Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan của các tín đồ Islam giáo, chứa đựng nhiều nét đặc sắc, nhiều dấu ấn Hồi giáo chính thống, đồng thời cũng ít nhiều mang tính bản địa do quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong mối quan hệ cộng cư. Mặc dù vậy, nghi lễ vòng đời của họ vẫn còn giữ lại nhiều giá trị truyền thống độc đáo. Nhìn nhận một cách đúng đắn, khách quan và khoa học về các giá trị của nghi lễ vòng đời người Chăm Islam An Giang là cơ sở quan trọng để đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo các vấn đề an sinh cho cộng đồng dân tộc
Về văn hóa người Chăm Islam ở An Giang, đã có nhiều đề tài, chuyên luận đề cập với nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang lại là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Thiết nghĩ, nghiên cứu văn hóa người Chăm ở An Giang nói chung và nghi lễ vòng đời nói riêng là một việc làm cần thiết. Nó góp phần khẳng định những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Chăm ở An Giang; khu biệt với những đặc trưng, giá trị văn hóa của người Chăm Bà la môn, Chăm Bà ni khu vực miền Trung, đồng thời còn là cơ sở để đề xuất những kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc này.
Bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu nghi lễ vòng đời người Chăm Islam trên địa bàn tỉnh An Giang, dựa trên ba giai đoạn chủ yếu của đời người: sinh, thành niên và tử, trên cơ sở đó đối chiếu với nghi lễ vòng đời của người Chăm Bà la môn và người Chăm Bà ni khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt.
1. Khái quát về người Chăm Islam ở An Giang
Trước đây, các nhà khoa học và báo giới thường gọi người Chăm Islam ở An Giang bằng nhiều thuật ngữ khác nhau, chẳng hạn như: người Chăm Châu Đốc, người Chăm Châu Giang, người Chăm Hồi giáo ở An Giang, Người Chăm Hồi giáo ở Châu Đốc… Hiện nay, để thống nhất cách gọi, các nhà nghiên cứu sử dụng thuật ngữ Chăm Islam để chỉ người Chăm theo đạo Hồi chính thống. Người Chăm ở An Giang được gọi là Chăm Islam An Giang (trong tiếng Ả Rập, chữ Islam có nghĩa là Hồi giáo). Người Chăm Islam ở Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng được hình thành từ hai nguồn chủ yếu: từ Trung Bộ chuyển cư thẳng vào và một phần khác không nhỏ do chiến tranh loạn lạc phải chạy sang Chân Lạp, sau đó trở về vùng đất Tây Nam này. Hiện nay, cộng đồng người Chăm ở An Giang có trên 13.700 nhân khẩu, khoảng 2.800 hộ, sống chủ yếu tập trung ở các puk (ấp), pơlây (xã) xen kẽ với người Kinh.
2. Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang
Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang gồm ba giai đoạn.
Nghi lễ trong giai đoạn sinh
Người Chăm Islam sau khi sinh, lá nhau phải được rửa sạch và chôn ngay dưới chân cầu thang. Theo quan niệm của họ, việc chôn nhau thai dưới chân cầu thang là để sau này đứa trẻ dù có đi bất kỳ nơi đâu, vẫn nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ gia đình tổ tiên mà tìm về. Khi sinh xong, người mẹ phải nằm lửa đúng một tuần. Hết một tuần ấy, người nhà sẽ hốt bếp. Tất cả than, xác thuốc uống đều được gói chung lại, đem chôn nơi chân cầu thang như nhau thai.
Thông thường, sau khi sinh được 7 ngày, người ta làm lễ cắt tóc và đặt tên cho đứa trẻ. Tại buổi lễ, người trong gia đình bồng đứa trẻ ra và đi lại trước các ông Hakêm, Tuôn và Imâm, rồi đến các vị bô lão để những người này ban phúc lành bằng cách đọc vào tai nó những câu kinh rồi nhúng lông gà vào lọ nước thánh quệt lên trán nó. Tiếp theo, Ông Hakêm hoặc các vị bô lão sẽ đọc kinh rồi dùng kéo cắt một lọn tóc nhỏ trên đầu đứa trẻ, thoa chút dầu thơm và tiến hành đặt tên cho nó. Người Chăm Islam có ba cách đặt tên chủ yếu: đặt tên thánh, đặt tên trí thức và đặt tên thường.
Nghi lễ trong giai đoạn trưởng thành
Tục cắt da quy đầu (khotanh): Trước khi thực hiện tục này, người ta giải thích cho đứa trẻ biết nguyên do và yêu cầu chúng phải nghiêm chỉnh thực hiện để làm tròn bổn phận của một tín đồ Islam. Ông chèn kho tanh (người thực hiện việc cắt da quy đầu trong một xóm Chăm) đọc kinh và tiến hành cắt da quy đầu cho chúng. Đứa trẻ được thoa một chất thuốc (các loại thuốc dân gian) lên đầu dương vật, sau đó, chèn kho tanh dùng một chiếc kẹp tre kẹp da quy đầu của đứa trẻ mà kéo lên. Tiếp theo, ông dùng dao bén cắt lớp da quy đầu. Cắt xong, chèn kho tanh thoa thuốc cầm máu lên vết cắt.
Tục cấm cung (ga sâm): Trước năm 1975, phụ nữ Chăm Islam ở An Giang tới tuổi dậy thì phải cấm cung, mục đích là để gia đình và bản thân thiếu nữ tự quản lý mình tốt hơn. Thiếu nữ chỉ được ở trong một căn phòng kín đáo, sinh hoạt, dệt vải và đi lại trong căn phòng đó. Nếu cần đi đâu, cô ta chỉ đi vào ban đêm và có người thân đi cùng. Thông thường, các cô gái cũng chỉ đi khỏi phòng vào các dịp lễ cưới của chị em, bạn bè trong xóm. Ngày nay, tục này không còn nữa.
Nghi thức cưới xin: Người Chăm Islam khuyến khích kết hôn giữa anh chị em họ; nam, nữ phải cùng tôn giáo. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có trường hợp người Chăm Islam kết hôn với người không cùng tôn giáo. Đối với người ngoại đạo, họ phải thực hiện một số thủ tục và làm lễ nhập đạo trước khi làm lễ cưới. Trước đây, nam nữ thường được xây dựng gia đình rất sớm, bởi vì hôn nhân của họ do cha mẹ sắp xếp. Độ tuổi của nữ khi kết hôn thường vào khoảng 15-18. Còn nam thường kết hôn ở độ tuổi từ 16-20. Hiện nay, tuổi kết hôn của nữ thường là khoảng 18-20, còn nam từ 20-25. Trong lễ cưới phải có vị chủ hôn (ông wali), ôn uốk và mụ uốk là những người rất am hiểu về các tập tục của dân tộc. Họ hướng dẫn cho cô dâu và chú rể từ cách ăn mặc, trang sức đến cách trang trí phòng hoa chúc, các nghi thức hành lễ… Ngoài ra còn phải có người mai mối (maha). Người Chăm Islam không nhất thiết phải coi ngày khi cưới hỏi. Thông thường, họ tổ chức vào khoảng thời gian sau mùa hành hương hoặc vào dịp sinh nhật thiên sứ Muhammad.
Lễ hỏi (hay còn gọi là đám nói): Vào ngày này, gia đình chú rể gồm khoảng mười người, mang lễ vật đến nhà cô gái. Bên nhà gái, thường phải có cha mẹ cô gái, thân nhân họ hàng và ông ahly tham dự để chứng kiến. Theo thông lệ, trong lễ này, nhà trai trao tiền chợ cho gia đình cô gái. Từ lễ hỏi đến lễ cưới thời gian dài, ngắn tuỳ mỗi gia đình.
Lễ cưới: Thường diễn ra trong hai ngày, ngày nhóm họ và ngày cưới. Ngày nhóm họ (harie padưng baguk) còn gọi là ngày dựng việc. Trong ngày này, nhà trai và nhà gái đều trang hoàng nhà cửa lộng lẫy, sạch sẽ, tinh tươm. Cô dâu sẽ đượcmụ uốk trang điểm thật lộng lẫy, còn chú rể sẽ được ôn uốk hướng dẫn về nghi thức ăn mặc, các cách hành lễ... Chiều ngày nhóm họ, cô dâu và chú rể được mặc trang phục cưới truyền thống của dân tộc và được trang điểm như trong ngày cưới chính thức. Ôn uốk và mụ uốk sẽ tiến hành làm lễ cho cô dâu và chú rể ở hai nơi khác nhau. Sau đó, có một vị bô lão khấn vái đọc kinh cùng những người chung quanh chúc tụng hướng về cô dâu hoặc chú rể. Bài kinh này có nội dung như lời giao ước chấp nhận cuộc hôn nhân trước thánh Allah. Tối đến, các thanh niên tụ hợp tại nhà cô dâu và nhà chú rể để chúc mừng. Ngày cưới còn gọi là ngày đưa rể. Trong ngày này, họ hàng và bạn bè nhà trai đưa chàng rể về nhà cô dâu. Người ta thường nhờ hai em bé trai bưng hai cái khay, một đựng tiền đồng, một đựng trầu cau. Ngoài ra, lễ vật nhà trai mang qua nhà gái còn có một mâm trái cây, một mâm bánh ngọt và một chén nhỏ đựng gạo.
Đến nhà gái, mọi người chỉ được tập trung ở phòng ngoài. Khi mọi người ổn định chỗ ngồi, ông wali sẽ giao số tiền đồng cho đại diện nhà gái trước sự chứng kiến của mọi người. Tiếp theo, họ tiến hành lễ gả, gọi là kobol. Chú rể được đưa đến ngồi trước mặt cha mẹ vợ, vị đại diện chủ hôn bên nhà gái, ông mai bà mối và những người làm chứng. Một người đứng tuổi, có uy tín đọc những lời khot bahcho chú rể nghe. Nội dung lời khot bah là những khuyến cáo về hôn nhân, nghĩa vụ của vợ chồng, những điều cấm kỵ của luật tục và luật đạo trong cuộc sống vợ chồng. Sau lời khot bah, vị chủ hôn bên nhà gái sẽ nắm lấy tay chú rể, long trọng tuyên bố: “gia đình tôi bằng lòng gả con gái tôi, tên... cho chàng trai, tên là... với số tiền đồng là...”. Lập tức, chàng rể phải trả lời ưng thuận: “Tôi xin nhận người con gái này, từ đây là vợ chính thức của tôi, có nộp số tiền đồng là...”. Khi chú rể đáp lại xong, ông wali và các bô lão đọc kinh chúc phúc cho đôi trẻ.
Sau khi mọi người cầu nguyện xong, chú rể được ôn uốk đưa vào phòng cô dâu, đến trước mặt cô dâu, đặt khai trầu xuống và rút cây trâm cao nhất trên đầu cô dâu. Đây là cây trâm có biểu tượng hình mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao, một biểu tượng chứng tỏ cô dâu là người Islam. Sau đó, chú rể sẽ thay trang phục và cùng ra gian nhà ngoài tiếp chuyện cùng bạn bè. Tối đến là lễ hợp cẩn. Những người phụ nữ đứng tuổi, có đầy đủ chồng con đến giăng mùng, chuẩn bị gối mền cho đôi tân lang và tân nương. Trước khi động phòng hoa chúc, đôi vợ chồng cùng ăn chung bữa cơm đầu tiên, có tính tượng trưng cho việc bắt đầu sự chung sống của hai người. Sau 3 ngày, họ hàng, cha mẹ chú rể cùng nhau đến thăm hai vợ chồng mới, đem theo đủ các thứ vật dụng cần dùng cho một gia đình. Nhà gái cũng làm một bữa tiệc để đãi đằng trai cùng một số bà con đến chứng kiến tài sản của nhà trai tặng cho vợ chồng mới.
Nghi lễ trong giai đoạn tử
Người Chăm Islam tỏ ra hết sức bình thản đối với cái chết. Khi gia đình có người hấp hối, người nhà đi báo cho bà con lân cận đến để cùng đọc kinh cầu cho linh hồn người chết bình thản rời khỏi cõi đời. Khi bệnh nhân tắt thở, người nhà dùng tay thấm nước sạch vuốt mặt người chết. Thông thường, người chết được chôn trong ngày (24 giờ). Nếu chết buổi sáng thì chiều chôn, nếu chết buổi tối thì sáng hôm sau chôn. Trước khi chôn, tử thi phải được tắm rửa sạch sẽ. Khi tắm rửa xong, họ đặt tử thi lên một bộ ván và xé vải trắng liệm (quấn ba lớp). Khâm liệm xong, ông hakêm hoặc ông ahly đến kiểm tra xem tử thi có được liệm đúng thủ tục Islam hay không. Nếu đúng rồi, các ông đọc kinh cầu nguyện cho vong hồn người chết.
Người Chăm Islam ở An Giang chôn người chết (không thiêu xác). Huyệt mộ, khác hẳn so với các dân tộc khác, luôn được đào theo hướng bắc - nam. Dưới đáy huyệt bên phía tây, người ta khoét một cái lỗ theo chiều dài vừa với tử thi. Khi chôn, tử thi nằm nghiêng bên phải, mặt và ngực quay về hướng mặt trời lặn (hướng tây, hướng của thánh địa Mecca). Ngoài ra, tử thi phải được ép vừa vặn vào cái lỗ đã khoét, dùng tấm ván chèn bên ngoài rồi mới lấp đất lại, không được chôn theo quần áo hay bất kỳ vật gì. Phần mộ của người Chăm Islam không được đắp mô lên mà phải được san lấp cho bằng phẳng, đánh dấu phần mộ bằng cách dựng hai tấm bia hoặc đóng hai thanh gỗ ở đầu và chân mộ. Trên đó có ghi họ tên người chết, ngày, tháng, năm qua đời. Dựng xong hai tấm bia xem như công việc chôn cất hoàn tất.
Buổi tối ngày chôn cất, bạn bè, người thân của tang chủ đến nhà tang chủ để cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, tang chủ đãi cháo gà hoặc bánh ngọt tùy hoàn cảnh từng gia đình. Việc cầu nguyện như thế diễn ra trong ba đêm liền. Sau đó, người ta còn cầu nguyện vào các đêm thứ 7, thứ 10, thứ 40, thứ 100 và một lần nữa vào đúng 1 năm kể từ lúc người mất. Người ta không tổ chức lễ giỗ mà bất cứ lúc nào có của ngon vật lạ, họ có thể cầu nguyện để tưởng nhớ chung cho những người quá cố. Người Chăm Islam ở An Giang không làm bàn thờ để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Giáo luật nghiêm cấm việc thờ cúng các di ảnh hay mẫu tượng. Trong nhà có người chết cũng không mặc tang phục. Họ cũng không cần chọn đất mai táng. Ai chết ở đâu thì chôn ở khu vực đó, chỉ cần thực hiện đúng quy tắc mai táng là được.
Các nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam An Giang so với người Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn có những điểm tương đồng, nhưng về cơ bản vẫn khác nhau. Sự tương đồng này bắt nguồn từ cội rễ xa xưa tổ tiên của ba cộng đồng người này, đó là có cùng nguồn gốc, sống chung trong vương quốc Champa. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, với quá trình di cư, cộng cư liên tục, mỗi cộng đồng dân tộc có sự giao lưu và tiếp biến những giá trị văn hóa phù hợp. Trong sự biến đổi ấy, có sự biến đổi các nghi lễ vòng đời. Mặt khác, sự khác nhau về tín ngưỡng, tôn giáo dẫn đến sự khác biệt trong các nghi lễ vòng đời của mỗi cộng đồng dân tộc. Điều đáng nói là, tuy có sự khác biệt cơ bản, nhưng nhìn chung nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam An Giang, người Chăm Bàni hay người Chăm Bàlamôn đều chứa đựng những giá trị độc đáo.
Qua quá trình điền dã, khảo sát, nghiên cứu về nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang, chúng tôi có một số kiến nghị sau đây:
Cần có những chính sách hợp lý nhằm phục dựng các nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang, bởi lẽ, hiện nay, hầu hết các nghi lễ này đã có những biến đổi nhất định. Mặc dù sự biến đổi ấy vừa mang yếu tố tích cực, vừa mang yếu tố tiêu cực, song, nếu chúng ta không phục dựng, bảo tồn thì một thời gian không lâu, các nghi lễ truyền thống này sẽ biến dạng hoặc mất đi. Theo chúng tôi, khi phục dựng các nghi lễ, cần phải sao chụp, ghi hình và lưu trữ, bảo quản một cách nghiêm túc.
Qua hơn 2.000 danh mục đề tài, bài viết về văn hóa Chăm trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy các học giả đã đề cập ở khá nhiều phương diện khác nhau, song, hầu hết chỉ tập trung nghiên cứu văn hóa Chăm Bà la môn, Chăm Bà ni khu vực miền Trung, trong khi đó, việc nghiên cứu về người Chăm Islam ở An Giang còn khá khiêm tốn. Văn hóa người Chăm Islam An Giang chứa đựng nhiều yếu tố đặc sắc, cần phải được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm hơn nữa. Riêng tỉnh An Giang cần có những chương trình, đề án cụ thể nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, khơi dậy những giá trị văn hóa độc đáo còn tiềm ẩn trong cộng đồng dân tộc.
Liên quan đến nghi lễ vòng đời người Chăm Islam, chúng tôi nhận thấy, chúng ta nên có những công trình sưu tầm, dịch thuật các bài, đoạn kinh được đọc trong các nghi lễ này. Ví dụ, những bài kinh đọc trong cắt tóc và đặt tên cho đứa bé kinh đọc khi làm lễ cắt da quy đầu, kinh đọc trong các nghi lễ cưới xin và trong tang lễ…
Nhờ những chủ trương, chính sách tích cực của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của đồng bào Chăm Islam ở An Giang đã có sự tiến bộ rất rõ nét trong thời gian qua. Tuy vậy, việc tiếp thu các yếu tố mới trong đời sống hiện đại, không có sự sàng lọc thích hợp, ít nhiều đã ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Hiện nay, chỉ có các vị giáo cả, phó giáo cả hoặc các vị chức sắc, bô lão ở các làng Chăm là nắm được những nghi lễ vòng đời truyền thống của dân tộc mình khá đầy đủ. Trong khi đó, giới trẻ dân tộc Chăm dần thờ ơ với các phong tục truyền thống, thay vào đó là sự sính ngoại, sự đua đòi đôi khi thái quá. Trước tình hình này, các cấp, các ngành hữu quan cần có chính sách, biện pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Chăm nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Dohamide và Dorohiem. 2004. Bangsa Champa Tìm về cội nguồn cách xa. Califonia (Hoa Kỳ): Seacaef & Viet Foundation.
2. Inrasara. 2008. Văn hóa xã hội Chăm nghiên cứu và đối thoại. Hà Nội: NXB Văn học.
3. Lâm Tâm. 1993. Một số tập tục người Chăm An Giang. An Giang: Chi Hội Văn nghệ dân gian An Giang.
4. Nguyễn Công Bình (chủ biên). 1990. Văn hóa và cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Khoa học Xã hội.
5. Nguyễn Đức Hiệp. 18.02.2010. Bước tiến trong nghiên cứu văn hóa Chăm – Văn học Chăm [trực tuyến] vietsciences.free.fr. Đọc từ: http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/buoctientrongvanminhcham.htm (28/3/2010).
6. Nguyễn Văn Luận. 1974. Người Chăm Hồi giáo ở miền Tây Nam phần Việt Nam. Tp. HCM: Tủ sách biên khảo, Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh niên.
7. Phan Quốc Anh. 2004. Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Khoa học Xã hội.
8. Phan Quốc Anh. 2005. “Sự biến đổi Bàlamôn giáo trong cộng đồng người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận”. Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo. Số 3.
9. Phạm Thị Vinh. 2008. Islam ở Malaysia. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
10. Phan Văn Dốp, Nguyễn Việt Cường. 1991. Người Chăm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Khoa học Xã hội.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011
Tác giả: Võ Văn Thắng - Trương Chí Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét