Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Jaya Anaih: Trả lại tên gọi cho palei Chăm ?

Jaya Anaih: Trả lại tên gọi cho palei Chăm ?

994605_166718910193554_397121242_n (1)Từ xa xưa, việc đặt tên làng của người Chăm luôn gắn liền với địa thế đặc trưng, đặc điểm nổi bật, gắn liền lịch sử, phong tục tập quán của người dân làng đó. Tên làng không những là dấu tích của lịch sử, còn là niềm tự hào của người dân. Chính vì thế, việc trả lại cho các làng Chăm tên gọi truyền thống từ xa xưa là một nhu cầu tất yếu và có văn hóa, nhằm tôn vinh giá trị lịch sử.
Người Chăm là cư dân bản địa thuộc loại hình nhân chủng Indonesien đã định cư lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Họ cũng đã từng có nhà nước riêng mang quốc hiệu gọi là vương quốc Champa. Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009, tổng dân số người Chăm ở Việt Nam vào năm 2009 có khoảng 161.729 người, phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Một bộ phận nhỏ người Chăm còn cư trú ở các tỉnh như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Tp.HCM, An Giang, ….Tiếng nói của họ rất gần gũi với các dân tộc Raglai, Churu, Jarai, Êđê thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polynesian (Mã Lai – Đa Đảo), hệ ngôn ngữ Austronesian (Nam Đảo).
Ở Ninh Thuận, hiện còn 23 làng Chăm, trong đó bộ phận Chăm Ahier cư trú trong 15 palei: Bal Riya (Bình Nghĩa), Tabeng (Thành Ý), Baoh Bini (Hoài Trung), Padra (Như Bình), Baoh Dana (Chất Thường), Mblang Kacak (Phước Đồng), Caok (Hiếu Lễ), Hamu Tanran (Hữu Đức), Thuen (Hậu Sanh), Danaw Panrang / Hamu Craok (Vĩnh Thuận, Bầu Trúc), Caklaing (Mỹ Nghiệp), Bal Caong (Chung Mỹ), Palao (Hiếu Thiện), Pabhan (Vụ Bổn), Baoh Deng (Phú Nhuận).
Các palei này có 3 khu đền làm nơi thờ tự chính: đền Ppo Klaung Girai ở đồi Trầu, cách Phan Rang 9km, được xây dựng từ thế kỷ XIII dưới thời vua Chế Mân III (Jaya Shimhavarman III); đền Ppo Romé ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Và đền Po Ina Nagar ở thôn Hữu Đức, huyện Ninh Phước , tỉnh Ninh Thuận.
Palei bhap Ilimo Palao (Làng văn hóa Hiếu Thiện)
Palei bhap Ilimo Palao (Làng văn hóa Hiếu Thiện, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận)
Còn lại là bộ phận Chăm Awal cư trú trong 7 palei: Cang (Lương Tri), Cuah Patih (Thành Tín), Patuh (Tuấn Tú), Baoh Deng (Phú Nhuận), Pamblap Klak (An Nhơn), Pamblap Biruw (Phước Nhơn), Rem (Văn Lâm). Các palei này có 7 thánh đường sang magik làm nơi hành lễ đặt tại mỗi palei. Riêng người Chăm ở palei Aia Li-u (Phước Lập) theo đa thần giáo.
Ngoải một số palei Chăm còn hiện hữu ở vùng Ninh Thuận, một số địa danh và palei Chăm không còn như: Mblang Kathaih (Làng Phất Thế), Ca-ping (Làng Chà Vin), Cuah (Làng Chá – gần Chất Thường), Cuah Glaong (Làng Lương Năng), Kleng (Làng Thái Định), Hamu Kalaok (Làng Hướng Đạo), Hamu Limân (Làng Phú Nhân), Hamu Linâng (Làng Lương Cang), Palei Hamu Bek (Làng Qui Chánh), Binân (Làng Vĩnh Phong), Per Nja (Làng Đất Bồi), Aia Kiak (Làng Bầu Gạch), Aia Binguk (Nghĩa Lập),…
Palei Bhap Ilimo Baoh Dana (Làng văn hóa Chất Thường), đến bây giờ cổng chào vẫn chưa có bảng tiếng Chăm ghi tên làng.
Palei Bhap Ilimo Baoh Dana (Làng văn hóa Chất Thường, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), đến bây giờ cổng chào vẫn chưa có bảng tiếng Chăm ghi tên làng.
Đối với người Chăm, palei là đơn vị cư trú nhỏ nhất, đây được xem như một hình thức cu trú tàn dư của công xã nông thôn, đồng thời palei cũng được xem là đơn vị hành chính trùng hợp với đơn vị thôn, ấp bây giờ. Tên gọi mỗi palei Chăm thường có hai tên gọi: Tên gọi hành chính và tên gọi tiếng Chăm được truyền từ bao đời nay. Trong tiềm thức của người Chăm, dù tên gọi hành chính có thay đổi theo từng gia đoạn lịch sử đi chăng nữa thì tên gọi theo tiếng Chăm của họ không bao giờ thay đổi.
Tên palei theo tiếng Chăm là tên gọi truyền thống, mộc mạc thể hiện tình cảm dân tộc một cách sâu sắc. Tên mỗi palei Chăm không những gắn liền với địa thế đặc trưng, đặc điểm nổi bật mà còn gắn liền với lịch sử, phong tục tập quán của người dân. Chính vì thế, tên gọi truyền thống palei Chăm là niềm tự hào của mỗi người Chăm khi văn hóa truyền thống của họ đang dần mai một trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Chẳng hạn, khi nói đến palei Bal Riya (Bỉnh Nghĩa), người ta sẽ liên tưởng đến một thủ phủ rộng lớn của người Chăm ở vùng đất Panduranga, hay nói đến palei Hamu Tanran thì người Chăm sẽ nghĩ ngay đến cánh đồng bằng phẳng và rộng lớn, hay nói đến palei Mblang Kacak người ta sẽ nghĩ ngay đến palei mà nơi này ngày xưa có rất nhiều cỏ gai (harek kacak), hay nói đến palei Cauh Patih thì người ta sẽ nghĩ ngay đến làng Chăm có bãi cát trắng, Hay một làng Chăm có tên gọi palei Rem vì trước kia làng này thuộc khu đất gò. Đây là làng Chăm còn đọng lại nhiều vết tích của lịch sử mà trong ariya Gleng Anak có nhắc đến với tên gọi là Bhum Kawei. Và những tên palei Chăm khác đều có ý nghĩa tương tự và mang đặc điểm riêng của vùng đó. Chính vì thế, chúng ta thấy tên gọi truyền thống của palei Chăm không những là niềm tự hào, là một chút gì đó để nhớ khi xa quê hương của người Chăm, mà những tên gọi thân thương này như là dấu tích lịch sử của một thời xa xưa.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi tiến hành quy hoạch đơn vị hành chính, làng Chăm may mắn không cùng cảnh ngộ với các buôn, bản ở Tây Nguyên khi bị “đánh số” để thuận tiện trong văn bản hành chính. Các buôn, bản ở Tây Nguyên từ tên làng truyền thống nay được gọi là thôn 1, thôn 2,.., còn làng Chăm tuy không được gọi bởi cái tên là các con số nhưng cũng cùng chung số phận khi tên truyền thống palei Chăm đã được các quan lại thời trước Hán Việt hóa vào sổ địa bạ để thuận tiện trong ghi chép hành chính, mà những tên gọi này không có liên hệ gì với tên gọi truyền thống về ngữ nghĩa. Ví dụ như palei Kacak có nghĩa là cỏ gai, được Hán Việt hóa thành tên gọi là Phước Đồng, và Phước Đồng được chia tiếp thành hai làng nhỏ là Phước Đồng 1 và Phước Đồng 2. Hay palei Baoh Dana được gọi thành Chất Thường mà người ta không biết ý nghĩa Chất Thường là gì ? Hoặc palei Baoh Deng được gọi là Phú Nhuận, đây là một palei Chăm có hai cộng đồng Chăm Awal (Bà ni) và Chăm Ahier (Bà la môn) cư trú, và người ta cũng chẳng biết tên Phú Nhuận được đặt cho làng Chăm này có nguồn gốc từ đâu ? Việc Hán Việt hóa những tên làng truyền thống của người Chăm giúp thuận tiện trong việc hành chính và đã được lưu trong sổ địa bạ từ lâu. Nhưng tiếc rằng, Hán Việt hóa những tên gọi truyền thống này không những làm mất đi bề dày lịch sử của tên làng từ thời xa xưa mà nó làm đứt gãy mạch văn hóa truyền thống, việc này chẳng khác nào tiếp tay cho giới trẻ Chăm quên đi nguồn gốc và văn hóa của dân tộc họ. Vì rằng, tên làng như là nguồn mạch nối liền giữa quá khứ và hiện tại về không gian và cả thời gian.
Ở Tây Nguyên, bên cạnh một số địa danh bị đánh số, các huyện xã ở Tây Nguyên được chính quyền ưu tiên giữ lại một số tên gọi truyền thống như các huyện xã thuộc tỉnh Đắc Lắc: Ea Súp, Krông Bông, M’Drăk, Ea H’leo, Ea Bung, Ea Rốc, hay các huyện xã thuộc tỉnh Gia Lai: Ayun Pa, Chư Prong, Chư Sê, Mang Yang, Krong Pa,…Những tên gọi này được đặt theo địa hình đặc trưng như: Ea Tam – Bến nước, Buôn Nui – Giếng nước, Kon Tum – Làng cạnh hồ nước, Buôn Le – Rừng nứa tép, Drei Linh – Thác nước, hoặc những con người đặc biệt: tên của người tù trưởng : Âe Nu, Yă Wam; thiếu nữ xinh đẹp: H’Lâm, H’Linh; Bon Bung kon Leng – Buôn của tù trưởng Bung con bà Leng. Những địa danh này là là bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, là “không gian văn hóa” đặc sắc mà các vị lãnh đạo địa phương đã sáng suốt giữ lại trên văn bản hành chính. Trả lại tên gọi truyền thống cho các dân tộc bản địa thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán, góp phần bảo tồn văn hoá cổ truyền, tạo nên vẻ độc đáo riêng cho địa danh của vùng.
Nói đến làng Chăm hôm nay, không gian truyền thống bị phá vỡ, hàng ngàn người Chăm từ thanh niên đến phụ nữ lũ lượt kéo nhau đi lên các tỉnh Tây Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Sự phá vỡ không gian truyền thống này làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Chính vì thế, tên gọi theo truyền thống của palei Chăm chính là niềm tự hào ít ỏi của người Chăm mà cha ông họ để lại. Giữ gìn và lưu truyền tên gọi truyền thống này là một việc làm ý nghĩa, hầu nhắc cho giới trẻ Chăm nhớ đến cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc mình. Còn việc trả lại tên truyền thống như thế nào thì các trí thức, nhà văn hóa Chăm và lãnh đạo địa phương cần ngồi lại bàn bạc với nhau để đi tìm giải pháp hữu hiệu, tiếc kiệm mà vẫn được người Chăm ủng hộ, tán thành. Đến bây giờ, một số làng Chăm đã có cổng chào rất hoành tránh và khang trang, trên cổng chào có dòng chữ tên gọi làng theo Hán Việt to tướng phía trên và dòng chữ Chăm theo tên gọi truyền thống bé nhỏ phía dưới, việc làm này là đúng nhưng chưa đủ, vì chúng ta cần trả lại cho họ tên gọi truyền thống trên cả văn bản hành chính.
Việc trả lại tên gọi truyền thống cho các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Chăm chính là trả lại bản thể văn hóa vốn có của dân tộc đó. Điều này không phức tạp như việc tách tỉnh, tách huyện. Cũng chẳng cần phải đầu tư kinh phí, đầu tư hạ tầng. Nó không những chẳng ảnh hưởng gì đến nền hành chính quốc gia và các mặt khác của địa phương mà với việc làm này, trả lại cho làng cả một bề dày lịch sử, cả một truyền thống văn hóa, cả ý nghĩa khoa học và nhân văn lẫn bản sắc độc đáo trong cái nền chung của văn hóa đất nước.  Nói như vậy, việc trả lại tên truyền thống cho làng Chăm là một nhu cầu cấp thiết, liên hệ đến việc sống còn của văn hóa dân tộc trong tương lai, bây giờ làm ngay cũng vẫn chưa muộn.
Tham khảo:
-          PGS.TS Thành Phần (2007), “Palei: Hình thái cư trú của cộng đồng người Chăm ở Việt Nam”, Tập san Nghiên cứu Văn hóa Chăm số 1, NXB Tri Thức.
-          TS. Lý Tùng Hiếu (2013), “Các làng Chăm Ninh Thuận: Nghiên cứu địa danh học”, Tạp chí Xưa và Nay.
-          Vija Nhàn (2010), “Tên gọi và địa bàn cư trú của các làng Chăm ở Ninh Thuận”, nguoicham.com.
-          Bá Văn Quyến (2010), “Palei Thuer: Xưa và nay”, Chamstudies Blog.
-          Ban nghiên cứu trẻ Chamstudies Blog (2010), “Palei Ram xưa và nay”, Chamstudies Blog.
-          Thống kê các làng Chăm, Quảng Văn Đại (Chất Thường, Phước Hậu, Ninh Phước, Ninh Thuận).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét