Inrasara: Vẫn còn đó, người Cham Bini ở Campuchia
* Các photo trong bài viết là của Inrajaya.
1. Các sử gia ghi nhận Islam nhập địa Champa Bà-la-môn khoảng thế kỉ thứ XIV. Cái mới đụng cái cũ xảy ra xung đột là khó tránh. Giải quyết xung đột, vua Po Rome (1627-1651) đã làm cuộc hóa giải và hòa giải độc nhất vô nhị, biến người Cham Islam thành Cham Bini, để hai bộ phận tín ngưỡng tôn giáo này sống hòa đồng với nhau suốt mấy trăm năm đầy nguy biến. Sau triều đại huy hoàng cuối cùng của vương quốc, con dân Cham bắt đầu đi li tán. Cuộc đi tản lớn nhất xảy ra vào năm 1692, khi 5.000 gia đình Cham từ Pangdurangga thiên di qua Campuchia. Đoàn di dân được chính quyền Khmer lúc này bố trí ở vùng đất tốt dọc sông Mekong. Sau đó, còn nhiều cuộc di tản khác nữa.
* Bà con về thăm Pangdurangga.
Tại vùng đất mới này, Cham Bini dần dần chuyển sang tôn giáo Islam. Để đến cuối thế kỉ XX, người Cham ở Campuchia [bị] thay căn cước thành Khmer Islam. Lafont cho biết “Hồi giáo biến cộng đồng người Cham tại Campuchia thành một tập thể quên đi nguồn gốc chủng tộc của họ”. Có phải thế không? Tác giả Ariya Po Parang nghĩ và kể khác. Thực tế hôm nay cũng khác.
Người Cham Pangdurangga gọi bộ phận này là Cham Birau Chàm mới. Từ sợ hãi xa xăm đến cách khoảng không gian, Cham cố quận với Cham miền đất mới ít tìm đến nhau. Rồi từ do ít hiểu biết về người anh em, nên cứ gọi đại khái thế. Cham Birau bao gồm cả cộng đồng Cham Islam từ Campuchia trở lại An Giang, rồi giữa thế kỉ XX, thiên di vào Sài Gòn, hay nửa cuối thế kỉ XX, ra Long Khánh rồi Ninh Thuận.
* Chúng tôi qua Campuchia thăm bà con.
2. Nhưng có phải tất cả Cham Campuchia đều theo Islam? Nhầm to! Một bộ phận khá lớn vẫn còn giữ phong tục tập quán mang từ cố quốc sang. Họ vẫn còn nhớ Kabbon Muk Thruh Palei, vẫn còn thuộc khá nhiều ca dao, đồng dao… Nhất là, trong nhà của nhiều bậc thức giả vẫn lưu giữ nhiều ciet sách đựng các văn bản cổ. Chỉ có điều rất lạ, là gần 300 năm qua, hiếm có người Cham Bà-ni nào trở lại Việt Nam. Chỉ cóCham birau. Từ đó tạo hiểu lầm. Từ hai phía. Cham Pangdurangga tưởng ở Campuchia chỉ có Cham birau, còn người Bini ở đất Kur ngỡ Cham Việt Nam theo Islam hết.
Từ chuyến thăm đầu tiên đến lần thứ hai rồi thứ ba, thắc mắc chúng tôi luôn gặp phải ở đây, là: – Con cháu Tôn Pho ngoài đó theo Islam hết rồi à? Tiếp theo là: – Cây Krek còn không? – Không bà con ạ. Đại đa số Cham Pangdurangga vẫn còn truyền lưu phong tục tập quán ông bà từ cổ xưa.
Katê năm 2011, chúng tôi dẫn năm đại diện người Bini ở đất Kur về Phan Rang đi vòng các palei Cham, thăm dấu vết Krek trong sự xúc động tột cùng của mọi người. Họ hứa khi về đến đất quê nhà, sẽ kể lại…
* Hani thăm hỏi…
* Và bày chị em cách múa truyền thống hiện nay tại Pangdurangga.
3. Cham Bini ở Campuchia còn bao nhiêu người? Bao nhiêu palei?
Không ai biết đích xác. Cả người hướng dẫn chúng tôi có vẻ rành rẽ, cũng chịu. Chịu! Không quan tâm hay không thể? – Không biết được. Cuộc sinh nhai đè nặng lên cuộc sống cộng đồng từng một thời tha phương này. Người lớn lo tìm sinh nhai. Vẫn hành lễ. Vẫn múa, hát. Vẫn cưới chồng, lấy vợ. Cái nhìn và nụ cười đám trẻ vẫn hồn nhiên, vô tư. Lâu lâu có sự biến, họ chịu đựng. Như đã từng chịu đựng. Chị Khotiyah đọc cho tôi ghi:
Min Màng
Cabbang kayau
Athau groh gaup
Chet tapa paga
Anưk thei hia
Bbang prôic mưda
Minh Mạng/ Nạng gỗ/ Chó sủa nhau/ Nhảy qua rào/ Con ai khóc/ Móc lòng ăn.
* Cham Bini vẫn hành lễ, vẫn múa hát…
* Ánh mắt trẻ con vẫn hồn nhiên…
* Các cô thiếu nữ vẫn cười vô tư.
Thời Pôn Pốt, bà con cũng đã kéo nhau chạy như thế. Họ chạy vào rừng sâu, ăn njam par đỡ đói.
Thei thau ka tian kau lipa
Njam par di ia mưng hau ka tina
Ai biết cho bụng ta đói
Rau súng dưới nước mới hiểu lòng ta
Tạt qua gia đình tôi ở Sài Gòn để chuẩn bị ra Phan Rang, chị May Yum ở Phum Klak đã hát lên lời ai oán đó. Tiếng hát như âm vọng từ đáy lòng chị dội vào hồn tôi – tê điếng.
* Ở đó có Jaka,…
* Jayam,…
* … và Jaya hòa đồng vui vẻ.
Họ sẽ ra sao ngày sau? Không ai biết được. Dẫu sao, điều tôi biết chắc rằng ở xứ lạ quê người, cộng đồng Cham Bini vẫn còn tồn tại, lao động. Thỉnh thoảng giữa khoảng trống thường nhật, bất chợt nỗi nhớ mơ hồ nào đó dậy lên tận thẳm sâu tâm hồn họ. Họ biết mình từng có một miền đất, xưa, rất xưa. Nhớ, để mà lặn lội… tìm về nguồn cội.
Dường như sứ mệnh chính yếu của con người trên mặt đất này là nhớ, – ai đã nói thế?!
Sài Gòn, 1-9-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét