ một tháng có một ngày lễ; lễ Ramưwan (tháng chay) mỗi năm một lần, chay tịnh trong một tháng sau lễ Bbơng Muk kei (Tết Chăm Bàni); Lễ Xuk Yơng (Xuk luân phiên) diễn ra ba năm một lần và luân phiên ở 7 Thánh đường Bàni trong tỉnh.
Đối với một tín đồ, từ ngày sinh đến ngày chết có nhiều lễ như: Kak Kado (cột Kađô cho em bé dưới 1 năm tuổi), Lisei Arham (lúc 15 tuổi cho nam), Karơh (lúc 15 tuổi cho nữ), Katat (15 tuổi cho nam), Ek Karak (cho nam từ 16 tuổi trở lên), Pakhah (lễ cưới), Padhi (đám tuần). Ngoài ra còn có các lễ cúng kính giống hệt như bên Bàlamôn giáo: Rija Nưgar, Rija Praung, Palau Paxah, Kate v.v…

II. Tính lưỡng hệ:
Ở phần trên chúng ta đã đề cặp đến sự “độc nhất vô nhị” của tôn giáo Bàni, chính là ở tính cách lưỡng hệ của tôn giáo này: Mtôn giáo được hình thành bởi sự phối hợp có hệ thống của hai tôn giáo chính thống Bàlamôn giáo và Islam một cách nhuần nhuyễn và có tính toán.
Chính vì thế mà tín đồ Bàni phải thực hiện tất cả các lễ nghi riêng biệt để phục vụ Đấng Allah song song với các lễ nghi của Bàlamôn giáo để phụng thờ tất cả thần yang.
Ngoài ra, các tín đồ Bàni còn phải thờ phụng tổ tiên, tôn kính ông bà như các thần yang gần gũi nhất của mình. Do tính cách “đa hệ” đó mà người Chăm Bàni có những sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng nghiêng về cúng kính và thờ phụng tổ tiên hơn là sinh hoạt tôn giáo thuần túy như đạo Islam chính thống.

III. Tính thiếu thống nhất và thiếu hệ thống lãnh đạo:
Chúng ta đã xem qua hệ thống tổ chức của tôn giáo Bàni, từ đó ta có thể kết luận dễ dàng là tôn giáo này khó có thể thống nhất trong nội bộ thánh đường, cũng như giữa những thánh đường trong một tỉnh. Trong thực tế, tôn giáo Bàni không thống nhất được những chi tiết trong nghi thức hành lễ ở các thánh đường, trong tháng chay Ramưwan chẳng hạn, cũng không thống nhất trong lễ nghi của các đámPakhah, Karơh, Padhi (đám cắt tóc, đám thành hôn, đám tang). Ta cũng không ngạc nhiên là cứ một vài năm lại có những sự xáo trộn, tranh chấp về cử Sư cả hay tranh chấp về ngày tháng theo lịch Chăm giữa những thánh đường với nhau, kéo theo sự xáo trộn lớn lao trong sinh hoạt của các tín đồ Bàni và cả tín đồ Bàlamôn (do tính lưỡng hệ của tôn giáo này).
Theo hệ thống tổ chức nói trên, ta cũng thấy thiếu sự lãnh đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới để có thể giải quyết việc quản lý điều hành trong nội bộ tôn giáo cũng như giải quyết các việc tranh chấp giữa các tu sĩ với tu sĩ, tín đồ với tu sĩ và phán quyết hệ thống lịch Chăm cho hằng năm. Về nguyên nhân của sự thiếu lãnh đạo này chúng ta sẽ đề cập ở phần sau.

IV. Tính bất ổn định:
Thực trạng bi đát nhất của tôn giáo Bàni có lẽ là tính bất ổn định. Sự việc này được lập đi lập lại nhiều lần trong quá khứ mà ta có thể lý giải trong ba vấn đề cụ thể sau đây:
1. Sự xáo trộn trong việc cử Sư cả cũng như việc tranh chấp sự chênh lệch ngày tháng trong lịch Chăm như nói ở trên, ta rất dễ thấy nguyên nhân: đó là sự thiếu lãnh đạo. Thông thường người dân chỉ theo phe này hay nhóm kia vì tình cảm hay vì quyền lợi riêng tư mà đưa ra lập luận để tranh chấp. Dĩ nhiên tranh chấp theo kiểu này thì không thể nào có sự thắng, thua vì vắng bóng trong tài!
2. Sự bất mãn của tín đồ đối với giới tu sĩ thầy Chan (Ppo Car) cũng tạo ra một sự bất ổn định triền miên: vì không có nội quy, điều lệ hay quy ước gì trong sinh hoạt của cộng đồng tôn giáo này, chỉ làm theo những “cái xưa kia để lại” một cách thiếu nhất quán, nên đã tạo ra hai giới tuyến ngấm ngầm đối nghịch nhau: Giới thầy Chan là cấp lãnh đạo tinh thần đầy quyền lực về tôn giáo tín ngưỡng tỏ ra, độc đoán; giới tín đồ là giới bị lãnh đạo, là cấp thừa hành, nhưng lại gồm có nhiều thành phần trong xã hội và có kiến thức về luật pháp và lý luận nên khó chấp nhận những việc làm phi lý độc đoán của cấp lãnh đạo tôn giáo mình. Tôi xin đơn cử hai ví dụ cụ thể về sự bất mãn này. Thứ nhất là ví dụ về đời sống. Dĩ nhiên mọi người trên đời này đều muốn xóa cái đói giảm cái nghèo và đuổi xa sự đau khổ. Nhưng phong tục tập quán người Bàni do các thầy lãnh đạo lại vô tình cột chặt họ lại với những điều bất hạnh trên vì muốn cưới chồng cho con cái thì phải chịu qua 3 cửa ải: lễ ra mắt, lễ gặp mặt họ hàng (Ppaklauh panwơc) và lễ cưới rất là tốn kém. Riêng phần lễ cho họ hàng đàng trai phải tốn khoảng ba trăm nải chuối bà hương loại đặc biệt (khoảng gần 2 triệu đồng). Việc này đang xảy ra tại nhiều thôn Bàni. Tuy giới thầy Chan không chỉ đạo việc lễ chuối cho đàng trai, nhưng giới tín đồ rất bất mãn tôn giáo tín ngưỡng quá tốn kém và lãng phí của mình, và như vậy là gián tiếp họ bất mãn các thầy có đầy quyền uy nhưng lại “không có ý kiến để ai chết mặc ai! Thứ hai là ví dụ cho việc chết. Một người có đạo luôn luôn ước muốn được chết tốt đẹp, nghĩa là có Po Car đưa đường và có đám tang đàng hoàng. Nhưng việc này được tiến hành rất tùy tiện, nếu chết gặp ngày đặc biệt (như mồng 1, 2, 3 Ramưwan chẳng hạn) thì có thể được các thầy làm lễ đàng hoàng, và cũng có thể phải khiêng bằng cái giổng và chỉ được chôn “chay”, một điều rất tủi nhục và tức tửi cho một người có đức tin tôn giáo!
3. Sự truyền đạo và xâm nhập của các tôn giáo khác cũng gây xáo trộn không ít trong xã hội người Chăm Bàni. Những năm 1960-70, một số thôn Bàni đã xảy ra tranh chấp, ẩu đả, kiện tụng triền miên chỉ do sự xâm nhập của Hồi giáo mới, và cho đến hôm nay sự tranh chấp này vẫn ngấm ngầm hay công khai bộc lộ (như ở Phước Nhơn). Hiện nay, có những gia đình Bàni lại có sự xích mích, xáo trộn mới do sự truyền đạo của Tin lành và Thiên chúa giáo.

V. Tôn giáo Bàni và tín ngưỡng dân gian chi phối mọi hoạt động xã hội:
Tuy có những mặt khó, phức tạp như đã nói ở trên, và muốn hay không muốn tôn giáo Bàni và tín ngưỡng dân gian vẫn chi phối mọi hoạt động của xã hội Bàni điển hình:
1. Trong sinh hoạt thường ngày, trước khi bẻ bắp ở rẫy, tục lệ đòi hỏi phải cúng một cặp gà, nếu không thì “có chuyện” (bệnh hoạn, tai nạn v.v…). Lúc đang cầy lại bị gẫy một bộ phận nào của chiếc cày, người Chăm Bàni lại nghĩ đến Thần đất, và phải cầu nguyện, van xin! Đánh xe đi đốn củi, cũng phải có rượu và hột gà làm lễ v.v… và v.v…
2. Theo phong tục của mình, người Bàni không thể nào tự bãi miễn các đám đình rất tốn kém này: đámKarơh cho con gái, đám Pakhah, Padhi vì không thực hiện những đám phong tục này, người Chăm Bàni sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng!
3. Những ngày tháng chênh lệch nhau giữa thôn này với thôn khác (theo lịch dân tộc Chăm) cũng có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của quần chúng nhân dân trong cộng đồng, vì người Bàni chỉ thực hiện đám cưới hỏi trong một số tháng nhất định (5 tháng trong 1 năm), nếu những tháng tốt đó không khớp nhau giữa thôn này và thôn kia thì không tiến hành đám Pakhah được. Gần đây đã xảy ra tranh chấp và ẩu đả giữa thôn Thành Tín và Vân Lâm cũng do sự thực hiện trái phong tục này. Việc tranh chấp Sư cả lại còn nặng nề hơn.

VI. Những khó khăn trước mắt và lâu dài:
Hiện nay tôn giáo Bàni đang đứng trước những khó khăn chồng chất:
1. Tôn giáo và tín ngưỡng Chăm Bàni nghiêng về cúng kính và có nhiều hội hè đình đám gây tốn kém rất nhiều cho xã hội, có lúc rất phi lí như việc nhiều gia đình phải đem con đi ở đợ, hoặc bán hết của cải trong nhà để làm Đám Tuần chém trâu cho cha, mẹ hoặc ông bà quá cố! Như thế thì còn đâu việc “Xóa đói giảm nghèo”!
2. Một cộng đồng thiếu tổ chức và không có hệ thống lãnh đạo sẽ đưa đến sự độc tài và tùy tiện của những người có chức có quyền, khiến cho quần chúng tín đồ cùng bất mãn và ngấm ngầm hoặc công khai chống đối.
3. Qua hai sự kiện nêu trên, hệ quả tự nhiên là tín đồ Bàni không tha thiết, gắn bó với tôn giáo mình và dần dần lọt vào “kế hoạch dụ đạo” của các tôn giáo khác. Thế là các tín đồ từ từ ra đi!
4. Một khi tôn giáo không có gì lôi cuốn, hấp dẫn quần chúng tín đồ mà chỉ mong ràng buộc tín đồ bằng những tập tục cổ truyền, và đặc biệt giới tu sĩ không có bổng lộc gì đáng kể thì tôn giáo đó khó tìm được những tu sĩ để kế tục trong tương lai. Đó là lẽ tất yếu.
5. Có lẽ khó khăn bao trùm lên mọi khó khăn là sự thiếu vắng lãnh đạo. Theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là chính quyền không chen vào nội bộ tôn giáo. Chủ trương này gây phấn khởi đối với các tôn giáo khác bao nhiêu thì gây tuyệt vọng cho tôn giáo Chăm bấy nhiêu… Sở dĩ vào thời phong kiến xa xưa, tôn giáo Chăm luôn được ổn định là nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối của Quan huyện người Chăm.
Qua những thực trạng được phân tích trên, chúng ta đã đi đến kết luận là tôn giáo này giống như một căn nhà xưa, vách đã nứt, nền đã lệch, hệ thống cột kèo lại mục nát cả thì sớm muộn gì cũng phải đổ!

Phần II: MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH
Qua phân tích những nhược điểm và khó khăn của tôn giáo Bàni, ta đã thấy rõ nguyên nhân của sự việc, và một khi đã biết rõ nguyên nhân thì ta có thể đề ra các biện pháp đối phó. Tôi xin đề nghị một số giải pháp chính sâu đây:
1. Củng cố nội bộ chức sắc Bàni thành một khối đoàn kết và thống nhất, đặc biệt là củng cố quyền hạn của Hội đồng liên Thánh đường để làm nền móng lãnh đạo và giải quyết những tranh chấp nội bộ trong cộng đồng tôn giáo của mình.
2. Phải thực hiện “nếp sống mới” theo đúng chủ trương của Đảng, xóa bỏ mê tín dị đoan và cương quyết chống lãng phí trong các đình đám hội hè.
3. Phải có Bản quy ước để thống nhất thực hiện một số sinh hoạt thường ngày như các đám đình theo phong tục cổ truyền cũng như quy định một cách nhất quán sự thực hiện lễ nghi cho một đám tang không phân biệt sang hèn. Trước mắt, có thể giải quyết riêng cho từng thánh đường. Có như vậy mới xóa được sự bất mãn của tín đồ và độc đoán của giới lạnh đạo.
4. Trước mắt, nên quan tâm giải quyết việc thống nhất lịch Chăm cho Thánh đường, vì sự việc nay đang gây chia rẽ trầm trọng trong nội bộ tôn giáo và là cái cớ để cho các phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc và đào sâu hố chia rẽ…
5. Có kế hoạch ngăn chặn kịp thời các việc truyền đạo trái pháp luật và gây chia rẽ trong nội bộ tôn giáo và giữa các tôn giáo với nhau.
6. Cần hình thành một Hội đồng Phong tục Chăm hoạt động dưới sự giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tỉnh (UBND Tỉnh) để giúp chính quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo và phong tục tập quán dân tộc Chăm. Việc này là tối cần thiết, vì ít nhất là ta đã tạo dựng một trọng tài khách quan và đáng tin cậy để chính quyền sử dụng mỗi klhi cần giải quyết một việc tranh chấp dạng như tranh chấp Sư cả và tranh chấp lịch Chăm.
7. Cần chăm lo phát triển kinh tế đời sống và xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào Chăm để người dân tộc Chăm thấy tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, từ đó đấu tranh nhằm chống lại sự xuyên tạc của kẻ xấu và củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng.
8. Chủ trương chung của Đảng và Nhà Nước là chính quyền không xen vào nội bộ tôn giáo. Xét chung rất đúng đắn và hợp lý. Nhưng căn cứ vào tình hình, đặc điểm của từng địa phương, nhất là tình hình và địa phương dân tộc thiểu số thì thiết tưởng Thường vụ Tỉnh ủy cũng nên xét lại để có đối sách và chủ trương thích hợp với đặc điểm tình hình người dân tộc Chăm, vì chủ trương chung của Đảng quả có đem lại sự phấn khởi cho các tôn giáo khác, nhưng lại đi ngược với quyền lợi dân tộc Chăm; người Chăm thật sự cần có Đảng chỉ đạo, hướng dẫn về một số vấn đề tôn giáo (vì thiếu lãnh đạo và thiếu trọng tài).

KẾT LUẬN:
Trong mọi thời đại, vấn đề tôn giáo và dân tộc lúc nào cũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Các tôn giáo Chăm nói chung, tôn giáo Bàni nói riêng, là loại tôn giáo “đa hệ” pha trộn nhuần nhuyễn các nghi thức tôn giáo bản địa với tín ngưỡng dân gian và sự thờ cúng tổ tiên, nên đã chi phối sâu rộng mọi hoạt động quần chúng nhân dân trong cộng đồng, đặc biệt các vấn đề liên quan đến đoàn kết giữa các tín đồ trong thôn, và giữa các thôn với nhau. Vì vậy, vấn đề tôn giáo là vấn đề bức xúc hàng đầu.
Trong những giải pháp được đề nghị ở trên, giải pháp quan trọng nhất, ngoài việc chính quyền thực sự quan tâm chỉ đạo, có lẽ là việc thành lập một Hội đồng Phong tục Chăm là việc cần thiết và cấp bách nhất, vì đây sẽ là một tổ chức xâu đầu mối tất cả các vấn đề phức tạp trong vùng Chăm Ninh Thuận.
Tóm lại, giải quyết tốt vấn đề tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm là giải quyết được gần toàn bộ vấn đề dân tộc Chăm vây.

Ninh Thuận, 10/11/200

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét