Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

CÁC NGHI LỄ NGƯỜI CHĂM BÀNI

CÁC NGHI LỄ NGƯỜI CHĂM BÀNI
Lễ nghi đám cưới của người Chăm theo Hồi giáo Bàni

Chuẩn bị lễ cưới
Qui định của luật và giáo lý Hồi giáo buộc tín đồ Hồi giáo chung sống với nhau phải thông qua lễ cưới hỏi, cho nên người Chăm hồi giáo nào chung sống không thông qua lễ cưới hỏi thì họ gọi là “dì nà” là điều không tốt. Từ quan niệm giáo lý hôn nhân đóng một vai trò khá quan trọng trong đời sống người Chăm Hồi giáo, và có thể nói đó là tiêu chuẩn đầu tiên để làm thước đo chuẩn mực của một người hồi giáo.
Người Chăm Hồi giáo Islam cũng như người Chăm Hồi giáo Bà Ni coi sự độc thân là một tội lỗi, nên trong gia đình thường gả con sớm.
Quan hệ nam nữ trước hôn nhân của người hồi giáo Bà Ni được quan niệm giống như của những người theo đạo Bà La Môn. Nghĩa là bước đầu của lễ thành hôn là một giai đoạn khó khăn, người ta thường dùng một danh từ có nhiều nghĩa đó là danh từ “pa luak pa noih” (dạm hỏi) để chỉ: thầm kín, cần nhiều tài khôn khéo, xã giao, hùng biện (dạm hỏi).
Cũng như người Chăm Bà La Môn, người Chăm Hồi Giáo Bà Ni quan niệm người con gái thuộc nội tộc, con gái là nội tướng, có bổn phận nội trợ, quản lý tài sản, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc chồng con, thờ cúng tổ tiên v.v... Người con gái ngoài bổn phận làm mẹ, làm vợ còn cả tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh và rất hiếu khách. Quan niệm của người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng giống như người Chăm Bà La Môn mà chúng tôi đã trình bày.
Lễ Pa luak Pa Nôih (Dạm hỏi)
Cũng giống như người Chăm Bà La Môn, đây là giai đoạn hoạt động khó khăn nhất của gia đình nhà gái. Mọi việc được tiến hành âm thầm bí mật, càng kín đáo càng tốt. Vì e rằng câu chuyện mai mối không thành gây ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình và thân phận cuộc đời của người con gái. Quan niệm về phương diện gia đình, về phương diện thân phận người con gái, về giai cấp và kể cả đức tính cần có của người Chăm Hồi giáo Bà Ni cùng giống như quan niệm của người Chăm Bà La Môn mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên.
Khi con gái trưởng thành, cha mẹ lo tìm kiếm trong làng hay vùng lân cận có chàng trai nào xứng đáng với con mình, chủ động tính toán việc chồng cho con mình bằng cách nhờ ông mai mối (ôn binhuk) qua dò la, tìm hiểu.
Nếu cha mẹ đàng trai đồng ý thì định ngày cho phép bên gái cử một số đại diện lại gia đình bên trai để làm lễ hỏi, cũng như lễ dạm hỏi ở người Chăm Bà La Môn. Giai đoạn dạm hỏi mọi việc luôn luôn diễn ra về đêm, trong âm thầm. Khi có kết quả tốt mới tiến hành ban ngày bằng lễ hỏi.
Lễ Nao pôih (Lễ hỏi)
Lễ hỏi của người Chăm Hồi giáo Bà Ni giống như lễ hỏi người Chăm Bà La Môn, đây là giai đoạn mọi việc tiến hành bán công khai, tế nhị, nhưng sáng tỏ và có nhiều triển vọng. Sau lễ dạm hỏi, nếu hai bên gia đình và hai dòng họ đồng ý, thì nhà gái mang trầu cau đến nhà trai xin ấn định thời gian làm đám hỏi. Đặc biệt lễ hỏi của người Chăm Hồi giáo Bà Ni khác với lễ hỏi của người Chăm Bà La Môn là nhà gái không cần hỏi ý kiến của Thầy cả mà hai bên bàn bạc thống nhất ngày đám hỏi.
Theo cổ tục, tới ngày ấn định nhà gái sửa soạn các lễ vật gồm các loại như sacada hay còn gọi là pei saliya (làm bằng trứng gà, bột và đậu phộng được trộn chung với nhau pha thêm nước dừa xong cho vào một cái tô đem chưng cách thuỷ); pei nung (bánh tét), bánh truyền thống “nònya” (được làm bằng trứng gà với bột nếp, hình bánh các loại “pì ngù” tức là các loại hoa, xong bỏ vào chảo chiên); “pei mang” (giống bánh cốm của người Việt) và một số trái cây như chuối, xoài, nho v.v... và một ít rượu, đựng trong một cái “ciết” mang qua nhà trai. Cùng đi với “ôn binhuk” (ông mai) còn có cha mẹ, cậu, dì và một số người họ hàng thân tộc gần nhất. Bên nhà trai cũng mời họ hàng thân tộc gần gũi nhất đến tiếp chuyện với đại diện họ nhà gái. Nếu không có việc gì trục trặc xảy ra thì họ cùng nhau uống nước, ăn bánh bàn bạc về chuyện hôn nhân. Nhà trai còn tổ chức tiệc mặn hoặc tiệc ngọt để thết đãi đàng nhà gái. Nhà gái không mời nhà trai sang nhà gái “làm khách” giống như lễ hỏi của người Chăm Bà La Môn.
Sau khi lễ hỏi được hai bên đồng ý và thống nhất, nhà gái cử đại diện (thường là cha mẹ) mang một ít bánh trái đến nhà ông binhuk (ông mai) để tạ ơn và nhờ ông mai đến gia đình đàng trai bàn bạc chính thức ngày “cló panôih” (lễ đính hôn).
Lễ Takloh Panôih (Lễ Đính hôn)
Đây là giai đoạn hai bên bàn bạc, đưa ra ngày chính thức để tổ chức đám cưới, đồng thời xác định lại chú rể có đồng ý lấy cô dâu hay không. Theo tục lệ thường tổ chức vào ban đêm vào các ngày thứ hai (pụk), thứ ba (thôm) theo lịch của người Chăm.
Đến ngày lễ đính hôn, cha mẹ cô gái cùng với người thân trong gia đình như ông cậu, bác, dì cùng cô dâu và ông mai mang rượu, bia, và có khi nước ngọt, đặc biệt trong lễ đính hôn phải có cá khô (thường là “kan pàu”(cá đuối)). Trầu cau cũng là món không thể thiếu trong lễ đính hôn. Tất cả mọi thứ được đựng trong một cái “ciết” truyền thống của người Chăm do chính cô dâu đội.
Bên nhà cũng mời tất cả những người thân, họ hàng để đến chứng kiến lễ đính hôn của thành viên dòng tộc mình. Lễ đính hôn thường tổ chức ở giữa sàn nhà và không có bàn ghế, mọi người ngồi trên hai dãy chiếu dài.
Lễ thường bắt đầu vào khoảng 7 đến 8 giờ tối. Cha mẹ đàng trai đón đàng gái rất ân cần. Nghi thức đầu tiên là ông mai rót rượu khấn vái ông bà, tổ tiên đàng trai báo cho biết là ngày đính hôn của một thành viên gia đình, đồng thời cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ. Sau đó, người trưởng tộc hoặc cậu của chàng trai đứng lên hỏi cô gái có đồng ý lấy anh ta làm chồng không. Cô gái trả lời ưng thuận thì lễ được chấp nhận. Ông hỏi tiếp chàng trai có chấp nhận cô gái làm vợ mình không. Nếu thuận cả hai, thì đương nhiên lễ đính hôn hoàn thành.
Sau khi các nghi thức của lễ đính hôn được hoàn thành, nhà gái đem những thức ăn như cá, rượu, bánh trái ra thết đãi họ đàng trai. Hai họ trò chuyện, ăn nhậu mừng buổi lễ đính hôn thành công và kết thúc lễ đính hôn để chuẩn bị cho buổi lễ cuối cùng và quan trọng nhất trong các lễ đám cưới đó là lễ “pa kháh” (lễ cưới).
Sau lễ đính hôn, người Chăm hồi giáo Bà Ni có tục lệ chú rể tương lai phục vụ vô điều kiện cho nhà gái một tuần. Đây là việc thử thách người rể tương lai có giỏi hay không. Thường chú rể tương lai làm những công việc cày bừa, đi chặt củi, phụ việc lặt vặt trong gia đình nhà gái. Ngoài ra cùng thời gian này, cô dâu cũng sang nhà đàn trai giúp việc như nấu cơm, gánh nước cho cha mẹ chồng tương lai của mình.
Lễ Pa khah (Lễ cưới hay lễ thành hôn)
Lễ cưới của người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng như lễ cưới của người Chăm Bà La Môn, thường được tiến hành sau lễ hỏi ít ngày, nhưng được quá 4 tháng, có lẽ do không muốn để lâu nhiều kẻ dèm pha gây khó khăn cho hôn nhân, ảnh hưởng không tốt cho việc cưới.
Người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng thường ấn định ngày cưới giống bhư người Chăm Bà La Môn, thường là vào buổi chiều thứ tư ngày chẳn, trong hạ tuần trăng từ 16 đến cuối tháng theo lịch Chăm của các tháng, tháng ba, sáu, tám, mười và tháng mười một.
Theo chế độ mẫu hệ việc tổ chức đám cưới do nhà gái tổ chức. Tới ngày cưới, nhà trai sửa soạn lễ rượu, trầu cau, cầu trời và ông bà, tổ tiên (prók) đã khuất chứng giám cho việc hôn nhân của con cái mình.
Đến ngày đã định tất cả những người bà con thân tộc kể cả bạn bè thân thiết của đàng trai đều tập trung đông đủ. Đám cưới của người Chăm Hồi giáo Bà Ni không giới hạn người đến dự như người Chăm Bà La Môn. Tất cả mọi thành viên họ hàng đàng trai đều có quyền đến dự, không phân biệt gái trai, già trẻ. Mỗi thành viên của dòng họ đều không quên mang theo tiền gọi là “chền chúk” tiền (gâup gàn), tức tiền họ hàng dùng để làm của hồi môn cho chú rể.
Trước khi đưa chú rể qua nhà gái, chú rể không cần làm lễ rửa tội giống như chú rể Chăm Bà La Môn. Nhà gái cử ông mai đến nhà trai để đón rước họ hàng chàng trai về đàng gái để làm lễ cưới. Đi đầu là tộc trưởng dẫn đường, kế đến chú rể, các ông già, thanh niên, sau đến đàn bà dẫn đầu là vợ tộc trưởng, kế đến là các bà già, cuối cùng là các cô thiếu nữ. Tất cả mọi thành viên của dòng họ đàng trai ăn mặc rất lịch sự; các bà, các cô thiếu nữ trang điểm và đeo nhiều đồ trang sức rất lộng lẫy và hấp dẫn.
Đoàn đưa rể đến gần nhà gái khoảng 20 - 30m mà chưa đến giờ tốt (giờ lành) thì phải dừng nghỉ 10 - 15 phút. Nhà gái cử một đoàn do người đàn ông cao tuổi cùng với người cậu của cô dâu, mang chiếu, trầu cau ra thết đãi họ hàng nhà trai, chờ giờ tốt. Tất cả cùng nhau trò chuyện, uống nước. Đến đúng giờ lành đã định, một số người trong đoàn nhà gái quay trở vào nhà để thông báo cho phía nhà gái biết là đoàn nhà trai đã đến, để tiếp đón chính thức. Đúng giờ lành, nhà trai vào nhà gái theo thứ tự trên. Để tỏ lòng kính trọng đàng trai, nhà gái để một lu nước “khan ya” có một người đàn bà cầm gáo múc nước dội cho từng thành viên nhà trai rửa chân tay và mời họ theo hàng chiếu đã trải sẵn bước vào nhà. Các thành viên đàng trai được ông mai, cha mẹ và họ hàng đàng gái tiếp đón rất nồng hậu và cởi mở, đặc biệt kính trọng, không để mất lòng đàng trai. Nếu để mất lòng và làm những điều không vừa ý nhà trai thì bị nhà trai bắt lỗi và có thể dừng đám cưới. Trường hợp như thế xảy ra thì hai bên phải thoả thuận, thường tộc trưởng hai bên đứng ra giải quyết. Nhà gái phải làm lễ “thú tội”. Trường hợp trên thường xảy ra ở đám cưới người Chăm Hồi giáo Bà Ni và người Chăm gọi là “mứk kai” (bắt lỗi).
Trong nhà, người ta trải ba chiếc chiếu dài thành ba hàng dọc, hàng chiếu giữa dành cho ông mai, chú rể, những người già cả và những người có chức sắc; hàng chiếu bên phải dành cho họ hàng đàng trai; hàng chiếu bên trái dành cho họ hàng đàng gái. Hiện nay không còn ngồi dưới chiếu, thay vào đó là bàn ghế.
Đến giờ qui định, chú rể được ông mai dẫn vào phòng the của cô dâu, lúc này cô dâu đã được trang điểm và đang ngồi chờ sẵn. Phòng của cô dâu là một gian ở phía trong của căn nhà, kiến trúc theo lối nhà cổ truyền được gọi là “thang yơ” (nhà tục). Trong phòng the được kê một tấm phản hoặc trải chiếu dưới nền đã được yểm bùa chú, chú rể đến ngồi kế bên cô dâu, ông mai cầm chiếc chiếu đập xuống ba lần, khấn vái các thần linh rồi trải xuống tấm phản của cặp hôn nhân, đầu chiếu quay về hướng Bắc, đuôi chiếu quay về hướng Nam. Kế đó ông mai cầm chiếc gối đã để sẵn ở đó đẩy sát vào nhau.

Trong lúc này, người ta mang vào một mâm lễ gồm trầu cau, vôi, rượu, để trước mặt cô dâu và chú rể, trên chiếc phản. Ông mai thắp nến làm lễ bổn mạng cho hai người, rồi rót rượu khấn vái thần linh yamư, Pôinưgar, pôpan và tổ tiên, ông bà chứng giám cho hôn lễ này là trịnh trọng lấy một lá trầu to, đẹp từ trong một hộp đựng trầu cau, xẻ đôi dưa cho cô dâu một nữa, cô dâu lại xẻ đôi miếng trầu ra làm hai phần, đưa cho chú rể một phần. Cô dâu lấy ít vôi bôi vào trầu cau của chú rể và của mình, rồi hai người cùng ăn miếng trầu trong niềm hạnh phúc. Sau đó cô dâu chú rể đợi đến giờ ra làm lễ.

Theo nghi lễ của Hồi giáo, đám cưới phải cử hành ở thánh đường. Muốn làm lễ gia chủ phải đến hỏi người đứng đầu trong đạo gọi là “pô grù” ông này cho ngày tốt để cử hành hôn lễ. Gia đình, cha mẹ phải báo cho họ hàng láng xóm biết đúng ngày đó đến thánh đường làm lễ với con mình. Nhưng ở người Hồi giáo Bà Ni nguyên tắc này gần như không được thực hiện nguyên xi mà đã có cải biến phần nào.

Theo giáo lý của Hồi Giáo, chú rể và cô dâu cùng họ hàng đến thánh đường làm lễ trước rồi sau đó mới được quyền vào phòng the. Nhưng do ảnh hưởng của đạo Bà La Môn, chú rể vào phòng the trước, cho nên đành phải làm lễ rửa tội ở nhà, không đến thánh đường bằng cách tới ngày lễ đã định, người ta dựng một cái nhà lợp bằng tranh gọi là”càn” để làm lễ. Bên trong “càn” được trang hoàng rất đẹp. Dưới mái nhà, người ta che một hay hai tấm ra trắng có tua phủ hai bên.

Y phục của chú rể gồm áo “ao loák” (áo truyền thống của người Hồi giáo Bà Ni) hoặc áo trắng (kiểu áo sơ mi), sarong trắng và đặc biệt chú rể phải cột đầu bằng khăn “xếu” có tua hai bên màu trắng. Cô dâu cùng mặc y phục truyền thống gồm áo “ao may” (áo dài Chăm), váy, khăn choàng (khar drăm). Toàn bộ y phục cho lễ cưới toàn màu trắng.

Đến giờ làm lễ (thường vào khoảng 8 giờ sáng), cô dâu và chú rể bước ra khỏi phòng the đi đến nơi làm lễ cưới “càn”. Hai ông thầy là imưm và một ông grù (người đứng đầu tôn giáo) ngồi chờ sẳn. Bắt đầu nghi lễ, các giáo sĩ đọc kinh cầu nguyện, ngồi trước mặt giáo sĩ là chú rể sau đó là cô dâu, tiếp đến là mẹ và những người thân trong gia đình và họ hàng. Những người thân của cô dâu chú rể cầu nguyện thánh Alla ban phước lành cho cô dâu và chú rể.
Chiếu được trải dài từ nhà cho đến nơi làm lễ mục đích để cho chân cô dâu và chú rể không được chạm đất. Khi lễ đọc kinh cầu nguyện vừa chấm dứt, cha mẹ cô dâu nói với chàng rể rằng “Hôm nay chúng tôi cho anh cưới con gái chúng tôi là con gái này đây”. Chú rể đưa hai tay ra và trả lời: “slan, slan, slan” tức là “tôi xin nhận” 3 lần trước mặt thầy cả và hai ông i mưm là nhân chứng cho cuộc hôn nhân. Tiếp đến cô dâu chào các giáo sĩ bằng cách lạy 3 lần rồi trở vào phòng the một mình, để chú rể ở lại đó với hai vị i mưm ngồi hai bên chú rể. Đặc biệt trong lễ cuới phải có một cặp đứa trẻ từ 4 đến 6 tuổi, mặc bộ áo truyền thống màu trắng giống như bộ áo cưới của chú rể gọi là “nưk là con” để chứng giám cuộc hôn nhân. Ông Thầy Cả bảo giáo sĩ hỏi chú rể xem có bằng lòng cho các giáo sĩ đứng ra làm trung gian, để cho cuộc hôn nhân anh ta hợp thánh đạo không? Những tặng vật chú rể mang tặng cô dâu gồm những tặng vật gì? Theo tục lệ cổ truyền, quà tặng của chú rể cho cô dâu bắt buộc phải có một chiếc nhẫn hình mắt cá, bằng bạc, đồng hay bằng vàng tuỳ theo hoàn cảnh gia đình chú rể khá giả hay không (chiếc nhẫn này người Chăm gọi là “kara mưta”). Sau đó họ cầu phúc cho họ bằng những đoạn kinh trích trong kinh Coran. Thường trong lễ cưới, lễ cầu nguyện cho cuộc hôn nhân đều có lư hương dùng để đốt trầm. Có lẽ hương trầm được đốt và toả hương để mang lời cầu nguyện đến với thánh Alla.
Có lẽ tất cả các nghi lễ hôn nhân này có ý diễn lại đám cưới con của thánh Môhamat là Ali và Pô Tha Mứh. Tất cả những nhân vật chính của cuộc hôn nhân này đều mang tên của Thánh nhân toàn là những vị đã sáng lập ra Hồi giáo. Nhưng chỉ mượn tên trong lúc làm lễ mà thôi. Ông Thầy cả lấy tên hoàng tử Môhamat, vị đệ nhất i mưm làm nhân chứng là hoàng tử “Abubaken”, chú rể là ông hoàng Ali hay chàng Bauguidoeu Ali, cô dâu lấy tên Phatimau.
Sau đó hai vị i mưm tay giữ chiếc nhẫn là người làm chứng cho cuộc hôn nhân bước vào nhà. Móc ngón tay trỏ vào nhau hướng về phía cô dâu và nói với nàng “Phatimau”: Hoàng tử Môhamat phái chúng tôi đến đây để hỏi nàng có chấp thuận chàng Ali làm chồng không? Cô gái trả lời rằng “Tôi vui mừng chấp nhận”. Một vị giáo sĩ đeo chiếc nhẫn vào ngón tay của cô dâu, một giáo sĩ khác trải tấm vải trắng lên chiếu, rồi hai giáo sĩ này đi ra, hai tay vẫn móc vào nhau tiến vào hướng nơi làm lễ và báo cáo với vị chủ trì tức Thầy Cả rằng”Phatimau đã chấp nhận chàng Ali”. Ông grù cầm tay chú rể đến với cô dâu. Hai giáo sĩ đi trước, chú rể đi sau, ngoài ra đi sau còn có cả hai em bé mặc bộ áo truyền thống toàn màu trắng gọi “nư là con”. Hai em bé này có nhiệm vụ mang tấm chiếu và tấm vải trắng để trải lên giường cưới. Khi vào đến phòng the, chú rể lấy ra ba miếng trầu mang đập bằng hòn đá trên ngưỡng cửa.
Trong phòng the của cô dâu, có bốn bà già gọi là mú úa, (người chỉ dẫn cô dâu), trải chiếu và vải trắng ra cho cô dâu ngồi lên, chú rể cùng ngồi xuống bên cạnh cô dâu. Vị i mưm nói “Đây là giường nằm của hai người trong tối tân hôn” và “đây là chồng của nàng đây, nàng có bằng lòng không”. Cô dâu cùng với bốn mú úa đều trả lời “chúng tôi ưng thuận”. Các vị i mưm cầm tay chú rể đặt vào tay cô dâu và người ta đẩy hai vợ chồng ngồi gần nhau. Tiếp đến hai vị i mưm rắc nước phép lên đầu hai người gọi là nước phép rửa tội, cầu phúc cho cô dâu, chú rể, dặn họ đôi điều về mặt giáo lý, xong ngồi ra ngoài. Sau đó cô dâu lấy trầu cau và bôi một ít vôi đưa vào miệng chú rể, chú rể cởi áo cưới vắt lên người cô dâu. Sau đó hai người ra nơi làm lễ, một lần nữa lạy các giáo sĩ. Cô dâu lạy cha mẹ chồng. Các giáo sĩ tiếp tục đọc kinh và kết thúc lễ cưới.
Lễ Dua anưk atâu (Lễ trình diện tông môn)
Cũng giống như người Chăm Bà La Môn. Sau lễ cưới 3 ngày, cha mẹ cô dâu làm các loại bánh gồm bánh sacada (là loại bánh truyền thống của người Chăm) peinung (bánh tét) cùng trầu cau, chuối và một lít rượu đựng trong một cái (ciết) do cô dâu, cha mẹ cô cùng với một số người bà con thân tộc gần gũi nhất như cậu, bác, dì v.v... đến nhà trai làm lễ tạm biệt cha mẹ đàng trai. Lễ này diễn ra giống như lễ “ta lơh akhar ao” của người Chăm Bà La Môn đã được trình bày trên đây.
Sự Bãi hôn và Đính hôn
Gia đình người Chăm cho phép đôi nam nữ tự do lựa chọn người mình kết duyên. Nhưng sau khi bằng lòng nhận trầu cau, bánh trái của nhà gái rồi thì coi như đã hứa hôn, nếu bên nào bãi hôn không có lý do chính đáng, làm lỡ dở việc hôn nhân thì bên đó coi như là thất ước, bội hôn. Theo tục lệ thì bị phạt vạ và bồi thường duyên phí tổn cho bên kia. Theo thuật ngữ người Chăm gọi là “táh pàu kia” và “tạh plao mưta”. Trá duyên tức là dắt một cặp trâu bồi thường duyên nợ, tuy nhiên nếu hoàn cảnh gia đình nghèo thì làng châm chước, phạt vạ nhẹ hơn. Điều đặc biệt là nếu người con trai, con gái đã già, hay ly dị một lần thì dù có thất ước, bội hôn cũng chỉ phạt rất nhẹ. Ngoài ra hai bên đã định ngày cưới, đột nhiên một bên có người thân thiết mất thì phải xin hoãn lại đám cưới. Sau đó, hai bên định ngày khác chậm nhất là một năm.
Các lễ nghi của gia đình Hồi giáo BàNi:
Lễ Bai Plày (Lễ đầy tháng):
Người Chăm Hồi giáo Bà Ni không có lễ nghi đặt tên, cắt tóc cho đứa trẻ như Hồi giáo Islam, họ không có tên thánh như Mônamad, Ibrohim, Moasa, … Tên cho con cái tự họ đặt, không theo qui tắc của luật Hồi giáo. Thường đặt tên theo tên người Việt như Phương, Phú, Vân…
Khi đứa con đầy tháng, họ làm lễ đầy tháng mừng cho đứa trẻ. Lễ vật gồm một con dê, cơm. Thường làm lễ vào buổi chiều do 3 ông thầy đảm nhiệm gồm thầy i mưm, ông tìnk, ông chan. Lễ được bắt đầu do ông i mưm chủ trì đọc kinh cầu nguyện dâng cho Alla phù hộ cho đứa trẻ; mẹ, cha của đứa trẻ cầu nguyện cho đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh và có chức vị cao trong xã hội. Đọc kinh vừa dứt, họ dâng lên cho các vị tăng lữ một mâm cơm. Sau khi các tăng lữ ăn xong, đọc kinh một lần nữa và chấm dứt buổi lễ đầy tháng.
Lễ đầy tháng mang ý nghĩa mừng đứa trẻ ra đời và cầu nguyện thánh Alla ban phước lành và mọi điều may mắn đến với đứa trẻ. Trong lễ đầy tháng người Chăm Hồi giáo Bà Ni không đặt tên thánh và họ không quan niệm tên thánh khi chết bạn bè và người quá cố sẽ gọi nhiều lần để nhắn nhủ vong hồn trong lễ cầu nguyện, hoặc đến ngày tận thế, đến ngày phán xét cuối cùng họ sẽ được gọi dậy bằng tên thánh như những tín đồ Hồi giáo Islam đã làm. Có lẽ do Hồi giáo Bà Ni bị Chăm hoá làm mất đi hoặc biến dạng một số lễ nghi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội người Chăm.
Vào năm Minh Mạng thứ 14, Triều đình Huế bắt người Chăm phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Hán, Phú, Mã, Châu…Đặc biệt các họ Ông, Ma, Trà, Chế (dành cho vua Chàm), dân chúng không được mang.
Lễ Tang Ma của người Hồi giáo Bà Ni:
Khác với người Chăm Bà la môn theo tục hoả táng, người Hồi giáo BàNi chôn người chết.
Ở người Chăm Hồi giáo Bà Ni cũng quan niệm về người chết giống người Chăm Bà La Môn. Khi có người chết phải làm lễ tang ma để linh hồn của người đó được siêu thoát. Ngược lại nếu người quá cố không được làm lễ tang ma, linh hồn sẽ không được siêu thoát, sẽ bắt tất cả những người thân trong dòng tộc của họ. Cho nên người Chăm Hồi giáo Bà Ni rất coi trọng tang ma.
Trong lễ tang ma có rất nhiều nghi lễ phức tạp, có sự khác nhau giữa đám tang người giàu, người nghèo. Tục lệ còn qui định những đứa trẻ dưới 15 tuổi không được làm đám tang mà chỉ chôn bình thường. Đối với người chết cũng chia ra làm 2 trường hợp: chểt bình thường và chết không bình thường.
+ Chết bình thường: chết vì bệnh, được quyền làm tang ngay.
+ Chết không bình thường: như chết trận, chết vì thú dữ phải chôn một thời gian từ 1-3 năm, sau đó mới cải táng đem chôn ở nghĩa địa và làm đám tang. Tục lệ cũng qui định, khi người bệnh hấp hối tất cả những trong gia đình và dòng họ phải đến thăm và canh chừng ngày đêm. Họ quan niệm rằng, khi người bệnh tắt thở phải có người thân bên cạnh chứng kiến mới được coi là “chết tốt”, nếu người chết không có sự chứng kiến của người thân là điều không lành, “chết xấu” “ha mư tai phào”. Cũng chính vì vậy họ có điều kiện để chuẩn bị rất cẩn thận tất cả những nghi lễ liên quan đến đám tang từ áo quần, trầu cau, gạo…
Thường người Chăm Hồi giáo Bà Ni chôn người chết ngay vào buổi chiều nếu thân nhân tắt thở lúc sáng, hoặc chôn ngay sáng hôm sau nếu chết vào buổi chiều.
Chúng tôi đã trực tiếp dự đám tang của bà Thập Thị Tép ở làng Văn Lâm, xã Phước Nam huyện Ninh Phước tắt thở vào lúc 5 giờ chiều ngày 27 tháng 11 năm 1993. Mọi người trong dòng họ và kể cả bàn con xóm làng đến thăm viếng cùng nhau dựng lên một cái nhà bằng tranh rất đơn sơ gọi là “chànk” dùng để cho thi hài người chết và là nơi các vị tăng lữ, các bậc I mưm, ông Grù đọc kinh cầu nguyện cho người chết. Người chết được người thân trong gia đình khiêng vào một cái lán lợp tranh rất đơn sơ để tắm rửa thật sạch sẽ, vì họ quan niệm rằng người chết phải tắm rửa thật sạch sẽ, kỹ lưỡng trước khi đem vào “chànk” nơi các tăng lữ sẽ đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố. Nếu không tắm rửa sạch sẽ thì người chết được coi là xấu, không tốt. Sau khi thi hài được tắm rửa dưới sự chỉ đạo của ông thầy i mưm thì được đưa vào “chànk” đầu quay về hướng Bắc. Người ta phủ lên thi hài vài bộ quần áo của người quá cố, mặt được phủ một chiếc khăn. Suốt đem đó, các tăng lữ được mời đến đọc kinh.
Tùy theo tuổi tác người chết như: già, trung niên, trẻ mà ông “Grù” phân công các tăng lữ đến đọc kinh và đưa thi hài đến hào huyệt nghĩa trang gọi là “khồn”. Người già chết do 12 ông tăng lữ đưa, trung niên 6 ông và nhỏ do 2 ông đưa. Qui tắc của Hồi giáo Bà Ni không để người chết quá 24 tiếng đồng hồ. Suốt đêm đó các tăng lữ đọc kinh 3 đợt, cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ tốt lành.
Sáng sớm hôm sau vào lúc 6 giờ sáng, thân nhân đưa thi hài đi tắm một lần nữa. Trong lúc này các cụ già, thanh niên chẻ trẻ để làm quan tài. Quan tài thường làm bằng tre, chia làm 3 ngăn, ngăn giữa dùng để đặt thi hài, 2 ngăn 2 bên để cho tăng lữ đọc kinh cầu nguyện. Sau khi tắm rửa xong, tăng lữ được phân công đọc kinh dẫn đường và là người điều khiển đưa quan tài đến huyệt, vẩy nước thánh vào thi hài, vừa đọc kinh. Sau đó lau khô rồi bắt đầu liệm thi hài gồm có một quần lót trắng, váy trắng, áo trắng. Đối với đàn ông mặc 3 lớp, đàn bà mặc 5 lớp. Xong, đưa thi hài vào “chànk”. Các con cháu, anh em đến gần coi mặt người chết lần cuối, sau đó các thân nhân đều lạy 3 lạy.
Cuối cùng người ta khiêng thi hài bỏ vào quan tài, phủ khăn lại, quan tài 12 người khiêng đi đến huyệt, đi đầu là một tăng lữ được Thầy Cả chỉ định dẫn đường, tiếp sau là các tăng lữ như i mưm, Pô Grù và các tăng lữ khác cùng với người thân, tất cả bà con xóm làng đi theo sau quan tài tiễn đưa người quá cố. Thân nhân vừa đi, vừa khóc. Tục lệ người Hồi giao Bà Ni cho thân nhân khóc và kể lể không như luật Hồi giáo Islam không cho thân nhân khóc vì cho rằng nước mắt sẽ trở thành cái ao nước làm ngăn bước đường của người quá cố đến với thượng đế. Khi quan tài được khiêng gần đến nghĩa trang, tăng lữ dẫn đường ra lệnh đổi đầu thi hài, bằng cách xoay quan tài đưa chân ra phía trước. Vì họ cho rằng làm như thế sẽ làm lạc hướng lối đi, linh hồn người chết sẽ không trở về quậy phá người thân. Cách nghĩa trang 10-20m, quan tài được hạ xuống (nếu người già chết), người ta phải khiêng luôn 4 tăng lữ ngồi hai bên quan tài để đọc kinh, đến nghĩa trang của dòng họ, chủ nhà (pô thang) chỉ định nơi chôn, tăng lữ làm phép, con cái và người thân cầu nguyện đồng thời khấn, lạy nơi huyệt, cầu Alla cho người thân mình nằm xuống tốt lành, cầu hồn người quá cố được lên thiên đàng tốt đẹp. Huyệt thường được đào sâu 1,5 - 2m. Sau khi huyệt đào xong tất cả người thân lạy quan tài lần cuối cùng. Sau đó tăng lữ xuống huyệt làm lễ, ở trên huyệt được che một tấm khăn lớn, thi hài được đưa xuống huyệt từ từ, đầu hướng về phía Bắc, chân hướng về phía Nam, tăng lữ đặt nghiêng thi hài, đầu hướng về mặt trời lặn. Ở trên mộ, các tăng lữ đọc kinh cầu nguyện dâng cho Alla. Tiếp đến người thân của người quá cố đọc đoạn kinh “yà sim” cầu nguyện cho linh hồn người chết sớm trở về cõi thiên đường, trong lúc này 3 ông tăng lữ dưới huyệt tiếp tục đọc kinh và làm nghi thức đọc kinh nhắn nhủ với người quá cố. Xong phần nghi thức, các thân nhân người chết lấy mỗi người một nấm đất bỏ xuống huyệt, tiếp đến vài người thân xuống huyệt dùng cuốc cào đất xuống phụ giúp với tăng lữ. Nếu đất được lấp đầy huyệt họ cho là chết tốt, ngược lại không lấp đầy huyệt cho là chết xấu. Đặc biệt, hào huyệt được san bằng giống như cách chôn của người theo đạo Hồi giáo islam chứ không làm nấm mồ như cách chôn của người Việt hoặc người Hoa. Thi hài được chôn xong họ lấy một nhánh cây gai cắm lên tượng trưng cho người chết. Mọi người về nhà. Khi ra về không quay lại nhìn mồ, vì họ tin rằng làm như vậy linh hồn người chết sẽ theo họ về quậy phá. Họ hàng, gia đình tiếp tục làm đám tuần ở nhà trong 3 ngày. Ngày đầu gọi là “dấu an”, ngày thứ hai “tá pàu dâu” (giết trâu), ngày thứ ba “pố non” (lễ tiễn đưa). Nếu nhà giàu, họ làm 7 đám tuần vào các ngày sau: lần thứ nhất là vào ngày thứ 7 tính từ khi người chết, tiếp đến là ngày thứ 10, ngày thứ 30, ngày thứ 40, ngày thứ 100 và cuối cùng là đầy năm, khi tròn một năm người ta quan niệm linh hồn người chết sẽ về thăm nhà.
Trước khi làm đám tuần, họ chuẩn bị nhiều thứ rất tốn kém, có khi tốn hàng chục triệu đồng gồm một cặp trâu, 1 tấn gạo, cá, trầu cau, đường… Tất cả dân làng trong xóm làng đến chia buồn, sau đó được thết đãi rất linh đình làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình có người quá cố. Đám tuần (phathi) được tiến hành các nghi lễ sau đây:
Lễ Dấu Van:
Sau khi chôn người chết vào buổi sáng xong, buổi chiều gia đình tiến hành làm lễ dấu van. Lễ này rất đơn sơ lễ vật gồm gà, cơm. Đầu tiên gia đình mời 6 ông tăng lữ trong đó có ông Pô Grù, I mưm. Lễ bắt đầu vào khoảng 4-5 giờ chiều. Tất cả tăng lữ vào “chànk” làm lễ. Họ ngồi đối diện nhau ở giữa là khoảng trống dùng để lễ vật. Lễ do Thầy Cả điều khiển cùng với tăng lữ đọc kinh. Kinh vừa dứt cho mang đến cho mỗi thầy một mâm cơm, ăn xong, Thầy Cả làm lễ đọc kinh lần cuối rồi kết thúc. Gia đình thết đãi bà con đến dự.
Lễ Tak Ku Bau Yâu (Lễ giết trâu):
Lễ nghi này tiến hành ngay ngày hôm sau ngày lễ dấu van. Lễ này là lễ giết trâu, tuy nhiên nếu có người nghèo không đủ điều kiện kinh tế, người ta làm cá.
Lễ được bắt đầu vào khoảng 1 giờ chiều. Đầu tiên thân chủ mời 2 ông tăng lữ làm lễ giết trâu. Lễ được tiến hành ngay trước cổng nhà gia chủ. Họ đào 2 cái hố sâu 40-50cm, trâu được quật ngã, dùng gậy cột 4 chân lại kéo đến hố đã được đào, mỗi hố một con, 1 ông tăng lữ đứng trước 2 mâm lễ vật dùng để giết trâu gồm gươm, 1 bó nhánh cây, 1 hũ nước. Sau khi làm lễ đọc kinh xong, các ông tăng lữ tiến đến hố đã được đặt hai con trâu, mỗi ông cầm gươm và một nhánh cây, đọc vài câu kinh rồi bắt đầu cắt cổ trâu, xong phần lễ.
Đến 4 giờ chiều họ mời 6 tăng lữ, gồm ông grù, 2 ông I mưm và 3 ông thầy “chan”. Họ vào “chànk” ngồi đối diện nhau, ông Grù đọc kinh trước rồi sau đó các tăng lữ đọc theo, kinh vừa dứt, họ mang vào cho mỗi ông tăng lữ một mâm chè, sau đó kế tiếp là mâm thịt luộc rồi 1 mâm cơm gồm thịt, canh lá, nước mắm… Họ ăn từng đợt kế tiếp nhau. Cuối cùng tăng lữ đọc kinh một lần nữa, thân nhân khấn vái xong rồi chấm dứt buổi lễ. Gia đình thết đãi bà con xóm làng. Lần này số lượng bà con rất đông.
Tối đến, người thân và một số và con xóm làng làm giúp một số công việc như xếp đặt đồ đạc, quần áo, bánh trái được ngăn nắp để chuẩn bị cho ngày hôm sau làm lễ pố non (lễ tiễn đưa).
Lễ Pố Non (Lễ tiễn đưa linh hồn người quá cố):
Lễ được tiến hành vào buổi sáng. Khoảng từ 5 giờ sáng tất cả tăng lữ được mời đến đọc kinh, Trước mặt tăng lữ (4 chan) là khoảng trống dùng để đặt mâm lễ vật. Trong khi tăng lữ đọc kinh dưới sự điểu khiển của Thầy Cả, tất cả những người thân đều vô nhà lễ “chànk” để lạy và cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ tốt đẹp. Trước mặt nhà lễ là áo quần, vải vóc của người thân xếp cao 1m, và một hàng hoặc 2 hàng “ciết” (giỏ đựng trái cây, bánh kẹo…) của tất cả những lễ vật trên gửi về cho những người ở bên kia thế giới. Sau khi vừa đọc dứt, thân chủ dâng mâm cơm, mâm chè cho các vị tăng lữ, ăn xong tăng lữ đọc kinh lần cuối. Trong lễ pố non này, người thân của người quá cố như con hay người anh, hoặc cậu, đã qua lễ “akrắk” (người được chứng nhận thuộc kinh Coran), đọc vài đoạn kinh dâng thánh Alla, cầu xin linh hồn người quá cố được siêu thoát. Sau khi kinh cầu nguyện được đọc xong, người thân mang “ciết” ra đứng hai hàng dọc. Đi đầu là các vị tăng lữ, vừa đi vừa đọc kinh, tiếp đến là thân nhân, họ hàng. Đoàn mang lễ vật đưa tiễn đến ngã tư đường, tăng lữ cho đoàn ngừng làm lễ đọc kinh để chấm dứt lễ.
Lễ tuần (padthi) được chấm dứt cách 2 ngày, thân nhân của người quá cố đi đến một con sông tìm 2 hòn đá tròn nặng khoảng 20-50kg. Tùy theo người chết là già hoặc trẻ mà có hòn đá khác nhau, người chết càng già thì đá càng lớn. Họ mời một tăng lữ, mang 2 hòn đá đến đặt ở hai đầu mộ, xong tăng lữ làm phép. Mộ của người Chăm Bà Ni không đắp cao và cũng không xây cất, chỉ để 2 đầu mộ hai hòn đá.
Ngoài ra người Chăm Hồi giáo Bà Ni có tục chôn tạm (pà doa) và sẽ làm lễ cải táng sau 1-3 năm. Những người chết phải chôn tạm là những người chết bất đắc kỳ tử hoặc đàn bà chết lúc mang thai, chết lúc sinh đẻ. Những người chết trong trường hợp trên không được chôn ngay trong nghĩa trang mà họ phải nằm lẻ loi một thời gian, chờ cho lúc xác tan hết thịt thì mới đào lên để làm lễ đám tuần chôn vào khu nghĩa trang của dòng họ. Việc cải tang bình thường khác.
Nghĩa trang của người Chăm Hồi giáo Bà Ni phần lớn nằm ở động cát ven biển. Nhiều làng Chăm như làng Văn Lâm có nghĩa trang Sơn Hải, Cà Ná, Ya Klang, ở làng Phước Nhơn có nghĩa trang Cà Đú thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Quá trình biến đổi về gia đình và hôn nhân từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay:
Ngày nay gia đình Chăm ở Việt Nam đã biến đổi rất nhiều, tuy rằng gia đình ‘mư nga vôm’ vẫn tồn tại song song với những qui định luật pháp về hôn nhân gia đình của nước CHXHCN Việt Nam tạo điều kiện cho việc phát triển tiểu gia đình với những qui định chia gia tài cho các con gái. Những thay đổi trong nền nông nghiệp và kể cả công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đẩy mạnh chiều hướng này. Ngày nay, các gia đình nhỏ hơn trước nhiều, thường chỉ một hoặc hai con, và sớm có quyền tự quản.
Với công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển khoa học kỷ thuật trong sản xuất, trong phong trào xây dựng văn hoá mới, chế độ gia đình và hôn nhân của người Chăm có nhiều thay đổi rõ rệt. Nề nếp phong kiến và giáo lý tôn giáo từ không cho trồng cây bóng mát do sợ ma quỷ đậu, không treo ảnh trong nhà thì nay đã đổi mới, khắp mọi nơi đã mọc lên những hàng cây tô thêm vẻ đẹp phong cảnh của “pley” Chăm.
Sự đổi mới cư trú đã làm thay đổi nếp sống, sinh hoạt gia đình trước hết được biểu hiện trong cơ cấu gia đình. Do việc sắp xếp lại cách ăn ở và xây dựng lại hợp tác xã với chế độ khoán được thực hiện, nhiều hộ gia đình nhỏ xuất hiện. Ví dụ: Ở thôn Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) và thôn kinh tế thuộc thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã giảm dân và thành lập thôn mới. Thôn Hữu Đức có thêm làng Tân Đức, thôn Văn Lâm có thêm khu kinh tế Văn Lâm. Ở đây nhiều gia đình nhỏ ra đời. Sự xuất hiện tiểu gia đình là một tiến bộ của xã hội Chăm phù hợp với phương thức sản xuất hiện nay. Cùng với việc sinh hoạt trong gia đình có nhiều biến đổi, cuộc đấu tranh loại bỏ mê tín dị đoan đang tồn tại trong gia đình Chăm hiện nay diễn ra khá mạnh, Nhất là ở bộ phận Chăm Trung Bộ. Điểm nổi bật nhất ở sau ngày giải phóng là xoá bỏ bớt những phong tục, lễ nghi hủ tục làm ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế gia đình, đặc biệt là không tồn tại những lễ nghi cúng thần linh ma quái nghi lễ “pô phùm” (tục cúng ruộng) đã hoàn toàn mất hẳn.
Trong sinh hoạt của từng gia đình người Chăm hiện nay đã tiếp thu ảnh hưởng nền văn minh và văn hoá mới, những thành tựu khoa học đã thúc đẩy cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình mang tính chất thành viên của xã hội mới. Những cảnh bần cùng, nếp sống thiếu văn minh trong sinh hoạt hằng ngày đang dần dần thay bằng sinh hoạt văn minh hơn (như ăn uống được giữ gìn vệ sinh do tiếp thu ảnh hưởng văn hoá của người Việt) đã tác động rất mạnh đến nhận thức trong gia đình phải được gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Trong ăn uống, thói quen như ăn bốc đã được sửa đổi trong cộng đồng Chăm. Hiện nay hầu hết người Chăm Trung Bộ ăn bằng đũa như người Việt. Người Chăm Nam Bộ ăn bằng muỗng, đôi khi ăn bốc nhưng phải rửa tay sạch sẽ. Thức ăn nước uống được nấu chín và đun sôi cẩn thận. Nhìn chung sau ngày giải phóng nếp sống mới đã được xây dựng khắp ở mọi nơi, mọi làng xã thuộc cộng đồng dân tộc Chăm, góp phần làm biến đổi nhiều mặt các sinh hoạt hằng ngày, nâng cao đời sống tinh thần và xã hội của người Chăm, tạo điều kiện cho họ theo kịp trào lưu tiến hoá của xã hội các cộng đồng tộc người ở Việt Nam.
Sau năm 1975 trở đi chiều hướng phát triển này ngày càng nhanh do nhiều công ăn việc làm gia tăng và hệ quả của nó là con người sống cơ động hơn. Ở người Chăm vùng Ninh Thuận, Bình Thuận những người trẻ tuổi đã phát hoang làm rẫy, trồng nho, nuôi bò đồng thời rút kinh nghiệm, học hỏi thêm khoa học nông nghiệp, áp dụng phương pháp và kỷ thuật phục vụ nông nghiệp. Nhiều chủ gia đình đứng ra buôn bán, điều mà trước giải phóng ít người Chăm làm được, bởi lẻ các quán trong xóm làng Chăm đa số đều do người Việt thành lập.
Ngày nay có nhiều chủ gia đình nhận những công việc thời vụ tại những khu đô thị mở rộng hoặc đi buôn bán rong quần áo, vải, dầu gió, dầu thơm v.v... thường thấy ở người Chăm Islam Nam Bộ.
Ngày nay sự phát triển của khoa học kỷ thuật, sự phát triển của các phương tiện và máy móc truyền thông cũng không hậu thuẩn cho tình cảm cộng đồng gia đình. Gia đình không còn là nơi trao đổi tin tức để cha mẹ hoặc ông, bà đọc Ariya dưới đêm trăng, kể chuyện cổ tích hoặc hơn thế nữa đứa trẻ không còn được nghe kể chuyện lịch sử, anh hùng ca của dân tộc, tất cả đi vào dĩ vãng, nhường bước lại cho truyền hình với nhiều chương trình khác nhau đã làm cho việc xem truyền hình đã trở thành một sinh hoạt cá nhân. Mỗi thành viên gia đình ngày càng có những nguồn thông tin riêng và ngày càng ít có chiều hướng trao đổi những thông tin ấy với người thân thích. Điều đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, đây có thể là một thời kỳ quá độ và có thể xuất hiện những tập tính mới. Ví dụ đang xuất hiện ngày một nhiều “nhà ở cho hai thế hệ” trong đó bố mẹ già và con cái có thể chung sống với nhau, đồng thời vẫn độc lập với nhau. Cũng có thể việc phục hồi những lễ hội truyền thống tập hợp nhiều thế hệ có một vai trò riêng sẽ đi đến chỗ thắt chặt hơn nữa các sợi dây liên hệ gia đình. Phải chăng đang ra đời một mô hình văn hoá mới.
Trong chế độ hôn nhân của người Chăm đã có nhiều biến đổi khá rõ nét. Như chúng ta đã biết, giáo lý của tôn giáo đã chi phối khá sâu sắc trong gia đình và nhất là trong hôn nhân của người Chăm. Các lễ nghi trong hôn nhân phải thực hiện theo giáo lý, cấm không được sửa đổi. Sự sửa đổi trong lễ nghi hôn nhân được coi là “harâm” xấu và cuộc hôn nhân không được chấp nhận chính thức. Sự bảo thủ của giáo lý đã tác động rất mạnh đến tư tưởng của mỗi thành viên. Mỗi tín đồ đều phải tuân theo lễ nghi giáo lý của tôn giáo đặt ra. Mặc dù tôn giáo đã ăn sâu vào mỗi tiềm thức của mỗi thành viên Chăm, nhưng kiềm hãm được ảnh hưởng của sự phát triển của nền văn minh; khoa học kỷ thuật đang hằng ngày phát triển mở đường cho nhân loại đến với nền văn minh rực rỡ và người Chăm đã đón nhận thành tựu của thời đại khoa học ấy.
Trong gia đình hôn nhân của người Chăm cũng đã chịu ảnh hưởng một phần nào những yếu tố văn minh hiện đại. Ví dụ khi tiến hành lễ nghi đám cưới xong, cô dâu và chú rể có thể mặc y phục theo phong cách của chú rể hiện đại như mặc áo vét, mang cà vạt, mang giày. Cô dâu có thể thuê khăn đóng hoặc bộ áo cưới dài kiểu Tây phương. Sự đổi mới về nhận thức thẩm mỹ đã tô thêm khung cảnh ngày hôn lễ có phần đẹp, lộng lẫy và đa dạng hơn.
Ngoài sự thay đổi y phục của cô dâu và chú rể, còn có sự thay đổi về cách nấu ăn để thết đãi họ hàng. Trước kia thường thết đãi những món ăn cổ truyền, nay đổi mới còn có thức ăn có đủ gia vị giống những món ăn của người Việt. Về cách trang trí cho ngày hôn lễ cũng khang trang và lộng lẫy hơn trước, đặc biệt những bông hoa được đưa vào trang trí, điều mà trước đây không có.
Hôn nhân trong xã hội Chăm ngày nay dưới ảnh hưởng của nền văn minh thời đại đã tiến bộ rất nhiều, nhất là trong nhận thức về nếp sống mới đẩy lùi trong số hủ tục. Ngoài ra quan niệm hôn nhân “con cô, con cậu” vốn được ưa thích, hiên nay đã giảm đi rất nhiều. Người Chăm đã nhận thức: Trong hôn nhân cặp vợ chồng có dòng máu gần nhau sẽ gây nên hiện tượng đồng huyết ảnh hưởng xấu cho con cái và thế hệ người Chăm sau này. Ngoài ra tư tưởng phong kiến xưa tồn tại rất mạnh ở gia đình và xã hội người Chăm. Nhưng sau ngày giải phóng đường lối đúng đắn đã dẫn dắt người Chăm thoát khỏi những quan niệm hẹp hòi, ích kỷ, không rộng lượng trong tình yêu gây nên cảnh chia cắt nhiều cặp tình nhân.
Hiện nay trong hôn nhân người Chăm đã giảm bớt lễ nghi rườm rà ví dụ như trong thết đãi không dùng rượu, đây là điểm nổi bật nhất. Điều đó làm giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Trước đây tình trạng men rượu đã gây ra rất nhiều chuyện ẩu đả và những chuyện không hay khác.
Trong hôn nhân không thể nói đến tác động của yếu tố tôn giáo. Tôn giáo chi phối hoạt động của xã hội cũng như sinh hoạt hằng ngày nhất là trong hôn nhân của người Chăm. Mặc dù trong xã hội Chăm tín ngưỡng và văn hoá dân gian tác động trở lại làm cho hai tôn giáo Bà La Môn và Hồi Giáo có sự đan xen lẫn nhau về lễ nghi. Sự đan xen đó của hai tôn giáo tưởng chừng để đoàn kết các bộ phận thuộc cộng đồng dân tộc Chăm với nhau, nhưng do ảnh hưởng của giáo rất lớn làm cho những cặp tình nhân không cùng chung một tôn giáo bị chia cắt. Tình cảnh này tồn tại trong xã hội Chăm hằng mấy trăm năm nay, khiến rất nhiều cặp tình nhân phải kết liễu cuộc đời một cách thảm thương. Sự đau thương đó đã biến thành nỗi đau của hàng trăm con tim người Chăm, họ phải đành bó tay trước giáo lý tôn giáo, điều đó đã thể hiện trong bản trường ca nổi tiếng “Chăm Bà Ni” mà ai cũng biết.
Sau ngày giải phóng (1975) bản chất cố hữu không kéo lùi lại sự tiến hoá của xã hội. Sự giáo dục của nhà nước đã hướng tư tưởng của cộng đồng dân tộc Chăm ngày một tiến bộ. Sự phân biệt giữa hai tôn giáo nhất là trong hôn nhân đã có sự chuyển biến và thay đổi một phần nào. Đã có nhiều nhiều cặp trai gái khác nhau về tôn giáo yêu thương nhau và được sống hạnh phúc. Có những lúc họ vấp phải sự ngăn chặn và phản đối kịch liệt của cha mẹ và có khi cả dòng họ, nhưng tình yêu đã vượt qua tất cả. Sau năm 1975, riêng ở Phan Rang đã có khoảng 10 cặp và Phan Rí có vài cặp vợ chồng là những người khác tôn giáo. Đặc biệt có cặp vợ chồng là con của ông trùm đạo “pô grù” Quang Sang theo đạo Bà La Môn, là cặp Quảng Đại Trường và Lưu Thị Hoà (vào 1987). Những cặp vợ chồng khác đại đa số là giới trí thức.
Hôn nhân và gia đình người Chăm ở Việt Nam đã có sự đổi mới nhất định trong thời đại hiện nay, tạo cho xã hội Chăm có nếp sống văn minh lành mạnh hơn trước, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tàn dư của xã hội phong kiến xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của người Chăm hàng mấy thế kỷ. Với hiện tượng trên tuy chưa phổ biến trong xã hội Chăm nhưng là dấu hiệu hoàn toàn mới mẻ phản ánh một phần nào sự đấu tranh quyết liệt của tuổi trẻ Chăm với những tập tục cổ hủ của giáo lý đã tồn tại trong xã hôi Chăm hàng chục thế kỷ.
(Trích trong "Gia đình và hôn nhân của người Chăm ở Việt Nam" - Tác giả: Bá Trung Phụ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét