Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

PHẬT GIÁO CHĂMPA


PHẬT GIÁO CHĂMPA - TS. BÁ TRUNG PHỤ

Đức Phật nhập cõi Niết Bàn (Nirvana) vào khoảng năm 480 trước Công Nguyên và đạo lý của Ngài bắt đầu được truyền bá trong cùng lưu vực sông Hằng (Gangze). Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ II trước công nguyên, đạo Phật đã thịnh hành khắp Ấn Độ, việc truyền bá Phật giáo được đẩy mạnh một cách mãnh liệt dưới thời A Dục hoàng đế (Asoka), một nhà vua mộ đạo, và dưới thời của hoàng tử Krishna.

Tuy nhiên, Phật giáo đạt đến đỉnh cao thịnh vượng ở Ấn Độ là vào thế kỷ thứ 7, rồi phải suy tàn bởi cuộc xâm lăng tàn khốc của người Hồi giáo (Muslim) vào thế kỷ thứ 13. Từ đó, nó bị Ấn Độ giáo (Hinduism) lấn lướt, chỉ còn vùng Nepal và Ceylon còn tồn tại dưới hình thức yếu ớt và có phần phai nhạt.
Phật giáo cũng trải qua nhiều cuộc phân liệt. Nhưng cuộc phân liệt lớn nhất xảy ra vào thế kỷ thứ I sau công nguyên. Lúc ấy, nó bị chia thành hai giáo phái lớn Phật giáo Bắc tông và Nam tông như lịch sử đã ghi nhận.
Phái Nam tông thịnh hành ở vùng miền Nam Ấn Độ, về kinh tạng và lối tu hành còn giữ nhiều qui chuẩn nguyên thủy của đạo Phật, nên còn gọi là Phật giáo Nguyên Thủy (Therava Buddhism). Phái này hiện thịnh hành ở Tích Lan (Ceylon), Xiêm (Thái Lan), Miến Điện (Myanmar), Cao Miên (Kampuchia), Ai Lao (Lào) và một số tỉnh miền Nam Việt Nam, nơi có người Khmer sinh sống.
Phái Bắc tông vốn thịnh hành ở phía Bắc Ấn Độ và được biến cải rất nhiều. Phái này truyền sang các quốc gia như Nepal, Tây Tạng (Tibet- trước năm 1949 là một quốc gia), Mông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Qua nghiên cứu về tiếu tượng học (iconography), chúng ta có thể rút ra nhận xét được một số  đặc điểm về nghệ thuật tạc tượng Phật giáo là: đạo Phật không có một kiểu mẫu nhất định nào về hình tượng Đức Phật và các vị Bồ Tát. Tiếu tượng học Phật giáo chỉ dựa trên những công thức có tính chất địa phương bao trùm lên toàn bộ nền văn hóa Á Đông.
Ngay tại Ấn Độ, quê hương của văn minh Phật giáo cũng có nhiều trường phái nghệ thuật: 
Trường phái Gandhara(1), ở vùng Tây Bắc có chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hellénique của Hy Lạp.
Trường phái Mathura, ở cùng Trung du sông Hằng
Trường phái Gupta ở vùng Trung Ấn, có nhiều tháp cổ và vết tích còn hiện diện cho đến thời đại của chúng ta.
Trường phái nghệ thuật Amaravati ở vùng Đông Nam sông Kishna. Qua những hang động Ajanta ở Ấn Độ, hang Bamyan (2) ở A Phú Hãn (Apganixtan), hang Đông Hoàng ở Tân Cương, hang Vân Cương và Long Môn ở Trung Quốc, rồi đến các bàn thờ Nara ở Nhật Bản, chúng ta có thể quan sát và nhận ra những đặc điểm địa phương của tượng Phật 
Đạo Phật ra đời tại miền Bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 5 trước công nguyên do Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) đã đạt đến “giác ngộ”, chân lý sau cùng để qua đó con người được giải thoát khỏi vùng tái sinh, ông trở thành Đức Phật (Buddha) nghĩa là “Bậc giác ngộ” và dạy cho những người khác con đường thoát khỏi tái sinh và khổ đau. Theo các tín đồ Phật giáo thì giáo lý của Đức Phật (Buddha Sarana) bao gồm sự quán tưởng, sự rèn luyện tinh thần và đạo pháp của Ngài (Buddha) từ bao đời qua vẫn tồn tại.
Phật giáo du nhập vào Chămpa có từ lâu đời từ những năm trước công nguyên qua con đường thương mại, đầu tiên phải nói đến người Ấn Độ. Vào những thế kỷ trước và sau công nguyên, vương quốc Chămpa hình thành và phát triển trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại giao thương với các thương gia Ấn Độ, vượt biển sang buôn bán ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Chămpa. Đứng trước một đất nước giàu có về vàng, trầm hương và các hương vị khác đã hấp dẫn các tàu buôn và thương nhân Ấn Độ. Ngoài việc buôn bán trao đổi sản phẩm, còn có việc truyền đạo. Có hai loại: một là các tăng lữ Bà La Môn, hai là các Phật tử, thầy tu. Qua các di tích khảo cổ và các bia ký, vào khoảng giữa đầu công nguyên, chắc chắn đã có cuộc giao lưu văn hóa thương mại giữa người Ấn Độ và cư dân Chămpa. Đó là cơ sở hình thành Phật giáo và Bà La Môn giáo đầu tiên ở vương quốc cổ Chămpa. Để minh chứng cho việc hình thành Phật giáo, chúng ta có thể điểm qua các di tích khảo cổ có liên quan đến Phật giáo là 22 địa điểm có dấu tích Phật giáo, nổi bật địa điểm có dấu chân Phật là biểu tượng của Phật, trong đó địa bàn miền Trung có 03 địa điểm (Hưng Ấn – Bình Thuận, núi Địa Điểm, hòn Santcô – Bình Định). Gần đây phát hiện thêm dấu chân khổng lồ ở biển Sa Kỳ – Quảng Ngãi, có kích thước từ 0.3 m đến 3 m, rộng khoảng từ 0.15 m đến 0.9 m, theo các nhà khoa học và khảo cổ học như ông K.C. Ananda cho rằng: đây là dấu chân của tượng Phật có niên đại từ thế kỷ thứ II trước CN khá phổ biến ở Ấn Độ. Những di tích trên có thể minh chứng cho thấy Phật giáo đã hình thành rất sớm ở vương quốc Chămpa. Ngoài ra bia Võ Cạnh có niên đại thế kỷ thứ III cũng ghi lại những người lập ra vương quốc Chămpa, là Crimara bằng chữ Phạn, cho ta thấy rằng họ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn minh Ấn Độ. Đặc biệt, trong bia ký theo Louis Finot dịch ra, ý nghĩa cho rằng “ Trên trần thế này là không vĩnh cửu; ý nghĩa về sự hóa kiếp này sang kiếp khác, lòng thương chúng sinh, sự hy sinh cái của mình cho lợi ích của người khác”. Tất cả những điều đó chứng tỏ hậu duệ của Crimara có khuynh hướng rõ rệt về đạo Phật và có thể kết luận rằng ông vua đó thuyết pháp đạo giáo của Đại từ bi (1). Tấm bia trên có niên đại vào thế kỷ thứ II sau CN được coi là tấm bia sớm nhất ở Đông Nam Á, cho thấy ảnh hưởng Phật giáo phát triển sâu sắc ở vương quốc Chămpa cổ đại qua các công trình nghiên cứu đã minh chứng cho Phật giáo Chămpa theo Phật giáo Đại Thừa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tượng Phật trong các di chỉ vùng Indrapura, Vijaya, Kauthara và Panturanka. Đặc biệt là các nữ thần phái Mật Tông mà phổ biến nhất là Bồ Tát Prana Paramita, Bồ Tát Avalokitesvara (Bồ Tát Quán Thế Âm) và Lokesvara (Nam Phật) những vị Bồ Tát này là Phật Amitahba hay A Di Đà hiện thân để cứu độ chúng sinh. Một số tượng Phật bằng đồng tìm thấy tại động Phong Nha đánh dấu sự có mặt của Phật giáo du nhập vào thời kì hưng thịnh nhất của Phật giáo Chămpa vào thế kỷ thứ IX. Đạo Phật được nhà vua Indravarman II cho xây dựng tại Indrapura (Quảng Nam – Đà Nẵng) một tu viện lấy tên là Laskmida Lokeskvara vào năm 875. Ngày nay là khu di tích Đồng Dương gồm 30 kiến trúc bị hư hại hoàn toàn chỉ còn lại nền móng cùng các tượng đá và bàn thờ Phật hiện trưng bày trong Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm – Quảng Nam đã chứng minh cho triều đại Phật giáo Đại Thừa. Đặc biệt Phật giáo Chămpa có sự giao thoa với tín ngưỡng Bà La Môn giáo (phái Civa giáo).
    Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tại động Phong Nha… có nhiều di tích Phật giáo như một pho tượng làm bằng đất nung có kích thước 8cm-10cm, trong đó có bia ký “Dạng chữ Chăm cổ nhưng rất khó cho việc dập lại chính xác. Tuy nhiên cũng đã đọc được Curiputra phù hợp với tính chất Phật giáo trong hang động này”. Tại động Lạc Sơn (huyện Tuyên Hòa) có những động được người Chăm biến thành động thờ Phật. Tại Quảng Khuê có sưu tầm được một đầu tượng Bồ Tát (Boddhisattva) chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật Trung Quốc có thể thấy tượng này có niên đại vào thế kỷ IV-V. Ngoài ra còn có tượng Quan Âm nguồn gốc Mỹ Đức, thể hiện trong tư thế đứng, đội mũ chóp nhiều tầng thu nhỏ dần lên cao, một gương mặt thể hiện phúc hậu, hai tay trước đưa ngang, một tay cầm hoa sen, một tay cầm bình nước cam lồ, cổ đeo vòng trang sức, cánh tay có đeo vòng tay, y phục là kiểu sampot. Đặc biệt là vùng Quảng Ngãi đã khai quật năm 1948, kế cận phía Nam khu Phật điện Đồng Dương (Quảng Nam) di tích núi Chồi đã tìm được lò nung tiểu phẩm Phật giáo bằng đất nung có đến 71 mảnh hình là nhĩ, trong đó có 35 cái còn nguyên, trong lòng thể hiện sáu nét khắc họa Đức Phật đang thuyết pháp với hai đệ tử đứng hai bên, phía sau Đức Phật có vầng hào quang. Đây có thể là loại tượng Phật được phật tử đem cúng dường vào đền Phật giáo.
    Đầu thế kỷ thứ XX, các nhà khảo cổ đã khai quật các di tích từ Quảng Bình cho đến vùng đất Nam Panturangar (Ninh-Bình Thuận) có hàng chục di tích và hàng trăm hiện vật mang dấu ấn Phật giáo, trong đó phải kể đến sưu tập tượng Phật Chămpa tại Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh. Có 6 tượng Phật Chămpa bằng đồng có nguồn gốc sưu tầm ở Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận. Đặc biệt các pho tượng sau đây:     
Tượng Phật Avalokitesvara ở Đại Hữu – Quảng Bình, tượng cao 34 cm với tư thế đứng, đầu đội mũ 3 tầng trang trí hoa văn rất tinh xảo, đeo hai bông tai dài chấm ngang vai, có khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn về cõi xa xăm, trang trí vòng hai bắp tay, 2 cánh tay cầm nụ sen và con óc, thân mình thon gọn để trần, mặc váy sampot 2 tầng, tượng có niên đại thế kỷ VII.
Tượng Phật ngồi thiền với tư thế kiết già cao 15 cm với khuôn mặt hiền hậu, pho tượng có nét đặc trưng của tượng Phật Ấn Độ, phong cách Amaravati (thế kỷ II-IX).
Tượng Phật Đồng Dương: tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 1m22. Đây là pho tượng nổi tiếng nhất của vương triều Đồng Dương, là pho tượng có niên đại thế kỷ thứ III, tượng tạc theo tư thế đứng đang thuyết pháp (chuyển pháp luân) gốc từ Sanath (Lộc Uyển). Chúng ta đối diện với một hình tượng Đức Phật bắt nguồn từ các dạ xoa nặng nề có trước đó. Tượng Phật được các nghệ nhân khắc họa với khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng đang nhìn vào cõi xa xăm, muốn giải thoát con người khỏi dục vọng trần thế, với một tay tư thế chuyển pháp luân trong dáng điệu bắt ấn, một tay cầm cà sa phủ kín một vai, đôi chân đứng trên bệ sen.
    Chúng tôi chứng minh một vài pho tượng trên để thấy rằng Phật giáo Chămpa rất phát triển và hưng thịnh một thời đã vào vùng đất này. Tuy nhiên, qua tiếp thu văn hóa Ấn Độ cũng chính là quá trình bản địa hóa, Chămpa hóa các yếu tố văn hóa ngoại lai để hình thành nền văn hóa Chămpa đặc sắc, cũng như Phật giáo Chămpa cũng mang một số nét riêng khác biệt so với Phật giáo của một số nước Đông Nam Á. Sự thay đổi chủ  yếu dựa vào giáo lý và sự phát triển của trường phái Phật giáo đặt trên một niềm tin tưởng là có thể giải thoát cho tất cả mọi người thay vì nó chỉ đến với những ai từ bỏ cuộc sống vật chất và chùa chiền. Việc phân ly tôn giáo này đánh dấu bởi sự xuất hiện của Đại Thừa (Mahayana Buddhism) (Maha: lớn, Yana: con thuyền) khác biệt với trường phái cổ xưa hơn là phái Tiểu Thừa (Hinayana Buddhism) và Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada Buddhism). Hai trường phái khác nhau chủ yếu là ở việc tín đồ Đại Thừa đặt ra vấn đề tự giác để đi kèm theo sự giác tha, coi trọng việc giải thoát chúng sinh rộng lớn và đề cao hạnh Bồ Tát, một nhân vật cứu độ, có những công đức lớn có thể chưa rõ với các Phật tử Chămpa. Ngoài ra, quan niệm Phật giáo của họ tin vào thuyết nhất nguyên của vũ trụ có thể hiểu được một khi vô minh bị đẩy lùi, giải thoát cho các Phật tử để thực hiện niết bàn ngay tại thế gian này.
    Nghiên cứu về Phật giáo Chămpa để thấy rằng Phật giáo đóng một vị trí khá quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân Chămpa, đồng thời song song tồn tại phát triển với Bà La Môn giáo từ đầu thế kỷ trước công nguyên đến thế kỷ thứ IX. Tìm hiểu về Phật giáo Chămpa để thấy rằng trong xã hội Chăm có sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Chính Phật giáo đã tạo ra sự cân bằng của hai thế giới này, mang tới một chiều sâu tinh thần cho tất cả mọi thể chất. Chính vì vậy Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong xã hội Chăm xưa, góp phần làm nên diện mạo nền văn hóa Chăm rực rỡ.

 Chú Thích:
(1) L.Finot: bia Võ Cạnh (Khánh Hòa. Befeo tập XV, trang 2-3)

 Tài Liệu Tham Khảo.
Robert F. Fisher. “Mỹ Thuật và Kiến trúc Phật giáo”. NXB Mỹ thuật 1996.
Trần Quốc Vượng, Ngô Văn Doanh. “Về Một Số Tác Phẩm Điêu Khắc Đá ở Thành Hóa Châu Tỉnh Thừa Thiên Huế”. NPHNAVKCH, 1998, tr 676 – 678.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét